Vay nóng Homecredit

Truyện:Thất lão kiếm - Hồi 08

Thất lão kiếm
Trọn bộ 58 hồi
Hồi 08: Vô Địch Kiếm
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-58)

Siêu sale Lazada

Nhuế Vĩ hỏi:

- Tiền bối biết tiên phụ?

Lão nhân đáp:

- Mấy mươi năm trước, lão phu có nghe giang hồ truyền thuyết Chưởng Kiếm Phi Nhuế Phu Vấn là một bậc hào hiệp, trọng nghĩa nhân. Chỉ có mỗi một mình y là biết tâm pháp "Quy Tức đại công" thôi.

Nhuế Vĩ lần thứ nhất mới nghe nói phụ thân có hiệu danh "Chưởng Kiếm Phi". Khi hắn lên tám tuổi, Nhuế Phu Vấn tạ thế, hiện tại hắn chỉ nhớ lờ mờ dung mạo của cha.

Hắn xúc động vô cùng, và niềm vui dâng ngập cõi lòng bởi dù sao thì hắn cũng là giọt máu của một nhân vật hữu danh trên chốn giang hồ. Hắn cũng được thơm lây, hắn hỏi:

- Tiên phụ có thật là một đại hiệp khách chăng?

Du Bách Long gật đầu:

- Thật vậy! Lão phu không ngờ y sớm giã từ cuộc thế! Đáng tiếc quá!

Rồi lão hỏi lại:

- Ngươi biết lịnh tôn chết như thế nào chăng?

Nhuế Vĩ căm hờn:

- Tiên phụ bị người sát hại.

Du Bách Long cau mày:

- Cừu nhân là ai?

Nhuế Vĩ lại khóc:

- Cừu nhân rất nhiều, song vãn bối không đoán định được ai đã hạ thủ sát hại tiên phụ!

Du Bách Long thở dài:

- Đừng thương tâm! Đừng! Ngươi cố công luyện tập đi, sau khi thành tài, ngươi sẽ âm thầm tra phỏng, lão phu tin chắc ngươi sẽ tìm được kẻ sát hại phụ thân ngươi!

Nhuế Vĩ lau lệ, cương quyết đáp:

- Vãn bối sẽ nỗ lực học tập!

Du Bách Long mỉm cười:

- Tốt lắm! Bây giờ ta truyền cho ngươi ba câu khẩu quyết, luyện "Thiên Y thần công".

Lão vừa đọc lên, vừa giải thích rất rành rẽ. Nhuế Vĩ nghe xong, lãnh hội ngay.

Từ đó Nhuế Vĩ ở trong thật thất tối tăm, luyện cả hai môn thần công Thiên Y và Quy Tức.

Ngày tháng trôi qua, Nhuế Vĩ học tập được một năm rồi. Về "Quy Tức đại công" thì có Du Bách Long trợ giúp, nên hắn tiến bộ mười phần. Còn "Thiên Y thần công" là môn công mới, lại khó luyện, nên hắn chỉ thành công được bảy phần thôi!

Một hôm, Du Bách Long mang vật thực vào cho hắn, bảo:

- Ăn đi, Vĩ nhi!

Bây giờ, Nhuế Vĩ đã quen bóng tối, không còn khó chịu vì bóng tối nữa. Dù có phải ở lại đây trăm năm, hắn cũng không cảm thấy khổ sở.

Nhuế Vĩ ăn xong, Du Bách Long mỉm cười, thốt:

- Hôm nay, ngươi theo ta ra ngoài, không cần phải ở lại đây nữa.

Nhuế Vĩ hỏi:

- Đệ tử luyện công chưa thành, tại sao lại bỏ nơi này?

Du Bách Long hỏi lại:

- Ngươi có biết là đã ở đây được bao lâu rồi chăng?

Nhuế Vĩ lắc đầu:

- Đệ tử không biết.

Du Bách Long tiếp:

- Một năm rồi đó!

Nhuế Vĩ giật mình:

- Một năm? Đệ tử cứ tưởng chừng vài tháng thôi.

Du Bách Long tiếp:

- Tại vì ngươi chuyên cần tập luyện nên mất hẳn quan niệm thời gian. Hôm nay nội công của ngươi đã thành tựu rồi thì nên ra ngoài, không cần ở lại đây làm gì nữa. Lão phu sẽ chỉ điểm võ kỹ cho ngươi tập.

Ở trong bóng tối âm u lâu ngày, vừa ra vùng sáng, Nhuế Vĩ nghe mắt đau buốt như bị kim đâm, hắn lại nhắm mắt lại rồi từ từ mở ra. Làn da của hắn cũng trở nên trắng tinh, không như một năm trở về trước da hắn sạm màu phong trần.

Hắn cho rằng sở dĩ có sự thay đổi đó, là vì hắn ở trong bóng tối quá lâu.

Thiếu ánh dương quang, thì da nào mà chẳng biến đổi màu?

Thật sự thì tại hắn luyện "Thiên Y thần công", luyện thành rồi là có hiệu quả như vậy. Chỗ luyện càng tối tăm, thì da người càng trắng.

Cả hai cùng ngồi trên khoảng đất trống trước phần mộ, đối diện với nhau.

Du Bách Long thốt:

- "Thiên Y thần công" do một kỳ nữ trong võ lâm truyền cho lão phu, lão phu chỉ biết khẩu quyết thôi, chứ chưa hề luyện qua. Ngươi đã luyện một năm rồi, lão phu muốn biết trình độ lãnh hội của ngươi đến đâu, ngươi hãy đối chưởng với lão phu xem sao.

Phàm những người luyện nội gia công phu mà đối chưởng với nhau là làm điều cực kỳ nguy hiểm, qua cuộc tỷ thí đó có thể là lưỡng bại câu thương, tai hại không biết sao mà lường.

Nhuế Vĩ do dự, không dám chìa tay ra ngay.

Du Bách Long mỉm cười, tiếp:

- Ngươi đừng sợ, lão phu có chủ trương rồi.

Nhuế Vĩ vâng lời, đưa tay ra, áp vào tay của Du Bách Long, song chưa dám nhận kình đạo.

Du Bách Long bảo:

- Ngươi cứ vận dụng công lực đi, càng tăng công lực càng hay. Nếu không, lão phu chẳng làm sao đo lường mức tiến bộ của ngươi được.

Bất đắc dĩ, Nhuế Vĩ vận kình lực, dồn ra bàn tay.

Du Bách Long cho rằng rất dễ dàng tiếp tục, ngờ đâu chưởng lực của Nhuế Vĩ tuôn cuồn cuộn như sóng cuồng, lão không dám khinh thường nữa, cấp tốc vận công lực đối phó.

Không lâu lắm, hai bàn tay của họ ép vào nhau, như dính liền vào nhau.

Cuộc đối chưởng đã tới hồi gay cấn rồi, thật là nguy hiểm. Thoạt đầu ai cũng tưởng là mình thu hay phát đều tùy ý, bây giờ thì hai bên chỉ còn phát ra thôi chứ không còn thu lại được, bởi thu bất ngờ thì kình đạo của đối phương chuyển sang ào ạt, tất bị thương nặng, và hai bên cứ phát ra mãi mãi, để có đủ sức ngăn chận bên kia.

Dần dần, cả hai cùng xuất mồ hôi lạnh.

Du Bách Long hoang mang hết sức, tự hỏi chẳng biết có phải là oai lực của "Thiên Y thần công" cực cao hay là nội lực của lão kém giảm mà kình lực song phương bất phân thượng hạ.

Tình thế của họ cực nguy rồi, cứ cái đà này dài lâu thì cả hai cùng kiệt sức, lăn đùng ra mà chết chứ chẳng chơi!

Vừa lúc đó, một bóng u linh từ bên ngoài bìa rừng tha thướt bước vào!

Một bóng u linh thật sao? Không! Chỉ là một nữ nhân, mặc chiếc áo đen dài quét đất, tóc bỏ xõa phủ kín nữa phần mặt, trông như u linh. Chứ làm gì ban ngày ban mặt mà có bóng ma hiện về?

Nữ nhân đó đến cạnh Du Bách Long và Nhuế Vĩ. Du Bách Long trông thấy, song không hỏi, còn Nhuế Vĩ bận thi thố "Thiên Y thần công", chẳng trông thấy gì. Nữ nhân cất giọng khàn khàn hỏi:

- Các ngươi đang làm chi đó?

Không ai đáp lời. Nữ nhân gắt:

- Cút đi chỗ khác, để nơi này cho ta làm công việc!

Bà phất ống tay áo. Tụ phong bay ra, hất hai bàn tay của Du Bách Long và Nhuế Vĩ tách rời, cả hai cùng nhào ngửa. Mường tượng tụ phong đó thu hút tan biến hai đạo kình lực của họ.

Du Bách Long không nói gì, đứng dậy, bước tới nắm tay Nhuế Vĩ, dựng hắn lên rồi cả hai đi về phía hậu phần mộ.

Từ phía hậu mộ, hộ trông thấy những gì xảy ra tại tiền mộ.

Nhuế Vĩ lấy làm kỳ hỏi:

- Bà ấy là ai?

Dụ Bách Long khoát tay:

- Đừng lên tiếng! Cứ lẳng lặng xem bà ta làm gì.

Nữ nhân không màng ai dòm ngó, miễn sao đừng có ai ngăn trở, phiền nhiễu bà là được. Bà nhìn mộ bia, đôi môi nhóp nhép, không biết bà nói gì.

Một lúc lâu, bà ngưng nhóp nhép môi rồi đưa đôi bàn tay gầy guộc vén mớ tóc xõa, gương mặt tiều tụy lộ ra, một gương mặt của giai nhân khi xuân sắc về chiều, không thường săn sóc.

Bà là ai? Sao lại đàm thoại với người trong mộ? Bà đứng đó! Bày khuôn mặt, miệng cười. Bà muốn gì? Thì đây bà thốt:

- Ngươi xem! Ta có đẹp hơn trước chăng?

Sau cùng, bà ngưng cười, buông tóc xõa xuống, rồi thở dài, thốt tiếp:

- Ta biểu diễn một môn công cho ngươi xem nhé! Diễn xong, rồi ta đi ngay!

Ống tay áo dài bay lên, phất gió rẹt rẹt, bóng tay áo chớp lên, bao phủ quanh bà. Những tiếng rẹt rẹt dần dần biến thành tràng sấm nổ nho nhỏ, người nghe không khỏi kinh khiếp.

Bỗng, bà biến mất. Từ bên ngoài rừng, tiếng cười the thé ghê rợn vọng vào.

Một lúc sau, bốn bề im lặng.

Du Bách Long cùng Nhuế Vĩ trở ra trước phần mộ, nhìn xuống đám cỏ, thấy cỏ đứt, ngọn nằm la liệt, gốc rất đều, mường tượng có nhát phảng phạt ngang.

Du Bách Long kêu lên:

- Công phu tuyệt diệu! Tuyệt diệu!

Nhuế Vĩ sanh nghi hoặc, hỏi:

- Sư phụ biết bà ấy là ai chứ?

Du Bách Long lắc đầu:

- Ta không biết! Chỉ biết là cứ vào ngày Trung Thu mỗi năm, bà đến đây một lần, đến ban ngày, chứ không đến vào ban đêm.

Nhuế Vĩ kinh hãi hỏi tiếp:

- Để làm gì?

Du Bách Long đáp:

- Thì làm gì, ngươi đã thấy rồi đó! Có vậy thôi! Mỗi năm, ta mỗi rình xem bà ta, song chẳng lần nào ta dám chường mặt đàm thoại với bà, hỏi lý do, ý tứ của bà.

Nhuế Vĩ cau mày:

- Tại sao sư phụ không dám?

Dụ Bách Long giải thích:

- Cứ mỗi lần bà đến, biểu diễn công phu, ta nhận ra bà tiến bộ hơn lần trước. Dù ta luôn luôn luyện công, vẫn thấy năm nào cũng vậy, còn kém bà mấy bậc. Tất nhiên ta không dám hỏi, sợ bà phát cáu mà sanh rày rà. Tuy nhiên, bà ta không có ác ý, chẳng hạn như hôm nay, nếu như bà ta hung dữ thì ta và ngươi đang lúc vận công, phải bị bà sát hại rồi!

Lão khoát tay, tiếp nối:

- Bỏ bà ấy qua một bên đi. Hôm nay Trung Thu gia tiết rồi, thời gian qua nhanh quá!

Lão động lòng cảm khái, thở ra mấy lượt.

Ngày tháng cứ trôi đi, đều nhịp...

Nửa năm nữa lại qua đi! Trong nửa năm sau này, Nhuế Vĩ học thêm rất nhiều nơi sư phụ. Tuy rằng hỏa hầu chưa đủ, song cố gắng tập luyện thì cái ngày thành tựu lớn lao sẽ không xa.

Sáng sớm một hôm, Du Bách Long chợt thốt:

- Vĩ nhi! Sư phụ sắp ly khai ngươi rồi!

Nhuế Vĩ kinh hãi:

- Sư phụ có phiền trách chi đệ tử chăng? Nếu sư phụ đi dâu, thì đệ tử xin đi theo hầu hạ, còn như sư phụ ở lại đây, đệ tử tình nguyện ở lại đây với sư phụ!

Du Bách Long lắc đầu:

- Những gì cần học, ta đã chỉ điểm cho ngươi hết rồi. Ta không còn giúp gì cho ngươi được nữa. Ngươi phải nghĩ đến việc báo thù, lập nghiệp, theo ta làm chi cho phí thời gian, uổng công học nghệ thành tài.

Nhuế Vĩ van nài:

- Đệ tử không muốn xa rời sư phụ!

Du Bách Long cười lớn:

- Cái chí khí của ngươi, ngươi để đâu, lại muốn chôn vùi tương lai bên cạnh người sắp chết nay mai? Còn xã hội nữa chi? Còn bổn phận làm trai nữa chi?

Còn phụ thù nữa chi?

Nhuế Vĩ nghe đắng ở yết hầu.

Du Bách Long thở dài, tiếp:

- Ta còn lưu lại đây nửa tháng, để dạy nốt ngươi hai chiêu kiếm pháp, sau đó, ta và ngươi sẽ chia tay nhau.

Nhuế Vĩ đáp:

- Mong ơn sư phụ chỉ điểm, sau khi cách biệt nhau rồi, đệ tử sẽ chuyên cần tập luyện.

Du Bách Long cười nhẹ:

- Hai chiêu kiếm này, ngươi chỉ cần mất một thời gian nửa tháng là luyện xong.

Nhuế Vĩ lấy làm lạ:

- Kiếm pháp chi, mà chỉ luyện trong mười lăm hôm lại thành?

Du Bách Long đáp:

- Người thường thì không thể luyện xong trong khoảng thời gian đó, nhưng ngươi thừa sức luyện, bởi ngươi có cái ngộ tánh rất cao, bất cứ học môn gì, cũng lãnh hội nhanh chóng. Kiếm pháp của ta huyền diệu vô cùng. Học xong rồi, ngươi có thể tung hoành trong thiên hạ, mà chẳng sợ một đối thủ nào.

Lão lấy ra hai thanh kiếm gỗ mà lão chuẩn bị từ lâu, trao cho Nhuế Vĩ một thanh, đoạn tiếp:

- Khởi đầu tập luyện, chúng ta phải dùng kiếm gỗ, vì kiếm pháp rất khó khăn, người tập luyện thường tự gây thương tích cho mình. Chỉ khi nào thuần thục rồi, ngươi mới dùng được kiếm thật.

Nhuế Vĩ tiếp nhận thanh kiếm, tuy là bằng gỗ, song nặng hơn kiếm thường, chẳng biết nó thuộc loại gỗ gì. Hắn nghĩ:

- "Dù là kiếm gỗ, nó chạm vào mình cũng gây thương tích được như kiếm thép".

Du Bách Long xách kiếm bước ra chỗ trống, diễn tả phương thức chiêu kiếm, đồng thời thốt:

- Hai chiêu kiếm vốn không tên, ta tạm thời đặt tên cho chiêu thứ nhất cái tên "Bất Phá Kiếm".

Rồi lão vung tay. Kiếm ảnh chớp trùng trùng. Nhuế Vĩ nhìn đôi mắt hoa lên, không nhận định nổi lão nhân xuất phát như thế nào.

Biểu diễn xong, Du Bách Long thốt tiếp:

- Cái lợi hại của chiêu kiếm khôn cùng, ta khó giải thích rành rẽ cho ngươi hiểu. Khi nào ngươi luyện thành, là lãnh hội ngay. Bây giờ, ta truyền cho ngươi tâm pháp luyện nó.

Nhuế Vĩ án bộ vị, thủ thế đúng phương pháp, mãi cho đến lúc hắn thuần thục rồi, Du Bách Long mới để hắn luyện tập một mình, còn lão thì vào thạch thất.

Nhuế Vĩ bắt đầu tập luyện.

Ngày thứ nhất, hắn không tiến bộ mảy may, múa kiếm như một người thường vung gậy, đập quơ trong không gian.

Ngày thứ hai, hắn chặt vào mình ba nhát.

Qua ngày thứ ba, hắn đánh trúng mình hơn mười lượt, khi ngày tàn, đêm đến, hắn nghe ê ẩm khắp thân thể.

Ngày thứ năm, số lần chạm giảm xuống.

Đến ngày thứ bảy, hắn giữ kỹ, không gây thương tích cho mình lần nào.

Mãi đến ngày thứ mười, thì hắn mới hoàn toàn thuần thục chiêu thứ nhất "Bất Phá Kiếm".

Du Bách Long dạy sang chiêu thứ hai, chiêu này cũng chẳng có tên, lão đặt riêng cho nó là "Vô Địch Kiếm".

Chiêu thứ hai, khó hơn chiêu thứ nhất, song thời gian luyện tập lại được rút ngắn còn năm ngày. Nhuế Vĩ thầm kêu khổ lo sợ không thành công.

Nhưng, trong năm ngày đó, hắn cố công luyện tập, cuối cùng rồi cũng lãnh hội được.

Qua ngày thứ mười sáu, Du Bách Long thốt:

- Hôm nay, chúng ta xa cách nhau, như ta đã nói với ngươi!

Nhuế Vĩ thầm buồn hỏi:

- Đến lúc nào đệ tử mới gặp lại sư phụ?

Du Bách Long đáp:

- Nếu có duyên, thì có lo gì không hậu hội! Chúng ta khoan nói đến ly biệt chi tình. Ngươi lấy kiếm dợt với ta, xem trình độ lãnh hội của ngươi đến đâu.

Thầy một kiếm, trò một kiếm, họ bắt đầu thực nghiệm hai chiêu.

Du Bách Long bảo:

- Ngươi dùng "Bất Phá Kiếm" mà thủ, ta dùng "Vô Địch Kiếm" tấn công.

Qua vòng đầu, Nhuế Vĩ bị lão nhân đập bảng kiếm vào mông.

Du Bách Long lại chỉ điểm chỗ sơ hở cho hắn sửa chữa.

Họ dợt đến vòng thứ năm. Nhuế Vĩ thủ kín. Du Bách Long không còn chạm kiếm vào mình hắn được như bốn lần trước.

Song phương đổi chiêu, bây giờ đến lượt Nhuế Vĩ công, Du Bách Long thủ.

Trong ba vòng đầu, Nhuế Vĩ không chạm trúng mình Du Bách Long được, Đến vòng thứ bảy, hắn đâm mũi kiếm trúng dạ dưới của lão nhân.

Họ ngưng ngay cuộc thực nghiệm ở đó.

Du Bách Long thốt:

- Ngươi đã hoàn toàn lãnh hội rồi đó. Dùng "Bất Phá Kiếm" mà thủ, dùng "Vô Địch Kiếm" mà công, ta nghĩ trên giang hồ hiện tại, chẳng có mấy kẻ không bại nơi tay ngươi.

Nhuế Vĩ hỏi:

- Sư phụ còn điều chi dạy bảo đệ tử?

Du Bách Long đáp:

- Hết rồi. Bất quá ta cảnh cáo ngươi, là hai chiêu kiếm này rất lợi hại, trừ trường hợp vạn bất đắt dĩ, ngươi không nên mỗi lúc mỗi mang nó ra sử dụng.

Nhuế Vĩ cung kính thốt:

- Đệ tử tuân theo sư huấn.

Du Bách Long bảo:

- Bây giờ, chúng ta bỏ kiếm xuống, tìm chỗ ngồi, nói chuyện với nhau đi!

Họ đến trước mộ phần, ngồi trên bậc đá.

Du Bách Long cất tiếng trước:

- Cái hôm đầu, truyền chiêu kiếm cho ngươi, ta có nói là hai chiêu kiếm đó không tên. Ngươi có biết tại sao không tên chăng?

Nhuế Vĩ đáp:

- Đệ tử nghĩ, không có một danh xưng nào bao hàm trọn vẹn sự huyền diệu của chiêu kiếm, cho nên người sáng chế không đặt tên.

Dụ Bách Long thở dài:

- Đúng vậy! Chính ta, học nó hơn mấy mươi năm qua, mà cũng không nghĩ ra một danh xưng tương ứng. Cuối cùng, ta phải tạm gọi như vậy để có sự phân biệt thôi.

Nhuế Vĩ thốt:

- Hai tên đó cũng xứng lắm chứ, sư phụ!

Du Bách Long trầm tư một lúc:

- Còn sáu chiêu nữa! Sáu chiêu đó đều vô danh! Chúng ta phải gọi như thế nào?

Nhuế Vĩ trố mắt:

- Còn sáu chiêu nữa?

Dụ Bách Long gật đầu:

- Phải! Cộng với hai chiêu của ta, là tám chiêu cả thảy.

Nhuế Vĩ hỏi:

- Tám chiêu đó, thuộc kiếm pháp gì?

Du Bách Long đáp:

- "Hải Uyên kiếm pháp"! Do ý nghĩa rộng rãi như biển, sâu xa như hố thẳm mà thành danh.

Nhuế Vĩ lẩm bẩm:

- "Hải Uyên kiếm pháp"! "Hải Uyên kiếm pháp"! Cái tên bao hàm một đại khẩu khí!

Du Bách Long tiếp:

- Nếu ngươi học hết sáu chiêu kia, thì ngươi sẽ thấy cái tên đó chẳng những không ngông cuồng, trái lại còn khiêm tốn nữa là khác. Rất tiếc, trên đời không một ai học đủ tám chiêu, trừ ra...

Nhuế Vĩ hỏi gấp:

- Trừ ra làm sao?

Du Bách Long đáp:

- Trừ ra là ngươi!

Nhuế Vĩ cả kinh:

- Đệ tử? Sư phụ truyền dạy cho đệ tử?

Du Bách Long lắc đầu:

- Sư phụ không biết, thì làm sao truyền dạy cho ngươi? Sáu chiêu kia, ta chỉ thấy qua mà thôi, chứ không hề biết cách tập luyện!

Nhuế Vĩ cau mày:

- Sư phụ không biết, thì đệ tử học nơi đâu bây giờ?

Du Bách Long hỏi:

- Ngươi còn nhớ chăng? Cái hôm ta bắt đầu truyền "Thiên Y thần công"

cho ngươi, ta có nói là sẽ ủy thác cho ngươi làm một việc?

Nhuế Vĩ đáp:

- Đệ tử nhớ. Sư phụ bảo là đệ tử phải dốc toàn lực mà làm.

Du Bách Long thở dài:

- Việc đó là ngươi phải nuôi dưỡng nghị lực kiên cường, học trọn "Hải Uyên kiếm pháp", học toàn bộ tám chiêu.

Nhuế Vĩ ngạc nhiên:

- Không ai dạy, thì học nơi ai? Tại sao phải có nghị lực mới học được?

Hắn toan hỏi, Du Bách Long tiếp:

- Chín năm trước, trên đỉnh Ma Tiêu Lãnh, có bảy lão nhân tỷ võ, luận kiếm.

Bảy lão nhân đó xưng là Thất Tàn Tẩu trong võ lâm. Sở dĩ có danh hiệu đó là vì cả bảy người đều tàn tật, cả bảy người đều có võ công tuyệt cao, người của Hắc Bạch lưỡng đạo không ai mà không ngán sợ. Tài nghệ của Thất Tàn Tẩu ngang ngửa giữa nhau, chỉ một người biết được hai chiêu kiếm, hơn sáu người kia một chiêu vì sáu người kia mỗi người chỉ biết vỏn vẹn một chiêu mà thôi. Cho nên người biết hai chiêu luôn luôn thắng thế.

Nhuế Vĩ hỏi:

- Người biết hai chiêu, có phải là sư phụ chăng?

Dụ Bách Long gật đầu:

- Phải! Chính ta. "Hải Uyên kiếm pháp" gồm tất cả tám chiêu, bảy chiêu công, một chiêu thủ. Ta biết thêm một chiêu thủ, hơn sáu người kia chỉ có công mà không thủ, chẳng những thế, ta thủ được, mà cũng công được. Mỗi người không công được ta, nên cả sáu cùng hiệp lực lại, tấn công ta!

Nhuế Vĩ giật mình:

- Sáu người đánh một? Nguy hiểm thật! Sư phụ làm sao đối phó?

Du Bách Long tiếp:

- Đừng nóng nảy, cứ bình tĩnh nghe ta nói. Dù họ có đến sáu người, lực lượng liên minh đó, cũng chẳng làm gì ta nổi, bất quá sức kháng cự của họ mạnh hơn phần nào vậy thôi, do đó ta không đánh bại họ được. Một chống một thì ta thắng, một chống sáu thì ta hòa! Mà ta hòa, là thắng rồi chứ gì? Bởi ta đơn độc, còn họ đông người! Cuộc tỷ thí sau cùng giữa ta và họ, xảy ra chín năm về trước, cộng với các kỳ đấu trước xa, cả thảy là mười chín lần, thời gian là Trung Thu giai tiết mỗi năm, địa điểm là Ma Tiêu Lãnh...

Nhuế Vĩ hỏi:

- Sáu vị đó có đại cừu đại hận gì với sư phụ chăng? Tại sao mỗi năm mỗi đến?

Du Bách Long thở dài:

- Mục đích của họ là muốn cho ta biểu diễn công khai chiêu kiếm mà ta biết hơn họ. Ta không chịu, họ quyết bức ta, thành ra có cuộc đấu hàng năm liên tiếp đúng mười chín lần, và lần cuối cùng xảy ra chín năm trước như ta đã nói.

Mỗi lần đấu, bắt đầu từ ngày rằm Trung Thu, kéo dài đến ngày mười chín. Song phương tiêu hao chân khí nặng, ai ai cũng mang nội thương... Do đó, lần sau cùng, song phương ước hẹn, cách mười năm tái đấu, cho ai ai cũng có thời gian tu dưỡng, khôi phục lại chân ngươn. Năm nay là năm thứ chín. Năm sau, vào tiết Trung Thu là đúng hạn kỳ, thời gian còn có một năm thêm năm tháng lẽ nữa thôi!

Rất tiếc...

Nhuế Vĩ hỏi dồn:

- Rất tiếc làm sao? Chẳng lẽ sư phụ...

Du Bách Long thở dài:

- Vũ nhi! Ngươi không nhận ra chân lực của sư phụ ngày nay suy giảm quan trọng sao?

Nhuế Vĩ rơi lệ:

- Sư phụ thọ thương như thế nào, đến nỗi chân lực thất tán?

Du Bách Long đáp:

- Lần đấu cuối cùng gay go khốn khổ không tưởng nổi. Ta thọ thương toàn bộ từ lúc đó. Sau cuộc đấu, ta đến đây dưỡng bệnh, bên ngoài thì chẳng có gì thay đổi, song bên trong ta nghe mỗi năm mỗi suy yếu một phần, hiện tại chân lực của ta so với lúc thiếu thời, giảm đi phân nửa, sánh với ngươi ta còn kém xa!

Nhuế Vĩ lắc đầu nhanh:

- Sư phụ còn dồi dào chân lực, hơn đệ tử nhiều!

Du Bách Long cười thảm:

- Sư phụ lừa dối ngươi làm gì?

Nhuế Vĩ nín lặng, lòng xúc động vô cùng.

Du Bách Long lại tiếp:

- Ta thọ thương là lỗi do ta! Bởi nội công của ta, ta tập luyện theo tâm pháp tà môn, nên kết quả không vững chắc. Giả như ta luyện theo tâm pháp "Thiên Y thần công", thì chín năm trước làm gì ta thọ thương được? "Thiên Y thần công" thuộc huyền môn chánh tông, có uy lực tối thượng, chí cao trong thiên hạ!

Nhuế Vĩ thốt:

- Như vậy, ngay bây giờ, sư phụ cũng có thể luyện "Thiên Y thần công"

được chứ!

Du Bách Long mỉm cười:

- Ngốc! Chánh tà không thể cùng đứng chung với nhau được! Muốn luyện "Thiên Y thần công", ta phải hủy bỏ toàn bộ võ công của ta từ trước đến giờ...

Nhuế Vĩ nghĩ:

- "Hủy bỏ như vậy cũng được lắm chứ, song sư phụ đã khổ nhọc suốt một đời, thu thập được bao nhiêu sở đắc đó, thì lòng nào nở bỏ đi?"

Nghĩ thế, hắn không nói gì.

Du Bách Long cúi thấp đầu, đi quanh phần mộ một vòng, trầm tư mặc tưởng, hồi ức chuyện xa xưa. Bỗng, lão dừng chân, cương quyết thốt:

- Ta không thể để bại nơi tay họ! Ta không bao giờ biểu hiện hai chiêu kiếm một cách ngu xuẩn như vậy!

Thấy lão nhân biến đổi thần thái, Nhuế Vĩ kinh hãi kêu lên:

- Sư phụ! Sư phụ làm sao thế?

Du Bách Long quay mình, nhìn hắn với ánh mắt từ hòa, thốt:

- Sang năm, ngươi thay mặt ta, đến nơi ước hội! Phải thắng chứ không được bại!

Nhuế Vĩ thoáng kinh hãi, song liền theo đó, hắn trấn định tâm thần, đáp giọng kiên quyết:

- Đệ tử sẽ dốc toàn lực toàn tâm, thi hành sứ mạnh do sư phụ trao phó!

Chỉ sợ mình không đủ sức, mà phải bại trước sáu lão nhân đó, tạo nhục nhã cho sư phụ!

Du Bách Long tiếp:

- Ta tin rằng ngươi không bại! Không thể bại. Bởi ngươi biết hai chiêu "Hải Uyên kiếm pháp"! Sở dĩ ta đòi hỏi nơi ngươi một nghị lực kiên cường là vì, phàm song phương đồng tài, đồng sức, cuộc chiến sẽ nghiêng phần thắng về bên nào có nghị lực vững chắc. Bí quyết thắng cuộc, là nghị lực, ngươi hãy nghi nhớ điều quan trọng đó.

Nhuế Vĩ không hiểu lắm, song vẫn gật đầu:

- Đệ tử ghi nhớ!

Du Bách Long tiếp luôn:

- Nếu ngươi thắng, sáu người đó sẽ truyền chiêu kiếm của họ cho ngươi.

Lúc đó thì ngươi học toàn bộ kiếm pháp Hải Uyên!

Đến bây giờ, Nhuế Vĩ mới thấu đáo được tâm ý của sư phụ! Du Bách Long nói đến nghị lực, là mong mỏi hắn học được toàn bộ "Hải Uyên kiếm pháp". Hắn chú kính vô cùng. Hắn long trọng hứa bằng mọi giá phải tranh thắng lợi.

Du Bách Long hài lòng gật gù:

- Tốt! Tốt!

Bỗng, lão cao giọng, tiếp:

- Dù có bại, cũng phải bại một cách anh hùng, nghĩa là phải truyền hai chiêu kiếm đó cho họ, bởi sư phụ và họ giao ước với nhau như vậy.

Nhuế Vĩ hứa sẽ không làm cho sư phụ mang tiếng thất tín.

Du Bách Long tiếp:

- Tốt! Tốt! Ngươi được vậy là ta chết đi mới nhắm mắt được!

Nhuế Vĩ lo lắng:

- Sư phụ chưa chết đâu!

Du Bách Long cười lớn:

- Người sống trăm năm, phải có một lần chết. Chết sớm hay chết muộn cũng thế thôi. Có ai trường thọ đâu!

Lão lấy trong mình ra một quyển bí kíp, trao cho Nhuế Vĩ, rồi tiếp:

- Sau khi chúng ta ly khai nhau, ngươi còn thừa hơn năm mới đến ngày ước hội. Trong thời gian đó, ngoài việc ôn tập các môn công đã học, ngươi hãy luyện thêm những công phu ghi trong quyển bí kíp này, đây là trọn sở học của Lạc Quan nhị ca lưu lại. Ta ở đây hơn tám năm, đọc hết các bút ký của nhị ca, ta chọn các tinh hoa ghi vào quyển bí lục. Ngươi hãy hết lòng trân trọng nó!

Nhuế Vĩ tiếp nhận quyển bí lục, cất kỹ vào mình.

Du Bách Long tiếp luôn:

- Sang năm, đến nơi ước hội, nếu sáu vị ấy hỏi đến ta, ngươi hãy nói là ta đã tạ thế rồi!


Cửu Mộng Tiên Vực

Hồi (1-58)


<