Truyện Tiên Hiệp

Truyện:Thanh triều ngoại sử 2 - Hồi 086

Thanh triều ngoại sử 2
Trọn bộ 125 hồi
Hồi 086: Võ lâm tái xuất thiếc đầu công (hạ)
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-125)

Nói tiếp trận đánh của Cửu Dương và Ngao Bái.   Cả hai đều biết đối phương không phải hạng tầm thường nên dốc toàn sức lực giao chiến.  Chim chóc làm tổ trên những tàn cây gần nơi hai người đang đánh nghe chưởng pháp giao kích sợ hãi vỗ cánh bay rào rào, kêu lên ríu rít.  Xa xa, tiếng vượn hú từng hồi vẳng lại phá tan khung cảnh núi rừng tịch mịch.

Tuyệt kỹ đao pháp của Ngao Bái có tên Song Hắc Phong đao, nhưng Ngao Bái không sử dụng ngay, chỉ cầm đơn đao loang loáng chém ra.  Cây đao dài và nặng trong tay Ngao Bái lao vun vút về phía Cửu Dương, ngoài tốc độ nhanh như gió cuốn, sức mạnh phát ra cũng tưởng chừng có tới ngàn cân lượng.  

Nửa canh giờ trôi qua, hai người hãy còn kịch chiến rất quyết liệt, nhưng chưa người nào chiếm được thượng phong.  Cả hai qua lại thêm mấy trăm chiêu.  Ngao Bái vừa đánh vừa nhủ bụng, chỉ cần gã cầm cự thêm một khắc nữa, lúc đó bóng tối hoàn toàn bao phủ khắp nơi, gã sẽ chiếm ưu thế.  Vì trong bóng tối không nhìn thấy y phục dạ hành nên thân pháp của địch thủ gã sẽ càng lúc càng yếu dần lại, không còn linh hoạt thần tốc như ban đầu.  Như vậy, chẳng cần bọn huyết trích tử đến cùng gã tạo thành rối thế hợp kích, mà chỉ với một mình gã sử tuyệt kỹ đao pháp cũng đủ thanh trừ tên "bạch y tiểu tử."  

Ngao Bái nghĩ vậy, càng đánh càng lui sâu vào trong rừng.  Từ bìa rừng, Cửu Dương cũng dần dần bám sát theo Ngao Bái.

Đúng như những gì Ngao Bái nghĩ, khi hai người đánh thêm mấy trăm chiêu, Cửu Dương từ thế chủ động trở thành bị động.  Bởi lúc này là cuối giờ Dậu, bóng đêm bao trùm cả rừng tre, mà Ngao Bái lại mặc y phục màu đen, thêm vào thanh hắc đao trong tay, tứ bề lá cây che phủ nên Cửu Dương càng đánh càng không nhìn thấy hình bóng và thanh đao Ngao Bái đâu hết.

Cửu Dương liên tiếp gặp nguy hiểm, phải mở to mắt để tìm nhưng bộ pháp của Ngao Bái cũng rất nhanh.  Cửu Dương chưa kịp nhìn thấy Ngao Bái đứng nơi đâu, thì Ngao Bái đã nhảy lên khỏi tầm nhìn của Cửu Dương mười trượng.  

Trước mặt Cửu Dương chỉ là một vùng đen tối, chàng cảm giác như đang lạc vào một thế giới chết, tứ bề không nhìn thấy chi cả, hoàn toàn trống trải, không tìm ra phương hướng.  

Ngao Bái đang dùng hai chân bám vào một thân tre và chúi ngược đầu xuống như một con dơi.  Ở trên cao, Ngao Bái lợi dụng bóng đêm, bắt đầu sử tuyệt kỹ đao pháp.  Trước tiên, Ngao Bái tách thanh đơn đao ra thành hai cây đao, xoay cổ tay lấy thế, ném song đao vào người Cửu Dương. 

Vù, vù.  Hai cây đao xoay mòng mòng, như hai cái bánh xe gió bay tới tập kích bả vai Cửu Dương.  Cửu Dương hoàn toàn không nhìn thấy đường đi nước bước trong rừng nên không thể nào lách người tránh né.  Soạt!  Cửu Dương bị một "bánh xe gió" chém trúng bả vai bên phải, còn đang giật mình, thì "bánh xe gió" khác tiếp tục chém một lằn xéo vào bả vai bên trái. 

Cửu Dương đã từng đọc qua binh khí phổ, thấy trong đó Lộ Thần có nhắc tới đao pháp Song Hắc Phong đao.  Nhưng từ lúc chàng nhìn thấy Ngao Bái, Cửu Dương chỉ thấy trong tay Ngao Bái cầm thanh đơn đao, không hề thấy cây đao thứ hai, thì ra thanh đơn đao đó có thể tách ra làm hai cây đao mỏng.  Trong đầu Cửu Dương âm thầm than khổ không ngớt, vì chỉ bằng đơn đao, võ công của Ngao Bái đã đạt tới cảnh giới xuất quỷ nhập thần rồi, Cửu Dương còn chưa biết cách khắc chế thế nào thì giờ thêm một cây đao...  

Sau khi hai "bánh xe gió" đánh trúng mục tiêu, dội ngược về tay Ngao Bái.  Bằng động tác hết sức gọn gàng và thuần thục, Ngao Bái đón đôi cán đao rồi một lần nữa lại tiếp tục phóng cặp "bánh xe gió" lao đi.  

Lần này thật là tinh diệu, "bánh xe gió" thứ nhất bay đi trước lại hóa đến sau, còn cái ném ra sau lại tới trước.

Đây là chiêu cuối cùng cũng là chiêu lợi hại nhất trong đao pháp Song Hắc Phong đao.  Vì khi "bánh xe gió" thứ nhất còn cách xa mục tiêu khoảng chừng bảy, tám thước, thì "bánh xe gió" ấy đột ngột chìm xuống, để một làn gió khác ở một khía cạnh khác hướng tới mục tiêu bằng tốc độ mãnh liệt.

Ngao Bái xuất chiêu thức mà mấy chục năm trước đã làm nên danh tiếng gã trong giang hồ xong khoanh tay nhếch miệng cười khinh miệt, trong lòng chắc mẩm lần này địch thủ gã phải bỏ mạng.

Hai bên bả vai Cửu Dương chảy máu ròng ròng, nhưng chàng là truyền nhân chính tông của Võ Thánh, nên Cửu Dương chỉ bối rối một thoáng, sau đó lấy lại bình tĩnh.  Cửu Dương bèn dùng La Hán Công để đoán biết vị trí hai thanh hắc đao.  

La Hán Công là công pháp nội trạng chuyên luyện xúc giác và thính giác của Thiếu Lâm, khẩu quyết tâm thần bất loạn, đầu óc yên tịnh như đang thiền vì yếu chỉ công phu Thiếu Lâm chính là thiền võ hợp nhất, mọi tạp niệm đều được xóa bỏ, như thế giới tự nhiên bên ngoài, thường gọi là tu tâm dưỡng tính.  Công pháp La Hán Công chính là thông qua sự quán chú của tai để nghe tiếng gió và dùng da để cảm giác đòn thế di chuyển của đối phương. Trong cơ thể con người có rất nhiều giác quan, mà xúc giác và thính giác là quan trọng nhất trong số các giác quan, như một người không có đèn trong đêm tối vẫn có thể xác định được đồ vật cụ thể.  Cảm giác giữa kẻ địch và ta không khoảng cách, dĩ bất biến ứng vạn biến.  Chỉ có như thế mới có thể hòa mình vào cảnh vật thiên nhiên như năm xưa đại sư Giác Viễn đang luyện bài Mê Tông La Hán Quyền thì ngoài sân chùa những cánh hoa mai rụng lả tả dưới gió.  Giác Viễn đã nhập hồn vào cảnh sắc ấy, tuy chân vẫn bước theo bộ vị nhưng tâm hồn hòa vào những cánh hoa đang bay lượn. Mỗi động tác tay như một cánh hoa rơi uyển chuyển, Giác Viễn cũng chính là người khám phá ra sự ảo diệu của các thế võ mà hình thành nên bài Ngũ Lộ Mai Hoa Quyền nổi tiếng của Thiếu Lâm.

Cửu Dương khép mắt, để cho đầu óc và thân mình chàng đạt đến cảnh giới toàn thể trống không, hư lãnh đỉnh khinh, như Giác Viễn đã từng, thì đúng lúc này hai thanh đao cũng vừa bay tới nơi.  

Cửu Dương định hướng được đường bay của cặp khí giới, nghe được từ hướng nào hai thanh đao phát ra hai luồng gió mạnh kêu rít lên trong không khí.  

Khi một thanh đao phóng tới tập kích vùng ngực, Cửu Dương ngã người ra sau để "bánh xe gió" bay sạt qua ngực.  Rồi chàng bật người nhảy lên cao một trượng dang rộng hai chân để "bánh xe gió" thứ hai không chém trúng đôi chân.  

Ầm, ầm!  Hai tiếng đinh tai nhức óc vang lên giữa rừng tre u tĩnh.  Hai thanh đao trượt mất đích đến, va vào hai tảng đá lớn sau lưng Cửu Dương rồi biến mất trong lòng đất.

Ngao Bái bị mất khí giới, ánh mắt hiển lộ tia hoảng hốt.  

Cửu Dương không nhìn thấy mặt mày Ngao Bái cũng biết thần tình kẻ địch vô cùng rối ren, bèn tiếp tục dùng La Hán Công tìm vị trí Ngao Bái đang bám trên thân tre. 

Một lần nữa Lan Hán Công được thi triển hữu hiệu, Cửu Dương phát hiện nơi Ngao Bái đang ở, liền điểm chân vọt người nhảy lên cao mười thước, xoay vòng như một trái bóng, trước khi cuộn tròn lao về phía thân tre.

Rầm!  Cửu Dương thành công đốn gãy thân tre, Ngao Bái rơi xuống đất.  Cửu Dương cũng đáp theo xuống đất.  Hai người chạm mặt nhau.  Cửu Dương lại dùng tuyệt kỹ cuối cùng và lợi hại nhất của Thiếu Lâm xuất ra.

Ngao Bái thấy Cửu Dương xoay mình một vòng, hai chân Cửu Dương đột nhiên biến thành tám bàn chân, như có phép thuật phân thân, Ngao Bái còn đang kinh hãi, thì nghe tiếng gió lồng vào ống quần Cửu Dương những tưởng nếu quật phải đá thì đá cũng tan còn đập vào núi thì núi cũng lở.  

Binh!  Binh!  Binh... Một tràng tiếng động vang lên liên tiếp.

Một trong tám bàn chân với sức mạnh vô cùng ghê gớm và nhanh như sấm sét đạp vào vai trái Ngao Bái.  Chân thứ hai tấn vào bên vai còn lại.  Bàn chân thứ ba quét ngang bụng Ngao Bái từ trái qua phải, rồi ngang bụng từ phải qua trái.  Chân thứ năm và sáu đá trúng hai bên đùi Ngao Bái, thêm bàn chân thứ bảy tấn thẳng vào bụng và bàn chân cuối cùng nằm ở giữa ngực.

Ngao Bái hộc ngúm máu, hết ham tham chiến, gã không ngờ tối nay gã chính mắt ngó thấy tuyệt kỹ cước pháp của Thiếu Lâm.  Ngao Bái hiểu người trước mặt gã có thể sử Vô Ảnh cước pháp, nghĩa là võ công có thể hoàn toàn xếp vào hàng độc tôn trong võ lâm.  Người này có khả năng làm sống được cái hồn của những bài quyền, lĩnh hội được cái cảnh giới huyền diệu của những bài cước pháp.  Lại nữa, khí lực thật là kinh người mà thân pháp lại cứ tự nhiên như nước chảy mây trôi, không hề bị trường địa hạn chế.  Nếu gã không có vũ khí, Ngao Bái nhủ bụng thì cơ hội sống sót của gã không đến nửa phần.

Nhưng Ngao Bái còn chưa kịp rời khỏi khu rừng, Cửu Dương dụng thuật nhảy cao, chiêu thứ sáu mươi hai của Thất thập nhị huyền công là Phi Thiềm Tẩu Bích nhảy lên cao ba thước, sau đó từ trên cao chúi người xuống, Cửu Dương cầm quạt đâm mạnh xuống đầu Ngao Bái.  

Bốp!  

Tới lượt Cửu Dương vừa đáp xuống đất vừa mở to hai mắt.  Cửu Dương không ngờ "thiếc đầu công" của Ngao Bái đã luyện đến thời kỳ siêu việt đến thế này.  Lúc nãy chàng đã đề tất cả chân khí vào lòng bàn tay, dùng hết sức lực đánh ra, vậy mà đỉnh đầu Ngao Bái không bị sây sát một mảy may.  

Cửu Dương đương nhiên có nghe Ngao Bái sở hữu cái đầu cứng như sắt thép, nhưng chàng vẫn kinh ngạc không ít, khi chính mắt trông thấy "thiếc đầu công" đó.  Nội công Ngao Bái quả là hơn chàng tưởng tượng rất nhiều.  

Thiếc đầu công là công pháp ngạnh công thuộc kình lạc dương cương. Thông thường thì đầu trong công pháp được xem là thủ lĩnh các bộ vị, là cơ quan trực tiếp điều khiển tinh thần, kình lực, sự nhanh nhạy, tốc độ và sự biến hóa của tứ chi. Hơn nữa trong thực tiễn chiến đấu đầu còn có tác dụng độc đáo khi công địch. Ví như khi tấn công mặt, sườn, bụng, ngực, lưng hoặc những bộ vị yếu hại của địch người sở hữu thiếc đầu công có thể dùng đòn đánh bằng đầu để phát huy uy lực triệt để.

Ngao Bái thừa dịp Cửu Dương còn đang kinh ngạc vì cái đầu thương đao bất nhập pháp của mình, xoay mình thi triển khinh công, bỏ chạy như điên như cuồng, bóng Ngao Bái biến mất trong màn đêm.

Cửu Dương không đuổi theo Ngao Bái.  Phần thì giao chiến mấy canh giờ nên nguyên khí trong người chàng tiêu hao không ít, nên chàng không thể tiếp tục vận La Hán Công để truy tìm Ngao Bái.  Phần thì hai vết thương trên vai chàng cũng làm chàng mất khá nhiều máu, mặt mày Cửu Dương xây xẩm, tự biết chàng không còn đủ sức để triển khai khinh công đuổi theo Ngao Bái nữa. 

Cửu Dương bèn trở lại bìa rừng tìm Tiêu Phong, thấy Tiêu Phong vẫn còn ngồi trên đất ôm thi thể Hà Tử Lăng gần bìa rừng.

Cửu Dương cởi khăn che mặt, cất khăn và cây quạt vào trong tay áo, sau đó cúi nhìn Tiêu Phong.  Cửu Dương thấy đôi mắt Tiêu Phong thất thần, đang hướng tới một nơi vô định nào đó, y phục cũng như thần sắc trên mặt xác xơ, tiêu điều.  

- Vết thương trên vai các hạ thế nào?

Cửu Dương hỏi bằng giọng ái ngại.

Tiêu Phong vẻ như không nghe câu hỏi của Cửu Dương, thể xác và tinh thần chàng đều quá mệt mỏi.  Cửu Dương lặp lại lần nữa, Tiêu Phong mới choàng tỉnh.  Cửu Dương thấy Tiêu Phong loạng choạng bế Hà Tử Lăng định đứng dậy, bèn cúi xuống thay Tiêu Phong bế Hà Tử Lăng lên trong hai tay.  Tiêu Phong chệnh choạng đứng lên, ôm quyền với Cửu Dương:

- Tại hạ không sao, đa tạ các hạ đã ra tay tương cứu.

Đoạn Tiêu Phong nhìn vết máu trên vai Cửu Dương, áy náy nói thêm:

- Còn vết thương trên vai các hạ...

- Không hề gì.

Cửu Dương lắc đầu cướp lời Tiêu Phong.

Khi này hướng hẻm núi không còn vọng đến tiếng gươm đao chát chúa.

Cửu Dương định bảo Tiêu Phong cùng chàng rời khỏi khu rừng, trở về hẻm núi hội quân với Sách Ngạch Đồ, thì Sách Ngạch Đồ, Sách Ni, Mã Tề, Long Khoa Đa dẫn quân đến bìa rừng tìm hai người.  

Sách Ngạch Đồ thấy Tiêu Phong lảo đảo không vững, chạy đến chụp cánh tay Tiêu Phong, giữ cho hảo bằng hữu khỏi ngã.

Sách Ni, Mã Tề, Long Khoa Đa và bọn lính Chính Bạch Kỳ thì nhìn Cửu Dương, tất cả đều không thể ngờ cứu nhân của họ lần này chính là Giang Nam thất hiệp lừng danh trong võ lâm.  Người mà mấy năm trước từ chối lời khuyên hàng của Tô Khất trong hẻm Đá Ma, nhưng bây giờ lại xả thân cứu xa giá, không hiểu vì lý do gì?  

Sách Ni bước lại trước mặt Cửu Dương, ôm quyền cúi đầu nói: 

- Đa tạ các hạ từ kinh thành đến nơi hoang sơn dã lĩnh này tương cứu đám người chúng tôi, đám người chúng tôi sẽ không bao giờ quên ơn nghĩa cứu mạng.

Cửu Dương đang bế Hà Tử Lăng nên chỉ có thể cúi đầu đáp lễ.  

Sách Ni tiếp:

- Thiếu Lâm thất thập nhị huyền công của các hạ đúng là đã đạt được tới tuyệt giới "Khí giới trong Tâm" rồi.  Mọi thứ xung quanh các hạ, dù là cỏ lá, rơm rạ, đều có thể là binh khí nguy hiểm.  Khi các hạ đánh bọn huyết trích tử, lão phu thấy chiêu nào các hạ cũng giữ được khí trầm hai chân vững, thân pháp tự nhiên nhất có thể.  Các hạ sử cây quạt như một khí giới, còn khinh công thì như chim én vi vu chao liệng.  Võ công các hạ thật làm lão phu khâm phục sát đất.

Mã Tề cũng bước lên đứng cạnh Sách Ni tặc lưỡi nói:

- Tiếc quá!  Nếu mấy người chúng ta không bận đánh bọn thích khách, thì có thể đi xem cảnh Ngao Bái bị đả bại thế nào rồi!

Long Khoa Đa cũng như Mã Tề và Sách Ni, nhìn Cửu Dương bằng ánh mắt tán thưởng nói:

- Đúng là chúng ta đã bỏ lỡ một trận tỉ đấu có một không hai trong võ lâm!

Sách Ngạch Đồ không nói năng gì, chàng đang bận quan sát sắc mặt Tiêu Phong.  Trong lòng Sách Ngạch Đồ thấy buồn cho Tiêu Phong.  Tiêu Phong giống như một người vô cùng trân quý một thứ đồ trong tay, đột nhiên bị người khác lấy mất, nên nét tiếc nuối và đau khổ hiện rõ lên trên mặt.  Sách Ngạch Đồ nghĩ tình yêu mà Tiêu Phong dành cho nữ thần y, là thiên trường, địa cửu, kiếp này khắc cốt ghi tâm khó lòng quên được.  Người con gái đó, đã đi qua cuộc đời Tiêu Phong, để lại một vết thương thật sâu, dấu vết ấy, chính là hạnh phúc nhưng cũng là nỗi đau khắc vào trong tim và trong tâm tưởng Tiêu Phong về sau này.  Cho dù thời gian có qua đi, vết thương đó lành lại, nhưng vẫn trở thành vết sẹo to tướng, chẳng thể nào hoàn toàn phai mờ theo thời gian được, nó sẽ cứ nhức nhối mỗi khi trái gió trở trời...

Sách Ngạch Đồ suy nghĩ tới đây gió núi thổi thấu áo chàng, lẩn vào da thịt khiến chàng rùng mình.

- Các vị đã quá lời.

Tiếng Cửu Dương cũng vang lên cắt đứt dòng suy nghĩ trong đầu Sách Ngạch Đồ.

- Các vị đây đều là cao thủ chốn công môn cả - Cửu Dương nói - Vì ở trước hẻm núi tình thế hiểm ác, kỳ dị, nên các vị mới chưa thể thi triển hết sở trường ra.  Bằng không, cho dù Ngao Bái có mọc thêm một "thiếc đầu công" thì cũng chỉ có thể đưa cổ đợi các vị chém thôi.

Đoạn quay sang Mã Tề, Cửu Dương tiếp tục nói:

- Từ lâu tại hạ nghe danh "thần kiếm thiên long" của Mã đại nhân.

Mã Tề nghe nhắc đến danh xưng của mình, khoát tay cười xòa nói:

- Thần kiếm thiên long gì chứ?  Mã mỗ tự biết bản thân không làm sao sánh bằng các hạ.  Các hạ là truyền nhân chính tông của Võ Thánh, cho nên, phong cách đi quyền, cước, và khinh công, các hạ đều thể hiện được chữ "ngạnh."  Còn tại hạ, danh xưng "thần kiếm thiên long" chỉ là do năm xưa Mã mỗ theo tiên hoàng đi săn, tiên hoàng săn được bạch linh, cao hứng nên đã ban thanh gươm có khắc hình ngũ long cho Mã mỗ.  Sách thị lang đại nhân cũng có mặt năm đó, ngài còn nhớ không Sách đại nhân?

Sách Ngạch Đồ nghe Mã Tề hỏi, lên tiếng tiếp lời Mã Tề:

- Đúng là cha tại hạ và các vị đại nhân nói không quá lời chút nào, chẳng riêng gì chúng tôi, mà binh sĩ Chính Bạch Kỳ ở đây, ai ai cũng đều ngó thấy khi các hạ đi quyền, rất là dũng mãnh có lực, trong cương có nhu, chiêu chiêu thế thế thì không công thời thủ chứ không hề hoa dạng suông như đám người chúng tôi đi quyền.  Còn bàn về cước pháp, các hạ xuất cước vô cùng linh hoạt, công thủ gồm đủ cả, nhưng công kích là chủ yếu.  Quyền và cước vừa có mỹ quan về ngoại hình vừa có nội lực thâm hậu không lường.  Thêm vào đó, khinh công các hạ khi tiến lui cũng vô cùng mau lẹ, khí trầm đan điền mỗi lần di chuyển, hai chân ra vào phải trái trước sau đều nhanh nhẹn như hầu, nhưng không làm tà áo các hạ bay lên và cát bụi dịch chuyển chút nào.

Binh sĩ Chính Bạch Kỳ đồng ý với Sách Ngạch Đồ, người nào cũng vừa gật gù, vừa ôm quyền với Cửu Dương cho là phải.  

Lúc bấy giờ những tia sáng của một ngày bắt đầu ló dạng trong vùng sơn dã.  Tứ bề gió thổi làm cây lá chạm nhau tạo thành một bản nhạc bất hủ.  Khi gió thổi mạnh, những chiếc lá gảy nên giai điệu dồn dập, nhưng khi gió thổi nhẹ, thì lá tre lại cất lên âm điệu chậm rãi đều đều, đâu đó có tiếng chim kêu ríu rít trên những cành tre, thỉnh thoảng, cũng chen vào tiếng hót cao vút của loài sơn ca, làm tâm hồn binh đoàn Chính Bạch Kỳ và mấy người kỳ chủ ai nấy cũng đều thoải mái.

Crypto.com Exchange

Hồi (1-125)


<