Vay nóng Tinvay

Truyện:Uy phong Cổ tự - Hồi 02

Uy phong Cổ tự
Trọn bộ 36 hồi
Hồi 02: Kinh Phật Hay Bí Cấp?
4.00
(3 lượt)


Hồi (1-36)

Siêu sale Lazada

Những vật dụng trong thư phòng nếu chưa đủ nói lên vẻ tôn nghiêm cần phải có đối với vị chủ nhân của thư phòng thì chính Hứa Phong cũng phải bối rối khiếp hãi phần nào trước dáng vẻ uy lẫm của vị chủ nhân đó.

Hứa Phong rụt rè lên tiếng:

- Phụ thân nói gì đi! Thà phụ thân cứ mắng hài nhi như lâu nay phụ thân từng mắng còn hơn là phù thân cứ mãi lặng thinh thế này!

Được gọi là phụ thân, đương nhiên vị chủ nhân của căn thư phòng phải có đầy đủ sự uy nghiêm của nhân vật đã đến tuổi trung niên. Chính ánh mắt nghiêm khắc của phụ thân dang nhìn Hứa Phong đủ để giải thích thêm những lời có phần đắn đo mà phụ thân Hứa Phong đang nói:

- Dường như Phong nhi không hài lòng khi cho rằng phụ thân luôn mắng Phong nhi?

Hứa Phong cười gượng:

- Hài nhi nào dám! Huống chi, vì hài nhi có lỗi, có bị phụ thân mắng cũng đáng.

- Có nghĩa là Phong nhi thật sự không hài lòng, không thích bị phụ thân mắng và càng không nghe những gì phụ thân luôn dạy bảo giáo huấn?

Hứa Phong chầm chậm thở ra:

- Phụ thân muốn nghe những lời thật tâm của hài nhi?

Hứa Phong thấy phụ thân đang từ từ gật đầu:

- Đương nhiên! Vì xét theo niên kỷ, Phong nhi kể đã được là thành nhân. Những suy nghĩ của Phong nhi, phụ thân càng muốn biết và biết thật tường tận. Nào, nói đi!

Hứa Phong cảm thấy nôn nao và bắt đầu cân nhắc từng lời nói:

- Sự thật thì hài nhi vẫn luôn ngưỡng mộ phụ thân như thuở nào. Tuy nhiên, phụ thân ơi, tại sao hài nhi được sinh ra trong dòng dõi quan nha nhưng dường như từ trong huyết quản của hài nhi lại không chuộng cuộc sống êm đềm thư thái của vị công tử quan gia thế tộc? Hài nhi ưa việc nghĩa, thích làm một việc gì đó thật sự hữu ích cho những kẻ yếu thế hơn. Đó là lý do khiến hài nhi không thể khoanh tay làm ngơ, phải tìm mọi cách để cứu nguy cho Tạ thúc thúc độ nào. Hài nhi những mong phụ thân đừng bao giờ nghĩ những ý tưởng đó đến với hài nhi là do Tạ thúc thúc mê hoặc và nói mãi bên tai. Tạ thúc thúc không hề có lỗi trong cách nghĩ của hài nhi.

Nói đến đây, hứa Phong chợt nghe tiếng phụ thân thở dài:

- Nói tóm lại, Phong nhi như đã quyết phải đến tận Tung Sơn một chuyến?

Hứa Phong gật đầu:

- Hòa thượng Chí Nhân vì còn phải lưu lại đây khá lâu để trị thương, hài nhi đã hứa lời là sẽ giúp Chí Nhân hòa thượng đưa một quyển Phạn kinh đến tận Thiếu Lâm thiền viện. Phụ thân...

Hứa Phong chợt dừng lời vì thấy phụ thân dù là mơ hồ nhưng như đang đưa tay xua, có ý ngăn không cho Hứa Phong nói tiếp.

Quả thật, lời của phụ thân liền vang ra:

- Phong nhi định nói gì, phụ thân hiểu rồi. Có lẽ lại là câu: nhất ngôn cửu đỉnh, câu nói thường xuất hiện luôn luôn ở cửa miệng Tạ Phương Điền?

Hứa Phong bối rối:

- Tuy Tạ thúc thúc là hạng võ biên nhưng đâu phải vì thế câu nói nào của Tạ thúc thúc đều không đáng trân trọng? Phụ thân, lời của hài nhi một khi đã hứa với Chí Nhân hòa thượng, là người suốt một đời chỉ biết tụng kinh thờ Phật, không quen nghe những lời ngoa ngôn ngụy ngữ, thiết tưởng hài nhi không thể sai lời. Mong phụ thân thành toàn cho.

Suốt từ đầu câu chuyện cho đến giờ, lần đầu tiên Hứa Phong thấy phụ thân mỉm cười:

- Ngoài việc đến Tung Sơn vì để giữ lời hứa, không còn nguyên nhân nào khác nữa chứ?

Hứa Phong đáp và hứa thật quả quyết:

- Không còn nguyên nhân nào khác đâu. Và hài nhi hứa, chỉ một lần này nữa thôi, một lần cho thỏa chí tang bồng, sau đó hài nhi sẽ toàn tâm toàn ý hoàn thành kỳ vọng của phụ thân.

- Kể cả lời nói mơ hồ của Chí Nhân hòa thượng, bảo Phong nhi có một diện mạo rất giống với vị Minh chủ nào đó?

Hứa Phong đỏ mặt:

- Phụ thân đừng trêu cợt hài nhi. Lúc nói những lời này, thần trí Chí Nhân hòa thượng nào có được tỉnh táo, hài nhi tuyệt đối không hề tin. Vả lại, hài nhi ở họ Hứa, là cốt nhục của phụ thân, là dòng dõi của Hứa gia, đâu có chuyện hài nhi hoàn toàn giống diện mạo của ai khác ngoài phụ thân?

Phụ thân của Hứa Phong bỗng nghiêm giọng:

- Như lần tháp tùng này của Tạ Phương Điền, cùng Phong nhi đi đến Tung Sơn là lần cuối cùng?

Hiểu rõ nỗi lo lắng của phụ thân, Hứa Phong mỉm cười:

- Đúng vậy! Nhưng do nhắc đến chuyện này, hài nhi cảm thấy Tạ thúc thúc có thái độ lo lắng một cách quá đáng. Chí Nhân hòa thượng kể là bậc chân tu đắc đạo, quyển Phạn kinh mà hòa thượng nhờ hài nhi đưa đến tận tay vị trụ trì Thiếu Lâm thiền viện dù sao cũng là quyển kinh Phật, vậy mà Tạ thúc thúc cứ lo, cứ khăng khăng phải tháp tùng để gọi là bảo vệ an toàn cho hài nhi. Dường như Tạ thúc thúc đã nghĩ hài nhi vẫn chỉ là một đứa bé...

Sau khi Hứa Phong mới thật sự hiểu cảm nghĩ của phụ thân về Tạ Phương Điền là thế nào, phụ thân nói:

- Đừng nói gì họ Tạ, đến phụ thân cũng phải lo lắng vì vẫn luôn nghĩ Phong nhi chỉ là một đứa bé. Qua đó cho thấy, Tạ Phương Điền đúng là hạng người có thủy có chung đã chịu ân ắt phải báo ân. Được họ Tạ cùng đi với Phong nhi, phụ thân dù sao vẫn yên tâm hơn.

Hứa Phong kinh ngạc:

- Hóa ra phụ thân cũng thừa nhận Tạ thúc thúc là người tốt?

- Đương nhiên! Nếu không phải thế, Phong nhi tưởng phụ thân có thể yên lòng khi chấp nhận cho họ Tạ lưu lại đây những một năm dài như thế sao? Còn về việc phụ thân thường trách mắng y lẫn Phong nhi, đó là phụ thân sợ những câu chuyện do y thuật lại sẽ mê hoặc Phong nhi, sẽ khiến Phong nhi vì quá mê mẩn đâm ra xao nhãng bao chuyện thiết yếu khác.

Nhận biết nỗi tâm sự cùng bao ưu tư của phụ thân, Hứa Phong xúc động:

- Hóa ra bấy lâu nay hài nhi đã phần nào nghĩ sai cho phụ thân. Kỳ thực, tất cả chỉ vì tình phụ tử, vì phụ thân quá lo cho hài nhi.

Phụ thân của Hứa Phong bật cười:

- Nói thật ra chính phụ thân còn phải cảm kích họ Tạ. Vì nhờ có y nhờ những chỉ bảo của y, Phong nhi ngày nay thật khác xa một Phong nhi yếu ớt độ nào. Nay y đến lúc phải đi, phụ thân phần nào cũng thấy luyến tiếc.

Hứa Phong chợt nảy ra một ý và bật luôn ra ngoài miệng:

- Nếu cảm thấy mến tiếc, sao phụ thân không lên tiếng giữ Tạ thúc thúc lại?

Có người biết rõ như Tạ thúc thúc ở bên cạnh, phụ thân đỡ phải lo lắng vì sợ bọn cường sơn thảo khấu bất ngờ tìm đến.

Nhưng Hứa Phong phải thất vọng khi nghe phụ thân đáp:

- Việc đó đâu cần Phong nhi nhắc, phụ thân đã tự thân hỏi y rồi. Và y bảo, vì muốn đáp tạ ân tình cứu mạng thuở nào của Phong nhi, vì muốn giúp Phong nhi thay đổi thể chất, y đã lưu lại những một năm là miễn cưỡng lắm rồi. Cuộc sống của quan gia đâu đủ sức trói buộc đôi chân phong trần hồ hải của hạng người như họ Tạ?

Hứa Phong thở dài:

- Tạ thúc thúc nói như thế thật sao?

Hứa Phong vừa dứt lời, cánh cửa dẫn vào thư phòng chợt mở ra và Tạ Phương Điền ung dung bước vào.

Sau khi nhìn phụ thân của Hứa Phong với vẻ mặt biết lỗi, Tạ Phương Điền lên tiếng với Hứa Phong:

- Thiếu gia sao lại nghi ngờ lệnh tôn? Quả thật, Tạ mỗ và lệnh tôn vẫn thường hay đàm đạo và Tạ mỗ nào dám trái ý lệnh tôn, hướng dẫn thiếu gia đi vào con đường sai lạc? Không sai, chính lệnh tôn đã có lời mời Tạ mỗ tiếp tục lưu lại, tiếp tục sống bên cạnh thiếu gia. Thế nhưng, hạng người như Tạ mỗ đã quen cuộc sống phong trần, phiêu bạt tứ phương, chịu lưu lại đây những một năm dài đằng đẵng quả là quá sức chịu đựng, chỉ cần nghĩ đến chuyện mai ngày sẽ lại tha hồ vùng vẫy, Tạ mỗ đã cảm thấy náo nức lạ.

Sau đó, để tránh cho Hứa Phong phải chịu mãi cảm giác hụt hẫng, Tạ Phương Điền bỗng trao cho Hứa Phong một túi gấm:

- Đã đến lúc chúng ta phải lên đường. Thiếu gia nói không sai, đây chỉ là quyển kinh Phật bình thường với một nửa bằng tiếng Phạn và một nửa bằng tiếng Trung Nguyên chúng ta. Thiếu gia hãy cất giữ vật này, vì chỉ có thiếu gia đích thân trao cho Chí Thiện trụ trì Thiếu Lâm thiền viện là tiện hơn hết.

Thở ra một hơi dài như để giũ bỏ mọi phiền não, Hứa Phong nhìn phụ thân:

- Hài nhi sẽ mau chóng, quay lại. Mong phụ thân bảo trọng và chăm sóc Chí Nhân hòa thượng thay cho hài nhi.

Phút chốc đã đến lúc chia tay, lời của phụ thân đối với Hứa Phong chừng như có phần nghẹn ngào:

- Người cần phải bảo trọng chính là Phong nhi. Khi không có phụ thân ngay bên cạnh để bảo ban, nhất nhất mỗi hành động của Phong nhi đều phải nghe theo Tạ thúc thúc, nhớ chưa Hứa Phong càng nghe càng vỡ lẽ. Vậy là Tạ thúc thúc luôn được sự tín cẩn của phụ thân thế mà bấy lâu nay Hứa Phong chỉ lo lắng điều ngược lại.

Sau cái chào từ biệt, Hứa Phong cùng Tạ Phương Điền nhẹ nhàng lui ra ngoài, để lại một thư phòng yên tĩnh và vắng lặng vì chỉ con mỗi mình phụ thân.

*****

Ngồi bên trong cỗ xa mã, Hứa Phong chốc chốc lại đưa đầu nhìn ra ngoài.

