Vay nóng Tinvay

Truyện:Thiên Long bát bộ - Hồi 30



Thiên Long bát bộ
Trọn bộ 99 hồi
Hồi 30: Hạnh tử lâm trung thương lược bình sinh nghĩa (2)
5.00
(2 lượt)


Hồi (1-99)

Siêu sale Lazada

Ai hay trăm sự đảo điên, Một tay chèo chống oan khiên cũng đành.

Dẫu cho người đã phụ mình, Tròn câu nghĩa khí giữ tình anh em.

***

-Kiều Phong, viên sáp truyền tin là quân tình đại sự, ngươi không được coi.

Mọi người đều giật mình kinh hãi, nhìn lại thấy người đó đầu râu tóc bạc, mặc một chiếc áo rách nát, là một người ăn mày đã thật già. Truyền Công, Chấp Pháp hai vị trưởng lão cùng đứng lên nói:

-Có chuyện gì mà Từ trưởng lão phải đại giá quang lâm?

Quần cái thấy Từ trưởng lão đến ai nấy đều kinh động. Vị Từ trưởng lão này ở trong Cái Bang bối phận cực cao, năm nay đã tám mươi bảy tuổi, Uông bang chủ tiền nhiệm vẫn tôn xưng là sư bá, trong Cái Bang ai ai cũng đều là hậu bối của ông ta. Ông ta qui ẩn đã lâu, xưa nay không màng đến thế sự. Kiều Phong và Truyền Công, Chấp Pháp các trưởng lão hàng năm đến thăm hỏi cũng chĩ nói chuyện thông thường trong bang. Không ngờ giờ phút nào ông lại đến đây, ngăn Kiều Phong không cho đọc quân tình nước Tây Hạ khiến mọi người ai nấy đều ngạc nhiên.

Kiều Phong lập tức nắm chặt tay giữ tờ giấy lại, khom lưng thi lễ nói:

-Từ trưởng lão khỏe chứ?

Nói xong ông mở tay ra đưa tờ giấy đến trước mặt Từ trưởng lão. Kiều Phong là bang chủ Cái Bang, bối phận tuy có thấp hơn Từ trưởng lão nhưng khi gặp đại sự trong bang thì vẫn phải do ông ta ra lệnh, không nói gì Từ trưởng lão chỉ là một tiền bối đã thoái ẩn, dẫu có những vị bang chủ đời trước phục sinh thì địa vị cũng vẫn phải ở dưới. Ngờ đâu Từ trưởng lão không cho Kiều Phong đọc quân tình nước Tây Hạ, ông ta không kháng cự chút nào mọi người đều thật kinh ngạc.

Từ trưởng lão nói:

-Xin lỗi nhé.

Ông cầm ngay tờ giấy trong tay Kiều Phong, nắm chặt trong tay, kế đó đưa mắt nhìn khắp lượt những người trong Cái Bang, dõng dạc nói:

-Di sương của Mã Đại Nguyên Mã huynh đệ là Mã phu nhân sẽ tới ngay để trần thuyết cùng tất cả quí vị, xin mọi người đợi bà ta một lát có được không nào?

Mọi người đưa mắt nhìn Kiều Phong xem ông ta xử trí ra sao. Kiều Phong bụng đầy nghi hoặc nói:

-Nếu như việc này có liên quan trọng đại thì mọi người có đợi một chút cũng không sao.

Từ trưởng lão đáp:

-Việc này có liên quan trọng đại.

Ông nhắc lại mấy chữ đó mà không giải thích như thế nào, chỉ quay sang thi lễ với Kiều Phong tham kiến bang chủ rồi ngồi nhích sang một bên. Đoàn Dự thừa cơ tán gẫu với Vương Ngữ Yên mấy câu ghé tai nàng nói nhỏ:

-Vương cô nương, chuyện trong Cái Bang thật là rắc rối, chẳng hay mình tránh ra một bên hay đứng ở đây xem thế nào?

Vương Ngữ Yên chau mày đáp:

-Mình là người ngoài đúng ra chẳng nên nghe chuyện cơ mật đại sự của người ta. Có điều... có điều... chuyện tranh chấp của họ có liên quan đến biểu ca của tôi nên tôi muốn nghe xem thế nào.

Đoàn Dự liền phụ họa:

-Đúng đó. Vị Mã phó bang chủ này cứ như họ nói là bị biểu ca cô giết chết, để lại một người vợ góa không nơi nương tựa, xem ra thật đáng thương.

Vương Ngữ Yên vội đáp:

-Không, không đâu! Mã phó bang chủ không phải do biểu ca tôi giết, Kiều bang chủ đã chẳng nói rồi là gì?

Ngay lúc đó lại có tiếng vó ngựa vang lên, hai người cưỡi ngựa chạy đến khu rừng hạnh. Người của Cái Bang tụ hội nơi đây, bên đường hẳn để những ký hiệu, chung quanh cũng có người tiếp dẫn chặn đường phòng địch nhân đến tấn công.

Ai cũng tưởng một trong hai người đó phải là quả phụ Mã Đại Nguyên, nào ngờ người ngồi trên lưng ngựa lại là một ông già và một bà lão. Người đàn ông thân thể nhỏ bé còn người đàn bà thì lại cao to, hai bên chênh lệch thật tức cười. Kiều Phong vội đứng lên nói:

-Hiền kháng lệ Đàm công, Đàm bà ở Xung Tiêu Động, Thái Hàng Sơn giá lâm Kiều Phong này không ra xa nghinh đón, xin tạ lỗi nơi đây.

Từ trưởng lão và Truyền Công, Chấp Pháp các trưởng lão khác cũng vội vàng đứng lên thi lễ. Đoàn Dự thấy cảnh tượng đó đoán chừng Đàm công, Đàm bà phải là những nhân vật có tiếng tăm trong võ lâm. Đàm bà nói:

-Kiều bang chủ, trên vai ông có đeo mấy món gì thế này?

Bà ta vươn tay ra nhổ luôn bốn chiếc dao ra, thủ pháp thật là nhanh nhẹn. Bà ta vừa rút dao ra, Đàm công liền thò tay vào túi lấy ra một cái hộp nhỏ, mở nắp thò ngón tay quệt chút thuốc cao, trét lên vai Kiều Phong. Kim sang vừa đồ lên máu tại vết thương đang chảy ra như suối liền ngừng lại. Thủ pháp rút đao của Đàm bà nhanh nhẹn hiếm có trên đời nhưng cũng chỉ là một môn võ công, còn như Đàm công lấy hộp ra, mở nắp, quệt thuốc, trét cao, cầm máu những động tác đó thật nhịp nhàng, tuy nhanh thật đấy nhưng ai nấy đều nhìn thấy rõ ràng chẳng khác gì người làm ảo thuật.

Thuốc cầm máu thần hiệu thật khó mà tưởng tượng nổi, bôi đến đâu máu ngừng chảy tới đó không phải làm đến lần thứ hai. Kiều Phong thấy Đàm công, Đàm bà không hỏi đầu đuôi câu chuyện đã giúp mình nhổ dao trị thương, tuy có vẻ hơi đường đột nhưng quả là cảm kích, miệng nói cám ơn thấy đầu vai ngứa ngáy chỉ giây lát đau nhức đã giảm rất nhiều. Kim sang đó linh nghiệm chưa từng thấy qua mà cũng chưa bao giờ nghe tiếng đến. Đàm bà lại hỏi:

-Kiều bang chủ, trên đời này có kẻ nào lớn mật đám lấy dao đâm ông thế?

Kiều Phong cười đáp:

-Ấy là tôi tự mình đâm mình.

Đàm bà ngạc nhiên:

-Sao lại tự mình đâm mình? Bộ hết chuyện làm rồi hay sao?

Kiều Phong mỉm cười đáp:

-Tôi tự đâm cho vui, cái vai này da dày thịt chắc không chạm tới gân cốt.

Tống Hề Trần Ngô bốn trưởng lão thấy Kiều Phong cố ý dấu chuyện cho mình, vừa hổ thẹn lại vừa cảm kích. Đàm bà cười ha hả nói:

-Ngươi lại nói xạo chăng? Ta biết rồi, gã này rắn mắt lắm, nghe nói Đàm công mới có được hàn ngọc miền cực bắc lẫn huyền băng thiềm thừ chế tạo được thuốc chữa thương thật linh nghiệm nên muốn thử cho biết chớ gì?

Kiều Phong không cãi lại chỉ mỉm cười, nghĩ thầm: " Lão bà bà này thật là xởi lởi, trên đời này có ai ở không tự mình đâm mình mấy dao để xem thuốc có linh nghiệm hay không".

Lại nghe tiếng lộp cộp, một con lừa chạy vào trong rừng, trên lưng là một người ngồi xoay đầu ngược lại, mặt hướng về phía đuôi. Đàm bà thấy y liền cười toét miệng gọi lớn:

-Sư ca, anh lại làm trò quái đản gì nữa đây? Tiểu muội phải đét đít anh mới được.

Người ngồi trên lưng lừa thân hình rút lại thành một cục chẳng khác gì một đứa bé bảy tám tuổi, Đàm bà giơ tay vỗ vào mông y, người đó liền rơi ngay xuống đất, đột nhiên vươn vai, duỗi chân tay biến thành một người cao lớn khiến ai nấy đều kinh ngạc. Đàm công mặt mày ra vẻ không vui, hừ một tiếng liếc xéo y một cái nói:

-Ta tưởng ai hóa ra là ngươi.

Nói xong quay lại nhìn Đàm bà. Người cưỡi lừa ngược kia bảo xấu thì cũng chẳng xấu mà bảo đẹp thì cũng chẳng đẹp, bảo già thì cũng chẳng già, mà bảo rằng trẻ thì cũng chẳng trẻ, trong khoảng từ ba mươi đến sáu mươi. Người đó đờ đẫn nhìn Đàm bà, thần sắc cực kỳ đắm đuối, dịu dàng hỏi:

-Tiểu Quyên, hổm rày nàng có được khỏe không?

Đàm bà thân thể dềnh dàng, tóc trắng như sương, mặt mũi nhăn nheo vậy mà gọi là "Tiểu Quyên" nghe thật yểu điệu, người với tên thật không xứng chút nào, ai nấy nghe thấy thật tức cười. Thế nhưng bà lão nào đã chẳng qua thời son trẻ, khi còn là một thiếu nữ gọi Tiểu Quyên, đến lúc già có ai gọi Lão Quyên bao giờ? Đoàn Dự còn đang ngẫm nghĩ lại nghe tiếng vó ngựa lộp cộp thêm mấy người nữa cưỡi ngựa chạy đến nhưng lần này không có vẻ gì gấp rút.

Kiều Phong còn đang đánh giá người khách cưỡi lừa, đoán không được y thuộc hạng người nào. Y là sư huynh của Đàm bà, ngồi trên lưng lừa tỏ chút công phu Xúc Cốt Công cao minh như thế ắt không phải là người tầm thường nhưng có điều trước nay ông không hề nghe nói đến tên y.

Trong những người khách vừa cưỡi ngựa chạy đến, đi đầu là năm thanh niên, người nào cũng mày rậm mắt to, mặt mũi hao hao giống nhau, lớn tuổi nhất chừng ngoài ba mươi còn trẻ nhất cũng phải ngoài đôi mươi hiển nhiên là anh em cùng một mẹ. Ngô Trường Phong lớn tiếng nói:

-Thái Sơn ngũ hùng đã đến đây, hay lắm, hay lắm! Chẳng hay ngọn gió lành nào thổi năm vị cùng đến một lượt thế này?

Người thứ ba trong Thái Sơn ngũ hùng là Đơn Thúc Sơn quen biết rất thân với Ngô Trường Phong liền trả lời:

-Ngô tứ thúc khỏe chứ? Cha cháu cũng sắp đến rồi.

Ngô Trường Phong mặt hơi biến sắc ấp úng hỏi:

-Thật sao? Cha cháu...

Ông ta vi phạm bang qui, trong bụng vẫn đang thấp thỏm nghe nói Thiết Diện Phán Quan đất Thái Sơn Đơn Chính đột nhiên tới đây không khỏi chột dạ. Thiết Diện Phán Quan Đơn Chính bình sinh ghét kẻ ác như kẻ thù, chỉ cần nghe trên giang hồ có chuyện gì bất hợp công đạo là ra tay can thiệp ngay. Bản thân ông ta võ công cực kỳ cao siêu, ngoài năm đứa con ruột ra lại còn rất đông học trò, đồ tử đồ tôn phải đến hơn hai trăm, cái tiếng Thái Sơn Đơn Gia trong võ lâm ai nghe thấy cũng phải e ngại ba phần.

Ngay lúc đó một con ngựa từ ngoài chạy vào rừng, Thái Sơn ngũ hùng cùng tiến lên giữ lấy đầu ngựa, một người mặc trường bào bằng gấm nhẹ nhàng nhảy xuống, quay sang phía Kiều Phong chắp tay nói:

-Kiều bang chủ, Đơn Chính này không được mời mà tự tiện đến, quả là làm phiền quí vị.

Kiều Phong đã từng nghe tên Đơn Chính đã lâu, bây giờ mới có dịp gặp, thấy ông ta mặt mũi phương phi, có thể nói là "đồng nhan hạc phát", thần thái thật là khiêm hòa không như giang hồ vẫn truyền tụng là ra tay không nể nang ai. Ông bèn ôm quyền đáp lễ nói:

-Nếu biết Đơn lão tiền bối đại giá quang lâm, họ Kiều đã sớm ra ngoài nghinh tiếp rồi.

Người khác cưỡi lừa đột nhiên cao giọng quái lạ nói:

-Chu choa, Thiết Diện Phán Quan đến thì kẻ đón người đưa, còn Thiết Thí Cổ Phán Quan đến thì chẳng có ma nào ngó tới.

Mọi người nghe y nói Thiết Thí Cổ Phán Quan cái danh hiệu kỳ quặc như thế, ai nấy bật cười ha hả. Vương Ngữ Yên, A Châu, A Bích ba nàng tuy biết rằng cười là bất nhã nhưng cũng phải mủm mỉm cười. Thái Sơn ngũ hùng nghe gã này nói thế biết y có ý khích bác phụ thân ai nấy đều sầm mặt xuống. Có điều nhà họ Đơn gia giáo nghiêm minh, Đơn Chính chưa nói, các con không ai dám mở lời.

Đơn Chính công phu hàm dưỡng rất cao, nhất thời chưa biết được lai lịch người này thế nào, giả vờ như không nghe thấy chỉ sang sảng nói:

-Xin mời Mã phu nhân bước ra nói chuyện.

Một chiếc kiệu do hai hán tử khỏe mạnh từ trong rừng cây tiến ra nhanh như bay, đến giữa phu đất liền hạ xuống, vén rèm lên. Một thiếu phụ mặt đồ toàn trắng từ trong kiệu khoan thai bước ra. Người đàn bà đó cúi đầu, quay sang Kiều Phong lạy phục xuống nói:

-Vị vong nhân Ôn thị nhà họ Mã, tham kiến bang chủ.

Kiều Phong đáp lại một lễ nói:

-Xin chào tẩu tẩu, không dám.

Mã phu nhân nói:

-Tiên phu chẳng may qua đời, may được bang chủ và các vị bá bá thúc thúc lo liệu tang ma, kẻ sống thừa này nguyện ghi lòng tạc dạ.

Giọng nói của bà ta thật trong trẻo dễ nghe, xem ra tuổi còn trẻ lắm, có điều trước sau vẫn cúi gầm mặt xuống nên không ai nhìn rõ dung mạo ra sao. Kiều Phong cho rằng Mã phu nhân đã tìm ra chuyện gì hết sức trọng đại liên quan đến cái chết của chồng nên mới đích thân tới đây, nhưng chuyện trong bang sao không bẩm trước cho bang chủ, lại đi tìm Từ trưởng lão và Thiết Diện Phán Quan chủ trì ắt hẳn bên trong có điều gì hết sức kỳ lạ nên quay lại đưa mắt nhìn Chấp Pháp trưởng lão, cũng vừa lúc Bạch Thế Kính nhìn ông ta, hai người ánh mắt đầy vẻ hoang mang.

Kiều Phong đành phải tiếp khách từ ngoài đến trước rồi chuyện nội bộ sẽ tính sau nên nói với Đơn Chính:

-Đơn lão tiến bối, đây là Đàm thị kháng lệ của động Xung Tiêu, núi Thái Hàng, không biết hai bên đã quen biết nhau chưa?

Đơn Chính ôm quyền nói:

-Đã từ lâu nghe đến uy danh của hiền kháng lệ, nay may mắn được gặp.

Kiều Phong nói:

-Đàm lão gia tử, xin ông giới thiệu cho được biết vị tiền bối này để khỏi thất lễ.

Đàm công chưa kịp trả lời, người khách cưởi lừa đã cướp lời:

-Ta họ Song, tên Oai, ngoại hiệu là Thiết Thí Cổ Phán Quan.

Thiết Diện Phán Quan Đơn Chính tuy công phu hàm dưỡng cao thật, đến nước này cơn giận vẫn bùng lên nghĩ thầm: "Ta họ Đơn, ngươi lại bảo ngươi họ Song. Ta tên Chính, ngươi lại bảo ngươi tên Oai, thế có khác gì cố tình gây sự với mình?".

Ông ta đang định nổi nóng thì đã nghe Đàm bà nói:

-Đơn lão gia tử, xin ông đừng nghe Triệu Tiền Tôn nói năng tầm xàm, gã này điên điên khùng khùng đừng có coi là thiệt.

Kiều Phong nghĩ thầm: "Người này tên là Triệu Tiền Tôn ư? Xem ra không phải tên thật rồi". Ông bèn nói:

-Tất cả quí vị, nơi đây không có ghế ngồi vậy xin tùy tiện ngồi xuống đất.

Đợi cho mọi người phân biệt yên chỗ rồi ông mới nói tiếp:

-Chỉ trong một ngày mà gặp được các vị tiền bối cao nhân, quả thật vinh hạnh xiết bao. Không biết quí vị giá lâm có điều gì dạy bảo?

Đơn Chính đáp:

-Kiều bang chủ, quí phái là đại bang số một trên giang hồ, mấy trăm năm qua hiệp danh đã vang dậy trong thiên hạ, võ lâm mỗi khi nhắc đến hai chữ Cái Bang có ai mà không mười phần kính trọng, Đơn mỗ từ xưa tới nay lúc nào cũng thật tôn vinh.

Kiều Phong đáp:

-Không dám.

Triệu Tiền Tôn tiếp lời:

-Kiều bang chủ, quí phái là đại bang số một trên giang hồ, mấy trăm năm qua hiệp danh đã vang dậy trong thiên hạ, võ lâm mỗi khi nhắc đến hai chữ Cái Bang có ai mà không mười phần kính trọng, Song mỗ từ xưa tới nay lúc nào cũng thật tôn vinh.

Câu nói của y nhắc lại lời Đơn Chính từng chữ một, chỉ đổi một chữ Đơn thành chữ Song. Kiều Phong biết những tiền bối cao nhân trong võ lâm nhiều người tính tình thật là quái dị, gã Triệu Tiền Tôn này cứ châm chọc Đơn Chính mãi, không hiểu vì cớ gì, mình chẳng nên đắc tội với bên nào thành thử cũng chỉ chắp tay nói:

-Không dám.

Đơn Chính mỉm cười, quay sang nói với đưa con trai cả là Đơn Bá Sơn:

-Bá Sơn, những chuyện tới đây con nói cho Kiều bang chủ hay. Người ngoài muốn học con ta thì phải học cho chu đáo.

Mọi người nghe qua không khỏi cười ồ lên, nghĩ bụng Thiết Diện Phán Quan nói như thế quả thực hết sức thâm trầm, Triệu Tiền Tôn nếu như lại nhại lời Đơn Bá Sơn thì có khác gì học làm con ông ta. Ngờ đâu Triệu Tiền Tôn lại cũng nói:

-Bá Sơn, những chuyện tới đây con nói cho Kiều bang chủ hay. Người ngoài muốn học con ta thì phải học cho chu đáo.

Y nói thế lại đâm ra chơi trèo Đơn Chính một lần nữa, tự coi là cha của Đơn Bá Sơn. Đứa con út của Đơn Chính là Đơn Tiểu Sơn tính tình nóng nảy liền cất tiếng chửi ngay:

-Con mẹ ngươi, bộ mi hết chuyện làm, không muốn sống nữa hay sao?

Triệu Tiền Tôn lẩm bẩm nói một mình:

-Con mẹ nó chứ, cái thứ con chết tiệt này, đẻ bốn đứa đã là quá, còn thêm đứa thứ năm làm gì. Ha ha, dám chừng không phải con ruột mình đâu.

Nghe y công nhiên khiêu khích mình, Đơn Chính dù con giun xéo lắm cũng quằn bèn quay sang nói với Triệu Tiền Tôn:

-Chúng mình là khách của Cái Bang, nếu như hơn thua với nhau có khác nào không nể mặt chủ nhân, đợi mọi việc xong xuôi rồi sẽ xin được thỉnh giáo cao chiêu của các hạ. Bá Sơn, ngươi cứ việc nói đi.

Triệu Tiền Tôn lại nhại lại:

-Chúng mình là khách của Cái Bang, nếu như hơn thua với nhau có khác nào không nể mặt chủ nhân, đợi mọi việc xong xuôi rồi sẽ xin được thỉnh giáo cao chiêu của các hạ. Bá Sơn, ông đã bảo ngươi nói, ngươi cứ việc nói đi.

Đơn Bá Sơn hận không thể xông lên rút đao chém cho y mấy nhát mới hả giận, cố nén nộ khí nói với Kiều Phong:

-Kiều bang chủ, chuyện của quí bang, cha con chúng tôi đáng ra không nên can dự vào, nhưng cha tôi đã nói là: Quân tử ái nhân dĩ đức...

Y nói tới đây, đưa mắt nhìn Triệu Tiền Tôn xem y có lập lại hay không, nếu như cố nhại thể nào cũng nói" "Cha tôi đã dạy: Quân tử ái nhân dĩ đức" thì có khác gì gọi Đơn Chính bằng gia gia.

Ngờ đâu Triệu Tiền Tôn cũng nhắc lại:

-Kiều bang chủ, chuyện của quí bang, cha con chúng tôi đáng ra không nên can dự vào, nhưng con tôi đã nói là: Quân tử ái nhân dĩ đức...

Y đổi chữ "cha tôi" thành ra "con tôi" hóa ra lại chiếm phần hơn so với Đơn Chính. Mọi người nghe thế ai nấy đều chau mày, xem ra gã Triệu Tiền Tôn này đã đi quá đà e rằng không tránh khỏi một cuộc đổ máu. Đơn Chính thản nhiên nói:

-Các hạ nhất định phải gây chuyện với Đơn mỗ cho bằng được, tuy nhiên huynh đệ với các hạ chưa hề quen biết nhau, không biết đắc tội với các hạ ở chỗ nào xin được nói rõ cho nghe. Nếu quả như huynh đệ có điều sai quấy, lập tức sẽ xin lỗi các hạ ngay.

Mọi người đều khen thầm Đơn Chính, không hổ là bậc tiền bối đã nổi danh đất Trung Nguyên. Triệu Tiền Tôn đáp:

-Ngươi không đắc tội với ta nhưng đã đắc tội với Tiểu Quyên, như thế còn gấp mười đắc tội với ta nữa.

Đơn Chính ngạc nhiên hỏi lại:

-Tiểu Quyên là ai? Ta đắc tội với bà ta hồi nào?

Triệu Tiền Tôn chỉ vào Đàm bà nói:

-Vị này là Tiểu Quyên đây. Tiểu Quyên là khuê danh của nàng, trong thiên hạ ngoài ta ra không ai được gọi như thế, nghe chưa?

Đơn Chính nghe vừa bực mình, vừa tức cười nói:

-Thì ra đó là khuê danh của Đàm bà bà, tại hạ không biết nên mạo muội xưng hô, mong được thứ lỗi.

Triệu Tiền Tôn làm ra vẻ kẻ cả đáp:

-Không biết thì không có tội, sơ phạm tha cho, lần sau không được thế nữa.

Đơn Chính nói:

-Tại hạ từng ngưỡng một uy danh Đàm thị kháng lệ ở động Xung Tiêu, núi Thái Hàng đã lâu, nhưng vô duyên gặp gỡ nhưng tự xét chưa từng ở sau lưng nói đụng đến ai, sao lại có chuyện đắc tội với bà bà nhà họ Đàm?

Triệu Tiền Tôn hầm hầm đáp:

-Ta vừa mới mở miệng hỏi Tiểu Quyên: "Hổm rày nàng có được khỏe không?", nàng chưa trả lời thì năm thằng cốt đột của nhà ngươi đã làm bộ làm tịch, hùng hùng hổ hổ đi vô ngắt lời, cho tới giờ này cũng chưa trả lời cho ta hay. Đơn lão huynh, ngươi thử hỏi xem Tiểu Quyên là hạng người nào? Triệu Tiền Tôn Lý, Chu Ngô Trịnh Vương này là hạng người nào? Đâu phải bọn ta đang nói chuyện rồi ai cũng vô đây quấy rầy được?

Đơn Chính nghe thấy y nói mấy câu tưởng như thông mà không thông đó, nghĩ thầm người này đầu óc quả là không bình thường bèn đáp:

-Huynh đệ có một chuyện chưa rõ ràng, xin được thỉnh giáo.

Triệu Tiền Tôn đáp:

-Chuyện chi đây? Nếu như ta cao hứng chỉ cho ngươi tỏ tường thì cũng không hề chi.

Đơn Chính nói:

-Đa tạ! Các hạ bảo là khuê danh của Đàm bà trên đời này chỉ một mình các hạ được gọi đến, có phải không nào?

Triệu Tiền Tôn đáp:

-Chính thế. Nếu ngươi không tin, thử gọi thêm một tiếng nữa xem cái thằng Triệu Tiền Tôn Lý, Chu Ngô Trịnh Vương, Phùng Trần Chử Vệ, Tưởng Thẩm Hàn Dương này có xông lên đánh cho ngươi một trận không?

Đơn Chính đáp:

-Huynh đệ dĩ nhiên không dám gọi, nhưng không lẽ cả đến Đàm công cũng không dám gọi hay sao?

Triệu Tiền Tôn mặt mày tái nhợt, chết sững một hồi, ai nấy nghĩ rằng câu hỏi ngoắt ngoéo đó khiến y không trả lời được. Ngờ đâu đột nhiên Triệu Tiền Tôn khóc òa lên, nước mắt ràn rụa thật là thương tâm.

Chuyện xảy ra thật ngoài dự liệu của mọi người, con người trời không sợ, đất không sợ, dám cùng Thiết Diện Phán Quan gây chuyện cho tới nơi không ngờ chỉ vì một câu nói nhẹ nhàng lại khóc rống lên không sao cầm được nước mắt.

Đơn Chính thấy y khóc thật thống thiết nên nổi lòng từ tâm, lúc đầu trong bụng chứa đầy lửa giận, lúc này lại nguội lạnh bèn an ủi:

-Triệu huynh, quả thật huynh đệ không ra gì...

Triệu Tiền Tôn nghẹn ngào nức nở:

-Ta không phải họ Triệu.

Đơn Chính lại càng ngạc nhiên hỏi lại:

-Thế thì các hạ họ gì?

Triệu Tiền Tôn đáp:

-Ta không có họ, đừng hỏi nữa.

Mọi người đoán chừng Triệu Tiền Tôn phải có chuyện gì cực kỳ đau lòng nhưng thực sự thế nào nếu như y không nói ra, người ngoài không tiện hỏi thêm nên đành để y sụt sùi nức nở khóc cho hả lòng. Đàm bà sầm mặt xuống nói:

-Anh lại phát khùng rồi, trước mặt các vị bằng hữu không sợ mất mặt hay sao?

Triệu Tiền Tôn đáp:

-Nàng bỏ ta đi lấy lão chết tiệt Đàm công, lòng ta không rầu, không đau sao được? Lòng ta tan nát rồi, ruột đã đứt đoạn rồi, cái mặt bề ngoài kia có còn gì mà mất hay không mất?

Mọi người nhìn nhau mỉm cười, thì ra chuyện chẳng có gì gọi là ly kỳ cả, ai cũng biết ngay là trước đây Triệu Tiền Tôn và Đàm bà có một đoạn tình sử, về sau Đàm bà lại đi lấy Đàm công khiến cho Triệu Tiền Tôn đau lòng đến nỗi tên tuổi củng chẳng còn cần đến, ngơ ngẩn điên điên rồ rồ. Nhìn lại vợ chồng họ Đàm ai nấy cũng trên sáu mươi cả rồi vậy mà Triệu Tiền Tôn kia tình vẫn sâu đậm, mấy chục năm qua vẫn tơ tưởng không thôi?

Đàm bà mặt đã nhăn nheo, tóc trắng xóa, không ai hiểu được tại sao bà lão cao to này lúc còn trẻ có điểm nào khiến người ta phải động lòng mà Triệu Tiền Tôn đến già vẫn còn lưu luyến. Đàm bà vẻ mặt ngượng ngập nói:

-Sao sư ca còn đề cập đến chuyện cũ làm chi? Chuyện Cái Bang muốn bàn bạc hôm nay là chuyện đàng hoàng chính đáng, sư ca ngồi yên nghe là hơn.

Mấy câu khuyên bảo vừa giận dỗi vừa nhỏ nhẹ kia, Triệu Tiền Tôn nghe rất vừa lòng bèn nói:

-Vậy sư muội cười với ta một chút coi, ta mới nghe lời nàng.

Đàm bà chưa kịp cười, người ngoài đã có lắm người cười ồ lên. Bà lão dường như chẳng ai coi vào đâu, quay lại nhìn y nhoẻn một nụ cười, Triệu Tiền Tôn đờ đẫn trông theo, nhìn vẻ mặt cũng biết là thần tình mê mẩn, hồn vía lên mây rồi. Đàm công ngồi một bên mặt hầm hầm giận dữ nhưng không biết làm sao hơn.

Cái cảnh đó Đoàn Dự nhìn thấy bất giác kinh hãi: "Ba người này ai nấy tình cảm sâu xa như vậy, coi thế nhân chẳng vào đâu, còn ta... ta đối với Vương cô nương mai đây cũng giống như Triệu Tiền Tôn hay sao? Không! Không! Đàm bà kia đối với sư ca hiển nhiên còn có chút tình ý, Vương cô nương canh cánh không quên là biểu ca nàng Mộ Dung công tử. So với Triệu Tiền Tôn ta thật chẳng thể nào bằng, không sao bì kịp được".

Còn Kiều Phong thì lại suy nghĩ vào một chiều khác: "Gã Triệu Tiền Tôn này quả nhiên không phải họ Triệu. Trước nay ta vẫn nghe Đàm công, Đàm bà của Xung Tiêu động, Thái Hàng sơn là đích truyền tuyệt kỹ của phái Thái Hàng, thế nhưng khi nghe ba người này nói chuyện, dường như họ không cùng sư môn. Thế thì Đàm công là người của phái Thái Hàng? Hay Đàm bà mới là người của phái Thái Hàng? Nếu Đàm công là phái Thái Hàng thì Triệu Tiền Tôn và sư muội Đàm bà là người của phái nào?".

Lại nghe Triệu Tiền Tôn nói:

-Nghe nói Cô Tô Mộ Dung Phục có cái trò "dĩ bỉ chi đạo hoàn thi bỉ thân" lớn mật làm càn, loạn sát người vô tội. Lão tử muốn gặp y một chuyến xem tên tiểu tử này có tài cán gì mà "đập lưng ông" tên Triệu Tiền Tôn Lý, Chu Ngô Trịnh Vương này? Tiểu Quyên, nàng gọi ta đến Giang Nam, ta dĩ nhiên là phải đi rồi, huống hồ...

Triệu Tiền Tôn còn đang nói dở bỗng nghe có tiếng người khóc hu hu cực kỳ thảm thiết, tiếng khóc giống hệt y mới rồi. Mọi người nghe thấy ai nấy đều ngạc nhiên nghe thấy người kia vừa khóc vừa kể lể:

-Sư muội yêu quí của ta ơi, lão tử có chỗ nào không phải với nàng đâu? Sao lại bỏ ta đi lấy cái lão họ Đàm làm gì? Lão tử ngày nhớ đêm mong, ruột vò chín khúc lúc nào cũng nhớ Tiểu Quyên sư muội. Nhớ hồi sư phụ còn tại thế, đối với mình chẳng khác con cái trong nhà, nàng không lấy ta chẳng phụ lòng sư phụ hay sao?

Tiếng nói đó so với giọng của Triệu Tiền Tôn, thanh âm ngữ điệu giống hệt không khác chút nào, nếu mọi người không thấy y há hốc mồm, đầy vẻ ngạc nhiên thì ai cũng tưởng chính miệng y nói ra. Mọi người theo thanh âm mà tìm thì thấy đó là một cô gái mặc áo dài màu hồng nhạt.

Người con gái đó xoay lưng lại, chính là A Châu. Đoàn Dự, A Bích và Vương Ngữ Yên vốn đã biết tài mô phỏng ngôn ngữ và dáng điệu người khác không sai một mảy nên không lấy gì làm lạ lùng, những người khác không ai không lấy là kỳ lạ, lại thêm hoạt kê, tưởng rằng Triệu Tiền Tôn nghe xong thể nào cũng nổi giận đùng đùng.

Ngờ đâu mấy lời của A Châu lại chạm đến nỗi niềm sâu kín của y, y vốn đã ngừng khóc rồi, lúc này mắt lại đỏ hoe, miệng méo xệch, cùng với A Châu kẻ xướng người họa hai bên cùng giọt vắn giọt dài.

Đơn Chính lắc đầu, dõng dạc nói:

-Đơn mỗ tuy họ Đơn nhưng lại một vợ, bốn nàng hầu, con cháu đầy nhà. Còn vị Song Oai Song huynh kia, rõ là chăn đơn gối chiếc, vò võ một thân. Chuyện lỡ làng từ thuở xa xưa hôm nay lại đem ra nói nữa, e rằng đến khuya cũng chưa hết. Song huynh, chúng ta được Từ trưởng lão của Cái Bang và Mã phu nhân mời đến Giang Nam, để bàn về chuyện hôn nhân đại sự của các hạ chăng?

Triệu Tiền Tôn lắc đầu:

-Không phải.

Đơn Chính nói:

-Thế thì chúng ta đến đây để bàn chuyện đại sự của Cái Bang, đó mới là chuyện chính đáng.

Triệu Tiền Tôn bỗng nổi giận đùng đùng:

-Cái gì? Chuyện của Cái Bang mới là chuyện chính đáng, còn chuyện của ta với Tiểu Quyên không phải là chuyện chính đáng hay sao?

Đàm công nghe tới đây không còn nhịn nổi nữa liền nói:

-A Tuệ, nếu nàng không ngăn y lại để khỏi nói chuyện điên điên rồ rồ thì ta không để yên đâu.

Mọi người nghe thấy hai chữ "A Tuệ" đều nghĩ thầm: "Thì ra Đàm bà cũng có cái tên riêng, còn Tiểu Quyên chỉ một mình Triệu Tiền Tôn dùng để gọi mà thôi". Đàm bà dậm chân hậm hực nói:

-Anh ấy có gì đâu mà bảo là điên rồ, ông hại người ta ra nông nỗi đó thế mới thỏa lòng hay sao?

Đàm công ngạc nhiên hỏi lại:

-Ta... ta... có làm gì đâu mà bảo là hại y?

Đàm bà đáp:

-Ta lấy cái lão già vô tích sự như ông khiến sư ca phải buồn lòng...

Đàm công cãi:

-Khi bà lấy tôi, tôi đâu có vô tích sự, cũng đâu đã già.

Đàm bà nổi giận nói:

-Nói mà không biết xấu, bộ ông tưởng hồi đó ông đẹp trai lịch sự lắm đó hả?

Từ trưởng lão và Đơn Chính nhìn nhau lắc đầu, nghĩ thầm ba người này đều là những người có danh vọng, tiền bối kỳ túc trong võ lâm, vậy mà trước mặt mọi người tranh cãi về chuyện tình năm xưa, quả thật nực cười.

Từ trưởng lão đằng hắng một tiếng nòi:

-Cha con Đơn huynh ở Thái Sơn, vợ chồng họ Đàm ở Thái Hàng Sơn cùng các vị huynh đài, hôm nay nhủ lòng đến đây, tệ bang trên dưới ai nấy đều thật là nở mày nở mặt. Mã phu nhân, xin bà nói lại từ đầu cho mọi người nghe.

Vị Mã phu nhân kia vốn chỉ đứng cúi đầu xuôi tay ở một bên, quay lưng về phía mọi người nghe thấy Từ trưởng lão nói thế, chậm rãi xoay lại nhỏ nhẹ nói:

-Tiên phu bất hạnh qua đời, tiểu nữ chỉ biết trách mình số mệnh long đong, tiếc cho tiên phu không để lại chút con cái gì để khói hương nhà họ Mã...

Giọng bà ta tuy nhỏ nhưng thật thanh tao, từng chữ lọt vào tai khiến người nghe thật mủi lòng. Nói tới đây dường như đã xúc động, trong giọng nói có chiều nghẹn ngào. Trong khu rừng hạnh vô số anh hào ai nấy thật xót xa trong dạ. Cũng một tiếng khóc mà Triệu Tiền Tôn làm cho mọi người bật cười, A Châu làm cho người ta kinh ngạc, còn Mã phu nhân khiến mọi người cay đắng. Lại nghe bà ta tiếp tục:

-Sau khi tiểu nữ lo liệu ma chay cho tiên phu rồi mới kiểm soát lại các di vật, ở nơi cất giữ quyền kinh tìm thấy một phong thư dùng xi gắn chặt. Trên bao thư có viết:

Nếu như ta thọ chung chính tẩm, phong thư này lập tức đốt ngay, nếu mở ra xem ấy là hủy hoại thân xác ta, khiến cho ta ở nơi cửu tuyền không an ổn. Còn như nếu ta chết bất đắc kỳ tử, phong thư này phải giao ngay cho các trưởng lão trong bản bang cùng đọc, việc có liên quan trọng đại, không được sơ xuất.

Mã phu nhân nói đến đây trong khu rừng đều im phăng phắc, đến một chiếc kim rơi xuống đất cũng nghe. Bà ta ngừng lại một chút rồi nói tiếp:

-Thiếp thấy tiên phu viết trịnh trong như thế, biết là việc thật trọng đại nên lập tức muốn xin gặp bang chủ để trình di thư lên, cũng may bang chủ đang cùng các trưởng lão đến Giang Nam để báo thù cho tiên phu, nếu không ắt chẳng thấy được lá thư này.

Mọi người nghe thấy bà ta nói có chiều khác thường, sao lại "cũng may" rồi lại "nếu không" nên cùng quay sang nhìn Kiều Phong dò hỏi. Kiều Phong từ chiều tối tới giờ thấy sự tình mọi việc có một âm mưu cực kỳ quan trọng để đối phó với mình, tuy Toàn Quan Thanh và bốn trưởng lão nổi loạn đã bình định được, nhưng sự việc không vì thế mà kết thúc, bây giờ nghe Mã phu nhân nói lại thấy nhẹ nhõm hơn, thần sác thản nhiên nghĩ thầm: "Bọn họ có âm mưu gì cứ nói ra cho xong. Kiều mỗ bình sinh không hề làm điều gì sai quấy, dù cho vu hãm thế nào họ Kiều này có sợ gì?".

Lại nghe Mã phu nhân tiếp tục:

-Thiếp biết lá thư này có liên hệ trọng đại đến bản bang, bang chủ và các trưởng lão không có ở Lạc Dương, thiếp sợ lỡ việc nên lập tức đến Trịnh Châu cầu kiến Từ trưởng lão trình lá thư lên để nhờ lão nhân gia lo liệu. Chuyện về sau thế nào xin Từ trưởng lão cáo tri cho các vị đây nghe.

Từ trưởng lão ho khúc khắc mấy tiếng nói:

-Việc này ân ân oán oán, lão hủ thấy quả là khó nói.

Mấy câu đó thanh âm trầm buồn, xem ra có chiều u uất. Ông ta chậm rãi cởi một chiếc bao vải trên lưng xuống, mở ra lấy ra một cái bao bằng giấy dầu, lại từ bên trong bao lấy ra một phong thư nói:

-Đây là di thư của Mã Đại Nguyên. Ông tổ của Đại Nguyên cho chí ông nội, rồi tới cha y mấy đời đều là người trong Cái Bang, nếu không phải trưởng lão thì cũng là đệ tử tám túi. Ta biết Đại Nguyên từ bé, bút tích của y ta nhận ra được dễ dàng, nét chữ trên bao thư này đích xác là do Đại Nguyên viết. Khi Mã phu nhân giao cho ta phong thư, vết khằn trên bao thư vẫn còn nguyên vẹn, chưa ai đụng tới. Ta cũng lo rằng lỡ mất đại sự, không đợi tụ tập đủ các trưởng lão lập tức mở ra xem. Khi ta mở bao thư thì có Thiết Diện Phán Quan đất Thái Sơn cũng đang ở đó, có thể làm chứng việc này.

Đơn Chính nói:

-Quả đúng vậy, lúc đó tại hạ quả đang ở Trịnh Châu làm khách ở nhà Từ lão, chính mắt nhìn thấy ông ta mở lá thư ra xem.

Từ trưởng lão mở chiếc phong bì lấy ra một tờ giấy nói:

-Ta vừa xem lá thư này, thấy nét chữ cho chí kình lực không phải là của Đại Nguyên nên hơi kinh ngạc thấy hàng người nhận đề là: Kiếm Nhiêm ngô huynh lại càng kỳ quái. Quí vị cũng đã biết, Kiếm Nhiêm là biệt hiệu của tiền nhiệm bản bang Uông bang chủ, nếu không phải là người giao tình rất hậu với ông ta thì không dám xưng hô như thế. Uông bang chủ qua đời đã lâu, sao lại còn có ai viết thư cho ông nữa đây? Ta không xem trong thư viết gì, vội giở đoạn cuối xem người ký tên, vừa đọc đến lại càng kinh ngạc hơn nữa. Lúc đó ta buột miệng "Ồ" lên một tiếng nói: "Thì ra là ông ta!". Đơn huynh nổi dạ hiếu kỳ thò đầu tới xem cũng kinh ngạc kêu lên: "Ồ, hóa ra là y!".

Đơn Chính gật đầu, ý nói lúc đó quả là như vậy. Triệu Tiền Tôn chen vào:

-Đơn lão huynh làm thế là trật rồi. Đó là thư tín cơ mật của Cái Bang, ông đâu có phải đệ tử một túi, hai túi gì trong bang, đến cả một tên ăn mày hạng bét giỡn rắn kiếm cơm ăn cũng chưa phải, lẽ đâu lại đi dòm trộm chuyện riêng tư của người ta?

Ai cũng tưởng y điên điên khùng khùng nhưng câu này quả hợp tình hợp lý. Đơn Chính mặt hơi đỏ lên nói:

-Ta chỉ nhìn thự danh dưới lá thư chứ không nhìn bên trong lá thư viết gì.

Triệu Tiền Tôn nói:

-Ông lấy một nghìn lạng vàng thì là ăn cắp dĩ nhiên rồi, nhưng có lấy một xu teng thì cũng vẫn là ăn cắp, tiền nhiều ít khác nhau, nên có ăn cắp lớn ăn cắp nhỏ. Thế nhưng ăn cắp lớn cũng là trộm mà ăn cắp vặt thì cũng là trộm. Xem trộm thư của người ta thì không phải là quân tử, mà không là quân tử thì phải là tiểu nhơn, là đồ hèn mạt xấu xa đáng chết lắm.

Đơn Chính giơ tay xua xua mấy đứa con, ý nói không được vọng động, để mặc cho ông ta nói năng lăng nhăng, để rồi giải quyết sau, tuy trong bụng hết sức tức tối nhưng cũng tự hỏi: "Gã này vừa gặp mình là đã tìm đủ cách để gây chuyện, không lẽ y có thù oán cũ gì với mình chăng? Không coi Thái Sơn Đơn gia vào đâu trên giang hồ cũng chẳng mấy người sao ta nghĩ mãi chẳng ra nhỉ?"

Mọi người đang chờ Từ trưởng lão nói tên người thự danh dưới lá thư xem đó là hạng người nào mà khiến cho ông ta và Đơn Chính phải kinh ngạc, lại thấy Triệu Tiền Tôn lèm bèm, quấy phá mãi không thôi nên không ít người hầm hầm nhìn y. Đàm bà bỗng nói:

-Các ngươi nhìn gì? Sư ca ta nói câu nào câu nấy đều trúng phóc.

Triệu Tiền Tôn thấy Đàm bà lên tiếng bênh mình, thật như mở cờ trong bụng nói:

-Các ngươi xem đó, đến Tiểu Quyên cũng còn nói thế thì còn làm sao mà trật được? Tiểu Quyên nói gì, làm gì xưa nay không bao giờ sai.

Bỗng dưng một giọng nói y hệt cất lên:

-Đúng đó, Tiểu Quyên nói gì, làm gì không bao giờ sai. Bà ta lấy Đàm công, không lấy ngươi, thì đâu có trật được.

Người nói chính là A Châu. Nàng bực mình khi thấy Triệu Tiền Tôn buông lời khinh miệt Mộ Dung công tử nên cũng đốp chát lại y. Triệu Tiền Tôn nghe nói vậy nụ cười bỗng tắt ngấm, A Châu đúng là lấy giáo ông đâm khiên ông, dùng đúng ngay thủ pháp "dĩ bỉ chi đạo hoàn thi bỉ thân" của nhà Mộ Dung để đối lại.

Lập tức có hai ánh mắt nhìn nàng cực kỳ thắm thiết, bên trái là của Đàm công, bên phải là của Đơn Chính. Ngay lúc đó bỗng có bóng ngươi thấp thoáng, Đàm bà đã phóng đến ngay chỗ A Châu, giơ tay tát một cái vào má nàng, quát lên:

-Ta lấy chồng đúng hay sai, có liên quan gì đến con tiểu a đầu này?

Bà ta ra tay cực nhanh, A Châu vừa toan né tránh nhưng không kịp, người ngoài cũng không cách nào cứu viện. Chỉ nghe bốp một tiếng nhỏ, trên đôi má trắng trẻo của A Châu đã hằn năm vết ngón tay thâm tím. Triệu Tiền Tôn cười sằng sặc nói:

-Dạy cho con tiểu a đầu một bài học cho mi hết xía miệng vô chuyện người khác.

A Châu nước mắt chạy quanh đang toan òa lên khóc, Đàm công đã bước tới, lấy trong túi ra một chiếc hộp ngọc trắng nhỏ, mở nắp ra quệt chút cao trong đó vươn tay ra xoa luôn lên má A Châu một lớp mỏng. Đàm bà đánh nàng một cái tát, thủ pháp cực kỳ nhanh nhẹn, nhưng bất quá cũng chỉ vung tay ra rồi rụt tay về, còn Đàm công thoa thuốc lên mặt, bao nhiêu động tác phiền phức vậy mà cũng nhanh không khác gì Đàm bà, khiến cho A Châu không kịp tránh ra thì thuốc đã bôi lên mặt rồi. Nàng còn đang ngạc nhiên, thấy khuôn mặt vừa đau vừa rát, đang sưng húp đột nhiên thấy mát rượi khoan khoái, bàn tay trái lại có thêm vật gì đó, mở ra coi, thấy đó là một cái hộp ngọc bóng loáng, biết là Đàm công tặng cho mình loại diệu dược trị thương linh nghiệm nên đang khóc cũng bật cười.

Từ trưởng lão không màng đến việc Đàm bà đang dằn vặt Đàm công, hạ thấp giọng nói tiếp:

-Các vị huynh đệ, người viết lá thư đó là ai, lúc này ta chưa tiện nói ra. Từ mỗ ở trong Cái Bang hơn bảy mươi năm, ba mươi năm sau này thoái ẩn sơn lâm, không còn xông pha giang hồ nữa, chẳng tranh chấp với ai, cũng không gây thù chuốc oán. Ta sống trên đời cũng đã nhiều, không con cái, không học trò tự thấy mình không có gì tư tâm. Ta nói mấy câu đây, liệu các vị có tin nổi không nào?

Quần cái đồng thanh đáp:

-Lời của Từ trưởng lão còn không tin thì biết tin ai?

Từ trưởng lão quay sang nói với Kiều Phong:

-Ý bang chủ thế nào?

Kiều Phong đáp:

-Kiều mỗ đối với Từ trưởng lão vốn dĩ kính trọng, tiền bối hẳn đã biết rồi.

Từ trưởng lão nói:

-Ta xem lá thư đó xong rồi, suy nghĩ thật lâu, trong bụng nghi vấn không minh bạch, chỉ sợ có gì sai sót nên đưa lá thư cho Đơn huynh xem. Đơn huynh với người viết thư trước nay giao hảo nhận ra ngay bút tích của y. Việc này quá ư quan trọng nên ta phải nhờ Đơn huynh kiểm chứng thực hư thế nào.

Đơn Chính trừng mắt nhìn Triệu Tiền Tôn ý như muốn bảo: "Ngươi còn gì để nói nữa thôi?". Triệu Tiền Tôn nói:

-Từ trưởng lão đưa cho ngươi coi, ngươi coi là được rồi. Thế nhưng lần đầu ngươi coi là coi lén. Cũng chẳng khác gì một người trước kia là kẻ cắp, về sau ăn nên làm ra không đi ăn cắp nữa nhưng dẫu y có là tài chủ cũng không rửa sạch cái gốc tích ăn cắp đã xuất thân.

Từ trưởng lão không thèm lý đến Triệu Tiền Tôn quấy hôi bôi nhọ, nói tiếp:

-Đơn huynh, nhờ ông nói cho mọi người biết phong thư đó là chân hay giả?

Đơn Chính đáp:

-Tại hạ và người viết thư giao thiệp lâu năm, trong nhà còn giữ nhiều lá thư của người đó nên lập tức cùng Từ trưởng lão và Mã phu nhân đến tệ xá lấy những lá thư cũ ra so, tự tích quả nhiên giống hệt, ngay cả giấy hoa tiên và phong bì cũng một thứ với nhau quả là thứ thật không còn ngờ gì nữa.

Từ trưởng lão nói:

-Lão hủ sống thêm vài năm nên việc này lại càng phải dè dặt, huống chi có liên quan đến khí vận hưng suy của bản bang, lại liên quan đến tính mạng danh dự của một vị anh hùng hào kiệt, đâu có thể mạo muội làm càn?

Mọi người nghe ông ta nói thế, ai nấy đưa mắt nhìn Kiều Phong, biết ngay người "anh hùng hào kiệt" mà ông ta ám chỉ chính là Kiều bang chủ. Thế nhưng không một ai dám chạm vào ánh mắt ông ta, vừa nhìn trộm một cái lập tức cúi đầu xuống. Từ trưởng lão nói tiếp:

-Lão hủ biết Đàm thị kháng lệ của Thái Hàng Sơn với người viết thư cũng có uyên nguyên nên đến Xung Tiêu Động thỉnh giáo vợ chồng họ Đàm. Đàm công, Đàm bà liền đem mọi chuyện nguyên ủy bên trong rành rọt kể cho tôi nghe, ôi, tại hạ thực không dám nói thẳng, đau thương biết bao, xót xa biết bao.

Bấy giờ mọi người mới rõ chính Từ trưởng lão mời vợ chồng Đàm công, Đàm bà và Đơn Chính tới Cái Bang là để làm chứng cho mình. Từ trưởng lão lại tiếp:

-Đàm bà lại bảo rằng bà có một vị sư huynh việc này chính mắt trông thấy, nếu mời được ông ta chính miệng kể ra thì lại càng rõ ràng hơn, sư huynh của bà ấy chính là Triệu Tiền Tôn tiên sinh đây. Vị này tính tình không giống người khác, ai mời cũng không chịu đi. Thế nhưng Đàm bà rất có uy tín thành thử khi thư vừa gửi tới vị tiên sinh đó đã nhận lời tới ngay...

Đàm công đột nhiên đầy vẻ giận dữ, quay sang Đàm bà hỏi:

-Cái gì? Bà gọi y tới đấy ư? Sao không nói cho ta biết trước mà lại lén lút thậm thọt gì với nhau?

Đàm bà nổi sùng lên:

-Cái gì mà bảo lén lút thậm thọt? Tôi viết lá thư nhờ Từ trưởng lão sai người đưa tới là việc quang minh chính đại. Ông tính hay ghen sằng, biết được lại ầm cửa ầm nhà nên tôi mới không cho ông hay.

Đàm công nói:

-Làm mà không cho chồng biết vậy là không giữ đạo xướng tùy, biết không?

Đàm bà không nói thêm, vung tay tát bốp một cái ngay mặt chồng. Đàm công võ công rõ ràng cao hơn vợ nhiều nhưng bà ta đánh ra lại không đỡ gạt, cũng chẳng né tránh, cứ để yên cho bà ta đánh một chưởng, thò tay vào túi lấy ra một cái hộp nhỏ, quệt chút cao xoa lên mặt lập tức mặt bớt sưng liền. Người đánh đã nhanh, người chữa lại còn nhanh hơn, chỉ có thế hai người liền hết giận, người ngoài trông thấy ai cũng nực cười.

Chỉ nghe Triệu Tiền Tôn thở dài một tiếng, thanh âm thật là ai oán bi thương nói:

-Thì ra là thế, thì ra là thế! Ôi, nếu ta sớm biết ngay từ đầu để nàng đánh mấy cái thì có gì là khó đâu?

Trong giọng nói đầy vẻ nuối tiếc. Đàm bà buồn bã nói:

-Hồi đó tôi đánh anh một cái, thể nào anh cũng phải đánh lại cho bằng được mới thôi, chẳng bao giờ chịu nhường lấy một chút.

Triệu Tiền Tôn ngẩn người đứng chết sững xuất thần nhớ lại năm xưa, cô tiểu sư muội tính tính nóng nảy, hay hờn dỗi, hơi một tí là đánh ngay, mỗi khi mình vô duyên vô cố bị nàng đánh không thể nào nhịn được lại tranh cãi với nhau thành ra mối lương duyên đành bỏ lỡ. Bây giờ trông thấy Đàm công chịu ép một bề, bị đánh không hoàn thủ mới chợt hiểu ra, trong lòng đau đớn không chịu nổi, mấy chục năm qua trách móc tiểu sư muội bỏ mình đi theo người khác tưởng phải nguyên do trọng đại, biết đâu đối phương chỉ có một phép "chịu đánh không đánh trả" mà thôi. Ôi, nếu như khi đó ta bảo nàng đánh thêm mấy cái thì chắc nàng không chịu đâu.

Từ trưởng lão nói:

-Triệu Tiền Tôn tiên sinh, xin ông nói ra trước mặt mọi người, việc viết trong lá thư kia là thật hay là giả?

Triệu Tiền Tôn lẩm bẩm nói một mình:

-Ta đúng là một thằng ngốc, sao lúc đó lại không nghĩ ra? Học võ là để đánh người khác, đánh kẻ ác, đánh kẻ hèn hạ tiểu nhân, lẽ đâu lại đi đánh người mình yêu, đánh người trong mộng? Đánh là vì tình, chửi là vì yêu, vài cái tát có gì quan trọng đâu?

Mọi người thấy ông ta si tình cũng đáng thương nhưng ai nấy thật tức cười, vậy mà ông ta vẫn chẳng coi chuyện đại sự Cái Bang đang cần phải giải quyết vào đâu. Từ trưởng lão mời ông từ xa ngàn dặm đến làm chứng bây giờ thấy người này si mê ngơ ngẩn, nói ra không biết có thể tin nổi hay không.

Từ trưởng lão hỏi thêm lần nữa:

-Triệu Tiền Tôn tiên sinh, chúng tôi mời ông tới đây là để nhờ ông nói chuyện trong bức thư.

Triệu Tiền Tôn đáp:

-Đúng rồi, đúng rồi. Ồ, ông hỏi ta chuyện trong lá thư ư? Lá thư đó tuy ngắn thật nhưng đầy tình ý triền miên:

Bốn mươi năm về trước, Nghiên bút hai mái đầu.

Chung đường quyền ngọn kiếm, Tưởng như vừa bên nhau.

Gió thoảng thương người cũ, Giờ đây tóc điểm sương.

Phong tư còn như cũ?

Nét cười ai còn vương?

Từ trưởng lão hỏi là hỏi lá thư của Mã Đại Nguyên để lại, y lại đọc thuộc lòng lá thư Đàm bà gửi cho ông ta. Từ trưởng lão không biết làm sao hơn, quay sang Đàm bà nói:

-Đàm phu nhân, nhờ bà bảo ông ta nói đi thôi.

Ngờ đâu Đàm bà thấy Triệu Tiền Tôn đem một lá thư bình thường của mình ra đọc trơn như cháo chảy dủ biết trong cơn mơ ông ta đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, hết sức cảm động dịu dàng nói:

-Sư ca, anh nói lại khi đó tình hình như thế nào?

Triệu Tiền Tôn đáp:

-Tình cảnh lúc đó ư? Mọi chuyện ta nhớ như in vào óc. Sư muội tết hai bím tóc, mỗi bên buộc một sợi dây điều, hôm đó sư phụ dạy chúng mình chiêu Thâu Long Chuyển Phượng...

Đàm bà chầm chậm lắc đầu nói:

-Sư ca, không phải nói chuyện chúng mình thuở trước. Từ trưởng lão hỏi anh, năm xưa huyết chiến ở Loạn Thạch Cốc ngoài Nhạn Môn Quan chính sư ca có tham dự, tình hình lúc đó như thế nào, anh nói cho mọi người nghe.

Triệu Tiền Tôn run run nói:

-Ngoài Nhạn Môn Quan ư? Nơi Loạn Thạch Cốc... ta... ta...

Nói tới đó vẻ mặt hốt hoảng, y quay người chạy vụt về hướng tây nam nơi không có người, thân pháp cực kỳ nhanh nhẹn. Nếu như y chạy vào trong rừng rồi thật khó mà đuổi kịp, mọi người cùng kêu lên:

-Này, đừng chạy, mau quay lại!

Triệu Tiền Tôn nào có nghe, lại càng ra sức chạy cho nhanh. Đột nhiên có tiếng người dõng dạc nói:

Sư huynh xa từ lâu, Mái tóc đà ngả màu.

Phong tư không bằng cũ, Nụ cười nay còn đâu?

Triệu Tiền Tôn lập tức đứng lại, quay đầu hỏi:

-Ai nói đó?

Người kia nói tiếp:

-Nếu không thẹn vì thân tàn ma dại sao gặp Đàm công lại phải co giò bỏ chạy?

Mọi người nhìn vào người đang nói thì ra đó là Toàn Quan Thanh. Triệu Tiền Tôn bực tức đáp:

-Cái gì mà bảo thẹn vì thân tàn ma dại? Y chỉ bất quá có công phu "chịu đánh không đánh trả" mà thôi chứ có gì hơn ta đâu?

Đột nhiên từ bên kia khu rừng hạnh có tiếng người già nua trả lời:

-Biết chịu đánh không đánh trả đó là công phu số một trong thiên hạ rồi, đâu phải dễ dàng gì?

Chú thích:

7 Vợ chồng, tiếng dùng văn vẻ 8 tóc đã bạc nhưng mặt mũi còn trẻ 9 Thiết Diện là mặt sắt, Thiết Thí Cổ là đít sắt 10 vị vong là người chưa chết, ý nói đáng lẽ phải tuẫn tiết theo chồng nay có sống cũng là thừa. Chữ dùng khiêm cung kiểu cách của người đời xưa.

11 Đơn là một, Song là hai. Chính là thẳng, Oai là cong vạy.

12 Người Tàu có một bài tứ tự dài gọi là Bách Gia Tính (trăm họ) ghi lại những họ thông dụng nhất ở Trung Hoa mở đầu bằng Triệu Tiền Tôn Lý, Chu Ngô Trịnh Vương.... Lấy tên là Triệu Tiền Tôn cũng không khác gì người mình bảo tên tôi là Nguyễn Lê Trần, không phải tên thật.

13 Đoạn đầu trong Bách Gia Tính


Đấu Thần Tuyệt Thế

Hồi (1-99)


<