Vay nóng Homecredit

Truyện:Thiên kiếm tuyệt đao - Hồi 07

Thiên kiếm tuyệt đao
Trọn bộ 64 hồi
Hồi 07: Thử Xem Bá Đao Có Sắc
5.00
(3 lượt)


Hồi (1-64)

Siêu sale Shopee

Thiếu Bạch cảm thấy mắt cay cay, bất giác không ngăn được hai giòng lệ anh hùng tuôn chảy. Tuy nhiên thuở ấu thời đã trải qua bao cảnh khổ nên sức chịu đựng của chàng cũng vượt lên trên tuổi tác nhiều. Chàng có thể nén dằn tâm tình khích động, ngưng thần lắng nghe.

Chỉ thấy Lưu hạt tử lạnh lùng nói:

- Chuyện ấy lão phu không hay biết mảy may nào cả.

Tứ Giới đại sư lại thở dài thườn thượt nói:

- Lão nạp vì chuyện này đã bôn tẩu suốt mấy năm trời dài, vất vả lắm mới kiếm được chỗ ẩn cư của Lưu thí chủ.

Lưu hạt tử hình như đã không còn đủ nhẫn nại để nghe tiếp nên quật đến chát cây gậy trúc trong tay xuống đất, lạnh lùng đỡ lời đối phương:

- Đại sư đến đây ngày hôm nay phải chăng với ý bức bách Lưu mỗ?

Tứ Giới đại sư vẫn ôn tồn đáp:

- Điều này lão nạp không dám, nhưng lão nạp tốn công mấy năm trời để tìm thí chủ cũng chỉ là muốn chứng thực một mối nghi vấn trong lòng bấy lâu nay.

Lưu hạt tử bị những lời lẽ ôn tồn và tư thái điềm đạm của Tứ Giới đại sư thuyết phục cho nên giọng nói đã trở nên hòa hoãn, lão nói:

- Nghi vấn gì đâu?

Tứ Giới đại sư nói:

- Đoạn công án năm xưa, bổn phái đã liên thủ cùng các môn phái trong thiên hạ truy sát Bạch Hạc môn, trong bụng lão nạp và mấy vị sư huynh đồng môn tuy cảm biết sự việc có chỗ khả nghi, nhưng ngặt vì trong tay không có chứng cớ, lại không có cách gì chỉ rõ kẻ hung thủ đích thực, cho nên không sao ngăn cản quần hùng được, đành phải đứng nhìn một tấn thảm kịch khủng khiếp kinh tâm động phách xảy ra trong võ lâm.

Lưu hạt tử lạnh lùng đỡ lời:

- Đại sư đã biết được sự việc đó có chỗ đáng ngờ, tại sao không ngang nhiên ưỡn ngực đứng ra biện hộ cho Tả Giám Bạch vài câu? Phải chăng đã sợ thiên hạ nổi giận, không muốn tự rước họa vào thân?

Tứ Giới đại sư nói:

- Lúc bấy giờ là lúc mọi người đang khích nộ mà tệ phái Chưởng môn nhân lại là một trong số những người bị mưu hại. Một vị sư huynh tạm đứng ra thay thế trông nom mọi việc trong bổn phái, lòng đau như cắt vì việc Chưởng môn bị hại nên lửa giận bừng bừng bốc cao mất hết tự chủ. Lại thêm những phép tắc trong bổn môn lại rất nghiêm, nếu lão nạp đứng ra ngăn cản thì không những chẳng bổ ích gì cho sự việc mà lại chỉ sợ còn thêm dầu vào lửa cho nên mới đành nín lặng, ngậm miệng chỉ đứng nhìn mà thôi.

Lưu hạt tử nói:

- Hồi đó đại sư đã đứng lặng thinh nhìn một tấn thảm kịch diễn ra, ngày nay sự việc đã qua đi cả mười mấy năm còn tìm tới đây han hỏi mà làm gì?

Tứ Giới đại sư đáp:

- Ấy chính vì tấm thảm kịch đó quá khủng khiếp cho nên mới khiến lão nạp ăn ngủ không yên, quyết tâm điều tra cho rõ trắng đen rồi đem chân tướng công bố cho thiên hạ võ lâm đều rõ để tẩy sạch giùm mối trầm oan cho Bạch Hạc môn.

Lưu hạt tử lạnh lùng nói:

- Số người của Bạch Hạc môn bị hàm oan cộng có hơn một trăm, nếu như đại sư điều tra rõ được chân tướng rồi, đại sư có báo thù rửa hận cho họ không?

Tứ Giới đại sư ngẩn người ra hồi lâu rồi mới đáp được:

- Việc này dây dưa rất rộng rãi, lão nạp cũng có thể bị kể là một trong số hung thủ đã gây ra thảm án đó, nhưng lão nạp dám thề tuy mình có tham dự vào việc ấy, nhưng sự thực đã không nhấc tay giết một người nào trong Bạch Hạc môn.

Lưu hạt tử lạnh lùng nói:

- Đại sư đã không thể báo thù cho hơn trăm nhân mạng của Bạch Hạc môn bị chết oan, lại là một hung thủ tham dự trong việc tàn sát ấy thì nếu có điều tra rõ được việc đó cũng chỉ thêm hổ thẹn, chi bằng đừng hỏi han đến nữa là hơn.

Tứ Giới đại sư nói:

- Trời đất có khí hạo nhiên, thì trong võ lâm đáng lý cũng phải có người còn ôm chính nghĩa mới phải. Lão nạp dẫu cho không có cách gì báo thù rửa hận được cho hơn một trăm nhân mạng thác oan, nhưng chỉ cần công bố được chân tướng sự việc oan uổng đó cho toàn thể giang hồ rõ, lão nạp cũng đã tạm thấy bớt hổ thẹn trong lòng rồi. trong võ lâm thiếu gì những kẻ sĩ tài ba, không thiếu gì những người cầm kiếm chính nghĩa. Sự việc đã được phanh phui rõ ràng như ban ngày trước mặt quần hùng ở trong đời, thì khi kẻ chủ mưu gây ra trường thảm sát kia tất sẽ bị trừng trị xứng đáng, lão nạp cũng được thỏa tâm nguyện.

Lưu hạt tử đột nhiên thở dài nói:

- Thiếu Lâm phái được mọi người trong võ lâm tôn sùng như sao Bắc đẩu, như núi Thái sơn cũng không phải không có lý, đại sư cũng đáng được gọi là người có lòng.

Tứ Giới đại sư nói:

- Lưu thí chủ cứ khen mãi lão nạp như thế chỉ làm cho lão nạp thêm hổ thẹn.

Lưu hạt tử đột nhiên vung cây gậy trúc quật nhanh một chiêu tàn độc quét ngang lưng đối phương một chiêu Hoành tảo thiên ngân mà lão đã sử dụng thật thuần thục.

Tứ Giới đại sư tung mình nhảy tránh, hấp tấp nói:

- Lưu thí chủ có việc gì cứ nói, việc gì phải động thủ như thế?

Lưu hạt tử nghe hỏi đột nhiên buông tiếng cười vang, tiếng cười đầy vẻ bi tráng, chẳng khác gì tiếng rồng ngân khiến Thiếu Bạch nghe thấy cũng bỗng dưng buồn bã lạ thường. Tứ Giới đại sư chấp tay trước ngực, đứng nghiêm trang chờ đợi cho Lưu hạt tử dứt tiếng cười mới chậm rãi từ tốn lên tiếng:

- Lưu thí chủ chất chứa bao nhiêu bi khổ trong lòng, sao không thổ hết cho lão nạp được biết cùng, có phải là nhẹ nhõm không?

Lưu hạt tử nói:

- Cửu đại môn, Tam hội, Lưỡng đại bang thế lực to tát dường nào. Lưu mỗ bị nhà ngươi tìm đến chỗ ở chỉ có chết mà thôi. Nhà ngươi muốn nhờ cửa miệng ta để moi móc cho biết hết mọi chuyện thì chỉ là một hành động nằm mơ giữa ban ngày.

Tứ Giới đại sư khẽ thở dài nói:

- Lão nạp đã hết tâm cang mở hết lòng, chuyện nói ra là lòng thành, thế mà Lưu thí chủ vẫn không chịu tin cho. Ôi! Đấy cũng chẳng trách được, mối trầm oan của cố hữu nhà tan cửa nát, thiên hạ võ lâm không một người đứng ra biện hộ cho đến nỗi Bạch Hạc môn phải bị thảm sát. Đừng nói là thí chủ vì tình bạn thân thiết không thể nén được bi hoài, ngay như lão nạp đây cứ nghĩ đến câu chuyện năm xưa cũng thấy ưu phiền, tự hổ thẹn không nguôi.

Lưu hạt tử nói:

- Thế đạo trầm luân, lòng người tráo trở, Lưu mỗ không thể tin được rằng trong võ lâm còn hai chữ Chính nghĩa. Chúng ta là người không đồng chí hướng, chẳng nên đàm đạo với nhau làm gì nhiều, xin đại sư cứ tự tiện lui gót đi.

Tứ Giới đại sư nói:

- Xin thí chủ tạm dằn lửa bất bình trong dạ nghe lão nạp nói thêm một câu nữa được không?

Lưu hạt tử nghĩ ngợi giây lâu, cuối cùng đáp:

- Được, Lưu mỗ cũng nghe bừa xem sao.

Tứ Giới đại sư nói:

- Cái việc hàm oan của Bạch Hạc môn đã là việc cũ, hơn trăm người vô tội bị chết oan cũng không thể chết rồi mà còn sống lại được. Hiện tại, cái việc duy nhất mà lão nạp có thể làm được là rửa sạch mối trầm oan cho Chưởng môn Bạch Hạc Tả Giám Bạch, công bố chân tướng sự việc cho toàn thể võ lâm được rõ. Nhưng lão nạp đã đi rách giầy sắt, tìm khắp góc biển chân trời, chỉ có một mình thí chủ là biết rõ nội tình. Nếu như nay mà thí chủ không chịu nói cho lão nạp được biết rõ, có phải chăng khiến cho cố hữu của thí chủ chết ôm hận ở dưới tuyền đài, hơn một trăm người thác oan không sao tỏ được mối trầm oan?

Lưu hạt tử đứng làm thinh thở dài, hai hàng lệ lặng lẽ tuôn rơi. Tứ Giới đại sư chắp tay ngang ngực, trầm giọng nói:

- A di đà Phật, xin thí chủ nghĩ kỹ lời nói của lão nạp.

Thiếu Bạch trong nhà nghe nói cũng phải gật đầu nghĩ bụng:

- "Hòa thượng nói mấy câu này nghe cũng phải lắm, bất luận Bạch Hạc môn gặp phải cảnh ngộ thê thảm đến mức nào nhưng hai chữ thị phi phải tra xét cho rõ mới được".

Đang khi chàng nghĩ lại nghe Lưu hạt tử đáp:

- Đại sư muốn hỏi chuyện gì?

Tứ Giới đại sư nói:

- Tả cả những chuyện gì có dính dáng tới Bạch Hạc môn năm xưa lão nạp đều muốn biết hết, nhưng xin thí chủ cứ nói cho nghe những gì thí chủ biết.

Lưu hạt tử nói:

- Lưu mỗ cũng chẳng sợ gì nhà ngươi giết ta để diệt khẩu đâu!

Tứ Giới đại sư nói:

- Tai vách mạch rừng, nếu như lão nạp có ý muốn giết thí chủ để bịt miệng thì đã chẳng phải nhiều lời từ nãy tới giờ với thí chủ làm gì, đã chẳng cần hỏi han những chuyện năm xưa.

Lưu hạt tử gõ cách cách mấy tiếng xuống đất bằng cây gậy trúc nói:

- Chốn nhà tranh chật hẹp, không có gì để đãi khách, xin đại sư vào trong nhà ngồi chơi.

Tứ Giới đại sư cười nói:

- Người xuất gia thì chỗ nào mà chẳng vừa lòng, thôi chúng ta cứ ngồi ngay xuống đất đi, thí chủ nghĩ sao?

Nói xong, không đợi đối phương đáp, Tứ Giới đại sư chậm rãi ngồi xuống. Lưu hạt tử nói:

- Nếu như năm xưa mà được đại sư làm Chưởng môn nhân của Thiếu Lâm thì chắc chắn đã chẳng xảy ra cuộc thảm sát đấy nhỉ?

Tứ Giới đại sư nói:

- Không khí lúc bấy giờ căng thẳng chẳng khác nào dây cung đã giương hết cỡ không thể không buông, dẫu cho lão nạp có chưởng lý môn hộ Thiếu Lâm chỉ sợ vị tất đã ngăn trở được gì.

Lưu hạt tử nói:

- Đại sư muốn hỏi gì? Xin cứ nói hết cho nghe, Lưu mỗ biết gì sẽ nói cả.

Tứ Giới đại sư trầm ngâm giây lâu nói:

- Băng đóng dầy ba thước quyết không phải vì cái lạnh có một ngày mà nên, trong lòng lão nạp tuy tin chắc rằng Tả Giám Bạch là người không may, bị hàm oan nhưng tình cảnh khi ấy lại không sao có thể gột rửa cho vị ấy được. Nếu đúng là có kẻ rắp tâm hãm hại Tả Giám Bạch thì kẻ ấy bố trí thật nghiêm mật, vô cùng chu đáo khiến cho thiên hạ không ai tìm ra chỗ sơ hở. Hẳn rằng Lưu thí chủ trong bụng biết rất nhiều chuyện, nhưng bao nhiêu đầu mối dây nhợ vấn vít, chỉ sợ cũng cảm thấy không biết bắt đầu nên nói từ chỗ nào, vậy thì lão nạp xin phép được đặt dần dần từng câu hỏi. Lưu thí chủ cứ tận tình nói ra, có thể mới rõ ràng, để tìm đầu dây mối nhợ của sự việc.

Lưu hạt tử gật đầu nói:

- Đại sư nói phải đấy, nhưng Lưu mỗ cũng xin có một lời rõ ràng trước là Tả huynh của mỗ bị vương mối hàm oan, đó là một việc hiển nhiên rồi, không còn ngờ vực gì nữa. Nhưng sự việc diễn ra ở bên trong, thứ tự lớp lang có nhiều chỗ chính Lưu mỗ cũng không biết rõ được hết, không dám nói bừa, đoán bậy.

Tứ Giới đại sư nói:

- Lão nạp biết, ấy là chuyện có dính dáng tới Tả phu nhân, tiếng đồn trên giang hồ rất nhiều, lão nạp cũng vì chuyện này mà đâm ra nghi ngờ.

Lưu hạt tử hấp tấp lên tiếng:

- Sao? Thế nào? Ý của đại sư muốn nói rằng chị dâu của ta là một vị xấu xa, tồi bại?

Tứ Giới đại sư ôn tồn nói:

- Tả phu nhân chưa hẳn đã tồi bại xấu xa, nhưng bà ấy có thể là một nhân vật then chốt trong tấm thảm án.

Tả Thiếu Bạch từ lâu vẫn nấp trong nhà lắng nghe trộm câu chuyện của hai người nọ. Nghe đến đây bất giác rùng mình, nghĩ bụng:

- "Chẳng lẽ thảm họa diệt môn của Bạch Hạc môn lại dính dấp đến mẹ đẻ của ta sao?"

Trong lòng rối bời, Thiếu Bạch xua đuổi ý nghĩ không dám nghĩ tiếp nữa. Chàng lại nghe Tứ Giới đại sư nói:

- Lưu thí chủ và Tả Giám Bạch có phải là anh em kết nghĩa chi lan không?

Lưu hạt tử lắc đầu nói:

- Tả huynh là ân nhân có ơn cứu mạng đối với Lưu mỗ, nhưng thực sự người từ trước đến sau vẫn coi tại hạ như anh em ruột thịt.

Tứ Giới đại sư khẽ đằng hắng một tiếng nói:

- Thế thì phải rồi, Lưu thí chủ có biết Tả phu nhân không?

Lưu hạt tử nói:

- Lưu mỗ sống ở Bạch Hạc bảo những năm sáu năm trời, lẽ nào lại không biết Tả phu nhân cho được.

Tứ Giới đại sư đỡ lời:

- Lão nạp muốn đường đột mạo muội hỏi thí chủ một câu rằng lúc thí chủ gặp Tả Giám Bạch hai con mắt của thí chủ đã bị mù chưa?

Lưu hạt tử nhanh nhẩu đáp:

- Chưa, khi ấy hai mắt của tại hạ vẫn còn sáng như lúc nhỏ.

Tứ Giới đại sư hỏi:

- Thế về sau tại sao bị mù?

Lưu hạt tử đáp:

- Trong lúc động thủ với địch nhân trúng phải độc phấn cho nên mới đến bị thương, hai mắt đều mù hết!

Tứ Giới đại sư nói:

- Thí chủ sống ở Bạch Hạc bảo được Tả Giám Bạch hết sức kính ái, vì lẽ gì lại bỏ Bạch Hạc bảo mà đi?

Lưu hạt tử đáp:

- Tả đại ca đối với tại hạ ân nghĩa như núi, nhưng Bạch Hạc bảo quyết không phải là nơi tại hạ có thể ở lâu được.

Tứ Giới đại sư hỏi:

- Nguyên nhân ở bên trong có liên quan gì tới Tả phu nhân không?

Tả Thiếu Bạch lại giật bắn người, cơ hồ không còn tự chủ được nữa. Tứ Giới đại sư đột nhiên hỏi ra câu đó quyết không thể là do thuận miệng vô tâm thế thì chẳng lẽ mẫu thân lại là một người tính tình... nghĩ đến đây, thấy đau đầu quá rồi, Thiếu Bạch không dám nghĩ tiếp nữa.

Chàng lại nghe thấy Lưu hạt tử chậm rãi hỏi:

- Tại sao đại sư lại hỏi như vậy?

Tứ Giới đại sư đáp:

- Dẫu cho là đại trượng phu cũng không dám quyết đoán là vợ mình hiền thục, con mình có hiếu. lão nạp theo việc mà luận việc, dám mong Lưu thí chủ cứ nói cho nghe thực tình.

Lưu hạt tử nói:

- Điều này, điều này...

Ông già mù cứ ấp úng mãi, cả hồi lâu với tiếng điều này mà cuối cùng không nói rõ được điều này là cái gì.

Nhưng thái độ ngần ngừ như thể e ngại cố ý giấu diếm của Lưu hạt tử chẳng khác nào cả ngàn ngọn dao sắc đâm vào tim Thiếu Bạch. Hình ảnh mẹ hiển hiện trong tâm trí khiến chàng không dám nghe thêm.

Tứ Giới đại sư khẽ thở dài nói:

- Lão nạp cũng vốn biết việc này có dính dáng tới danh tiết của Tả phu nhân, người ngoài cuộc không tiện hỏi han nhiều, huống chi bà đã qua đời rồi, không những Lưu thí chủ không đành nói ra mà lão nạp cũng cảm thấy áy náy không tiện hỏi, nhưng có điều sự việc liên quan đến việc thác oan của hơn trăm người của Bạch Hạc môn và lại còn dính dấp tới mối trầm oan của Tả Giám Bạch, lão nạp thành ra bất đắc dĩ mà phải hỏi và Lưu thí chủ cũng không thể không nói ra.

Lưu hạt tử chậm rãi nói:

- Tại hạ sống ở Bạch Hạc bảo năm năm trời, đối với Tả đại ca tình thâm hơn cốt nhục. Tả đại ca là người anh hùng can đảm, coi tại hạ như em ruột, giữa chúng tôi không có chuyện gì là không tâm sự với nhau. Người một lòng định chí chấn chỉnh lại Bạch Hạc môn, gây thanh thế hào khí lẫy lừng để góp mặt với thiên hạ võ lâm. Vì vậy người thường bàn bạc đại kế chỉnh lý Bạch Hạc môn với tại hạ, tại hạ biết được gì cứ thực bụng nói hết, sau này chỉ có một chuyện tại hạ chưa từng nói cho Tả đại ca nghe mà thôi.

Tứ Giới đại sư ý chừng sợ làm mất giòng tư tưởng của Lưu hạt tử nên chực mở miệng nói lại thôi. Chỉ nghe Lưu hạt tử lại thở dài buồn bã tiếp lời:

- Tả đại tẩu của tại hạ bình nhật nhìn coi thì thấy đó là một vị phu nhân hiền thục đoan trang phẩm mạo cao quý. Tả đại ca vốn rất thương tại hạ nên thường ngày vẫn gọi tại hạ đến nội viện uống rượu bàn chuyện đại sự, do đấy tại hạ và Tả phu nhân rất quen mặt nhau.

Trong câu chuyện của Lưu hạt tử hình như lão e ngại điều gì nên lão cứ nói quanh, không chịu nói ngay vào chính đề. Thấy vậy, Tứ Giới khẽ đằng hắng nói:

- Chắc rằng Lưu thí chủ chưa tin lão nạp, vậy lão nạp xin thề độc nếu lão nạp tiết lộ chuyện bí mật này cho người ngoài biết thì sẽ không được yên lành...

Lưu hạt tử nói:

- Đại sư quá lời rồi...

Ngừng lại giây lát tiếp lời:

- Tại hạ sống ở Bạch Hạc bảo tới năm thứ năm, khoảng chừng sau ngày Trùng cửu thì Tả đại ca vì có việc phải đi miền Bắc, Tả phu nhân, người chị dâu của tại hạ đột nhiên sai một đứa thị tỳ vẫn hầu hạ bên mình đưa đến một tờ giấy trắng nói rằng có việc cần, bảo tại hạ phải lập tức vào trong nội trường ngay để bàn.

Tứ Giới đại sư hỏi:

- Thí chủ có đi không?

Lưu hạt tử nói:

- Tả đại ca đi chưa về, dẫu cho tình có thân thiết như ruột thịt, anh em cũng không tiện một mình xông vào nội viện, dẫu cho có việc cần kíp, trọng yếu đến đâu, cũng phải nói chuyện ở chỗ sảnh đường mới phải. Nhưng thật sự lúc bấy giờ tại hạ cũng không tiện nói ra, chỉ để cho đứa thị tỳ trở vào trước.

Tứ Giới đại sư sợ đối phương ngắt ngang không nói tiếp nên hấp tấp hỏi:

- Thế rồi cuối cùng thí chủ có đi hay không?

Lưu hạt tử nói:

Tại hạ vốn tưởng Tả phu nhân là người thông minh, sự từ chối của tại hạ như thế là quá đủ cho người biết, người sẽ thay đổi ý định mà gặp tại hạ ở sảnh đường. Chẳng dè sự tình xảy ra lại không giống như ý nghĩ của tại hạ. Thị tỳ quay vào không lâu lại trở ra giục tại hạ, lúc bấy giờ tại hạ không giữ được bình tĩnh nữa nên nóng nãy bảo thị tỳ nói lại với Tả phu nhân rằng có chuyện gì cần nói thì cho gặp ở sảnh đường. Thị tỳ quay vào, tại hạ tự động tới sảnh đường trước ngồi chờ, chẳng dè chờ đợi lâu cả buổi trời mà vẫn không thấy tẩu phu nhân của tại hạ ra.

Tứ Giới đại sư nói:

- Phải chăng bà ấy không chịu gặp thí chủ nữa?

Lưu hạt tử thở dài nói:

- Chính lúc tại hạ định rời khỏi sảnh đường thì đứa thị tỳ hớt hơ, hớt hải chạy tới bảo rằng sảnh đường là chỗ đông người qua lại, nói chuyện không tiện, đòi tại hạ phải vào ngay trong nhà trong.

Nói đến đây, ông già mù ngửa mặt thở dài, ngần ngừ giây lâu rồi mới lại tiếp lời:

- Đứa thị tỳ nói vậy khiến cho tại hạ thêm lòng ngờ vực, tại hạ bèn lạnh lùng trách mắng thị tỳ một hồi, cuối cùng bảo nó nói lại với Tả phu nhân rằng đại ca chưa về thì tại hạ quyết không khi nào một mình đường đột đi vào trong nhà trong, có chuyện gì thì cứ sai a hoàn nói lại với tại hạ là được rồi.

Tứ Giới đại sư nói:

- Lưu thí chủ hành động cẩn thận như vậy, lão nạp rất bội phục.

Lưu hạt tử gượng cười nói:

- Tại hạ sau khi trách mắng a hoàn mấy câu rồi rời khỏi sảnh đường. Ngày hôm đó ăn uống không ngon miệng, ngủ không yên giấc, cứ nghĩ ngợi mãi. Được ba ngày không thấy có chuyện gì xảy ra, đứa thị tỳ cũng không thấy tới, nhưng bước qua ngày thứ tư lại tình cờ gặp nó ở trong sân, nó mách một chuyện khiến cho tại hạ sinh ra quyết tâm dời khỏi Bạch Hạc bảo.

Tứ Giới đại sư hỏi:

- Thị tỳ đã nói với thí chủ chuyện gì?

Lưu hạt tử nói:

- Nó nói ngày hôm đó nó quay vào thuật không sót một lời tại hạ mắng phu nhân như thế, thế là phu nhân khóc sướt mướt hai ngày một đêm, mắt sưng húp, phu nhân bỏ cả ăn uống.

Thiếu Bạch nghe đến đây lòng quặn đau ứa nước mắt. Tứ Giới đại sư hỏi:

- Thế là từ đấy trở đi, thí chủ đi khỏi Bạch Hạc bảo?

Lưu hạt tử lắc đầu đáp:

- Tại hạ dầu cho có quyết tâm bỏ Bạch Hạc bảo mà đi, nhưng cũng còn phải đợi Tả đại ca về đã, thành thử lúc bấy giờ tại hạ cứ uất ức, nghĩ đến Tả đại ca là một bực anh hùng cái thế, người đã trọng đãi tại hạ và sợ rằng trong lúc quá nóng giận, không dằn được cơn nóng chăng để rồi xảy ra chuyện không tốt đẹp, do đấy tại hạ liền rời khỏi Bạch Hạc bảo, đi du lịch hơn một tháng mới trở về.

Tứ Giới đại sư hỏi:

- Thế Tả Giám Bạch có trở về bảo không?

- Ngay cái ngày tại hạ về thì đến tối Tả đại ca cũng trở về nhà.

- Thí chủ có nói lại cho Tả Giám Bạch nghe chuyện rắc rối với Tả phu nhân không?

- Khi ấy tại hạ cũng mấy phen mở miệng chực nói, nhưng rồi cuối cùng cũng dằn được. Tại hạ cứ nghĩ một điều rằng chị dâu của tại hạ cũng đường đường là con nhà danh môn chính phái trong võ lâm, và Tả đại ca được nhạc phụ bồi đắp rất nhiều, nếu tại hạ nói chuyện không đẹp ra, thế tất khiến vợ chồng Tả đại ca sinh ra xô xát, biết đâu chẳng đến cảnh nhà tan cửa nát.

- Rồi sau đó thí chủ tỏ ý muốn đi với Tả Giám Bạch?

- Đúng thế, tại hạ vừa dứt lời Tả đại ca tỏ vẻ quá kinh ngạc, cứ lưu giữ tại hạ mãi. Nhưng tại hạ đã cương quyết, Tả đại ca thấy vậy không biết làm sao, cuối cùng đành nài nỉ bảo tại hạ muốn đi thì để sang xuân năm sau hãy đi. Thạnh tình khó từ khước, tại hạ đành phải chiều theo, nhưng rồi trước khi hết mùa đông, tại hạ đã phải để thư lại ra đi...

Tứ Giới đại sư khẽ nhíu mày hỏi:

- Từ ngày đi khỏi Bạch Hạc bảo, thí chủ có còn gặp lại Tả Giám Bạch?

Lưu hạt tử thở dài nói:

- Tại hạ tuy đi khỏi Bạch Hạc bảo, nhưng với sự hưng suy của Bạch Hạc môn vẫn quan tâm dị thường. Hà huống ân tình của Tả đại ca khiến tại hạ không thể nào thờ ơ được, thế nên tại hạ vẫn ở trong bóng tối ngầm tra xét động tĩnh ở Bạch Hạc bảo.

- Thí chủ sống ở Bạch Hạc bảo nhiều năm, người ở đó ai mà chẳng biết thí chủ, vậy thí chủ ở trong bóng tối quan sát không một ai phát giác ra thí chủ sao?

- Tại hạ bôi thuốc dị dung, lại thường thay đổi y phục ăn vận theo nhiều hạng người để ngầm theo dõi.

Hốt nhiên, tiếng gió rít rợn người, một ngọn đao lá liễ u nhanh như chớp bay véo lại cắm ngay ngực Lưu hạt tử. Tứ Giới đại sư võ công cao siêu, tai mắt linh mẫn dị thường, tức thời đại sư phất mạnh tay áo, một luồng kình lực ào ào vọt ra, đánh vẹt lưỡi đao lá liễu, đại sư giận dữ quát lớn:

- Ai? Ai dám ám toán?

Đồng thời với tiếng quát, người đã như một cánh chim vèo ra ngoài hàng rào.

Tiếng quát của Tứ Giới đại sư khiến cho Thiếu Bạch giật nẩy mình. Chàng đang miên man nghĩ đến những kỷ niệm ngày cũ, chua xót và tức giận về chuyện của mẹ. Chàng trừng mắt nhìn, chỉ thấy một con dao lá liễu cắm phập vào then cửa. Tứ Giới đại sư đã nhảy ra ngoài hàng rào mất tăm dạng. Thiếu Bạch đưa tay lên chùi nước mắt, đang chực kiếm cách ra khỏi nhà để xem xét sự việc, chẳng ngờ trong khoảnh nháy mắt lúc chàng đưa tay lau ngấn lệ, việc thảm đã xảy ra.

Chỉ thấy Lưu hạt tử kêu ối một tiếng, ngã huỵch xuống đất.

Thiếu Bạch giật nẩy mình, khẽ nhún gót, lao vút ra khỏi phòng, nhưng bốn bề vắng lặng, không thấy một ai. Chàng đành ngoái nhìn Lưu hạt tử thì thấy chính giữa ngực ông lão mù đã có hai vật na ná như tên, cũng giống như con thoi cắm phập.

Dưới ánh nắng mặt trời, chỉ thấy hai món ám khí ấy tối lại vì nền màu xanh thẫm, nhìn thoáng qua cũng đủ rõ chúng là vật tuyệt độc. Thiếu Bạch tuy thông minh hơn người, nhưng thật sự chàng vẫn còn thiếu kinh nghiệm giang hồ nên nay đột nhiên gặp phải trường hợp thảm sự không biết xoay xở làm sao, chàng đứng ngớ ra cả hồi lâu mới sực nhớ việc cứu người là chuyện khẩn cấp, bèn sấn lên hai bước đỡ Lưu hạt tử dậy, hấp tấp gọi:

- Lão tiền bối, lão tiền bối...

Thiếu Bạch gọi một hồi, trước sau vẫn không thấy đáp lại, trong cơn bối rối chàng sờ tay lên mũi nạn nhân, mới hay Lưu hạt tử đã tuyệt khí chết rồi.

Thiếu Bạch ngây người nhìn đăm đăm vào món ám khí cắm chặt trên người chết nghĩ bụng:

- Ám khí tàn độc quá, thế nào mà lại khiến cho một con người chết tươi trong nháy mắt, ngay cả một câu cũng không nói được nữa.

Sức tay phóng ám khí của hung thủ vô cùng mạnh mẽ, hai món vật trông giống như tên mà không phải tên ấy hiển nhiên đã cắm sâu vào trong xương. Lúc bấy giờ trong đầu óc Thiếu Bạch dồn dập quay cuồng với bao cảm giác, ý nghĩ không biết có đáng buồn hay giận, tức tối hay đau xót. Chàng gạt nước mắt nóng hổi của chàng nhỏ cả trên thi thể của Lưu hạt tử.

Bỗng nghe một tiếng quát lanh lảnh của một thiếu nữ từ xa vọng lại.

Tiếng quát liêu trai này khiến cho thần trí của Thiếu Bạch tỉnh hẳn lại. Chàng nghĩ rằng nếu chần chờ để Tứ Giới đại sư trở lại thế nào cũng lôi thôi to. Trong khi, giờ phút này chàng cần phải giữ thân phận bí mật. Nghĩ rồi, Thiếu Bạch nhanh nhẹn nhổ phứt một ngọn ám khí lận vào trong người, nhanh nhẹn cùng cực vút mình qua hàng rào ẩn khuất trong đám cỏ rậm ở bên vùng trúc xanh.

Thiếu Bạch vừa mới núp đâu đó, Tứ Giới đại sư đã hộc tốc trở về, băng mình qua hàng rào. Chỉ nghe đại sư thở dài ra chiều buồn bực, lẩm bẩm nói:

- Lão nạp sơ ý trong nhất thời nên trúng phải kế điệu hổ ly sơn của địch nhân khiến hại đến tính mạng Lưu thí chủ, lão nạp tuy không phải là hung thủ, nhưng hung thủ theo chân ta đến đây, lỗi này, hận này khiến lão nạp làm sao yên tâm...

Giọng nói đột nhiên đứt đoạn nửa chừng, chắc rằng đại sư đã phát hiện việc Thiếu Bạch nhổ mất con dao mà đem lòng nghi ngờ. Một lúc lâu lắm, trong vòng rào lại vọng ra tiếng nói của Tứ Giới đại sư:

- Khen cho hung thủ thật to gan, không còn coi lão nạp vào đâu, dám rắp tâm nhổ mầm độc đi để lão nạp không còn biết dựa vào đâu mà lần manh mối. Hừ, tuy vậy Phật cũng còn giun dủi khiến cho ta về sớm một bước, hung thủ không kịp xóa hết dấu vết, vẫn còn để lại một lưỡi dao độc. Lưu thí chủ vướng phải tai vạ này là hoàn toàn tại lão nạp, lão nạp còn sống ngày nào quyết truy ra thủ phạm để trả mối thù này cho thí chủ.

Thiếu Bạch nghe đến đây liền nhẹ nhàng ngóc mình dậy, ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh. Lúc bấy giờ Cao Quang, Hoàng Vĩnh vẫn đợi ở chỗ hẹn, hai người họ hình như cảm biết có điềm chẳng lành nên trong dáng điệu cử chỉ có chiều bất an thấy rõ. Kịp đến khi thấy Thiếu Bạch trở về bình yên vô sự, họ mới thở phào nhẹ nhõm hết lo lắng. Hoàng Vĩnh thở dài hỏi:

- Minh chủ có gặp chuyện gì lôi thôi không?

Thiếu Bạch đáp:

- Nơi này không phải chỗ chúng ta trò chuyện, chúng ta đi chỗ khác nhanh đi. Dứt lời hấp tấp đi trước.

Hoàng Vĩnh, Cao Quang cũng vội vã theo sát đằng sau Thiếu Bạch, một mạch ba người đi được bảy tám dặm đường, khí ấy Thiếu Bạch mới hơi vững dạ, dừng chân trước một cái miếu. Đây là một tòa tiểu miếu vắng vẻ, không dấu chân người lễ bái. Cao Quang mau miệng hỏi ngay:

- Minh chủ hấp tấp trốn chạy thế này, phải chăng đã gặp cường địch?

- Một lời không thể nói hết...

Tức thời Thiếu Bạch liền đem chuyện mới gặp kể hết đầu đuôi cho hai bạn nghe, chỉ có chỗ dính dáng tới mẫu thân chàng với những điều tiếng không được đẹp, nói ra chỉ thêm buồn và xấu hổ nên chàng giấu, không nhắc tới.

Cao Quang nghe xong, máu nóng dồn lên ngực cao giọng nói:

- Minh chủ sao không giúp lão hòa thượng ấy một tay để bắt hung thủ, trả thù cho Lưu lão tiền bối?

Thiếu Bạch nói:

- Bọn chúng tới đây đã có chuẩn bị trước, bàn mưu tính kế thật chu đáo, ta tuy dẫu cho không có nghĩ đến hậu quả mà dự vào việc truy lùng thủ phạm, cũng vị tất đã bắt được, bởi vì ở chung quanh ngôi nhà tranh ấy cỏ mọc rậm rạp cây cối um tùm toàn những giống trúc mọc chen cành với nhau, chỗ nào cũng có thể lấy làm chỗ ẩn được.

Hoàng Vĩnh đỡ lời:

- Minh chủ giờ phút này không nên thổ lộ thân phận.

Cao Quang có vẻ bực mình nói to:

- Đại trượng phu đi không đổi tên, ngồi không sửa họ, tại sao cứ phải giấu đầu giấu đuôi, không đường đường chính chính ra mặt báo thù?

Hoàng Vĩnh ôn tồn nói:

- Lời huynh đệ nói tuy đúng, nhưng xét theo tình cảnh hiện tại của Minh chủ thì có chỗ khác, bởi vì cái việc mà Minh chủ xuất hiện giang hồ được tung ra thì không những toàn thể nhân vật giang hồ trở thành kẻ thù của chúng ta mà cũng còn khiến cho kẻ nguyên hung họa thủ e dè, gia tăng phần khó khăn cho công việc điều tra của chúng ta, chưa nói đến chuyện Cửu đại môn phái, Tứ môn, Tam hội, Lưỡng đại bang tay chân đông đảo, lực lượng hùng hậu, ba người chúng ta không thể nào địch lại.

Cao Quang khăng khăng cố cãi:

- Nói vậy, suốt đời Minh chủ sẽ không bao giờ người có thể đường đường chính chính xuất hiện giang hồ?

- Đâu phải thế, có điều cũng phải đợi đến lúc có thời cơ, điều tra được rõ nguyên hung họa thủ là ai, Minh chủ tự khắc sẽ đường đường chính chính tự xưng tên họ, thân phận.

Cao Quang là người nóng tính, nhưng cũng biết điều hay lẽ phải chứ không phải phường lỗ mãng, cho nên không cần Hoàng Vĩnh phải giảng nghĩa, nói ra khỏi miệng rồi, y cũng tự biết là đã quá lời. Hoàng Vĩnh khẽ thở dài hỏi:

- Bây giờ Minh chủ định làm gì?

Thiếu Bạch đáp:

- Lưu lão tiền bối và gia phụ là anh em kết nghĩa, không thể để xác của người nằm ruồi bâu, kiến đậu trong ngôi nhà tranh vắng vẻ lặng lẽ đó được. Đợi chút nữa chúng ta trở lại đấy xem sao, nếu như Tứ Giới đại sư không lo chôn cất thì chúng ta sẽ mua một cỗ quan tài, mai táng cẩn thận, rồi sau đó tính gì mới tính được.

Ngừng giây lát, chàng tiếp lời:

- Chỗ hai vị nấp gần con đường chính ăn thông đến ngôi nhà tranh của Lưu hạt tử, không hiểu hai vị có trông thấy nhân vật nào khả nghi không?

Hoàng Vĩnh đăm chiêu nghĩ ngợi một hồi rồi nói:

- Trừ một người lực điền và một người thợ cấy ra không thấy có ai khác.

Cao Quang bỗng à lớn một tiếng nói:

- Phải rồi! Tại hạ hiểu ra rồi.

Hoàng Vĩnh ngạc nhiên hỏi:

- Hiểu ra cái gì?

Cao Quang chỉ bộ đồ vải xanh mặc trên người đáp:

- Ba người bọn ta còn có thể cải trang làm dân cày thì kẻ ám toán Lưu lão tiền bối không biết ăn mặc ra vẻ lực điền với thợ cấy sao?

Hoàng Vĩnh vỡ lẽ:

- Đúng thế, Cao Quang huynh có nhắc đệ mới nhớ một việc khả nghi, cô thợ cấy có xách một cái giỏ, đầu chít một vuông vải trắng như thể cố ý che giấu mắt mày. Lạ cái là lúc bấy giờ gió không to, bụi không bốc mù, hơn nữa người dân quê ở chốn thôn xóm rất có ít người dùng vải trắng làm vuông khăn.

Cao Quang nói:

- Tiếc quá, lúc bấy giờ chúng ta lại không nghi ngờ gì cả để chặn lại hỏi xem sao.

Thiếu Bạch như thể rất chú ý tới chuyện của Hoàng Vĩnh nói, chàng đột nhiên hỏi:

- Thế tay lực điền có điểm nào khả nghi không?

Hoàng Vĩnh đáp:

- Lúc ấy không để ý nên không coi kỹ, chỉ nhớ mang máng người lực điền dắt một con trâu, ống quần xắn rõ cao, tuổi tác hình như cũng lớn lắm rồi.

Thiếu Bạch lại hỏi:

- Vai y có vác cày bừa hay một thứ công cụ gì khác không?

Cao Quang đáp:

- Không, tên ấy chỉ cầm một ống sáo bằng trúc mà thôi.

- Có thực là ống sáo trúc không, Cao Quang đã nhìn rõ?

Cao Quang hơi bối rối đáp:

- Có thật phải trúc không thì quả không còn nhớ rõ, nhưng quyết không phải thứ liềm cắt cỏ.

Thiếu Bạch tươi nét mắt nói:

- Nếu đã như thế thì chúng ta mau đi xem xem sao, biết đâu chẳng tìm được một đầu dây mối nhợ.

Cao Quang vùng đứng lên trước, nhanh nhẩu nói:

- Gấp không gì bằng mau. Đi, đi đi...

Hoàng Vĩnh khẽ giọng nói:

- Huynh đệ không nên quá vội vã, mọi chuyện dãy để Minh chủ phân phó. Thế nào cũng không được tự mình làm càn.

Cao Quang mỉm cười nói:

- Được, xin nghe lời.

Ba người bọn Thiếu Bạch tức thời trở lại chỗ nhà Lưu hạt tử, chỉ thấy dân làng xúm đen xúm đỏ, đâu đâu người ta cũng to nhỏ xì xào với nhau. Chắc là cái tin Lưu hạt tử chết đã đồn cùng trong làng nước. Một bà lão ra bộ nhân nghĩa nói:

- Tội nghiệp quá! Ông lão mù chẳng có con cái, con trai cũng không mà con gái cũng không. Đến cả một người thân nhân lo chôn cất cũng không nốt.

Một ông già khác than:

- Còn trời đất nào nữa. Lưu hạt tử lấy nghề bói số sống qua ngày, có tranh với ai bao giờ, không hiểu kẻ nào mà lại tàn ác dã man đến nỗi giết ông ta đi được.

Một đại hán trẻ tuổi đỡ lời:

- Bác Trương, sao bác lại nói thế. Ông Lưu hạt tử ấy tuy hai mắt mù cả nhưng của cải ông ta tích tụ đến ngốc người, nói ra thì ai cũng phải sửng sốt. Số tiền vàng của Lưu hạt tử không có đến ngàn lạng, nhưng cũng phải có tới tám chín trăm, con người ta chết vì tiền cũng như con chim chết vì mồi. Những người như ông ấy sống không con cái, họ hàng thân thích, sống một mình với một số tiền lớn lao như thế mà không việc gì mới là chuyện đáng lấy làm lạ.

Một thanh niên khác chen vào nói:

- Cái việc Lưu hạt tử có một ngàn lượng vàng vì đâu mà các hạ biết được?

Tức thời tiếng người nhao nhao lên hỏi:

- Phải đấy, tại sao các hạ biết? Phải chăng chính mắt các hạ đã trông thấy?

Đại hán lắm chuyện kia thấy mòi không xong liền hộc tốc rẽ đám đông nhanh chân chuồn mất.

Thiếu Bạch nghĩ bụng:

- "Tứ Giới đại sư ăn ở không phải chút nào, vì ông ta mà Lưu hạt tử chết, thế mà ông ta lại nhẫn tâm thản nhiên bỏ đi, để mặc kẻ xấu số nằm phơi xác cho ruồi bâu kiến đậu. Xem ra ở trong cửa nhà phật dễ thường chẳng có lấy một người tốt".

Năm năm về trước, hòa thượng thân hình cao lớn vung cây phương tiện sản xông xáo đi đầu đuổi đánh phụ mẫu Thiếu Bạch, đã để lại một ấn tượng sâu đậm không sao gột rửa được trong đầu óc chàng, giờ đây Thiếu Bạch vẫn có ý ghét bọn hòa thượng.

Cao Quang đảo mắt nhìn quanh, quả nhiên thấy ở thuỳ dương ngoài hai trượng có một đại hán mặc quần áo nâu, ống quần xắn cao quá đầu gối, chân đi giầy gai, trong tay cầm một cây gậy dài độ hai trượng, trông quả giống ngư ống xì đồng trúc. Thấy vậy Thiếu Bạch khẽ giọng bảo bạn:

- Phải hết sức để ý, đừng để y thoát.

Cao Quang nói:

- Minh chủ yên tâm.

Đang chực quay người đi thì bên tai đã vang lên những lời dặn dò của Thiếu Bạch nói:

- Cách hay nhất là ngầm theo dõi y, nếu không phải tình thế dồn đến nước bất đắc dĩ thì không nên ra mặt đánh nhau với y.

Cao Quang khẽ gật đầu, chậm bước đi.

Thiếu Bạch, Cao Quang và Hoàng Vĩnh liền len vào đám đông để nghe ngóng. Chỉ thấy một ông già khoảng năm chục tuổi xăm xăm đi lại, trong tay ông ta cầm một ống điếu. Người trong thôn ai nấy đều lần lượt vòng tay chào khi ông ta tới gần. Ông già này có vẻ là tay quyền thế hoặc giàu có ở Du Thọ Loan. Ông ta rẽ đám đông, đi một mạch đến cái thây của Lưu hạt tử, cúi xuống xem xét một hồi, lắc đầu thở ra, nói như than:

- Trước tiên phải mua một cỗ hòm, liệm ông lão, đặt trong ngôi nhà tranh cái đã rồi hãy tính sau...

Đưa mắt nhìn khắp mọi người đứng xq một lượt, ông tiếp lời:

- Người trẻ tuổi thì giúp vào một chút sức, còn người khấm khá thì bỏ tiền ra mua quan tài. Ta làm gương bỏ ra một trăm quan tiền trước đây.

Ông nói xong quả nhiên làm liền.

Ở thời đại dân phong còn đơn thuần, chất phác, chỉ cần có một người đứng ra đốc xuất thì mọi người rùng rùng thi nhau cởi đẫy. Chỉ trong chớp mắt, toàn thể đã đóng góp được hơn năm trăm quan tiền. Bấy giờ có bốn thanh niên lực lưỡng mang tiền đi, không lâu đã hè nhau khiêng một cỗ quan tài đẹp về. Thiếu Bạch đứnh nhìn người ta cho thi thể của Lưu hạt tử vào quan tài mà bất giác ứa nước mắt, lâm râm khấn:

- Lão tiền bối yên nghỉ, nếu vãn bối còn sống trên đời thế nào cũng xin tìm ra hung thủ đã sát hại lão tiền bối, giết y để tế trước linh tiền ngài.

Bỗng chợt cảm thấy bị ai chạm nhẹ vào người, Thiếu Bạch quay đầu lại nhìn, thì ra Hoàng Vĩnh lặng xoay người đi. Thiếu Bạch biết có chuyện, nhanh chân đi theo. Dời khỏi đám đông ở nhà tranh, Hoàng Vĩnh đột nhiên bước thêm mau vừa nói:

- Cao huynh đệ đã đuổi theo tên lực điền, chúng ta mau tiếp ứng.

Đang giữa ban ngày ban mặt, hai người tuy ai nấy có một thân khinh công thượng thừa nhưng không sao thi triển được, đành cứ phải gia chân bước. Hai người dò theo phương hướng đi một mạch đến bốn trăm dặm đường mà vẫn chẳng thấy bóng hình Cao Quang và tên lực điền đâu cả. Thiếu Bạch hơi sốt ruột, đánh tiếng:

- Sao lạ thế nhỉ, chẳng thấy đâu, Hoàng huynh không nhớ lầm hướng đấy chứ?

- Tại hạ nhìn rõ ràng mà, lầm sao được.

- Nếu vậy, chỗ này vắng vẻ không có ai, bọn ta dùng khinh công đi cho mau.

Nói rồi Thiếu Bạch tung mình vút xa hơn một trượng đi trước.

Chỉ nghe một tiếng quát lạnh kìm ngay bước chân:

- Đứng lại!

Một bóng người liền theo tiếng quát xẹt nhào ra chắn ngay lấy lối đi của Thiếu Bạch. Thiếu Bạch quét nhìn, thấy người lạ toàn thân mặc quần áo nâu, tuổi trạc năm mươi, chòm râu lấm tấm trắng. Tức thời chàng cười nhạt hỏi:

- Các hạ là ai? Tại sao chận đường tại hạ?

Lão già giận dữ nói:

- Lão phu chưa kịp hỏi nhà ngươi, nhà ngươi đã hỗn xược hỏi lão phu trước. Ta hỏi ngươi, Lưu hạt tử là gì của nhà ngươi?

Thiếu Bạch giật nẩy mình, nghĩ bụng:

- "Ta đang sợ không sao điều tra ra được, nay lão lại tự động dấn thân tới gõ cửa".

Nghĩ vậy nhưng Thiếu Bạch cũng cố bình tĩnh, chậm rãi đáp:

- Tại hạ không quen biết với ông ta...

Lão già phá lên cười, nói:

- Kim Nhãn Điêu ta đã bôn tẩu giang hồ mấy chục năm nay, có ai qua mặt được bao giờ. Lão thấy nhà ngươi rầm rầm khấn vái trong khi nước mắt chảy ra ròng ròng đã đủ hiểu rồi, nhà ngươi không quen y thì ai quen y?

Thấy giọng nói cuồng ngạo vô lối của đối phương, Thiếu Bạch phát sôi máu, thẳng thắng đáp lại:

- Quen ông ta thì đã sao? Chẳng lẽ quen ông ta là việc phạm pháp chắc?

- Quen ông ta không phải là việc phạm pháp, nhưng đã phạm vào điều cấm của bọn ta. Biết điều thì hãy ngoan ngoãn theo lão gia ngươi.

- Đi theo các hạ đến đâu?

- À! Cái đó thì nhà ngươi đừng bận tâm.

Thiếu Bạch nghĩ bụng:

- "Vàng ròng chẳng sợ lửa. Ta không có dây mơ rễ má gì với Lưu hạt tử, chẳng việc gì phải sợ thiên hạ tra hỏi..."

Quay đầu nhìn Hoàng Vĩnh nói:

- Tại hạ muốn nói vài câu với vị huynh đệ này, nhờ về nói lại với người nhà, xong đâu đấy tại hạ đi theo các hạ có được không?

Kim Nhãn Điêu nói:

- Việc gì phải phiền phức thế?

Dứt lời, nhanh như chớp, đột nhiên giơ hữu thủ, hàn quang lóe lên, bắn vút tới ngực Hoàng Vĩnh. Hoàng Vĩnh không ngờ được đối phương xuất thủ bất thình lình, chậm chút là bị ngọn phi đao rít lên bên tai chàng. Phụp một tiếng ngọt sớt, ngọn phi đao ghim sâu vào thân một cây dừa lớn ở sau lưng. Thiếu Bạch nhanh mắt, thoáng cái chàng đã nhận ra ngay được hình dáng của ngọn phi đao, giống hệt như cây đao đã cắm phập trên cánh cửa nhà Lưu hạt tử, không khác chút nào. Thấy vậy chàng giật nẩy mình, máu nóng ở đâu ùn ùn kéo tới, chàng nghĩ nhanh, lão này đúng là một trong những hung thủ đã sát hại Lưu hạt tử đây.

Bên kia, Kim Nhãn Điêu không ngờ Hoàng Vĩnh lại có thể né tránh được ngọn phi đao lợi hại nên chột dạ, nhưng rồi y cũng lấy được bình tĩnh, ha hả cười lớn, nói:

- Thất kính, thất kính. Lão phu không ngờ hai vị cũng là những tay võ nghệ cao minh, xin nếm thêm mấy đao của lão phu xem sao?

Dứt lời song thủ cũng nhấc lên, bốn ngọn phi đao lao vút đi, ba ngọn cùng bay trước còn một ngọn chậm lại phía sau chừng hai hai thước, ba lưỡi đao đầu bay thành hình chữ phẩm chia ra nhằm kích vào những yếu huyệt trên người Hoàng Vĩnh. Lần này Hoàng Vĩnh sớm đã có chuẩn bị xoay vù người, hữu thủ mượn đà cởi dây trên mình, dựt phắt thanh trường kiếm giấu ở đó. Rồi thấy hàn quang lóe lên, ngọn phi đao đi sau chót đột nhiên xẹt nhanh thêm, phóng tới. Thì ra Hoàng Vĩnh chỉ né tránh được ba ngọn đao đầu của đối phương. Chàng không chú ý đến ngọn đao chót, hốt nhiên giờ đây ngọn đao tàn độc xịch tới, Hoàng Vĩnh biết là có muốn tránh cũng không kịp, đành giơ ngón tay trái đỡ ngọn phi đao, tính cũng phải liều để hỏng một cánh tay để bảo toàn tánh mạng. Giữa lúc nguy hiểm như chỉ treo mành chuông ấy, ngọn phi đao đang ngon trớn vèo tới đột nhiên chuyển mũi rẽ sang một bên.

Kim Nhãn Điêu chính mắt trông thấy ngọn phi đao cuối cùng sắp thanh toán được mạng đối thủ đột nhiên bị người sử dụng tuyệt kỹ Đàn Chỉ thần công đánh cho lạng đi thì kinh hãi. Biết là đã gặp cường địch nên y nhanh chân tung mình vèo đi mấy cái, thoắt đã khuất mình trong đám cỏ rậm rạp.

Thiếu Bạch tuy tài trí hơn người nhưng quả thực chàng còn thiếu kinh nghiệm đối địch, không ngờ được Kim Nhãn Điêu lại bỗng nhiên quay người chạy nên lúc định đuổi theo đã không còn kịp nữa. Hoàng Vĩnh bước nhanh tới vòng tay làm lễ, trịnh trọng nói:

- Huynh đệ trong nhất thời sơ hở, suýt trúng đao, đa tạ Minh chủ che chở.

- Hoàng huynh thần công king người, tại hạ đang lo lắng không...

Hốt nhiên thấy chuyện nói không đẹp, chàng ngập ngừng giây lát tiếp lời:

- Hoàng huynh nói gì?

- Huynh đệ đa tạ Minh chủ đã ra tay cứu.

Thiếu Bạch lắc đầu nói:

- Tại hạ ra tay cứu huynh bao giờ? Tại hạ cũng đang lo cho Hoàng huynh, chẳng dè ngọn phi đao ấy lại bị nội lực của huynh đánh bạt sang bên.

Hoàng Vĩnh cười nói:

- Minh chủ khỏi cần phải nói cho tại hạ được mát mặt như thế.

Thiếu Bạch lắc đầu hoài, nói:

- Không, quả thực tại hạ không ra tay cứu huynh mà.

Hoàng Vĩnh bấy giờ mới tin Thiếu Bạch nói thực, ngạc nhiên nói:

- Thế thì thực là lạ, huynh đệ đã liều định mất một cánh tay rồi, định lấy cánh tay trái đỡ ngọn phi đao độc, sau đó sẽ tự chặt đứt cánh tay đó đi để chất độc không xông vào được nội phủ, như thế mới mong thoát chết để theo hầu Minh chủ, giữa lúc ngọn đao lợi hại chuyển hướng, chính huynh đệ còn nghe thấy một tiếng véo nhẹ nổi lên. Nếu không phải Minh chủ ra tay cứu thì còn ai vào đây? Ai mà có công lực kinh người như thế?

Thiếu Bạch gượng cười, nói:

- Tại hạ chỉ biết có chín chiêu kiếm pháp với một chiêu đao pháp, thấy Hoàng Vĩnh bị đưa vào cảnh ngặt nghèo nguy hiểm đến tánh mạng, thực sự tại hạ cũng muốn trợ giúp nhưng không biết phải hành động ra sao cho hiệu nghiệm.

Thì ra Thiếu Bạch theo học với Cơ Đồng và Hướng Ngao lão nhân đã chỉ học được có kiếm pháp cao nhất trong thiên hạ và đao pháp tuyệt nhất với một thân nội công thượng thừa, chứ còn về ám khí và các môn võ công khác chàng mù tịt. Dẫu cho trên người mang đủ công lực và tài năng thật nhưng chàng vẫn chưa tự biết hết. Hoàng Vĩnh nói:

- Ngọn phi đao ấy rõ ràng là có người xuất thủ đánh vẹt sang bên, nếu không phải Minh chủ tất phải có người khác.

- Thực không phải tại hạ.

Thiếu Bạch dứt lời đã nghe tiếng niệm A di đà Phật, sau đám cỏ rậm rạp cách chỗ chàng đứng hơn một trượng bỗng hiện lên một lão tăng vận đồ nâu, mặt mày xanh xao, tay cầm phất trần, ông tay áo đạo bào thật rộng, phơ phất trong gió. Lão tăng có cặp mắt to, hàng lông mi từ bi, tướng tốt trang nghiêm.

Thiếu Bạch nhìn thoáng qua cũng nhận ngay ra được lão tăng là Tứ Giới đại sư, người đã trò chuyện với Lưu hạt tử.

Tứ Giới ra khỏi chỗ nấp rồi thong thả nói:

- Lão nạp đã mạo muội, ngầm xuất thủ đánh vẹt ngọn phi đao.

Hoàng Vĩnh ngẩn người nói:

- Chúng ta xưa nay chưa từng quen biết nhau, vì sao đại sư lại cứu tại hạ?

Hoàng Vĩnh tuy là người trầm tính, xử sự và suy nghĩ chín chắn hơn Cao Quang nhiều, nhưng chung quy vẫn chưa có một kinh nghiệm giang hồ cho nên hôm nay đột nhiên gặp chuyện bất ngờ, chàng không kịp chuẩn bị để lời ăn tiếng nói có lễ độ đúng mức. Tứ Giới đại sư mỉm cười nói:

- Thuyền từ độ cho khắp chúng sinh trong tam thiên thế giới nay lão nạp mới chỉ giúp đỡ thí chủ có một chút chân tay, đâu có đáng gì.

Thiếu Bạch nhớ lại chuyện đối phương đã bỏ thi thể Lưu hạt tử cho ruồi bâu, kiến đậu mà đi lửa giận bừng bừng bốc lên, chàng cười lạt nói:

- Giả từ, giả thiện, miệng lúc nào cũng nói nhân quả với báo ứng, nhưng kỳ thực trên việc làm chưa hẳn đã tốt đẹp như lời nói.

Tứ Giới đại sư giật nảy mình, nhưng rồi lại mỉm cười, gật đầu nói:

- Tiểu thí chủ trách mắng lão nạp như thế hẳn là có duyên cớ, dám mong thí chủ đừng tiếc gì mà không chỉ giáo chỗ lầm lỗi của lão nạp.

- Nói ra cũng chẳng quản ngại gì, hiện giờ đại sư có một việc rất không phải.

Tứ Giới đại sư chắp tay trước ngực trịnh trọng nói:

- Lão nạp xin rửa tai để nghe.

Thiếu Bạch đột ngột hỏi:

- Đại sư có quen biết Lưu hạt tử?

Tứ Giới đại sư ngẩn người ra đáp:

- Hôm nay mới gặp lần đầu, thế cũng gọi được là có quen...

- Được! Tại hạ muốn hỏi thăm đại sư về Lưu hạt tử.

- Lưu hạt tử chẳng may bị người ám toán chết rồi, thi thể vẫn còn ở trong ngôi nhà tranh cách đây không xa.

- Tại hạ biết, nhưng cái chết của ông ta có dính dáng với đại sư thế mà sau khi ông ta chết, ngay cả thi thể đại sư cũng không mai táng...

Tứ Giới đại sư quét cap mắt sắc lạnh nhìn chòng chọc vào mặt Thiếu Bạch chậm rãi đỡ lời:

- Tiểu thí chủ, tại sao lại biết rõ ràng như thế, như thể đã chính mắt được trông thấy?

Thiếu Bạch chột dạ nghĩ bụng:

- "Nguy quá, nếu mình nhận đã núp trong bóng tối nhìn thấy rõ diễn tiến của sự việc thì sợ thế nào cũng không khỏi cho lão hòa thượng đem lòng ngờ, hỏi han lôi thôi".

Nhưng đã trót lỡ lời rồi, không thể không nhận việc đã núp nghe, trong nhất thời Thiếu Bạch nghĩ hết cách mà rốt cuộc vẫn không tìm ra được một kế an toàn, chàng nghĩ ngợi thật lâu, không mở miệng đáp được. Thấy thế Tứ Giới đại sư lại càng đâm ngờ, trầm giọng nói:

- Tiểu thí chủ ăn vận quê mùa, quần áo vải như người dân quê, nhưng vẫn không che giấu nổi vẻ hiên ngang anh dũng. Lão nạp xin hỏi tiểu thí chủ phen này tới Du Thọ Loan hẳn là phải có việc?

- Cũng có thể hiểu như thế, nhưng việc đó không dính dáng gì tới đại sư.

- A di đà Phật, tiểu thí chủ cố tránh nói tới mục đích tới đây hẳn là có điều khổ tâm. Nếu như tiểu thí chủ có tin được lão nạp, lão nạp rất muốn được cùng thí chủ thành thật nói chuyện.

Thiếu Bạch nghĩ bụng:

- "Lão hòa thượng này xem ra không phải con người xấu, nhưng lòng người khó dò, không thể để lão biết thân thế của ta".

Nghĩ rồi, chàng lắc đầu quầy quậy nói:

- Tại hạ thấy chẳng cần...

Quay đầu lại nhìn Hoàng Vĩnh bảo:

- Chúng mình đi thôi!

Tứ Giới đại sư cũng nhanh không kém, cao giọng nói:

- Xin nhị vị hãy khoan, lão nạp còn có chuyện muốn thưa.

Thiếu Bạch ngoảnh lại đáp:

- Cái tình của đại sư tốt đối với vị huynh đệ của tại hạ đây chúng tôi xin ghi nhớ, ngày sau có cơ duyên thế nào cũng xin báo đáp, hiện giờ anh em chúng tôi bận, không nhàn rỗi để nói chuyện nhiều với đại sư.

Thiếu Bạch tất tả muốn đi cho mau, Tứ Giới đại sư càng nghi, cặp lông mày dài của lão nhíu lại, đột nhiên lão tung mình, đạo bào tung bay, người lão đã đứng chắn trước mặt Thiếu Bạch, chắp tay nói:

- Lão nạp sỡ dĩ không chôn cất cho Lưu hạt tử ấy là có ý muốn dụ cho kẻ đã ra tay hạ độc thủ xuất đầu lộ diện, để xem Lưu hạt tử sống hay chết.

Thiếu Bạch đỡ lời:

- Đại sư đã tìm ra hung thủ chưa?

- Theo những điều lão nạp thâu lượm được thì thấy rằng ở Du Thọ Loan này có vô số võ lâm cao thủ núp, việc Lưu hạt tử sống được yên ổn ít năm trời không gặp chuyện gì đủ chứng tỏ hung thủ vốn ra không có ý giết ông ta hoặc giả là hung thủ chưa biết được gì hết nội tình nên chưa lấy mạng kẻ xấu số.

- Đại sư phen này tới đây hóa ra lại khiến cho ông ta bị mất mạng.

- Vì vậy lão nạp mới phải tìm cho ra kỳ được hung thủ để trả thù cho kẻ bạc mạng.

- Nghe giọng nói của đại sư đã ngờ cho bọn này thì phải?

- Lúc này lão nạp không dám quả quyết hung thủ là ai, nhưng trước khi việc này sáng tỏ, phàm những nhân vật võ lâm tới đây không ai là thoát khỏi bị nghi ngờ hết. Tiểu thí chủ và bạn tuy không phải là hung thủ nhưng trong thâm tâm lão nạp vẫn thấy các vị ắt phải có chút quan hệ...

Thiếu Bạch nghĩ bụng:

- "Giang hồ là nơi hiểm trá trùng trùng. Lão hòa thượng này không có gì chắc là lão không có mưu mô, vậy không thể chấp nhận đề nghị của lão được, phải mau rời khỏi nơi đây ngay".

Nghĩ rồi chàng lạnh lùng nói:

- Tại hạ có thể thưa thẳng với đại sư là bọn tại hạ không phải là hung thủ, còn tin hay không cái ấy tùy đại sư...

Tứ Giới đại sư nói:

- Lưỡng vị đã muốn lão nạp dời khỏi nơi đây thì lão nạp cũng xin phép to gan lưu giữ nhị vị.

- Nếu như anh em chúng tôi không chịu ở lại thì sao?

- Đệ tử chốn Phật môn vẫn nuôi dạ từ bi. Hiện giờ có hai con đường, tùy ý nhị vị chọn lấy một.

Thiếu Bạch bình tĩnh hỏi:

- Không hiểu đó là những con đường nào?

- Con đường thứ nhất giản dị hết sức, chỉ cần thí chủ theo lời đề nghị của lão nạp ở lại đây một lúc nữa thành thật đàm đạo cùng lão nạp, làm vậy không những giúp lão nạp nhiều mà cũng tránh được hiềm nghi về phía tiểu thí chủ.

- Đại sư thử nói con đường thứ hai cho nghe xem sao?

- Cũng giản dị lắm, chỉ cần nhị vị qua được chỗ lão nạp đứng thì để tùy nhị vị thong thả, lão nạp sẽ không làm phiền từ rày về sau.

Thiếu Bạch nghĩ bụng:

- "Lão hòa thượng này ăn nói lớn lối như vậy chắc là võ công đã thập phần liễu đắc, tại sao mình không mượn dịp này để thử xem kiếm pháp ân sư truyền dạy lợi hại đến đâu?"

Bụng nghĩ, tay hành động liền, soạt, chàng rút khỏi trường kiếm trên vai, sang sảng giọng nói:

- Nghe khẩu khí của đại sư, chắc là võ công phải độc đáo lắm. Tại hạ rất vui lòng được lãnh giáo một vài chiêu.

Tứ Giới đại sư sửng sốt, thật sự với tiếng tăm lừng lẫy giang hồ như lão, lão nghĩ rằng bọn Thiếu Bạch không khi nào dám so chiêu, chẳng dè Thiếu Bạch lại chọn con đường thứ hai. Lão khẽ xua tay nói:

- Lão nạp xin dâng hai cánh tay thịt này để tiếp vài kiếm của tiểu thí chủ, xin xuất thủ đi!

Thiếu Bạch nói:

- Cung kính bất như tòng mạng, xin được nghe vậy!

Vút một kiếm đâm véo sang.

Tứ Giới đại sư thoạt đầu mặt mày tươi tỉnh thung dung chờ đợi đối phương xuất thủ, kịp khi Thiếu Bạch ra tay đâm vèo sang một kiếm lão biến sắc mặt vội vàng tung mình nhảy tránh.

Thiếu Bạch một kiếm đánh ra được đắc ý, vòng tay nói:

- Đa tạ đại sư nhường nhịn.

Dứt lời, kéo Hoàng Vĩnh nhanh chân bước đi.

Tứ Giới đại sư đứng ngây ra nhìn theo bóng hai người trẻ tuổi dần khuất trong lòng vừa kinh ngạc vừa xấu hổ. Lão cứ đứng thừ người không nói được tiếng nào, bởi vì so trên thân phận và danh vọng của lão trong phái Thiếu Lâm, lão không thể nào nuốt lời một khi lời đó đã nói ra.

Hoàng Vĩnh đi được bốn trăm trượng rồi mới khẽ giọng khen:

- Một kiếm ấy của Minh chủ đánh ra, đường kiếm đi thật kỳ, thật ý khiến người không sao tưởng tượng tới được, chẳng trách lão hòa thượng phải kinh ngạc đến thất sắc.

Thiếu Bạch đáp:

- Tại lão quá tự phụ, có ý khinh địch nên mới bị một kiếm của tại hạ đánh cho thối lui, chứ nếu lão đề phòng một chút thì đâu đến nỗi nào.

- Minh chủ lão gia cần phải khiêm nhượng, theo thiển ý của tại hạ thì dẫu cho lão có để tâm đề phòng cũng khó lòng hóa giải được đường gươm ấy.

Thiếu Bạch đang chực mở miệng nói đột nhiên nghe những tiếng quát tháo dữ dội từ xa vọng lại. Hoàng Vĩnh nói:

- Tiếng của Cao huynh đệ.

Tức thời gia chân nhanh sức chạy.

Chạy vòng qua một cánh rừng rậm, hai người thấy ánh đao bút loáng loáng. Ba người đang lăn xả trong một trận tử chiến. Thiếu Bạch nhanh mắt nhìn thấy ngay Cao Quang đang bị hai kẻ địch trước sau vây chặt lấy, tình thế cực kỳ hiểm ác. Thiếu Bạch cao giọng gọi:

- Cao huynh đệ lui mau.

Thì ra ba người đã lọt cả xuống dưới ruộng, bùn lên tới đầu gối, hành động bất tiện, người nào người nấy bùn văng đầy người, toàn thân ướt như chuột lột, nhưng cuộc đấu vẫn diễn ra vô cùng kịch liệt. Cao Quang thực tình đã đuối sức yếu thế, rồi đột nhiên nghe tiếng Thiếu Bạch gọi, tinh thần phấn khởi hẳn, cao giọng đáp:

- Minh chủ...

Bên tay trái một đao vút tới, Cao Quang bắt buộc phải giơ Phán Quan bút đón đỡ, không có thì giờ đâu để nói dứt lời. Hoàng Vĩnh đã nhìn ra tình thế thập phần nguy cấp của Cao Quang nên khẽ giọng nói:

- Để tại hạ xuống giúp Cao Quang huynh đệ một tay.

Thiếu Bạch gạt đi:

- Không được, làm thế không xong. Cao Quang huynh đệ tuy ở trong thế nguy nhưng cũng còn cầm cự được một thời gian, bùn ở dưới ruộng lên tới đầu gối, di động khó nhọc. Ba người họ đánh nhau đã quen với trở ngại ấy rồi, nay nếu như huynh nhảy xuống thì chỉ làm cho bên đối phương quyết tâm hạ độc thủ, họ sẽ thi triển hết tuyệt kỹ. Trong khi huynh chưa quen với lối đánh ở địa thế đó, dẫu cho có tới kịp thời qua vài chiêu cũng chưa có thể phát huy được hết cái thế của kiếm pháp, chỉ sợ trở ngại làm hại cho Cao huynh đệ, chẳng bằng để Cao huynh lên bờ, chúng ta tìm cách tiếp ứng cũng không muộn.


Kiếm Hiệp 4.0
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-64)


<