Vay nóng Tinvay

Truyện:Nhất phẩm giang sơn - Hồi 342

Nhất phẩm giang sơn
Trọn bộ 355 hồi
Hồi 342: Nghịch chuyển
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-355)

Siêu sale Lazada

-Nhi thần khẩn thiết xin người đừng xem....

Triệu Tông Tích cúi đầu nói.

-Vì sao lại không xem?

Triệu Trinh lạnh lùng hỏi.

-Nhi thần sợ xem rồi, không biết nên trả lời phụ hoàng thế nào.

Triệu Tông Tích nói:

-Nếu nói cho rõ ràng thì sẽ khiến cho trăm quan lo sợ, thậm chí tai họa kề bên; cũng sẽ làm cho người ta nói thần nhân cơ hội đả kích Tông Thực. Nếu không thì đạo lí sáng tỏ, quốc pháp khó tránh..... nghĩ tới nghĩ lui mà vẫn chưa ra.

-Ngươi đúng là tên láu cá, nói không xem là không xem.

Triệu Trinh sắc mặt giãn ra nói tiếp:

-Nhưng lại trị bại hoại như thế, ngươi có thể một mực trốn tránh sao?

-Dạ bẩm phụ hoàng.

Triệu Tông Tích nghiêm mặt nói:

-Muốn cải cách đầu tiên phải trị quan, đây chính là do phụ hoàng dạy bảo. Nhưng nhi thần lại cho rằng, chỉnh đốn lại trị (tác phong và uy tín của quan lại) phải dựa vào luật pháp nghiêm khắc chứ không phải dựa vào một cuốn sách không rõ lai lịch. Tha tội cho nhi thần nói thẳng, như quan trường hiện nay lại trị không minh bạch, không thể hoàn toàn trách các đại thần được, trong đó cũng có nguyên nhân do nếp sống xã hội mỗi ngày khác nhau như bây giờ.

-Nói như vậy,

Triệu Trinh hừ lạnh lùng nói:

-Hóa ra là lỗi của quả nhân?

-Nhi thần không dám.

Triệu Tông Tích vội vàng lắc đầu nói:

-Nhi thần chỉ cho rằng, đất nước thái bình lâu rồi, lại trị muốn sinh sự. Quan trường vẩn đục, đôi khi quan tốt cũng không thể không đút lót. Tỉ dụ như việc thăng giáng chức của quan viên đều chịu sự khống chế của thư lại, người thông đồng được với quan lại thì sẽ sớm được nhậm chức, có thể lên chức; nếu hối lộ không chu đáo thì khó tránh khỏi thương lượng...... Nhi thần tin rằng mấy trăm quan trong cuốn sổ tuyệt đại đa số đều trung thành, đều tốt cả, chỉ là do nguyên nhân nọ kia mà không thể không làm chút điều sai để bị người khác nắm thóp. Nếu không phân rõ trắng đen phải trái sẽ đầy ắp nhà lao, một là làm trái với đạo khoan hồng của tổ tông; hai là dễ dàng để trẻ con và nước bẩn cùng tan vào nhau, ba là sẽ gây ra nỗi khiếp sợ của trăm quan, dễ sinh bất trắc. Vì thế nhi thần khẩn cầu phụ hoàng suy nghĩ lại!

Nghe Triệu Tông Tích trình bày xong, nét mặt Triệu Trinh dần dịu lại, gật đầu nói:

-Xem ra tưởng tượng của con còn thành thục hơn quả nhân, khá lắm, khá lắm.

Nói rồi ngồi xuống ghế và nói:

-Vậy theo ý của con, nên xử lý cuốn sổ kia như thế nào?

-Theo ý của nhi thần thì cuốn sổ không rõ lai lịch kia nên đốt đi.

Triệu Tông Tích không chút do dự nói vậy.

-Đốt rồi thì người khác sẽ không biết nữa sao?

Triệu Trinh lắc đầu nói:

-Đừng quên rằng huyện Nghi Dương phủ Hà Nam, đều đã xem qua cuốn sổ này rồi.

-Vậy thì quan viên huyện Nghi Dương Hà Nam phủ phải chịu oan ức một chút rồi. Quan gia hạ chỉ nói, cuốn sách này thật giả khó phân, nhưng tin tưởng cha con Phác Ngọc sẽ không kết bè đảng mưu cầu lợi riêng, càng tin tưởng vào phẩm hạnh của các quan, vì vậy sẽ đốt đi, không ai được phép kháng nghị. Các quan tự nhiên sẽ cảm nhớ ân đức của quan gia, cũng sẽ vứt bỏ gánh nặng đem công chuộc tội!

-Tích nhi rất biết nguyên tắc, trong lòng trẫm thấy được an ủi.

Triệu Trinh gật đầu, thở dài nói tiếp:

-Nhưng lại trị bại hoại như vậy, quả nhân lại vẫn phải che dấu, thật sự không ra thể thống gì.

- Có lẽ không tệ như tưởng tượng.

Triệu Tông Tích hạ giọng nói:

- Phụ hoàng cứ từ từ nghĩ kế sách.

- Quả nhân thật vô dụng!

Triệu Tông Tích thừ người, nhìn đăm đăm cảnh sắc bên ngoài qua những lớp màn che, ảm đạm cảm thán:

- Chỉ cảm thấy Đại Tống này đâu đâu cũng cần dùng lực, song lực bất tòng tâm, chỉ có thể gửi gắm hy vọng vào tương lai...

Triệu Trinh nhìn chăm chú Triệu Tông Tích, nói sâu xa:

- Cơ nghiệp của tổ tông phải dựa vào thế hệ của ngươi để chấn hưng rồi!

Triệu Tông Tích nghe thấy, trong lòng liền chấn động. Tuy trước kia sự an bài của Hoàng thượng khiến y cảm thấy mình được tin tưởng không ít, nhưng Hoàng thượng nói quả quyết như thế lại là lần đầu tiên. Triệu Tông Tích gật đầu, rơi lệ nói:

- Nhi thần sẽ dốc hết sức lực, đến chết mới thôi!

- Nhớ kỹ tâm ý này của ngươi.

Triệu Trinh thản nhiên nói:

- Hy vọng sau này ngươi đừng oán hận ta đã đẩy cục diện rối rắm này cho ngươi.

- Nhi thần...

Triệu Tông Tích nghẹn ngào:

- Chỉ sợ không thể gánh vác.

- Không sao.

Triệu Trinh mỉm cười:

- Quả nhân tin ngươi.

Dứt lời ông quay sang nói với Hồ Ngôn Đoái:

- Hồ tổng quản, phân phó Tông Chính Tự, bắt đầu từ ngày mai Tề Vương Tông Tích sẽ đổi tên là "Thự"!

- Là chữ "Thự" nào?

Hồ Ngôn Đoái nhỏ giọng hỏi.

- "Thự" của "thự quang"! ("thự quang" là ánh hừng đông)

Triệu Trinh trầm giọng:

- Mong con ta có thể trở thành ánh hừng đông của Đại Tống!

- Vâng.

Hô Ngôn Đoái đáp ứng.

- Đa tạ phụ hoàng ban tên!

Triệu Tông Tích xúc động nói, y lập tức đổi tên thành Triệu Thự, không thể dùng tên ban đầu nữa. Điều này đồng nghĩa với việc Hoàng đế đã hoàn toàn chấp nhận y, song song đó y cũng phải đoạn tuyệt quan hệ với cha mẹ thân sinh của mình.

.....

Vương Bàng luôn tập trung tư tưởng muốn làm một lần cho xong. Nhưng khi nghe tin từ chỗ của Triệu Tông Tích, nếu không làm ầm lên và không xử lý chuyện này, bất kể là trăm quan hay là Triệu Tông Thực đều sẽ không bị liên lụy, hiển nhiên y cực kỳ thất vọng.

Nhưng ngẫm lại mà nói, y cảm thấy cách làm này vô cùng cao minh. Trước tiên Hoàng thượng không muốn thi hành lao tù, hiện nay Triệu Tông Tích hoàn toàn dựa vào sự cất nhắc của Hoàng thượng, hiển nhiên Tông Tích sẽ xem trọng thái độ của ngài ấy. Bên cạnh đó, cho dù có đưa ra hàng loạt nguyên nhân tạm thời bỏ qua cho Triệu Tông Thực, nhưng nếu Hoàng thượng đã biết hành vi của cha con Tông Thực, thì Triệu Tông Thực đừng hòng nghĩ đến ngôi vị Thái tử nữa.

Tuyệt hơn là trạng thái nửa lộ nửa không kia có muốn bảo mật hoàn toàn cũng không được, bởi vì tấu báo và sổ vận chuyển do phủ Hà Nam trình lên đã được quan viên địa phương xem qua, . Nếu Hoàng thượng trực tiếp giữ lại tấu chương mà không hạ chỉ rõ ràng, tất nhiên sẽ khiến Triệu Tông Thực và trăm quan khủng hoảng, từ đó có thể phát sinh biến loạn.

Hiện tại Hoàng thượng chiếu theo kiến nghị của Tông Tích mà hạ một ý chỉ: "Sổ vận chuyển khó phân thật giả, nhưng tin tưởng vào phẩm đức của cha con Bộc vương, càng tin tưởng vào phẩm hạnh của trăm quan, đốt nó luôn cho rồi". Nghe qua có vẻ là mọi người đều vui, kỳ thực vô cùng âm hiểm.

Đầu tiên, ý chỉ đã khẳng định sự tồn tại của sổ vận chuyển, hơn nữa về việc "khó phân thật giả"... Tuy rằng không chắc chắn là thật, nhưng cũng không nói là giả, cho nó một mồi lửa thì đã loại bỏ được gông xiềng mà cha con Triệu Tông Thực buộc trên thân trăm quan, bọn họ hiển nhiên sẽ cảm kích Hoàng thượng và Tề Vương điện hạ. Sau này vì muốn tránh bị nghi ngờ, bọn họ tất nhiên sẽ giữ khoảng cách với Triệu Tông Thực. Để tránh bị xem là một phần của sổ vận chuyển, bọn họ thậm chí còn công kích Triệu Tông Thực nhằm chứng minh họ không cùng phe với y.

Bè đảng của Triệu Tông Thực nhìn có vẻ vững chắc, song dĩ nhiên sẽ vì chuyện này mà xuất hiện vết rạn, chỉ cần tiếp tục chọc ngoáy thì chắc chắn có thể khiến nó tan tành.

Hơn nữa theo suy nghĩ âm hiểm của Vương Bàng, cứ như hắn đã lén lút sao chép một cuốn sổ vận chuyển tương tự trước khi dâng sổ lên Tề Vương. Sổ vận chuyển đó có thật là đã bị đốt hay là đã chép thêm một quyển trước khi đốt, điều này không ai có thể nói chính xác.

Rất có thể cái chuôi hung khí vẫn còn, nhưng lại đạt được hiệu quả tốt nhất.

Theo Vương Bàng thấy, người lập kế hoạch quả thực hiểu rõ lòng người đến mức xuất thần nhập hóa, không cần nói nữa, chắc chắn tất cả là do tên Trần Trọng Phương kia nghĩ ra.

Tuy y tự phụ thông minh, nhưng xét về đoán lòng người và hiểu rõ đại cục thì y lại kém Trần Khác một bậc. Nghĩ đến mình đã mạo hiểm quá nhiều, vậy mà lại làm chuyện tốt giúp Trần Khác, Vương Bàng hận đến mức ngứa răng. Nhưng Vương Bàng biết trong lòng Tề Vương, dù có đến mười Vương Bàng cũng không thể so bì với một Trần Khác, thành thử y đành cố nhẫn nhịn rồi tính sau...

......

Quả nhiên vụ án sổ vận chuyển chưa bạo phát, song đã dẫn đến những phản ứng liên hoàn. Trước hết là Đại Lý Tự thỉnh tấu tra xét chặt chẽ hơn vụ án sông Nhị Cổ, yêu cầu kỳ hạn kết thúc vụ án. Lại có Ngôn quan buộc tội phủ Khai Phong xử trộm bất lực khiến phỉ tặc hoành hành ở thành Biện Kinh trong thời gian cuối năm, làm phát sinh hơn ngàn vụ án lớn nhỏ, yêu cầu quan viên Hữu Ti phải chịu trách nhiệm.

Thậm chí ngay cả khi phủ Khai Phong chưa xin chỉ thị, những hình phạt cung cấm, lục soát toàn thành cũng được các Ngôn quan tận dụng. Họ cho rằng có thể kích động kinh sư, nơi mà ai cũng ngại gây rối.

Triệu Tông Thực từ nhỏ đã được xem là Thái tử, ban đầu dù có phạm lỗi, các quan vẫn luôn tìm cách che chở, trước giờ chỉ có ca tụng chứ không hề buộc tội. Thế nhưng vào mùa xuân năm Gia Hựu thứ bảy, gió ở thành Biện Kinh đã đổi chiều. Các quan viên hôm nay một bản điều trần, ngày mai một bản tấu chương buộc tội, tựa như một trận mưa đá trút hết lên đầu Triệu Tông Thực khiến y choáng váng đầu óc. Y càng hoảng sợ không thể bình tĩnh, chỉ đành cáo bệnh chịu tội ở nhà, tránh được cơn bão này rồi tính sau.

Thấy gió đã đổi chiều, những viên quan ngày xưa thân mật với y đều kinh hoảng bất an, có kẻ mượn cớ đến phủ thượng vấn an, hỏi y có đối sách gì chăng, có kẻ lại trực tiếp xin nghỉ bệnh, tuổi tác đã cao nên cáo lão...

*****

Đây là có giới hạn đạo đức, đám người gió chiều nào che chiều ấy kia đã sớm chạy đến phủ thượng của Tề Vương như ong vỡ tổ, đến nắm chân thối của Triệu Tông Tích... À không, bây giờ phải gọi là Triệu Thự mới đúng.

- Triệu Thự, Triệu Thự, , ,

Sau khi biết Triệu Tông Tích được đổi tên, khuôn mặt luôn ôn hòa của Triệu Tông Thực phút chốc trở nên dữ tợn, y nghiến răng nghiến lợi nói:

- Lẽ ra phải là tên của ta!

Bắt đầu từ thời Thái Tông, triều đình có thói quen đổi tên hai chữ thành một chữ, tỷ như Triệu Quang Nghĩa đổi thành Triệu Cảnh, Triệu Nguyên Khản đổi thành Triệu Hằng, Triệu Thụ Ích đổi là Triệu Trinh... Điều này nói rõ tính độc nhất vô nhị của quân vương, và cũng để giảm bớt phiền phức khi thần tử tránh kỵ húy.

Hiện tại Hoàng thượng đổi tên Triệu Tông Tích thành Triệu Thự, bốn vị Hoàng tử còn lại thì giữ nguyên, đến đồ ngốc cũng biết điều này có nghĩa như thế nào!

- Thập tam ca, giờ huynh hối hận rồi sao?

Thấy bộ dạng oán hận của Triệu Tông Thực, Triệu Tông Hán cười lạnh nói:

- Huynh xem sách nhiều hơn đệ ăn cơm, dám hỏi việc tranh chấp ngôi vị Thái tử có khi nào tuân theo đạo quân tử hay không? Chẳng phải ai cũng dùng mọi thủ đoạn tồi tệ đó sao?

- Đúng vậy.

Triệu Tông Cầu cũng hậm hực nói:

- Ta đấu từng chiêu với bọn chúng, giao đấu đường đường chính chính, vậy mà chúng lại giở trò nham hiểm, thế này còn tàn độc gấp trăm lần giết người!

- Chúng ta bị đánh một vố quá nặng rồi!

Đến Triệu Tông Hữu cũng rất đồng tình, bực bội nói:

- Nói đến chuyện kéo bè kết phái, Triệu Tông Tích có thiếu ai đâu? Trên có Văn Ngạn Bác, giữa có Trần Trọng Phương, dưới có Vương Nguyên Trạch, toàn là bè đảng của y! Mọi người vốn phải tự chỉ huy phe cánh so tài cao thấp, thắng làm vua thua làm giặc, mọi người không đến mức mất đi đường sống còn.

Nói rồi Tông Hữu hừ lạnh một tiếng:

- Vậy mà lần này y lại đích thân ra trận, chém đứt tứ chi thủ hạ của chúng ta, rõ ràng không muốn chúng ta sống sót mà. So với việc ngồi chờ chết, chi bằng chúng ta ra tay trước!

Thấy các huynh đệ ai nấy cũng hung hăng, đằng đằng sát khí, Triệu Tông Thực đột nhiên rùng mình. Rốt cuộc y cũng ý thức được, nếu mình không muốn nhận thua thì chỉ còn cách rút đao ra!

- Im hết đi!

Triệu Tông Ý lại sợ hãi, quát lên:

- Biết mình đang nói gì không?

- Đại ca, huynh quá nhát gan rồi.

Triệu Tông Huy cười lạnh:

- Hay là huynh tưởng rằng, chỉ cần Thập tam ngồi ở nhà thì vương miện sẽ tự khắc rơi xuống đầu đệ ấy?! Chuyện đến nước này, Triệu Tông Tích không chết thì chúng ta cũng toi hết cả!

- Nhảm nhí...

Triệu Tông Ý tái mặt:

- Thập tam nhân từ rộng lượng, sao có thể...

Y chưa dứt lời thì Triệu Tông Thực rầu rĩ nói:

- Đại ca, Lý Thế Dân không gây ra biến ở Huyền Vũ Môn thì làm sao có Trinh Quán trị biến?

Triệu Tông Ý tức thì câm lặng...

- Nếu đây là thành bại của một mình đệ thì đệ sẽ không tranh đấu nữa, cứ ngửa cổ chờ chết.

Ánh mắt Triệu Tông Thực trở nên lạnh lùng, than nhẹ một tiếng:

- Nhưng đệ đã đi đến bước này, có được tâm huyết của quá nhiều người, nếu từ bỏ thì sao có thể ăn nói với phụ thân! Đây chính là tâm nguyện cả đời của cha!

- Nhưng cả nhà chúng ta có hai mươi tám huynh đệ, mười sáu tỷ muội, hơn năm trăm nhân khẩu.

Triệu Tông Ý đau khổ khuyên:

- Nếu thất bại sẽ dẫn đến họa diệt môn!

- Đại ca lo lắng thái quá.

Triệu Tông Hán lạnh lùng nói:

- Đệ đã nói rồi, đây là ân oán riêng tư của đệ, đệ hận Trần Khác và Triệu Tông Tích, muốn lấy mạng của chúng, can gì đến mọi người?

Y vừa nói vừa chắp tay với các huynh đệ:

- Từ nay về sau, chúng ta ân đoạn nghĩa tuyệt, phụ thân không có đứa con như ta, mọi người cũng không có huynh đệ như ta.

Dứt lời, hai mắt y đẫm lệ.

- Thập lục...

Các huynh đệ cũng khóc theo.

- Thập lục đệ...

Triệu Tông Thực khóc ròng nắm lấy tay y:

- Huynh đệ luôn đoàn kết, tấm lòng này của đệ ca ca luôn ghi nhớ.

Tông Thực ngập ngừng chút rồi tiếp lời:

- Nhưng chuyện này cần bàn bạc kỹ hơn, đợi huynh nghĩ thông suốt rồi hẵng nói, thế nào?

- Được thôi.

Triệu Tông Hán gật đầu nói:

- Hôm sau đệ không đến nữa, khi nào huynh định đoạt thì nhờ vị ca ca nào đó đến báo với đệ một tiếng!

- Ừm.

Triệu Tông Thực gật đầu.

......

Các huynh đệ xúc động trò chuyện thêm một lúc, hồi lâu sau mới giải tán.

Trong thư phòng chỉ còn lại một mình Triệu Tông Thực, dũng khí của y cũng biến mất sau khi các huynh đệ giải tán, y ngồi một chỗ mà không ngừng run rẩy. Một lúc sau y run giọng hỏi:

- Tiên sinh thấy thế nào?

- Lần này đả kích thực sự rất lớn, Vương gia muốn kế vị thuận lợi, hy vọng không nhiều cho lắm.

Tuy Mạnh Dương không hề trốn tránh trách nhiệm khi sổ vận chuyển bị mất trộm, nhưng Triệu Tông Thực không truy cứu, hoặc là không có tâm tình để truy cứu, bất luận thế nào gã cũng thấy áy náy, suốt ngày suy nghĩ làm sao có thể vãn hồi thế cục này. Thế nhưng càng nghĩ thì gã càng tuyệt vọng, nghe thấy Triệu Tông Thực hỏi, Mạnh Dương nhẹ giọng nói:

- Nếu không muốn từ bỏ thì chỉ còn cách phá nốt đường lui.

Tuy trong lòng đã sớm hiểu được, nhưng Mạnh Dương nói thế càng khiến nỗi đau thất bại của Triệu Tông Thực bị khoét sâu hơn:

- Xem ra ta và Triệu Tông Tích là một mất một còn.

- Không.

Mạnh Dương lại quả quyết lắc đầu:

- Động đến Triệu Tông Tích không ích gì!

- Tiên sinh có ý gì?

Triệu Tông Thực nhướn mày hỏi.

- Dám hỏi vương gia, hình thế của chúng ta đang đổ dốc thẳng đứng, rốt cuộc là do ai ban tặng?

Mạnh Dương trầm giọng hỏi:

- Lẽ nào là Triệu Tông Tích?

- Dựa vào đâu mà y muốn đấu với ta?

Triệu Tông Thực khinh thường hừ một tiếng, chợt chán chường nói:

- Là Hoàng đế xem ta như kẻ cướp!

Đoạn y không khỏi rùng mình:

- Ý của tiên sinh chính là?

- Đúng vậy, giết Triệu Tông Tích cũng vô dụng, Hoàng đế vẫn có thể lập người khác!

Mạnh Dương gật đầu, buồn bã nói:

- Khánh Phụ không chết, khó khăn của nước Lỗ khó mà giải quyết! (*)

(*) Ý nói nếu không diệt trừ chủ mưu gây rối thì khó mà bình định. Tằng Áp Công có ba đệ đệ là Khánh Phụ, Thúc Nha, Lý Hữu. Trong đó Khánh Phụ ngang ngược nhất, lôi kéo Thúc Nha lập đảng, luôn tìm cách tranh ngôi vị, tư thông với phu nhân của Tằng Áp Công, hoang dâm vô sỉ, tác oai tác quái, gây bao nhiêu họa cho nước Lỗ, vì vậy mà có câu nói trên.

- Giết chết Khánh Phụ...

Triệu Tông Thực toàn thân toát mồ hôi lạnh, run rẩy nói:

- Thật phải... như thế sao? Chẳng phải tiên sinh luôn nói "được lòng người thì được cả thiên hạ" à?

- Tình thế đã thay đổi rồi.

Mạnh Dương thầm cảm thán, ta nào biết ngươi vô dụng đến thế, làm chuyện nào thì hỏng chuyện đó! Triệu Tông Tích người ta thì ngược lại, làm chuyện nào cũng khó hơn ngươi, nhưng y hành sự rất khéo, làm đâu ra đó! Người giỏi so với người tệ, những vị đại thần ở thế trung lập đã sớm không còn đứng về phía ngươi nữa.

Cộng thêm việc mất sổ vận chuyển, những viên quan mới đầu còn ở trong đảng chúng ta cũng không ngừng phân rõ giới hạn! Ngươi còn tưởng đây là lúc chúng ta thống nhất triều đường sao! Mau tỉnh dậy đi!

Đương nhiên không thể nói ra như thế, Mạnh Dương nghĩ ngợi, dịu giọng nói:

- Thật không ngờ lòng người như nước chảy, hiện tại bọn họ đều thấy triển vọng bên phía Triệu Tông Tích, hơn nữa không bị sổ vận chuyển ràng buộc, hiển nhiên sẽ chạy ào về phe y.

- Triệu Tông Tích! Triệu Thự!

Triệu Tông Thực hận thấu xương nói:

- Ngàn vạn lần đừng để rơi vào tay ta!

- Không dám giấu, hiện giờ Vương gia bất lợi về mọi mặt, hơn nữa thời gian càng trôi qua, bất lợi càng nhiều hơn.

Mạnh Dương than một tiếng:

- Năm nay tốt xấu gì cũng có cái cớ "năm đại hung", Hoàng đế sẽ không làm gì nữa đâu. Nhưng đến năm sau thì phải lập Thái tử rồi, một khi Tông Tích nhập chủ Đông cung thì không còn hy vọng nào nữa.

- Thật đến bước này sao?

Triệu Tông Thực khó nhọc thốt lên, nhưng miệng y khô khốc đến mức không còn nước bọt.

- Vương gia chẳng phải đã nói: "không có biến cố Huyền Vũ Môn, làm sao có Trinh Quán trị biến" đó sao?

Mạnh Dương buồn bã nói.

- Chuyện đó khác mà.

Triệu Tông Thực thẫn thờ lắc đầu phủ nhận.

- Có gì khác chứ? Dám làm từ mùng một, sao không làm luôn đến ngày rằm!

Mạnh Dương quả quyết:

- Nếu Vương gia không dám làm, vậy tôi nguyện ý làm thuyết khách ưỡn ngực chịu tội, đi một bước dập đầu một cái đến phủ thượng Tề Vương thỉnh tội, cầu cho Vương gia sống bình an quãng đời còn lại!

- Quãng đời còn lại bình an...

Triệu Tông Thực lắc đầu, nói trong cay đắng:

- Ta tận mắt chứng kiến nỗi đau của phụ thân, mấy chục năm nay người không ngừng bị cảm giác oán độc gặm nhấm, tư vị đó giống như sống không bằng chết. Ta thà rằng chết là hết, còn hơn là dẫm vào vết xe đổ của người!

- Nếu thế thì Vương gia còn do dự gì nữa?

Mạnh Dương trầm giọng hỏi.

- Tuy ta không sợ chết, nhưng cũng không muốn hy sinh vô ích.

Triệu Tông Thực nói giọng chua chát:

- Đừng thấy đám hậu duệ nhà tướng uống máu ăn thề với ta, nói những thứ như sống chết có nhau. Liệu tiên sinh có tin, bọn họ sẽ lập tức trói ta đến gặp Hoàng đế nếu ta chỉ cần lộ ra một tia suy nghĩ hay không!

Dừng một chút, y lại nói tiếp:

- Cho dù họ chịu làm theo ta, nhưng danh tiếng giết vua đoạt vị khiến người ta nuốt không trôi, người trong thiên hạ có ai chịu phục ta?

- Danh tiếng? Thương Thốn Vương kế vị đường đường chính chính, hiện nay có danh tiếng gì tốt? Thái tổ Hoàng đế Trần Kiều binh biến, phạm thượng soán vị, hiện giờ ai dám nói y không tốt? Từ xưa thắng làm vua thua làm giặc, ngài được thiên hạ, các Sử quan hiển nhiên sẽ lấp liếm sai lầm của ngài, khuyếch trương thanh thế, danh tiếng tốt của Lý Thế Dân chính là từ đó mà ra!

Mạnh Dương đổi giọng:

- Lại nói chúng ta chưa bao giờ lộ diện, càng không cần động đến đao thương, cứ ngấm ngầm hạ thủ từ trong cung.

*****

- Sau màn hỗn loạn trong cung năm đó, Triệu Trinh đã thay mới hết cung nhân bên cạnh minh, Hoàng Thành Ti và thị vệ quân thân ti cũng giao hết cho cha con Địch Thanh, khiến hệ thống đại nội chẳng khác gì cái thùng sắt.

Triệu Tông Thực cười khổ:

- Những người như Hồ Ngôn Đoái và Lý Hiến trước giờ không đứng cùng chiến tuyến với chúng ta, hạ thủ thế nào đây?

- Dĩ nhiên không thể tạt nước vào bên cạnh Hoàng đế.

Mạnh Dương thấp giọng nói:

- Nhưng bên cạnh Hoàng hậu thì khác!

- Ý tiên sinh là...

Triệu Tông Thực lờ mờ đoán ra được ý của Mạnh Dương.

- Đúng vậy, tôi nghe nói cung nữ hầu hạ bên cạnh Hoàng hậu chẳng phải đều do Vương phi Vi Trục dạy bảo hay sao?

Mạnh Dương nhẹ giọng nói.

- Đúng là có chuyện đó.

Triệu Tông Thực gật đầu nói:

- Nội tử (vợ) lớn lên cùng Hoàng hậu, tình như mẹ con, hiện tại những việc nhỏ của Hoàng hậu cũng do nàng ấy lo liệu.

- Khi Hoàng đế đến điện Khôn Ninh, hẳn là có người bên cạnh Hoàng hậu hầu hạ phải không?

Mạnh Dương hỏi.

- Chắc thế.

Triệu Tông Thực cười khổ:

- Nhưng hiện nay Hoàng đế ở một mình, lâu rồi không đến điện Khôn Ninh.

- Thế nào cũng có cách, cứ chuẩn bị cho tốt đi đã!

Mạnh Dương nói:

- Huống chi việc này trọng đại, tất nhiên phải tiến hành cẩn trọng, phải có đủ ba điều kiện thì mới hành động!

- Ba điều kiện gì?

- Thứ nhất, phải lấy được sự ủng hộ của Hoàng hậu, nếu Hoàng đế chết thì Hoàng hậu sẽ trở thành chủ nội cung, nếu được bà ấy cho phép, Vương gia sẽ là người đầu tiên nhập chủ đại nội!

Mạnh Dương trầm giọng nói:

- Thứ hai, phải điều Triệu Tông Tích ra khỏi kinh thành, nếu y ở trong kinh thì chúng ta khó mà thành công. Thứ ba, phải chắc chắn rằng chúng ta hành động khi còn ở trong kinh!

Triệu Tông Thực nghĩ ngợi rồi nói:

- Ừm... Nếu làm theo điều thứ nhất, vậy ta và Vương phi sẽ thường xuyên đến chỗ Hoàng hậu.

- Ừm.

Mạnh Dương gật đầu nói:

- Hoàng hậu nhìn hai người trưởng thành, tình cảm bà ấy dành cho Vương gia và Vương phi nhiều hơn hẳn Triệu Tông Tích. Đây là lợi thế lớn nhất của chúng ta, vì vậy phải diễn cho tốt màn tình cảm này, khiến cho Hoàng hậu hoàn toàn hướng về hai người. Mấu chốt là vừa phải lấy tình cảm tác động lòng người, vừa phải khiến Hoàng hậu ghét Triệu Tông Tích, việc này cần hai người và cung nhân bên cạnh Hoàng hậu cùng nhau nỗ lực.

- Ta hiểu rồi.

Triệu Tông Thực gật đầu nói.

- Điều thứ hai thì phải xem Hàn tướng công.

Mạnh Dương nói:

- Trước khi ra tay, nhờ Hàn tướng công điều Triệu Tông Tích ra ngoài kinh thành.

- Ừ, ta sẽ cho người đi nói với ông ta.

Triệu Tông Thực lại gật đầu nói.

- Còn về điều cuối cùng, thực ra chính là bảo toàn cho bản thân. Giả sử tôi là Hoàng đế, vì muốn bồi dưỡng thanh thế cho Triệu Tông Tích, tất nhiên muốn tìm cơ hội điều ngài ra khỏi kinh thành.

Mạnh Dương trầm giọng:

- Cho nên ngàn vạn lần đừng mắc sai lầm!

- Ừm.

Sắc mặt Triệu Tông Thực trở nên âm trầm, y gật đầu:

- Vậy cứ cáo bệnh ở nhà, thế thì ta không cần lo lắng nữa. Duy chỉ có vụ án sông Nhị Cổ, nếu cứ trì trệ không quyết thì sẽ khiến người ta sốt ruột.

- Giương cung nhưng không bắn, đây chính là chỗ âm hiểm của Hoàng đế.

Mạnh Dương lạnh lùng nói:

- Nếu Vương gia chủ động lui đi, ông ấy sẽ rộng lượng bỏ qua, còn nếu Vương gia không biết điều, nói không chừng ông ta sẽ mượn cớ điều ngài ra khỏi kinh!

- Quả nhiên!

Triệu Tông Thực sa sầm mặt:

- Mấy ngày trước, Kinh Đông lộ Chuyển Vận Sứ Trần Sư Đạo gửi thư kể rằng sau khi Trần Hi Lượng đến kinh, lão ta liền thẩm vấn phạm nhân thêm lần nữa, lại cải trang đi xuống các huyện đến từng hộ hỏi thăm cụ thể chuyện sông Nhị Cổ.

Vụ án sông Nhị Cổ sở dĩ làm lớn như thế, thực ra không chỉ do Hoàng đế ôm mãi không buông, mà còn vì lũ mùa thu năm trước làm vỡ đê để lộ ra hàng đống xương trắng chôn dưới chân đê. Tính sơ qua cũng có hơn hai ngàn bộ xương, triều đình dân chúng ai nấy cũng khiếp sợ! Thành thử vụ án sông Nhị Cổ không thể không tra rõ.

- Trần Hi Lượng đó là một mầm họa, không thể giữ lão lại!

Mạnh Dương cắn răng nói:

- Bảo Trần Sư Đạo nghĩ cách xử lý lão, để cho Trần Tam nếm thử nỗi đau mất cha!

- Nhắc đến Trần Khác...

Triệu Tông Thực sực nhớ ra một chuyện:

- Hàn tướng công đã tra rõ, sở dĩ có nhiều lão bá tính ủng hộ Triệu Tông Tích là vì tờ "Báo bóng đá" rách nát!

- Báo bóng đá?

Tuy Mạnh Dương không thích xem đá bóng nhưng lại biết thứ này.

- Trần Trọng Phương lấy "Báo bóng đá" làm tiếng nói tạo ưu thế cho Triệu Tông Tích.

Triệu Tông Thực nói:

- Triệu Tông Tích một khi có thành tựu ở phía nam thì chắc chắc tờ báo đó sẽ bóng đại, nói Tề vương là thần bảo hộ của Đại Tống, là châm định hải. Dân chúng ngu muội, dĩ nhiên nghe cái gì tin cái đó! Sau đó y kể chuyện ra thành nghênh đón trên báo, hô hào tất cả người dân trong thành ra đón, kết quả có đến cả trăm ngàn người đổ xô ra thành!

- Hả?

Mạnh Dương có phần cả kinh, nói:

- Thủ đoạn của Trần Tam quá tuyệt, có thể dùng cách này để tạo thế cho Triệu Tông Tích, người như vậy mà ta không thể sử dụng quả thực rất đáng tiếc!

- Ta không dùng được thì kẻ khác cũng đừng hòng dùng!

Thấy Mạnh Dương vẫn chưa hiểu được ý mình, Triệu Tông Thực lạnh lùng nói:

- Lần này Trần Tam muốn "tính toán thông minh, nhưng lại gây hại tính mạng của Khanh Khanh"! (*)

(*) Cách nói này xuất phát từ Hồng Lâu Mộng, chỉ nhân vật Vương Hy Phượng vì quá thông minh, chính sự thông minh đó lại hại chết bản thân nàng, vì vậy có câu nói trên.

- Nghĩa là sao?

Mạnh Dương ngạc nhiên hỏi.

- Dân động như khói, quân vương xưa nay kiêng kỵ nhất chính là người có thể dễ dàng xách động dân chúng.

Triệu Tông Thực cười lạnh:

- Hiện tại Trần Trọng Phương chỉ dùng một tờ báo cỏn con đã có thể hiệu triệu cả trăm ngàn người, nếu hắn xách động những người này thì sẽ ra sao!

- Chính xác...

Mạnh Dương gật đầu tán đồng:

- Nếu lợi dụng khéo léo tờ báo này thì có thể cho Trần Tam một bài học.

- Hàn tướng nói hiện nay tên họ Trần đang được thánh sủng, lại là tâm phúc của Triệu Tông Tích, chỉ bằng một tờ báo với mấy câu nói láo thì e là không thể lay động Hoàng thượng.

Triệu Tông Thực hạ giọng:

- Hàn tướng bảo chúng ta nghĩ cách gây ra vài chuyện...

- Ý Vương gia là thi đấu đá bóng?

Mạnh Dương thấp giọng hỏi.

- Ừm.

Triệu Tông Thực gật đầu, nói khẽ:

- Giải đấu mùa xuân sắp khai mạc rồi, tiên sinh nói thử xem chúng ta nên làm cách nào để tặng đại lễ này cho bọn chúng?

- Chắc chắn rất thú vị!

Mạnh Dương vuốt râu cười nham hiểm:

- Đến lúc đó nói chuyện báo bóng đá, cam đoan Trần Tam sẽ không chịu nổi!

Tâm lý của Mạnh tiên sinh rất kì quái, lão không đến mức oán hận Triệu Tông Tích, chỉ xem y là kẻ thù lớn mà thôi, còn mọi oán niệm đều tập trung vào Trần Khác. Phải chăng là vì so sánh bản thân với Trần Khác, lão thấy hắn xuất sắc hơn hẳn so với lão?

Mấy ngày kế tiếp, hai người định đoạt tỉ mỉ từng bước hành động, sau đó một mặt khẩn trương chuẩn bị, một mặt chờ đợi thời cơ.

Không ai cam tâm ngồi chờ chết, dẫu cho thân bại danh liệt cũng muốn liều chết đánh cược một lần. Mây đen dần dần bao phủ thành Biện Kinh, giông tố mưa bão khó mà tránh được...

Đại Tống năm Gia Hựu thứ bảy nhất định sẽ không được thái bình cho lắm.

Trong thành Tề Châu, suối chảy quanh từng nhà, liễu rũ trước từng hộ.

Trời vừa chớm xuân, cành liễu ngả vàng, sóng biếc khẽ gợn, chim yến chao liệng, đẹp tựa phong cảnh Giang Nam!

Dân chúng cởi bỏ lớp áo bông dày, khoác vào mình y phục mùa xuân thanh nhã. Họ rủ rê bằng hữu, tụm năm tụm ba đi ngắm suối đạp thanh, tận hưởng dân gian an lạc.

Trong khi đó nha môn tri châu lại tiêu điều ảm đạm, bởi vì Đông Kinh lộ Đề hình sử Vương Khắc Tồn đã làm việc ở đây được nửa tháng. Với lại gần đây Hiến đài đại nhân cảm thấy khó ở, cứ soi mói sai sót để trách phạt kẻ khác. Tiếng gầm gừ của y vang lên trong phòng Thiêm áp (phòng ký tên) khiến các quan lại dưới trướng khiếp đảm, họ nói chuyện lí nhí, chỉ sợ sẽ chuốc họa vào thân.

Nhưng luôn có một kẻ mù quáng đâm đầu vào xúi quẩy này. Tiếng bước chân gấp gáp truyền đến, một nam tử có bộ dáng như quan viên bước nhanh vào phòng Thiêm áp của Hiến đài đại nhân.

Vương Hiến đài đã từng ở chiến trường Tây Bắc, sau chiến tranh thì nhậm chức Phương lang trung ở bộ Binh, vì đắc tội với một người mà bị điều đến Quế Châu làm tri huyện. Về sau không dễ gì đầu nhập vào phe của Triệu Tông Thực, từ đó y mới trở mình khôi phục, được làm tri châu Tề Châu.

Nhậm chức hai năm thì được nhận công trình sông Nhị Cổ, biết rằng đây là công trình mà ân nhân của mình cáng đáng, Vương tri châu hiển nhiên tận tâm tận lực triệu tập dân phu... Việc này vốn nằm trong chức trách nên không thể chỉ trích gì, nhưng ngờ đâu Triệu Tông Thực vì tham tiến độ mà thi công vượt hạn, kết quả khiến gần một ngàn dân phu chết cóng trên khắp Tề Châu!

Triều Đại Tống luôn trân trọng sức dân, các hạng mục công trình trong trăm năm gần đây chưa từng có nhiều dân phu chết đến như thế. Triệu Tông Thực hoảng lên, khiến Vương Khắc Tồn cũng hoảng theo, bèn gán tội danh trốn việc cho các dân phu đã chết hòng giấu diếm mọi người, thủ tiêu luôn số lượng người chết thực sự!

Đương nhiên, vì tận tâm tận lực, còn mạo hiểm lớn như vậy nên Vương Khắc Tồn được báo đáp hậu hĩnh. Mùa xuân năm ngoái, y được thăng làm Đông Kinh lộ Đề hình sử chưởng quản hình ngục toàn lộ.

*****

Thế nhưng câu nói "trong phúc có họa" của cổ nhân quả không sai. Gia quyến của dân phu tử nạn phản ứng khác thường, họ không hề nhẫn nhục chịu đựng mà kiên quyết cáo trạng lên bề trên khiến y chật vật chống đỡ. Thời may y đã là trưởng quan tư pháp của toàn lộ, liền cho người vây đánh điêu dân trên đường lên kinh dâng cáo trạng, vì vậy ngọn lửa này mới không lan đến thành Biện Kinh.

Ai ngờ sau đó còn phát sinh chuyện lớn hơn... Công trình sông Nhị Cổ vừa hoàn thiện hơn nửa năm lại bị lũ mùa thu phá vỡ đê! Kế đến lại có điêu dân đi đường biển vượt qua tầng tầng các trạm kiểm soát, thuận lợi đến kinh cáo trạng. Hai vụ án đồng thời bùng phát phút chốc xóa sạch hào quang của Triệu Tông Thực, khiến người trực tiếp chấp hành như y phải đứng mũi chịu sào.

Từ lúc triều đình hạ chỉ tra rõ vụ án này, Vương Khắc Tồn trằn trọc ngày đêm, may thay Ngự sử đến tra án là môn hạ của Hàn tướng công nên không khiến y khó coi... Đương nhiên Vương Khắc Tồn cũng tốn hơn mười ngàn lượng bạc mới dỗ no cái bụng của tên Ngự sử. Ngay lúc Vương Hiến đài còn chưa kịp hoàn hồn thì kẻ mới đến nhậm chức tri châu Tề Châu lại khiến y kinh hãi!

Không ngờ đó lại là Trần Hi Lượng – cha của tên oan gia Trần Khác.

Năm ấy Vương Khắc Tồn bị tống ra khỏi kinh thành là vì đắc tội với Trần Khác, ân oán giữa hai người bắt đầu ở trường thi từ kì thi hội vào năm Gia Hựu thứ hai. Khi ấy y là quan kiểm xét, còn Trần Khác là khảo sinh bị vu hại lớn tiếng kêu oan, kết quả hắn bị y hung hăng đánh mười gậy. Nếu là thư sinh yếu đuối bình thường, mười gậy này không đến mức lấy mạng thì cũng đủ để nằm liệt giường một, hai tháng rồi!

Ngờ đâu Trần Khác từ nhỏ đã quen chịu đựng, hứng mười gậy mà vẫn không hề hấn gì, về sau bắt được binh sĩ đã mưu hại mình nên hắn thuận lợi hoàn tất việc thi cử. Vương Khắc Tồn tưởng rằng Trần Khác không hận mình, nào ngờ tên nhóc đó lại tra ra y đã nhận của đút lót của Triệu Tông Huy trước khi thi hội. Tuy chuyện này không có chứng cớ, song cũng không tránh khỏi việc Ngự sử tra xét đến cùng, rốt cuộc hại y bị giáng chức điều đi.

Kỳ thực khi thi hội Vương Khắc Tồn chỉ nhận tiền rồi hành sự thay người khác, mãi đến khi bị Trần Khác tống ra khỏi kinh thành thì y mới hoàn toàn hướng về Triệu Tông Thực. Những năm gần đây y đã trở thành nòng cốt đáng tin cậy của Tông Thực, hiển nhiên sẽ giữ cảnh giác cao độ với Trần Khác – nhân vật trọng yếu của phe Triệu Tông Tích.

Có khi kẻ thù còn hiểu rõ ngươi hơn bằng hữu. Vương Khắc Tồn điều tra tỉ mỉ gia tộc của Trần Khác, biết phụ thân của hắn là nhân vật cực khó dây dưa, thật đúng là muốn lấy mạng y mà! Khâm sai đến tra án một lúc rồi đi nên còn có thể che giấu, nhưng lão họ Trần đó đến làm tri châu, ngày tháng lâu dài, có bí mật nào mà lão không thể phát hiện ra được?

Chỉ có thể áp dụng chiêu binh đến tướng chặn mà thôi. Đợi đến ngày lão đến làm tri châu, Vương đại nhân sẽ bắt đầu bày trận đón địch!

Ai ngờ đợi mãi mà không thấy lão đến Thanh Châu báo danh, Vương Khắc Tồn quả thực không chịu nổi nữa, bèn lấy lý do công cán đích thân chạy đến Tề Châu tìm lão, kết quả chỉ là công cốc. Y hỏi Thông phán ở phủ thượng mới biết sau khi đến nhậm chức, Trần Hi Lượng đã thẩm tra phạm nhân liên can trong thời gian cực ngắn, kế đó liền cải trang vi hành xuống các huyện!

Vương Khắc Tồn vội vàng phái thủ hạ đi tìm lão, không ngờ hành tung của Trần Hi Lượng rất bí mật, qua nửa tháng mới thấy bóng dáng của lão. Thủ hạ lấy thủ lệnh Hiến đài ra yêu cầu lão lập tức về thành Tề Châu, song Trần Hi Lượng lại cự tuyệt. Lý do rất đơn giản, tri châu không chịu sự quản lý của Đề điểm hình ngục ti (cơ cấu tư pháp cấp "lộ" thời Tống)!

- Một đám rác rưởi!

Vương Khắc Tồn hậm hực trách mắng tên thủ hạ kia:

- Lão nói không về thì mặc kệ lão luôn à? Không biết trói gô lão lôi về sao? Ta nuôi đám người các ngươi để làm cái quái gì vậy!

- Đại nhân đã nói lão đường đường là người đứng đầu một châu.

Tên thủ hạ uất ức phân trần:

- Đại nhân không chỉ rõ, chúng tôi nào dám đụng đến lão?

- Sao các ngươi không gạt lão, nói có thánh chỉ đến, lão dám không về sao?

Vương Khắc Tồn biết rõ mình đuối lý, nhưng vẫn mạnh miệng, nghiêm giọng mắng:

- Đúng là đồ ngu xuẩn!

- Phải rồi, sao lúc đó thuộc hạ không nghĩ tới?

Hai mắt tên thủ hạ bừng sáng:

- Thuộc hạ sẽ lập tức đi nói với lão.

- Giờ muộn rồi!

Vương Khắc Tồn tức muốn câm luôn, vừa định nổi cơn thì nghe có tiếng gõ cửa. Y nhướn mày, trầm giọng hỏi:

- Chuyện gì?

- Lão gia, có người từ kinh đến.

Cửa mở ra, quản gia Vương Phúc của y đứng bên ngoài, thấy không có ai liền trực tiếp bẩm báo:

- Thập lục ca đến rồi.

- Hả?

Vương Khắc Tồn kinh ngạc, nói với tên thủ hạ:

- Ta quay về phủ, ngươi thủ sẵn ở đây chờ mệnh lệnh của ta.

- Vâng.

Tên thủ hạ như được đại xá, lập tức đáp ứng.

Vương Khắc Tồn có nhà ở Tề Châu, nó được xây dựng khi y còn làm tri châu. Cuống cuồng về đến nhà, y liền thấy Triệu Tông Hán đang nhàn nhã ngắm hoa ở khách đường.

- Không biết tiểu Vương gia giá đáo, thật thất lễ.

Vương Khắc Tồn vội thi lễ, cung kính nói:

- Thứ tội, thứ tội.

- Đừng nói những lời sáo rỗng đó.

Triệu Tông Hán lắc đầu, cười nói:

- Ngày tháng của lão Vương thật nhàn hạ, chậu Thập bát học sĩ (*) này phải đến mấy trăm lượng bạc?

(*) Thập bát học sĩ: tương truyền đó là một giống trà, mỗi gốc nở mười tám đóa hoa, mỗi đóa đều có hình thái, màu sắc khác nhau, là cực phẩm.

- Tiểu Vương gia thật có mắt nhìn.

Vương Khắc Tồn cười nói:

- Nếu thích thì ngài có thể mang về nhà chưng, xem như là chút tâm ý của hạ quan.

- Bỏ đi, quân tử không đoạt vật yêu thích của người khác.

Triệu Tông Hán lắc đầu nói:

- Với lại ta cũng không phải đến vì Thập bát học sĩ, ta đến vì cha của Trần học sĩ!

- Hạ quan vô dụng.

Dù gì cũng là tâm phúc, Vương Khắc Tồn thản nhiên nói:

- Khiến tiểu Vương gia phải đích thân đến đây.

- Đừng nói nhảm nữa, bàn chính sự đi.

Triệu Tông Hán ngồi xuống, nhấp một ngụm trà nói:

- Trần Hi Lượng tra đến đâu rồi?

- Tiểu Vương gia, thật sự rất nguy hiểm, lão đã tra ra việc có liên can đến chúng ta rồi.

Vương Khắc Tồn cười khổ nói:

- Lão chơi trò cải trang vi hành, khó khăn lắm tôi mới tìm thấy lão, muốn ép lão về, nhưng lão căn bản không để ý đến tôi!

- Sau lưng người ta có Tề vương chống đỡ, hiển nhiên sẽ không coi ngươi ra gì...

Triệu Tông Hán cười lạnh lùng, nói với Vương Khắc Tồn:

- Ngươi nói nên làm thế nào đây?

- Hạ quan xin nghe theo tiểu Vương gia.

Vương Khắc Tồn biết Triệu Tông Hán đến đây, chắc chắn đã có kế hoạch, y hỏi lão chẳng qua chỉ là dẫn đề.

- Còn làm sao nữa? Ta chết ngươi sống thôi.

Triệu Tông Hán rầu rĩ nói:

- Lão muốn mạng của chúng ta, chúng ta chỉ còn cách giết lão!

- Giết thế nào?

Vương Khắc Tồn nuốt nước bọt, run giọng hỏi.

- Đao chém kiếm bổ, chiên nướng xào chưng, cách nào cũng được!

Triệu Tông Hán đay nghiến để lộ hàm răng trắng tinh.

- Hạ quan muốn hỏi lấy cớ gì để giết lão?

Vương Khắc Tồn nhỏ giọng:

- Nói thế nào lão cũng là mệnh quan triều đình, Đề hình ti không thể xử trí.

- Không cần mượn cớ gì hết.

Triệu Tông Hán lạnh lùng nói:

- Chẳng phải lão thích cải trang vi hành đến nơi sơn dã sao? Từ xưa Sơn Đông nổi tiếng là đất của đám cướp đường, lão đến những nơi đó nhiều thì sẽ gặp trộm cướp thôi. Thổ phỉ giết cẩu quan, lẽ nào còn cần lý do!

- Không cần...

Vương Khắc Tồn lắc đầu nói.

- Vậy còn do dự gì nữa?

Triệu Tông Hán trầm trọng:

- Ta dẫn theo hơn một trăm thủ hạ giỏi đến, ngươi phái người dẫn đường đi!

- Vẫn phải nghĩ một cách làm thỏa đáng.

Vương Khắc Tồn cẩn thận nói:

- Các huyện của Tề Châu có rặng núi bao quanh, không cẩn thận để lão chạy vào trong núi, dù có một ngàn người cũng không bắt được!

- Ngươi cứ nghĩ cách.

Triệu Tông Hán gật đầu:

- Đây chính là nước cờ cuối cùng, làm không tốt thì ngươi tự thắt cổ đi.

- ...

Vương Khắc Tồn giật thót tim, một lúc sau mới gật đầu.

Trấn Ban Loan của huyện Bình Âm cách châu thành một trăm bốn mươi dặm là một tòa trấn lớn có lịch sử mấy trăm năm. Tuy đây không phải là nơi đường xá thông suốt, song lại chi chít những hiệu buôn, hàng hóa tấp nập, dân chúng các vùng lân cận đều đến đây buôn bán.

Vào giữa trưa có một khách thương trung niên cưỡi lừa đi vào trấn từ phía nam, đồng hành còn có một người trẻ tuổi cao lớn hừng hực hào khí, đó chính là Trần Tháo Trần Lục Lang!

Trần Tháo tựa vào bao đồ căng phồng sau lưng, một tay dắt lừa, một tay giữ cây côn. Trông thấy cờ hiệu tửu lầu phấp phới, y mừng rỡ reo lên:

- Hôm nay có thể no nê một bữa rồi!

- Đừng ở lại trong trấn.

Người trung niên dĩ nhiên là Trần Hi Lượng, lão lắc đầu nói:

- Mua lương khô rồi thì nhanh chóng rời đi!

- Cha, cha là người ăn no không hiểu kẻ chết đói, cưỡi ngựa không hiểu nỗi mệt nhọc của người đi bộ.

Trần Tháo lầm bầm:

- Lần này theo cha đến nơi sơn dã cả ngày, toàn ăn lương khô, miệng con cũng muốn khô theo luôn!

Trần Hi Lượng đau lòng, áy náy nói:

- Vậy tìm chỗ trọ đi.

- Không cần đâu.

Trần Tháo nói:

- Phụ thân không muốn thu hút sự chú ý của người trong trấn, con sao có thể không hiểu chuyện? Tùy tiện ăn một chút rồi đi liền.

- Khổ thân con ta.

Trần Hi Lượng vui vẻ cười nói:

- Kiên trì thêm mấy ngày nữa, sau đó chúng ta liền về Tề Châu.

- Dạ.

Hai cha con bàn xong liền đi vào trấn, đúng lúc đó chợt nghe thấy tiếng chiêng kêu "keng keng keng", mọi người đều nháo nhào nhìn về hướng phát ra tiếng vang.


Đấu Thần Tuyệt Thế

Hồi (1-355)


<