A Phúc, A Bảo, mỗi người cưỡi một ngựa đi hai bên cỗ xa mã. Còn vị xa phu với diện mạo thật xa lạ chính là do Tạ thúc thúc cải dạng mà ra.

Hứa Phong thở dài:

- Người giang hồ như Tạ thúc thúc thật không ngờ có lắm trò lạ. Nếu không cận mục sở thị, tiểu điệt thật chẳng dám tin vị xa phu hiện giờ là do Tạ thúc thúc cải dạng. Như thúc thúc bảo đó là thuật dị dung!

Trong diện mạo đã cải dạng, Tạ Phương Điền cười móm mém, hoàn toàn phù hợp với vẻ mặt ngoại lục tuần mà họ Tạ cố tình biến đổi thành:

- Nói về những tiểu xảo kỳ lạ của người giang hồ, ngoài thuật dị dung có thể gọi là thuật đổi diện, chẳng phải tất cả đãđược Tạ mỗ chỉ điểm tận tường cho thiếu gia rồi sao? Hay ý thiếu gia lại muốn am hiểu thêm thuật này?

Hứa Phong phì cười:

- Đương nhiên rồi! Vả lại, tiểu điệt còn muốn am hiểu thêm một thuật nữa mà bấy lâu nay dường như Tạ thúc thúc cố tình không để lộ.

- Là thuật gì vậy?

Hứa Phong bảo:

- Đó là thuật khiến Tạ thúc thúc có sức lực như thần. Bằng không, một mình Tạ thúc thúc sao nâng nổi con mãnh hổ nặng ước được ba trăm cân?

Tạ Phương Điền thu nụ cười về:

- Thuật đó ư? Nếu thiếu gia muốn học, Tạ mỗ xin nói thật, thiếu gia cần phải có thời gian ít lắm là mười năm!

- Mười năm? Lâu thế ư? Làm gì có thuật nào cần phải luyện lâu đến vậy?

- Có đấy! Như giới văn nhân của thiếu gia chẳng hạn, muốn làu thông kinh sử đâu phải chỉ trong thời gian ngắn là mong thành đạt? Tương tự, giới võ biền thô lỗ như Tạ mỗ nếu muốn có nội công tương xứng với ngoại công cũng phải hao tổn không biết bao nhiêu tâm huyết.

- Nội công? Hóa ra những gì Tạ thúc thúc đã chỉ điểm cho tiểu điệt chỉ mới là phần bên ngoài, gọi là ngoại công thôi sao?

Tạ Phương Điền trầm giọng:

- Thiết nghĩ, Tạ mỗ nói như thế là đủ rồi, vì càng nói e thiếu gia càng khó hiểu. Và sau đó, vì không thể hiểu, thiếu gia lại đâm ra bực tức, khiến thần trí không đủ minh mẫn trau dồi kinh thư như lời thiếu gia đã hứa với lệnh tôn.

Hứa Phong thở dài và thừa nhận:

- Nếu việc luyện nội công phải hao phí nhiều thời gian như Tạ thúc thúc vừa nói, có lẽ tiểu điệt không nên hỏi đến thì hơn. Kẻo lại bị phụ thân mắng vì mãi sa vào thứ công phu thô thiển của hạng võ biền.

Tạ Phương Điền cả cười:

- Tạ mỗ không hề dối gạt thiếu gia. Tuy vậy, để thiếu gia vơi đi phần nào nỗi thất vọng, được, Tạ mỗ nguyện dốc túi truyền thụ thuật dị dung cho thiếu gia. Với thuật này và với người có tư chất thông tuệ như thiếu gia, có lẽ chỉ cần nửa ngày là quá đủ cho thiếu gia thấu triệt.

Cho cỗ xa mã dừng lại, vừa để mọi người có dịp nghỉ ngơi sau nhiều ngày đường vất cả, Tạ Phương Điền vừa có cơ hội truyền thụ thuật dị dung cho Hứa Phong.

Sau khi truyền thụ xong, Tạ Phương Điền bật cười:

- Thiếu gia quả thông tuệ, còn hơn là mỗ nghĩ, chưa đến nửa ngày đã thấu triệt hết những gì Tạ mỗ phải mất gần hai mươi năm dài mày mò tự tìm hiểu. Như vậy cũng hay, còn những hai canh giờ nữa mànđêm mới thật sự buông xuống và cũng khoảng mười dặm nữa là chúng ta đến được phạm vi chân núi Tung Sơn. Thiết nghĩ, chúng ta chớ bỏ phí thời gian, càng sớm đến Tung Sơn chừng nào, thiếu gia càng mau chóng quay lại chừng đó, đỡ cho lệnh tôn thêm ngày ngày ngóng trông. Thiếu gia nghĩ sao?

Đang phấn khích tình cờ vừa am hiểu thêm một thuật nữa của giới võ biền, Hứa Phong nhanh nhẹn đáp ứng:

- Thúc thúc nói rất phải. Từ khi biết thuật dị dung, tiểu điệt những ước mong sớm quay về và sẽ gây kinh ngạc cho gia phụ bằng cách cải dạng thành một người hoàn toàn xa lạ.

A Phúc, A Bảo cùng cười lên:

- Chỉ cần nghĩ đến lúc lão gia phải ngỡ ngàng vì không nhận ra thiếu gia trong lối cải dạng, tiểu nhân đã không nhịn được cười rồi. Ha... ha...

Tạ Phương Điền bỗng nghiêm giọng:

- Thuật dị dung chỉ tỏ ra đắc dụng nếu được dùng đúng chỗ đúng lúc. Càng ít người biết đó là do thiếu gia cải dạng, sự đắc dụng càng tăng thêm lợi hại ở yếu tố bất ngờ. Thiếu gia hãy luôn ghi nhớ điều đó và chớ đem chuyện đó ra làm trò đùa.

Hứa Phong cau mặt:

- Nói vậy, lần này Tạ thúc thúc phải cải dạng ắt là có nguyên do?

Tạ Phương Điền giải thích:

- Đương nhiên! Tạ mỗ cũng có kẻ thù và chính kẻ đó một năm trước đã hạ thủ Tạ mỗ. Thiết tưởng, cứ để kẻ thù nghĩ Tạ mỗ đã chết, còn hơn là chường mặt thật ra khiến kẻ thù khi hay tin sẽ thêm phòng bị. Đó là dụng ý của Tạ mỗ, buộc lòng phải cải dạng khi cùng thiếu gia đi đến tận Tung Sơn xa xôi.

Chợt hiểu, Hứa Phong tỏ ra cảm kích:

- Vậy là chỉ vì lo cho tiểu điệt, Tạ thúc thúc phải nhẫn nại, phải cùng tiểu điệt đi một chặng đường xa như thế này?

Tạ Phương Điền cười xòa:

- Chỉ một ngày nữa thôi. Lúc thiếu gia đã hoàn thành lời ủy thác của Chí Nhân hòa thượng, Tạ mỗ đâu còn ràng buộc gì nữa! Đi nào!

Cỗ xa mã lại tiến lên, càng lúc càng đến gần Tung Sơn.

Màn đêm dần buông, cũng là lúc Hứa Phong có thể tự tay chạm vào chân núi Tung Sơn.

Mọi người nghỉ đêm và háo hức chờ ngày mai rồi sẽ đến.

Tạ Phương Điền háo hức vì sắp đến lúc tha hồ vùng vẫy sau một năm gò bó chốn quan nha để báo đáp ân tình.

Hứa Phong báo hứa vì chỉ còn một ngày nữa là được tận mắt chiêm ngưỡng một chốn kỳ vỹ, nơi xuất phát Phật pháp gần cả ngàn năm qua.

Còn A Phúc, A Bảo có lẽ chỉ háo hức trông đợi ngày trở về...

*****

Những tiếng huyên náo mơ hồ vọng đến, Hứa Phong choàng tỉnh.

Sau một lúc lắng nghe, biết đó là những thanh âm thật sự vẫn đang vọng đến, Hứa Phong ngồi bật dậy và khẽ gọi:

- Tạ thúc thúc!

Hồi lâu vẫn không nghe tiếng Tạ Phương Điền hồi đáp, Hứa Phong vén rèm xe đưa đầu nhìn ra ngoài.

A Phú, A Bảo vẫn đang đắm chìm vào giấc ngủ, cạnh đốm lửa củi chỉ còn những ánh sáng leo lét.

Không thấy Tạ Phương Điền đâu, Hứa Phong lo ngại, vội bước xuống cỗ xe.

Lay gọi A Phúc, A Bảo, Hứa Phong hỏi:

- Hai ngươi có nhìn thấy Tạ thúc thúc...

Chưa hỏi dứt lời, Hứa Phong chợt nghe ở phía cỗ xa mã có tiếng Tạ Phương Điền vang lên:

- Tạ mỗ vẫn ở đây, sao thiếu gia chưa ngủ.

Hứa Phong kinh ngạc, vì rõ ràng lúc ấy dù đã tìm nhưng vẫn không thấy bóng dáng của Tạ Phương Điền.

Nhưng khi lên tiếng đáp, Hứa Phong chỉ nói:

- Tạ thúc thúc nghe thử xem, dường như lừ đâu đó trên núi có...

Tạ Phương Điền ngắt lời:

- Thiếu gia muốn ám chỉ tiếng nhiều người hô hoán sát phạt? Tạ mỗ cũng đã nghe và nghĩ phái Thiếu Lâm xảy ra chuyện.

Hứa Phong ngơ ngác:

- Tiếng sát phạt ư? Phái Thiếu Lâm nào? Hay đó là cách gọi khác của Thiếu Lâm thiền viện?

Tạ Phương Điền chép miệng:

- Thiếu gia đã nghe rõ rồi đó. Không sai, ở Thiếu Lâm tự không chỉ có những tăng nhân chuyên lo chuyện tụng kinh niệm Phật. Bọn họ còn luyện võ và tạo thành một võ phái riêng biệt, gọi là Thiếu Lâm phái. Do đó...

Hứa Phong kêu lên:

- Nếu vậy, việc sát phạt như Tạ thúc thúc vừa nói chính là chuyện xảy ra ngay tại Thiếu Lâm thiền viện này?

Tạ Phương Điền thoáng ưu tư:

- Có lẽ thiếu gia đoán đúng. Và như vậy lần đến Thiếu Lâm này của thiếu gia không đúng lúc.

Hứa Phong thêm kinh ngạc:

- Không đúng lúc vì Thiếu Lâm đang gặp sự biến, khiến tiểu điệt không thể gặp hòa thượng trụ trì Chí Thiện.

Tạ Phương Điền cười qua ánh mắt:

- Chuyện về giới võ lâm thật khó giải thích cho thiếu gia hiểu. Đại để là thế này, hòa thượng trụ trì Thiếu Lâm thiền viện còn là Phương trượng, là Chưởng môn nhân của phái Thiếu Lâm. Vì Thiếu Lâm đang có sự biến, để tự bảo vệ, từ lúc này trở đi việc xuất nhập Thiếu Lâm phái kể như bị phong tỏa. Và thiếu gia càng khó khăn hơn trong việc bái phỏng Chí Thiện phương trượng, bởi đích thân Phương trượng sẽ là người điều động việc phong tỏa mọi lối xuất nhập.

Hứa Phong cau mày:

- Nếu đúng như Tạ thúc thúc nói, quả tình hình tiểu điệt là người chưa có chút am hiểu nào về giới võ lâm. Nhưng, cũng như bao bá tánh thập phương bình thường, tiểu điệt nghĩ Thiếu Lâm thiền viện lúc nào cũng phải mở rộng để đón người đến vãn cảnh và cúng đường. Với tư cách đó, lẽ nào tiểu điệt không thể đến Thiếu Lâm, hoàn thành ủy thác của Chí Nhân hòa thượng.

Tạ Phương Điền nghiêm ngay nét mặt, và ánh mắt ánh lên vẻ thán phục:

- Thiếu gia nói rất đúng. Không sai, thiếu gia vẫn có thể đến bằng tư cách đó. Tạ mỗ không kịp nghĩ ra là do Tạ mỗ chỉ suy xét theo lối thông thường, là lối nghĩ giữa những người thuộc giới võ lâm với nhau.

Thấy Tạ Phương Điền đã có ý tán đồng, Hứa Phong liền hỏi:

- Tạ thúc thúc! Đây là lần thứ hai Tạ thúc thúc đề cập đến giới võ lâm và lần này chính thúc thúc cũng tự nhận mình là người thuộc giới đó. Tiểu điệt muốn hiểu rõ hơn, giới võ lâm và hạng võ biền thô lỗ như thúc thúc từng nói thật sự có khác biệt như thế nào.

Tạ Phương Điền chợt thở ra:

- Đương nhiên có khác biệt. Nhưng thiếu gia cần biết, cần tách bạch như thế để làm gì? Thiếu gia chỉ cần hiểu như thế này là đủ, cũng như ở chốn quan trường, tiểu quan đương nhiên phải tôn kính, phải vâng phục những bậc quan to hơn, nhất là những vị quan thuộc hàng cực phẩm. Trong giới võ lâm cũng vậy, cũng có những luật bất thành văn và luật này chủ yếu dựa vào mức độ nông sâu về bản lãnh võ học của mỗi người. Như ở phái Thiếu Lâm chẳng hạn, đại cao thủ là những vị đại sư ở hàng chữ Chí mà đứng đầu chính là Chí Thiện đại sư...

Hứa Phong vụt kêu:

- Nếu vậy, Chí Nhân hòa thượng cũng là người giới võ lâm? Và vì Chí Nhân hòa thượng là nhân vật ở hàng chữ Chí nên chính là đại cao thủ?

Tạ Phương Điền cười lạt:

- Đối với thiếu gia và đối với mọi người ở Hứa gia trang, Chí Nhân đại sư chỉ là một hòa thượng bình thường đang trên đường khất thực thì gặp lũ thảo khấu tấn công. Nhưng dưới mắt của Tạ mỗ, vì cũng là người thuộc giới giang hồ nên Tạ mỗ thừa biết Chí Nhân đã bất ngờ chạm địch. Tuy nguyên ủy sự việc là thế nào Tạ mỗ không hiểu nhưng nhất định phải có liên quan đến quyển Phạn kinh mà Chí Nhân đã nhờ thiếu gia đưa đến đây.

Hứa Phong giật mình:

- Ý thúc thúc muốn nói quyển Phạn kinh chính là nguyên nhân dẫn đến chuyện Chí Nhân đại sư bị thương tích nặng nề? Đó chỉ là quyển kinh Phật bình thường thôi mà.

Tà Phương Điền cau mặt:

- Tạ mỗ đã xem qua và cũng phải thừa nhận đó chỉ là quyển kinh Phật bình thường. Dù vậy, có điều này Tạ mỗ nghĩ thiếu gia cần phải thông tỏ, đó là đối với người võ lâm, bất kỳ vật gì là nguyên nhân cho những cuộc tranh chấp, nhất là những tranh chấp đã dẫn đến lưu huyết nhất định đó phải là báu vật.

Hứa Phong phì cười:

- Một quyển kinh Phật bình thường và là quyển mà bất kỳ ai cũng dễ dàng tìm thay ở bất cứ chùa chiền miếu mạo nào, đâu thể xem đó là báu vật?

Tạ Phương Điền càng thêm nghiêm giọng:

- Không thể hiểu báu vật theo cách nghĩ của thiếu gia. Giới võ lâm sẵn sàng xem vật gì đó là báu vật miễn vật đó có ẩn tàng một chút nào đó liên quan đến võ học, đến võ công, đến nội công thượng thừa.

- Lại là nội công hay ngoại công gì gì đó? Dường như giới võ lâm chỉ xem trọng những việc này?

Tạ Phương Điền thố lộ:

- Thiếu gia vẫn cứ nói chưa đúng với sự thật. Kỳ thực, đã là người thuộc giới võ lâm, ai ai cũng xem trọng võ công ngang bằng với tính mạng. Hoặc giả, có người sẵn sàng dùng cái chết để chiếm đoạt võ công của người khác, sẵn sàng liều chết để bảo vệ sở học của riêng họ. Tương tự, ở các võ phái còn có môn quy nghiêm ngặt, là bất truyền võ học cho ngoại nhân. Kẻ nào làm trái tất sẽ bị kết tội phản sư bội tổ và đương nhiên sẽ bị xử trị theo nghiêm luật.

Hứa Phong bất chợt áp chặt tay vào chiếc túi gấm vẫn đeo bên mình:

- Nghiêm trọng đến thế ư? Nếu vậy, giả như trong quyển kinh Phật này.

Tạ Phương Điền phì cười khi thấy Hứa Phong tỏ ra quá sợ hãi như vậy:

- Vẫn có câu: Tiểu nhân tuy vô tội nhưng vì giữ báu vật nên kể như là có tội. Thiếu gia yên tâm đi, trong trường hợp này cho dù Tạ mỗ chưa hiểu dụng ý của Chí Nhân đại sư là gì nhưng vẫn có thể quyết chắc, vì đó chỉ là quyển kinh Phật bình thường nên quyển kinh đó sẽ không gây bất kỳ phương hại gì cho thiếu gia.

Có chăng...

Tuy có phần nào nhẹ nhõm nhưng thái độ ngập ngừng của Tạ Phương Điền lại làm cho Hứa Phong lo lắng:

- Còn việc gì nữa, Tạ thúc thúc?

Tạ Phương Điền thở dài:

- Vì Thiếu Lâm đang xảy ra sự biến và là xảy ra trong đêm, tốt hơn hết thiếu gia nên cẩn trọng, chớ để lộ ra việc Chí Nhân đã nhờ, kẻo kẻ khác biết được, vì không nghĩ đó là kinh Phật bình thường họ sẽ tranh dành, vô tình đưa họa đến cho thiếu gia.

Cả sợ, Hứa Phong lấy chiếc túi gấm ra và cứ loay hoay cầm mãi trên tay.

Tạ Phương Điền quắc mắt:

- Thiếu gia định làm gì?

Hứa Phong bối rối giải thích:

- Tiểu điệt muốn tìm chỗ giấu, nhưng chưa biết phải giấu ở đâu?

Tạ Phương Điền bật cười:

- Bao nhiêu kinh lịch cần cho việc bôn tẩu giang hồ chẳng phải Tạ mỗ đã nói cả cho thiếu gia nghe rồi sao? Cần gì thiếu gia phải giấu? Thứ nhất, thiếu gia cứ giả mắt điếc tai ngơ đừng xem quyển kinh đó là báu vật. Thứ hai, thiếu gia dù sao chỉ là một vị công tử bình thường, một chút võ công cũng không biết, hãy bình thản và hãy tỏ ra bản thân chỉ là người cần đến vãn cảnh chùa. Đó là cách hay nhất để thiếu gia không bị ai khác sinh nghi.

Hứa Phong thật sự thông tuệ, hiểu ngay những gì Tạ Phương Điền vừa nêu.

Tuy vậy, vì có chủ ý khác hay hơn nên Hứa Phong bảo:

- Nếu là vậy, mặc kệ Thiếu Lâm có sự biến hay không có sự biến, tiểu điệt chỉ là người bình thường nên đành phải tiếp tục quay lại xe để nghỉ ngơi. Và mai này, Tạ thúc thúc vẫn chỉ là lão xa phu bình thường, tiếp tục cùng tiểu diệt đến gặp Chí Thiện phương trượng?

Tạ Phương Điền gật đầu hài lòng:

- Thiếu gia là người nghe một hiểu mười. Thật đáng tiếc, phải chi thiếu gia không phải có xuất thân từ quan gia, nếu được một đệ tử có tư chất thông tuệ như thiếu gia, Tạ mỗ còn mong gì hơn.

Hứa Phong cười buồn:

- Mỗi người đều có vận số, số của tiểu điệt là vậy, đâu có cách nào biến cải, bỏ con đường hoạn lộ đã được gia phụ kỳ vọng?

Với tâm trạng như vậy, Hứa Phong quay trở lại cỗ xa mã.

Đứng ở ngoài, thấy từ cỗ xa mã có ánh lửa mập mờ phát lộ, Tạ Phương Điền chợt hơi vọng vào:

- Thiếu gia sao chưa ngủ? Còn đốt nến làm gì?

Hứa Phong đáp lại:

- Để hoàn thành lời ủy thác của Chí Nhân hòa thượng, tiểu điệt nghĩ, vẫn cần phải tìm chỗ giấu kín quyển kinh Phật. Thúc thúc cứ yên tâm, tiểu điệt tự biết lo liệu.

Tạ Phương Điền cười một mình vì cho Hứa Phong chỉ khéo lo xa.

Do đó, Tạ Phương Điền cũng không hề nghi ngờ cho dù phải nửa canh giờ sau đó ánh nến từ cỗ xa mã mới được Hứa Phong thổi tắt Mọi người lại chìm vào giấc ngủ, xem như Thiếu Lâm phái không hề xảy ra sự biến nào cả. Cho đến lúc có tiếng quát nạt vang lên thật gần...


Khởi Nguyên Mobile

Hồi (1-36)


<