← Hồi 64 | Hồi 66 → |
Lan Châu. Cam Túc.
Từ trên đỉnh núi Kỳ Liên đột nhiên xuất hiện tiếng tiêu. Âm thanh vang vọng bốn phương tám hướng, vừa hùng vĩ vừa tỏa ra bá khí.
Kỳ Liên Sơn cao chót vót. Quanh năm mây luồn bồng bềnh. Dãy núi này còn có tên gọi khác là Nam Sơn, nghĩa là rặng núi phía nam khi trông từ hành lang Hà Tây thuộc con đường tơ lụa. Kỳ Liên Sơn là một phần của núi Côn Lôn và cũng là ranh giới phân chia hai tỉnh Thanh Hải với Cam Túc tại miền trung nguyên tây bắc.
Về địa hình thì tỉnh Cam Túc bằng phẳng ở phía bắc, nhấp nhô phía nam và nằm lọt lòng giữa Thanh Hải, Nội Mông cùng vùng cao nguyên Hoàng Thổ. Đi về hướng tây bắc, Cam Túc có một đoạn tiếp giáp khu biên giới Mông Cổ. Sông Hoàng Hà là nguồn nước chủ yếu của tỉnh lỵ, dòng chảy qua Lan Châu. Dân số Cam Túc tập trung nhiều nhất là người Hồi giáo.
Các thành viên bang phái Đại Minh Triều ở Cam Túc muốn trở về Giang Nam thì phải xuống núi và đi xuyên qua Thiểm Tây, bởi vì phân đà được xây dựng lưng chừng ngọn núi Kỳ Liên này.
Không gian tuy bao la mà đầy trời mây. Tiếng tiêu hùng tráng lúc ban đầu dần dà chuyển sang sầu não. Âm điệu thê lương hòa luồng khí đông khiến nốt nhạc nghe buồn thảm cơ mà thắm thiết vượt trời cao.
Từng ngón tay khoan thai lướt trên ống tre, gương mặt cũng tỏ vẻ thản nhiên nhưng cõi lòng ôm sầu riêng bóng.
Cửu Dương đưa mắt nhìn dãy Kỳ Liên Sơn dựng thẳng đứng, vời vợi đến chọc trời. Rặng núi xanh thẳm màu chơi vơi. Đỉnh núi lẩn trong rừng dương liễu. Xen kẽ nghìn bức rèm mỏng mảnh buông nhành là hàng thông thưa thớt man man niềm nhớ. Hoàng hôn dần tím buồn nát con tim.
Không biết có bao nhiêu đêm mưa đá rơi và trời tuyết đổ, chàng lê bước chân phong trần tha phương? Đã đành chàng ôm thương nhớ ra đi từ đấy nhưng sao những khi canh tàn mỏi mòn, mắt trông thấy vầng trăng lưỡi liềm hoe nhạt lại nghe lòng man mác? Ngoài kia biển khơi dâng bao làn sóng hay miền sa mạc chứa bao cát vàng là tâm can chàng vướng bấy nhiêu sầu.
Đời hệt dòng sông. Con nước đi rồi vẫn cứ muốn trôi dạt về nguồn cội. Phải chăng chỉ để sống lại một thời quá khứ của cuộc tình đam mê thuở xưa, vào lứa tuổi xuân xanh mười bảy? Và chàng nhớ rất rõ tuổi của nàng lúc đó võn vẹn chỉ có mười ba...
...Bóng nàng ngả trên phiến đá. Nụ cười thiên thần rạng rỡ ánh xuân. Rừng chiều hoang tím bỗng bừng sáng bởi mái tóc dài thướt tha và màu da thanh khiết.
- Muội phải biết tu thân tìm hiểu chữ "tịnh" để có thể đạt tới cảnh giới tâm tại kiếm thượng thân tại kỳ trung. Vì khi thân kiếm hợp nhất thì kiếm pháp sẽ biến hóa như ý và không có điều sơ thất.
Nữ Thần Y lắng tai nghe Cửu Dương giảng giải mà có hiểu gì. Năm đó, Cửu Dương đột ngột quyết định phải dành thời gian hướng dẫn nàng võ nghệ hòng tự bảo vệ bản thân khi nguy khốn. Để "ép" sư muội bái mình làm sư, Cửu Dương lấy lý do là vì phần đông các thành viên bang phái Đại Minh Triều đều thông thạo những chiêu thức võ công cơ bản của Nam Thiếu Lâm. Còn nàng, tuy chưa phải là đương gia nhưng là một phần tử vô cùng quan trọng trong bang hội. Ngặt nỗi, nửa chiêu cũng chẳng rành. Cơ mà không thể trách nàng bởi sau khi Lâm Tố Đình nhập môn thì Sư Thái từ chối thu nhận nữ đệ tử. Nguyên căn nữ nhi tâm tình bất định nên rất khó quản giáo. Lại nữa, Nữ Thần Y suốt ngày giam mình nơi kho thuốc. Nàng thích cầm sách hơn là cầm gươm, thích bắt mạch hơn là tỉ võ.
Cửu Dương nhất mực kiên trì:
- Một khi mà tâm vô tạp niệm, minh tịnh trí diễn thì chiêu thức sẽ có sự bắt đầu tốt đẹp.
Nói tới đoạn này, chàng nhìn thoáng qua khuôn mặt trái xoan. Thấy nàng gật gù cảm thán, tay bưng cằm chăm chú tiếp thu, chàng liền giơ thanh gươm lên cao và nói tiếp:
- Bí quyết của kiếm pháp là khi rút thanh kiếm ra thì từ tốn chờ cho tia sáng rút hết vào lòng kiếm. Muội đừng nên khẩn trương, hãy cố giữ đầu óc không chút nóng nảy, lấy tịnh mà chế động. Tâm phải thật tịnh thì mới có thể định, rồi định trung và xuất kiếm. Hữu bị vô hoạn lập tư bất bại. Kiếm vô sát khí hung vô sát cơ. Hễ mà cõi lòng muội yên lặng thì thiên hạ vô địch.
Giảng trọn bài kiếm pháp sơ khởi, Cửu Dương đến bên cạnh giai nhân bé bỏng, hỏi:
- Muội có hiểu những căn bản mà huynh vừa mới nói hay không?
Nữ Thần Y bó gối trên tảng đá xanh. Tóc bay lòa xòa qua vai. Ngồi giữa rừng thu lá đổ, nàng chợt đẹp não nùng. Cửu Dương ngẩn ngơ chiêm ngưỡng dung nhan sắc nước hương trời trong khi nàng chậm rãi lắc đầu đáp:
- Không.
Đang trơ mắt ngó đôi môi ngạt ngào, Cửu Dương bật té ngửa. Nãy giờ đã ba thì thời trôi đi, nào là tận tình giải thích, nào là ví dụ điển hình mà nàng còn chưa thông.
- Muội không hiểu điều gì? – Cửu Dương vừa hỏi vừa chống thanh gươm xuống đất, lồm cồm bò dậy.
- Không... - Nữ Thần Y chun mũi ấp úng - Muội không phải không nắm vững lý thuyết, mà ý của muội là... muội... muội... không thích... đánh nhau.
Biết sư huynh có lòng thành, sợ nàng bị người ta hiếp đáp nên mới bỏ thì giờ... cua gái ra mà hướng dẫn công phu, Nữ Thần Y áy náy tợn. Phía đối diện, nàng càng ngại ngùng bao nhiêu thì chàng càng chết giấc bấy nhiêu. Cửu Dương tự hỏi sư muội của chàng có phải ấm đầu hay chăng, đánh nhau mà không thích chứ thích cái chi mô nhỉ?
Nữ Thần Y len lén dòm Cửu Dương, giọng lí nhí như tiếng dế kêu trong mùa hạ:
- Có cần thiết phải học đánh nhau không?
Cửu Dương gật đầu mà tâm ngán ngẩm:
- Đương nhiên rồi.
Nữ Thần Y lại nói:
- Nhưng muội có huynh, lo gì bị người ta đánh? – Không muốn thượng cẳng chân hạ cẳng tay, người đẹp bèn trổ lời nịnh nọt - Huynh sở hữu võ công trác tuyệt, chỉ cần vung tay là đối phương ra bã ngay.
Cửu Dương không mắc câu. Chàng nhún vai:
- Trong tương lai huynh còn cưới vợ sanh con nữa chứ, đâu có ở không mà theo bảo vệ muội ngày này qua ngày khác.
Phán rồi, chàng gãi mũi lấp lửng:
- Cơ mà trừ phi...
- Trừ phi sao? - Nữ Thần Y không nén nổi tò mò.
Cửu Dương đổi sang gãi cằm:
- Trừ phi muội đồng ý làm nô tỳ cho huynh thì huynh sẽ miễn cưỡng trở thành vệ sĩ bảo hộ muội để trừ tiền công hàng tháng.
Nghe yêu cầu đắt đỏ, Nữ Thần Y đứng dậy phủi mông. Đoán nàng chê điều kiện mắc mỏ, Cửu Dương xuống giọng trả giá:
- Nói giỡn thôi chứ nếu muội không thích học kiếm pháp thì huynh chỉ muội cách sử dụng loại binh khí khác.
Rồi sợ nàng giận bỏ về nhà, chàng thúc giục:
- Vậy muội muốn huynh dạy cái gì?
Ngập ngừng suy xét một hồi, Nữ Thần Y cười nói:
- Muội muốn huynh dạy muội cách sử dụng... tiêu.
- Muội mới vừa nói tên hả? – Sợ nghe nhầm, Cửu Dương ngoáy tai hỏi lại – Hay là phi tiêu?
- Không phải cung tên – Nữ Thần Y lắc đầu – Cũng không phải phi tiêu. Mà là tiêu, ống tiêu.
- Ống tiêu? - Cửu Dương trố mắt kinh ngạc, ngỡ trời vừa sập cái rầm – Muội muốn huynh dạy muội thổi tiêu? Thiệt hả?
Nữ Thần Y hí hửng gật đầu. Cửu Dương vung tay ném thanh gươm cắm phập vô thân cây gần đấy.
- Nhưng ống tiêu đâu có xếp vào hàng vũ khí trong binh khí phổ?
- Ai nói tiêu không thể dùng làm binh khí – Nữ Thần Y bĩu môi – Muội hỏi huynh, lúc địch thủ bị tiếng tiêu say đắm lòng người của huynh mê hoặc thì có phải huynh thừa cơ hội đó mà... bỏ chạy hay không?
- Nói như muội - Cửu Dương ôm bụng cười ngặt nghẽo.
Đoạn, phát giác sư muội ngượng chín người, gương mặt xinh xắn thoạt xanh thoạt đỏ, chàng lau nước mắt nói:
- Lúc ra chiến trường cung tên bay vèo vèo, ai mà còn mạng đâu để móc ống tre ra. Hơn nữa, âm thanh của binh khí va chạm không cũng đủ um sùm trời đất, đó là chưa tính tiếng những người bị thương rên la. Muội có thổi tiêu đến nát phổi cũng chẳng ma nào nghe thấy.
- Không muốn dạy muội thổi tiêu thì thôi! Không thèm bái sư nữa! – Bị chọc quê, Nữ Thần Y quạu nói – Tạm biệt sư phụ nha, không hẹn ngày tái ngộ đâu à!
Dứt lời, nàng tém tóc qua vai trái và toan bỏ về địa đạo Tây Hồ. Cửu Dương nắm cổ tay nàng kéo lại.
- Thôi được rồi! – Chàng thở dài.
Và lôi ống tiêu từ trong tay áo, Cửu Dương hất đầu bảo sư đồ ngồi xuống chỗ cũ:
- Muốn học thổi tiêu thì huynh dạy thổi tiêu. Nhưng huynh báo trước quá trình tập luyện không có dễ như muội tưởng.
Lan Châu. Cam Túc.
Trời khuya sương buông. Có hai chiếc bóng an tọa trên phiến thạch. Nữ Thần Y gối đầu lên bờ vai của vị cư sĩ trẻ măng. Cửu Dương thả hồn theo tiếng tiêu thánh thót.
Vài sợi tóc tơ vô tình bay phớt phơ. Sợi ngắn sợi dài như mũi tên của thiên thần tình ái trong truyền thuyết Hy Lạp cắm sâu vào trái tim mộng mơ. Khoảnh khắc nhiệm mầu đó cắt đứt bản nhạc du dương trầm bổng. Cửu Dương đưa ống tre cho sư muội. Khóe môi anh đào tươi cười hơn hớn, giai nhân mân mê nhạc cụ, hỏi:
- Huynh bắt đầu dạy muội nha?
Cửu Dương gật đầu. Mắt nhìn thanh gươm ghim vô thân cây bách vạn niên. Chàng khai trương lớp học thổi tiêu bằng mấy câu... đâm chém:
- Nghệ thuật thổi tiêu cũng giống như tập đao kiếm, tim ở trong ống tiêu, thân cũng ở trong ống tiêu rồi dung hòa quên cả mình.
Cửu Dương mới mở bài tới khúc này, Nữ Thần Y đã dần dần nản chí cơ mà ráng vểnh tai nghe khúc tiếp theo. Quả thật, nhập đề hơi có máu me nhưng thân bài thì tiến bộ chút đỉnh. Chung cuộc, Cửu Dương kết luận buổi học đầu tiên bằng mấy câu:
- Muội không nên chú ý các ngón tay phải bấm trúng lỗ nào mà nên làm cho bản thân cảm giác được chúng. Ráng siêng năng luyện tập tới cảnh giới người và tiêu hợp nhất. Khi đạt cảnh giới này thì lòng muội sẽ cảm giác cao sơn hùng tráng, tự nhiên tiếng tiêu sẽ có khí thế hùng hồn. Còn nếu trong lòng muội buồn bã như nước chảy róc rách thì tiếng tiêu sẽ làm cho thính giả cảm thấy du dương.
Rồi đánh chết cái nết không chừa, trước khi tiết học chấm dứt, Cửu Dương thòng thêm câu chót:
- Thổi tiêu cũng giống như là tập đánh kiếm vậy, thân kiếm hợp nhất, khả tật khả trừ, diễn dịch tùy tâm sự, tự mình làm chủ binh khí của mình thì lòng thoải mái như là thiên địa hợp nhất.
Quay sang sư muội, chàng định hỏi xem nàng có thắc mắc gì không thì thấy nàng bịt chặt đôi tai. Cửu Dương há hốc miệng. Và gỡ tay nàng ra, chàng nổi sùng gắt:
- Muội đang làm trò lếu láo gì vậy?
- Đâu có gì – Nữ Thần Y liếm môi khỏa lấp - Bây giờ thực hành nha huynh?
Không chờ thầy nhất trí với ý kiến đã nêu, trò bưng ống tiêu lên thổi phù phù. Âm đực âm cái, tiếng được tiếng mất, nốt nhạc loạn xà ngầu lúc có lúc không. Dừng thực tập, Nữ Thần Y thộn mặt thỉnh giáo:
- Ủa, tại sao muội thổi một lát là bị đứt hơi vậy ta?
Nghe nàng hỏi, "ta" khoái chí cười thầm. Óc lóe tia chọc ghẹo, Cửu Dương cố đáp dông dài:
- Tại vì khác hẳn với các nhạc cụ khác, tiêu là một nhạc cụ thuộc bộ khí, toàn bộ những kỹ thuật của tiêu đều liên quan đến hơi, vì vậy muội hãy xác định cho mình một phương pháp luyện tập đúng đắn góp phần nâng cao lượng hơi trong quá trình thổi.
Liếc Nữ Thần Y, Cửu Dương nhẹ giọng khuyên:
- Muội phải học cách điều khiển hơi, giữ hơi, đẩy hơi có liều lượng và có kiểm soát mới không bị hết hơi giữa chừng.
Nữ Thần Y ngu ngơ phục sư huynh sát đất:
- Thế thì muội phải làm cách nào để luyện được dài hơi?
- Cách đó rất dễ - Biết nàng dính bẫy, Cửu Dương nheo mắt – Muội cứ yên chí tập bằng cách này là xong. Ngay bây giờ huynh sẽ chỉ muội.
Thấy thầy nhiệt tình, trò hối thúc:
- Tập bằng cách gì vậy huynh?
- Trước tiên phải nhắm mắt – Cửu Dương nói. Và chàng khép mắt.
Nữ Thần Y bắt chước nhắm tịt đôi mi.
- Rồi hít vào một hơi – Cửu Dương gạ.
Nữ Thần Y lật đật làm theo.
- Và thở ra bằng mũi - Cửu Dương lại nói.
Chờ cá cắn câu hồi lâu, anh chàng điêu ngoa mới hé mắt, miệng nở nụ cười gian tà. Chàng ngó bờ môi hồng hào như sẵn sàng chờ đợi. Nhưng số Cửu Dương xui thì thôi, chàng định giở trò đạo tặc thì con mồi sẩy mất. Cô học trò cưng mở hai hạt nhãn, phát hiện đang bị thầy gạt liền vụt đứng dậy quát:
- Tần Thiên Văn! Huynh... Huynh...
- Huynh thế nào? – Cửu Dương xen lời – Huynh đang chỉ bí quyết cho muội mà. Muội muốn có hơi dài, muốn đạt tới kỹ năng điêu luyện của quá trình thổi tiêu thì phải tập hôn cho thật siêu. Xong thì tìm sư phụ mà cùng ẩn dật, tu luyện thêm vài ba chục năm nữa!
Trêu được nhà thông thái, Gia Cát tái lai bật tràng cười khoái trá...
- Thiên Văn!
Có giọng nữ nhi. Cửu Dương giật nẩy. Tiếng tiêu réo rắt đang nhanh bỗng trở thành chầm chậm. Nốt nhạc thanh và cao nhỏ dần rồi tắt ngấm. Chàng tách hồn khỏi kỉ niệm năm xưa.
Trở về hiện thực. Trời vẫn còn chiều. Mối tình cô lữ hãy còn cô liêu. Tình cũ đâu chẳng thấy chỉ thấy tình mới không rủ cũng tới. Cửu Dương quay nhìn hướng phát xuất tiếng kêu. Té ra là Tiểu Tường.
Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương
Ngâm nga tròn bốn câu, Tiểu Tường nhoẻn miệng cười nồng hậu:
- Huynh lìa xa Giang Nam khá lâu, bộ tấm thân lãng du không tính chuyện trở lại chốn cũ để thăm... sao?
Trước câu hỏi đầy ngụ ý, Cửu Dương lắc đầu làm thinh. Tiểu Tường tặc lưỡi tiếc nuối nụ cười hết sức đa tình mà bấy nhiêu ngày không tái xuất. Cớ sao lúc rời khỏi Giang Nam chàng quên mang theo? Chàng lỡ gởi tại bờ hồ phía tây hay đã chìm sâu vào đôi mắt đôi môi một người?
- Huynh không định về đó thăm cơ mà chắc muốn nghe tin gởi đến từ Giang Nam chứ?
Cửu Dương lắc đầu lần thứ hai:
- Tất cả thông tin đều an bình – Và cất ống tiêu vào trong áo, tay chắp sau lưng, chàng thong thả đáp – Mỗi tháng đại ca đều biên thư báo điềm tốt đẹp cho huynh.
- Thế mà Hiểu Lạc không nói vậy – Tiểu Tường nhíu mày – Nó tới tìm huynh bẩm cáo sự bất lành.
- Muội mới vừa bảo sao? - Cửu Dương hỏi giật.
Gương mặt bi đát chợt ánh nét tươi tắn. Rồi đột nhiên giống hệt Tiểu Tường, cặp chân mày của Cửu Dương cau hẳn. Dưới núi hình như lấp loáng những tia dát bạc. Tia sáng chiếu thành vệt lúc ngắn lúc dài.
Tiểu Tường mím môi:
- Muội nói Hiểu Lạc tới Cam Túc với ý định thỉnh huynh trùng lâm. Hiện giờ nó đang ở trong đại sảnh. Ngặt nỗi, nó bôn ba có một mình thôi.
Dứt câu sau cùng, Tiểu Tường đinh ninh tình nhân sẽ rất là thất vọng. Nhưng không, Cửu Dương chưa kịp nghe nàng bảo Hiểu Lạc mò đến Lan Châu chỉ với một mình một ngựa thì đã biến mất tăm.
Lan Châu. Cam Túc.
Phân đà Cam Túc nằm lưng chừng núi Kỳ Liên. Lộ Phi Yến và Lộ Phi Nhi đứng trước tấm bản đồ treo cạnh cửa ra vào đại sảnh, chỉ trỏ gì đó với Vệ Xuân Đường.
- Thất ca – Ngó thấy Cửu Dương, Hiểu Lạc nhổm lên khỏi ghế và vọt lại quỳ bái kiến.
Cửu Dương cùng Tiểu Tường bước vào sảnh đường. Gia Cát tái lai quên cả ân xá đại lễ cho tiểu sư đồ, câu đầu khóe môi là hỏi thăm tung tích của người chàng thương:
- Sư mẫu của đệ đâu?
Mừng mừng tủi tủi, Hiểu Lạc bưng vạt áo của Cửu Dương lên chặm nước mắt.
- Thất ca đừng lo – Hiểu Lạc nói - Sư mẫu an toàn ở đồn Bạch Nhật. Nhưng thiếu đà chủ, lão Tôn, hai vị Giang Nam đại hiệp và các thành viên bang phái thì nguy. Họ gặp biến cố ở đồi Bát Cựu, bị quân lính triều đình bao vây cho nên thiếu đà chủ nhờ đệ đến đây bằng mọi giá phải khuyên huynh trở về giải vây cho tất cả.
Nói rồi, Hiểu Lạc tường thuật sự tình ngày hôm đó. Tình cảnh cướp thảo lương ở đồi Bát Cựu, chẳng biết tại làm sao bang phái Đại Minh Triều lại bị quân binh triều đình Mãn Châu bố trí. Thiếu đà chủ Tần Thiên Nhân đích thân lâm trận, kình chiến với Dương Tiêu Phong.
Kết cục, Hiểu Lạc thổ lộ với Cửu Dương rằng:
- Không hiểu tại sao toàn thể đường sá từ Giang Nam dẫn tới Cam Túc đều bị phong tỏa, mãi đến chiều hôm qua mới mở trở lại. Suốt một thời gian, đệ cứ phải luẩn quẩn ở tại Hà Nam.
Đứng xớ rớ đằng sau lưng Cửu Dương, song Lộ Phi nương trố mắt:
- Không thể nào. Trong vòng mấy tháng nay chúng ta đều nhận thơ từ thường xuyên.
Vệ Xuân Đường gật gù:
- Tất cả những bức thư báo bình an đó được gởi đến từ Giang Nam. Có thư gởi bằng bưu cục nhưng cũng có thư gởi bằng bồ câu. Đầy đủ cả.
Cảm giác điềm khả nghi, Tiểu Tường hất đầu:
- Đâu hai cô lấy những bức thư ra đây tôi xem lại thử nào.
Lộ Phi Yến và Lộ Phi Nhi dợm chân định vào thư phòng tìm các phong bì màu vàng nhạt thì Cửu Dương khẽ lắc đầu:
- Không cần xem nữa.
Nghe Cửu Dương nói, Vệ Xuân Đường, Hiểu Lạc, Lộ Phi Yến, Lộ Phi Nhi và Tiểu Tường nhìn nhau thầm nhủ "tại sao thế? Phải xem mới biết thật hư chứ." Và trước năm cặp mắt u mờ như sương mù giăng đỉnh Kỳ Liên, Cửu Dương cao giọng:
- Người đã đến rồi!
Đúng lúc đó, một thành viên bang hội chạy vào vòng tay cúi đầu thi lễ:
- Bẩm thất đương gia, bên ngoài có đại đương gia viếng thăm.
Cửu Dương phất tay:
- Mời huynh ấy vào.
Chẳng đầy ba phút, Khẩu Tâm xồng xộc đặt chân vô sảnh đường. Áo cà sa lấm lem rách rưới, giày vớ xốc xếch bê bết những vết máu khô. Bộ dạng của sát thủ Thiết Đầu Lôi khiến cả thảy liên tưởng điềm bất an.
- Tham kiến đại đương gia – Mọi người đồng loạt khom mình chào Khẩu Tâm.
- A di đà phật – Khẩu Tâm tiến lại gần Cửu Dương, đỡ cánh tay của thất đệ - Các vị xin đừng đa lễ, bần tăng là kẻ tu hành.
Cửu Dương chưa kịp mở miệng hàn huyên với Khẩu Tâm về vấn đề thư đi tin lại thì Hiểu Lạc lẹ miệng hỏi:
- Sao đại đương gia ra nông nổi này? Không lẽ...
Hiểu Lạc nghẹn giọng bỏ lỡ câu nói. Nó không dám nghĩ tới chuyện nguy nan đã xảy ra tại cố hương, càng không muốn thốt lời xui rủi.
Khẩu Tâm chắp tai vái một cái:
- A di đà phật – Và tránh ánh mắt của Cửu Dương, Khẩu Tâm nhìn Vệ Xuân Đường – Bần tăng mang tin rất xấu trình diện các vị, xin các vị chuẩn bị tâm lý.
Rồi đặt tay lên vai Hiểu Lạc, Khẩu Tâm thở dài:
- Triều đình Mãn Châu đã chiếm cứ học đường Hắc Viện lẫn địa đạo Tây Hồ, triệt hạ luôn cả đồn Bạch Nhật. Bang phái phản Thanh ở Giang Nam giờ đã không còn...
Khẩu Tâm thao thao tường thuật những trận đánh ở đồn Bạch Nhật, đương nhiên là thêm bớt câu cú lung tung để bóp méo tình tiết.
Trước lúc khung cảnh sảnh đường nộ khí xung thiên, Khẩu Tâm nói thêm:
- Nhưng may mà tam đệ, Lâm Tố Đình và Nữ Thần Y trốn thoát. Tổng đà chủ thì trọng thương dưng không hề hấn gì, đang được điều trị thỏa đáng. Riêng lão Tôn đã tử chiến sa trường.
- Thế... còn... thiếu đà chủ thì sao? – Cửu Dương lắp bắp dò thăm tông tích của vị sư huynh cùng chung huyết thống với chàng.
Sực nhớ Cửu Dương vẫn chưa hay Tần Thiên Nhân trở thành thống lĩnh, Khẩu Tâm trả lời:
- Tần thiếu đà chủ hiện là tổng đà chủ của chúng ta. Sư Thái từ biệt phong trào kháng chiến. Bà quyết định phiêu du tứ hải.
Ngộ giác các bậc lãnh đạo bang phái bình bình an an, Vệ Xuân Đường cùng tam cô nương mừng húm. Duy một mình Hiểu Lạc thương nhớ lão Tôn mà khóc tồ tồ.
Cửu Dương buồn bã hỏi Khẩu Tâm:
- Sự việc xảy ra khi nào?
Khẩu Tâm kể:
- Đoàn binh thiết giáp tấn công Hắc Viện và địa đạo Tây Hồ trong lúc Dương Tiêu Phong điều động binh tướng vây hãm bang hội chúng ta ở đồi Bát Cựu. Sau đó, Tần tổng đà chủ ra lệnh cho tất cả rút lui về đồn Bạch Nhật. Xui thay, chẳng bao lâu thì cư trú đó cũng bị phát hiện nốt...
Chờ cho Khẩu Tâm tường thuật đầu đuôi, Cửu Dương nói với Vệ Xuân Đường:
- Huynh ra ngoài bảo đội ngũ chuẩn bị hành lý.
Nghe Cửu Dương hạ lệnh cho Vệ Xuân Đường đi thu xếp toàn bộ nhân mã ở Cam Túc để về Giang Nam trợ giúp một tay, Khẩu Tâm cười thầm.
Vệ Xuân Đường tuân lệnh Cửu Dương, toan thực hành nhiệm vụ thì chùng bước.
- Thưa thất đương gia – Vệ Xuân Đường hỏi – Thu dọn hành trang xong rồi thì chừng nào chúng ta khởi trình?
Trầm lặng một lát, Cửu Dương khoanh tay đáp:
- Đường về Giang Nam rất xa thành thử binh lính của chúng ta phải nghỉ ngơi cho thật tốt trước khi khởi hành. Huynh cứ báo với họ là canh năm này xuất phát.
Lan Châu. Cam Túc.
Khoảng canh hai, ngủ không được, Hiểu Lạc đi tìm Cửu Dương. Bắt gặp Gia Cát tái lai trên đỉnh núi, nó bèn mon men lại gần.
Cửu Dương hỏi Hiểu Lạc:
- Sau khi huynh biên lá thư yêu cầu tiếp ứng lương khô và gởi về Giang Nam thì ai là người đầu tiên nhận được?
Hiểu Lạc trả lời:
- Đệ không rõ lắm, hình như là lão Tôn. Ông thấy chữ viết trên phong bìa màu đỏ thành ra giao cho tam đương gia và đại đương gia để trao tay tổng đà chủ.
- Rồi sao nữa?
Cả hai sư đồ đứng nhìn thung lũng. Hiểu Lạc nhíu mày cố nhớ lại diễn biến lúc đó. Nữ Thần Y kể với nó rằng tổng đà chủ Tần Thiên Nhân ước lượng kho lương thực không đủ lương khô nên bàn với Khẩu Tâm và Trương Quốc Khải cách cứu vãn tình hình. Tần Thiên Nhân chưa tìm được phương pháp thì mười ngày sau, một vài thành viên bang phái Đại Minh Triều phát hiện Thanh binh vận tải gạo nếp cho quân đội Bát Kỳ Mãn Châu...
- Sự tình rất là trùng hợp – Cửu Dương vừa bấm ngón tay vừa hạ giọng bâng quơ.
Hiểu Lạc trố mắt:
- Thất ca nghi ngờ bang hội có gian tế?
Tên đồ đệ hỏi quỵt tẹt, gương mặt của Cửu Dương bèn lộ nét phân vân. Khẩu Tâm thình lình xuất hiện sau rèm dương liễu. Cửu Dương quay mình đối diện Khẩu Tâm, tay rút chiếc quạt màu trắng ra phe phẩy.
- Trời đã khuya lắm rồi – Cửu Dương bất thần lảng chuyện - Huynh còn chưa trở về thư phòng an giấc?
- Tình thế nước nhà gay cấn và xáo trộn như vầy – Khẩu Tâm thở dài – Đệ nghĩ thử xem huynh làm sao mà an lòng ngủ yên được đây?
Tái lâm cây "nam châm quạt" có một không hai, Hiểu Lạc chẳng màng để ý hai vị ca ca huyên thuyên điều gì. Binh khí độc nhất vô nhị của Cửu Dương khiến nó mê tít mắt. Nó trầm trồ:
- Thất ca – Hiểu Lạc nài nỉ sư huynh – Cho đệ mượn xem vũ khí của huynh một chút.
Cửu Dương đành xếp cây quạt và thảy cho Hiểu Lạc, rồi cùng Khẩu Tâm tản bộ tà tà.
- Suốt lộ trình đến phân đà Cam Túc – Cửu Dương hỏi Khẩu Tâm - Huynh có nghe tiếng gì không?
Khẩu Tâm lắc đầu:
- Bốn bề yên lặng như tờ.
Cửu Dương lại hỏi:
- Thế thì trên đoạn đường lên núi Kỳ Liên, huynh có nhìn thấy gì không?
Cảm nhận Cửu Dương có vẻ rào đón, Khẩu Tâm hơi chột dạ. Và khẽ khàng nuốt nước bọt một cái, sát thủ Thiết Đầu Lôi ráng nặn cho mình nét mặt thật thà như đếm.
- Huynh không thấy điều gì khả nghi – Khẩu Tâm thản nhiên đáp từ.
- Vậy thì tốt quá – Cửu Dương thở phào.
Rồi lặng lẽ đi bên cạnh đại ca, Cửu Dương không bàn luận hay hỏi han lời nào nữa. Khẩu Tâm thấy Gia Cát tái lai tắt cái đài lân la dò xét thì lén nhìn trời nhè nhẹ thở ra.
Rốt cuộc chỉ là mừng hụt.
- Thì thời đã quá khuya – Cửu Dương tiếp tục vặn âm thanh.
Dưng lần này Khẩu Tâm không mấy phiền lòng, Cửu Dương nói một câu chí lý:
- Huynh đệ chúng ta nên trở về khu căn cứ chợp mắt để lấy sức mà lên đường, còn vài canh giờ là bình minh ló dạng.
- Được! – Khẩu Tâm vỗ vai Cửu Dương, mỉm cười đồng ý. Lòng sợ đứng chuyện trò một hồi sẽ bị tên sư đệ mồm mép tép nhảy này lật tẩy, Khẩu Tâm bèn nói nhanh - Canh năm huynh chờ đệ và mọi người ở sảnh đường.
Nói rồi, Khẩu Tâm quày quả bỏ đi.
- Đại ca ngủ ngon – Cửu Dương lầm rầm trong miệng.
Dứt lời, chàng lớn tiếng gọi Hiểu Lạc hòng cùng quay gót. Ngặt nỗi Hiểu Lạc ngậm tăm.
- Hiểu Lạc! – Cửu Dương nhẫn nại gọi thêm một lần.
Nhoáng, đầu ai bù xù thò ra giữa bức màn liễu rũ. Hiểu Lạc lầm lũi tiến lại gần Cửu Dương.
- Đệ bị ma hớp hồn hay sao mà huynh kêu khan cổ cũng không thèm ừ hử? – Cửu Dương lo lắng hỏi – Không nề nà gì chứ?
- Đệ không sao – Hiểu Lạc cười cười – Nhưng đệ có cái này muốn thọ giáo huynh.
Cửu Dương khoanh tay dễ dãi:
- Đệ cứ hỏi, huynh biết sẽ trả lời.
Câu nói của Cửu Dương như trợ thêm sức mạnh, Hiểu Lạc can đảm quẹt mũi thỉnh giáo liền:
- Thất ca, đệ muốn hỏi huynh, cái gì mình biết nó ở đâu thì có cho là mất không ạ?
Cửu Dương bận bịu suy tính tình trạng bán nước cầu vinh. Chàng vô tình trả lời:
- Sao đệ hỏi lẩn thẩn quá? Đã biết nó ở đâu rồi lại còn gọi là mất thế quái nào được!
Phấn khởi còn hơn lụm thỏi vàng, Hiểu Lạc vinh lý lẽ này mà nhanh nhảu thưa:
- Hú vía! Thế thì cây quạt của huynh không bị mất, đệ biết nó nằm ở dưới thung lũng, đệ vừa lỡ tay đánh rơi xuống đấy.
Tưởng sét đánh tét màng nhĩ, Cửu Dương trợn mắt dòm tên đồ đệ vụng về song lẻo lự, dám làm rớt binh khí của chàng xuống núi. Lại nữa, nó sợ chàng mắng nó mới lập mưu nói vòng nói vo. Hết lời trách móc, Cửu Dương than thầm "phen này tiêu tùng đời trai, mất vũ khí lợi hại thì có nước mà chết cả gút." Nhưng biết làm sao khi trời cố tình chèn ép những kẻ ở lành? Và lần đầu tiên trong đời, Gia Cát tái lai hơi hơi tin chuyện vận mạng là do ơn trên sắp đặt.
Chung cuộc, Cửu Dương thở dài nhìn Hiểu Lạc. Chàng lắc đầu bó tay để mặc thiên đình định đoạt. Thôi kệ, dép còn có số huống chi con người!
← Hồi 64 | Hồi 66 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác