← Hồi 549 | Hồi 551 → |
Không sai, Tào Tháo xuất binh rồi!
Chuẩn xác mà nói, không phải Tào Tháo xuất binh, mà là Tào Bằng xuất binh...quân Tào xuất kích, đối với Gia Cát Lượng mà nói, vốn dĩ phải là một chuyện tốt lành. Dù sao, quân Tào xuất kích, tình hình hẳn sẽ khiến cho Giang Đông khẩn trương hẳn lên, đối với kế hoạch du thuyết của Gia Cát Lượng ở Giang Đông, là một chuyện tốt lành khó có. Ngặt nỗi, Gia Cát Lượng lại không tài nào phấn khởi lên được.
Bởi vì nơi Tào Bằng tấn công chính là Ích Dương!
Tên nó được gọi là Ích Dương, theo Thái thú Trường Sa Đông Hán- Ứng Thiệu nói rằng:
Vì nó nằm ở vị trí mặt trời mọc của sông Ích Thủy, nên gọi là Ích Dương.
<< Thượng thư. Vũ Cống>> có ghi chép rằng: từ thời kì viễn cổ xa xưa, Ích Dương thuộc Kinh Châu- là một trong chín châu cổ xưa của Trung Quốc. Thời Xuân Thu thuộc nước Sở, thời Chiến Qquốc là quận Kiềm Trung lệ thuộc vào nước Sở. Công nguyên năm 221, nước Tần diệt Sở, lập quận Trường Sa, thiết lập chín huyện như huyện Ích Dương đây. Đến thời Tây Hán, hai chế độ quận huyện và phong quốc đồng hành với nhau, do đó Ích Dương lại lệ thuộc vào nước Trường Sa, quận Võ Lăng, thống nhất thuộc về bộ Thứ sử Kinh Châu. Đến thời Đông Hán, bãi bỏ việc phong quốc, chỉ lập quận huyện, thế là nước Trường Sa lại đổi thành quận Trường Sa, mà Ích Dương cũng tách ra từ quận Võ Lăng, trở thành một trong 11 huyện của Trường Sa, với bối cảnh như vậy, quận Võ Lăng và quận Trường Sa đối với việc sở hữu Ích Dương, cứ tranh giành mãi không thôi.
Dù sao huyện Ích Dương từng thuộc về quận Võ Lăng, nhưng lại đồng thời chịu sự trị vì của nước Trường Sa. Mà nay phân chia ra, quận Võ Lăng đương nhiên không đồng ý.
Vụ kiện tụng này, từ thời kì đầu của Đông Hán cứ kéo dài mãi đến cuối thời Đông Hán, cũng không có được kết quả sau cùng.
Dù sao tất cả mọi người đều biết rằng, Ích Dương thuộc quận Trường Sa, nhưng quyền nắm giữ của quận Trường Sa đối với Ích Dương, lại chịu sự ảnh hưởng của quận Võ Lăng, vô cùng mỏng manh.
Lưu Biểu tiến vào chiếm giữ Kinh Châu, chia cắt Ích Dương khỏi quận Trường Sa.
Hơn nữa lấy con nuôi Lưu Bàn làm thái thú quận Trường Sa, mới xem như đặt dấu chấm kết thúc cho vụ việc này.
Phía Bắc Ích Dương nằm gần sông ngòi, phía Đông Bắc chính là Động Đình Tám Trăm Dặm với sóng nước mênh mông, phía Tây và Tây Nam bộ, có núi Tuyết Phong kéo dài ngàn dặm làm bình phong che chắn (tên gọi là núi Tuyết Phong vì trên đỉnh núi quanh năm phủ đầy tuyết), Ích Dương là chìa khóa trọng hiểm yếu để tiến vào quận Trường Sa. Một khi Ích Dương bị công phá, cánh cổng của quận Trường Sa sẽ mở ra. Tuy nhiên, Ích Dương cũng không dễ đánh, không chỉ vì địa hình của nó không dễ dàng cho đại quân chinh phạt, càng là vì nó cách huyện La rất gần, khiến cho độ khó cũng theo đó tăng lên nhiều.
Huyện La, nay lại thuộc sở hữu của Giang Đông.
Tôn Quyền lệnh cho Thái Từ đóng quân ở huyện La, cùng kết hợp hô ứng với thủy quân Hồ La Uyên.
Nếu như quân Tào tấn công Ích Dương, tình hình chắc hẳn sẽ kinh động đến binh mã Giang Đông. Nay tuy rằng quan hệ giữa Giang Đông và Lưu Bị vẫn chưa đạt đến mức đứng chung trên một chiến tuyến, nhưng sự hỗ trợ lẫn nhau giữa họ, nói cho cùng vẫn còn được duy trì. Điều này chính là nguyên cớ vì sao độ khó của việc tấn công Ích Dương khá là lớn, kéo theo đủ mọi mặt.
Gia Cát Lượng đối với việc này, vừa mừng lại vừa căng thẳng.
Giữa tháng 2 năm Kiến An thứ 13, sau khi trải qua khoảng thời gian ngắn để làm quen và chỉnh đốn, cuối cùng thì Tào Bằng cũng có hành động.
Ngày 13, Tào Bằng lệnh cho Bàng Đức thống lĩnh bản bộ xuất kích, áp sát đến Ích Dương. Đồng thời, bởi vì Đỗ Kỳ soái lĩnh thủy quân tiến vào đóng quân tại hồ Động Đình, cũng giúp cho lòng Tào Bằng có thêm phần tự tin chiến thắng. Sau khi Đỗ Kỳ đến hồ Động Đình, lập tức tiếp cận theo hướng Đông, ở vị trí cách Bạc La Uyên trăm dặm, đóng doanh trại thủy quân kéo dài đến ba mươi dặm đường. Chủ soái thủy quân là Chu Thái và Từ Long kinh hãi, trận địa sẵn sàng đón quân địch, đồng thời liên lạc với Thái Sử Từ, lấy Bạc La Uyên và huyện La làm tuyến phòng ngự, hình thành một hệ thống phòng vệ. Thái Sử Từ còn lệnh cho người qua hồ Động Đình, chỉ trích Tào Bằng, khẽ khơi mào chiến tranh.
Ngu Phiên, tự Trọng Tường, 44 tuổi.
Người Hội Kê Dư Diêu, là con trai của Thái Thú Nhật Nam - Ngu Hâm, từng làm công tào (chức công tào sử thời xưa) dưới trướng của Thái thú Hội Kê –Vương Lãng, sau đó quy hàng Tôn Sách, gia nhập sĩ Giang Đông.
Người này là đại gia kinh học, lại tinh thông Kinh dịch.
Trước đây, triều đình từng phong Ngu Phiên làm Ngự Sử, nhưng bị Ngu Phiên từ chối.
Nay y dưới trướng của Tôn Quyền, nhậm chức Kỵ Đô úy, lần này đi cùng Thái sử Từ tiến vào chiếm giữ huyện La, làm Tế tửu quân sư (là một mưu sĩ tham mưu), địa vị cũng có chút cao trọng.
Y đích thân đến Hán Thọ, chỉ trích Tào Bằng.
-Nay Tào Công thường xuyên đi sứ sang Giang Đông, điều muốn hướng tới, chẳng qua là hai chữ hòa bình.
-Nhưng Đại đô đốc lại điều động binh mã, chẳng lẽ lại muốn khơi mào chiến tranh? Nếu là như vậy, trên dưới của Giang Đông, chắc chắn không lùi bước, vẫn mong Đại đô đốc suy nghĩ kỹ cho.
Đây cũng là nhân vật lưu danh sử sách.
Tào Bằng nghiêm trang mà ngồi trong đại sảnh của Đô đốc phủ, trên dưới đánh giá vị danh thần Giang Đông này.
Ngu Phiên là người Giang Đông điển hình, thân hình không cao, tầm khoản 170 cm, nhưng cũng có chút dung mạo, tướng tá phi phàm.
-Lời này của Trong Tường tiên sinh sai rồi.
Tào Bằng cười tủm tỉm nói:
-Ta muốn xung đột với Giang Đông khi nào?
-Ơ?
-Việc này chẳng qua là theo thường lệ đi thao diễn mà thôi, tiên sinh lại hà tất hoang mang. Tiên sinh ắt phải biết rằng, nay Thừa tướng thu phục Kinh Sở, là thừa lệnh vua mà làm...chỉ có điều thủy quân Kinh Sở hỗn loạn không chịu nổi, vì vậy mới lệnh cho Đỗ Bá Hầu, tiến vào đóng quân Động Đình. Nếu đã là thủy quân, thì không thể thiếu chút rèn luyện. Đỗ Bá Hầu vừa vào Động Đình, cũng không hiểu biết tình hình nơi này, cho nên mới có hành động thiết lập thủy trại, không có ác ý gì với Tử Nghĩa cả.
Tử Nghĩa, chính là Thái sử Từ.
Tào Bằng nói một cách hợp tình hợp lý, khiến cho Ngu Phiên cũng không biết chỉ trích thế nào nữa.
Người ta chỉ là huấn luyện thủy quân, thao diễn binh mã, nhân tiện làm quen với địa hình mà thôi. Quân Tào cũng chưa tấn công binh mã Giang Đông, chuyện khơi mào chiến tranh, khiêu khích xung đột, đương nhiên cũng chẳng thể nói từ đâu ra. Nhưng Ngu Phiên biết rằng, đó đều là cái cớ của Tào Bằng, vốn không đủ để y tin tưởng.
Ngu Phiên trầm ngâm một lát nói:
-Thế nhưng, Đại đô đốc phải biết rằng, thủy quân Giang Đông của ta đóng quân tại Hồ La Uyên.
-Cách thủy trại Thừa tướng, không xa quá trăm dặm. Thủy quân của ta cũng cần được thao diễn, chẳng may không cẩn thận mà gây nên xung đột, thế chẳng phải có thêm phiền phức không cần thiết hay sao?
-Thế thì tiên sinh muốn ta làm thế nào đây?
-Điều này ....
Ngu Phiên có chút khó xử.
Chẳng lẽ y lại đi nói với Tào Bằng, các người rút lui đi...chỉ sợ vừa nói xong, thì sẽ chọc giận Tào Bằng mất. Ngu Phiên là đại gia kinh học, đồng dạng cũng là danh sĩ Giang Đông. Đối với Tào Bằng, y cũng đã từng tìm hiểu, đặc biệt là khi y nghe nói, mười năm trước Tào Bằng từng đi theo Tuân Diễn đi sứ sang Giang Đông, sau khi tiếp xúc qua đám người Trương Chiêu, Chu Du, Tôn Sách...thì y càng cảm thấy hối hận. Nếu lúc đó tiêu diệt Tào Bằng, chẳng phải đã chặt được một cánh tay đắc lực của Tào Tháo hay sao?
Tuy nhiên, y cũng biết rằng, sự tự trách này thật vô lý.
Mười năm trước thì Tào Bằng chẳng qua là một đứa trẻ, chẳng có chút tiếng tăm gì, thậm chí còn ít người nghe qua tên của hắn. Lúc đó, Tào Bằng đến Giang Đông với thân phận là thư đồng của Tuân Diễn, ai lại ngờ đến, mười năm sau một tiểu thư đồng chẳng chút tên tuổi, lại trở thành nhân vật bắt mắt như hiện nay.
Ba bài văn Mông, khiến người trong thiên hạ ca tụng tán thưởng.
Hai bài văn chương, càng khiến người đời biết đến cốt cách rắn rỏi phi thường.
Ba năm ở Lương Châu, khiến Mã Đằng bị chém đầu, Khương Hồ quy thuận. Nay mảnh đất Tây Bắc, lại tái hiện sự màu mỡ của Tần Xuyên tám trăm dặm năm nào, khiến vô số người phải ngưỡng mộ. Mà nguyên nhân chung quy, lại là do nền tảng mà Tào Bằng đã gầy dựng nên. Cũng do sau khi Tào Cấp nhậm chức, nhiều năm kế thừa và duy trì chính sách của Tào Bằng, mở ra thương lộ Tây Vực, liên kết với thế gia ở Quan Trung, mới có được cục diện của Tây Bắc như ngày nay, càng trở thành một hậu phương vững chắc cho Tào Tháo.
Đối mặt với một người như vậy, Ngu Phiên tuy tuổi lớn hơn rất nhiều, nhưng cũng không dám thất lễ.
Cả cái Giang Đông, 80% là chịu sự truyền dạy từ ba thiên văn Mông kia của Tào Bằng. Năm ngoái, Tào Bằng xuất bản tác phẩm mới << Ba Mươi Sáu Kế >>, ngay cả nhân vật ngạo mạn phi phàm như Chu Du, cũng phải khen ngợi Tào Bằng là một đại gia binh pháp đương thời. Ngu Phiên thanh danh tuy lớn, nhưng không thể không cẩn thận từng li từng tí được.
Thời buổi này, ngươi đắc tội với quan viên thì chẳng có vấn đề gì, nhưng nếu ngươi chọc giận danh sĩ, chắc chắn sẽ bị người trong thiên hạ chỉ trích.
Dù đôi bên ở vị trí đối địch với nhau, nhưng ai lại dám tùy tiện chỉ trích Tào Bằng cớ chứ?
Cho dù là Tôn Sách, cũng tán thưởng không ngớt lời đối với Tào Bằng, không dám mở miệng mạo phạm, ba thiên văn Mông, đủ để người tri thức trong thiên hạ, tôn trọng gọi Tào Bằng một tiếng "Thầy".
Trong lòng Ngu Phiên thầm kêu khổ, không biết phải mở miệng như thế nào đây.
Không ngờ tới, Tào Bằng lại đột nhiên lên tiếng:
-Lời Trọng Tường tiên sinh nói, cũng không phải không có lý. Hai nhà ta và ngươi, khoản cách khá gần nhau, nếu có xung đột, đích thật là không đẹp, sẽ ảnh hưởng đến tình nghĩa hai nhà giữa ta và ngươi. Chi bằng thế này, ta lui binh sáu mươi dặm, đôi bên cùng giữ quy củ, ngươi thấy thế nào?
Lui binh sáu mươi dặm ư?
Điều này cái con mẹ nó, có khác biệt gì so với không lui đâu!
*****
Thế nhưng, người ta đã đủ để mặt ngươi rồi, thế này khiến cho Ngu Phiên càng khó mở lời hơn.
Động Đình này, vốn dĩ là địa bàn của Tào Tháo. Mà Giang Đông ngươi đóng quân ở Hồ La Uyên, tiến vào đóng giữ huyện La, đã là vượt quá ranh giới rồi. Sáu mươi dặm, là đã nể mặt các người rồi. Nếu thật sự khai chiến, chỉ e rằng bên phía Giang Đông chưa chắc đã tán đồng. Trách nhiệm này, ai cũng không dám gánh vác, ...sự nể mặt sáu mươi dặm này, ngươi còn muốn thế nào nữa?
Nhớ năm đó, Tấn Văn Công và Sở Vương giao ước, nhượng bộ lui binh ba xá (xá là nhường, 1 xá=30 dặm), cũng chẳng qua có chín mươi dặm mà thôi.
Sáu mươi dặm của Tào Bằng chính là lưỡng xá (nhường 60 dặm), giữa ngươi và ta không có giao tình gì, ta nể mặt ngươi sáu mươi dặm này, đã là đủ rồi...Ngu Phiên biết rằng, không nên yêu cầu thêm nữa.
Đồng thời y cũng biết rõ, cái gọi là đàm phán, chính là còn có thương lượng trong đó.
Thế là sau khi trầm ngâm một lúc lâu, Ngu Phiên chắp tay nói:
-Tình nghĩa của Đại đô đốc, Phiên xin ghi nhớ. Tuy nhiên chuyện này, Phiên không thể làm chủ, đợi Phiên quay về huyện La, thương nghị cùng Tử Nghĩa, sẽ hồi đáp với Đại Đô đốc sau. Lần này đường đột mà đến, nếu có đắc tội, vẫn xin Đại đô đốc thứ lỗi.
Tào Bằng nể mặt Ngu Phiên ngươi, thế thì Ngu Phiên ngươi cũng nên lễ tiết trọn vẹn.
Tào Bằng mỉm cười
-Thế thì, thứ Bằng không tiễn xa.
-Cáo từ!
Ngu Phiên vội vàng đến, lại gấp gáp rời đi. Sau khi Tào Bằng tiễn Ngu Phiên đi, cùng Pháp Chính và Trương Tùng, trèo lên đầu thành Hán Thọ.
Nay Tưởng Uyển đóng quân tại phía bắc sông Nguyên Thủy.
Bàng Sơn Dân thì ở lại Lâm Nguyên, phụ trách hỗ trợ Lại Cung. Thân làm danh sĩ Tương Dương, lại là con cháu họ Bàng, một trong tứ đại thế tộc ở Kinh Châu, Lại Cung dù có cao ngạo cách mấy, cũng vẫn hết mực tốn kính Bàng Sơn Dân. Xuất thân của người ta phơi bày ra đó, lại nào phải một danh sĩ Linh Lăng như gã có thể so bì được?
Loại danh sĩ này, lại chia làm tam đẳng (ba cấp).
Có loại như danh sĩ huyện quận, ví dụ như Lai Cung, Lưu Tiên, Đô Đãi thuộc loại này; Có danh sĩ châu quận, như đám người Khoái Càng, Khoái Lương, Bàng Sơn Dân; Trên châu quận, lại có danh sĩ thiên hạ. Như Chung Diêu, Tuân Úc, Vệ Ký.. tất cả đều thuộc hàng này.
Bàng Sơn Dân là danh sĩ châu quận, mà Lai Cung chẳng qua là danh sĩ huyện quận, đẳng cấp thấp hơn một bậc. Có một danh sĩ châu quận phục vụ cho y, Lai Cung còn có thể bất mãn điều gì chứ?
Trương Tùng hỏi:
-Công tử, sao lại nhượng bộ ạ?
Trước mặt người khác, Trương Tùng và Pháp Chính, đều gị Tào Bằng là "Đại đô đốc"; Nhưng sau lưng, bao gồm cả đám người Hoàng Trung, đều gọi Tào Bằng là "công tử". Cũng không phải ai đều có thể xưng Tào Bằng là "công tử". Hai chữ này, cũng là một dạng tượng trưng cho thân phận mình, đại biểu cho việc ngươi thuộc phía của Tào Bằng.
Đừng thấy Ngụy Diên và Tào Bằng quen thuộc như vậy, nhưng phần lớn thời gian, đều gọi với cách xưng là "Đại đô đốc".
Đồng dạng, Vương Uy trái lại muốn xưng hô Tào Bằng làm "công tử", nhưng không được như ý nguyện. Nguyên nhân rất đơn giản...thứ nhất, Vương Uy từng là thượng quan của Đặng Tắc, Tào Bằng cũng còn một chút tôn kính đối với gã; Thứ hai, là vì dấu tích của Vương Uy ở Kinh Châu quá sâu, Tào Bằng không dám tiếp nhận Vương Uy. Tuy nhiên không tiếp nạp, cũng không có nghĩa là không có chiếu cố. Nếu chiếu theo xa gần để phân định, Vương Uy chỉ có thể thuộc vào hàng nhân vật bên ngoài của Tào Bằng mà thôi.
Tào Bằng mỉm cười:
-Vĩnh Niên, hôm nay sự nhượng bộ của ta, chỉ để sải bước tiến lớn cho ngày mai.
-Ồ?
-Động Đình tám trăm dặm, nói cho cùng cũng hơi nhỏ.
Sẽ có một ngày, móng ngựa của ta sẽ giẫm trên Giang Đông, đến lúc đó sẽ là bọn họ nhượng bộ... nay, điều chúng ta cần làm là không nên so đo với Giang Đông, mà là...
Tào Bằng nói xong, đột nhiên phá lên cười.
-Xem ra Lệnh Minh, đã chuẩn bị xong rồi.
Đầu thành Ích Dương, mặt Lưu Bàn trầm như nước.
Nơi xa xa, quân Tào đã đóng doanh trại xong. Quân kỳ phấp phới, đao thương san sát, tuy khoảng cách khá xa, nhưng lại có thể cảm nhận được sát khí phủ đầy trời cao.
-Là ai lĩnh binh?
-Hồi bẩm tướng quân, chủ tướng quân Tào, tên là Bàng Đức.
-Bàng Đức?
Lưu Bàn chau mày lại, ánh mắt lạnh nhạt.
-Tào Hữu Học, ức hiếp ta quá đáng!
Ne1u như Tào Bằng lĩnh quân tới, nói không chừng Lưu Bàn sẽ hồi hộp một chút. Dù sao, uy danh của Tào Bằng cũng đã phơi bày ra đấy, từ khi ra đời đến nay, chưa từng bại trận, có thể nói là tướng quân luôn thắng trận. Lưu Bàn cũng là một người chủ có tâm khí cao ngạo, người bình thường căn bản là gã ta chẳng xem ra gì. Trước kia, gã cũng có ý muốn vật tay với Tào Bằng, nhưng khổ nỗi chưa có cơ hội. Nay gã đóng quân trấn giữ Ích Dương, mà Tào Bằng cũng làm đô đốc chuyện quân sự ở Kinh Nam, đôi bên xem như cũng đã có cơ hội giáp mặt với nhau. Lưu Bàn xoa tay sẵn sang, muốn phân lượng cao thấp với Tào Bằng, nào ngờ, người đến lại là một vô danh tiểu tốt.
Cũng khó trách, Bàng Đức của ngày hôm nay, vẫn thật là một vô danh tiểu tốt.
Có lẽ ở Tây Bắc Lương Châu, y từng có chút danh tiếng, mà nay trong quân Tào, ngoài trừ một số ít người ra, số còn lại biết đến Bàng Đức, là vì lúc đầu Bàng Đức không tiếc từ bỏ tương lai, đi theo Tào Bằng nhận hình phạt ở Huỳnh Dương. Vì vậy, trong mắt đại đa số người, Bàng Đức là một hảo hán trung liệt. Có lẽ võ nghệ cao cường, nhưng vẫn không đủ để đảm đương trọng trách. Thậm chí lúc Tào Bằng để Bàng Đức ra ngoài, Nhạc Tiến còn có chút lo lắng. Đến trận Ô Lâm chi chiến, Bàng Đức lập được chiến công, vậy mới khiến cho Nhạc Tiến hiểu biết hơn về Bàng Đức, cũng có chút gọi là tán thưởng.
Bản lĩnh của Bàng Đức rốt cục như thế nào?
Chỉ e rằng ngay cả Tào Tháo cũng không nói rõ được...huống chi là Lưu Bàn! Gã thậm chí còn chưa nghe nói đến tên của Bàng Đức, càng không phải nói đến việc hiểu biết về Bàng Đức.
Lưu Bàn tâm cao khí ngạo, làm sao có thể không tức giận cho được?
Tào Bằng ngươi phái một vô danh tiểu tốt ra, là muốn đánh chiếm Ích Dương sao? Thế chẳng phải đã quá xem thường Lưu Bàn ta ư?
Ngay lúc Lưu Bàn đang tức giận sự "vô lễ" của Tào Bằng, đột nhiên nghe thấy bên ngoài phía doanh trại quân Tào, truyền đến từng hồi tiếng tù và kéo dài. Kế sau đó, tiếng trống trận ầm ầm vang lên, vang dội giữa đất trời. Từng đội, từng nhóm quân Tào giết ra từ trong doanh trại, trong thoáng chốc đã tập hợp thành thế nhạn hành trận(trận pháp thời xưa, binh lực bố trí như độ nghiêng lúc chim nhạn bay) ở bên ngoài doanh trại. Trường binh ở trước, đoản binh ở sau, hai đội kỵ binh đi hai bên sườn, khí thế ngạo nghễ vô cùng.
Tiếng trống ngưng, liền thấy một viên đại tướng, bay ra từ trong kỳ môn của quân Tào.
Ngựa tuyết ô truy dưới chân, trong tay một thanh hổ bào đao, đội mũ giáp sắt.
Xem tuổi tác, độ chừng ba mươi tuổi. Gã ghìm cương chiến mã dưới thành, vung ngang thanh đao nghiêm giọng nói:
-Phản tặc trên thành nghe đây, ta là đại tướng Bàng Đức dưới trướng của tướng quân hoành dã (hoành dã là cách gọi tướng quân bật nhất thời xưa). Nay phụng thiên thảo nghịch, chinh phạt Trường Sa.
-Nếu như khôn ngoan, lập tức mở thành đầu hàng. Nếu không đợi lúc phá thành, gà chó không tha.
Khẩu khí lớn thật!
Lưu Bàn giận tím mặt:
-Hạng tiểu bối vô danh, sao dám ngông cuồng?
-Lưu hoàng thúc là đế trụ, cũng chính là thiên tử đã đích thân nói rằng. khống chế triều cương, trói buộc thiên tử để ra lệnh cho chư hầu, là quốc tặc, cớ gì lại đảo lộn trắng đen?
-Nay cẩu tặc phạm biên giới ta, thế thì đừng trách ta ra tay tàn khốc.
-Người đâu, ai sẽ lấy đầu tên cẩu tặc kia cho ta.
-Mạt tướng nguyện đi!
Lưu Bàn nói chưa dứt lời, liền thấy sau lưng có một gã bước ra.
Người này, tên là Cao Sung, người Trường Sa. Vốn dĩ là sơn tặc tàn sát bừa bãi trên núi Tuyết Phong, sau được Lưu Bàn thu phục. Thanh đại hoàn đao trong tay, tung hoành Kinh Nam, ít người có thể địch nổi. Lưu Bàn vừa trông thấy, lập tức vui mừng hớn hở, tức thì lệnh cho Cao Sung xuất thành nghênh chiến. Gã Cao Sung kia không nói thêm lời, sau khi xuống khỏi đầu thành, vịnh yên giẫm bàn đạp, xoay người ngồi lên lưng ngựa, dẫn theo tám trăm binh tốt tráng kiện, xông ra ngoài thành huyện Ích Dương trong tiếng trống trận rền vang.
Theo Lưu Bàn thấy, một vô danh tiểu tốt như Bàng Đức, Cao Sung cho dù không thắng nổi Bàng Đức, cũng đủ sức chống đỡ một lúc.
Gã đứng trên đầu thành quan sát, liền thấy Cao Sung phóng ngựa lao ra khỏi thành huyện.
Theo lẽ thường, đôi bên sẽ báo rõ danh tính, sau đó mới chém giết với nhau. Nào ngờ, Cao Sung vừa dàn trận xong, ra trước đội hình, ngay cả lời cũng chưa kịp nói, Bàng Đức đã thúc ngựa xông qua. Hay cho một con ngựa đạp tuyết ô truy, cứ như mũi tên rời khỏi dây cung mà bắn về phía Cao Sung.
Bàng Đức ngồi trên ngựa, thân hình hơi nghiêng về trước, đại đao trong tay trông có vẻ bất lực rủ xuống, nhưng đến khi y đến trước trận thế, đột nhiên xoay người ngồi dậy. Hai chân chợt đạp lên bàn đạp ngựa, xoay hông dùng sức dùng đao là chém. Gã Cao Sung kia giật nảy người, vội vàng giơ đao đón trả. Chỉ nghe keng một tiếng vang lên, thanh đao Hổ Bào bổ xuống đại hoàn đao của Cao Sung, sức mạnh khổng lồ, chấn động đến nỗi hai tay Cao Sung tê dại, hai tai cứ vang lên tiếng ong ong.
Tiếp theo sau một đòn rạng nứt đối với Cao Sung, cơ thể Bàng Đức hơi ngửa mình ra sau, thoáng chốc lại nghiêng người vung đao lần nữa.
-Liên Sơn đao!
Trong miệng truyền đến tiếng hét như sấm rền, thanh Hổ Bào trong tay Bàng Đức, bổ ra giống y như tia chớp. Giao kích, thu lực, lại bổ xuống, lại thu lực...lúc nói thì chậm, lúc đó thì nhanh, trong phút chốc Bàng Đức đã bổ ra mười ba đao. Nhưng trong mắt những người xung quanh, lại tựa hồ chỉ có một đao mà thôi.
Một đao nhanh hơn một đao, đao này mạnh hơn đao kia.
Đao chém liên tục, kình lực kết hợp. Căn bản là Bàng Đức không định giằng co quá lâu với tên nhãi này, quyết định tốc chiến tốc thắng. Y cũng biết rằng, danh tiếng cũng mình không kêu, tuy chỉ dựa vào danh nghĩa là thân tín của Tào Bằng mà được làm một trong tám giáo Kinh Nam, nhưng trong đám quân Tào, rất nhiều kẻ không phục y.
Rất nhiều người cảm thấy, Bàng Đức là dựa vào sự tin cậy của Tào Bằng, mới có thể giữ được vị trí tám giáo Kinh Nam.
Chỉ có điều, Tào Bằng đô đốc chiến sự Kinh Nam, cũng là thống soái quân sự cao nhất Kinh Nam. Hắn muốn dùng người nào, căn bản sẽ không cần thương lượng với bất cứ ai, vả lại hắn cũng có quyền hạn đó, quyền lực độc đoán.
Ngay cả Tuân Úc cũng không hỏi tới, ai lại có thể hỏi chứ. Tào Tháo ư? Ông ta dám ủy thác phái một Tào Bằng 26 tuổi đơn độc thống lĩnh đại quyền quân sự Kinh Nam, vốn dĩ đã tỏ rõ thái độ. Bối cảnh như vậy, cho dù có người bất mãn trong lòng, cũng chỉ có thể uất nghẹn trong lòng thôi.
-Ta chính là muốn dùng Bàng Đức, những kẻ khác ta không quen.
Tào Bằng không chút mập mờ, trực tiếp nói rõ lý do.
Đây cũng là sự ủng hộ của hắn đối với Bàng Đức! Tuy nói rằng trong quân đội không có ai ăn nói nhiều lời, nhưng không thể phủ nhận, có rất nhiều kẻ bất mãn trong lòng.
Bàng Đức cũng hiểu rất rõ tình cảnh như vậy...nhưng đã càng như thế, y lại càng phải chứng tỏ bản lĩnh của mình, để chứng thực lời nói của Tào Bằng.
Mười ba đao kết hợp như một đao, chiếu liên sơn đao bổ xuống, Cao Sung thảm kêu một tiếng, bị uy lực một đao của Bàng Đức bổ ra làm hai.
Chiến mã vô chủ kéo lê nửa cái xác rách nát mà hoảng loạn bỏ chạy, Bàng Đức đi ngựa vòng quanh, đao chỉ lên đầu thành:
-Nghịch tặc Lưu Bàn, có dám đấu với ta!
Trên thành Ích Dương, Lưu Bàn mặt trầm như nước...
Huyện La, huyện giải.
Chu Thái sải bước thoăn thoắt, xông vào đại sảnh, dùng giọng điệu mang đầy màu sắc của Ngô Việt, lớn tiếng quát ầm lên, không thể không nói, giọng địa phương của đất Ngô Việt, lúc mắng người cũng có chút cảm giác như dùng vải lụa mà chùi mông đít vậy, mềm mại, nhưng ngôn từ trong đó lại vô cùng độc ác.
-Ấu Bình, ngươi lại bị sao nữa?
Thái Sử Từ lập tức cảm thấy điên đầu.
Gã là người Đông Lai, nói là nói tiếng Thanh Châu.
Mặc dù vào Nam ra Bắc, giọng nói đã sớm có sự biến đổi, thậm chí sống nhiều năm ở Giang Đông, nhưng chung quy vẫn nghiêng về giọng quan thoại hơn một chút. Bình thường nói chuyện với Chu Thái bọn họ còn được, nhưng một khi đám người Chu Thái này nói nhanh đi rồi, gã hơi lớ ngớ chẳng biết phải làm thế nào.
Chu Thái là người Hạ Thái, nhưng quanh năm sống trên vùng sông nước, trường cư ở Giang Đông, do đó tiếng nói thuần túy là tiếng địa phương Ngô Việt.
Tiếng địa phương của Ngô Việt vào cuối đời Đông Hán, có chút khác biệt so với giọng điệu mềm mại của Ngô Nông đời sau này. In dấu trong lịch sử, người Trung Nguyên đã mấy lần dời đô đến phương Nam, Đông Tây lưỡng Tấn (tên nước Đông Tấn và Tây Tấn), còn có Bắc Tống cùng nam tiến, tạo nên một lượng lớn người phương Bắc di dời xuống Nam, khiến cho ngôn ngữ địa phương của người Ngô Việt nảy sinh rất nhiều biến đổi, nhưng vào thời Đông Hán, trong tiếng địa phương Ngô Việt đã xen lẫn rất nhiều tiếng thổ Sơn Việt, nếu như không phải là người Giang Đông thuần túy, rất có thể sẽ nghe không hiểu.
Chu Thái nói:
-, hiếp người quá đáng.
-Gã nào?
Chu Thái mặt đỏ bừng lên, lớn tiếng rít gào:
-Còn gã nào nữa, đương nhiên gã tiểu tặc ở Hán Thọ rồi.
-Sao thế?
Chu Thái tức giận nói:
-Hôm nay Văn Hướng lĩnh binh đi tuần tra trên hồ, không ngờ đụng phải chiến thuyền của quân Tào. Ngươi cũng biết đó, lúc tuần tra thì đều là thuyền con, nhưng quân Tào lại dùng toàn thuyền lớn. Ép đến Văn Hướng không thể không nhường đường, còn có hai chiếc thuyền chiến, suýt chút nữa là bị thủy quân của va đến lật thuyền...Tử Nghĩa, ngươi nói xem, đây có phải là hiếp người quá đáng hay không?
Nghe ra, có vẻ hơi quá đáng rồi!
Tuy nhiên Thái sử Từ không hề tức giận, mà nửa cười nửa không nhìn Chu Thái, sau một lúc đột nhiên nói:
-Ấu Bình, thuyền của Văn Hướng, có phải đã qua khỏi đường ranh giới trăm dặm không?
-Cái này...?
Từ sau khi Ngu Phiên đi sứ sang Hán Thọ, Tào Bằng hạ lệnh, thủy quân lui về sáu mươi dặm.
Tuy nhiên, hắn đồng thời đã cùng Thái sử Từ phân ra đường ranh giới, đôi bên không được tự tiện vượt quá ranh giới, nếu không coi như đã gây hứng trước.
Thái sử Từ chưa gặp qua Tào Bằng, nhưng đã nghe danh từ lâu.
Y cảm thấy, Tào Bằng không cần thiết phải chủ động gây sự trước, nếu nảy sinh xung đột, tám chín phần là đám người của Chu Thái đã lén lút gây chuyện. Chu Thái xuất thân từ thủy tặc, mà Từ Thịnh đồng dạng cũng xuất thân từ bèo dạt mây trôi.
Kiến An 5 năm (năm 200), Tôn Sách qua đời, Tôn Quyền chiêu mộ binh mã. Kẻ chuyên làm lưu manh du côn trong chợ huyện Ngô là Từ Thịnh, gia nhập vào quân ngũ, đồng thời nhanh chóng lập được chiến công tuyệt vời, có được sự tán thưởng của Tôn Quyền.
Nếu như nói, đám người Chu Du, Hạ Tề, Chu Nhiên...đều là do một tay Tôn Sách cất nhấc.
Thế thì những tướng lĩnh phất dậy sau khi Tôn Quyền chấp chính như là Chu Thái, Từ Thịnh, Khâm Dĩ và Tô Phi, đều thuộc thân tín của Tôn Quyền.
Thái sử Từ là Tôn Sách hàng phục, cho nên cũng không được xem là tâm phúc của Tôn Quyền. Nhưng y cũng là một người thông minh, chưa bao giờ kéo bè kết phái, càng không gây xung đột với bất cứ ai, vì vậy có thể nắm được quyền lớn trong tay. Chu Thái và Từ Thịnh, không thể thay đổi thói quen bạo hành ngang ngược! Lúc ở Giang Đông, ỷ được Tôn Quyền khen ngợi, cũng có chút ngang tàng hống hách. Nay đóng quân Hồ La Uyên, trên danh nghĩa thì nghe theo sự quản chế của Thái sử Từ, nhưng trên thực tế, gã lại không hề nghe theo chỉ huy.
Đây là những kẻ không chịu được sự buồn tẻ, tất nhiên là đã vượt quá ranh giới phân chia rồi.
Nếu không, quân Tào không thể nào vô duyên vô cớ mà đi va chạm với thuyền con, vào lúc này mà hành động như vậy, thật rất dễ gây nên xung đột.
Mặt Chu Thái đỏ lên
-Từ khi ta sinh ra, tung hoành trên giang hồ, chưa từng phải nhường nhịn ai?
-Ấu Bình, ngươi có thể không nghe sai khiến.
-Nhưng ngươi phải biết rằng, giờ là thời điểm quan trọng để chủ công thụ phong chức Đại tư mã. Nếu nguyên nhân bởi vì ngươi, mà khiến cho chủ công mất đi cơ hội vàng, đến lúc đó lại làm sao giao phó với chủ công đây? Hơn nữa hãy nhẫn nhịn trước đi, quân Tào thế mạnh, thật sự ta không thể gây sự trực diện với họ. Tào Bằng kia, cũng chẳng phải hạng tầm thường. Nay hắn trấn thủ Hán Thọ, là Đô đốc quân sự Kinh Nam, nắm quyền hành lớn trong tay, thật sự không phải người mà ta hay ngươi có thể khiêu khích được đâu.
-Ngươi hãy quản thúc thuộc hạ, không nên tự tiên đi gây sự với quân Tào.
-Chí ít thì với tình hình trước mắt, không thể làm như vậy ...sau này, cái ta có là cơ hội.
Sắc mặt và giọng nói của Thái sử Từ nghiêm nghị, khiến cho Chu Thái không kìm được cúi đầu xuống.
Đúng lúc này, đột nhiên nghe có tiếng bước chân ngoài đại sảnh, một tên tiểu giáo lảo đảo chạy vội vào, sau khi tiến vào sảnh liền quỳ một gối xuống đất nói:
-Tướng quân, đại sự chẳng lành!
-Chuyện gì?
-Hôm qua quân Tào đã phát động tấn công Ích Dương.
*****
Thái sử Từ nghe được, kinh hãi biến sắc.
Y vội vàng đứng dậy, nghiêm giọng quát nói:
-Đã xác minh chưa?
-Đã xác minh...quân Tào lệnh Bàng Đức làm tiên phong, Tương Uyển làm trưởng sử trong quân, đồng thời đang điều binh khiển tướng tại Hán Thọ, tiếp viện Ích Dương.
-Lưu Bàn tại Ích Dương hôm qua liên tiếp bại trận. Nay đã nghiêm giữ thành trì, không dám ứng chiến.
-Lưu Bàn phái người đến, cầu tướng quân trợ giúp, nói rằng môi hở răng lạnh, xin tướng quân sớm phát binh cứu viện, cứu giúp Ích Dương.
Chỉ mới một ngày, đã chống đỡ không nổi sao?
Thái sử Từ cau mày, lộ vẻ trầm ngâm.
Bàng Đức này, tiếng tăm hình như không vang dội cho lắm. Ít nhất thì đối với Thái sử Từ mà nói, xưa nay chưa từng nghe thấy tên hiệu của Bàng Đức. Điều này cũng khó trách, Thái sử Từ sống ở Giang Đông nhiều năm, hiếm khi tiếp súc với phương Bắc.
Còn Bàng Đức thì sao? Cứ đi theo Tào Bằng suốt, rất nhiều người căn bản là không rõ y là người thế nào. Tuy nhiên, Thái sử Từ cũng không dám nhẹ dạ bất cẩn. Bàng Đức có thể được Tào Bằng phong cho chức làm tiên phong, ắt hẳn có chỗ phi phàm xuất chúng.
Người này, cũng không thể xem thường được.
Thái sử Từ cũng có chút đau đầu rồi...nhưng Chu Thái lại chẳng màng nhiều như vậy.
-Tử Nghĩa, nếu tên tiểu tặc kia đã đánh tới cửa rồi, mình cũng không thể mặc kệ bỏ qua được.
Thái sử Từ tức giận nói:
-Gã đánh là đánh cửa của Lưu Bị, lại không phải cửa của chúng ta.
-Đạo lý môi hở răng lạnh đương nhiên không sai, nhưng vấn đề là, chúng ta có thể điều động binh lực không? Trước đây ta còn thấy kỳ lạ, tại sao Tào Bằng lại bắt thủy quân chiếm đóng Động Đình. Giờ thì ta hiểu rồi, hắn chính là muốn dùng số thủy quân này để giữ chân chúng ta, sau đó chiếm lấy Ích Dương, mở cánh cửa Trường Sa.
-Ta dám khẳng định, nếu chúng ta động đậy một cái, thủy quân trên hồ Động Đình, chắc chắn sẽ áp sát bờ.
Nào hay Chu Thái nghe rồi, lại chẳng thèm quan tâm, lớn tiếng nói:
-Sợ bọn chúng cái gì chứ? Chủ công lệnh cho ta đóng quân Hồ La Uyên, vốn dĩ là để ta hỗ trợ cho Lưu Huyền Đức đó. Nếu như khoanh tay đứng nhìn, thế làm sao giao phó với chủ công đây? Còn về phần thủy quân tiểu tặc...ha ha...Tử Nghĩa lại hà tất lo lắng chứ? Bọn thủy quân Kinh Châu kia thì có bản lĩnh gì, trong lòng ngươi và ta đều biết rõ, cho dù tiểu tặc kia có tài năng kinh trời, cũng không tài nào trong thời gian ngắn ngủi, làm cho thủy quân Kinh Châu có sự biến đổi quá lớn...như vậy đi, ta dẫn theo thủy quân xuất kích, đánh úp thủy quân tiểu tặc, vậy Tử Nghĩa vô âu vô lo, nhanh chóng tiếp viện Ích Dương.
Chu Thái nói một cách tràn đầy tự tin, khiến cho Thái sử Từ cũng không kìm được mà gật đầu liên tục.
Chu Thái nói một cách tràn đầy tự tin, khiến cho Thái sử Từ cũng không kìm được mà gật đầu liên tục.
Đầu hàng Giang Đông bao năm, cũng đã giao đấu với binh mã Kinh Châu vô số lần.
Đối với sức chiến đấu của quân Kinh Châu, Thái sử Từ nắm rõ như ban ngày...theo lời gã nói, quân Kinh Châu chính là một đóng rác rưởi.
Ngoại trừ vài người ít ỏi ra, căn bản là không đáng để gã để mắt tới. Mà trong số những vài người ít ỏi này, cũng bao gồm cả Lưu Bàn, Lưu Hổ, Văn Sính, Vương Uy. Tướng lĩnh lục chiến, cũng chỉ vài đối thủ này, về phần thủy chiến, chỉ có một tên Hoàng Tổ là có thể ứng chiến được. Nhưng mà Hoàng Tổ, đã sớm tử trận rồi.
Sức chiến đấu của thủy quân Kinh Châu, trong mắt của chúng tướng Giang Đông, chính là một trò cười.
Thái sử Từ ngẫm nghĩ, cũng cho rằng lời của Chu Thái nói không sai. Tôn Quyền phái bọn họ đến đây, chính là muốn bọn họ hiệp trợ Lưu Bị.
Vào lúc này, nếu khoanh tay đứng nhìn, chỉ sợ sẽ bị kẻ khác chê cười. Hơn nữa lời của Chu Thái nói không sai, thủy quân Kinh Châu căn bản chẳng là gì cả...
-Nếu đã như vậy, Ấu Bình lập tức điều khiển binh mã, vào hồ Động Đình đuổi đám thủy quân tiểu tặc đi.
Mới nói đến một nửa, Thái sử Từ lại đột nhiên nói:
-Nhưng mà Ấu Bình, ngươi phải chú ý, đừng ra tay quá nặng. Dù sao Tào Tháo và chủ công đang giao hảo với nhau, thẳng tay quá, không khéo sẽ chọc giận Tào Tháo, trái lại sẽ không hay. Đánh cho bọn chúng quay về là được, giờ ta chuẩn bị điều binh khiển tướng.
Chu Thái nghe vậy, cười ha hả.
-Tử Nghĩa yên tâm, ta tự có cân nhắc.
-Nhưng cũng chẳng biết đám tiểu tặc kia sau khi bị ta đánh chạy trở về, có khóc nhè không nữa.... ha ha, giờ ta trở về ngay, cùng Văn Hướng xuất binh tác chiến.
Chu Thái không nói thêm lời nào, liền chạy ra khỏi đại sảnh.
Thế nhưng trong lòng Thái sử Từ lại có một cảm giác bất an lạ thường.
Gã luôn cảm thấy, chuyện này có chút kỳ lạ. Tào Bằng vừa mới đến Hán Thọ có mười mấy ngày, liền liều lĩnh khai chiến. Có chút khác thường so với thói quen của hắn trước kia.
Theo hiểu biết của Thái sử Từ, Tào Bằng mỗi lần dùng binh, chắc chắn sẽ ngủ đông trước.
Sau đó tấn công kẻ không phòng bị, khiến đối phương bất ngờ. Không động thủ thì thôi, nhưng một khi đã động thủ, thì đó là cuộc tấn công tựa như sấm chớp bão bùng, cực kỳ hung ác. Tuy nhiên lần này, tại sao bỗng nhiên Tào Bằng lại tấn công Ích Dương? Chẳng lẽ hắn không biết là, thủy quân Kinh Châu không đủ sức cầm cự?
Nghĩ đến đây, Thái sử Từ đột nhiên thay đổi ý định.
-Lập tức phái người đi đến Ích Dương, cứ nói là xin Lưu Cự Thạch kiên trì thêm một ngày nữa, phía chúng ta sẽ nhanh chóng xuất binh viện trợ. Lại phái người đến Lâm Tương, báo cho Lưu Hoàng thúc, cứ nói rằng bên phía ta tuy có thể tiếp viện khẩn cấp, nhưng binh lực không đủ, e rằng khó lòng phái đi ra trận, xin y hãy suy nghĩ cách khác.
-Hãy chờ đợi trước đã, đợi chờ một thời gian hãy nói...ít nhất, phải xem hành động của thủy quân, sau đó lại quyết đoán sau!
Xuất binh thì nhất định phải xuất binh rồi, nhưng không thể khua chiêng going trống, vẫn là cẩn thận một chút sẽ tốt hơn...Trước khi đến huyện La, Thái sử Từ đã từng thăm hỏi Chu Du, Hạ Tề, và cả chàng thanh niên anh tuấn thuộc thổ tộc bổn địa Giang Đông, Lục Tốn.
Lời góp ý mà Chu Du và Hạ Tề dành cho Thái sử Từ, đó là đi trên băng mỏng, vô cùng cẩn thận. Vừa phải bảo vệ lợi ích của Lưu Bị, vừa không được chọc giận Tào Tháo.
Thế nhưng chủ ý mà Lục Tốn đưa ra cho Thái sử Từ lại là:
-Con người Tào Bằng, có khí chất của đại trượng phu. Đối với loại người này, có thể giao hảo, cố gắng đừng đắc tội.
-Cho nên, ngươi đến huyện La rồi, tốt nhất là hãy giám thúc hành vi của đám người Chu Thái và Từ Thịnh. Xưa nay Tào Bằng là người ngươi kính ta một thước, ta kính ngươi một trượng. Nếu quả thật chọc giận người này, hắn tuyệt đối dám đập nồi dìm thuyền đấy.
Đây cũng là người duy nhất trong đám tướng Giang Đông, kiến nghị nhắc nhở Thái sử Từ phải lưu ý đến Tào Bằng.
Lục Tốn dường như rất hiểu Tào Bằng, đồng thời trong giọng điệu, cũng có chút thiện cảm với Tào Bằng. Trái lại, hai người Chu Du và Hạ Tề, thì tỏ ra có chút khinh thường, cũng chẳng xem Tào Bằng ra gì. Tuy nhiên nếu đứng về góc độ của bọn họ mà nói, bất kể là Chu Thái, Hạ Tề hay là Lục Tốn, tất cả đều không sai.
Chu Du là Đại đô đốc thủy quân Giang Đông, Hạ Tề là Thái thú Hội Kê.
Địa vị của hai người phơi bày ra đó, tầm nhìn vấn đề đương nhiên sẽ khác biệt. Có lẽ trong mắt bọn họ, đối thủ thật sự, chính là Tào Tháo!
Nhưng Lục Tốn nay chẳng qua là một huyện lệnh, vì vậy càng chú trọng tiểu tiết hơn.
Lục Tốn nói với Thái sử Từ:
-Lưu Bị ở Kinh Nam, Tào Tháo sẽ không làm ngơ cho qua.
-Trong trường hợp đó Tào Mạnh Đức không thể đích thân đối phó với Lưu Bị, vì vậy sẽ phái tâm phúc, làm Đô đốc Kinh Nam. Nếu ta đoán không nhầm, gã tám chín phần, sẽ phái Tào Bằng đi. Thứ nhất Tào Tháo vô cùng sủng ái Tào Bằng, thứ hai Tào Bằng này và Lưu Bị, cũng coi như là đối thủ lâu năm.. Tử Nghĩa đến lúc đó, phải thật cẩn thận.
Bá Ngôn, quả thật thần cơ diệu toán!
Trong lòng Thái sử Từ phát lên một tiếng cảm thán, thoáng chốc thu hồi suy tư, điều quân khiển tướng.
Hồ La Uyên, tất Hồ La Giang của đời sau.
Nó nối liền với Động Đình, giao thông nước sông, vị trí ở bên bờ huyện La.
Thủy trại của thủy quân Giang Đông, chính là được dựng trên bờ Hồ La Uyên. Chu Thái vội vàng quay về thủy trại, lập tức tìm Từ Thịnh đến, nói rõ đầu đuôi sự việc.
Mà nay Hồ La Uyên, tổng cộng có ba mươi chiếc thuyền lớn, thuyền chiến thì hơn trăm chiếc.
Quân số thủy quân, tuy không vượt quá mười ngàn, nhưng đều là tinh nhuệ của thủy quân Giang Đông.
Đây cũng là nguyên nhân chính khiến Chu Thái hống hách kiêu ngạo như vậy...Từ Thịnh nói:
-Nay mặt trời sáng rực, không dễ dàng xuất binh. Thủy quân Kinh Châu tuy rằng không chịu nổi một đòn, nhưng dù sao cũng có ưu thế về số đông. Theo ta thấy, ra mật lệnh bảo các anh em chuẩn bị sẵn sàng, sau khi trời tối giết vào Động Đình, trực tiếp xông thẳng vào thủy trại của quân Tào, có thể một kích thắng lợi, Ấu Bình thấy thế nào?
Chu Thái nghe xong, vui mừng ra mặt.
-Cứ theo lời của Văn Hướng.
Ngay tức thì, Chu Thái và Từ Thịnh ra mật lệnh bảo hai mươi thuyền lầu, năm mươi thuyền chiến của thủy quân Giang Đông, chuẩn bị sẵn sàng xuất kích. Đồng thời, gã lại lệnh cho người tạo cảnh tượng giả là đang nghỉ ngơi và chỉnh đốn quân ngũ, đánh lạc hướng tai mắt của quân Tào ở Động Đình. Đợi sau khi trời sập tối, bọn thủy quân Giang Đông ăn uống no say chỉ chờ bùng phát. Đi cùng tiếng ra lệnh của Chu Thái, chiến thuyền ở trước, thuyền lầu ở giữa, triển khai dàn trận chim nhạn bay, chậm rãi tiến vào hồ Động Đình.
Bóng đêm dày đặc, Động Đình tám trăm dặm một màu đen tối.
Nơi xa xa, có thể nhìn thấy chấm chấm những ngọn đèn li ti trong thủy trại quân Tào, thỉnh thoảng truyền đến tiếng đánh canh và nấu nướng của xoang nồi mơ hồi vang lên.
Tiếp cận một cách từ từ, cố gắng hết sức tránh để phát ra âm thanh. Thuyền lướt trên dưới, vẽ ra từng đường nước, cách ranh giới quân Tào càng lúc càng gần.
Sau khi vượt qua ranh giới, Chu Thái và Từ Thịnh, không hẹn mà cùng đồng thanh thở dài một hơi.
Cách thủy trại quân Tào, cũng chỉ còn mấy mươi dặm lộ trình. Nhìn sắc trời, lại mây mù dầy đặc, sao lặng mất hút...trăng tối đêm giết người, gió cao ngày phóng hỏa.
Quả là một ngày tập kích doanh trại tốt lành, ngay cả trời cao cũng giúp chúng ta!
Kỳ thật, chỉ tháng hai, sau thời ngủ đông của côn trùng, nước mưa của hồ Động Đình sẽ có rất nhiều sự biến đổi, thường xuyên không thấy được một ánh mặt trời nào trong mười mấy ngày liền...chính vào lúc Chu Thái đang mừng thầm, đột nhiên nghe thấy trên mặt hồ, truyền tới từng hồi trống trận.
Trong đám lau sậy dập dờn, bay ra từng chiếc thuyền lầu, bao vây lấy thủy quân Giang Đông. Thủy trại quân Tào ở phía xa, càng đèn đuốc sáng rực.
Từng chiếc thuyền chiến xông ra khỏi cổng trại thủy quân, lần lượt xếp hàng trên mặt hồ, ba chiếc thuyền lầu to lớn, chậm rãi lái ra khỏi thủy trại, tiến gần tới thủy quân Giang Đông.
-Chu Ấu Bình, sớm biết ngươi là kẻ không đạo nghĩa.
-Lúc đầu định hiệp ước, vẽ ra ranh giới trên hồ...nhưng hạng người như ngươi, hết lần này đến lần khác vượt biên khiêu khích, chẳng lẽ ngươi nghĩ rằng thủy quân của ta không có người sao?
Trước hết là chiếc thuyền lầu to lớn được nhắc tới, to gấp rưỡi so với thuyền lầu của Giang Đông.
Đây cũng là sự khác biệt về trang bị giữa thủy quân Kinh Châu và thủy quân Giang Đông. Thủy quân Giang Đông cầu kỳ về tính linh hoạt, nên thể tích thuyền lầu tương đối là bé. Còn thủy quân Kinh Châu, thì chú trọng đến sức chiến đấu của thuyền con hơn, cho nên lúc dựng thuyền, càng chú trọng độ dày, độ to hơn, để tăng cường sức tấn công va đập của thuyền lầu.
Chu Thái giật mình, không khỏi hoảng sợ.
Tuy nhiên, gã cũng chưa hoang mang...cảnh tượng quẫn bách hơn trước mắt cũng không phải chưa từng gặp qua. Thêm vào đó, trong thâm tâm gã lại xem thường sức chiến đấu của thủy quân Kinh Châu, Chu Thái không những không hồi hộp, trái lại còn to tiếng cười không ngớt.
-Loại như ngươi, cũng dám xưng là thủy quân à?
Nói xong, gã rút đao ra và nghiêm giọng quát:
-Xông lên.
Ba chiếc thuyền lầu, dưới sự phối hợp của thuyền chiến, nhanh chóng áp sát thuyền lầu của quân Tào.
Mà trên chiếc thuyền đầu đàn, Đỗ Kỳ ra lệnh cho người châm đèn, tức thì cả mặt hồ được thấp sáng bừng bừng.
Thuyền soái chậm rãi tiến lên, ngay lúc thuyền lầu thuyền chiến áp sát từ hai bên sườn, Đỗ Kỳ đột nhiên ra lệnh, lệnh cho thuyền lầu xếp hàng ngang tại chỗ. Thể tích to lớn của thuyền lầu, chậm rãi vẽ ra một hình cung trên mặt nước, mấy chiếc thuyền chiến cũng chuyển động theo thuyền soái, lập tức bị va đến tơi bời hoa lá.
Quân tốt trên thuyền rớt xuống nước, chẳng chờ bọn họ vùng vẫy, liền thấy mười mấy chiếc thuyền chiến của quân Tào xông lên trước.
Những tay quân tốt thủy quân trên thuyền, tay cầm lưỡi dao sắc bén cứ chộp lấy thủy quân Giang Đông đã rớt nước, giơ tay chém xuống, chặt bỏ thủ cấp.
Từ Thịnh ở phía sau, tức thì cảm thấy có điều chẳng lành.
Gã muốn quát bảo Chu Thái ngừng lại, nhưng Chu Thái đã lệnh cho thuyền lầu, nhắm vào thuyền lầu quân Tào mà va đập.
Cự ly cách thuyền soái càng lúc càng gần, Chu Thái nhìn thấy, bên sườn thuyền lầu của quân Tào, thủ sẵn từng hàng đồ vật, tất cả đều dùng vải đen che phủ.
Chính lúc Giang Đông lộ ra khoảng cách cách thuyền soái quân Tào chỉ còn sáu trăm bước, Đỗ Kỳ lại ra lệnh lần nữa, lệnh cho người nhấc vải đen ra.
Hai bên mép thuyền soái, có chuẩn bị thiết lập mười mấy cây nỏ bát ngưu. Tuy nhiên, kết cấu của những nỏ bát ngưu này, so với lúc đầu khi Vũ Âm tỏ uy phong, lại có biến đổi rất lớn. Dây cung dày hơn, cơ nỏ to hơn...hơn nữa bên cạnh cơ nỏ, có thêm tay quay, có thể dễ dàng căng dây cung ra. Nhất thương tam kiếm tiễn sau khi trải qua cải tiến, cũng thay đổi bộ dạng. thân mũi tên thô như cánh tay trẻ con, đầu mũi tên cũng dài hơn, sắc bén hơn nữa.
Đỗ Kỳ quát lớn một tiếng:
-Bắn tên!
Cung nỏ thủ lập tức lắp đặt cơ nỏ, mười cây thương mâu, rít gào bay thẳng đến thuyền lầu của Chu Thái.
Tên phóng đi trong nháy mắt, tạo nên sức giật lùi lạ thường, thuyền lầu to lớn, không ngờ lại hơi lắc lư trên mặt nước.
Nỏ bát ngưu sau khi trải qua sự cải tiến, có thể xuyên thấu tường dày trong phạm vi sáu trăm bước.
Mà thuyền lầu của Chu Thái đang đi hết tốc lực, lúc nỏ bát ngưu bắn tên, Chu Thái cũng ý thức được điều chẳng lành. Nhưng quán tính to lớn, khiến gã không tài nào né tránh được, chỉ đành hạ lệnh dàn ngang thuyền lầu, ý muốn né tránh. Thế nhưng, tốc độ của nhất thương tam kiếm tiễn kia, thật sự quá nhanh!
Chỉ nghe đùng một tiếng, thân thuyền bị mũi tên nhất thương tam kiếm tiễn xuyên thấu, để lại một lỗ thủng to đùng trên thân thuyền.
Mười cây thương mâu, có ba cây trúng mục tiêu. Bảy cây còn lại, lại có hai cây trúng vào thuyền chiến đang đứng bên cạnh thuyền lầu. Sức xuyên thấu cực lớn, trực tiếp bắn gãy ván gỗ của thuyền chiến, cả thân thuyền cũng theo đó mà chìm xuống dưới. quân tốt trên thuyền hốt hoảng sợ hãi, lớn tiếng kêu gào.
Từ Thịnh vội vàng ra lệnh xuất kích, ý đồ viện trợ cho Chu Thái.
Nào ngờ thuyền lầu hai bên lúc này chậm rãi động đậy, tiếp cận thuyền của Từ Thịnh.
Chiến thuyền xuyên thẳng trên mặt nước, ánh lửa bay ngất trời.
Ba chiếc thuyền soái to lớn luân phiên xuất kích, 60 cái nỏ bát ngưu, không ngừng phóng tên. Thuyền lầu của thủy quân Giang Đông vốn đã chẳng chiếm ưu thế, nay lại chịu sự tấn công của nỏ bát ngưu, càng tỏ ra có chút hoang mang. Dưới thân thuyền, đã bắt đầu ngập nước...Chu Thái lớn tiếng quát gào, để quân tốt chấn tĩnh tinh thần. Nhưng đối mặt với sự tấn công hung hãn của thương mâu, thủy quân Giang Đông đã sớm loạn thành một nùi. Những chiếc thuyền không ngừng va vào nhau, đội hình sớm trở nên hỗn loạn không chịu nỗi.
Trên thuyền soái, Đỗ Kỳ không ngừng ra lệnh, sự tấn công hung hãn của thủy quân, khiến cho thủy quân Giang Đông liên tục rút lui...
-Chu Ấu Bình thua rồi ư?
← Hồi 549 | Hồi 551 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác