← Hồi 02 | Hồi 04 → |
Vân Tuệ thấy Uyên nhi hãy còn ngây thơ nên lấy làm thích thú cười bảo:
- Thôi được, em cứ ngoan ngoãn nghe lời chị, chị sẽ dạy em học võ. Trời sắp sáng rồi, em hãy nằm ngủ một chút để lát nữa dậy ra ngoài kia luyện tập võ công.
Từ khi ăn được năm trái Kình châu, Uyên nhi cảm thấy tinh thần khao thường, vì vậy nó không buồn ngủ tí nào.
Nghe Vân Tuệ bảo như vậy, nó không dám trái lời vì sợ Vân Tuệ tức giận, không dạy võ công cho nữa. Nên nó phải ngoan ngoãn nhắm nghiền mắt lại giả bộ ngủ.
Vân Tuệ thấy vậy, rón rén đắp chăn cho nó, thổi tắt ngọn đèn dầu ở trên bàn mới quay mình đi ra ngoài phòng.
Uyên nhi nằm ở trên giường, tuy đã cố hết sức nhắm mắt ngủ nhưng tinh thần tỉnh táo quá, không sao ngủ được, đồng thời những việc xảy ra trong mấy ngày hôm nay cứ lần lượt hiện lên trong đầu óc nên tâm trí của nó bị xao động với những hình ảnh đó.
Lúc ấy, trời chưa sáng. Vân Tuệ đã thổi tắt ngọn đèn dầu, trong phòng tối đen như mực. Nhưng lạ thật, với Uyên nhi, thì trong phòng vẫn sáng như ban ngày, nó không biết đó là do nó đã ăn Kình châu và bôi nước của hạt châu đó mà nên. Nó lại tưởng nơi đây khác hẳn Trung Nguyên, không có ngày đêm gì cả, lúc nào cũng sáng như ban ngày.
Nó lẳng lặng đi ra ngoài phòng, bước vào trong đại sảnh và để ý xem. Nó thấy căn nhà ấy chỉ có một người đang ngủ thôi chớ không có một người thứ hai.
Nó nghĩ vừa rồi chị Tuệ bảo luyện tập võ công, chắc chị ấy phải nghỉ ngơi chốc lát để trời sáng tỏ mới ra bên ngoài luyện tập. Nó tưởng người đang nằm đó là nàng, nhưng khi nó đến gần xem kỹ mới hay người đó không phải là Vân Tuệ.
Nó vội lẻn ra ngoài cửa sảnh, đưa mắt nhìn bốn bề vì chỗ nó đứng rất cao, có thể trông thấy hết thảy đất đai của chốn đào nguyên này, nhưng nó thấy tất cả cảnh vật đều trầm tĩnh lạ thường. Những nhà cửa ở trong rừng đối diện không một bóng người. Nó tưởng những người ở trong mấy căn nhà đó ngủ say cả.
Nó quay vào trong nhà, đi tới cửa sau, thấy đằng sau có trồng mấy cây thông cao ngang nóc nhà, cành lá giao kết với nhau không khác gì một tấm bình phong thiên nhiên. Sau căn nhà là tảng đá lớn, trên đỉnh tảng đá lõm vào như hàm răng chó.
Uyên nhi đi tới bụi cây thông đã nghe thấy trên đỉnh tảng đá hình như có hơi thở rất mạnh, nó ngạc nhiên vô cùng, bụng bảo dạ rằng:
- Chẳng nhẽ chị Tuệ ở trên này?
Lòng hiếu kỳ thúc đẩy, nó muốn leo lên xem nhưng sợ Vân Tuệ phát giác. Sau nó leo lên trên một cây thông, nhờ có sức mạnh của Kình châu, người nó nhẹ nhõm nên lúc này nó leo lên không khó khăn gì hết và ngồi trên một cành cây nhỏ. Cành cây ấy cũng không gãy và không có một tiếng động gì cả.
Quả nhiên nó nhìn thấy trên đỉnh tảng đá có một miếng đất bằng vuông vắn mỗi bề dài hai trượng, ba mặt có những đá lởm chởm bao vây còn một mặt hướng về phía trong thì bằng phẳng.
Lúc ấy Vân Tuệ đang đứng trên đó thật. Nàng đứng hướng về phía đông, hai mắt nhìn thẳng không chớp. Hai tay chống ra sau lưng, hai bàn tay ôm chặt chỗ lưng đó, mồm hơi mím, hai lỗ mũi của nàng đang phun ra hai làn sương mù trắng.
Những luồng gió bể thổi tới, mớ tóc vàng bọc áo lụa trắng của nàng theo gió phất phới nhưng hai làn sương trắng ở trước mũi nàng lại không bị suy suyển chút nào. Làn gió thổi mạnh đến đâu nó vẫn nguyên như trước.
Uyên nhi ngạc nhiên vô cùng, hai mắt không chớp nháy cứ nhìn thẳng mặt Vân Tuệ để xem nàng làm trò gì.
Phía chính đông, mặt trời đang từ từ mọc lên, tia ra những luồng ánh sáng đỏ chói lòa trông rất đẹp mắt.
Hình như Vân Tuệ không chịu nổi ánh sáng nắng, sương mù trong mũi của nàng phun ra ngày càng dày, càng trắng hơn. Chỉ trong nháy mắt đám sương mù ấy đã che lấp nửa trên của nàng, như ẩn như hiện.
Uyên nhi đứng xem, đờ người ra. Nó cũng không biết trải qua bao lâu nhưng chỉ trong nháy mắt, bóng người phía trước lu mờ dần như một làn sương trắng rồi đột nhiên biến mất. Nó đang thắc mắc bỗng cảm thấy lưng bị ôm chặt rồi người bay lên trên không và khi hạ chân xuống nó mới hay đã đứng ở trên tảng đá mà Vân Tuệ vừa đứng lúc nãy.
Tai nó bỗng nghe tiếng cười trong trẻo như tiếng nhạc và có người rỉ tai nói:
- Tiểu quỷ không chịu nghe lời chị ngoan ngoãn đi ngủ một giấc lại dám leo cây cao như vậy, em không sợ té chết sao?
Uyên nhi hoảng sợ quay đầu lại nhìn, thấy chị Tuệ mặt tươi như hoa nở, tuy miệng trách như vậy nhưng mặt không có vẻ giận.
Uyên nhi yên tâm đang định giải thích thì Vân Tuệ đã xua tay bảo nó đừng lên tiếng nói vội. Nàng lại tiếp:
- Thôi được, nếu Uyên đệ không thích ngủ thì cứ ở đây xem chị luyện võ.
Nói xong nàng đã nhảy lên nhanh như điện chớp lướt qua ngọn cây, hạ chân xuống mái nhà. Chỉ nhún nhảy một cái, người nàng đã bay lên và chỉ trong nháy mắt nàng đã mất dạng liền.
Uyên nhi đang thắc mắc thì lại thấy chị Tuệ quay trở lại trong tay cầm thêm một thanh bảo kiếm.
Thanh bảo kiếm này rất lạ, nơi che tay bằng bạc bóng nhoáng trông như cái bát vậy. Thân kiếm cũng màu bạc có ánh sáng tỏa ra làm lóe mắt. Thân kiếm dài ba thước từ chuôi đến mũi to và dày như nhau, độ bằng ngón tay cái thôi và tròn như một cái que vậy.
Long hiếu kỳ thúc đẩy Uyên nhi chạy lại đỡ thanh kiếm ở tay Vân Tuệ lên xem. Lúc ấy, nó mới thấy thanh kiếm hai bên đều là lưỡi chứ không có sống kiếm, nhưng cùn lắm. Nó đang định sờ tay vào chỗ lưỡi kiếm, Vân Tuệ lại lên tiếng ngăn cản:
- Uyên đệ đừng mó vào! Có phải đệ tưởng nó cùn phải không?
Uyên nhi gật đầu, Vân Tuệ cầm lấy thanh kiếm khẽ chém vào một tảng đá đen ở gần đó một nhát, tảng đá bị chém đứt đôi ngay mà không có một tiếng kêu gì cả.
Uyên nhi thè lưỡi lắc đầu tỏ vẻ kinh dị. Vân Tuệ thấy vậy cười rồi nàng nghiêm nghị bảo Uyên nhi lui sang một bên. Nàng tiến ra chỗ giữa, tay cầm thanh bảo kiếm từ từ luyện từng thế một cho Uyên nhi xem.
Uyên nhi thông minh lạ lùng. Tuy chưa hề luyện kiếm pháp bao giờ nhưng chỉ trông thấy một lần là nhớ liền. Tuy chưa hiểu thấu tình ảo của pho kiếm ấy ra sao nhưng bảo nó bắt chước biểu diễn lại, nó có thể biểu diễn được ngay.
Múa xong pho kiếm ấy, Vân Tuệ lại múa một lần nữa nhưng lần này nàng múa nhanh hơn lần trước nhiều. Một lát sau chỉ thấy nàng bị một làn kiếm quang bao trùm rồi dần dần chỉ thấy một tòa núi bạc thôi chứ không thấy người của nàng nữa.
Biểu diễn hơn một tiếng đồng hồ như vậy, Vân Tuệ bỗng thâu kiếm lại, vẻ mặt vẫn tự nhiên rồi tủm tỉm cười đi tới trước mặt Uyên nhi.
Chưa bao giờ được trông thấy ai biểu diễn kiếm thuật tuyệt diệu như thế cả. Uyên nhi vừa thấy Vân Tuệ luyện xong pho kiếm ấy đã vỗ tay khen ngợi ngay.
Vân Tuệ đắc chí, tay vuốt mái tóc, vẻ mặt thành khẩn nhìn Uyên nhi nói:
- Uyên đệ, chị rất cảm tạ hiền đệ đã tặng chị hai trái hạt châu. Chị ăn nó xong, không những đả thông được Nhâm Đốc hai mạch, công lực cao hơn trước nhiều. Trước kia, tuy chị đã chịu khó khổ luyện mà không sao luyện được như ngày hôm nay. Và mỗi lần tập nội công vì cương khí hộ thân không sao nghênh tụ được, hai mắt nắng chiếu vào cứ đau nhức chịu không nổi. Đồng thời, lần nào cũng vậy, luyện xong một pho kiếm là mồ hôi chảy ra như tắm ngay nhưng ngày hôm nay thì khác hẳn.
Uyên nhi kêu "ồ" một tiếng rồi vừa cười vừa hỏi lại:
- Có thực thế không hở chị Tuệ? Nếu vậy em đã ăn năm trái tất cả, chắc em học võ dễ hơn người khác phải không?
Vân Tuệ suy nghĩ giây lát mới đáp:
- Việc này chị không được rõ lắm, nhưng chắc phải dễ hơn người khác. Chỉ tiếc hiền đệ không biết cách tập hợp điều tức, dùng chân khí của mình dẫn linh khí của trái hạt châu ấy đột phá huyền quan, như vậy hiền đệ mới lấy được sức lực của nó để làm sức lực của mình. Nên chị bảo đáng tiếc là thế đấy. Bằng không, công lực của hiền đệ đã rất mạnh bằng chị rồi và khi luyện tập võ công thành công nhanh chóng không sao tưởng tượng được.
Nghe thấy Vân Tuệ nói vậy, Uyên nhi nản chí vô cùng. Vân Tuệ thấy vậy vội an ủi:
- Nhưng hiền đệ hãy còn ít tuổi, chỉ cần chịu khó luyện tập tới khi hiền đệ lớn bằng chị sẽ giỏi hơn chị nhiều. Linh khí của những trái châu đó, nhất thời hiền đệ chưa thâu được nó vào nhưng nó vẫn còn ở trong người của hiền đệ. Rồi dần dần chị sẽ dạy hiền đệ cách nghênh thần, điều khí. Khi Nhâm Đốc mạch của hiền đệ đã thông rồi, lúc ấy sự tiến bộ của đệ sẽ nhanh vô cùng.
Lúc ấy Uyên nhi mới mừng rỡ, nắm tay Vân Tuệ vừa nhảy:
- Thế thì thích quá, chị Tuệ mau dạy em đi. Thế nào em cũng gắng công học tập. Chị không tin thử xem, em đã học múa kiếm rồi đấy.
Nói xong, nó cầm lấy thanh kiếm của Vân Tuệ đi ra giữa tảng đá, đúng ngay vào chỗ Vân Tuệ đứng hồi nãy, rồi đứng thế từng thức một nó bắt chước đúng hết pho kiếm của nàng vừa biểu diễn mà khua động.
Thoạt tiên, Vân Tuệ lại tưởng nó là một đứa trẻ hiếu kỳ thích đùa, cố ý cầm thanh kiếm lên múa chơi đấy thôi. Ngờ đâu, nó lại múa đủ pho kiếm không thiếu một thế nào, thức nào hết và cũng không lầm lẫn gì cả. Vân Tuệ ngạc nhiên vô cùng rồi nàng vừa kinh hãi vừa mừng rỡ, cứ lẳng lặng đứng xem Uyên nhi múa hết mười hai thức mà mình biểu diễn hồi nãy.
Mười hai thức kiếm đó tuy bề ngoài trông rất giản dị nhưng đó là tâm huyết kết tinh của cả một đời Cô Độc Khách.
Hồi nhỏ, Cô Độc Khách được dị nhân truyền thụ cho, tinh thông kiếm thuật tuyệt học của các môn phái, khi tuổi già, lão hiểm ẩn cư trong cù lao này, nhận thấy võ học của các môn phái tuy đều có huyền diệu riêng nhưng còn nhiều khuyết điểm vì thế nên ông ta mới hợp kiếm pháp, chưởng pháp với nội lực của các nhà rồi mới tự sáng chế ra mười hai thức kiếm và mười hai thức chưởng và đặt cho hai pho đó một cái tên Độc Cô kiếm pháp và Độc Cô chưởng pháp. Còn về mặt nội công thì ông ta dung hợp điều tức chính tông của Phật Đạo hai nhà mà nghiên cứu ra tĩnh tọa điều tức và Thiên Địa Cương Khí. Tĩnh tọa điều tức là đem chân khí vào trong người cố bổn điều nguyên và cũng là căn bản của sự luyện tập môn Thiên Địa Cương Khí.
Còn Thiên Địa Cương Khí là đem chân khí vận ra ngoài người, hút tinh anh của trời đất vào trong người, hóa vô hình thành hữu hình rồi lại hóa hữu hình ra vô hình. Khi luyện đến mức tuyệt đỉnh, chân khí của mình sẽ hội nhập với trời đất thành một, thần tới ý hội, ý tới khí theo, mồm mũi, da thịt đều có thể thoát ra chân khí rồi kết tụ ở ngoài người. Lúc ấy, có thể phòng thân và cũng có thể phản chấn được. Nếu dùng như chưởng lực đẩy ra chỉ khẽ đẩy một cái cũng đả thương được kẻ địch ngay, thật là huyền diệu khôn tả.
Cô Độc Khách sáng tạo ra môn Thiên Địa Cương Khí này, vì ông ta mới luyện tập không lâu đã bị kẻ thù vây đánh rồi bị thương nặng và đã ngậm hờn trước khi xuống suối vàng.
Vân Tuệ đã luyện tập môn này được bảy tám năm thôi. Môn Thiên Địa Cương Khí phải học tập ba mươi năm trở lên mới thành công. Ngờ đâu, từ khi nàng ăn hai trái Kình châu, Nhâm Đốc đại mạch của nàng bỗng đả thông một cách bất ngờ. Chỉ trong một đêm mà nàng đã luyện tơi mức dồn chân khí ra kết thành một đám sương mù rồi, như vậy chả là một thành tích kỳ lạ là gì?
Còn về hai môn kiếm thuật và chưởng pháp, tuy chỉ có mười hai thức thôi nhưng thức nào cũng tinh hoa vô thượng nên rất khó lĩnh hội sự tinh ảo của nó.
Sáng hôm nay, trong khi luyện tập không những nàng đã hoàn toàn thành công và cả Uyên nhi cũng học được qui mô sơ bộ, như vậy nàng không kinh hãi và mừng rỡ sao được.
Chờ Uyên nhi luyện xong, nàng vội chạy lại, ôm vào lòng, hôn hít một hồi, cảm động nói:
- Uyên đệ thông minh và tài ba thật. Có lẽ, hiền đệ là thần đồng chắc? Vừa mới học mà đã thành công đến như thế rồi.
Uyên nhi thấy Vân Tuệ khen ngợi mình như vậy ngượng vô cùng, đang định nói vài câu khiêm tốn nhưng nó nghĩ mãi không nói nên lời.
Vân Tuệ thấy nó có vẻ ngượng liền cười khì một tiếng, đỡ lấy bảo kiếm, ẵm nó lên rồi nói:
- Bây giờ đến giờ ăn cơm rồi, chúng ta đi xuống ăn cơm đi.
Uyên nhi lẳng lặng gật đầu rồi gục đầu vào nàng. Vân Tuệ cười khanh khách rồi đi như bay, nhảy xuống dưới cây, đặt nó xuống và dắt tay đi vào trong khách sảnh. Lúc ấy, trong sảnh đã có một người đàn bà trạc ngũ tuần đang quét dọn. Vân Tuệ vừa trông thấy người đàn bà đó liền lên tiếng gọi:
- Vú Triệu, dậy sớm thế! Vú xem, chú em mà tôi đã cứu ngoài bể vào từ hồi hôm tên là Long Uyên, vú bảo có đáng yêu không?
Nói xong nàng lại giới thiệu với Uyên nhi:
- Đây là vú Triệu, đến đây làm đã mười mấy năm rồi. Chính vú ấy đã nuôi chị từ hồi nhỏ đến giờ. Vú Triệu tính nết tốt lắm, sau này có việc gì hiền đệ cứ nhờ vú ấy làm giúp, thể nào vú ấy cũng vui lòng. Có phải thế không vú Triệu?
Nàng quay lại nhìn vú Triệu hỏi như vậy.
Từ khi hai người bước vào khách sảnh đến giờ, vú Triệu ngắm nhìn Uyên nhi không chớp mắt tỏ vẻ kinh ngạc, mừng rỡ.
Lúc này, vú ta thấy Vân Tuệ nói vậy vội chạy lại xoa đầu Uyên nhi tắc lưỡi khen ngợi mà nói:
- Cậu bé này đẹp trai thật, sao lại phiêu lưu đến chốn này thế? Bây giờ sung sướng lắm, có cậu ấy ở chung với chúng ta, tiểu thư không còn buồn như trước nữa. Cậu bé đừng có sợ, cứ yên tâm ở đây có việc gì cậu cứ dặn bảo tôi, đừng có ngượng nghịu và phải coi nhà này là của cậu.
Nói xong, hình như vú bỗng nghĩ tới một việc cất tiếng kêu ủa rồi tiếp:
- Sao tôi lại lẩm cẩm như thế. Mải nói chuyện, quên cả tiểu thư và cậu bé đói bụng. Thôi, để tôi vào làm cơm nước trước. Cậu bé, cậu thích ăn gì bảo cho vú biết, để sau này vú sẽ làm cho cậu ăn. Vú đoán những món vú làm ra thế nào cậu cũng ăn ngon lành lắm. Rồi cậu sẽ mập mạp trắng trẻo như tiểu thư vậy.
Vú ta vừa nói vừa đi vào trong bếp luôn, Vân Tuệ chờ Uyên nhi ngồi xuống mới bỏ kiếm vào bao, đem vào trong thư phòng cất đi. Nhưng khi nàng vừa vào tới cửa, bỗng trông thấy cái hòm sắt hôm qua đem về vẫn còn nằm nguyên đó. Nàng vội hỏi Uyên nhi:
- Hòm này có phải đựng hành lý của hiền đệ không?
Uyên nhi lắc đầu rồi kể qua chuyện cái hòm sắt đó cho Vân Tuệ nghe và nói tiếp:
- Cái hòm sắt này lạ thật, trong nó như một khối vậy, mà không sao mở ra được, không biết bên trong đựng gì! Chị Tuệ có cách gì mở ra không?
Vân Tuệ để cái hòm đó lên bàn, xem kỹ lưỡng một hồi, nàng chỉ thấy cái hòm ấy dài chừng hai thước rưỡi, mỗi dày chừng một thước, chỗ giữa có một quai sắt, còn bốn chung quanh không có khe hở nào hết, trông như một khối sắt làm thành cái hòm vậy.
Nhưng nếu bảo nó là một khối sắt sao nó lại nhẹ như vậy?
Như thế hiển nhiên bên trong phải trống rỗng?
Nàng cầm cái hòm lên lắc thử, nhưng không nghe thấy bên trong có tiếng động gì cả, nàng tức giận vô cùng, dùng bảo kiếm rạch theo đường nắp một vòng, bảo kiếm bén sắc thật.
Nàng chỉ rạch một lượt như vậy đã mở được nắp hòm ra liền.
Uyên nhi đứng ở trên ghế liền giơ tay mở nắp hòm ra xem thì thấy đó chứa toàn những lá cây bằng sắt. Những lá cây ấy dài chín tấc, rộng bảy tấc, rất mỏng, xâu bằng hai sợi gân bò thành một chuỗi trông như những cánh hoa lê vậy.
Vân Tuệ cầm những lá sắc đó ra để lên trên bàn kêu hoảng. Nàng lại thấy bên dưới có một chuỗi miếng tre cũng xâu bằng gân bò. Những miếng tre đó cũng to bằng những miếng lá sắt vậy.
Uyên nhi thấy chuỗi miếng tre đó ra rồi thì thấy bên dưới còn một thanh đoản kiếm với một cái ống bạc. Nó nhanh tay cầm lấy hai vật đó nhưng nó cầm thanh kiếm lên rồi rút mãi không thể rút kiếm ra khỏi bao được. Nó tức giận cứ chạy quanh bàn hoài.
Vân Tuệ thấy vậy cười khì một tiếng đỡ lấy thanh kiếm xem cả thanh đoản kiếm chỉ dài độ hai thước ba tấc thôi.
Nhưng hình dáng rất cổ kính, cán và bao kiếm đều đỏ như màu máu, cán chỉ có ba tấc thôi, một bên khắc hai chữ "Đơn Huyết" còn bên kia khắc bốn chữ "Đơn Tâm Tử Trú".
Vân Tuệ bấm cái chốt dưới cán, rút lưỡi kiếm ra khỏi bao nhưng mới rút được độ một tấc ánh sáng đỏ của thân kiếm đã chiếu sáng cả căn phòng.
Uyên nhi vỗ tay la lớn, Vân Tuệ cũng kinh dị hết sức, nhanh tay rút kiếm ra khỏi bao. Ánh sáng kiếm không những làm sáng tỏ cả căn phòng mà tia sáng cứ có giãn luôn luôn. Nàng còn cảm thấy thân kiếm rung động hình như muốn bay đi vậy. Nàng biết thanh kiếm này lâu năm, đã thông linh, không muốn để cho người giá ngự nên nàng vội vận công, dùng sức nắm chặt lấy nó.
Uyên nhi không biết trời cao đất rộng gì cả, thấy thân kiếm rung động hoài và thấy tia sáng của mũi kiếm co giãn luôn luôn, có lúc dài tới nửa thước, tưởng là trò chơi thích thú vội giơ tay ra sờ mó.
Ngờ đâu, tay nó chưa đụng tới Vân Tuệ đã định quát bảo thì cán kiếm đột nhiên đẩy mạnh một cái, đã rạch đầu ngón tay Uyên nhi chảy máu liền.
Uyên nhi với Vân Tuệ cùng kinh hoàng la lớn. Uyên nhi vội rút tay lại, Vân Tuệ cũng đột nhiên mất hết hơi sức.
Thanh bảo kiếm dính một chút máu tanh, tia sáng ở đầu kiếm đột nhiên vươn dài ra. Nhân lúc Vân Tuệ cầm không vững, nó tự giằng mạnh một cái nhảy ra khỏi tay nàng và bắn thẳng về phái Uyên nhi.
Vân Tuệ thấy vậy thất thanh la lớn một tiếng "ối chà".
Nàng vừa kêu vừa vươn tay dùng môn Nhân Quang Túc Ảnh để bắt lấy thanh kiếm, nhưng nàng không sao bắt nổi thanh kiếm ấy.
Uyên nhi đang kinh hãi và đau tay bỗng thấy thanh kiếm nhằm mình phi tới càng sợ hãi thêm, nhưng nó vẫn giơ chiếc tay chảy máu đó lên đỡ. Không hiểu nó làm thế nào mà lại nắm được cán kiếm.
Thanh bảo kiếm vừa lọt vào tay nó, những tia sáng ở mũi kiếm bỗng biến mất và ánh sáng ở thanh kiếm tỏa ra bỗng thành màu hồng sẫm và cũng không thấy nó rung động sút ra khỏi tay Uyên nhi.
Tất cả những chuyển xảy ra liên tiếp đó chỉ trong nháy mắt thôi.
Vân Tuệ thấy mình không bắt nổi thanh bảo kiếm đã lo âu kinh hoàng hết sức, nhưng chỉ trong nháy mắt nàng đã thấy sự thay đổi một cách kỳ lạ có thể nói là kỳ tích được.
Vì tuổi lớn hơn và công lực mạnh như thế mà nàng không chế ngự nổi thanh bảo kiếm. Uyên nhi không biết võ công gì cả lại thu phục nổi, như vậy chả là kỳ tích là gỉ?
Nàng ngơ ngác giây lát, thấy ngón tay Uyên nhi vẫn còn chảy máu vội đưa bao kiếm cho chàng nói:
- Để chị đi lấy thuốc băng bó cho, hiền đệ mau cất thanh quái kiếm này đi, đừng để nó chém phải nơi khác không phải là chuyện đùa đâu.
Nói xong nàng nhanh nhẹn đi vào trong phòng lấy thuốc và vải ra để băng bó cho Uyên nhi.
Vân Tuệ ra tới nơi thấy Uyên nhi không nghĩ gì đến vết thương đang chảy máu mà lại còn vui vẻ hai tay cầm cán thanh bảo kiếm cứ múa may quay cuồng hoài.
Nàng vừa thương, vừa buồn cười và phải thán phục đứa trẻ bạo gan. Nàng tới gần, cắm bao kiếm vào thân thanh kiếm rồi để thanh bảo kiếm trên bàn. Nàng ngồi xuống ghế, kéo Uyên nhi lại gần băng bó và cho nó uống thuốc. Sự thật nàng nhận kỹ vết thương không nặng lắm. Tuy chảy khá nhiều máu nhưng ngón tay giữa chỉ bị hơi sướt một chút do thôi.
Nàng băng bó cho Uyên nhi xong, dặn bảo nó phải cẩn thận đừng có nhúng tay bị thương đó vào nước và cũng đừng bỏ miếng vải nơi tay ra.
Uyên nhi vâng dạ và cầm thanh bảo kiếm lên đùa nghịch.
Vân Tuệ thấy Uyên nhi yêu thanh đoản kiếm như vậy liền khuyên bảo rằng:
- Tiểu đệ đừng có đùa nữa, đằng nào thanh bảo kiếm cũng là của hiền đệ rồi. Chờ khi nào đệ học biết xong kiếm pháp, lúc ấy đệ sẽ đem nó ra sử dụng có hơn không? Bây giờ tiểu đệ hãy còn nhỏ, không nên nghịch những võ khí sắc bén này. Để chiều hôm nay chị lấy trúc làm thành một thanh trúc kiếm cho tiểu đệ nhé, chẳng hay tiểu đệ có bằng lòng không?
Uyên nhi mừng rỡ vô cùng, vâng dạ luôn mồm. Lúc ấy, vú Triệu đã bưng cơm ra. Trông thấy những đồ trên bàn và những giọt máu tươi, vú kinh hoàng la lớn:
- Làm gì thế, Tuệ tiểu thư? Tay của cậu bé làm sao lại bị thương như vậy?
Vân Tuệ kể rõ mọi nguyên nhân cho vú Triệu, vú hoảng sợ miệng luôn niệm Phật rồi nói tiếp:
- A di đà Phật, cậu bé phải cẩn thận mới được, tục ngữ có câu: "Đao thương không có mắt", nhỡ nó đâm phải chỗ khác có phải nguy hại không? Từ giờ trở đi, cậu đừng có nghịch nữa nhé.
Nói xong, vú ta bày thức ăn lên bàn, đau xót cầm tay của Uyên nhi lên xem.
Ngờ đâu, Uyên nhi không coi vết thương đó vào đâu cả, cười khúc khích nói:
- Vú Triệu, không sao đâu. Vú ngồi đây ăn cơm với chúng tôi nhé.
Vú Triệu thấy nó không có vẻ gì đau đớn mới yên tâm và lắc đầu, rồi vú dọn cái hòm sang một bên, lau chùi các vết máu trả lời:
- Cậu ăn với chị trước, vú có việc bận, lát nữa ăn cũng được.
Nói xong, vú đi xuống nhà bếp luôn. Uyên nhi liền ngồi vào ăn cơm nhưng nó vừa ăn vừa nghịch cái chuôi sắt. Ngờ đâu, nó vừa lật một miếng lên xem đã kinh hãi la lớn:
- Chị Tuệ, chị xem, trên mặt miếng sắt này còn có chữ nữa.
Vân Tuệ để vội bát cơm xuống, cầm những miếng sắt nhỏ đó lên xem từng miếng một.
Càng xem càng ngạc nhiên vì nàng không thấy một miếng nào có chữ cả, lại tưởng Uyên nhi nói đùa liền trách mắng:
- Tiểu đệ đừng có nói bậy, làm gì có chữ nào?
Uyên nhi chỉ tay vào miếng thứ nhất và đáp:
- Miếng này chả có chữ là gì? Trên đó đề bốn chữ "Đơn Thư Thiết Quyển" sao chị bảo là không?
Vân Tuệ cúi đầu xem lại miếng sắt đó, chỉ thấy nó đen nhánh chứ không thấy một chữ nào cả.
Nàng không tin Uyển Nhi trông thấy chữ mà mình lại không? Nàng lại giở miếng thứ hai ra xem, nhưng cũng không thấy chữ nào hết. Nàng cau mày nhìn Uyên nhi và hỏi tiếp:
- Thế trên miếng này có chữ không?
Uyên nhi ngạc nhiên vô cùng vội đáp:
- Có, sao chị bảo là không? Chị không thấy sao?
Vân Tuệ ngơ ngác lắc đầu, Uyên nhi chỉ tay vào những hàng chữ và lớn tiếng đọc:
"Đơn Thư Huyết Kiếm, sản xuất từ đời Tần, tạm niêm phong trong hòm sắt, trầm xuống dưới đáy biển, khi nào nó ra đời, được trông thấy mặt trời, nó sẽ làm rạng rỡ Thần Châu, chấn võ lâm". Đấy chị không thấy sao? Đó chẳng phải là một bài thơ là gì?
Lúc này Vân Tuệ không thể nào không tin trên mặt những miếng sắt đó không có chữ, nhưng nàng rất lấy ngạc nhiên tại sao mình lại không trông thấy. Nàng ngơ ngác nhìn Uyên nhi bụng bảo dạ rằng:
- Thằng nhỏ này cái gì cũng khác thường, chắc nó thể nào cũng có một lai lịch rất lớn, trên đơn thư này, có ghi rõ kiếm sản xuất từ đời Tần ngày xưa, người viết cuốn thư này để lại làm một vị tiên tri nên ông ta mới đoán biết nó sẽ ra đời vào lúc này, đủ thấy người đó chẳng những thần thông quãng đại lại phải có duyên với Uyên nhi, bằng không sao những chữ ở trên miếng sắt chỉ một mình Uyên nhi mới trông thấy thôi?
Người thời bấy giờ rất mê tín. Vì Vân Tuệ không biết hai mắt Uyên nhi đã bôi qua nước trái Kình châu nên mới trông thấy rõ, nàng lại tưởng người để lại cuốn thư này làm bùa phép, chỉ để cho một mình Uyên nhi trông thấy những chữ ấy thôi.
Uyên nhi thấy Vân Tuệ cau mày suy nghĩ không trả lời cứ tiếp tục ăn cơm và giở những miếng sau ra xem. Nó thấy trong đó cũng nhiều miếng vẽ những hình người, nó mừng rỡ vô cùng la lớn:
- Chị Tuệ, chị xem, trong này còn vẽ cả hình người nữa.
Vân Tuệ thấy nó kêu nên nàng lơ đãng vừa ăn cơm vừa đáp:
- Tiểu đệ, chị không xem đâu, tiểu đệ xem một mình đi. Chị chắc cuốn bí thư này thế nào cũng là một bí kíp của một pho võ công. Người viết cuốn thư có ý trầm nó xuống đáy biển và hình như ông ta biết ngày nay tiểu đệ thế nào cũng lượm được, nhưng xem dụng ý của ông ta thì hình như không muốn để cho người khác học lõm cho nên chữ trên đó người khác không sao trông thấy được mà chỉ để cho một mình tiểu đệ trông thấy thôi. Như vậy chúng ta là hậu bối, không nên trái ý của tiền nhân. Từ này trở đi, hiền đệ cứ theo hình vẽ trong đó mà cẩn thận học tập, nhờ những võ công ghi ở trong đó, sau này, hiền đệ sẽ tiến bộ rất nhanh chóng và sẽ trở nên một vị đại anh hùng chứ không sai.
Uyên nhi nghe nói mừng rỡ vô cùng, lại giở lại tờ đầu đọc kỹ lưỡng thêm. Nhưng nó chỉ đọc hai tờ, Uyên nhi nói:
- Chị Tuệ, em đọc xong bài tựa đó mới biết Đơn Tâm Tử, người để lại cuốn thư này tài ba võ lâm, võ công lợi hại không thể tả được.
Vân Tuệ sợ phạm phải sự cấm kỵ của người để lại cuốn thư đó. Tuy vậy nàng vẫn muốn biết lai lịch của cuốn thư đó nên khi nàng nghe Uyên nhi nói như vậy vội hỏi lại ngay:
- Đơn Tâm Tử là ai? Có phải là người để lại cuốn thư này không? Uyên đệ, mau kể lại cho chị nghe đi.
Uyên nhi mừng rỡ kể rõ những chuyện trong bài tựa cho nàng nghe:
- Chị Tuệ nói phải, Đơn Tâm Tử chính là người để lại hai cuốn thư. Ông ta sinh ở thời Chiến Quốc, là đồ đệ của Lý Nhĩ, thủy tổ Đạo gia, được Lý lão tổ truyền cho cách luyện đơn, cương khí và kiếm thuật. Ông ta ở núi Hàn tại Tề Lỗ. Khổ tâm tu luyện không biết bao nhiêu năm mới luyện thành Huyền Thiên Cương Khí rồi lại diễn hóa nó thành Đơn Thiết thần công. Vì thần công này mà ông đã dùng ba vị chân hỏa đơn điền huyết khí hợp với sắt thần của Hàn sơn luyện thành bảo kiếm Đơn Huyết này...
Nó chỉ vào thanh kiếm để trên bàn tiếp:
- "Mục đích luyện thanh Đơn Huyết này không phải dùng để giết người mà là muốn giết chết năm con nghiệt long đang tác quái ở miền Đông Hải. Vì vậy sau khi luyện xong bảo kiếm, Đơn Tâm Tử liền rời Hàn sơn, đi thuyền ra bể tìm kiếm sào huyệt nghiệt long nhưng không ngờ năm con nghiệt long ấy rất lợi hại, ông ta đấu với chúng luôn ba ngày đêm vẫn không đả thương được con nào, suýt nữa còn chúng nuốt sống. Ông ta tức giận vô cùng liền lên một cái đảo hoang gần đó tái luyện kiếm pháp. Ông ta bắt chước hình dáng đấu tranh của các loài phi cầm, tẩu thú để bổ túc thân pháp bay nhảy của năm con nghiệt long, nên ông ta mới nghiên cứu thành Đơn Huyết Đồ Long thập cửu thức rồi ông ta quay lại đấu với năm con nghiệt long ấy. Lần này quả nhiên ông đã thành công, giết sạch cả năm con nghiệt long một lúc. Sau đó ông lấy Lệ châu và nội đơn của chúng đem về Hàn sơn, dùng nội đơn đó phối hợp với linh dược luyện thành chín viên Xích Long hoàn. Ông ta chỉ ăn hai viên đã phi thăng thành tiên liền.
Nhưng trước khi ông ta lên tiên, vì không muốn mai một tuyệt học và linh dược của mình nên mới dùng những miếng sắt này ghi lại môn kiếm thuật đó và dùng những miếng trúc này ghi lại thần công y thuật rồi đem Lệ châu, Kiếm thư và hai pho sách đó niêm phong kỹ lưỡng vào trong hòm sắt và trầm xuống dưới đáy bể, mong sau này người có duyên nào mạo hiểm vớt hòm sắt lên lãnh hội được những di tích ở trong hòm để tế thế cứu người".
Vân Tuệ nghe đến đó ngẩn người ra, trong đầu óc tưởng tượng một người đấu với năm con rồng như thế nào. Nàng càng kính phục thêm nên nghiêm nghị nói với Uyên nhi tiếp:
- Uyên đệ đã lượm được hòm sắt này đủ thấy phúc duyên của hiền đệ rất thâm hậu. Từ giờ trở đi hiền đệ phải gắng công học tập hai cuốn kỳ thư này. Như vậy mới không phụ lòng của Đơn Tâm Tử lão tiền bối.
Uyên nhi thấy Vân Tuệ nói thận trọng như vậy không dám cười nữa mà cũng nghiêm nghị đáp:
- Chị Tuệ, thế nào em cũng nghe lời chị mà cố công học tập để sau này làm việc lớn và cũng để cho Đơn Tâm Tử tiền bối ở trên trời được vui mừng. Như vậy chị đã vui lòng chưa?
Vân Tuệ hớn hở gật đầu, cầm cái ống sắt bẹt lên để vào mũi ngửi và hỏi:
- Có lẽ Lệ châu và Xích Long đơn để ở trong này cũng nên.
Trong bài tựa có nhắc đến cách uống thuốc không?
Uyên nhi gật đầu đáp:
- Trong bài tựa có nói, Xích Long đơn là một thứ thuốc nóng như lửa cần phải luyện thành công sơ bộ Huyền Thiên Cương Khí trước, hiểu biết cách điều tức vận hơi rồi mới uống nó được. Bằng không uống nó vào bụng mà không biết vận khí để dẫn hơi nóng đi khắp người sẽ chết thiêu ngay.
Nghe lời đó, Vân Tuệ đặt cái ống đồng bẹt xuống. Uyên nhi thấy vậy suy nghĩ giây lát rồi lại nói tiếp:
- Chị Tuệ, có phải chị đã biết cách vận khí điều hơi rồi không? Nếu vậy chị hãy ăn một viên trước đi. Đệ dám chắc ăn xong viên thuốc ấy, thế nào thành công cũng nhanh chóng hơn bây giờ nhiều.
Vân Tuệ nghe thấy Uyên nhi nói như vậy đã lăm le muốn ăn ngay nhưng sau nàng nghĩ lại vội đáp:
- Để chờ khi nào hiền đệ luyện thành công môn Huyền Thiên Cương Khí đã, lúc ấy chúng ta cùng ăn một thể cũng chưa muộn. Thôi đừng nói chuyện nữa, mau ăn cơm đi. Ăn xong chúng ta còn phải luyện võ công.
Uyên nhi cũng nóng lòng học tập võ công trong cuốn Đơn Thư Thiết Quyển nên nó nghe thấy Vân Tuệ nói như vậy vội và mấy miếng ăn xong bát cơm ấy liền cầm đơn thư định mở ra xem tiếp.
Vân Tuệ vội ngăn cản và ôm hết Thiết Quyển, miếng trúc, ống sắt và bảo kiếm lên và nói tiếp:
- Uyên đệ lại đây, chị đưa Uyên đệ vào trong thư phòng. Từ nay trở đi, hiền đệ ở luôn trong đó, không những có thể nghiên cứu và học tập hai bộ sách ấy mà lúc nhàn rỗi hiền đệ lại còn được giở những cuốn sách ấy xem nữa.
Thư phòng ở phía bên trái của đại sảnh, đối diện với phòng ngủ của Vân Tuệ. Uyên nhi theo nàng vào trong thấy phòng đó hai mặt đông nam đều có cửa sổ lớn, ánh sáng đầy đủ, cạnh cửa sổ lại có hai cái bàn học, còn sát vách bên phía tây có để một tủ sách lớn, trong đó lại có hàng nghìn cuốn sách đủ hết các loại, bên phía bắc, nơi giáp tường có một cái sập nhỏ bằng đá trên chứa trải chiếu đệm gì hết.
Vân Tuệ để hai bộ sách bằng sắt miếng và bằng mảnh trúc lên trên bàn để bảo kiếm lên trên đầu tủ, bỏ ống sắt vào trong hộc tủ. Nàng vừa làm việc vừa nói:
- Uyên đệ, phòng này là phòng ngủ xưa kia của sư phụ chị. Hiện giờ tuy nhường cho hiền đệ nhưng hiền đệ không được nghịch ngợm. Nếu những sách nào có chữ khó hiểu hiền đệ cứ việc tra khảo cuốn Thuyết Văn Giải Tự trong tủ. Bằng không, hiền đệ cứ viết vào giấy, để hỏi chị còn các việc lặt vặt đã có vú Triệu làm hết.
Uyên nhi vâng lời, Vân Tuệ đi ra bên ngoài một lát, lúc trở vào đã ôm chăn gối, màn chiếu và trải cho nó hẳn hoi mới đi ra chỗ luyện võ công. Uyên nhi tuy vẫn còn tính trẻ con tinh nghịch nhưng trải qua mấy ngày sóng gió, giờ đây nó đã già dặn hơn trước nhiều. Hơn nữa, mới đọc Đơn Thư Thiết Quyển, nó nhận thấy những võ công giống hệt những cái mình đã nằm mơ nên nó mừng rỡ vô cùng, chỉ muốn đọc hết ngay trong chốc lát.
Vì vậy mà nó càng đứng đắn thêm, một mình lẳng lặng đọc hai cuốn sách ấy.
Nó thành kính ngồi ở trước bàn, lật qua bài tựa, bắt đầu xem từ bài chính. Trang thứ nhất của bài chính tên là Huyền Thiên Cương Khí nhập môn. Nhưng chữ trong đó rất khó hiểu có một bức hình vẽ tọa công để dạy cách luyện tập nhưng ý cũng không sao biết rõ được. Thế rồi cứ lớn tiếng học thuộc lòng.
Bế mục minh làm tọa.
Ốc cổ nghênh tư thầm.
Minh sỉ tam thập lục.
Song thủ bão Côn Luân.
Tả hữu minh thiên cổ.
Tạo hóa đạt càn khôn.
Dịch nghĩa:
Nhắm mắt tĩnh tâm ngồi Nắm cho vững tinh thần và tư tưởng Hai hàm răng ba mươi sáu chiếc cùng để lộ Hai tay ôm như hình núi Côn Lôn Hai tay đấm như gõ trống trời Sự thành công của tạo hóa thắng cả trời đất Bài khẩu quyết nhập môn ấy rất dễ học thuộc, Uyên nhi chỉ đọc hai lượt đã thuộc liền, nhưng nó không hiểu nghĩa những danh từ như Côn Lôn, Thiên Cổ, Càn Khôn v. v. Vì những chữ đó không những nó chưa học qua bao giờ mà cũng không hề nghe thấy ai nói tới.
Nó rất thất vọng, thở dài một tiếng, bỏ cuốn sách sang bên, lại giở cuốn viết trên những miếng tre ra xem, thấy chữ viết trên đó được viết theo lối chữ triện, nhưng lối chữ này không làm khó dễ được nó vì khi ở nhà nó đã được người bác thứ tám dạy cho.
Nó thấy trang thứ nhất chỉ viết có bốn chữ Thần Nông Y Giản. Trang thứ hai thì chữ viết rất nhỏ, tuy bên trong có vẽ cả hình những cây thuốc nhưng cuốn này nó dễ hiểu hơn.
Uyên nhi đọc thử từng câu một. Vì dễ hiểu nên nó thích lắm. Đến giữa trưa, nó đã đọc được một phần tư rồi.
Vân Tuệ vào phòng nó gọi ăn cơm. Trong bữa ăn, nó đem những chữ khó hiểu trong bài khẩu quyết nhập môn ra hỏi. Vân Tuệ nhất nhất giải nghĩa những câu đó cho Uyên nhi nghe.
Chiều hôm đó, nó quay trở lại trong thư phòng, nghiên cứu cuốn Đơn Thư Thiết Quyển quả thấy dễ hiểu hơn trước nhiều.
Thế rồi từ ngày thứ hai trở đi, mỗi ngày hai lần, Uyên nhi luyện môn Huyền Thiên Cương Khí nhập môn, còn những thì giờ khác thì nó nghiên cứu Thần Nông Y Giản và các sách vở để ở trong tủ.
Vân Tuệ thấy nó chăm chỉ như vậy, hàng ngày không bước chân ra ngoài cửa và cũng không đùa nghịch gì cả, trong lòng vừa thương hại, vừa yêu mến. Nàng thường dẫn nó đi quanh cù lao để du ngoạn.
Đồng thời, nàng lại giới thiệu cho nó quen biết mười mấy nhà nông ở quanh đó, bảo nó lúc nào cần cứ việc kiếm những trẻ ở đấy đùa giỡn cho vui, nhưng tánh Uyên nhi lạ lắm, suốt ngày chỉ thích đọc sách thôi chứ không thích đi đâu cả.
Ngoài ra nó lại chăm chỉ luyện võ chứ nó không thích du hí một cách vô ích và cũng không nghĩ tới việc trở về nhà nó nữa.
Mười ngày sau, nó đã bắt đầu luyện tập tĩnh tọa điều tức được rồi.
Phương pháp này chia làm năm bộ như sau: Chính khu, điều tức, không tâm, chỉ niệm và thủ khiếu.
Vân Tuệ giải thích cho nó nghe thế nào là không tâm và chỉ niệm nhưng chỉ cần giảng giải một lần là nó hiểu ngay.
Thế rồi, mỗi ngày nó tĩnh tọa một thời gian. Một tháng sau, nó mới luyện tập tới mức ngồi yên không nghĩ ngợi tí gì trong một tiếng đồng hồ. Còn thủ khiếu là cái gì? Thủ khiếu là tập trung sức chú ý vào bất cứ một yếu huyệt nào trong người. Trong người có nhiều yếu huyệt lắm. Người mới học phần nhiều tập trung vào trong yếu huyệt Đan điền trước rồi lên dần cho tới khi luyện lên đến yếu huyệt trên đỉnh đầu mới hoàn toàn thành công.
Thời giờ thấm thoắt thoi đưa, thoáng một cái mà đã ba tháng trôi qua. Trong ba tháng đó, Uyên nhi với Vân Tuệ suốt ngày gần gũi nhau, hai người đã nẩy nở một tình cảm rất sâu đậm. Tuy mỗi người luyện tập võ công ở một nơi nhưng lúc nào nàng cũng quan tâm tới sự luyện tập của Uyên nhi. Nàng không những giảng giải những chữ khó hiểu cho Uyên nhi nghe mà còn làm hết những việc vặt cho nó nữa. Chứ không bao giờ để vú Triệu làm cả. Sở dĩ nàng làm như thế là lấy lý do vú Triệu tuổi đã già làm việc không được nhanh nhẹn và cũng không nên làm việc quá nhiều như thế.
Sự thật nàng đã quá yêu Uyên nhi và trong lòng nàng đã nảy sinh tình yêu như một người mẹ mà không hay. Còn Uyên nhi không những rất yêu chị Tuệ mà còn rất tôn kính nàng.
Nó coi nàng như sư phụ vậy cho nên nàng bảo gì nó cũng tuân theo không dám nói nửa lời.
Trong ba tháng đó, Uyên nhi tiến bộ đến kinh người. Nó đã hoàn thành môn nhập môn và đã bắt đầu luyện đến môn thứ hai. Môn thứ hai là lấy thần dẫn độ khí và cũng là thuật vận khí. Theo trong Đơn Thư Thiết Quyển giải thích thì trong thân thể người ta chia ra làm lục quan, mỗi quan có sáu từng.
Như vậy có tất cả là ba mươi sáu lớp, lúc phá quan phải thuận tiền, hậu, thượng, hạ, tả và hữu, tuần tự nhi tiến, xông phá từng lớp một, phải tốn mất cả hai trăm sáu mươi ngày mới xong.
Từ khi Uyên nhi ăn xong năm trái Kình châu rồi, linh khí của những trái Kình châu đã đột phá hộ nó sáu mạch quan khẩu. Nên khi nó luyện tập môn này, chỉ hơi vận khí một chút là xông qua được ba mươi sáu tầng lớp liền.
Mừng rỡ vô cùng, vội chạy ra báo cho Vân Tuệ hay, Vân Tuệ cũng ngạc nhiên vì môn nội công này người khác phải luyện đủ hai năm mười sáu ngày mới thành công mà nó chỉ tập có một buổi sáng đã thành công liền. Sau nàng mới nghĩ ra là nó đã ăn được những trái Kình châu.
Nhưng vì thận trọng, nàng dặn bảo Uyên nhi vẫn phải luyện tập đủ hai trăm mười sáu ngày mà từ từ luyện. Nàng sợ nó không nghe theo lời, lén học thuộc lòng môn thứ ba bèn đem cuốn Đơn Thư Thiết Quyển vào trong phòng mình để ý khỏi sao nhãng sự luyện tập.
Thời giờ thoi đưa, hết mùa đông đến mùa xuân, khi Uyên nhi vừa tập đủ số ngày thì đã tới đầu mùa hạ rồi. Trong gần một năm trời đó, nó nhất tâm nhất khí luyện phương pháp điều tức của Huyền Môn Cương Khí và đã tinh xảo tột độ. Đồng thời, nó cũng đã cao lên rất nhiều, đầu nó đã tới vai của Vân Tuệ rồi. Nó lớn không sao nhưng chỉ tội nghiệp cho Van Tuệ cứ phải may quần áo cho nó luôn.
Nó thấy Vân Tuệ bận rộn như vậy trong lòng không yên chút nào nên vẫn thường xuyên đề nghị với nàng nên may lớn rộng hơn một chút đề khỏi phải may luôn như vậy.
Mùa hè năm sau, Vân Tuệ đếm đốt ngón tay mới hay đã đến ngày giờ phải luyện tập đến pho võ công thứ hai rồi nên nàng đem cuốn Đơn Thư Thiết Quyển trả cho Uyên nhi và bảo tự xem lấy. Thế là Uyên nhi lại bắt đầu luyện tập chương thứ ba.
Nội dung của chương này phức tạp lắm, bên trong chia ra làm nội ngoại và khinh ba bộ và cần phải luyện tập cả ba môn một lúc, nội công tức là Huyền Thiên Cương Khí. Mỗi ngày phải luyện tập hai tiếng đồng hồ, hai giờ đó là Tý và Ngọ, luyện tới khi nào máu với thịt dung hòa với nhau và muốn dồn cương khí tới đâu cũng được và khiến bắp thịt được cứng rắn như gang thép và có thể làm cho mềm như bông, lúc ấy mới gọi là hoàn thành. Muốn có thành tích như trên phải mất mười năm mới có thể thành công được. Vì vậy cuối chương tác giả có dặn người được cuốn sách này lúc nào bắt đầu học phải uống một viên thuốc Xích Long hoàn.
Còn ngoại công là một pho chưởng pháp có cả thảy bảy thức, mỗi thức ba thế, cộng tất cả là hai mươi mốt thế.
Về mặt khinh công có ba thân pháp, một là Tùy Ba Trục Lưu (theo gió đuổi dòng nước), hai là Phục Điện Chu Phong (nằm phục xuống đất đuổi gió), thứ ba là Thiên Cơ bộ (bước đi thiên cơ).
Hai thân pháp đầu là dùng để chạy nhảy còn Thiên Cơ bộ là dùng đề khi đối địch phối hợp với Huyền Thiên chưởng.
Ngày hôm đó, Uyên nhi học thuộc lòng khẩu quyết xong liền mời Vân Tuệ vào để uống Xích Long hoàn.
Từ khi ăn Kình châu tới giờ, một năm nay võ công nội lực của Vân Tuệ gia tăng gấp bội. Thiên Địa Cương Khí của nàng đã luyện tới mức sáu thành hỏa hầu rồi nên nàng không uống Xích Long hoàn nữa mà muốn để cho Uyên nhi dùng thôi.
Ngờ đâu, Uyên nhi nhất định không chịu, bắt Vân Tuệ phải uống với mình cùng một viên.
Vân Tuệ không nỡ phật lòng Uyên nhi nên đành phải nhận lời. Uyên nhi cả mừng lấy cái hộp sắt ở trong hộc tủ ra.
Hộp sắt vừa bẹt vừa dài chưa hề mở bao giờ. Uyên nhi lấy cái hộp ra rồi dùng dao nhỏ nạo hết sáp niêm phong hộp đi, vừa mở nắp ra một cái trong phòng đã sáng hồng như cháy nhà vậy.
Trong hộp có xếp mười hai hạt châu to bằng trái long nhãn trong đó có năm hạt ánh sáng lóe làm chói mắt Uyên nhi và Vân Tuệ. Còn bảy viên kia cũng màu đỏ nhưng vì có bao sáp bọc ngoài nên không có ánh sáng tỏa ra.
Uyên nhi biết những cái có sáp bọc ngoài mới thật là Xích Long hoàn còn những cái ánh sáng tỏa ra là Xích Long Lệ châu, chỉ là báu vật dùng để xem thôi chứ không ăn được. Nó lấy một viên thuốc và một hạt châu đưa cho Vân Tuệ, còn nó thì lấy một việc thuốc ra để sửa soạn ăn.
Vân Tuệ cầm hạt châu lên coi một hồi, hình như trong hạt châu có hình bóng một con rồng xanh trong giống rồng sống nằm trong hạt châu vậy. Nàng thích thú lắm bỏ luôn hạt châu đó vào trong túi, Uyên nhi liền giục nàng uống thuốc.
Hai người cùng bóc bao sáp ra, mùi thơm tỏa ra ngào ngạt cả căn phòng. Hai người đều khen ngợi thầm và cho vào miệng uống rồi xếp vòng tròn điều tức ngay.
Hai người cùng cảm thấy Xích Long hoàn vào đến cổ họng đã tan liền theo nước bọt xuống thẳng Đan Điền và hóa thành một luồng hơi nóng như thiêu. Hai người không dám trì hoãn vội chuyển vận chân khí đưa luồng hơi nóng đó vào trong các kinh mạch.
Thế là hai người tựa như ngồi trong đống lửa khó chịu hết sức. Hai người nghiến răng mím môi cố gắng chịu đựng một lát sau hơi nóng đó đẩy được mồ hôi ra ngoài, quần áo của hai người ướt đẫm như tắm.
Trải qua không biết bao lâu sau, hơi nóng trong người mới dịu dần, quần áo cũng khô hẳn. Hai người từ từ thức tỉnh cảm thấy chân khí trong người dồi dào vô cùng, mắt sáng sủa, đầu óc minh mẫn, rất nhẹ nhõm và kình lực hình như mạnh vô cùng.
Uyên nhi nhìn Vân Tuệ thè lưỡi một cái và xuống đất trước. Ngờ đâu, nó vừa hoạt động một cái, đã thấy tất cả các khớp xương trong người kêu lốp bốp như bắp rang vậy. Nó rờ tay vào sau lưng với dưới mông mới hay áo và quần đã nứt một đường khá dài.
Vân Tuệ cười khì một tiếng mới đứng dậy, ngờ đâu nàng cũng như vậy, nhưng may thay áo và váy của nàng khá rộng chứ không như áo quần của Uyên nhi nhưng nàng cũng hổ thẹn đến hai má đỏ bừng.
Uyên nhi cười khanh khách, Vân Tuệ lườm nó một cái rồi chạy thẳng về phòng thay đổi áo trong xong thì đã thấy Uyên nhi mặc bộ quần áo chật ních chạy vào mặt méo mó như khóc, nói với mình rằng:
- Chị Tuệ, chị nhìn xem, quần áo của em chật rồi biết làm sao đây.
Vân Tuệ kinh ngạc vô cùng nhìn nó một hồi rồi lại nhìn mình mới hay cả hai đều cao lớn lên rất nhiều. Nàng bụng bảo dạ rằng:
- "Xích Long hoàn linh nghiệm thực".
Nghĩ đoạn nàng an ủi Uyên nhi:
- Không sao, hiền đệ khỏi lo. Chị cắt ngay hai bộ quần áo mới cho hiền đệ liền. Hiền đệ cứ ra ngoài chơi một chút là sẽ có đồ mới ngay.
Uyên nhi vâng lời đi đến cạnh nàng đo thử xem. Nó cả kinh la lớn:
- Chị Tuệ sao chị cũng lớn nhiều như thế? Bằng không sao em cũng chỉ cao đến tai chị thôi?
Vân Tuệ rất nhu mì cười vỗ vai Uyên nhi:
- Chả lẽ chỉ có một mình hiền đệ được phép lớn còn chị không được lớn sao?
Uyên nhi giơ tay ôm ngang lưng nàng một cái và rúc đầu vào lòng nàng nũng nịu:
- Có bao giờ đệ bảo cấm chị lớn đâu? Đệ cũng kinh ngạc tại sao hai ta cùng lớn như vậy?
Vân Tuệ thấy nó nói thế bỗng lòng trào dâng một cảm giác kỳ lạ mà từ xưa tới nay nàng chưa hề thấy bao giờ. Bỗng dưng hai má nàng đỏ bừng vội đẩy Uyên nhi ra và bảo đừng nói nữa.
Uyên nhi rụt đầu thè lưỡi ngây thơ vội chạy ra phòng ngay.
Vân Tuệ ngồi một mình ngẩn người ra giây lát mới bắt đầu cắt áo cho Uyên nhi Từ đó trở đi, Uyên nhi quyết tâm luyện tập chương thứ ba của Đơn Thư Thiết Quyển tới đúng một năm, nó học xong võ công của chương này.
Trong suốt một năm đó, chỉ có buổi sáng là nó ở trong nhà thôi còn những giờ khác nó đều ở bên ngoài luyện tập. Vì luyện tập khinh công với chưởng pháp phải ở bên ngoài rộng rãi mới luyện tập được, cho nên tảng đá lớn rộng phía sau nhà là chỗ nó với Vân Tuệ hàng ngày tới luôn luôn.
Nửa năm đầu, tuy hai người cùng ra luyện ở một chỗ nhưng mỗi người luyện một thứ võ công khác nhau.
Nửa năm sau, muốn để Uyên nhi lãnh hội được tinh túy của chưởng pháp, Vân Tuệ đã thường thường đối địch với nó. Hai người không đấu thì thôi, đã đấu ít nhất cũng phải đấu trên hai tiếng đồng hồ mới xong.
Uyên nhi thông minh tuyệt thế, trí nhớ đặc biệt rất lâu, nó chỉ cần đấu với Vân Tuệ hai lần là nhớ hết những thế võ liền. Vì vậy nửa năm sau đó không những đã luyện được hai pho Huyền Thiên chưởng và Thiên Cơ bộ tới mức xuất thần nhập hóa đồng thời nó còn học lõm được khá nhiều những võ công của Vân Tuệ nữa. Nhưng về phần Vân Tuệ, nàng cũng không thiệt thòi gì cả vì Uyên nhi nài ép nàng phải theo học Huyền Thiên chưởng và Thiên Cơ bộ. Nhưng vì Vân Tuệ chưa luyện tập Huyền Thiên Cương Khí, tuy đã học hiểu Huyền Thiên chưởng nhưng không sao giở hết mười thành công lực như Uyên nhi. Còn Thiên Cơ bộ thì huyền diệu lắm và đi nhanh như điện, luyện môn này rồi không những có thể tấn công được kẻ địch mà còn có thể giữ thủ thế tránh hết những thế công của kẻ địch nữa. Nhưng nói về công lực tuy Uyên nhi đã luyện được bảy thành hỏa hầu của môn Huyền Thiên Cương Khí rồi nhưng khi so tài với Thiên Địa Cương Khí của Vân Tuệ thì nó hãy còn kém một mức.
Mùa hè năm sau, lúc ấy Uyên nhi đã lên chín nhưng nó lớn chóng lắm, người nó đã cao như một thanh niên mười bảy tuổi rồi.
Đồng thời về mặt võ công, nó đã luyện đến một mức, nếu lúc này nó hành đạo giang hồ, tuy chưa thể nói chuyến nào cũng thắng nhưng đã liệt vào hạng cao thủ võ lâm rồi. Vì nó chưa đấu với người thứ ba nên nó chưa bết công lực của mình tiến bộ đến mức nào.
Uyên nhi bắt đầu luyện tới chương thứ tư của Đơn Thư Thiết Quyển, còn Vân Tuệ vẫn luyện Thiên Địa Cương Khí. Chương thứ tư là chương cuối cùng của cuốn sách và cũng là tinh hoa của toàn thư. Bên trong môn võ công chủ yếu là Đơn Thiết thần công, còn Đơn Tâm Đồ Long thập cửu thức kiếm pháp, Phi Long cửu thức khinh công Đơn Thiết chỉ và Đơn Thiết chưởng làm phụ.
Hồi trên đã nói Đơn Thiết thần công là Đơn Tâm Tử biến hóa Huyền Thiên Cương Khí mà sáng tạo thành, lợi hại vô cùng, không những có thể trở thành thân Kim cương không sao hủy hoại được và lại có thể khiến chân khí của bổn nhân hóa vô hình thành hữu hình và còn luyện thành một nội đơn to bằng hạt đạn phun ở trong mồm ra hay tự phát ra đầu ngón tay hoặc gang bàn tay muốn thâu ra hay bớt vào tùy theo ý muốn của mình, dùng nội công ấy đả thương người cách xa mình mười trượng kẻ địch sẽ chết không hay, không khác gì một ám khí sống vậy.
Còn Đơn Thiết chỉ và Đơn Thiết chưởng là võ công phụ cho Đơn Thiết thần công thôi nên thần công chưa học thành không những phải dùng nó rèn luyện nội đơn do chân khí hòa thành, lại có thể phát ra chỉ phóng chưa thành hình hay chưởng lực cũng vậy. Chỉ phong và chưởng lực có thể đả thương được người cách xa mười thước.
Đơn Tâm Đồ Long thập cửu thức kiếm pháp với Phi Long Cửu Thức Đơn Tâm là Đơn Tâm Tử đã sáng chế ra đó là dùng để giết năm con nghiệt long kia, cho nên hai pho kiếm pháp và khinh công này không những lợi hại nhanh nhẹn đồng thời ở trên không cũng có thể ra tay tấn công kẻ địch được.
Vì thế mà Uyên nhi phải khổ luyện hơn một năm trời mới thành công, nhưng nói ra rất tội nghiệp vì nó thấy mãi không tiến bộ chút nào.
Vân Tuệ thấy Uyên nhi ngày đêm khổ luyện mà tiến bộ lại rất ít như thế trong lòng cũng ái ngại hộ, nàng biết thần công ấy không những khó luyện mà phải tốn rất nhiều chân khí chân lực, nếu quá mệt nhọc không những vô dụng, trái lại còn gặp phải kết quả trái lại là khác. Vì thế nàng bắt Uyên nhi phải uống thêm một viên Xích Long hoàn nữa và khuyên nó không nên dụng công qua sức như vậy vì dùng quá sức chỉ có hại chứ không có lợi gì cả.
Cũng vì thế mà nàng đã tập một chương trình cho nó học tập không những bắt nó mỗi ngày phải luyện tập cả thần công trúc giảng lẫn điển cố và cũng bắt nó phải học cả vẽ nữa. Học vẽ phải có thiên tài mới thành công, bằng không học đến trăm năm cũng không nên công trạng gì.
Uyên nhi là người kỳ tài tuyệt thế, mấy năm nay nó đã đọc hết nghìn cuốn thư ở trong tủ sách của Vân Tuệ, tuy không thể thuộc lòng hết được những cuốn sách đó nhưng nó cũng biết đại khái, hết nội dung. Thư, từ, ca phú thì môn nào nó cũng hiểu cả.
← Hồi 02 | Hồi 04 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác