Vay nóng Tima

Truyện:Tùy Đường diễn nghĩa - Hồi 001

Tùy Đường diễn nghĩa
Trọn bộ 100 hồi
Hồi 001: Tùy Đế cất quân chiếm đất nhà Trần, Tấn Vương tâng công cướp ngôi con trưởng
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-100)

Siêu sale Shopee

Thơ rằng:

Phồn hoa tan hợp tựa bèo mây

Danh vẹn công thành bởi đức dày

Mưu lớn những mong phò chúa yếu

Tài cao há chịu lụy loài ngây

Lỡ thời tuấn kiệt đành lòng ẩn

Gặp vận anh hùng trải dạ ngay

Những tiếc sử xanh ghi chưa đủ

Truyền kỳ xin được góp áng hay.

Từ xưa tới nay, càng giàu có, càng danh giá, thì lại càng nhiều điều thích chí, tai chỉ được nghe toàn những điều ngon ngọt, mắt toàn được thấy những cảnh lộng lẫy, nhưng chính những cảnh tiêu điều đổ nát đã ẩn bên trong, chẳng phải chịu lời sỉ nhục của nghìn năm, thì cũng thành một trận cười cho thiên hạ. Cung Quán Sa, đài Đồng Tước, không biết bao nhiêu lần trở thành lời than thở, giễu cợt của các nhà thơ, nhà văn. Chỉ có những anh hùng xuất thân nơi rừng rậm, ruộng lầy, vốn không phải những kẻ dựng xây sự nghiệp trên rượu chè, sắc dục, phải bao thiên ma bách chiết, những bậc hào kiệt mới xoay chuyển được thời thế, hoặc là thu đất nước về một mối, hoặc thực hiện những cuộc thay đổi quốc gia, vì vậy mà tên tuổi họ sống mãi với trời đất.

Cũng biết là tiếng danh đó, có khi mãi sau này mới nổi, nhưng cốt cách anh hùng của họ thì ngay từ lúc còn hàn vi cũng đã lộ rõ rồi. Mặt trời, mặt trăng, bản tính là ánh sáng, dù có lúc bị mây mù, sương giá che khuất đi nữa, cuối cùng ánh sáng vẫn phát lộ, lúc đầu xung quanh không biết nhưng rồi người đời sau sẽ ca ngợi, bút mực phải ghi chép đầy đủ việc hiến công lập nghiệp của người anh hùng, kể cả những lúc hàn vi cũng vậy. Lại như cây tùng cây bách thôi, con hổ, con báo cũng thế, có lúc nhỏ rồi mới có lúc vươn tới mây xanh, nuốt được trâu lớn, khiến người nghe người thấy đều kinh ngạc. Sách này chính là đem những chuyện của các bậc anh hùng hào kiệt đó kể ra tỉ mỉ, rõ ràng, thành một sử thư ghi càng nhiều càng hay những chuyện lạ kỳ mà người đời chưa được nghe được đọc.

Đúng là:

Búa toang gốc mắt khen rằng sắc

Dao mổ gân xương bén tựa thần

Nhân định thắng thiên đời dễ biết

Kỳ tài nhẹ vượt mọi gian truân.

Từ xưa đời này nối đời khác: Ngu, Hạ, Thương, ân, Chu, Tần, Hán, Tam Quốc, Lưỡng Tấn. Nhà Tấn qua sông về nam, thiên hạ chia làm hai, đó là thời Nam Bắc triều. Ở Nam Triều, Lưu Tục cướp ngôi nhà Tấn, lập nhà Tống, Tiêu Đạo Thành diệt Tống xưng nhà Tề; Tiêu Diễn trừ Tề, lập nhà Lương, Trần Bá Tiên lật Tề, xây nhà Trần. Dẫu vẫn mang hết hiệu nước này đến hiệu nước khác, mượn danh chính thống khoác tiếng thiên tử, nhưng thực thì suy yếu, nhu nhược, nằm ép ở phía nam.

Bắc Triều vốn thuộc nhà Tấn cả một giải trung nguyên, đã bị vua Hán, Lưu Uyên, vua Triệu, Thạch Lặc; vua Tần, Bồ Kiên, vua Yên, Mộ Dung Quý; vua Ngụy, Thác Bạt Khuê, đều là người Hồ cát cứ vì thế mà còn gọi là thời Ngũ Hồ loạn Hoa. Về cuối nhà Ngụy, triều chính rối ren, lại chia làm hai: Đông Tấn, Tây Tấn. Một bên bị Cao Dương con Cao Hoan cướp ngôi, đổi hiệu nước là Tề, một bên bị Vũ Văn Thái lật, thay hiệu nước là Chu. Chu diệt luôn Tề, Bắc triều thu về một mối.

Thời Chu xuất hiện Dương Kiên, hiệu La Diên, người quận Hoằng Nông vùng Hoa âm, cháu tám đời thái úy nhà Hán Dương Chân, bố là Dương Trung, theo Vũ Văn Thái nổi dậy, được ban họ Lục Nhự, lại vì có quân công nên được phong Tây Công. Khi sinh Dương Kiên, mẹ Lã Thị nằm mộng thấy rồng xanh quấn bụng. Kiên mắt sáng như sao, tay có vân rất lạ, xòe ra thì thành hình chữ Vương. Vợ chồng Dương Trung biết là tướng quý, về sau có một ni cô 2 nói với vợ chồng họ Dương:

- Đứa bé này phú quý nói không hết, nhưng phải nuôi xa cách cha mẹ mới thành người được, bần đạo xin nguyện nuôi nấng, dạy dỗ cho.

Lã Thị bèn phó thác cho ni cô, nhưng vì ni cô chỉ mỗi một thân, ở am vắng, nên đi đâu lại phải nhờ người trông nom. Hôm ấy, ni cô nhờ một bà già tới am trông coi, đang lúc bồng Dương Kiên, thấy đầu Kiên mọc hai cái sừng, toàn thân sinh vẩy cứng, chẳng khác gì hình con rồng, bà già hoảng hốt, la ầm ĩ là quái vật rồi quăng tọt xuống đất, may vừa lúc ni cô trở về, vội ôm ngay lấy mà xuýt xoa, vỗ về:

- Làm thằng bé của ta sợ đây mà. Hãy chờ xem vài năm nữa nó làm hoàng đế đấy!

Cũng là vì trời muốn khuấy đảo thiên hạ, cho nên cuối cùng là bậc thánh nhân cũng ra đời.

Vài năm sau, Dương Kiên lớn, ni cô đem trả cho nhà họ Dương, chẳng bao lâu, ni cô hóa, Dương Trung cũng qua đời, Dương Kiên dược nối chức của cha làm Tùy Công. Chu Vũ Đế thấy Dương tướng mạo kỳ lạ, thường hay ghen ghét, nhiều lần sai người đoán tướng Dương, họ biết Dương có phúc lớn sau này, nên đều che chở cho, Dương cũng biết Vũ Đế ngờ mình, bên đem con gái gả cho thái tử để hòng giữ được lòng tin của vua Chu. Đến khi Chu Vũ Đế lui về làm Thái thượng hoàng. Thái tử lên ngôi, tức Chu Tuyên Đế. Tuyên Đế mỗi khi đi tuần thú, sau khi Thượng hoàng chết, đều giao cho Dương coi giữ kinh thành. Tuyên Đế vốn nhu nhược, Dương lúc này vây cánh đã thành, bèn đoạt ngôi nhà Chu, thay hiệu nước là Tùy, đổi sang năm thứ nhất đời Khai Hoàng.

Chính là:

Mãng 3 cậy cha hờ toan cướp Hán

Thảo mưu gái đẹp cốt nghiêng Lưu

Gian hùng một duộc xưa nay thế

Đổi chúa thay hoa sớm lại chiều.

Vua Tùy mới lên ngôi, lập Độc Cô Thị làm hoàng hậu, Dương Dũng làm thái tử, con thứ là Dương Quảng làm Tấn Vương, mọi chuyện đều trôi chảy, chỉ có hoàng hậu Độc Cô ghen tuông ghê gớm, không bao giờ cho vua Tùy được gần đàn bà. Bá quan trong triều đình, về văn thì có Lý Đức Lâm, Cao Quỳnh, Tô Uy; võ thì có Dương Tố, Lý Uyên, Hạ Nhược Chúc, Hàn Cầm Hồ. Vua sáng tôi hiền, dần dần đã có tính chuyện mở mang bờ cõi, nghĩ chuyện thu chín châu về một mối. Nếu như Nam triều mà kẻ trị vì cũng biết trông coi đất nước, trọng dụng hiền tài, thì cũng chưa chắc hươu về tay ai 4.

Thường thì vị vua sáng nghiệp bao giờ cũng cần cù, khó nhọc, các vua giữ nước thì lại ăn chơi nhàn nhã. Vua sáng nghiệp thường gần gũi người chính trực, xa kẻ gian tà, nịnh hót. Vua nối nghiệp thường ghét bậc lão thần, thích bọn trai trẻ. Một trong các vua thuộc loại sau là vua Trần, Trần Thúc Bảo vốn thông minh, nhưng vì sống ở Nam triều, theo thói ăn chơi, hoa lệ, lại ham thích làm phú ngâm thơ với hai viên quan đông cung, một là Khổng Phạm, một là Giang Tổng, vốn mang ít nhiều cốt cách tài hoa, thể chất yếu đuối.

Từ xưa đã nói: "Thơ thì làm bạn với rượu, rượu lại là môi giới của sắc dục". Trần Thúc Bảo rong chơi vô sự, thơ phú xong rồi, trong cái say sưa của rượu, lại sa vào những cuộc hoan lạc nơi lầu cao, quán nước, ngay lúc mới lên ngôi, mọi chuyện đã vậy rồi, chẳng nghĩ đến triều chính, nước nhà, càng ngày càng thêm những trò ăn chơi thỏa chí thỏa lòng. Trần Thúc Bảo thăng Giang Tổng lên bộc xạ, dùng Khổng Phạm làm thượng thư đầu triều. Vua tôi chẳng ngó gì đến việc nước, chỉ ngày này qua ngày khác yến tiệc, thơ phú. Trong đám cung tần mỹ nữ, vua Trần tìm được một giai nhân nức tiếng, họ Trương, tên Lệ Hoa, tóc dài bảy thước 5, mượt mà lóng lánh có thể soi gương được; tính tình vốn thông tuệ, cử chỉ lại đoan trang nhàn nhã, khẽ cười khẽ chau mày thì thật là hết điều yểu diệu, quả được cả mười phần. Đặc biệt hơn cả là rất mực khiêm nhường, sẵn sàng tiến cử tần phi, cho nên đến cả hai quý tần Cung, Khổng, hai mỹ nhân Vương, Lý, hai thục viên Trương, Tiết, Chiêu nghi họ Viên, Tiệp Dư họ Hà, Tu Dung họ Giang đều được Trấn Thúc Bảo yêu quý. Vì thế vua Trần còn thời gian đâu mà bàn luận công việc triều đình.

Lúc cần phải xem xét, phê chuẩn các tấu chương của trăm quan, vua Trần nửa ngồi nửa nằm trong một cái ghế tựa mềm, đặt Trương Lệ Hoa lên đầu gối, cả hai cùng đối đáp, quyết đoán mọi sự, đến nỗi đàn bà con gái cũng phải đỏ mặt khi nhìn thấy cảnh tượng ấy. Bọn nội thị vì vậy tha hồ mà thừa cơ ăn hối lộ, chuyên quyền. Khổng Phạm cùng Khổng Quý Tân kết làm anh em, thay nhau nắm quyền, người đời chỉ biết họ Giang, họ Khổng, mà không biết đến vua Trần.

Tiếng hát sao mà ngọt

Hơi men sao mà say

Tràn trề muôn tiệc hoa

Long lanh ngàn ánh đuốc.

Sáu cung toàn những mỹ nhân, đầy người ngọc đeo vàng dát cho xứng với vẻ mặt hoa da phấn, áo biếc xiêm hồng cho hợp với tấm thân yểu diệu. Lại phải sơn hào hải vị lạ kỳ, bát vàng, chén ngọc hòa mới với điệu dẻo lời thanh, nhà vàng lầu ngọc, rèm gấm giường ngà, mới vừa với rừng hoa dặm liễu, chứ làm sao lại có thể dùng những thứ bình thường trong dân gian cho được. Tất nhiên phải kéo theo một loạt bọn tiểu nhân tàn bạo như Thi Văn Khánh, Thẩm Khách Khanh, Dương Huê Lãng, Từ Triết, Kỵ Huệ Cảnh, xua người vào tận hang sâu, vực thẳm, cướp bóc dân chúng, lấy của dâng nạp và bỏ túi.

Trước mặt điện Chiêu Quang, dựng thêm gác Lâm Xuân, gác Kết Ỷ, gác Vọng Tiên, mỗi cái đều cao đến mấy chục trượng, dài hàng mấy chục gian, lan can, cửa lớn cửa nhỏ, cửa thấp, cửa cao, đều bằng gỗ trầm hương, đinh hương, lại còn khảm ngọc, dát vàng, ngoài thì rèm gấm rũ tháp, trong thì bày la liệt giường ngà bàn ngọc, màn nhung đệm thúy, toàn do những bậc danh họa nổi tiếng một thời trần thiết. Các chỗ đẹp như Thái Hồ, Linh Bích, Lưỡng Quảng, đều được xây bằng kỳ trân dị thạch, xếp chồng chất cho ra cảnh bồng lai, cung quế, bên núi là suối trong hai bờ đá xếp thành từng từng, lớp lớp chảy dần tới hồ, đá trắng xây thành cầu, theo hàng theo lối là hoa lạ, cây quý chẳng khác gì:

A Phòng đành chịu thua xa

Dẫu rằng Lãng Uyển vẫn là kém xinh.

Vua Trần chọn ở gác Lâm Xuân, Trương Lệ Hoa ở gác Kết Ỷ, hai quý tần Cung, Khổng thì ở gác Vọng Tiên. Cả ba gác đều đầy đủ hành lang nối có mái che quanh co uốn lượn liền nhau. Không ngày nào không chơi bời, yến tiệc, bên ngoài thì bọn Khổng Phạm, Giang Tổng, kéo theo bọn văn sĩ Vương Soa, bọn nội thị, bên trong thì bọn nữ học sĩ Viên Đại chực sau hầu hạ. Rượu say, vua Trần lệnh cho từ phi tần tới nữ sĩ cùng cả bọn Giang, Khổng làm thơ, đặt phú tặng đáp. Trần Thúc Bảo cùng Trương Lệ Hoa bình giá, ai đoạt giải đều có ban thưởng, đem những bài hoa lệ nhất, phổ thành nhạc hát. Mỗi lần yến tiệc, tuyển hàng vài ngàn cung nữ, chia nhóm, chia ban thay nhau ca múa, đốt hương, thay trầm, đêm này sang ngày khác, thật nói không hết cảnh phồn hoa, tả chẳng đủ sự phong lưu, đài các.

Ngàn vàng hải vị sơn hào

Mồ hôi con đỏ, mỡ dầu dân đen

Miệt mài cung điện truy hoan

Cỏ cây xơ xác xóm làng kêu rên

Còn hiềm ngày ngắn hơn đêm

Non đoài trách thỏ vội chênh chênh rồi.

Tin tức truyền về triều Tùy, vua Tùy nảy ý cất binh đánh chiếm. Cao Quýnh, Dương Tố, Hạ Nhược Chúc, Tấn Vương Quảng xin nguyện dẫn binh đánh Trần, tâu:

- Thúc Bảo vô đạo, tàn hại sinh dân, nếu đem quân xuống nam, khác nào lấy núi Thái mà chặn quả trứng, quân ta một lần kéo xuống, Thúc Bảo tất bị diệt. Nếu Đông cung ngại không thể vì phụ hoàng mà lập công, con xin nguyện dẫn binh hỏi tội, bắt trói hôn quân tàn bạo, thống nhất chín châu.

Chinh phạt xưa nay vốn là chuyện một đao một thương, sự nghiệp được thua chưa quyết, Tấn Vương vốn bậc nhân vương của nhà Tùy, tước cao lộc trọng, sao không hưởng cảnh nhàn nhã, lại tự chọn lấy việc nặng nhọc nguy hiểm ấy. Chính vì Tấn Vương chỉ là con thứ của vua Tùy, cùng với thái tử Dũng đều là do Độc Cô hoàng hậu sinh. Khi sinh Tấn Vương, trong lúc mơ màng, hoàng hậu thấy ánh sáng đỏ đầy nhà, bụng nghe như tiếng sấm, một con rồng vàng từ trong người bay ra, lúc đầu còn nhỏ, càng về sau càng lớn dần, bay thẳng lưng chừng trời, cao khoảng mười dặm, nhe nanh múa vuốt, uốn lượn mãi không thôi. Giữa lúc vờn cao rỡn thấp đẹp mắt như thế, bỗng một trận cuồng phong nổi đậy, rồng vàng không hiểu vì sao rơi ngay xuống đất, đuôi lớn quằn quại cuốn thành một vòng, nhìn kỹ lại thì không còn là rồng vàng mà là một con chuột lớn như một con bò vậy, hoàng hậu hoảng hết tỉnh giấc mà sinh Tấn Vương. Vua Tùy nghe tâu hoàng hậu mơ thấy rồng vàng uốn lượn trên không như thế, nên đặt tên lúc nhỏ cho Tấn Vương là A Ma 6. Độc Cô vui mừng nói:

- Tên đứa bé thế là tốt lắm. Sao bệ hạ không ban luôn cho một tên chính nữa?

Vua Tùy phán:

- Làm vua cần phải anh minh, sáng suốt. Đặt là Dương Anh liệu có nên chăng?

Nghĩ ngợi một lát, vua Tùy tiếp:

- Vua đảm đương việc sáng nghiệp mới cần sự anh minh. Kẻ nối nghiệp lại cần sự khoan dung, rộng rãi. Chi bằng lấy tên Dương Quảng.

Đúng là:

Chim huyền rồng đỏ, điềm trời mở

Sao lượn, trăng xiên số đất nuôi

Đức kém Tam Hoàng đành chịu vậy

Điện vàng mây tía hãy ngồi soi.

Chỉ biết Độc Cô yêu Tấn Vương say đắm, thường thường hay kể cho Tấn Vương nghe giấc mộng trên khi sinh Vương. Vương vì vậy lại càng không cam phận làm kẻ dưới, lòng thường cân nhắc: "Ta với Thái tử là hai anh em. Thái tử là hoàng đế, ta là kẻ thần tử. Mai sau Thái tử lên ngôi cửu ngũ, ta vào chầu tất phải tung hô vạn tuế. Nhưng đó vẫn là chuyện nhỏ. Chẳng may có sai sót dù to dù nhỏ, Thái tử sẵn sàng hại được tính mạng ta. Ta chỉ còn cách run run sợ sợ vâng lệnh Thái tử, những ham muốn của đời người, đến bao giờ cho thành, trừ phi phải bày mưu tính kế, đoạt kỳ được ngôi đông cung, mới thỏa được bình sinh. Nhưng hiện nay ta không chút công danh với xã tắc, làm sao mà giành được vị trí đó?"

Nghĩ ngợi trăm đường, Tấn Vương thấy hoàng hậu vốn ghen tuông, trong triều vị quan nào có hầu thiếp sinh con, Độc Cô đều khuyên vua Tùy không dùng. Thái tử rất yêu người cơ thiếp là Vân Chiêu Huấn, vì vậy Độc Cô không bằng lòng. Tấn Vương thừa cơ, làm ra vẻ hiếu thuận, ngầm đãi kẻ tâm phúc, nói xấu Thái tử, thưa chuyện hay tốt của mình. Mưu đồ xin đánh Trần, hòng thống nhất chín châu, cũng chính là để lập công, nắm chắc binh quyền trong tay, lại có điều kiện liên kết với bọn quan ngoài triều, dễ bề lập vây cánh.

Vua Tùy vốn hay nghi ngờ, không muốn giao binh quyền cho các quan đại thần, nên ban ngay lệnh phong cho Tấn Vương làm Hành quân binh mã đại nguyên soái, Dương Tố làm Hành quân binh mã phó nguyên soái, Cao Quýnh làm Tấn Vương nguyên soái phủ trưởng sử, Lý Uyên làm Nguyên soái phủ tư mã.

Cao Quýnh vốn người Bột Hải, hiệu Chiêu Huyền, vốn túc trí đa mưu, theo nghiệp binh từ lâu. Lý Uyên người vùng Thành Kỷ, hiệu Thúc Đức, ngực có ba vú, khi đánh dẹp ở Long Môn, bắn bảy mươi hai phát tên, giết bảy mươi hai mạng. Lại có thêm hai tổng quản: Hàn Cầm Hổ và Hạ Nhược Chúc, đều là những viên tướng giết người không nháy mắt, làm tiên phong, đi theo đường thuyền Lục Hợp còn Dương Tố thì xuất binh ở Vĩnh An, từ thượng lưu mà dẫn xuống. Tổng cộng có chín mươi viên tổng quản, lĩnh sáu mươi vạn binh, tất cả đều đặt dưới quyền tiết chế của Tấn Vương, cùng một lúc ra quân, mặt đông giáp với biển lớn, mặt tây tiếp với Xuyên Thục, cờ kéo, buồm căng, dài hàng mấy nghìn dặm.

Quân đồn trú biên giới nhà Trần liên tiếp cáo cấp về triều đình, nhưng bọn Thi Văn Khánh, Thẩm Khách Khanh không tâu lên, đợi đến khi bộc xạ Viên Huệ trần trình, xin cho ngay viện binh giữ cửa Kinh Khẩu và Thái Thạch, Giang Tổng lại ngăn cản. Trần Thúc Bảo không quyết đoán, chỉ phát:

- Vương khí ở đây như thế. Quân Tề tiến ba lần, quân Chu hai lần, đều chỉ chuốc thất bại, tan quân tổn tướng, quân Tùy thì làm được trò gì?

Khổng Phạm lại củng cố thêm:

- Sông Trường Giang là do trời đã bày đặt để phân chia nam bắc, người ngựa làm sao mà bay qua được. Chẳng qua bọn quan quân ngoài biên, muốn kiếm ít công lao, tâu thêm sự nguy cấp. Thần chỉ là một hoạn quan nhỏ, nhưng nếu binh tướng nhà Tùy đến đây, thần xin lĩnh chức thái úy.

Thi Văn Khánh tâu:

- Trời rét như thế này, người ngựa rồi sẽ chết sống cả, còn gì nữa mà đến đây!

Khổng Phạm lại còn đùa:

- Tiếc thay, chết mất cả ngựa của nhà ta rồi!

Trần Thúc Bảo cười lớn, mắng bọn Viên Huệ là đồ vô dụng. Đấy chính là tình cảnh vua tôi nhà Trần bàn bạc việc chống giặc Tùy, rồi lại vẫn tiếp tục yến tiệc, đàn hát như cũ.

Mịt mù khói lửa ngợp Trường Giang

Liều đánh ba quân quyết chẳng hàng

Đàn sáo du dương trăng vẫn sáng

Hồn lâng lâng, thả phách mơ màng.

Hôm ấy là ngày Nguyên Đán, tháng giêng, năm Trinh Minh thứ hai, trăm quan tụ tập, vua Trần vì đêm qua rượu quá say, vẫn còn li bì chưa tỉnh, mãi tới chiều mới ngơ ngác tỉnh dậy, thì Hạ Nhược Chúc đã kéo quân vượt qua sông ở Quảng Lăng, Hàn Cầm Hổ với năm trăm tinh binh, đột nhập qua Hoành Giang vào chiếm Thái Thạch. Tướng đóng giữ ở đây là Từ Tử Kiến một mặt cấp báo về triều, một mặt dẫn quân ứng chiến. Nhưng vì là Tết Nguyên Đán nên quân tướng đều say, không một người cầm vững khí giới Tử Kiến chỉ còn cách bỏ mặc binh lính, lên một thuyền nhỏ, chạy về Thạch Đầu, lại gặp lúc vua Trần say chưa tỉnh, chờ mãi đến chiều, mới được dẫn vào để bệ kiến, thì chỉ được phán:

- Sáng mai sẽ bàn việc xuất binh!

Mấy ngày sau vẫn rối tinh trong cảnh tết nhất, phải mãi tới ngày mùng bốn tết mới cử được Tiêu Ma Hà, Lỗ Quảng Đạt kéo quân đi ngăn giặc. Tiêu Ma Hà thừa cơ Hạ Nhược Chúc vừa mới tới Chung Sơn chưa kịp ổn định quân ngũ, cho Nhiệm Trung lĩnh một vạn quân; Kim Dực kéo ba trăm chiếc thuyền triệt hẳn đường về. Đó là một kế sách rất hay, nhưng vua Trần không nghe. Phải tới ngày mùng tám, các tướng mới kéo quân lên đường. Chỉ riêng Lỗ Quảng Đạt là hết lòng chiến đấu, giết được hơn ba trăm quân của Hạ Nhược Chúc. Khổng Phạm mới đánh một trận đã bỏ chạy. Tiêu Ma Hà thì bị bắt, Nhiệm Trung cũng bỏ trốn về kinh, vua Trần cũng chẳng trách mắng gì lại còn thưởng cho hai hộp vàng, sai Nhiệm Trung ra trận lần nữa. Không ngờ ra đến Thạch Tử Cương, gặp phải Cấm Hổ, Nhiệm Trung đem binh đầu hàng, dẫn quân Tùy tiến về kinh đô.

Trong thành lúc này dân chúng, quân nha lính tráng như một đàn chuột tìm đường sống. Vua Trần vẫn như một kẻ mất hồn ngồi trên điện chờ chư tướng báo tin chiến thắng. Đến khi nghe quân Tùy kéo vào thành, mới nhảy khỏi ngai vàng bỏ chạy. Viên Huệ kéo giữ lại thưa:

- Mình vàng trân trọng, y quan ngự điện, chẳng ai dám sát hại, xin bệ hạ đừng kinh sợ!

Vua Tùy đáp:

- Binh mã kéo tới ngay giờ. Đây không phải chỗ yên thân được!

Nói rồi vùng chạy về phía hậu cung, tìm Trương Lệ Hoa, Khổng Quý Tần, nói:

- Quân Tùy kéo tới nơi rồi, chúng ta phải tìm chỗ trốn ngay, đừng để thất lạc nhau.

Rồi tay phải dắt Lệ Hoa, tay trái kéo Quý Tần chạy, đến giếng Cảnh Dương, đã nghe tiếng quân Tuỳ reo hò náo động, bèn nói:

- Thôi rồi, hỏng rồi! Chạy không được nữa đâu, cùng nhau chết là xong!

Rồi định đâm đầu xuống giếng, vừa may hậu các xá nhân Hạ Hầu Công lấy thân mình che kín miệng giếng, vua Trần vật lộn lôi Công ra, cuối cùng cả ba lần lượt nhảy xuống. Còn may là vào tháng đông hết, xuân vừa tới, giếng cạn khô, không bị ướt, vua Trần băn khoăn:

- Trốn ở đây mà qua được cơn hoạn nạn, thì làm sao mà lên được?

Khải hoàn thay Hậu đình hoa

Trúc tơ im bặt, trống loa dập dồn

Lục triều vượng khí héo hon

Nực cười đáy giếng, ba con ếch ngồi

Ba người ngồi núp rất lâu, chỉ nghe tiếng người huyên náo, chính là quân Tùy đang đi vơ vét cung nữ, vàng bạc. Chỉ thấy chính cung Thẩm Hậu, vẫn ngồi đoan trang trong cung, cùng với Thái tử đóng cửa kín mít, nhưng không thấy vua Trần đâu cả, quân lính tỏa ra bốn bên tìm kiếm. Có cung nữ mách:

- Vừa thấy chạy tới bên giếng Cảnh Dương, hay đã gieo mình xuống giếng tự tử rồi!

Quân lính nghe ra, kéo tới giếng xem xét, nhìn xuống tối mò, nhưng như vẻ có người ngồi bên dưới, vội lấy câu liêm móc. Vua Trần tránh được, quân lính đang không biết làm cách nào, bèn cầm một viên đá vứt xuống, thử xem nông sâu, để tìm cách xuống, Vua Trần thấy đá vứt xuống liền gào lớn:

- Đừng ném vào đầu ta! Mau thả dây xuống, kéo ta lên!

Quân lính liền thả thừng xuống, đã dài đến mấy trượng, một hồi lâu vẫn chưa thấy gì, chỉ nghe thấy vua Trần gào:

- Các người hãy cố kéo ta lên. Ta sẽ lấy vàng ngọc thưởng cho, phải cẩn thận kẻo rồi nát xương ta nhé.

Lúc đầu, hai người kéo, vẫn không lên vì nặng quá, thêm hai người nữa, cũng vẫn không động đậy, có kẻ giải thích:

- Đây nhất định là hoàng đế rồi, nên xương cốt mới nặng đến thế này!

Người khác cãi:

- Có khi chỉ là một thằng sâu bọ, ngốc nghếch nào đó cũng nên.

Mọi người cùng hét lớn ngạc nhiên khi kéo lên đến miệng giếng thấy những ba người, cả Lệ Hoa lẫn Quý Tần. Quân tướng Tùy bò ra mà cười, Vương Nguyên Phổ đời Tống có thơ tả cảnh này rằng:

Quân Tùy dậy đất hò reo

Vua tôi trần vẫn dập dìu tiệc hoa

Chật chội núi sông cũ

Thênh thang đáy giếng sâu

Thành cao khói trắng tỏa

Suối xiết máu đỏ ngầu

Vô tình thay mảnh trăng thâu

Bóng thưa quen thói ra vào lan can.

Quân tướng Tùy kéo vua Trần đi, tìm nạp cho Hàn Cầm Hổ, vua Trần vẫn giữ được vẻ thản nhiên, chỉ lạy một lạy. Tối đến, Hạ Nhược Chúc ở ngoài thành vào, đòi vua Trần gặp mặt, vua Trần thấy tướng

Hạ dữ tợn, bấy giờ mới sợ run, mồ hôi vã khắp người. Hạ thấy vậy liền cười nói:

- Không việc gì phải sợ hãi đến thế. Chưa ai đụng đến cái mạng hàng ấy đâu!

Rồi cho vua Trần cùng các cưng nhân ở tạm trong điện Đức Giáo, bên ngoài đặt lính canh gác. Tấn Vương kéo đại quân đến sau, đi trước có Cao Quýnh, Lý Uyên làm nhiệm vụ vỗ yên trăm họ, cấm chỉ việc đất phá cướp đoạt. Người ngựa kéo vào thành Kiến Khang, cầm giữ vua Trần, sắp đặt quan lại cai quản kinh thành.

Lâu nay Tấn Vương tính tình thận trọng, không tỏ vẻ ham muốn chuyện sắc dục, nhưng giờ đã xa kinh đô, lại đã từ lâu nghe tới sắc đẹp nghiêng thành của Trương Lệ Hoa, nên Tấn Vương sai con

Cao Quýnh là Cao Đức Hoàng, đang giữ chân ký thất, đi trước vào Kiến Khang, tìm cho được Lệ Hoa. Cao Quýnh nói với con:

- Tấn Vương đang ở ngôi nguyên soái, trừ bạo cứu dân, đâu phải vì chuyện nữ sắc này!

Cao Đức Hoàng khuyên cha:

- Tấn Vương binh quyền trong tay, đòi lấy một người con gái, nếu không đưa chỉ sợ mang họa về sau:

Lý Uyên liền bàn:

- Cao đại nhân, hai họ Trương, Khổng lấy sắc đẹp ma quỷ để mê hoặc nhà vua, làm rối loạn việc triều chính, dẫn đến sự bại vong của nước nhà. Đã thế thì còn dung hai họ này, giữ cái gốc của tai họa làm gì, để rồi lại làm ô uế cả triều Tùy, chi bằng giết quách, cắt đứt tà tâm của Tấn Vương.

Cao Quýnh gật đầu đáp:

- Đây chính là việc thái công Mông Điện chém Đắc Kỷ ngày xưa, vì chỉ sợ lưu lại kẻ khuynh quốc, hại vua. Thì nay cũng không nên dung Lệ Hoa để hại Tấn Vương làm gì!

Rồi sai dẫn Lệ Hoa cùng Quý Tấn ra chém ở bên suối. Cao Đức Hoàng khuyên giải mãi, Cao Quýnh vẫn không nghe.

Da tuyết mày ngài gái đỉnh Vu

Một cười nghiên sập cả cơ đồ

Những thương máu nhuộm bờ khe thẳm

Thẹn với Tây Thi dạo Ngũ Hồ.

Cao Đức Hoàng giận dữ quay về, vào trướng ra mắt Tấn Vương, Tấn Vương cười như lấy tay vốc được, hỏi:

- Lệ Hoa đâu rồi?

Đức Hoàng sợ Tấn Vương nổi giận, bèn tìm cách đổ mọi tội lên đầu Lý Uyên:

- Hạ quan vâng mệnh đến đòi. Phụ thân hạ quan không dám coi thường, sắp đủ xe tốt, đệm êm, lại còn tuyển thêm mười tám cung nữ da phấn mặt hoa nhất theo đi.

Tấn Vương cười:

- Nếu không phải chính ký thất đi đòi, thì chưa chắc Cao trưởng sử đã ân cần đến như thế!

Đức Hoàng tiếp:

- Tất cả là tội ở Lý Uyên. Ông ta bảo tai họa nhà Trần là ở Lệ Hoa mà ra, nên ra lệnh đem cả Lệ Hoa cùng Quý Tần ra chém đầu?

Tần Vương kinh ngạc hỏi:

- Sao, phụ thân ngươi không làm gì được à?

Đức Hoàng thưa:

- Thần cùng phụ thân bao nhiều lần khuyên ngăn, nhưng Lý Uyên nhất định không nghe. Còn trách bố con hạ quan bênh Lệ Hoa để làm hại đại vương.

Tần Vương nổi giận quát:

- Tên tướng già đáng ghét. Nó là phường tửu sắc, thấy hai người đẹp, sợ ta giành mất, nên cố tình giết đi cho bõ ghen tức!

Rồi lại than:

- Cũng bởi ta quá vội vàng. Chỉ cần chờ vài ngày nữa, ta vào thành Kiến Khang, đòi giải Trần Thúc Bảo cùng toàn bộ gia thuộc đến, không được thiếu một ai, kẻ nào dám chống lệnh. Dù Lý Uyên cũng chẳng làm gì được ta. Cũng chỉ vì ta tính sai, đến nỗi hại mất tính mạng cả hai người đẹp.

Đến lúc đứng dậy, vẫn còn ân hận:

- Ta tuy không giết Lệ Hoa, nhưng Lệ Hoa vì ta mà chết. Nhất định ta phải giết được thằng giặc già này, để rửa hận cho nàng!

Mai sau rất nhiều chuyện thù oán giết chóc đau lòng đều từ chuyện này mà ra.

Mất Trần tội gái chém bêu cờ

Trung thực ai dè trái ý vua

Đông Hải Xi Di 7 soi tích cũ

Vẹn minh, vẹn nước, vẹn mưu cơ.

Bản chất con người Tấn Vương là thế nhưng lại cố làm ra vẻ ta đây đẹp tốt. Vào Kiến Khang rồi, Tấn Vương phán rằng Thi Văn Khánh thờ vua bất trung, gian trá xiểm nịnh; Thẩm Khách Khanh che mắt nhà vua; Dương Huệ Lãng, Từ Triết, Ky Huệ Cảnh coi thường phép nước, tàn hại trăm họ, cộng là năm nịnh thần, đều cho đem chém đầu trước cửa Thạch Quan. Lại đem Khổng Phạm, Vương Soa đày ra biên tái, để thỏa lòng oán hận của dân Nam Triều. Sai nguyên soái phủ ký thất Bùi Cự, thu nhập sổ sách, niêm phong tất cả các kho tàng, để được tiếng là liêm khiết. Dâng sớ luận tội Hạ Nhược Chúc ngay trận đầu tiên đã vi phạm quân lệnh; Lý Uyên lười nhác không chịu chăm lo nhiệm vụ, xin phải bắt về hỏi tội.

Vua Tùy nghe tâu đã dẹp xong Trần, Nhược Chúc lập được công đầu, Lý Uyên lâu nay làm quan trung trực, nên đều được tha tội, lại còn gọi Nhược Chúc về kinh trước, thưởng cho một vạn tấm lụa.

Châu quận chưa bình định được, thì sai các tổng binh, dốc binh đánh dẹp, Xuyên Thục, Kinh Sở, Ngô Triệu, Vân Quý lần lượt thuộc bản đồ nhà Tùy, thiên hạ từ đó thu về một mối. Duy vùng Lĩnh Nam vẫn không chịu quy phục, một số châu quận ở đây, vẫn thờ Thạch Long phu nhân, họ Tiễn thị ở quận Cao Lương làm chủ.

Phu nhân là vợ của Thái thú Phùng Bảo, nghe tin quân Tùy đánh Trần, phu nhân thân dấy quân, trông coi bốn mặt, tu bổ thành trì, kiên quyết chống cự, mọi người đều tôn xưng là Thánh Mẫu và gọi thành Cao Lương là Phu Nhân thành. Vua Tùy sai Trụ Quốc Vi Quang đi Lĩnh Nam chiêu an, phu nhân vẫn cự tuyệt, Quang không tiến quân được. Tấn Vương liền bảo Vua Trần viết thư cho phu nhân, báo tin Trần đã mất, khuyên nên hàng nhà Tùy. Phu nhân nhận được thư, triệu tập các thủ lĩnh khoảng vài nghìn người, khóc lóc suốt một ngày trời, quay về hướng bắc bái lạy, rồi mới sai Tôn Áng dẫn mọi người ra đón Vi Quang vào Quảng Châu. Phu nhân tự mang giáp trụ, cưỡi ngựa, dương lọng gấm, dẫn theo kỵ vệ, mang theo chiếu thư xưng là sứ giả, tuyên bố ý đức của triều đình, khắp hơn mười châu, khiến bọn này đều ra hàng.

Thế là ba mươi châu, một trăm quận, bốn trăm huyện của vùng Lĩnh Nam đều thuộc nhà Tùy. Tôn Áng được phong làm nghị đồng tam ty, tuyên dương phu nhân làm Thái phu nhân quận Tống Khang, ban cho huyện Lâm Châu làm đất thang mộc 8, một năm chỉ phải một lần triều cống, ba năm một lần được vào gặp mặt nhà vua.

Trần, lẫn Trần Thúc Bảo rời khỏi Kiến Khang, đến tháng tư thì về đến Trường An, đem tù binh làm lễ ở thái miếu.

Người đời lúc bấy giờ làm nhiều thơ ghi lại việc đẹp đẽ này, vẽ lại cảnh xe gấm ruổi rong, tiếng mõ đêm khuya, trăng chiếu ánh cung, rồi trí dũng phúc thọ, bốn thứ đều đầy đủ, bởi mãi đến ngoài tám mươi tuổi, phu nhân mới qua đời, được ca ngợi là Cổ kim nữ tướng đệ nhất.

Không nói chuyện phu nhân họ Trần nữa, lại nói tháng ba năm ấy Tấn Vương Lưu Vương Thiều lại làm trấn thủ Kiến Khang, còn tự mình dẫn đại quân, cùng trăm quan văn võ, cung tần mỹ nữ nhà Tấn Vương được phong thái úy, ban cho xe lớn, áo cồn, mũ miện, được đeo ngọc khuê trắng, Dương Tố được phong làm Việt Quốc Công. Hạ Nhược Chúc, Hàn Cầm Hổ được thăng Thượng Trụ quốc, Cầm Hổ được phong Tống Công. Nhược Chúc vì để quân lính làm bậy, gian dâm với cung nữ nhà Trần cho nên không được phong. Cao Quýnh cũng được thăng Thượng Trụ quốc phong Tề Công. Lý Uyên thăng vô úy thiếu khanh, vì Tấn Vương ghét nên không những không kể hết công lao mà còn xin vua khiển phạt, bởi thế Lý Uyên chỉ được khen thưởng rất bạc bẽo. Lý cũng không lấy đó làm điều, cũng may mà Tấn Vương lại được lệnh ra trị Dương Châu, nên không thể luôn luôn xích xiểm. Mặt khác, Tấn Vương uy quyền ngày một lớn, danh tiếng ngày một tăng, nhiều kẻ gian ngoa, lắm mưu nhiều kế luồn lọt làm tay chân dưới trướng, mưu toan ngày càng cấp bách.

Tứ hạo 9 về chầu, lông cánh mạnh

Lòng tham chê thấp bậc công khanh

Lửa đun nồi đậu, đậu thương khóc

Hạt đó cành đây một gốc sinh. 10

Huống chi ở bên trong lại có Độc Cô hoàng hậu chủ trì ủng hộ, bên ngoài có Vũ Văn Thuật bày mưu tính kế, làm sao mà lại không thành cho được. Nhưng không biết ý vua Tùy thế nào, xin xem hồi sau sẽ rõ.


1Tài liệu để viết phần này:

a. Lời nói đầu của "Cổ điển văn học xuất bản xã" ở "Tùy Đường diễn nghĩa" tập 1.

b. Phần viết về "Tùy Đường diễn nghĩa" của "Lịch sử văn học Trung Quốc" tập ba. Sở nghiên cứu văn học, thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc, bản dịch của Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1964. 2Ni cô: Sư nữ, tiếng Phạn là tỷ khiêu ni, là nhà sư nữ đã thụ giới đủ 400 điều (N. D). 3Tức Vương Mãng, giết con rể, cướp ngôi của cháu ngoại, lập nhà Tần Mãng, được mười lăm năm, bị giết, Quang Vũ lập lại nhà Hán. 4Sử Ký Viết: "Nhà Tần mất con hươu, mọi người cùng đuổi bắt" chỉ việc tranh cướp ngôi vua. 5Khoảng 0, 33m x 7 = 2, 3m ngày nay. Mười thước cũ bằng một trượng, vậy 1 trượng = 3m3. 6A Ma. Sự việc to lớn, lạ lùng chỉ rồng vàng uốn lượn trên mây. 7Đông Hải Xi Di: Tên hiệu của Phạm Lãi, giúp Câu Tiễn, dùng Tây Thi đánh chiếm được nước Ngô, rồi bỏ nước Việt cùng Tây Thi trốn vào Ngũ Hồ. 8Đất thang mộc: đất tắm gội, chỉ đất phong, quê hương, nơi ăn tộc của vua, chúa. 9Tứ hạo. Bốn ông già, đều ngoài tám mươi, nổi tiếng đạo đức, ẩn ở Thương Sơn. Cao Tổ nhà Hán muốn phế thái tử lập con thứ. Thái tử theo kế của Trương Lương, hậu lễ mời cả bốn ông về với mình. Cao Tổ thấy thế, cho là vây cánh thái tử đã mạnh nên không nghĩ tới chuyện phế lập nữa. (Từ Hải). 10Tào Thực anh, Tào Phi em, đều là con Tào Tháo. Tháo chết, Phi nối ngôi, định giết Thực, bắt Thực bước bảy bước làm một bài thơ. Thực làm "Cẳng đậu đun hạt đậu, đậu ỡ trong nồi khóc, cùng một gốc sinh ra, đun nhau chi quá gấp". Hai anh em ôm nhau khóc, Phi tha Thực (Tam Quốc diễn nghĩa)


Cửu Mộng Tiên Vực

Hồi (1-100)


<