← Hồi 33 | Hồi 35 → |
"Hỡi con cháu giòng họ oan gia! Đây là lời trối trăn thống thiết của Lê Hổ để lại cho con cháu lúc lâm chung:
Cha chú ta đều là võ tướng, gia sư cho Phụ Chính Đại Thần Tôn Thất Thuyết, còn ta cận tướng cho Hoàng Kế Viêm. Sau ngày Tôn Thất Thuyết đánh úp đồn Mang Cá (Huế) không thành. Đêm kia, ta đang nằm tại vùng Sơn Tây cùng với chủ tướng, bỗng từ ngoài nhảy vào hai bóng người, máu me đầm đìa. Nhìn lại thì ra cha ta, sau lưng còn cắm một ngọn kiếm dài xuyên tận ngực, chú ta tay run rẩy vừa buông đốc kiếm. Cả hai ngã gục xuống chân ta.
Trong cơn hấp hối, "người" moi ra cuốn sách trao cho ta, miệng phều phào trối lại vài lời, rồi cha chú ta ôm lấy nhau cùng chết. Cầm sách trên tay, ta còn tưởng mình mê ngủ, chừng dở xem mới hay đó là cuốn gia phả ngành họ nhà ta, kèm theo một tờ di chúc dặn điều bí mật. Xem xong, đó là bí mật kho vàng Tôn Thất Thuyết, tình cờ lọt vào tay cha ta và cha chú ta đã giết nhau tranh đoạt bí mật yểm tàng, như tổ phụ xưa cứ hai đời rơi vào vòng oan nghiệt, mưu đại sự rồi sinh ra cốt nhục tương tàn.
Oan oan tương báo? Lẽ trời huyền vi? Hay huyết thống tâm linh xui khiến?
Phải chăng "có con yêu tiềm thức" vẫn theo ám ngành chi thứ, gây nên cảnh oan nghiệt truyền kiếp? Tính ra, sẽ tới con cháu ta phải gánh... Hỡi ôi, oan nghiệt nối đời đời, đời ta đã vậy còn đời con cháu, đời chúng mi! Kiến thức hẹp hòi, là võ tướng ta chỉ quen cỡi ngựa đánh gươm, nhưng còn tim còn óc, ta còn lo cho cuộc đời con cháu mai sau. Kho vàng! Kho vàng lá của nước Nam, ta không chí lớn, tài cao, dám mong chỉ làm chủ kho vàng, mà... than ôi! Vận nước suy vong, anh hùng khuất bóng, tiểu nhân đầy rẫy, còn biết tính sao? Ta chỉ còn biết trông mong vận nước hoặc con cháu ta hoặc giòng họ khác lấy vàng hưng quốc, cứu dân, rửa nhục cho trăm họ, tích đức tu nhân may ra có giải được mối oan nghiệt thảm thê cho giòng họ Lê chi thứ Ngọa Triều tằng tổ Xạ." Đến đây hết chữ son, trang sau mở đầu phả hệ từ đời ông nội, có mấy hàng chữ Hán viết lối chân phương khá lớn, đã xỉn lại, toàn bằng máu: "Cái Văn: phụ tác tử thừa, thử chi vi kế, bất cải ư phụ chi đạo khả vị "hiếu hỉ"!"
"Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp huyết thư." Thích, đổi chữ Tố Như thành huyết thư, không biết ngoài ba trăm năm sau trong thiên hạ, có ai khóc lá thư máu này chăng?
Còn mấy hàng trên, nghĩa Nôm là: Thường nghe: Cha làm con theo, đó là nối, không đổi đạo cha ấy là Hiếu.
Chắc ý ông nội chẳng muốn con cháu về sau theo di ngôn dặn lại, nghĩ đến hiếu trung nhân nghĩa, đừng để lòng tham làm mờ lương tri, để lại rơi vào vòng oan nghiệt gớm ghê như tổ phụ.
Sau những dòng trên đến đoạn phả hệ ghi rõ chi phái từ đời ông nội về sau, già, trẻ, trai, gái, sống, chết, ngày, giờ, năm, tháng, nghề nghiệp, công danh, tính hạnh.
Lạ nhất là vừa đến đời của chú chàng, tờ gia phả bị xé đi mất mấy tờ, còn về sau chỉ là phụ khoản, ghi về mồ mả và các sự di chuyển dời cư, không có gì đặc biệt.
- Ai xé những tờ kia? Có chi quan hệ trong những tờ bị mất mà sao tuyệt nhiên không nó chi về nơi yểm tàng? Cả thiên hạ lục lâm giang hồ, nhà nước Tây Tàu đều đi kiếm gia phả, lẽ đâu chỉ có thế này? Tất cả bí ẩn chỉ là mối oan nghiệt của dòng họ ta, không quan hệ chi đến người ngoài, kho tàng? Hay bí mật kho vàng nằm trong mấy tờ bị mất?
Thái Dũng đặt sách xuống bàn, uống một hơi cạn ly rượu đầy, đầu óc đầy thắc mắc đoán cuốn gia phả bị xé phần quan trọng trước khi vào tay Thần Quân.
Nhưng lại nhớ đến lời ghi trong tập giấy của ông thầy kỳ dị, đầu óc chàng trai càng nghi hoặc, rối loạn. Ngồi nghĩ vẩn vơ, giở từng tờ soi đi xét lại, không chi khác lạ, tần ngần mở rộng chỗ có di ngôn của Lê Hổ ông nội chàng trối lại cho con cháu, nhìn từng nét chữ người quá cố, chừng đã lâu năm, rải rác có mấy chữ bị mọt lỗ chỗ.
Gió rừng thu hắt hiu lùa vào quán, thỉnh thoảng chàng trai lại nhìn ra cảnh lâm tuyền ngoài cửa sổ, mơ màng tưởng về dĩ vãng xa xưa... trải bao đời oan nghiệt lạ kỳ, dòng tư tưởng chảy dần về đời ông nội chàng, thời quân Tây hạ thành Hà Nội, ông nội theo Hoàng Kế Viêm, cùng giặc Cờ Đen trấn mạn Sơn Tây, cùng những trận đánh du kích nửa cổ nửa kim với súng trường, mã tấu. Cờ Đen phục binh Cầu Giấy, bắt sống Tây Sông (Henri Rivière) bắn Ngạc Nhi (Francis Garnier) một thời nhiễu loạn, hào hùng, tủi nhục, súng thần công bắn vỡ thành trì, mở đời bút thép đè bẹp bút lông.
Liên miên hình dung đến ông nội võ tướng áo the, dây đạn, giáp đỉnh đồng, người đầy tâm huyết lại gặp thời vong quốc thình lình đang lúc binh say lại gặp cảnh cha chú tương tàn, tranh kho vàng, quên tình cốt nhục, quên ca mối oan gia...
Không tham vàng, chỉ nghĩ đến dân tộc con cháu dòng họ để di ngôn máu lại, còn buồn con cháu người ngoài biết có ai thông cảm lòng mình...
- Ông nội thề... con cháu lại ra làm quan...
Tự nhiên, Thái Dũng xúc động lạ thường, thương ông già võ tướng quá cố, tưởng luôn gia cảnh thân thế mình, cánh mũi cay cay, mắt nhẹ rưng rưng.
Và không ngờ sự lạ đã hiện lên như một phép màu. Chàng trai vừa toan đưa tay lên trán, sợ lệ ứa ra người chung quanh trông thấy, nhưng vừa giơ tay chớp mắt bỗng chàng giật thót mình, "à" lên một tiếng ngạc nhiên.
Thường khi mắt rưng rưng mờ đi vì lệ long lanh đọng rèm mi, mà cứ nhìn đăm đăm vào một khoảng chi, tất cả những vật nơi đó đều như phải mờ theo, chỉ còn thứ gì đặc biệt nhất nổi bật lên trước khóe mắt đăm mờ hoặc về hình thể hoặc về màu sắc, tĩnh vật hay động vật v.v... Thái Dũng nhìn mãi vào trang giấy trắng, chữ son, tất cả đều bằng phẳng giống nhau, mắt chợt rưng mờ chữ cũng nhòe mờ như chìm đi, chỉ còn những vết mọt gặm đập vào mắt, gần như linh tính, hay một thói quen thông thường, chàng để ý đến vết mọt, lập tức đế ý ngay đến chữ bị mọt đục, như một ánh chớp lóe, trang giấy chỉ còn chữ mọt nổi lên tuần tự từ trên xuống dưới.
Và khoảng cách mất đi, Dũng vụt đọc thấy những chữ:
"ĐỂ SÁCH TRÊN TỔ KIẾN"
- Để sách trên tổ kiến? Chữ mọt tình cờ hay cố ý? Nghe đúng là một câu nói mạch lạc!
Vừa mừng rỡ vừa ngạc nhiên, Dũng lật đật cầm cuốn sách lên coi lại, mới hay chỉ là những vết mọt nhân tạo. Thì ra bí mật ngầm trao cho kẻ nào khóc trước tờ huyết thư, khóc rưng mờ mắt vì cảm động mới chợt nhận ra một bí mật thật bất ngờ, chỉ dành cho người đa cảm. Đa cảm hướng có lòng, chỉ có gian tặc ác nhân lòng gỗ đá mới không có nước mắt. Chọn cách trao bí mật này, ông nội Dũng hẳn không chỉ là một kẻ chỉ biết đánh gươm bắn súng.
Thành kính, chàng tuổi trẻ họ Lê gấp luôn gia phả lại, chấp trước ngực nhìn ra xa như hướng về dĩ vãng người xưa.
- Đội ân Thượng Đế, tổ phụ! Lê này nguyện tuân theo di ngôn!
Thở phào một hơi như vừa giải xong một bài toán khó, Dũng đưa mắt trông quanh quẩn, tìm tổ kiến. Khách hàng thấy chàng dòm góc nhà, gầm bàn, thảy đều ngạc nhiên, lên tiếng hỏi:
- Ông tìm gì đó? Rơi tiền ư?
- Không! Mỗ tìm... kiến!
Ai nấy cùng cười ồ. Bỗng tít góc bên kia, một người lái buôn vùng kêu oai oái:
- Ôi chao! Đau chết mất thôi! Thấy ông bà ông vải... dưới gầm đây này! Tìm đâu cho mệt xác!
Dũng nhìn sang, thấy chú ta đang suýt xoa kêu khổ, dưới chân, xương xẩu vung vãi, kiến bu đầy.
Thái Dũng vừa định bước lại, bỗng nghe ngoài quán có tiếng nhạc đồng khua vang, rập vó câu phi nước đại, chợt dừng trước quán.
Tiếp liền có tiếng trong trẻo vọng vào:
- Chủ quán! Có thịt rừng, rượu ngon lấy cho ta mau! À! Làm ơn cho ngựa ăn cỏ ngay! Ta cần đi gấp!
- Dạ! Mời quý khách chiếu cố! Quán có đủ cả! Kìa, mà sao tay quý khách...
- Tốt lắm! À! Tay ta bị xây sát thường thôi! Vừa bị thổ phỉ đuổi đó!
Thái Dũng bỏ luôn cuốn gia phả vào trong ngực áo.
Từ ngoài, bước vào một chàng khách trẻ tay cầm chiếc roi ngựa ve vẩy, dáng rất hào hoa. Khách trẻ đưa mắt nhìn quanh, chợt thấy Dũng, chàng khách tươi cười nghiêng mình chào, đoạn nhanh nhẹn bước vào ngồi ngay chiếc ghế xế ngang Dũng, đặt roi ngựa và "sắc" hành lý lên bàn.
Vừa nhác dạng chàng khách, Thái Dũng có cảm tình ngay. Đó là chàng trai trạc hai mươi, hai mươi mốt, đẹp như Tống Ngọc thời xưa, mắt sáng, mày xanh, mặt tươi như hoa, mặc quần áo Chàm chít khăn chàm giống con cái các tiểu vương sơn cước, trên mình không có một tấc thép, thoạt trông đã đoán ngay là một chàng quý tộc thư sinh đi du sơn ngoạn thủy.
Thái Dũng, chàng khách, cả hai mỗi người một vẻ, Phan An, Tống Ngọc tái thế, ngồi một góc khiến bọn khách buôn cứ luôn tay chỉ trỏ trầm trồ. Chừng cũng lấy làm lạ giữa chốn rừng xanh lại gặp người mỹ mạo khác thường. Chàng khách trẻ vừa ngồi đã ngoảnh sang Dũng làm quen:
- Đại huynh tha lỗi, đại huynh lên Hoàng Su Phì?
Thái Dũng lắc đầu:
- Đệ đi Hà Giang! Còn huynh chắc từ xa tới... Huynh lên Su Phì?
- Dạ. Xong, đệ đi Cao Bằng. À, Cao Bằng dạo này chẳng hiểu có yên không?
- Biên giới hồi này loạn dữ! Thổ phỉ như rươi, chỗ nào cũng có cường sơn.
Huynh đi một mình... không ngại?
- Dạ, cũng có người nhà nhưng có chút việc, đến Cao Bằng mới gặp lại.
Không ngờ dạo này lắm thổ phỉ quá, đệ vừa qua, chúng bắn nhau với quân Mèo, không nhờ ngựa hay khéo nguy rồi!
Vừa nói, chàng khách vừa giơ tay cho Dũng coi, tay bị đạn sướt buộc băng.
Một khách thương bàn góp:
- Mới có bọn thổ phỉ Tàu ghê lắm! Tuần trước kéo sang ăn cướp đánh cả đồn Tây! Nghe đồn thằng đầu đảng chỉ thích cắt tai người ngâm rượu chơi!
Chủ quán dọn rượu thịt ra. Khách trẻ mời Dũng, Dũng mỉm cười cám ơn, chàng ta ngồi ăn uống ngon lành, vừa ăn vừa nói chuyện với Dũng. Đường xa cô đơn gặp người đồng điệu, Dũng cũng nguôi lòng, nhân thấy chàng ta vui tính, tự nhiên có duyên, Dũng cùng cởi mở đối đáp, hai người có chiều tương đắc lắm. Hỏi chàng cho biết mới từ Vân Nam sang kiếm bà con, nhân thể về xem mặt hôn thê tại Cao Bằng. Ăn uống xong, Thái Dũng nhớ đến việc riêng, vội đứng lên từ giã, gọi chủ quán tính tiền.
Ngờ đâu, tiền bạc đã nhẵn, chàng trai sững sờ đứng ngẩn ra. Rõ ràng còn còn một mớ bạc xòe chưa tiêu đến, bỗng không cánh bay mất! Sực nghĩ có lẽ đã rơi dọc đường từ núi Quạ hoặc khi lũ vượn cướp "sắc" chạy, Thái Dũng lúng túng không biết tính sao, đành nói nhỏ với chủ quán xin tạm khất và tạm gửi lại... cây súng làm tin!
Chủ quán giãy nảy:
- Úi chao! Làm nghề làm ăn lương thiện, giữ của nợ này để mang họa, vào tù ăn cơm vôi ư?
Nhăn nhó điều đình mãi chưa xong, chủ quán có ý muốn giữ tạm con ngựa, đang giằng dai, bỗng thấy chàng khách trẻ đứng lên mắng chủ quán:
- Bữa ăn đáng bao nhiêu, chú đòi lấy ngựa? Chú mày thật không biết người biết của! Điệu bán quán của nhà chú chỉ bán cho thổ phỉ là hay! Bao nhiêu?
Huynh tha lỗi!
Chủ quán nhăn nhở cười ruồi:
- Dạ, không mấy, chỉ vài "xòe" thôi!
Khách trẻ moi túi lấy ra mấy đồng xòe, cười rất tươi đưa Dũng. Dũng tần ngần muốn trả, lại phiền với chủ quán, đành cám ơn khách trẻ vừa đưa cho chủ quán. Thình lình nghe rầm rập tiếng chân ngựa, ngoài cửa ồn ào, rồi có tiếng Tây, ra quát tháo, giật giọng:
- Đây rồi! Bẩm quan đồn, ngựa "nó" đây rồi!
- Attention! Alora! Chassez moi ce type la!
Súng lên "quy lát", ngựa hý, chân chạy rầm rập, khách ăn kinh hoảng, đứng xồ cả lên, sợ sệt thất thần.
- Tây đồn! Tây đồn!
Từ ngoài, một viên quan hai khố xanh, xách súng lúc ập vào, lố nhố theo sau hai, ba chú lính chĩa súng trường lên đạn, rê chỏ vào mọi người.
- Tất cả ngồi im! Giơ tay lên!
- Kìa! Bẩm quan đồn, nó kia kìa! Một người đứng gần Tây đồn, trỏ phăng về phía hai chàng trai, Tây đồn gạt mũi súng lục quát:
- Còng hắn lại! Tước súng!
Hai chú lính sấn tới, chàng khách trẻ vẫn tươi tỉnh nhìn Dũng, Dũng vẫn đứng yên khó xử. Đoán bọn này lầm mình, chàng đành hướng vào Tây đồn, nói tràng tiếng Pháp.
- Chắc ông lầm rồi! Tôi vừa từ Cao Bằng tới...
Vẫn chĩa súng lăm lăm, viên Tây đồn hất hàm truyền lịnh:
- Đem về đồn!
Bọn lính xông lại, kẻ với tay định tước súng, người chìa còng ra, Dũng bí quá, đành lùi phắt lại, nghiêm mặt:
- Đứng đó! Bắt người vô cớ, đừng buộc mỗ phải ra tay!
Viên Tây đồn trợn mắt vừa lên tiếng hô lính cứ sấn tới. Thình lình nghe liền mấy tràng pạc-hoọc nổ rất gần, ngoài cửa quán nhốn nháo, khách buôn chạy loạn, ngựa hý giật. Một chú lính khố xanh đâm bổ vào, mặt cắt không còn hột máu:
- Thổ phỉ! Thổ phỉ!
Pạc-hoọc nổ dòn, lẫn vài tiếng súng "mút". Đạn vãi cả vào quán, ai nấy thất kinh, bở vía. Viên Tây đồn cùng bọn lính xách súng nhảy túa ra, khách trong quán chạy cuống, chui cả xuống gầm bàn. Vài tiếng súng "mút" đì đẹt, rồi tắt họng, rầm rập có tiếng ngựa phi lẫn tiếng xạ phang quát lớ. Viên Tây đồn vai bị một vết thương, một bọn bốn, năm người vừa lính vừa dân chạy bổ vào quán, mắt xanh lè:
- Thổ phỉ! Đóng cửa mau! Đông lắm! Giết hết lính rồi!
Cánh cửa vừa ập đóng đã bật tung, rập lố nhố bên ngoài đã đầy bóng xạ phang mặc quần áo đen. Một cái thủ cấp bay vụt vào quay long lóc như bình vôi.
Viên Tây đồn vừa thò tay bắn đã bị một phát tung cả súng, rồi có tiếng cười hô hố ngoài quán:
- Hầy a! Mấy con ngựa đẹp dữ! Còn đứa nào ra cửa ngoài này! Xích tất cả lại đem về Tàu! Lũ dân nội địa béo tốt "có giá", hầy à.
Bọn thổ phỉ ào đến nhanh như cơn lốc. Lúc đó đã vây gọn cả khu quán. Thái Dũng trông ra thấy quân xạ phang cỡi ngựa lố nhố đầy đường, trước cửa sau nhà, mấy tên đang sấn lại bắt ngựa, dồn người về một góc. Thấp thoáng bóng một tên cao lớn vạm vỡ đội mũ rộng vành, hai tay hai pạc-hoọc, vừa chồm tới, ngổn ngang đến năm, sáu xác lính nằm chết gục cạnh súng trường.
- Hầy à! Trong nhà còn thằng Tây đồn! Vào chỉ làm con tin đi lấy đồn! Lùa chúng ra mau!
Ai nấy hết vía, run lẩy bẩy. Viên Tây đồn ôm vai, tuyệt vọng. Chàng khách điển trai vẫn ngồi bên bàn uống. Thái Dũng thấy tình thế hiểm nghèo vội bảo viên Tây đồn:
- Nó định bắt sống ông, xuống cướp phố đồn. Lục tìm chỗ nấp tránh đạn, để mỗ liệu giúp!
Lời vừa dứt, từ ngoài hai, ba bóng thổ phỉ xông vào. Dũng phất tay một cái đánh bắn cả bọn ra như mấy trái cầu, vùng quát lớn:
- Thổ phỉ! Các chú mày tới số rồi! Biết điều cút ngay! Sao không kiếm ăn ngoài biên lại vào tận nội địa? Mỗ sắp nổi giận rồi đó!
Bên ngoài đang ồn, chợt im bặt. Tiếp theo liền mấy tiếng chửi tục. Tên chủ tướng gầm lên:
- Thằng nào muốn xuống âm phủ đo? Vào bẻ họng nó cho tao! Hầy à! Mấy đứa kia lui ra, để con ngựa đỏ đấy cho tao!
"Vút" tiếng thòng lọng, Huyết Phong Câu hý đá lung tung. Thổ phỉ kêu oai oái. Thái Dũng sợ chúng nổi giận bắn chết ngựa quý, sực nghĩ ra một kế, vùng thét dữ:
- Chó đú! Không biết có bản soái gia trong này sao? Coi đây!
Miệng quát, tay rút phăng súng ra, bắn liền mấy phát, rụng luôn pạc-hoọc trên tay tên chủ tướng và hai tên cận vệ. Tên tướng trợn mắt dòm vào quán có vẻ sửng sốt khác thường.
- Hầy à! Phải... phải Thập Vạn Đại Sơn...
- Chú mày là thằng nào? Hà hà!
- Hầy à! Lầm Tắc Mềnh này...
- Đi phương khác kiếm ăn!
Thái Dũng lúc đó mới sực nhớ ra tên tướng thổ phỉ chính "Lầm Đại vương" khét tiếng miền Đông biên giới đã gặp ngày từ Quảng Đông về nước. Chàng trai thấy hắn đã nao núng, liền đưa luôn họng súng cối lên miệng thổi một tràng. Âm thép đầy công lực vang động khắp trong quán, ngoài đường bọn thổ phỉ, khách buôn, lính tráng thảy đều giật mình, muốn thủng màng tang như bị dùi đâm, vội bít chặt lấy tai. Lâm Tắc Mềnh tướng thổ phỉ bỗng kêu ồm ồm.
- Hầy à! "Thiết pháo khẩu!" Thiết pháo khẩu Đại Sơn Vương! Xuất hành gặp gái à! Quân đâu! Hàng đôi! Xếp hàng đôi! Tao ra mắt soái ông Thần Xạ!
Thái Dũng thấy Lầm tướng thổ phỉ đổi thái độ, sợ chúng sấn vào rất phiền, nên vẫn ẩn mặt, nghiêm giọng nói lớn:
- A Lầm! Mỗ bận chút việc, bất tất khách tình! Đi thôi! Mỗ có lời chúc mạnh giỏi!
Lầm vuốt râu, tay xua quân gia, mắt vẫn nhìn vào quán cười hô hố:
- Hầy à! Cái "ngộ" không piếc soái ông... Lại thấy con ngựa đỏ, con ngựa trắng à. Soái bà cỡi ngựa trắng, còn soái ông vẫn cỡi ngựa đen đen xam xám mà!
- Lầm mắt vọ! Ngựa huyết của Thần Quân mới tặng đó! Muốn cỡi ư?
- Ý à! Cái "ngộ" thích ăn cơm hút thuốc phiện, không thích ăn kẹo đồng.
Quân đâu! Hầy à! Không nghe thấy gì ư? Chó đú! Rút về Tàu... a!
Nhặt pạc-hoọc bắn chỉ thiên liền mấy phát, Lầm cùng thủ hạ quay ngựa tế về phía Bắc như giông, thoáng đã mất.
Từ Tây đồn đến khách thương đều đứng ngơ ngác như vừa mê ngủ, mãi đến lúc bọn thổ phỉ đã đi xa, mọi người mới hoàn hồn, chạy ùa ra cửa dòm thấy hàng hóa còn chất ngổn ngang, không mất một cái tóc.
Chủ quán lạy Dũng như tế sao:
- Bẩm... không ngờ Đại Vương giáng lâm, con người trần mắt thịt trót phạm thượng, xin Đại Vương sinh phúc! Hú vía! Ông thổ phỉ râu xồm ấy chính ông Lầm hung thần chuyên xẻo tai người ngâm rượu chơi!
Cả quán nhao nhao lạy tạ. Tây đồn cũng sửng sốt không kém, ngỏ lời xin lỗi, thỉnh chàng về đồn. Thái Dũng chỉ cười gạt đi, nói qua loa vài câu, đoạn khoác "sắc" lên đường ngay.
Chàng khách trẻ ra theo, cười bảo:
- Bữa nay không có đại huynh, vùng này nguy vì thổ phỉ rồi! Đệ tưởng nghe danh Đại Sơn Vương, không ngờ lại được gặp!
Dũng lắc đầu, tặc lưỡi:
- Đệ đâu phải Đại Sơn Vương! Chẳng qua gặp lúc khẩn cấp, chúng ập đến vây, đệ sực nghĩ oai dán Thần Xạ đành liều làm kế "cáo đội lốt hùm" đó thôi!
Chàng khách trẻ nghe nói cất tiếng cười khanh khách:
- À ra thế! Nhưng đệ vừa được coi đại huynh bắn súng tài lắm. Giờ huynh có thể cho đệ cùng đi được chăng?
Thái Dũng thấy chàng ta cốt cách khoan hòa, nói năng hoạt bát, rất thiện cảm, nhưng nghĩ mình đang bận việc lớn, nên đành kiếm lời thoái thác. Đó rồi, hai người chia tay, Dũng phóng ngựa vào một cánh rừng sâu về hướng Đông Nam, tìm một con suối vắng bốn bề không người, bèn xuống ngựa đi dọc theo bờ nước tìm tổ kiến. Không đầy nửa phút, đã kiếm thấy một tổ lớn tại gốc cây tùng gần bờ nước.
Cả mừng, chàng móc luôn cuốn gia phả mở rộng xòe, đặt dựng ngang trên tổ kiến, mắt nhìn chòng chọc, đợi xem có chi lạ xảy ra.
Lúc đó mặt trời đã lên cao, chiếu tia ấm dịu xuống gốc cây, đàn kiến càng này thuộc loại đẻ trứng rất bùi, dân đường ngược thường kiếm trứng giống kiến này về đồ với xôi nếp cẩm, lúc này đang bò ngược bò xuôi đi các ngả kiếm mồi.
Có hai, ba bọn kiến thợ đang tha về, bò cả lên mặt sách. Dũng theo dõi chăm chú chỉ thấy chúng bò qua, coi mãi chán, bèn đưa mắt nhìn bốn phía rừng già xem có kẻ nào theo hút không. Rừng vẫn vắng vẻ, chừng phút sau chợt chàng ngó lại đã thấy kiến từ đâu kéo về bu đầy mặt giấy đến hàng vạn con, còn nhiều bọn đổ tới dài dặc, Vẫn không chi lạ.
Bỗng chàng để ý thấy lũ kiến chỉ bò trên hai tờ giấy thôi, tờ có lá huyết thư, còn tờ khác không có con nào, và sau một hồi bò thẳng, giờ chợt bò nối đuôi, có thể cả vạn con đổ dồn vào hai mặt giấy, nháy mắt tất cả như đứng im, chỉ còn vài con bò quanh tìm chỗ.
Nhìn lũ kiến bu, bất thần tim Dũng như ngừng đập, vụt nhận ra chúng đã nằm rất đều, đen ngòm theo những đường nét dọc ngang như phượng múa, trên mặt giấy bỗng hiện ra... những "chữ kiến bu đen" lối chữ thảo, mỗi chữ to bằng ngón chân cái, trên hai tờ giấy, rõ không kém tô mực đen. ÂM THANH ĐỘNG KHƯƠNG THƯỢNG NGỘ VĂN VƯƠNG
- À, ra thế! Thật không ngờ! Thì ra chữ viết bằng một chất ngọt đặc biệt nào như "thoòng chinh" hay một chất ép mật hoa chi đó được ướp giữ lâu ngày không mất. Giống kiến đánh hơi thấy bu cả vào những chỗ có chất ngọt, chữ hiện ra!
Nhưng "âm thanh động" là gì? Động là hang động hay động đậy? Sao lại Khương Thượng gặp Văn Vương? Úp mở khó hiểu thật! Nhưng có điều chắc là động đây là hang động chỉ địa điểm chôn dấu đây.
Thái Dũng thở phào như trút được cả ngọn Thái Sơn trong óc. Lập tức đuổi hết kiến bỏ sách vào ống cất kỹ, đoạn nhảy luôn lên lưng ngựa, ra khỏi cánh rừng sâu. Ngẫm nghĩ mãi chưa rõ đoạn cuối, chàng trai bèn tìm lối ra đường mòn, có ý kiếm thổ dân thử hỏi xem sao.
Phút chốc đã ra tới đường mòn khá rộng, rải rác quanh đó có nhiều bản dân lưng đồi. Chàng trai cứ theo hướng Đông ruổi ngựa, nhân ngày gặp phiên Chợ Châu, Tỉnh chi đó, dân núi hạ sơn mua muối, bán lâm sản khá nhiều. Nhưng hỏi đến chục người Mán, Mèo, Kinh cũng không ai biết. Thái Dũng vẫn không nản, cứ cho ngựa bước đều.
Chợt gặp một toán người Kha cỡi ngựa Thổ đi tới, lố nhố cả đàn ông đàn bà, dẫn đầu là một ông già chít khăn rẽ, râu thưa dài bạc. Thái Dũng lễ phép chào, dùng tiếng Thổ hỏi:
- Ông "phìa" làm ơn cho hỏi thăm chút! "Phìa" nhiều tuổi, có biết cái hang động bản dân nào là Động Thanh Âm không? Ông lão Kha nhai trầu bỏm bẻm, nhìn khách Kinh, nghĩ ngợi khá lâu, mới lên tiếng:
- À, hình như có... Dạ phải, đúng rồi! Nhưng xa lắm, tít tận Cao Bằng. Động Thanh Âm! Phải rồi! Hồi còn trẻ lão có lần đến Cao Bằng thăm bà con, nghe nói có cái tên hang động đó!
Mừng rỡ, Dũng hỏi dồn:
- Cao Bằng? Nhưng cụ có biết ở mạn nào?
- Hình như tận giáp Tàu thì phải! Nghe nói cái động lạ lắm, cái ma hát suốt đêm, hình như đi qua vùng động Cai Kinh thì phải!
Hỏi thêm nữa, lão Kha không biết gì thêm. Dũng cám ơn từ biệt, lập tức quay ngựa về phía Cao Bằng đi miết.
Huyết Phong Câu thả kiệu ngỏ trên đường được chừng vài dặm, đến một chiếc cầu mây, chợt nghe phía trước có tiếng người hát véo von giọng Kinh cao vút như suối đàn:
- Nàng về nuôi cái cùng con Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng...... Cao Bằng xa lắm anh ơi, Để em gánh nước giếng khơi cho gần...
Tiếng hát như khơi dậy niềm đất nước, Thái Dũng nghe xúc động tâm hồn, đưa mắt nhìn quanh, tìm kiếm. Rừng già quạnh quẽ, cầu mây vắt vẻo, giòng suối lững lờ, chim kêu ríu rít, chẳng thấy bóng ai cả.
Dũng tiến ngựa đến đầu bắc qua ghềnh đá cao, chợt lại nghe tiếng người thánh thót:
- Ai về đường ấy hôm nay?
Ngựa hồn ai cỡi cổ tay ai cầm?
Thấy hay hay, chàng trai họ Lê cao hứng buột miệng ngâm vang:
- Ngựa hồng đã có tri âm, Cổ tay đã có người cầm... còn chi?
Im mấy giây, bỗng tiếng nãy giờ lại cất lên, lần này vừa hào hùng bướng bỉnh, vừa xúc động úp mở khó hiểu:
- Nghênh ngang một cõi biên thùy, Thiếu gì cô quả thiếu gì bá vương Trước cờ ai dám tranh cường Năm năm hùng cứ một phương hải tần!
Tiếng hát bốc cao uẩn khí vờn mây, đến tiếng "hải tần" chợt đổ xuống như muốn dìm lòng người tận đáy biển sâu, khiến Dũng không nén được tiếng "chà hay" hứng khởi. Bỗng lại nghe giọng hát rót vào tai, như có kẻ trờ sát ngâm vậy.
- Ấy ai đi ngược về xuôi, Có lên Đông Bắc cho tôi đi cùng Đời người được mấy anh hùng Bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi!
Thái Dũng vọt ngựa lên cầu, đảo nhìn theo hình cung, theo hướng phát âm, thấy một kỵ sĩ gò cương dưới thung lũng cho ngựa uống nước bên giòng. Ngựa trắng toát, người y phụ lối con cháu tiểu vương sơn cước. Vừa nhác bóng, Dũng nhận ra ngay chính chàng khách trẻ tuổi vừa gặp trong quán bên đường lúc nãy.
- Một người khó hiểu! Rừng biên giới đầy giặc cướp, thú dữ, không có khí giới, nãy gặp thổ phỉ vẫn tươi cười... Hay giấu nghề?
Thái Dũng vừa chợt nảy ý thử xem, đã thấy chàng khách ngẩng trông lên, gọi lớn:
- Đại huynh! Huynh cũng đi Cao Bằng.... cho đệ theo được chăng?
Dũng gò cương, mỉm cười:
- Huynh biết võ chứ?
- Võ? Không! Đệ không biết! Nhưng ngựa đệ hay lắm, gặp chuyện chi, khỏi sợ quẩn chân huynh!
Chàng khách trẻ điển trai giục ngựa quành lên, chào Dũng. Đã có chủ tâm, Dũng tiến ngựa lên, bất thần đánh ra một nhát phản phong.
Cách năm bộ, tay Dũng ra chỉ một phần mười sức lực, nào ngờ chàng trai giương mắt nhìn lãnh đủ phản phong, "hự" một cái, bắn lên, từ trên lưng ngựa xuống thành cầu nằm vắt mình trên một cành xòe rũ đầu cầu, từ từ đổ xuống suối sâu.
Thất kinh, Dũng nhảy vụt tới, quày tay túm được áo người khách, ôm xốc lên, rung giọng, sờ tay chẩn mạch:
- Trời! Huynh có sao không?
Nhưng người lạ đã cố gượng đứng xuống, mặt tái hẳn đi gạt tay Dũng ra, ôm ngực cố cười, phào giọng:
- Không sao! Sao tay huynh lạ thế, có gió ép dữ! Huynh ghét đệ lắm sao?
Dũng vò đầu bứt tai hối hận vô cùng, đỡ vội chàng trai dìu ngồi xuống một phiến đá, cho một viên thuốc hồi chân khí. Giây phút chàng trai đã hoàn sức, da dẻ hồng hào như cũ.
- Mỗ thật bậy. Định thử xem huynh hữu nghề võ đến đâu... Vì vì... May mới sơ sơ chút.
- Không hề gì! Đệ có người hộ tống, không chờ được. Thôi cũng là cái lễ tương kiến! Huynh cho đệ đi cùng chứ?
Chàng trai vẫn tươi cười, không tỏ vẻ chi giận, cả hai cùng lên ngựa ruổi rong.
Từ lúc bị một đòn suýt vỡ ngực, Dũng hết nghi vấn, cùng chàng trai trò chuyện rất cởi mở. Hỏi thêm, mới hay chàng ta là họ Long tên Phụng, cháu họ Đại tướng Tỉnh trưởng Vân Nam, mẹ Tàu, cha Việt, cùng gia nhân sang Nam xem mặt vợ theo lệnh cha, chú. Quen đi rừng, không lạ giới thổ phỉ, học rộng, vui tính, nói chuyện rất hay. Chàng ta vui miệng còn cho biết sẽ tới thẳng trấn Cao Bằng, có người đón, cùng đi lễ vấn danh. Dũng không tiện hỏi cặn kẽ, cũng cho người bạn đường biết mình họ Lê.
Chỉ nửa ngày đồng hành, hai chàng đã thân nhau, đi một mạch đến trưa mới tạm nghỉ. Sực nhớ đến câu "Khương Thượng ngộ Văn Vương", Dũng bèn làm vẻ thản nhiên hỏi bạn:
- Huynh hữu biết Khương Thượng, Văn Vương chứ?
Long Phụng mỉm cười đáp:
- Ê! Đệ xem truyện Phong Thần từ hồi còn để chỏm! Huynh muốn làm Khương Thượng sao? Còn sớm chán! Tử Nha thất thập ngộ Văn Vương, thường người ta nói thế nhưng chính ra là "thất thập tam" mới đúng! Tử Nha hạ sơn đã hơn bốn mươi, lúc sang Tây Kỳ, ngồi câu bên sông Vị, đã bảy mươi ba tuổi rồi, mà vẫn câu lưỡi câu thẳng mới gàn chứ!
Thái Dũng có biết qua Phong Thần, nhất thời không lưu ý chi tiết, đến chỗ "bảy mươi ba tuổi ngộ Văn...", "câu lưỡi câu thẳng", vốn nhanh trí, tự nhiên lời nói nhấn mạnh của Long Phụng gợi ngay ý liên tưởng đến câu ám ngữ trong gia phả, chàng trai vụt nghĩ:
- Bảy mươi ba tuổi... bảy mươi ba bước, bộ, thước... ngộ Văn... gặp Văn sách, ngồi câu lưỡi câu thẳng... không phải câu cá... À! Biết đâu ám ngữ "Động Thanh Âm Khương Thượng ngộ Văn Vương" không là bước bảy mươi ba bước từ cửa động vào, tay cầm cần câu thẳng, không có mồi sẽ gặp vật yểm tàng quanh đó!
- Vật chi rồi sẽ rõ!
Khoan khoái như làm được con tính thứ hai, Thái Dũng tươi hẳn mặt, bàn sang chuyện khác, quất ngựa chạy như gió cuốn, làm Long Phụng cũng phải phóng đại theo.
Dặm thẳm xuyên sơn, thu ngắn hành trình, thiên lý mã nuốt đường như long cuốn thủy, ngay chiều hôm đó, hai chàng đã đến vùng Nguyên Bình.
Dũng bảo Long Phụng:
- Giờ ta tạm chia tay hai ngả! Mỗ có việc lên biên!
Long Phụng theo Dũng lên một trái đồi, Dũng trỏ xuống thung lũng có con đường mòn chạy qua:
- Cứ theo ngả đó, bạn sẽ đến Cao Bằng. Tiếc đệ không thể tiễn huynh thêm nữa! Đáng lẽ đệ đã xuyên sơn từ nãy!
Long Phụng có vẻ lưu luyến bảo:
- Tuần sau đệ lại có mặt tại Cao Bằng. Nếu huynh không bận....
Thái Dũng rút viễn kính rê khắp vùng thung đèo, chợt dừng mạn hẻm Nam:
- Kìa, có bọn ra tỉnh! Quái, sao lại đội toàn quả sơn đỏ như đi dẫn cưới vậy?
Long Phụng đỡ ống nhòm, xem khẽ kêu:
- À, bọn người nhà đệ ra tỉnh đón đó!
Dứt lời, lập tức bắc tay quanh miệng gọi lớn.
Bọn dưới thung vừa qua hẻm, lô nhô chừng hơn hai mươi tên cỡi ngựa mặc toàn áo the, quần trắng thắt lưng đỏ, đầu đội quả sơn chông chênh, dòm lên lập tức phóng tới lũ lượt.
Dũng thấy bọn này mặc như trong "kịch thơ lịch sử" lòng cũng vui vui nhớ lại những đám cưới dưới xuôi, đầy vẻ dân tộc. Lại chợt để ý bọn đó đội quả có kẻ chồng mấy tầng, chạy ngựa không đổ, bất giác bật khen:
- À! Đám gia nhân nhà huynh toàn tay có "nghệ" cho làm xiếc được đó!
Bập! Cả bọn lên đồi cung kính vái chào chủ nhân và Dũng. Gã đi đầu mặc cái áo xường xám dài, mặt mày đanh thép, cất giọng chuông rè nói một tràng tiếng Quảng:
- Bẩm... công tử! Tưởng công tử đã đến Cao Bằng? May quá! Cái ngộ vừa đến nơi thì gặp Tướng công đi trận, cả Tiểu thư nữa! Con dâng thiếp danh rồi!
Tướng công mừng lắm, muốn thân đi đón công tử... Nhưng "người" hơi ngại về Cao Bằng lại gặp... Giám Binh!
- Liệu người đã đến chưa? Hay ta cứ đến thẳng trại dinh?
- Dạ, cái ngộ có phái thằng Sềnh ở lại, có gì nó phải báo liền à!
Thái Dũng đoán chắc thông gia họ Long là một viên quan triều hay tù trưởng chi đó, nên vội ngỏ lời chúc duyên cầm sắt theo phép xã giao, đoạn chào giật ngoắt cương, phóng luôn về hướng Bắc.
Nhưng mới đi được vài chục bộ, chưa kịp xuống đồi, bỗng nghe có tù và vang động rừng xanh. Thái Dũng vội vén cành lá dòm xuống thấy bọn Long Phụng đang xuống đồi tít hẻm Nam. Vừa có một đoàn nhân mã đen chạy kiệu băm ra, đông hàng trăm, cờ quạt cũng đen, dưới bóng cờ, một hình thù oai dữ trong lốt giáp tượng đen, tay cầm roi trỏ lên đồi.
- Đông Quân Phi Mã Ác Sơn!
- Nguy cho bọn Long Phụng rồi!
Thái Dũng giật mình lo cho họ Long, chưa biết cứu cách nào, đã nghe súng nổ đì đẹt, đám giặc Cờ Đen nổi ốc khua cồng, vọt lên dàn ngang thung, trong lúc Long cứ lóc cóc tế thẳng đến trước mũi súng hung thần.
Tuy mới gặp nhau non ngày, nhưng Thái Dũng rất mến chàng họ Long, mắt thấy quân Cờ Đen dàn gọng kìm bắn súng vây kẹp bọn Long, chàng trai họ Lê lập tức lộn phắt ngựa lại, nương bóng cây um tùm tiến lại gần. Nào ngờ mới được vài chục thước, trông xuống đã thấy đám giặc Cờ Đen gò cương, bồng súng chào "phạch phạch", tiếp theo một tiếng hô nghiêm chỉnh, cả cánh quân im phăng phắc, lão soái con rể Lưu Vĩnh Phúc giục ngựa lên trước hàng quân chừng mươi bộ, thì bọn Long Phụng cũng vừa tế ngựa đến nơi rập dừng dàn ngang hàng một. Long tiến thêm mấy thước, đối diện tướng Cờ Đen.
Và trước cặp mắt ngạc nhiên của Thái Dũng, Long Phụng nghiêng mình lễ phép chào lão chúa Phi Mã Ác Sơn, trong khi đám gia nhân tùy tùng cúi rạp đầu chắp tay vái hết sức kính cẩn.
Lão soái Cờ Đen hơi nghiêng mình đáp lễ, viên tướng hộ pháp râu xồm đứng xế sau hô lên một tiếng, cả hàng quân lập tức nối đuôi nhau vọt ngựa lên chạy như đèn cù quanh Long, vừa bắn chỉ thiên vừa tung súng lên cao, hò hét như điên trong khi đó sừng trâu cồng đồng nổi khua vang động cả thung lũng.
Thái Dũng trợn tròn mắt, vừa mừng rỡ vừa sửng sốt trước cảnh chào đón nồng nhiệt của đám giặc Cờ Đen khét tiếng uống máu người không tanh.
- Lạ dữ à! Chắc họ Long có quen lão Đông Quân chi đây! Mà sao lại chào đón theo nghi lễ cường sơn long trọng đến thế? Cờ Đen vốn ngạo mạn, chưa từng đón ai thế kia. Long là hạng nào lại được lão biệt nhỡn khác thường? Mà kỳ nữa, là đi xem mặt vợ làm lễ vấn danh, sao lũ gia nhân lại dàn đồ sinh lễ trước ngựa?
Chàng trai họ Lê lẩm bẩm sinh tò mò, cứ kín đáo men ngựa lại gần. Dưới thung lũng "đèn kéo quân" đã về chỗ, giữa cánh rừng chiều im lặng, bỗng nghe lão soái Cờ Đen phát cười khanh khách nói một tràng tiếng Quan Hỏa:
- Công tử đi đường mạnh giỏi chứ? Lão phu sợ bọn cáo chồn không biết lỡ phạm đến thượng khách Cờ Đen, nên phải thân đem quân đi đón! Đại nhân nhà sao không thấy qua chơi?
Long Phụng lễ phép đáp:
- Mong ân đại soái gia lượng thứ, gia phụ, gia thúc tiểu sinh rất lấy làm áy náy vì quá bận việc binh nên chưa sang chuyến này được. Nếu soái gia không có lòng ghét bỏ lễ sau thế nào cũng phải thân sang tạ lỗi! Đông Quân cười ha hả có vẻ thích chí về câu nói văn hoa nho nhã của chàng trai.
- Lão Võ này từng được nghe chúng đồn nhiều về mỹ mạo công tử Vân Nam, không ngờ lời đồn còn chưa đúng hẳn. Nay chính mắt được thấy, dầu thằng con trai tuần phủ Cao Bằng cũng không ăn đứt! Giờ đã chiều! Bay đâu, thỉnh công tử về đại trại!
Lúc đó Thái Dũng đi cách ngót trăm bộ, nhưng tiếng Đông Quân nghe rõ mồn một. Chàng trai bỗng dột lòng nghĩ thầm:
- À, ra Long Phụng, Đông Quân hai nhà quen nhau. Cờ Đen đi đón họ Long!
Nhưng còn... đồ sính lễ kia...
Còn đang thắc mắc, sực lại nghe Đông Quân cao giọng:
- Nào! Công tử! Ta đi thôi! Bay đâu! Phát pháo mã hồi!
Liền mấy tràng súng nổ, giặc Cờ Đen rầm rập dàn tiền hậu. Gã Tàu mặc xường xám tiến lên, cúi đầu nói chi với Đông Quân, chỉ nghe lão soái Cờ Đen:
- Cứ cho bọn gia nhân đội quả đi phía trước, về núi sẽ làm lễ tiếp nhận cho tiện!
Trên đồi cao, chàng tuổi trẻ họ Lê giật bắn người như chạm phải điện, đất trời đảo lộn, tai ù ù như vừa bị sét đánh màng tang.
Cánh quân Cờ Đen nổi hiệu, rầm rộ phò bọn Long Phụng về hướng chếch Tây, vòng qua chỗ Thái Dũng đứng ngựa.
Long Phụng, Đông Quân sóng đôi thả kiệu băm, trò chuyện có vẻ tương đắc lắm.
Bỗng từ phía quèn Nam có một viên đầu mục Cờ Đen chừng xích hầu thám mã chi đó, phi như giông thẳng đến giữa hàng quân rạp đầu báo:
- Bẩm soái gia, có một cánh quân kỵ đi tới ngựa phóng nhanh lắm không thấy cờ hiệu!
Lão soái Cờ Đen hất hàm một cái. Gã tùy tướng hộ pháp Thiên Lôi Đả giật luôn chiếc tù và to như cái cột nhà đưa lên miệng rúc liền mấy tràng.
Vừa dứt đã nghe văng vẳng tiếng sừng trâu vọng lại từ bên kia rặng núi đá cao âm hưởng "ti u tu ti u tu" nổi chìm trong hơi gió rừng chiều nghe huyền bí xa xăm như từ quá khứ "ám" về...
- À, soái cô! Sao lại bỏ sơn trại, tới vùng này? A Thiên! Mau đi trước đón soái cô!
Viên cận tướng hộ pháp rạp mình tế nước đại qua quèn, đám binh đen tiếp tục thả kiệu băm lóc cóc theo sau.
Thái Dũng từ khắc nghe rõ Đông Quân bảo "về núi sẽ làm lễ", đầu óc choáng váng, ngồi im không khác Từ Hải chết đứng vậy.
Như vừa bị một mũi dùi xuyên thấu tim, chàng tuổi trẻ điếng hẳn người đến mấy mươi giây mãi tới lúc A Thiên tế ngựa đi, mới bàng hoàng lẩm bẩm một mình:
- Có thể thế được sao? Thì ra đồ sính lễ kia đem đến Phi Mã Ác Sơn nạp cho nhà họ Võ! Vấn danh, ăn hỏi Thiên Kiều? Trời! Còn ai nữa? Đông Quân chỉ có mình nàng! Nàng... nàng sắp lấy chồng? Lấy cháu Long Vân? Nàng... mới hai, ba hôm trước... còn đón ta dưới chân núi Quạ?
Chàng trai nhìn theo bóng Long Phụng, người bạn đường văn nhược điển trai, ruột gan quặn đau, ngực như tắc nghẹn.
- Vô lý! Kiều lấy chồng... lấy một thư sinh? Mà có lý chứ. Long mỹ mạo, hào hao, cha chú làm chúa tể Vân Nam, giang sơn một cõi, tay nắm binh quyền hàng mấy trăm ngàn quân mã, lại bất hòa với Trung Ương. Đông Quân Phi Mã Ác Sơn rể Lưu Vĩnh Phúc, quân gia tuy ít nhưng tinh nhuệ khác thường, lão lại trấn phương vị võ lâm, oai thế lừng lẫy, hai đàng thông gia, dựa nhau mưu đại sự, gì bằng! Nhất Long Nữ lại nổi tiếng giỏi cầm binh tác chiến, ai không trọng? Còn ta, gia đình tan tác, tứ cố vô thân, là "nghịch thù" của họ Võ, Đông Quân thấy mặt chỉ muốn giết!
Kiều với ta, oan gia tình nghiệt, còn gì? Tốt hơn hết, nên...
Máu bừng sôi, Thái Dũng giật phắt tay cương, bỏ đi lên hướng Bắc, nhưng chẳng hiểu sao, chàng lại lộn luôn ngựa về Nam, xuyên cánh rừng bên, rạp mình phi như giông gió, đâm thẳng vào một cánh nữ binh mặc quần áo đen tuyền đang bôn hành rầm rập.
Nhưng cơn "mê" chợt tỉnh nhờ dăm gió đìu hiu. Chàng tuổi trẻ vừa nhác thấy bóng nữ binh Cờ Đen trên lối mòn đã kịp thời kìm phải dây cương dừng sững sau một ghềnh đá gần quèn, cách đường hành quân chỉ độ sáu mươi bộ.
Vừa lúc đoàn nữ đi tới, và A Thiên hộ pháp trong hẻm tế ngựa ra.
Quả đó là cánh quân thủ túc của Võ Thiên Kiều Long Nữ, chừng bốn, năm chục nhân mã, không trương cờ hiệu riêng và Cẩm Lình, A Lục đi theo.
Cháu gái tướng Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc cỡi ngựa vằn, choàng áo tía (trong đen) tay còn cầm ống nhòm, từ nẻo hậu quân phi lên, vừa gặp A Thiên đã hỏi luôn:
- Cánh quân nào đó, sao lại thổi hiệu sáo?
A Thiên cúi chào kính cẩn:
- Bẩm... chính soái gia!
- Kìa, ta tưởng soái gia đi Cao Bằng.
- Dạ. Người đi đón khách, nhưng vừa gặp, nên lộn lại! Bẩm, soái cô đi đâu sao chỉ đem theo có mấy chục tay súng à?
- À, có chút việc. Mà khách nào thế?
Hơi lưỡng lự, nhìn cô soái trẻ, viên tướng hộ pháp hạ thấp giọng:
- Bẩm... tới... tới... Hầy à! Tới để vấn... vấn... a...! Nói cái....
Thiên Kiều tiến ngựa lên được mười bộ, cách cửa hẻm quãng ngắn, chợt giơ tay ra hiệu cho toán nữ binh ngừng cả lại.
Trong hẻm, toán tiền đội Cờ Đen hiện ra, theo sau là lũ gia nhân đội quả sơn đỏ chót nối đuôi nhau chạy lóc cóc. Chợt thấy một lũ hai mươi gã vạm vỡ mặt mũi đặc Tàu Vân Nam, lại mặc áo the đen, quần ống sớ, thắt lưng đỏ, đội quả đỏ chênh vênh, coi khá lạ mắt giữa cảnh rừng rú, nàng nữ tặc ngạc nhiên trợn mắt kêu:
- Chà! Lạ dữ! Bọn này làm gì mà áo the khăn xếp đội quả như đi dẫn cưới thế này?
Cả lũ đứng lại. A Thiên đưa tay giật giật bộ râu xồm, nhe răng cười, gật đầu lia lịa.
- Hầy à! Dạ phải rồi! Hỏi vợ dẫn cưới vẫn... vẫn... Hỏi vợ... Ý a!
Nàng nữ tặc ngơ ngác nhìn cả bọn, nhưng cau mày.
- Hỏi vợ? Sao lại đi vào đây? Mà hỏi ai? Ai hỏi ai?
- Hỏi soái cô mà!
Mắt phượng tròn xoe, nàng nữ tặc thò tay túm luôn lấy ngực gã Thiên Lôi Đả, hét:
- Hỏi ta? Tàu sâu quảng! Giỡn mất đầu hà!
Thiên Lôi Đả kêu "hầy" rối rít, mắt trợn ngược, hoảng vía, làm lũ đội quỳ dạt cả sang bên, ngay khi đó Cẩm Lình khẽ kêu "soái gia".
Thiên Kiều buông A Thiên liền, trông ra đã thấy lão soái Cờ Đen cùng chàng họ Long đi tới. Vừa thấy mặt con, lão nói luôn:
- Hay lắm! Gặp con đây thật tiện, cha tưởng con vẫn ở trại? Đây là Long công tử mới bên Vân Nam sang. Cha ra Cao Bằng đón may lại gặp giữa đường!
Võ Thiên Kiều nhìn sang phía Long Phụng rồi nghiêng mình chào, và tự nhiên đưa mặt ngó lũ đội quả sơn, mặt thoáng biến sắc, nghe lão soái Phi Mã tiếp liền:
- Công tử đây là mỹ mục thư sinh cha đã nói với con ngày nọ đấy! Công tử vốn giòng thế gia thông minh xuất chúng. Long Đại nhân có lòng ái mộ con, ta muốn kết thông gia. Cha rất vui thấy con có nơi xứng đáng nâng khăn sửa túi nên đã nhận lời, thâu đồ sính lễ!
Nàng nữ tặc thất kinh chết lặng trên lưng ngựa, mãi mới run giọng nghẹn họng:
- Hôn nhân là việc hệ trọng. Giữa chốn ba quân không tiện nói chuyện đàn bà quần vận yếm mang, cha cho con nghĩ kỹ.
Nàng chợt ngừng, ngó quanh quân sĩ đã lánh cả ra xa, chỉ còn ba người.
Chừng không muốn dài dòng, Đông Quân buông gọn:
- Chiều muộn rồi! Về cho kịp giờ tối!
Chàng trai họ Long mỉm cười nghiêng người, từ tốn:
- Chính tiểu thư! Đường đột dám mong miễn thứ. Long này bấy lâu nay vẫn ngưỡng mộ đại danh Long Nữ Ngân Sơn, thật không ngờ gái bách chiến lại là một trang quốc sắc hoa nhường nguyệt thẹn. Ước mong kẻ học trò này không đến nỗi làm tiểu thơ giận ghét.
Thiên Kiều vốn tay cãi bướng, đã nặng lòng vì Lê, nghe lời kẻ khác dẫu êm ái như rót vào tai càng như gai đâm ruột, bực mình giật ngoắt cương chạy theo cha run giọng:
- Phụ thân! Xin phụ thân nghĩ lại. Con từ ngày... Đông Quân vẫn nhìn thẳng, giọng bỗng rắn như đanh đóng cột trầm hẳn:
- Ta biết! Từ ngày nuốt miếng thịt vai nó, thịt nó đã hòa vào huyết quản con!
Nhưng nó là xác thịt oan gia, tình là oan nghiệt. Không thể kết thông gia! Một là con quên nó đi, làm dâu họ Long, nên việc lớn, rạng thêm uy danh ông ngoại, tròn chữ hiếu. Hai là ta Đông Quân, ta sẽ làm lễ "hakahiri" cho mi tròn chữ tình! Chỉ có hai đường!
Giọng trầm đanh đến rợn người chứng tỏ lão đã quyết định gớm ghê không gì lay chuyển nổi, khiến nàng nữ tặc nghe như cắt, nghĩ đến người yêu, lắp bắp:
- Cha... cha... không thương con... thương chúng con...
- Nó thì không, mi ta thương nên mới cho chọn hai đường! Hai mươi năm nay, ta không thương ai, không cả ta! Chỉ còn thương mi thôi!
Cô gái không dám nói nữa, lủi ngựa lại, lòng tan tác.
Cha nàng, ông già quái đản, chính nàng cũng không biết mặt đã mang nàng trên hông ngựa từ thuở lọt lòng, đem đi khắp thiên sơn, dạy nàng trên yên, người cả thiên hạ nghe đến tên phải lạnh gáy, chặt đầu thiên hạ như chặt bụi khô lau, nhưng chưa khi nào từ chối nàng một điều chi.
Một lần, hồi nàng mới lên bảy, lên tám, lúc đó đang ở miền Mãn Châu, cô bé cô độc vì thiếu mẹ, đồ chơi gì cũng chán. Bữa kia hai cha con xuống núi ngoạn cảnh đến gần quan lộ chợt thấy một người đàn bà có mớ tóc dọc đuôi sau chấm gót đi cùng đám gia nhân, người này ngồi trong kiệu có hai người khiêng (lối kiệu gần giống cái ghế bành hiện nay, dân Tạng vẫn phải dùng leo núi cho tiện). Gia nhân cưỡi ngựa hầu, người đàn bà chợt vén rèm nhìn ra, cô bé trông thấy, khen tấm tắc.
- Cô tiên có tóc đẹp quá! Cái đầu xinh hơn con búp bê cha đã cho con!
Người cha nhìn theo kiệu, mắt sáng hẳn lên.
Sớm mai khi cô bé vừa tỉnh đã thấy trên bàn đồ chơi, có một cái quả sơn chót vót. Mở ra trong có cái đầu người, mặt tươi như còn sống, tóc đuôi quấn mấy vòng gần cổ, môi son mỉm cười.
Tưởng đầu "búp bê" cô bé vừa chạy tới ôm lấy nghịch, vừa reo lên:
- À! Cái đầu đẹp quá! Giống cái đầu người ngồi kiệu! Cái đầu biết ngồi!
Nhưng tay vừa mò vào thấy nhũn, cô bé sợ khóc thét lên. Ông già chạy vào ôm vội lên lòng, đưa tay phất phất lia lịa, cái đầu gật gù, mắt chớp ngược, môi mấp máy làm trò coi càng gớm ghiếc. Cô bé giãy nãy, không bằng lòng.
- Đầu bằng thịt nhun nhủn, sờ lạnh tay con khiếp lắm! Cha đeo cho con cái bằng gỗ! Ông vừa dỗ:
- Cha đeo cả đêm, nhưng xấu lắm, cái này của "bà mụ" nặn đẹp chứ! Bên Tân thế giới xưa, trẻ con vẫn chơi "búp bê" tóc lột da đầu người da đỏ mà! Con xem có tươi không? Này! Nữ tóc mun dài mượt đẹp chưa? Đầu "cô tiên", cô tiên hôm qua đó. Cha phải đợi đúng lúc cô ta trang điểm xong đặng mỉm cười, mới "lấy" về đây!
Cô bé vẫn không dám mó vào, nằng nặc đòi chơi đầu gỗ, ông già phải ra sau nhà nhặt về cái đầu đẽo đợ còn nham nhở. Như linh tính, thiện cảm thúc đẩy cô bé ôm ngay lấy cái đầu gỗ khen rối rít. Cái đầu người đàn bà đi kiệu đó sau sơn lấy lần vào cái khô lâu và cũng là cái đầu độc nhất ông già đã chặt về cho con nhỏ chơi vì thấy con khen đẹp, khác hẳn các loại thủ cấp kia toàn là của địch thủ.
Nhưng ông già đã buồn bà mấy hôm liền vì "cái đầu búp bê" không được con thích dẫu ông đã tặng con lối Thái Tử Đan nước Yên xưa chặt tay mỹ nhân bỏ hộp biếu Kinh Kha vì lời khen tay đẹp. Và cũng từ đó cô bé không khen vật gì đẹp trước mặt cha nữa.
- Mưu đại sự vô tình với cả thiên hạ nhưng "người" lại hết lòng thương ta?
Bên hiếu bên tình có thể liều một thác, nhưng suốt một đời sinh dưỡng việc chung thân cầu có một lần, chết đi không đền đáp nghĩa Thái Sơn như nước chảy chân cầu, còn mặt nào thấy mặt tiền nhân? Mà tuân lệnh kết hôn còn Thái Dũng?
Chàng ơi!
Lòng riêng đau đớn, cô gái họ Võ cố nén, đưa mắt nhìn nắng chiều le lói trên ngọn núi tưởng đâu dáng hình người tuổi trẻ họ Lê trên lưng để ngàn dặm đăng trình, giờ này chẳng biết về đâu.
- Hừ!
Cô gái vung mạnh tay xua đuổi ám ảnh nặng nề khổ lụy, nào ngờ tay vô tình vẫy sang ngang theo hình cánh cung đúng lúc chàng trai Vân Nam từ đằng sau giục ngựa lên, định nói chi với nàng hôn thê giặc cái. Cả người ngựa quăng dạt đi hơn thước, suýt ngã, con ngựa hý chồm loạn bậy, mãi mới kìm lại được.
Nàng nữ tặc Cờ Đen bật cười khanh khách, vụt nghĩ thầm:
- À, bạch diện thư sinh trói gà không chặt! Dám dựa thế cha chú đi hỏi "vợ giặc". À! Ta đã có diệu kế rồi! Đấu võ tuyển phu thì chú mày chết! Cả nhà sang đây cũng đừng hòng bắt ta về làm dâu!
Mưu chợt định, cô gái như gỡ được thế cờ bí, mặt tươi như hoa nở, lập tức giục ngựa lên làm mặt tự nhiên, bắt chuyện cùng Long Phụng, định ý đưa Long và tròng rồi mới nói với cha, nhắc lại lời hứa trước đã có lần nàng vui mồm phát thệ "Chỉ lấy người chồng giỏi hơn mình". Chính cha nàng đã tán đồng, bảo "thư sinh chưa nghe súng nổ đã vãi đái chỉ đáng làm mã phu lau gươm chùi súng cho con gái Đông Quân."
Lân la trò chuyện, nàng nữ tặc Cờ Đen chợt chuyển sang chuyện võ thuật, trận mạc, đoạn bảo Long Phụng:
- Còn một điều quan hệ nữa chẳng hiểu soái phụ tôi đã cho công tử biết chưa? Từ lâu, tôi đã có lời nguyền chỉ kết duyên với kẻ nào hạ nổi tôi trên võ đài.
Vậy chẳng rõ công tử có chịu dự cuộc đấu võ tuyển phu tại Phi Mã Ác Sơn chăng?
Cười rất tươi, gã trai Vân Nam đáp:
- Nếu tiểu thư sai nhảy vào hỏa, Long mỗ cũng chẳng từ nan, huống chi lên võ đài. Mỗ tuy dốt võ, nhưng lại có miếng gia truyền đã để... rước tiểu thơ về Côn Minh!
Nàng nữ tặc cười khô, vọt lên gặp Đông Quân, xin lập đài võ tuyển phu. Lão toan gạt đi, nhưng nghe Long Phụng đã chịu, lão chấp thuận liền, đầu óc đã lóe mưu cơ.
Nhưng nàng nữ tặc không cần biết. Cô gái cũng đã nghĩ được mưu cho gã Long Phụng rớt đài. Đoàn quân nữ phóng về miên căn cứ địa, vó câu khua động sơn lâm.
Trong khi đó, một mình một ngựa ngổn ngang trăm mối, chàng trai họ Lê xuyên sơn vượt lãnh địa Hà Giang, sang đất Cao Bằng, đi tìm động Cao Kinh, Thanh Âm.
Lúc đi lúc nghỉ, chiều kia tới một vùng thuộc Cao Bằng, tiếp giáp Hà Giang.
Thấy mặt trời sắp gác núi, Thái Dũng bèn lững thững đi tìm bản trọ. Chàng đã qua nhiều miền sơn cước nên rất hiểu phong tục tập quán dân miền núi, đặc biệt sắc dân nào cũng hiếu khách vô cùng. Bất kể lạ quen, khách phương xa tới đều được đón tiếp nồng hậu.
Cơm rượu đãi đằng trọng hậu, khách muốn ở chơi bao ngày cũng được, không lấy tiền, nếu khách có chút thuốc lào, ký ninh, muối, gương lược v.v... tặng chủ, càng được quý mến. Khi từ giã, chủ lại biếu cả những món lâm sản rất quý như nhung, mật gấu, mật ong... nên có lắm dân con buôn người Kinh thường "đóng vai du khách thâm sơn" mò vào cùng cốc, đổi hàng hóa lãi một đi lời mười.
Thái Dũng biết tục rừng xanh, nên hết tiền vẫn vững tâm, rẽ vào một bản ngay, sau một rặng núi đá. Đây là một bản Thổ Cao Bằng, lắm con gái xinh bu quanh "ông tiên" đón tiếp líu lo đầy đủ của ngon vật lạ. Dũng ở nhà viên xã trưởng, người ngựa ăn uống xong thì trời đã tối hẳn. Định nghỉ đến canh hai lên đường, hỏi thăm lối đi đến động Cai Kinh, Thanh Âm.
Bỗng nghe cồng khua inh ỏi, báo có khách lạ. Viên xã trưởng vội xuống sàn, ra ngoài.
Chỉ chừng mười lăm phút sau, xã trưởng cùng người nhà cầm đuốc dẫn về một khách lạ mặc áo xường xám, khổ người cao gầy, trạc gần ba mươi, nét mặt lạnh lùng xương xương, mắt sắc như đao, cỡi một con ngựa ô cao lớn loại ngựa Ký Châu, Tứ Châu bên Tàu.
Khách theo chủ nhà lên sàn đảo mắt một vòng thấy Thái Dũng ngồi bên bếp lửa, bèn cúi chào rất lịch sự. Dũng nhác diện mạo thấy có vẻ gian ác không ưa nhưng theo phép xã giao phải đứng dậy đáp lễ.
Từ đó người khách Tàu chỉ trò chuyện với chủ nhà. Cơm rượu dọn lên gã ăn hết cả một chõ xôi lớn hai con gà luộc một bầu rượu nặng cứ lầm lì uống mãi.
Dũng nghĩ thầm:
- Người ta thường bảo "người gầy thầy cơm" đúng thật! Chú khách này coi bộ ăn không thua Lang Mường Ghềnh Làng Cẩm Thủy Hà? Trường Nguyệt! Thôi!
Mặc hắn! Giờ mình lên đường! Đoạn từ giã chủ nhà đeo "sắc" toan đi, nào ngờ người Tàu cũng đứng luôn dậy vươn vai bằng tiếng Quan Hỏa:
- Tiên sinh không nghỉ lại đây? Giờ này rừng sâu nguy hiểm lắm! Sao không ở đến sáng?
Dũng hơi chau mày cười:
- Cám ơn! Mỗ có việc gấp! Vả lại đi đêm nhiều quen rồi!
Dứt lời xăm xăm bước đi nhưng người Tàu lại cười mỉm chợt nói một tràng tiếng Kinh:
- Đi đêm lắm sẽ có ngày gặp ma! Tiên sinh nên ở lại tại vì tôi vừa coi tướng mạo tiên sinh, đúng canh ba sẽ gặp họa dữ.
Ngạc nhiên Dũng cau mày hỏi:
- Chú không phải người Tàu? Chú xem tướng mỗ?
- Vâng, mà không khi nào sai! Nghề Ma Y Thần Tướng mà! Nói để tiên sinh rõ, canh ba này, tiên sinh sẽ ma rừng đêm giữa tam tinh tuệ nhỡn, và nội bảy mươi hai giờ, sẽ vong mạng, sau khi đã chịu cực hình mù hai mắt!
Thái Dũng phì cười:
- Chú tưởng mỗ có thể tin được ư? Nhảm nhí! Tướng số! Hừ! Thiên cơ mà có hạng phàm nhân như chú cũng biết, còn gì là thiên cơ! Thôi! Cám ơn!
Buông lời mỉa, chàng vác "sắc" phăng phăng xuống sàn. Nhưng chàng vừa lên ngựa, người khách lạ kia cũng lên yên, chặn trước nghiêm mặt bảo:
- Tiên sinh không tin kẻ như "ngộ" biết rõ thiên cơ? Cũng như tiên sinh không thể ngờ đại họa hiện đang nằm trong mình "ngộ" coi vật di họa hình cuốn sách, giờ này đang chiếu mệnh, lát nữa thôi, họa phát tam tinh!
Nghe hắn bảo "vật di họa hình cuốn sách" Thái Dũng không khỏi giật mình kinh dị, quắc mắt nhìn, hỏi dằn:
- Chú thấy họa, liệu biết trừ họa chăng?
- Biết chứ! Vật hung chiếu mệnh, bỏ đi là hết!
Vừa nghe dứt, Dũng vụt dột lòng, quắc mắt nhìn hắn không chớp, tay đặt lên đầu gậy, cười ngờ vực:
- Bỏ đi là khỏi, nhưng chú biết vật chi không?
- Biết chứ! Kim thư, sách nói về... vàng!
- À! Đoán không sai! Chính bọn mi đã theo ta từ núi Quạ! Còn định dùng lời con nít gạt ư?
Soạt! Dũng tuốt phắt kiếm ra, nhưng người Tàu đã cười ngất, xua tay:
- Chớ nóng! Chớ nóng! Canh ba sẽ biết! Không tin thầy tướng sẽ hối không kịp. Tình cờ "ngộ" thấy thì nói chơi, không tin thì thôi!
Nói đoạn, hắn giục ngựa đi luôn. Dũng tra kiếm, trông theo. Được một quãng chợt hắn ngoái lại, khoa tay trốc đầu, nói lớn:
- Chào tiên sinh! Ngộ về Cao Bằng đây! Nội bảy mươi hai tiếng, muốn gặp, cứ tới Cao Bằng, đeo cái "băng" trắng cổ tay, ngoài bảy mươi hai tiếng cứ việc xuống âm phủ mà tìm!
Rập! Vó ngựa lẫn vào rừng tối. Thái Dũng ngờ vực chẳng cùng, muốn đuổi theo bắt hỏi, nhưng hắn đã mất dạng. Chàng trai đành theo lời chỉ dẫn, kiếm đường đến vùng động Cái Kinh.
Rừng đêm hoang vắng, vó ngựa truy phong vượt đèo, băng suối, tới miền động Cai Kinh, vừa canh ba.
Nhớ đến lời gã Tàu áo xường xám, Dũng vừa nhếch mép cười. Thình lình thấy ruột gan như lộn ngược, đầu choáng mắt hoa, núi rừng nhảy múa, rồi tự dưng một cơn gió thổi "như bị một phát đạn bất ngờ bắn trúng tam tinh" đau ghê gớm không chịu thấu, chàng tuổi trẻ kêu lên một tiếng ngã lộn nhào xuống chân ngựa, chết ngất đi không còn biết trời đâu đất đâu nữa.
Con vật tinh khôn dừng phắt lại. Thấy chủ nằm sõng soài trên mặt đất, nó quay luôn lại, rống lên một tràng dài thảm thương, rồi cứ hít khắp người Dũng. Hít chán lại thở phì phì vào mặt mũi, đánh thức thấy chủ vẫn nằm như xác chết, nó bèn cắn dây lưng, tha vào rừng, tìm đến một con suối đặt chủ nằm bên bờ, hút nước phun vào mặt.
Nhưng Dũng vẫn nằm im. Chừng mười lăm phút sau, bất thần chàng chợt tỉnh lại, mở choàng mắt ra, nhỏm ngay dậy. Sờ trán chẳng có vết chi cả, nhưng nhoi nhói đau, trong mình tỉnh táo như thường. Ngạc nhiên chàng cho hay mình bị trúng phong, sực nhớ lại lời tên Tàu, không khỏi chột dạ, thở, nghỉ giây phút, chẳng thấy gì, chàng trai vuốt bờm khen con ngựa xong lại nhảy lên đi miết.
Rừng sâu rong ruổi, tuấn mã bôn hành thỉnh thoảng lại tìm vào nhà thổ dân hỏi thăm, cứ thế ngược chếch mãi, lên đến miền biên địa, bốn bề vắng vẻ, núi dựng ngất trời tuyệt không một bóng người, đang quanh tìm kiếm, bỗng thấy choáng váng, nhói hai bên thái dương... vết đạn bắn dùi xiên đau quá, thét lên, ngã lộn nhào xuống đất.
Mấy phút sau sực tỉnh, trông lên, trăng hạ tuần đã mọc, vàng bệch treo quèn núi Đông như lưỡi hái tử thần. Càng lạ, Dũng lại lên ngựa đảo quanh miền tìm kiếm, nhưng chẳng thấy một bóng nhà thổ dân, núi đá dựng câm nín hoang vu như ngậm kín cả cái bí mật biên thùy.
Ngựa đang đi đến gần một con thác, thình lình lại nhói sau gáy, ngất đi.
Lần này càng đau hơn lần trước và cơn đau cũng gần hơn.
Chừng tỉnh dậy, chàng tuổi trẻ nhỏm bắn người lên như bị điện giật, bàng hoàng đưa hai tay dụi mắt lia lịa, đinh ninh mình đã xuống âm cảnh bay lạc vào thế giới nào bên ngoài cuộc sống!
Vì cảnh núi cao, rừng rậm, thác đổ trăng vơi khi ngã nhào chân ngựa đã biến đâu mất.
Chàng đang nằm trên một chiếc giường thất bảo, vây màn bát tiên như trong truyện lịch sử đời xưa, trong một căn phòng trang hoàng rất lạ mắt, toàn bằng đồ vật như lấy từ những bức tranh tiên bên Tàu! Khác với các thứ chàng vẫn thấy tại các nhà quý tộc Tây Ta, hiện đại từ hình thể đến màu sắc!
Và kỳ dị phi phàm nhất, là góc nào cũng có thủy tiên, giỏ đặt, giỏ treo đầy rẫy, giỏ nào cũng nở hoa trắng muốt, tiết ra thứ hương thơm ngào ngạt làm chàng nhớ ngay lại những độ Tết xuân về thanh bình và thần tiên hồi thơ ấu!
- Mới vào thu sao đã có hoa thủy tiên? Ôi thôi! Nếu vậy mình đã về âm, và mùa xuân âm phủ hay đã rơi vào "kích thước thứ tư"... Không chừng!
Sực nhớ lại cuốn gia phả, chàng vội sờ lên ngực áo ngạc nhiên chẳng thấy sách đâu!
Chừng dáo dác nhìn quanh tìm hành lý khí giới, lại thấy để cả ở bên mình, nguyên vẹn 1 Bất giác, chàng trai vùng kêu lớn:
- Đây là đâu? Mỗ còn sống hay về âm?
Tiếng vang trong phòng vắng, đang ngơ ngác, bỗng có nghe tiếng chân rón rén, rồi một cô gái trạc mười tám, mười chính mặc lối gái Thái Lai Châu bước vào, tay bưng một cái khay đỏ. Đặt khay trên cái lục lăng góc phòng, cô gái quay luôn ra. Dũng chồm dậy, gọi giật:
- Cô... cô em! Mỗ hỏi...
Cô gái Thái hơi giật mình, dòm lại thấy Dũng ngồi lên, mặt thoáng mừng, kêu líu lo tiếng Thổ:
- À, công tử đã tỉnh! Công tử uống sữa hươu, em lấy...
Cô gái bưng khay đến, Dũng vén màn bát tiên chui ra đỡ lấy, hỏi luôn:
- Này cô em! Đây là đâu vậy? Phải âm ty tiên cảnh? Mỗ vừa ngã ngoài rừng Cao Bằng biên giới mà!
Cô gái Thái cố nhịn cười chạy luôn ra. Dũng nghe tiếng nàng ta nói bên ngoài:
- Ông khách tỉnh. Lại bảo đang ở âm ty. Bẩm! Nữ chúa!
Một bóng đàn bà ló ngoài cửa buồng cũng cô gái Thái.
Mãi đến lúc người này tiến vào chàng trai họ Lê mới chợt để ý tới ánh sáng trong buồng trong suốt như ngọc lưu ly lạ thường và huyền ảo chẳng rõ từ đâu phát ra ánh sáng mặt trời hay đèn nến vì chẳng thấy đèn nến chi cả, hắt soi lung linh trên khuôn dáng người đàn bà coi càng giống hệt tiên nga giáng thế.
Vì nàng mặc xiêm y rực rỡ nhiều màu nửa giống y phục Trung Hoa cổ nửa như "kimono" Nhật nhưng hết sức lộng lẫy trang nhã. Dáng thướt tha như liễu bên hồ, lưng ong thắt đáy, khổ người thanh tú mặt như ngọc chuốt, mắt phượng hơi xếch mày dài má ửng nhụy đào toát ra một vẻ đẹp huyền bí thần tiên khác người.
Và khi nàng tiến đến bên giường, hiện rõ giữa vùng sáng lưu ly, thì Thái Dũng bỗng giật thót mình sửng sốt khi nhận ra người đàn bà đúng là hóa thân của người đẹp Thủy Tiên Cung Si Công Linh.
- Trời! Giáng Kiều!
Người đàn bà đứng lại, mắt phượng đăm đăm ngó Dũng, thoáng nét ngạc nhiên:
- À, công tử đã tỉnh! Công tử có quen Công chúa miền thác ngầm Tây Côn Lĩnh?
Giọng thánh thót như tiếng đàn, như phảng phất có âm buồn kín đáo khác tiếng Giáng Kiều. Dũng còn đang nghi hoặc, lúng túng, nàng đã mỉm cười tiếp luôn:
- Ta không phải Giáng Kiều! Công tử đã tỉnh hẳn chưa?
Dáng dấp khoan thai, giọng bao dung chân thành với chữ "ta" đầy vẻ kẻ cả, khiến Thái Dũng chợt cảm thấy kính nể khác thường như đứng trước một người chị gái.
Lúc đó mới kịp nhận ra nàng trạc hai mươi lăm, hai mươi sáu, mặt ẩn kín một nét buồn sầu sau vẻ lộng lẫy xinh đẹp. Vội đứng xuống, lễ phép cúi đầu:
- Mong ân bà lượng thứ. Lê này còn hoa mắt, lỡ phạm... Chẳng hay đây là đâu? Lê này còn nhớ vừa chết ngất nơi rừng rậm Cao Bằng mà...
Người đàn bà vẫn tươi tắn, ra hiệu cho chàng cứ ngồi yên, khuyên uống sữa cho tỉnh, kể qua cho chàng hay chuyện tình cờ thoát nạn.
Mới hay khi ngã ngựa, con vật lại tha đến bờ nước, đang hý gọi chủ, thình lình có ba, bốn bóng từ đâu xông lại, lục lọi hành lý, kẻ bắt ngựa, người lấy "sắc", một bóng rút súng toan hạ sát, vừa may "quân sơn động" đi tuần bắt gặp nổ súng đánh đuổi, bọn kia thấy nguy bỏ chạy hết. Và quân động thồ cả chàng lẫn hành lý lên ngựa đem vào động, cứu chữa. Dũng hết lời cảm tạ, sực nhớ cuốn gia phả, hỏi ngay được nàng cho biết chúng đã giật mất và món độc nhất chúng đoạt được, vì chính ban nãy nàng cũng có mặt gần thác, ánh trăng soi rất rõ, tên cướp sách nhanh dị thường, vừa thấy người đã nhảy vút vào một bụi rậm như con cắt.
Thái Dũng tiếc vô cùng, vừa đỡ lấy chén trà ướp thủy tiên, bỗng người đàn bà vùng hỏi:
- À! Có điều quan hệ ta cần hỏi công tử... là... tại sao công tử lại đeo cặp súng của Đại Sơn Vương Thần Xạ? Đây là cặp súng rất linh, đi liền với vận mạng, tại sao lại vào tay kẻ khác?
Thái Dũng ngạc nhiên liếc nhìn dây súng để bên, hơi lưỡng lự:
- Thưa... điều đó có quan hệ tới bà lắm không? Vì cặp súng linh này chính Đại Sơn Vương đã ban cho kẻ này cách đây ít tuần trăng!
Mặt người đàn bà rạng rỡ khác thường, hỏi luôn:
- Sao? Mới cho mấy tuần trăng? Nhưng công tử với "người" là chi?
- Dạ... "người" là ân nhân cứu mạng kẻ này và cũng là nghĩa huynh!
Người đàn bà "à" một tiếng, ngó Dũng đầy thương mến, giọng rung cảm lạ lùng:
- Thế em là nghĩa đệ của Đại Sơn Vương? Trách nào! Nhưng em vừa bảo "anh ấy" vừa cho ít tháng, vậy ra "anh ấy" mới về nước ư? Tên là gì?
Thái Dũng thấy nàng quan tâm đặc biệt đến ân huynh, nên không dấu bèn nói thật họ tên, kể qua chuyện kỳ ngộ ngày nào, đoạn lễ phép hỏi:
- Chẳng hay bà với Đại Sơn Vương quen biết ra sao?
Người đàn bà nhìn Dũng bâng khuâng như muốn ngó qua hình dáng người nghĩa đệ để tìm lại hình ảnh người nghĩa huynh, tướng lạc thảo anh hùng miền Thập Vạn Đại Sơn. Giọng chìm hẳn, man mác và thân thiết vô cùng:
- Ta là Giáng Tiên, chị ruột Giáng Kiều Thủy Tiên Cung đó! Em ạ! Chị đây với Đại Sơn Vương vốn có duyên tiền định, ân tình sâu như Đông Hải một hai tưởng đã thành nghĩa phu thê! Nhưng năm năm rồi, Bắc Nam đôi ngả từ ngày cùng Voòng Chí Lan nung nghĩa đá vàng cho Phượng Kiều lấy "anh ấy", giải nổi oan thù hai họ năm năm rồi giam mình trong động thẳm không được tin gì của "người chồng không bao giờ cưới" em ơi!
Giọng nói chàng lúc càng rung động niềm nhớ thương dồn nén bao năm như được dịp thoát ra tiếng nàng như nức nghẹn dần làm Dũng cũng cảm động, hỏi:
- Phải hiền tỷ có tài điều khiển thú rừng khét tiếng bấy lâu? À, thảo nào có lần anh nhắc đến chị... thở dài buồn lắm. Phải rồi, có đêm mưa gió nằm hang Si Công Linh anh nhắc tới mối "thâm tình oan uổng thanh cao" của Thủy Tiên Nương. À, ra chị. Nhưng anh không nói ở đâu, tính anh nghiêm kín lắm, chị chắc biết! Vậy đây là...
- Động Thanh Âm! Còn gọi là miền Thủy Tiên Động vì vùng này khí hậu quanh năm ấm áp hoa thủy tiên phong lan nở bốn mùa!
"Động Thanh Âm" Thái Dũng dột lòng sửng sốt ngạc nhiên mừng rỡ vô cùng không ngờ lại lạc nhay vào nơi tìm kiếm mãi không ra.
Chưa kịp hỏi thêm, nữ chúa Động Thanh Âm đã ngoắt tay, dịu dàng bảo:
- Sang đây em!
Dũng lật đật đi theo. Hai cô trò Giáng Tiên dẫn được qua một dãy hành lang khá dài, mỗi bước đi mạnh, cả hành lang như chuyển động. Dũng không nén nổi, vùng hỏi:
- Sao dưới chân lại... dập dình thế này chị?
- À, em chưa biết nhỉ! Miền này ở nhà treo!
- Nhà treo? Ồ, lạ nhỉ! Dân Tàu trên miền Thanh Hải Hoa Tây ở nhà hầm, đã lạ, giờ em mới thấy có nơi ở nhà treo?
- Mai sẽ đi xem động! Giờ vào đây đã!
Hơi thủy tiên từ thân thể Giáng Tiên tiết ra, từ cả hành lang chỗ nào cũng ngát mùi thủy tiên, nữ chúa dẫn chàng vào một căn phòng trang hoàng rất nhã, trỏ một bức tranh treo vách cho Dũng coi.
Tranh cổ, nét bút thần tình, rất "sống" vẽ một cảnh sơn kỳ thủy tú, có một tráng sĩ gục trên lưng ngựa, đang đi vào miền đó, cả người ngựa vừa ngó đã nhận ngay hình Đại Sơn Vương bị thương nằm trên Hắc Phong Câu. Nhìn góc chỗ lạc khoản, thấy ghi vẽ từ hai mươi lăm năm trước, Dũng không khỏi ngạc nhiên, nhưng nàng nữ chúa đã ngậm ngùi kể qua cho chàng rõ.
Thì ra đó là mối duyên tiền định. Thân phụ nữ chúa chính là em ruột vị thầy dạy võ của Đại Sơn Vương, vốn là một bực thần toán, ngay khi sinh nàng đã tính số định nhân duyên, vẽ hình "người chồng tiền định" của con gái cùng trường hợp bất ngờ gặp nhau, khi người đó bị thương. Quả nhiên, hai mươi năm sau, một chàng tuổi trẻ gục trên lưng ngựa, lạc vào động thẳm, vừa thấy mặt nàng đã nhận rất ngay chính "người chồng tiền định" trong tranh.
Từ đó nên tình nghĩa, nhưng trớ trêu thay lại chẳng nên đôi xum họp, vì... hy sinh cho Phượng Kiều đoàn tụ, cởi dây oan Trương, Trần!
Nghe xong đoạn tình sử rắc rối, khó xử của người đàn bà đẹp với nghĩa huynh, Thái Dũng thấy lòng dâng lên niềm xót xa cảm phục lạ thường, lại liên tưởng đến chuyện mình cùng nhị Kiều, không khỏi lo rối trí.
Chợt buột miệng hỏi:
- Nhưng giữa... ba chị, có đánh ghen lần nào không?
Giáng Tiên mỉm cười thân mật:
- Có chứ em! Nhưng chỉ do chuyện lầm lẫn lúc đầu. Voòng Chí Lan dữ lắm, đâu hiểu duyên tiền định giữa chị với Đại Sơn Vương. Anh ấy đang dưỡng bệnh, Chí Lan tìm đến động, lại gặp lúc Đại Sơn Vương đang mê chị như điên.
Chí Lan nhất định cho là chị lợi dụng âm thanh huyền hoặc "cướp" anh ấy.
Nguyên động Thanh Âm từ xưa có thạch nhũ hình chiêng trống nhạc khí kỳ dị vô cùng, chạm đến phát âm như trống chiêng thực.
Nhưng có quái gở nhất là vô ý động phải lúc có người nào trước mặt là tự nhiên mê như điên dai. Đại Sơn Vương lần đi xem động, chị đã dặn kỹ, nhưng anh ấy tính bướng không tin, nên cẩu thả chạm ngay phải. Em biết không, anh hóa mê si ghê gớm, cứ sà vào nói huyên thuyên, toàn câu tình tứ say sưa. Chị lo sợ quá cứ phải chạy quanh, tuy thương anh nhất đời, nhưng không thể để anh si mê như thế được. Đang tìm cách giải thì Chí Lan tới, thấy thế mắng nhiếc chị như tát nước, đòi tử chiến. Nhưng sau này Chí Lan hiểu rõ, từ đó hai người thương nhau hết sức, cùng hy sinh cho chị Kiều.
Thái Dũng thở dài, ngắm bức tranh lạ, sực hỏi:
- Còn chị Phượng Kiều?
- Chị Kiều trước sau lúc nào cũng muốn hy sinh, dung hòa tất cả, cùng thờ một chồng, không cả lẽ.
Dũng buột miệng:
- Chí lý!
Không ngờ nàng nữ chúa đã nghiêm mặt, lắc đầu:
- Em chỉ nghĩ đến lý, không nghĩ đến tình! Đàn ông có chịu nổi cảnh một vợ ba chồng không? Lại bảo đàn bà chịu cảnh một chồng ba vợ?
Nghe Giáng Tiên nói rất... đàn bà, chàng trai không khỏi phì cười, nhớ đến "chuyện cái ấm tích bên Tàu."
Một bà viết báo Âu Mỹ nhân trong một bữa tiệc đông đã lớn tiếng chỉ trích chế độ đa thê của Á Đông. Nhân biện luận cũng nói câu như Giáng Tiên vừa thốt.
Một ông viết báo Tàu điềm nhiên đáp:
- Đàn ông khác nào cái ấm tích, đàn bà là cái chén. Một cái ấm có thể rót vào nhiều chén chứ một cái chén rót sao được vào nhiều ấm!
Thấy Dũng cười, Giáng Tiên ngơ ngác gặng hỏi, nhưng chàng sợ thất lễ không dám nói ra. Đó rồi chỉ còn biết an ủi người đàn bà tài sắc và ngỏ ý xin được đi xem động.
Giáng Tiên thấy chàng tha thiết đành chiều ý truyền gái hầu Thổ sửa soạn đèn đuốc vì lúc đó mới vào canh năm.
Nào ngờ vừa ra được nửa hành lang thình lình Thái Dũng đau nhói cuống họng, hai nách, thét lên ngã nhào xuống ngất đi.
Nữ chúa Động Thanh Âm cả thương vội cùng gái hầu khiêng vào phòng cũ, cầm tay bắt mạch, ngạc nhiên bảo gái hầu:
- Lạ dữ! Kinh mạch vẫn chạy đều, không phải trúng phong! Chẳng lẽ bệnh... tà? Chắc một lát sẽ tỉnh!
Ngồi giây khắc, hai người đắp lên ngực Dũng một cái chăn thổ cẩm, đoạn khép cửa, ra ngoài chốc lại vào thăm.
Quả nhiên hơn nửa giờ sau, Thái Dũng lại tỉnh. Nhỏm dậy, vươn vai, thấy như thường, chỉ hơi khác là trong mình hâm hấp ngây ngấy như người sắp lên cơn sốt rừng, chàng càng nghi hoặc:
- Ngất tỉnh, tỉnh ngất đều... mỗi lần lại đau nhói một huyệt đạo... là thế nào?
Tốt nhất hãy nhân lúc còn khỏe, đi kiếm Thanh Âm xem sao? Chắc quanh vùng!
Nghĩ đoạn lấy khí giới đem theo. Thái Dũng lập tức rời căn phòng lách ra. Đi ngược hành lang chỉ độ mười bộ, đã đụng dàn hoa leo. Mới hay ánh sáng lạ huyền do lửa thắp nhiều nơi, được che bằng lớp kính dầu.
Vén hoa leo, mới chợt rõ mình đang ở lưng chừng núi cao, trông ra một khu thung lũng huyền diệu đầy hoa trắng, nằm dưới trăng vơi xa xa đồi núi khắc vào nền trời, le lói trong sương, rải rác có ánh đèn chơi vơi. Ngay dưới dàn hoa leo đầu thềm có một cái thang mây.
Thái Dũng bước thang mây, xuống độ vài con sào, mới thấy toàn cảnh sườn núi.
Toàn nhà treo lơ lửng gần vách đá, chòm trên, dưới liền lạc bằng đường thang mây chênh chếch, coi như những tổ chim phượng hoàng.
Canh khuya đêm cuối tuần hạ còn chớm thu, trăng lưỡi liềm chảy qua màn sương mỏng dãy xuống thung lũng nhà treo coi càng lạ mắt huyền ảo như cảnh vật thuộc về một thế giới xen kẽ nào, bất giác chàng trai họ Lê không nén nổi sững sờ, kêu khẽ:
- Chà, lạ thật! Lần đầu thấy nhà treo sườn núi, ai ngờ giữa biên khu đất Bắc ta lại có miền cảnh thổ kỳ dị đến thế! Không biết Động Thanh Âm hướng nào? Đứng quan sát nghe ngóng động tĩnh giây khắc, chàng trai lập tức theo đường thang mây lần xuống thoăn thoắt. Nhờ nước quý Si Công Linh, chàng có thể leo rất nhẹ không gây tiếng động, nào ngờ mới được đúng mười bực, đến chỗ thang rẽ ngang, chợt reng tiếng thoảng nhẹ, rồi thang mây chỗ chàng đứng vùng đứt rời ra, cả thân thể chàng rơi vụt xuống vực thang. Thất kinh chàng chỉ kịp giang rộng cánh tay quạt mạnh một cái, vừa hãm vừa bắn mình đi, nhưng vẫn tiếp tục rơi xuống vun vút. Đã tưởng nát xác bỗng chân dẫm ngay phải một vật dập dềnh, đỡ hẳn lại, chàng nhanh trí lại quạt mạnh tay, lấy thăng bằng dòm xuống mới hay vừa may rớt vào một khúc thang cách mặt đất chừng vài con sào, xế chỗ rơi trên tám mươi lăm bộ. Mừng rỡ, chàng thận trọng lần xuống, cách mặt đất chừng mười bộ, chợt nhận ra dưới chân thang có hàng đàn thú dữ ngồi chồm chỗm như tượng đá dọc tít ra phía bên kia. Ngoài kia xế chân thang chàng lại có một dàn hoa rộng mênh mông.
Nghĩ ra một kế, chàng đưa tay búng mạnh một cái xuống bên phải nghe "rào" cành lá, và quăng vèo mình xuống phía trái như con chim sắt. Quả nhiên bầy thú bị lừa.
Nhưng vừa hạ chân xuống trốc dàn hoa. Thái Dũng đã ngạc nhiên, chợt nghe bên tai từ đâu ào tới hàng trăm ngàn tiếng dị nổi chìm mơ hồ không khác âm ma.
Ngồi thụp xuống, mùi ngào ngạt hương thơm, mới rõ đây là dàn phong lan, lắng nghe rõ có rất nhiều âm thanh, như một cuộc đại hòa tấu của tất cả nhạc khí trên đời. Chú ý thêm, lại thấy như tiếng chim kêu vượn hót, suối chảy, mưa rơi... nhưng không có tiếng nào rõ rệt, triền miên, đang đổ theo tiếng chim, lại bị tiếng đàn, tiếng sáo cắt ngang, đang theo đàn sáo lại hóa tiếng suối reo, hết sức quái gở.
Vượt thêm quãng nữa, tiếng kia càng rõ.
- Lạ thật, sao lại có thứ âm quái quỷ thế này? Không phải ai hòa đàn đâu đây... mà có vẻ như tất cả âm thanh trên trái đất hợp lại! À! Thôi đúng rồi! Động Thanh Âm! Tiếng lạ này từ Động Thanh Âm phát ra, thứ tiếng thổ dân thượng du vẫn bảo là tiếng ma kêu quỷ hờn đây!
Thái Dũng cả mừng, sực nhớ miền Nam cực đuôi quả địa cầu cũng có một nơi phát âm thanh tổng hợp kỳ quái, đó là rặng núi Nam Châm xa xôi, tất cả tiếng động khắp trái đất đều theo các tần số riêng hay tụ cả ở đây, rồi phát ra chẳng khác một cái máy thu thanh thiên tạo. Suốt đêm ngày âm thanh rền rĩ, đến nỗi xưa các thủy thủ bạt phong lạc đến gần vùng này ai nấy đều rợn óc cho là tiếng ma biển hú hồn. Sau khám phá ra, biết nơi thu hút hết tiếng động thế gian, có nhà hàng hải thám hiểm sẵn máu tình báo trong mình còn nghĩ sao chế được cái máy lọc âm, chắc khám phá ra hết cả những lời bí mật nói tận phương xa vạn dặm, trong phòng hành quân, trong hậu trường v.v... nhất là có thể nghe được cả những lời tình tự của người yêu đang nỉ non với kẻ nào đó trong một nơi kín đáo nào...
- À... Biết đâu "Khương Thượng ngộ Văn Vương" câu ẩn ngữ này chẳng lên hệ mật thiết với thứ phát âm lạ lùng kia?
Thái Dũng thính giác bén nhạy định ngay được phương hướng phát âm chính từ rặng núi cuối thung lũng phía Tây Bắc xế. Không do dự chàng cứ theo mặt dàn phong lan vượt đi dài bằng hai dặm cây vườn um tùm. Vừa hết dàn định nhảy xuống đất bỗng chàng hơi sửng sốt thoáng thấy một cái bóng đen lòa xòa từ phía rặng núi phát âm lướt về phía chàng như gió cách năm mươi bộ chếch vụt cái nhảy lên dàn mất dạng. Vì trăng loang cây rậm không trông rõ chàng ẩn thêm giây khắc không thấy chi bèn nhảy xuống tiến nhanh về phía núi.
Núi dựng vút cao hùng vĩ khắc vào nền trăng nhạt nhiều hình dáng lạ mắt.
Cọp "bép" hoẵng "hoăng" cầy cáo chạy rào, thoảng chim đêm xào xạc càng tăng vẻ huyền bí hoang vu. Âm thanh nghe đã rõ mồn một đặc biệt là gần cũng vẫn nổi chìm phảng phất mơ hồ như xa.
Thái Dũng đi dọc chân núi không đầy phút đã gặp một lối mòn đầy cỏ tóc tiên dẫn đến cửa hang. Đang quan sát chợt nghe phía sau có nhiều tiếng cồng nổi lên xa xa từ mạn Nam chuyển dần về phía Bắc.
Rồi lại im như cũ.
Tặc lưỡi một cái, Thái Dũng bước luôn vào cửa hang. Hang tối mờ bóng núi lá trăng loang lổ soi cửa hang vào chừng ba thước có hai cánh cửa hang đá đóng chặt.
- Phá chăng?
Thái Dũng phân vân, đưa tay đẩy thử "két két", cánh cửa nặng từ từ mở rộng.
Mừng rỡ, Dũng quay ra bẻ một cành trúc làm cần, lấy ra một sợi dây gai, vuốt kim băng làm lưỡi câu thẳng, nháy mắt đã có một cái cần câu Khương Thượng.
Và hệt như ông lão Tử Nha ngồi sông Vị đợi Văn Vương, chàng cầm cần, tiến vào.
Bỗng "két két", cánh cửa đã từ từ khép lại, dưới trăng loang, lừ lừ coi phát rợn. Giật mình, Thái Dũng quát trầm:
- Ai trong đó?
Im lìm. Chàng giơ tay đẩy. Nhưng cánh vừa mở chưa kịp lách vào đã đóng lại luôn, cứ thế đến ba lần.
Dũng hỏi lớn:
- Ai trong đó, sao không lên tiếng?
Miệng hỏi, tay đẩy mạnh, nhưng đã có kinh nghiệm, Dũng không buông cứ đẩy mạnh mãi. Rõ ràng có một sức mạnh bên trong đóng lại, đôi bên giằng co nhau đến hơn phút. Dũng không khỏi lạ lùng, thấy bên trong rất khỏe, nhưng cuối cùng Dũng vẫn đẩy ra được mấy gang.
Bất thần trong có tiếng phát ra âm rờn rợn:
- À, cái người Kinh này cậy khỏe dám phạm đền thờ! Ra mau! Có phép chúa mới được vào!
Dũng trợn tròn mắt ngạc nhiên:
- Ai đó? Mỗ vào có chút việc! Người là ai? Sao lại ở đó? Mở ra nhờ! Mỗ là khách của nữ chúa đây mà!
Tiếng rợn khô lại vọng ra, kèm theo giọng cười chờn vờn:
- Hà hà! Khách của chúa mới không vật ngay! Ra mau! Cái xó giữ cửa đều không có lệnh không cho cái người nào vào!
Toàn tiếng Mán, Dũng nghe bắt rợn, hỏi giật:
- Sao? Xó? Ma xó giữ đền?
- Cái người nói nhiều, cái xó không bằng lòng! Xó không muốn nói!
Chờn chợn lại hoài nghi kẻ trong "dọa". Dũng vừa hé "mở ra" vừa dùng tận lực đẩy thật mạnh, cửa mở, tay kia Dũng vẫy vút lưỡi câu vào mở lối. Tuy chỉ là lưỡi kim băng, nhưng sức chàng mất hết sức mạnh, nào ngờ chỉ vụt cái, cần câu đã bị giằng mất, bị thêm cái tát nảy đom đóm.
Vừa kinh vừa giận, Thái Dũng lùi phắt lại đưa tay toan rút kiếm, bỗng nghe mơ hồ bên tai có tiếng kêu rất quái gở, rồi mắt tả thấy nhói một cái như bị dùi đâm nổ con ngươi, đau ghê gớm, chỉ kịp thét lên một tiếng, ngã vật xuống, chết ngất đi như cái xác không hồn.
Cửa đá từ từ khép lại. Chân núi âm u huyền bí, vài chiếc lá rơi... lạnh lùng.
Ngay lúc Thái Dũng ngã nhào xuống, nằm sóng xoài bất động, chợt rừng già nổ âm phong trên trời mây đen kéo qua vành trăng khuyết, trời đất tối sầm lại từ cánh rừng tả, vụt nhô lên một bóng đen ngòm, lắc một cái, đã đứng lừ lừ cạnh thân Dũng.
Mây trôi cửa hang trăng rọi, bóng đen hừng hiện rõ hình thù nham nhở trùm vải đen choàng áo rộng đen thùng thình, cổ đeo chuỗi sọ trắng hếu, chống gậy xương mắt phát tia đỏ khé, âm u câm nín hệt một bóng oan hồn: Sài Kíu Tinh!
Giộng chát gậy, lão quái tinh đứng dòm Dũng, chợt ngửa mặt cười khà như bóng quỷ nhập tràng dòm trăng cười âm âm.
- Giọt máu họ Lê! Hà hà! Chắc bị trúng phong! Từ công phu theo dõi... nó đến động ma này làm gì? Hay bị ma vật? Gia phả họ Lê? Hà...
Lão lấy chân hất ngửa xác Dũng, cúi vụt xuống lục lọi khắp ngực áo mình mẩy chợt đứng phắt dậy nghiến răng ken két phát giọng khàn khàn:
- Dấu đâu rồi? Hay có đứa phỗng tay trên? Giọt máu họ Lê? Hừ, lợi hại lắm!
Cơ hội trời cho, không thịt ngay còn để làm gì?
Soạt lưỡi dao nhọn hoắt đeo trên tay một chân giậm ngang bụng Dũng, lão quái tinh cười gai gai nghiêng mình phất tay áo thụng trả vụt lưỡi dao xuống cổ họng chàng trai bất hạnh. Đúng lúc lại một cơn mây che mất trăng liềm, trời đất tối sầm, âm phong ngăn ngắt, vài chiếc lá khuya táp xuống khuôn mặt chàng như muốn liệm lấy xác thân người tuổi trẻ thác oan.
← Hồi 33 | Hồi 35 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác