Truyện Tiên Hiệp

Truyện:Anh hùng Đông A gươm thiêng Hàm Tử - Hồi 53

Anh hùng Đông A gươm thiêng Hàm Tử
Trọn bộ 61 hồi
Hồi 53: Võ Kinh Thuần Chính Thập Nhị Thủ
5.00
(2 lượt)


Hồi (1-61)

Đêm xuống.

Tại chiến lũy Khả lan vi phò mã Phạm Ngũ Lão cùng công chúa Thủy Tiên, quận chúa Như Vân lên địch lâu nhìn về phía bắc chờ đợi. Phò mã nói với công chúa:

– Quốc Toản thực là một nhân tài xuất chúng. Đúng là cha nào con ấy. Tài trí y không thua gì Vũ Uy vương. Anh đề nghị Toản phục binh, đợi khi các toán Đại đởm rút qua, thì chặn đánh truy binh. Nhưng Toản lại đổi thành: Quân Nguyên quá đông. Khi truy đuổi, chúng sẽ mang một lực lượng lớn. Mình có phục binh thì cũng bị chúng tràn ngập. Y đề nghị sai những toán nhỏ phục trong rừng đánh trống, khua chiêng làm nghi binh. Như vậy truy binh không dám đuổi theo.

Công chúa mỉm cười:

– Quốc Toản học võ công khai tâm với chú Vũ Uy, căn bản là Đông a, rồi được thím Ý Ninh dạy võ công Mê linh. Lúc bị giam trong hầm đá Trường yên, Toản tìm được bộ Lĩnh nam vũ kinh bảo quốc, trấn bắc bình nam. Y đâu biết trời cao đất dầy là gì. Y luyện cả võ công Tản viên, Tiêu sơn. Trong trận Hỏa giáp, y hút được 50 năm công lực của ông Di Ái. Nhờ vậy y hòa hợp được tất cả tinh hoa võ công Đại Việt. Hồi em Tổng lĩnh nữ Thị vệ, Thượng hoàng ban chỉ cho em dạy võ cho cung nga. Em đã nhân đó soạn ra bộ Thuần chính thập nhị thủ. Em trao cho Quốc Toản để nhờ Toản nhuận sắc. Không ngờ!!!

Như Vân góp ý:

– Không ngờ anh ấy đổi đi gần hết phải không?

– Toản nói với em à?

– Không! Anh ấy dậy em các thức. Rồi anh ấy gọi một võ sinh to lớn, giả làm lính Mông cổ, còn em làm cung nữ, cho em đánh, sau đó anh ý chỉnh, sửa đi.

Phò mã cười:

– Hồi chúng mình mới thành vợ chồng, võ công của em với anh ngang ngang nhau. Anh thấy từ khi em được Quốc Toản dậy võ, võ công em cao hơn anh nhiều.

– Đúng vậy, tuy bề ngoài em cùng Khâm Từ hoàng hậu với Toản xưng hô chị chị, em em. Nhưng thực ra Quốc Toản là sư phụ của em với hậu.

– Em cho thư lại chép bộ Thuần chính thập nhị thủ ra nhiều bản, anh là chồng mà em không cho anh bản nào!

Như Vân trêu:

– Chị Thủy Tiên mới sao được 5 bản. Em thấy trên bìa một bản kính dâng Bồ Tát Tuệ Trung, một bản kính dâng Vô Huyền bồ tát, một bản cho Khâm Từ hoàng hậu, một bản cho anh Quốc Toản, một bản cho công chúa An Tư. Bản thứ sáu cho phu quân dường như chưa sao xong thì phải?

– Đúng vậy. Chị trao cho Bồ tát Vô Huyền với sư phụ để xin các người sửa đổi những chỗ sai lầm.

– Sư phụ của chị là ai vậy?

– Là Hưng Ninh vương, ngài là bác ruột của chị.

– À thì ra Tuệ Trung bồ tát. Chị trao cho Quốc Toản, để nhớ công ơn Toản dậy chị. Còn chị trao cho Khâm Từ, An Tư, vì hai người dùng để dậy cung nga.

Thủy Tiên lấy trong bọc ra một cái hộp gỗ trầm. Công chúa mở hộp: trong hộp có 14 tấm thẻ bằng vàng trao cho Ngũ Lão:

– Em không sao chép cho anh, mà khắc vào thẻ vàng, để ghi lại những ngày anh sủng ái em. Trong 14 thẻ, thẻ thứ nhất ghi yếu quyết tổng quát. Từ thẻ thứ nhì đến thẻ thứ 13 ghi yếu chỉ 12 thủ. Thẻ thứ 14 ghi những yếu chỉ nội công.

Phò mã cảm động:

– Vợ anh không phải là công chúa, mà là một tiên nữ giáng thế, đem hạnh phúc cho anh.

Như Vân hỏi:

– Chị Thủy Tiên ơi! Chị giảng giải tổng quát bộ sách này cho em biết rõ đi.

Công chúa giảng:

– Thủ nghĩa đen là tay. Mỗi thủ có một tên, 12 thủ có 12 tên nguyên thủy do chị đặt ra:

  • Đệ nhất: Việt nữ chính thủ, gồm 12 chiêu phá các thế nắm tay,
  • Đệ nhị: Việt nữ phản thủ, gồm 12 chiêu chống lại bóp cổ,
  • Đệ tam: Việt nữ tịch tà, gồm 12 chiêu khóa tay chân,
  • Đệ tứ: Việt nữ bảo tiết, gồm 12 chiêu nằm tự vệ,
  • Đệ ngũ: Việt nữ phản chế gồm, 12 chiêu tự vệ khi bị nắm áo,
  • Đệ lục: Thiên cẩu nhập nội gồm, 12 chiêu tự vệ khi bị nắm tóc,
  • Đệ thất: Việt nữ phục hổ, gồm 12 chiêu tự vệ khi bị tấn công bằng thủ pháp,
  • Đệ bát: Anh thư bảo quốc, gồm 12 chiêu thức tuyệt diệu của nhu quyền,
  • Đệ cửu: Việt nữ thuần chính, gồm 12 chiêu tự vệ khi bị ôm,
  • Đệ thập: Ô nha phạm cảnh, gồm 12 chiêu tự vệ chống cước,
  • Đệ thập nhất: Việt điểu nam phi, gồm 12 chiêu tự vệ chống dao,
  • Đệ thập nhị: Nam thiên anh kiệt, gồm 12 chiêu tự vệ khi bị trói,

Ngoại trừ thủ thứ 11 và 12, các thủ đều nằm trong tư thế chống lại các loại quyền cước. Khi luyện tập Thuần Chính Thập Nhị Thủ phải nhớ các nguyên tắc sau:

– Một là, đọc, nhớ kỹ danh hiệu các chiêu thức. Mỗi chiêu thức có một tên, tên đó nhắc nhở cho biết nội dung động tác.

– Hai là, thuộc các nguyên lý võ học.

–Vì là loại nhu quyền, nên tuyệt đối tránh dùng cương giải quyết, không được xử dụng những đòn, thế của cương quyền. Luôn luôn nhớ rằng: người xử dụng nhỏ bé, không biết võ, chống lại người to lớn khỏe mạnh.

– Mỗi chiêu thức bao giờ cũng có ba phần, đó là một nguyên lý căn bản của võ học Đại Việt, để phân biệt với các võ khác. Đó là: Công, Nghinh, Thủ.

– Nhiều võ phái khác, mỗi chiêu thức của họ chỉ CÔNG không, hoặc NGHINH không, hoặc THỦ không. Nhưng môn võ này là võ Trấn Bắc Bình Nam nghĩa là bảo vệ quốc gia, cho nên:

– Trong thế CÔNG bao giờ cũng kín đáo, không để hởù cho địch tấn công vào, như thế là trong thế công có thế thủ.

– Trong thế THỦ bao giờ cũng dự trù một thức phản công, như thế là trong thế thủ có thế công.

– Trong một chiêu, mà chúng ta xuất phát, không bao giờ tấn công trước. Đợi đối thủ xuất chiêu rồi nhân đó phản công. Thế là trong thế công bao hàm chống đỡ, đó là NGHINH.

Vốn có căn bản võ học rất sâu sa, Như Vân chỉ nghe qua đã hiểu ngay.

Nhìn khuôn mặt thanh tú của Như Vân, công chúa hỏi:

– Từ hôm gặp Quốc Toản đến giờ, em cảm thấy thế nào?

– Em thấy anh ấy có ba điều khác hẳn những người mà em gặp. Một là, chư tướng đặt lòng trung với vua lên trên, sau mới tới xã tắc. Còn anh Toản, anh ấy luôn đặt hạnh phúc cho dân lên trên. Những câu anh ý luôn nói là: đừng để dân khổ, đừng làm phiền dân, tiền thuế thu ấp phong là để chi tiêu cho dân, dân hạnh phúc ấm no là hạnh phúc của anh. Thứ nhì là anh ấy là người con chí hiếu, Tuyên cao thái phi dạy gì anh ấy răm rắp tuân theo. Những lời giáo huấn của vương phi Ý Ninh anh ấy nhắc nhở hoài.

Phạm Ngũ Lão cười:

– Vì vậy, suốt từ bé, y bầu bạn với Ngọc Hoa, nhưng vẫn tuyệt đối tuân theo lời chú thím Vũ Uy nên khi em vừa xuất hiện, y dành tất cả tình yêu cho em. Có phải thế không?

– Dạ! Hồi chưa gặp anh ấy, em cứ lo rằng lỡ ra anh ấy là người cộc cằn, dữ tợn thì uổng phí cuộc đời.

Công chúa tát yêu Như Vân:

– Nhưng khi em gặp y, thấy y là người phong lưu tiêu sái, một đấng nam nhi đại trượng phu, chính khí dọc ngang trời đất… lại đa tình. Có phải thế không?

– Dạ! Mẹ em nói: chắc kiếp trước em là ni cô, gõ thủng 18 cái mõ, nên kiếp này có người chồng thương dân, trung với nước, lại đa tình, nhu nhã như vậy.

– Em có điều gì lo lắng không?

– Có! Nhiều lắm. Em sống cạnh ông bố, cai trị dân Mông cổ, cứng rắn quen rồi. Em sợ mình điều hành dân trong ấp không hợp với lòng thương dân của anh ấy! Em xét lại sổ sách, suốt mấy năm cai rị Hàm tử, anh ấy không cho phạt bất cứ người dân nào. Như vậy kỷ cương khó mà giữ được.

– Em nói đúng! Y cứ đem ông nội ra làm gương: tâm phải là tâm Phật. Lòng dạ phải như biển đông!

– Còn điều thứ ba?

– Anh ấy cực ghét bọn bán nước cầu vinh, bọn xăm lăng. Hồi anh ấy cùng Hoài Nhân vương vào Nam giới, đọc trên bia đền thờ Nhâm Diêm, Tích Quang, anh ấy bảo đây là hai tên cướp nước. Bọn chó hai chân, anh ấy hủy tất cả các bia, đền thờ của Nhâm Tích.

Cuộc thảo luận đang hào hứng thì có nhiều tiếng reo, tiếng trống thúc từ xa vọng lại. Phạm Ngũ Lão chỉ về phía tại Nguyên của Bột la Cáp đáp nhĩ:

– Thiên Sanh thành công rồi, kìa doanh trại Nguyên bốc cháy.

Công chúa Thủy Tiên chỉ về phía bắc ải Khâu ôn:

– Trại của bọn Khiếp tiết Tán lược Nhi bị cháy rồi.

Ngọn lửa càng ngày càng to, tiếng hò reo mỗi lúc mỗi lớn.

Tại Tổng hành doanh Nguyên tối hôm đó có cuộc hội quân. Trấn Nam vương Thoát Hoan ngồi chính giữa. Hai bên là A Lý Hải Nha, Lý Hằng, Ô Mã Nhi, Khiếp tiết Tán lược Nhi, Bột La cáp Đáp nhĩ, Lý Bang Hiến, Nạp Hải (1)

(1) Nạp Hải, tên Mông cổ là Naqai. Y gốc người chính quốc Mông cổ, thuộc bộ tộc Sói xám. Ông nội y theo Thành Cát Tư Hãn ngay từ khi Mông cổ còn là một bộ lạc bên sông Long lý hà. Thân phụ y theo A Lý Bất Ca, rồi hàng Hốt Tất Liệt. Y nổi danh là tướng có tài công kiên (phá thành, đánh đồn). Được trọng dụng. Y hiện coi một vạn phu kị binh, chức Chiêu thảo. 

Thoát Hoan ban chỉ:

– Cô gia cho hội các tướng cánh quân tiền phong để ban chỉ dụ cuối cùng, trước khi chư tướng nhập Việt. Cô gia để quân sư A Lý Hải Nha dặn các vị.

A Lý Hải Nha sai treo lên một tấm lụa to bằng cái chiếu:

– Đây là tình hình phòng thủ của bọn Man Việt. Phía bên Tây chúng bố trí ba hiệu quân để đối phó với quân Vân nam.

Phía nam chúng bố trí ba hiệu binh để đối phó với cánh quân của Toa Đô. Trực diện với chúng ta chúng phối trí 6 hiệu binh. Đúng là chúng đem trứng chọi với đá; vì ta có tới 50 vạn binh. Chúng dàn dọc biên giới 2 hiệu. Một là hiệu Hữu thánh dực do phò mã Phạm Ngũ Lão, trấn trong hai chiến lũy Khả lan vi, Đại trợ. Phía sau ải này có ải nhỏ tên Động bản. Ải này chỉ có dân quân, do Quản quân phụng ngự Tần Sầm chỉ huy.

Ngày mai, hai tướng Bột lan Cáp đáp nhĩ, A Thâm sẽ đem 2 vạn bộ binh, 5 nghìn kị binh đánh hai ải này. Hai là hiệu binh Thần cách, trấn trong 2 chiến lũy Khâu ôn, Khâu cấp. Hai tướng Khiết tiết Tán lược nhi và Lý Bang Hiến đem 2 vạn bộ binh, 1 vạn kị binh đánh hai ải này. Sau hai ải này là ải Khả ly. Ai Khả ly không có quân triều mà chỉ có dân quân. Dân quân ải Khả ly do hai tên Quản quân phụng ngự là Đỗ Vĩ, Đồ Hựu chỉ huy.

Y chỉ vào một mảnh vải khác:

– Đây là ải Khả lan vi. Ai trấn trên con đường bắc nam. Muốn tiến về Thăng long phải nhổ cho được. Phía tây ải dựa vào chân ngọn đồi, có suối chảy qua. Ta không thể tấn công vào mặt này. Phía nam ải là rừng thưa, thông với những trang ấp của người Tầy. Phía đông giáp với ruộng lúa lầy lội. Phía bắc là khu nghĩa địa bằng phẳng. Ta có thể đánh vào mặt này. Tên Phạm Ngũ Lão đã tạo ra ba lớp rào bằng nứa trên các ụ. Quân phòng thủ núp phía trong. Ngoài lớp rào thứ nhất, y cho đặt nhiều chông. Bên trong ải, quân Man Việt đóng lẫn với dân chúng. Có thể công chúa Thủy Tiên vợ tên Phạm Ngũ Lão thủ ải này.

Bột lan Cáp đáp nhĩ hỏi:

– Lý lịch y thị ra sao?

– Y thị là con gái thứ nhì của Hưng Đạo vương tước phong công chúa Thủy Tiên. Nhan sắc tuyệt thế. Kiếm thuật thần thông. Y thị được 2 đại tôn sư võ học An Nam dốc túi truyền võ công cho. Một là bác ruột y tước Hưng Ninh vương. Hai là mụ ni sư Vô Huyền. Khi đối trận với thị phải cẩn thận. Y thị được Hưng Đạo vương huấn luyện binh pháp đến trình độ siêu phàm. Khi ra trận y thị luôn ngọt ngào, nhưng ra tay cực thần tốc.

Y chỉ vào một tấm vải thứ nhì:

– Lùi về phía đông 10 dặm là ải Đại trợ. Tướng quân A Thâm đem 1 vạn bộ binh, 5 nghìn kị binh phụ trách đánh ải này. Ai nằm ngang con đướng bắc nam. Muốn tiến về Thăng long, phải phá ải Đại trợ. Phía đông ải là con sông sâu, nước chảy siết. Phía nam là vùng rừng thưa, thông với khu làng mạc. Phía bắc và tây tiếp giáp với vùng đất gồ ghề. Ta chỉ có thể tấn công vào mặt tây và bắc. Chính tên Phạm Ngũ Lão trấn tại đây.

Bột lan Cáp đáp nhĩ hỏi:

– Xuất quân vào giờ nào?

– Giờ Mão. Kị binh tiến trước. Bộ binh tiến sau.

Thoát Hoan nói với Bột lan Cáp đáp nhĩ, A Thâm:

– Với một hiệu binh ọp ẹp của Man Việt, quân số chưa quá một vạn. Trong khi 2 tướng quân, mỗi người có 2 vạn bộ, 1 vạn kị. Phải phá cho được 2 chiến lũy này trong một ngày.

A Thâm hỏi:

– Phò mã ngụy Phạm Ngũ Lão là người như thế nào?

Lý Hằng đáp:

– Y là người tài kiêm văn võ, tính tình thâm trầm. Y có tài chiêu dụ sĩ tốt, luyện quân. Nên binh tướng dưới quyền của y rất tinh nhuệ, một lòng với y.Võ công y tuy cao, nhưng không đáng sợ. Đáng sợ là con vợ y. Nhưng tài dùng binh của y thực đáng sợ. Y điều quân biến hóa cực huyền ảo.

A Lý Hải Nha tiếp:

– Hiệu binh thứ nhì là Thần cách, trấn trong 2 chiến lũy Khâu ôn, Khâu cấp. Hai tướng Khiết tiết Tán lược nhi và Lý Bang Hiến, mỗi người đem 2 vạn bộ binh, 1 vạn kị binh đánh hai ải này.

Lý Bang Hiến hỏi:

– Tướng thống lĩnh hiệu binh Thần cách là người thế nào?

– Chánh tướng là Nguyễn Địa Lô, phó tướng là Nguyễn Lộc. Địa Lô là người dụng binh như thần, được bạn hữu gọi là Tiểu Khổng Minh. Y từng theo Vũ Uy vương trợ Tống, được Tống phong Binh bộ tham tri, Trung lang tướng, Văn sơn hầu.

– Vợ y có theo giúp trong quân không?

– Vợ tên này là một ả nhãi con, võ công bình thường, nhưng có tài an ủi sĩ tốt, khiến người người đều một lòng. Y thị được Tống phong tước Nhu mẫn, hồng anh nhất phẩm phu nhân. Còn Nguyễn Lộc là người vùng Lạng châu. Y rất được lòng dân chúng.

A Lý Hải Nha đem hai tấm vải vẽ hệ thống đồn trú hai ải Khâu ôn, Khâu cấp ra:

– Hai ải này đóng nối tiếp nhau. Khâu ôn nằm về phía bắc. Cách ba dặm là ải Khâu cấp về phía nam. Cả hai ải đều nằm trên đỉnh ngọn đồi trọc. Đất đá gồ ghề. Chúng đã thiết lập hệ thống phòng thủ thành năm lớp do đá chồng lên nhau. Nếu ta từ dưới đánh lên, chúng sẽ núp trong ụ bắn tên, lăn đá. Ta thoát được tên, đá leo tới nơi thì quân đã kiệt sức, đánh nhau với chúng bị lâm cảnh: dĩ nhàn, đãi lao.

Thoát Hoan nhắc lại chỉ dụ:

– Hôm nay là ngày 21 tháng chạp, chỉ còn 9 ngày nữa là tết Nguyên đán. Với 50 vạn quân, chúng ta phải vào Thăng long ít nhất là ngày mùng một tết. Cô gia cần hái một cành đào Nghi tàm, sai ngựa lưu tinh đem về Đại đô dâng phụ hoàng. Sau khi nhổ bốn trại Khả lan vi, Đại trợ, Khâu ôn, Khâu cấp thì hai tướng Bột la Cách đáp nhĩ, Khiết tiết Tán lược nhĩ hợp làm một đánh ải Chi lăng. Qua Chi lăng là tới đại bản doanh của Hưng Đạo vương ở Vạn kiếp. Bấy giờ ta sẽ dùng 6 mũi, với 15 vạn binh tràn ngập. Phá Vạn kiếp thì Thăng long ở trước mặt rồi.

Thình lình có tiếng ồn ào, tiếng la hét từ xa lại. A Lý Hải Nha hỏi viên Thị vệ đứng gác cửa lều:

– Người ra xem cái gì mà ồn ào vậy?

Viên Thị vệ tuân lệnh chạy ra, một lát y trở laiï, mặt tái xanh:

– Khải điện hạ có truyện kỳ quái!

– Cái gì?

– Con chiến mã của điện hạ với con chiến mã của vương phi bị giết, đầu bị treo ngay trên cây trước tầu. Hai tên mã phu bị giết, xác bị treo ngược lên cây.

Thoát Hoan cùng các tướng rời soái lều tới tầu ngựa. Thị vệ gác soái lều cũng đi theo. Bên cạnh tầu ngựa, bọn mã phu, Thị vệ vây quanh xác 2 con ngựa không đầu. Trên cây gần đó treo 2 cái đầu ngựa, 2 xác mã phu.

Xác hai mã phu được hạ xuống, Lý Hằng cúi xem xác người, xác ngựa rồi lên tiếng:

– Hai chiến mã bị một cao thủ dùng đoản đao chặt. Vết chặt rất ngọt. Chứng tỏ nội lực y rất thâm hậu. Hai mã phu bị đâm trúng tim từ sau ra trước.

Có miếng vải bay phất phơ trên cành cây cạnh tầu ngựa. Lý Hằng vọt người lên lấy xuống. Trên miếng vải có hàng chữ viết:

Nguyễn Thiên Sanh,

Đại đởm, đại tướng quân,
Minh tâm, dũng lược, duệ mưu công thần,
Nam phương, thần vũ Quốc công.
Bái kiến Trấn Nam vương Thoát Hoan.
Xin tái hẹn ngày mai tại ải Khả lan vi.

Từ Thoát Hoan cho tới các tướng hiện diện đã từng được Khu mật viện cung cấp trận liệt các tướng Đại Việt. Lý Hằng rùng mình:

– Tên Nguyễn Thiên Sanh từng nổi tiếng trong trận Ngột Lương Hợp Thai đánh An Nam 27 năm trước. Hồi Vũ Uy vương trợ Tống, y cùng đội Đại đởm xuất quỷ, nhập thần đột nhập vào soái lều của đại đế Mông Ca; đón đường đốt lương. Năm nay có lẽ y đã gần 50 tuổi, mà còn hành sự kinh khiếp. Không biết bằng cách nào y đã đột nhập được vào đây?

A Lý Hải Nha ra lệnh:

– Gọi viên Thiên phu trưởng Thị vệ ngay.

Thị vệ đi một lát trở lại trình:

– Thiên phu trưởng Thị vệ bị giết. Quân phục bị lột hết.

Thình lình có tiếng quân reo, rồi lửa bốc lên ở bốn khu chứa lương. Bốn tướng Khiết tiết Tán lược nhi, Lý Bang Hiến, Bột lan Cáp đáp nhĩ, A Thâm xin phép lên ngựa trở về trại quân mình. A Lý Hải Nha gọi hơn trăm Thị vệ canh phòng nghiêm mật quanh soái lều. Y mời Thoát Hoan vào trướng chờ tin tức. Vào trtong trướng, Thoát Hoan thấy thư phòng của mình như có gì khác lạ: các hộp hồ sơ biến mất, thanh kiếm lệnh, ấn tín không cánh mà bay. Lý Hằng kêu lên:

– Chúng ta mắc mưu tên Thiên Sanh. Y giết ngựa, giết mã phu, dụ ta rời khỏi soái lều, rồi y đột nhập vào đây hí lộng quỷ thần. Thế là bao nhiêu thư tín, lệnh chỉ bị mất hết.

Thị vệ vào báo:

– Quân Man Việt nhập khu chứa lương, phóng hỏa đốt 4 kho lương. Quân đang chữa cháy.

Lát sau lại báo:

– Lửa đã dập tắt, nhưng lương thảo bị cháy hết quá nửa!

– Bốn tướng Khiết tiết Tán lược nhi, Lý Bang Hiến, Bột lan Cáp đáp nhĩ, A Thâm đã điểm quân đuổi theo bọn Man Việt.

– Truy binh đuổi theo bọn Man Việt, khi qua khu rừng thì có nhiều tiếng trống, tiếng thanh la. Vì nghi có phục binh, nên không dám đuổi nữa. Quanh doanh trại không tìm ra dấu vết bọn Man Việt, đành trở về. Có tất cả 251 quân tải lương bị giết. Một số đông bị thương. Lao binh khai: bọn Man Việt không đông. Chúng trang phục giống như quân ta, giả đi tuần, rồi thình lình ra tay. Lao binh hỏi mật khẩu, chúng đáp trúng phóc. Vì vậy khi chúng ra tay, thì lao binh bị giết. Chúng nổi lửa đốt lương rồi rút chạy.

Bốn tướng Khiết tiết Tán lược nhi, Lý Bang Hiến, Bột lan Cáp đáp nhĩ, A Thâm trở lại chịu tội với Thoát Hoan. Thoát Hoan vẫn chưa hoàn hồn. Y ban chỉ:

– Lỗi ở cấp Thiên phu. Cứ cho rằng quân ta đông, uy hiếp tinh thần Man Việt, nên canh phòng thiếu chặt chẽ. Có điều đáng lo là: làm thế nào tên Sanh có mật khẩu, nên mới nhập doanh trại dễ dàng như vậy?

A Lý Hải Nha ban lệnh:

– Hai tên Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Địa Lô tưởng tên Sanh quấy rối, ta chưa đánh chúng ngay được. Vậy bốn tướng trở về xuất quân tức thời. Vương gia sẽ thân đốc quân dánh Khâu ôn, Khâ cấp. Tôi sẽ đốc quân đánh Đại trợ. Lý Hằng điều động tiếp viện. Bột lan Cáp đáp nhĩ có tài công kiên, thì đánh Khả lan vi dễ như trở bàn tay.

Trời tảng sáng, tiếng chim rừng đang hót véo von thì bị át đi bởi tiếng ngựa hý, tiếng quân reo. Bốn đạo quân Nguyên cùng xuất phát, tràn qua biên giới Đại Việt.

Nhanh chóng Bột lan Cáp đáp nhĩ dàn 5 thiên phu kị binh ra trước ải Khả lan vi. Y lại dàn 5 thiên phu bộ binh phía sau. Rồi y cùng Lý Hằng thủng thẳng duyệt trước hàng quân. Lý Hằng chỉ vào trong ải:

– Vợ tên Phạm Ngũ Lão định mưu đồ gì, mà dọc theo chiến lũy không cờ, không một tên quân?

Lý Hằng dặn Bột lan Cáp đáp nhĩ:

– Tướng quân đánh ải này. Tôi phải qua duyệt cánh quân đánh Khâu ôn, Khâu cấp.

Nạp Hải cầm tù và rúc ba hồi, kị binh đồng hú lên, sải bước dọc theo chiến lũy, rồi giương cung bắn tên lửa vào trong. Nhưng chiến lũy xa quá, tên rơi xuống khu đất lầy lội cạnh nghĩa địa. Bộ binh reo hò tay cầm mộc, tay cầm đoản đao dàn hàng ngang tiến vào. Đầu tiên qua khu nghĩa địa, mồ mả gồ ghề rồi tới một khu đất đá lởm chởm. Khi tới con hào, binh tướng cùng dừng lại dọ dẫm chiều sâu rồi lội xuống.

Lập tức trong chiến lũy một tiếng chiêng vang rền, cờ xí dựng lên, trống thúc vang dội, tiếng hô:

– Sát đát!

– Sát đát!

Cùng vang lên, tên bắn ra hàng loạt, máy bắn những tảng đá, những khúc cây chụp xuống đầu hàng quân Nguyên đang lội qua hào. Lớp đầu ngã lổng chổng, tiếng la hét ơi ới. Quân chết, mặc quân chết, tiếng tù và thúc quân vẫn vang lên. Thiên phu thứ nhì dàn ra lội xuống hào. Lớp sau hò reo giẫm lên xác lớp trước. Nhưng lớp sau lại đạp phải chông, bị trúng tên, bị trúng đá, gỗ.

Bột lan Cáp đáp nhĩ thấy chỉ trong vòng hơn hai khắc, mà hao hai thiên phu. Y ra lệnh cho ba thiên phu lao binh đem những bó cỏ tới, ném xuống hào. Trong khoảnh khắc hào bị lấp. Tù và thúc quân lại vang lên. Lần này ba thiên phu bộ binh cùng dàn hàng tiến vào. Đá rơi, tên bay kệ tên bay, người trước đổ xuống, người sau giẫm lên tiến tới lũy. Đoản đao vung lên, chặt rào. Quân trấn bên trong cũng dùng đao chống trả.

Đứng trên đài cao, cạnh công chúa Thủy Tiên, Như Vân giảng giải:

– Từ khi chiếm được Trung nguyên, Hốt Tất Liệt chuyên dùng lối đánh thí quân thế kia. Bọn bộ binh này toàn người Hán, bị cưỡng bách nhập ngũ, rồi đem ra chiến trường làm bia hứng tên. Hồi phụ thân em chỉ huy chiến trường Vân nam, Tây tạng bị bại vì lối đánh thí quân này.

Cuộc chiến đến giờ ngọ, thì bộ binh Nguyên chiếm được lớp thứ nhất chiến lũy. Tất cả reo như sóng biển tràn vào trong. Từ lớp chiến lũy thứ nhất đến lớp chiến lũy thứ nhì chỉ cách nhau không đầy mười trượng. Quân Nguyên ngạc nhiên khi thấy giữa hai lớp chiến lũy không có xác chết, không có thương binh Việt, cũng không thấy vũ khí, quân dụng, mà chỉ thấy những túi đựng lương khô: bánh chưng, bánh dầy, xôi, gà quay, dò và những bầu đựng nước bỏ lại khắp nơi. Hai vách chiến lũy không bằng ván mà bằng lớp cỏ khô dầy đến hai gang tay.

Bột lan Cáp đáp nhĩ chửi:

– Ai cũng nói tên Phạm Ngũ Lão tài giỏi, vợ y dùng binh như thần, mà bờ chiến lũy làm bằng cỏ khô thế này. Nếu mình biết, thì cho bắn tên lửa vào trong. Bọn Man Việt bị thiêu sống hết.

Trong chiến lũy thứ nhì im lìm không một tiếng động, không một bóng người. Thấy binh sĩ quá mệt, ba viên thiên phu để cho binh sĩ nghỉ ngơi một lát. Sau hơn hai giờ giao chiến, quân Nguyên mệt lử, vừa đói, vừa khát. Chúng lấy những bầu nước trà của quân Việt để lại uống. Lại lấy dò, chả, bánh chưng ra ăn.

Như Vân reo lên:

– Bọn Nguyên bị trúng kế của chị rồi. Chúng uống nước, ăn bánh có thuốc độc, thì chỉ cần một giờ sau thì lăn đùng ra hết.

Bên ngoài chiến lũy, Bột lan Cáp đáp nhĩ ra lệnh cho lao binh tiếp tục đem những bó cỏ lấp hào, khiêng thương binh, tử sĩ ra. Rồi y leo qua lớp chiến lũy thứ nhất vào trong. Y gọi ba viên thiên phu quát mắng:

– Sau khi phá lớp thứ nhất, giặc bị mất khí thế phải tấn công như sét nổ, thế mà các người lại cho quân nghỉ? Đánh ngay!

Tù và rúc lên! Quân Nguyên cùng cầm đoản đao hàng hàng tấn công. Vì không phải lội dưới hào như đánh chiến lũy thứ nhất. Quân Nguyên leo lên chiến lũy thứ nhì thì trong chiến lũy thứ ba có những ống thụt, thụt ra một thứ nước sền sệt, rồi những bó cỏ từ trong tung ra, tiếp theo là những mũi tên lửa. Cỏ bốc cháy, 2 thành chiến lũy cũng bốc cháy. Thì ra chất lỏng phun ra không phải nước mà là dầu. Hơn hai nghìn quân Nguyên giữa hai chiến lũy bị cháy như những bó đuốc. Dập tắt được lửa, thì hơn 2 nghìn quân bị phỏng, phải lùi ra ngoài. Giữa chiến lũy 1-2 chỉ còn hơn 5 trăm quân.

Bột lan Cáp đáp nhĩ tung thêm 3 thiên phu nữa vào trong chiến lũy, thúc quân tiến đánh. Gần nửa giờ sau thì quân Nguyên chiếm được chiến lũy thứ nhì. Chúng reo hò tràn vào trong như sóng vỗ. Bên trong quân Việt chia ra từng trăm người dàn thành trận thế.

Ba tiếng lệnh vang lên, công chúa Thủy Tiên hô:

– Hồng sơn, Lam giang.

Quân Việt từng toán 100 người, dàn thành trận thế, cắt quân Nguyên thành từng nhóm một. Thấy thế trận biến ảo, các bách phu Nguyên hô quân tỏa ra bốn phía phá vòng vây. Có tiếng công chúa Thủy Tiên hô:

– Bạch đằng áo binh.

Quân Việt biến đổi trận thế, quân Nguyên bị cắt thành thập phu, thế công bị mất, bị quân Việt chặt phầm phập. Bột lan Cáp đáp nhĩ kinh hoàng:

– Ta từng nghe Hưng Đạo vương soạn ra bộ Vạn kiếp tông bí truyền thư. Bây giờ mới được thấy sự ảo diệu.

Y hô quân Nguyên hai người một quay lưng vào nhau, phá thế trận. Nhưng một lần nữa thế trận Việt lại biến đổi, rồi quân rẽ ra, từng đoàn trâu, trên lưng mỗi trâu là một thiếu niên cầm tù và thúc. Trâu xung vào trận Nguyên. Kèm bên mỗi trâu là một quân Việt. Trâu, người xung trận điều hợp nhịp nhàng.

Tuy bị Ngưu binh, bộ binh dàn trận biến ảo, nhưng không hổ là đạo quân thiện chiến, đám binh Nguyên vẫn chống trả ác liệt. Bột lan Cáp đáp nhĩ thấy một phụ nữ cầm cờ chỉ huy. Y biết đó là công chúa Thủy Tiên. Y nghĩ:

– Muốn chiếm được ải này phải giết con mụ kia.

Y cầm đoản đao xung vào xả một chiêu tấn công. Công chúa Thủy Tiên không đỡ đao của y mà xuất một chiêu kiếm tấn công vào ngực y. Chiêu số cực thần tốc. Kinh hoàng, y lộn một vòng ra sau tránh, thì mũi kiếm vẫn đuổi theo y như bóng với hình. Chân y vừa chạm đất thì choảng một tiếng, mũi kiếm trúng cái mũ bạc của y tóe lửa. Bốn lính Nguyên gốc Mông cổ hộ tống Bột lan Cáp đáp nhĩ cùng dương cung bắn vào công chúa để cứu chúa tướng. Công chúa đổi chiều kiếm gạt 2 mũi tên. Còn 2 mũi sắp chạm vào người công chúa, thì một thiếu nữ đứng sau công chúa rút kiếm gạt tên. Tiếp theo nàng nhảy nhót hai cái, đầu hai cung thủ rơi xuống. Tuy thoát chết, nhưng Bột lan Cáp đáp nhĩ cũng bở vía: 4 tiễn thủ bị bay đầu. Y nhìn lại: người gạt tên cứu Thủy Tiên là một thiếu nữ sắc nước hương trời, trông quen quen. Y tần ngần, thì bọn lính Nguyên của y đã bị quân Việt đổi thế trận giết gần hết. Một số còn lại đành leo qua lớp chiến lũy thứ nhất ra ngoài.

Thế là công lao từ sáng đến giờ bị mất hết. Thiệt hại hơn 2 nghìn người chết, hơn nghìn bị thương. Quân sĩ lố nhố, thương binh la liệt trên bãi đất trước chiến lũy.

Bột lan Cáp đáp nhĩ cầm đao đi sau cản hậu. Công chúa Thủy Tiên mỉm cười, thình lình công chúa tung người lên cao, đưa lưỡi kiếm vào cổ y. Y vung đao gạt, nhưng kiếm đổi chiều hướng ngực y. Y lộn một vòng ra sau tránh, nhưng không kịp, kiếm trúng ngực y, choang một tiếng, áo giáp tóe lửa. Hú hồn, y chưa kịp trả đòn thì cổ tay bị đau nhói, đao của y đã rơi xuống đất. Lòng viên đại tướng khét tiếng Mông cổ nguội như tro tàn. Y run run hỏi công chúa Thủy Tiên:

– Nữ tướng kia! Phải chăng là công chúa Thủy Tiên?

Thiếu nữ đứng cạnh trả lời bằng tiểng Mông cổ:

– Đúng vậy! Còn người có phải Bột lan Cáp đáp nhĩ không? Người chẳng từng là bộ thuộc của cha ta đấy ư? Thôi người lui ra với quân đi. Nghĩ tình xưa, nghĩa cũ, ta tha cho đấy.

Bột lan Cáp đáp nhĩ đã nhận ra thiếu nữ:

– Thì ra quận chúa Như Vân, con của phó Tể tướng Mông cổ đấy ư? Quận chúa lớn mau quá! Xinh đẹp quá. Tiểu tướng không nhận ra.

Nói rồi y nhặt đao theo quân ra ngoài chiến lũy.

Ra khỏi chiến lũy, Bột lan Cáp đáp nhĩ nghe có tiếng nhã nhạc vang vang. Y nhìn vào trong chiến lũy: trên một đài cao, công chúa Thủy Tiên đang kéo nhị, cùng một đội nhạc công tấu khúc nhạc rất êm đềm. Cạnh đó quận chúa Như Vân đang thổi tiêu.

Bột lan Cáp đáp nhĩ giận cành hông. Y định ra lệnh đổi 3 thiên phu khác tấn công tiếp thì 2 cổng chiến lũy mở rộng. Hai đoàn trâu từ trong lồng ra, rồi nhanh nhẹn tỏa làm hai, dàn hàng ngang, xông vào đội hình quân Nguyên.

Bột lan Cáp đáp nhĩ la lớn

– Ngưu binh!

Y nhìn đàn trâu: trên lưng mỗi trâu là một thiếu niên mặt non chọet khoảng 12-13 tuổi., tay cầm tù và rúc lên. Mỗi sừng trâu buộc hai lưỡi đao. Sau mỗi trâu là 3 quân Việt đi theo. Đám bộ binh Nguyên thức dậy từ giờ sửu, xung sát từ giờ dần. Bây giờ là giờ Thân, chết hết phân nửa. Còn lại mệt lử. Người dù can đảm, mà sức kiệt quệ. Nhưng là đội quân tinh nhuệ, tất cả cùng lăm lăm vũ khí chờ đợi. Thình lình tất cả binh sĩ từng vào trong chiến lũy thứ nhất, tuy bị phỏng, nhưng còn chiến đấu được. Đám này cùng ôm bụng cúi gập người xuống, la hét, vì bụng đau như cắt. Hầu hết quẳng vũ khí ôm bụng lăn lộn.

Không ai còn sức chiến đấu, quân Nguyên cùng dàn hàng vác thương binh, quay mặt về sau, rút lui.

Đoàn trâu cứ như đùa cợt thủng thỉnh đuổi theo. Tới khu đất khô ráo bằng phẳng kị binh Nguyên dàn ra chờ đợi, sẵn sàng giáp chiến; thì một hồi tù và rúc lên. Đoàn trâu quay ngược trở lại lững thững lội xuống khu đồng lầy lội.

Bột lan Cáp đáp nhĩ ra lệnh thu quân.

Trong soái lều, Thoát Hoan cho hội các tướng lại, phúc trình về trận đánh sáng nay.Vương phi Ngọc Trí, phu nhân của Lý Hằng là Ngọc Quốc, làm tiệc an ủi tướng sĩ bằng món ăn Đại Việt: giò,chả, nem (chả giò), chả cá.

Sau khi Bột lan Cáp đáp nhĩ trình bày tình hình đánh ải Khả Lan Vi, Thoát Hoan an ủi y:

– Thất bại tại Khả lan vi không phải tướng quân thiếu tài, không phải quân ta không tinh nhuệ. Đúng ra ta đã chiếm được ải, nhưng có một điều mà ta không ngờ tới là công chúa Thủy Tiên đã dùng hỏa công, và nhất là binh sĩ không ngờ tới trong những túi quân Man để lại chứa lương thực có độc! Tình hình đám quân tham ăn ra sao rồi?

Lý Hằng trả lời:

– Có tới hơn nghìn binh sĩ trúng độc, mửa ra máu, người tím bầm. Quân y sĩ không biết độc tố đó tên gì nên trị không kết quả.

A Lý Hải Nha ban lệnh:

– Làm một lệnh ngắn, thuật vụ do tham ăn, bị ngộ độc, thông báo đến toàn quân, để tránh tái diễn.

Bột lan Cáp đáp nhĩ than:

– Không biết ba cánh quân đánh Đại trợ, Khâu ôn, Khâu cấp thế nào, chứ tôi bị công chúa Thủy Tiên dùng Vạn kiếp tông bí truyền thư, điều quân biến ảo khôn lường. Cũng may quân mình thiện chiến, dẻo dai.

Khiếp tiết Tán lược Nhi lắc lắc đầu:

– Trận đánh Khâu ôn, Khâu cấp cũng tương tự. Ai đóng trên đồi trọc. Quân mình tấn công, leo được trăm trượng thì bị Man phục trong những lũy đá, lăn đá xuống, rồi chúng bắn tên. Khi quân lên tới ải thì bị Ngưu binh, rồi Nguyễn Lộc cầm cờ điều quân. Trận thế ảo dịệu không thể tưởng tương nổi. Đánh đến chiều, thấy binh sĩ mệt quá, thần ra lệnh thu quân. Thất bại!

Thoát Hoan thấy A Thâm vai bị cuốn vải trắng, tỏ ra bị thương, y an ủi:

– Tướng quân bị thương à! Có đau lắm không?

Nói rồi y rót một chung rượu trao cho A Thâm:

– Tướng quân uống chung rượu cho ấm áp rồi hãy tường trình.

A Thâm tạ ơn, uống hết chung rượu rồi thuật:

– Khi quân mình tới ải Đại trợ thì quân Man đã dàn trận chờ đợi!

Thoát Hoan kinh ngạc:

– Chúng dám dàn trận? Vì Tiết chế Hưng Đạo vương cấm quân Man: tuyệt đối không dàn trận đánh với ta kia mà! Phạm Ngũ Lão dám trái lệnh cha vợ ư?

– Vâng! Thần cũng ngạc nhiên không ít. Phạm Ngũ Lão mời thần ra nói truyện. Y nói bằng tiếng Mông cổ vùng Hoa lâm.

A Lý Hải Nha xen vào:

– Tên này được phong chức Bình nam đại tướng quân, y xuất thân là người đọc sách. Vì vậy Hưng Đạo vương mới gả công chúa Thủy Tiên, sắc nước hương trời cho y.

– Y lễ phép gửi lời chúc an tới Chí Nguyên hoàng đế, tới Trấn Nam vương, tới quân sư A Lý Hải Nha. Rồi y đem chiếu thư của triều đình cho vua An nam trước đây ra đọc lớn bằng tiếng Hán vùng Hàng châu: Cấm các biên thần không được đem quân xâm lấn An Nam , rồi y hỏi:

– Vậy tướng quân đem quân đi đâu đây?

Thần trả lời:

– Việc ra quân vì Chiêm thành chứ không phải An nam. Vậy tướng quân hãy mở đường cho Thiên binh đi.

Y cung kính hướng về bắc:

– Xin tuân chỉ Chí Nguyên hoàng đế. Chúng tôi xin mở đường.

Y quay lại phất tay. Quân Man nhanh chóng lùi vào trong ải, chỉ còn y với ba tên quân, một tên quân cầm đại kỳ của ta, một tên cầm soái kỳ có chữ: Trấn Nam vương. Một tên cầm cờ vàng có chữ: Thiên binh Đại nguyên, nhân nghĩa chi binh. Rồi y lễ phép:

– Kính mời tướng quân.

Y gò ngựa đi song song với thần.

Nghi là xảo kế, thần cho một thiên phu kị binh đi trước. Kị binh xuyên vào trong ải, dân chúng thản nhiên đứng nhìn. Thấy thiên phu kị binh xuyên qua cửa nam ải, không có gì giả trá; thần cho thiên phu bộ binh theo. Khi thiên phu bộ binh vào trong ải thì một tiếng chiêng vang lên. Cổng ải đóng lại. Mười dàn nỏ thần dàn ra bắn vào bộ binh. Tên Phạm Ngũ Lão rút kiếm ra tấn công thần. Vì đã đề phòng, thần cũng rút đao phản công. Chít một tiếng, đao của thần bị tiện đứt chỉ còn cái chuôi.

Lý Hằng giảng:

– Bọn Man mới đúc được hai thanh kiếm, đặt tên là Trấn bắc, Bình nam. Thanh Trấn bắc trao cho Trấn bắc đại tướng quân tước Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản. Thanh Bình nam trao cho Bình nam đại tướng quân Pham Ngũ Lão. Kiếm sắc bén vô cùng.

A Thâm tiếp:

– Y đánh chiêu thứ nhì, thần vọt mình lên cao tránh chiêu kiếm hiểm độc, nhưng cũng bị trúng vai, xuyên thủng áo giáp, làm thần bị thương. Tên Ngũ Lão xả chiêu thứ ba quyết giết thần, thần tránh được, thì kiếm chặt đứt xương sống chiến mã của thần. Mười vệ sĩ cùng xuất vũ khí ra vây Phạm Ngũ Lão cứu thần, thì cả 10 đều bị nỏ thần bắn ngã. Thần nhảy nhót ẩn vào hàng quân, y cũng bỏ ngựa đuổi theo. Một bách phu vây lấy y. Thần quan sát: thiên phu bộ binh đã dàn ra thành 10 khu phản công. Quân Man dàn thành 10 trận, biến hóa vô cùng. Cuộc giao chiến trong vòng một giờ thì 2 thiên phu của mình đã phá cổng lũy, tràn vào trong. Thấy thần có viện binh, tên Phạm Ngũ Lão phất cờ, quân Man hô lên một tiếng rồi bỏ chạy vào các khu nhà cửa, vườn cây. Thần cho quân đuổi theo, tiêu diệt chúng. Nhưng quân có đi mà không có về. Chỉ nghe thấy tiếng reo hò, tiếng vũ khí chạm nhau. Hơn giờ sau, một số quân trở ra, hầu hết bị thương. Chúng báo: bị những toán dân quân ẩn nấp bắn tên, bị phục kích. Bị Ngưu binh tấn công. Trong ba thiên phu không còn lấy nghìn người. Quân man xuất hiện đông vô cùng, có cả bọn dân chúng già, trẻ, lớn bé chiến đấu cạnh quân sĩ.

Thuật đến đây trên mặt y còn hiện ra vẻ kinh hãi:

– Quân Man thì chúng xung sát theo trận thế. Chứ mấy con mụ đàn bà, mấy lão già, bọn con nít thì chúng gan vô cùng. Có con bị chém cụt một tay, mà chúng vẫn lăn xả vào đánh. Có những lão già, bị lòi ruột ra, chúng nhét ruột vào tiếp tục đánh. Chúng chỉ tiến, không lùi, binh ta hàng thì bọn quân sĩ dừng tay ngay. Còn mấy thằng già, mấy mụ đàn bà thì dù mình có hàng chúng vẫn đâm, chém. Đánh đến giờ mùi thì 3 thiên phu bị tử trận gần hết. Cổng ải bị đóng chặt, không đường rút lui. Thấy nguy, thần lệnh tập trung lại phá cửa ải, thoát ra ngoài. Cả 3 thiên phu chỉ còn không quá trăm người.

– Thế còn thiên phu kị binh?

– Đến chiều, có một kị binh bị thương, thoát về kể: kị binh ra khỏi ải tới khu đồng lầy, chỉ có một con đường xuyên qua thì trúng phục binh, rồi bị Ngưu binh vây đánh. Kị binh bị sa lầy hầu hết bị giết, bị bắt. Y được Phạm Ngũ Lão tha về, để báo với vương gia.Phạm Ngũ Lão gửi kị binh mang về mảnh vải trình với vương gia.

Nói rồi y đưa ra mảnh vải đỏ, trên có chữ viết:

Bắc quốc Thoát Hoan xâm Đại Việt.

Nam phương Ngũ Lão sát Nguyên binh.

( Thoát Hoan người Nguyên xâm lăng Đại Việt,
Phạm Ngũ Lão người Nam giết binh Nguyên)

Y nghiến răng:

– Sau này chiếm được ải này, thần thề giết sạch bọn dân hung dữ, cho binh lính hiếp bọn đàn bà đến chết mới nư giận.

Thoát Hoan cười:

– Chúng ta ra quân trận đầu không thắng không baị. Nhưng tôi xin hứa: nội trong hai ngày nữa, chúng ta sẽ chiếm được hết 4 ải, rồi đánh Chi lăng.

Chư tướng kinh ngạc, định hỏi bằng cách nào mà được như vậy? Thì Thoát Hoan xuất ra một ống nứa: bên trong có hơn 10 cuốn vải. Y trải ra án thư:

– Đây là sơ đồ đồn trú của bốn ải Khà lan vi, Đại trợ, Khâu cấp, Khâu ôn, và Chi lăng. Tuy bọn Nhật Huyên hỗn láo chống lại ta, nhưng trong anh em nhà chúng có hai thân vương từng âm thầm quy phục triều đình. Chúng luôn gửi thư sang tâu tình hình tổ chức, đồn trú, kế hoạch của An nam. Chúng hứa khi mình đem quân sang, chúng sẽ làm nội ứng.

Lý Hằng hỏi:

– Trong hai tên thì một tên là Trần Di Ái. Khi y sang sứ Đại đô, hoàng thượng đã phong y làm An Nam quốc vương, sai Sài Thung đem 1 nghìn thiết kị hộ tống về nước. An Nam sai phục binh tại Hỏa giáp, Đại giáp, Ngọc tuyền. Cả thiên phu bị giết, Sài Thung bi bắn mù mắt, Di Ái bị giết. Vậy tên thân vương thứ nhì là ai?

Thoát Hoan cười khoái trá:

– Y là người cầm quân, tài trí phi thường. Y hẹn khi ta tiến quân vào Thăng long, y sẽ chỉ đường cho ta bắt bọn Nhật Huyên. Đêm qua, người của y yết kiến ta, cung cấp cho ta sơ đồ đồn trú tất cả các ải của Man Việt. Đây, sơ đồ 4 ải đây. Các người nghiên cứu, rồi sáng mai đem quân đánh.

Y gọi Khiếp tiết Tán lược Nhi:

– Đây là sơ đồ đồn trú Khâu ôn, Khâu cấp. Phía sau là ải Khả ly, từ đây có hai lối đi tiến vào sau đồn Khâu ôn, Khâu cấp. Ai này không có chiến lũy, không có Ngưu binh, cũng không có máy bắn đá. Ngày mai tướng quân cho binh đánh mặt trước như hôm nay. Mặt sau sai một thiên binh đi theo con đường này, thì vào trong ải dễ dàng. Ai Khả ly chỉ có đâu 50 dân quân do hai tên Quản quân phụng ngự Đỗ Vĩ và Đỗ Hựu chỉ huy.

Thoát Hoan, A Lý Hải Nha, Lý Hằng cùng mang sơ đồ đồn trú bốn ải Khả lan vi, Đại trợ, Khâu ôn, Khâu cấp ra nghiên cứu. Tài liệu còn chỉ rõ lối tiến quân không có binh trú phòng. Tài liệu cũng chỉ chỗ phục binh, chặn đánh khi quân Việt rút lui.

Thoát Hoan ban chỉ:

– Sáng mai, chư tướng đem chính binh giả tấn công như hôm nay. Lại sai một đạo kỳ binh đánh phía sau. Một đạo kỳ ninh phục trên đường rút chạy của chúng. Ai bị tràn ngập, quân Man ắt tan vỡ bỏ chạy. Phục binh tiêu diệt chúng.

A Lý Hải Nha tiếp:

– Hạ 4 ải, thừa thắng ta tiến quân thần tốc, đánh như sét nổ. Ta đánh vào vòng đai phòng thủ thứ nhì của Man Việt là Chi lăng. Vòng đai thứ nhì do Thiên tượng đại tướng quân, Khâu Bắc đình hầu Dã Tượng thống lĩnh. Vì địa thế Chi lăng hẹp, không trú được nhiều quân nên chỉ có hiệu Văn bắc. Phía sau là ải Nội bàng. Đây là Tổng hành dinh tiền phương của Hưng Đạo vương. Quân cơ hữu và hiệu Tứ thánh của hai đại tướng quân Nguyễn Khoái và Nguyễn Khả Lạp.

Thoát Hoan ban chỉ:

– Vậy sau khi phá bốn ải Khả lan vi, Đại trợ, Khâu ôn, Khâu cấp thì Bột lan Cáp đáp nhĩ, Khiếp tiết Tán lược nhi, Lý Băng Hiến đem kị binh ào ạt tấn công Chi lăng. Ta sẽ cho một đạo kỳ binh, đánh vào sau ải Chi lăng. Chi lăng vỡ, ta tạm dừng quân, vì phía trước là Nội bàng nối với Kiếp bạc. Đại binh Hưng Đạo vương đóng tại đây. Ta sẽ đánh Nội bàng, Kiếp bạc bằng 6 mũi khác nhau.

Lý Băng Hiến hỏi:

– Tướng nào trấn thủ vòng đai thứ nhì?

– Trần Quốc Kinh.

– Quốc Kinh ư?

– Đúng, y còn có mỹ danh là Dã Tượng.

Chư tướng cùng ồ lên.

Lý Hằng tiếp:

– Y từng thống lĩnh hiệu binh Văn bắc đánh Tứ xuyên hồi Mông ca phá Tống. Y nổi danh trong trận Thảo trường. Chính y ném đá giết Mông ca. Tống phong cho y chức tước như sau: Thiên tượng đại tướng quân, Nam phương uy dũng công thần.Tước Khâu Bắc đình hầu . Vợ y là một ca nhi sắc nước hương trời, được sư A Hàm La thu làm đệ tử. Trong trận Trường thảo, y thị đánh bại Ô Mã Nhi. Khi đối trận với y thị phải cẩn thận.

Nghe Thoát Hoan cùng chư tướng bàn, Ngọc Trí kinh hoảng:

– Trong 2 thân vương phản bội thì tên Di Ái đã lộ diện. Còn tên này không biết là ai? Y cung cấp đồn trú các ải, thì ngày mai 4 ải sẽ thất thủ, rồi Chi lăng cũng sẽ bị tràn ngập.

Nàng để Ngọc Quốc, điều động thái giám, cung nữ đãi khách, nàng về lều của mình viết mấy chữ:

“ Có gian tế vẽ sơ đồ đồn trú, cùng những con đường mật của các ải cung cấp cho Nguyên. Phải tối đề phòng”. 

Rồi gọi chim ưng mang đi. Chim ưng mang thư về Nội bàng vào lúc giờ tý. Địa Lô kinh hoảng sang trại của Hưng Đạo vương trình cho vương. Vương với bộ tham mưu còn chưa ngủ, tất cả đang bàn về trận đánh của 4 ải hồi sáng.

Vương vội ban lệnh:

– Báo cho bốn ải biết. Giặc chỉ muốn về Thăng long. Hãy bỏ ải, ém quân vào rừng tránh mũi nhọn của chúng. Đợi đại quân của chúng đi qua, hãy ra chiếm lại ải.

Lệnh được gửi đi ngay. Vương ban lệnh cho Dã Tượng:

“ Giặc đã biết rõ tổ chức phòng thủ của ta. Cần đổi lại kế hoạch hoàn toàn. Cho quân trấn thủ con đường rút lui. Đánh một trận, dù thắng, dù bại, cũng rút quân, ém vào rừng. Chờ lệnh”. 
Ngày 23 tháng chạp, năm Giáp thân (29-1-1285) niên hiệu Thiệu Bảo thứ sáu đời vua Trần Nhân tông bên Đại Việt.

Bên Trung nguyên là niên hiệu Chí Nguyên thứ 21 đời Nguyên Thế tổ Hốt Tất Liệt.

Tại Tổng hành doanh Nguyên.

Sau khi hội họp chư tướng, ban lệnh hành quân ngày hôm sau, Thoát Hoan trở về lều của vương phi Ngọc Trí. Thấy vương phi còn thức, y hỏi:

– Phi chưa ngủ ư?

– Thái tử với em viễn chinh, phải xa hai con, em thấy khó chịu vô cùng. Nhớ chúng quá.

– Chúng là con của mình, nhưng là cháu của phụ hoàng, mẫu hậu. Tục ngữ có câu: con là thịt, là xương, cháu là tâm là can. Chúng mình thương chúng một thì ông bà thương chúng 10. Nếu chúng mình mang chúng đi, chinh chiến gian nan vất vả, sơn khê lam chướng chắc gì chúng hạnh phúc. Chúng ở Đại đô được ông bà yêu thương, chúng hạnh phúc hơn nhiều.

– Nhưng là mẹ, em nhớ chúng quá.

– Nàng chờ đi! Chúng ta sắp vào Thăng long rồi. Phi sẽ được về quê thăm phụ mẫu, làng xóm. Quê phi ở đâu nhỉ?

– Ở ngay giữa Thăng long, làng Thụy khuê.

– Thăng long có đẹp bằng Đại đô không?

– Thăng long không lớn, không rộng bằng Đại đô, nhưng là nơi em sinh ra, lớn lên. Nên cái gì cũng thiêng liêng, cao quý cả.

– Ta báo cho phi biết, khi chiếm xong Đại Việt, ta ban sắc chỉ phong cho tên thân vương quy phục triều đình làm An Nam quốc vương, đặt Tuyên phủ ty, cắt cử quan cai trị rồi về Đại đô. Phụ hoàng lớn tuổi quá, không biết băng hà lúc nào. Ta cần hiện diện cạnh người. Hiện hầu hết tướng sĩ, các đạo quân đều nằm trong tay ta. Phụ hoàng băng, đương nhiên ta lên ngôi. Nàng sẽ là Hoàng hậu. Con của ta thành Thái tử!

– Vương gia nói như dễ lắm vậy! Còn Thái tử Chân Kim kia, còn triều đình nữa chứ!

– Binh quyền trong tay ta, hỏi ai dám chống lại việc ta lên ngôi vua? À ta sắp phải nhờ đến phi đây?

– Việc gì vậy?

– Nội ngày mai, ta sẽ vượt qua bốn ải địa đầu, tiến về vòng đai phòng thủ thứ nhì. Tướng chỉ huy vòng đai này với phi vốn quen biết. Ta nhờ phi thuyết phục y hàng.

– Y là ai vậy?

– Trần Quốc Kinh.

– À thì ra Dã Tượng. Vợ Dã Tượng là Thúy Hồng. Thúy Hồng với em học cùng trường Đông hoa. Thúy Hồng là sư tỷ của em đấy. Không chắc y đầu hàng đâu! Nhưng em sẽ cố gắng làm! Anh có biết hôm nay là ngày gì không?

– Anh không chú ý.

– Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp là ngày dân Hán, Việt tiễn ông Táo về chầu trời.

– Em có cúng ông ấy không?

– Có chứ!

– Táo là người Hán hay người Việt?

– Ở đây là đất Việt thì dĩ nhiên ông Táo là người Việt. Theo anh thì người Hán, người Việt, người gì giỏi?

– Dòng nào, giống nào cũng có người khôn, người ngây. Nhưng con gái Việt đẹp hơn con gái Hán. Bằng cớ là mấy cô gái Việt được sủng ái tại triều đình.

Nói rồi y tính:

– Nguyên phi Bạch Hoa này. Em là hai này. Ngọc Kỳ là phi của Chân Kim là ba này. Ngọc Quốc là phu nhân của Lý Hằng là bốn này. Ngọc Cách là phu nhân của Đường Ngột Đải (Tang’utai) là 5 này.

Ngọc Trí cười:

– Công chúa An Tư là người Trấn Nam vương ngày mơ đêm tưởng là sáu này.

Bị vợ trêu, Thoát Hoan đánh trống lảng:

– Hiện phía An nam có nhiều nữ tướng trí dũng hơn nam nhi. Em có nghe biết không?

Ngọc Trí giả ngây:

– Em chỉ ở trong cung phục thị anh thì làm sao mà biết được?

– Lý Hằng cho biết, An nam hiện có vương phi Vũ Uy vương là đệ nhất kiếm thuật danh gia, tài trí hơn cả vương. Cũng may vương với phi hiện lĩnh tước vương của triều đình, trấn nhậm miền Tây cho Nguyên. Thứ đến công chúa Thủy Tiên, phu nhân của Bình nam đại tướng quân Phạm Ngũ Lão. Công chúa trấn thủ ải Khả lan vi. Trí dũng như như Bột la Cáp đáp nhĩ mà hôm qua đem quân đánh Khả lan vi, suýt bỏ mạng. Thứ ba là Lý Thúy Hồng, phu nhân của Dã Tượng, nhan sắc, ca múa không thua gì Nguyên phi Bạch Liên, mà võ công, tài trí kinh nhân. Đệ nhất dũng sĩ Mông cổ là Ô Mã Nhi bị bại về tay phu nhân trong trận đánh Thảo trường. Thứ tư là Khâm Từ hoàng hậu từ võ công đến tài dùng binh, không thua công chúa Thủy Tiên.

Ngọc Trí tiếp:

– Thứ năm là công chúa An Tư, kiếm thuật thần thông, tài dùng binh như Tôn-Ngô. Nhan sắc khuynh quốc. Hiện thống lĩnh hiệu nữ Thị vệ! Còn ai không?

– Nhiều lắm: lớp già có ba vị sư thái Vô Sắc, Vô Anh, Vô Huyền. Phu nhân của Quốc công Tạ Quốc Ninh, từng đả bại đệ nhất kiếm thuật Tây hạ là chánh phi của Ngột Lương Hợp Thai. Còn Thanh Nga, vương phi của Phó tể tướng Ngột A Đa! Thúy Nga, vương phi của Tể tướng A Lan Đáp Nhi. Nhất là 10 nữ tướng trâu, từng làm cho kị binh Mông cổ phiêu hồn, bạt vía. Lớp trẻ có Trần Đại Như Vân, phu nhân của Trấn bắc đại tướng quân Hoài Văn hầu. Hôm qua đã xuất trận cạnh công chúa Thủy Tiên. Ngoài ra anh nghe nói vương phi của Hoài Nhân vương là công chúa Chiêm Nang Tiên đang sát cánh cùng chồng trấn ngự một vùng.

Sau trận đầu, 4 vạn phu Nguyên bị tổn thất không nhiều, nhưng binh sĩ bị thương, kiệt sức. A Lý Hải Nha điều 4 vạn phu ấy về Ung châu bổ xung, tái tổ chức, điều trị thương binh. Y điều 4 vạn phu khỏe mạnh, tinh nhuệ khác thay thế.

Trời tảng sáng, Bột lan Cáp giáp nhĩ xuất vạn phu bộ binh, năm thiên phu kị binh tới trước ải Khả lan vi dàn ra. Y cảm thấy không khí có cái gì khác lạ: cổng chiến lũy không cờ, trên đài cao chỉ huy không một bóng người. Y ra lệnh cho một bách phu kị binh tới trước cổng ải: trong ải im lìm. Sợ có phục binh, y dàn quân trước lớp thứ nhất chiến lũy. Trong lũy không một tiếng động, không một bóng người. Y chưa quyết định gì thì có phi mã của Thoát Hoan báo:

“ Ba chiến lũy Đại trợ, Khâu ôn, Khâu cấp, đều không thấy bóng quân trú phòng. Hãy dàn quân bên ngoài quan sát. Nếu vẫn không thấy trong lũy động tĩnh thì sai người gọi mở cổng. Nếu vẫn không thấy động tĩnh thì phá cổng tiến vào”. 

Bột lan Cáp đáp nhĩ sai người tới gọi cổng. Cổng mở ra. Trong cổng có 4 người, y phục chỉnh tề. Một người tự giới thiệu là bang trưởng bang Khả lan vi. Một người nữa là Quản quân phụng ngự. Người thứ ba là Nghi bang sứ. Người thứ tư là Hợp chính bang.

Ghi chú.

Bang trưởng: chức vụ do dân bầu, tương đương với miền xuôi là Đại tư. Ngày nay là Chủ tịch ủy ban nhân dân xã.
Quản quân phụng ngự: tương đương với Câu đương ở miền xuôi. Với ngày nay là Trưởng dân quân, kiêm trưởng công an xã.
Nghi bang sứ, coi về tôn giáo của bang. Không có chức vụ tương đương với ngày nay.
Hợp chính bang:
tương đương với ngày nay là phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã, coi về thuế vụ, xã hội, thương binh.

Bốn người cúi rạp mình xuống. Bang trưởng nói:

– Thưa đại tướng quân. Sau trận đánh hôm qua, binh tướng triều đình bị chết, bị thương nhiều quá. Đêm binh sĩ bỏ trốn gần hết. Nữ tướng trấn thủ cùng một số binh lính bỏ chạy hết rồi. Chúng tôi xin theo về thiên triều. Mời tướng quân vào.

Bột lan Cáp đáp nhĩ không tin vào tai mình, nhưng y vẫn ra lệnh cho kị binh tiến vào ải. Bộ binh tiến sau. Bốn người lãnh đạo bang mời tướng sĩ tới sân của nhà hội. Trong nhà hội, xác của quân Nguyên chết để lại hôm trước được xếp ngay. Bột lan Cáp đáp nhĩ sai Tế tác lục khắp ải, không còn bóng quân Việt. Y yên tâm. Sai phi mã báo cho Thoát Hoan.

Một lát Thoát Hoan tới. Tình trạng ba ải kia cũng tương tự. Y ra lệnh chôn xác tử sĩ, rồi quyết định giữ nguyên các chức sắc trong bang. Y hỏi:

– Bang trưởng! Khi ta có lệnh, bang trưởng phải cung cấp lương cho quân ta, cung cấp cỏ cho kị binh của ta. Liệu bang trưởng có chu toàn được không?

Bang trưởng sợ sệt:

– Bang chúng tôi không có nhiều ruộng, chỉ có ít đồi núi, thung lũng. Lúa gạo chỉ tạm đủ nuôi dân trong bang. Bang luôn thiếu gạo ăn, phải về miền xuôi đong. Lương thực tích trữ chỉ có ít khoai, sắn khô với ngô mà thôi. Tuy nhiên dân trong bang có thể cung cấp cỏ cho kị binh.

Thoát Hoan ban lệnh cho Bột lan Cáp đáp nhĩ:

– Bang đã theo gió quy phục! Cấm tuyệt không cho binh sĩ cướp bóc, hãm hiếp. Binh sĩ cướp của, giết người; hãm hiếp thì từ thập phu đến thiên phu bị cách chức. Phạm nhân bị xứ tử.

A Lý Hải Nha ra lệnh cho Bột lan Cáp đáp nhĩ, Khiếp tiết Tán lược nhi, Lý Bang Hiến đem kị binh đi trước, bộ binh đi sau tiến về Chi lăng.

Thoát Hoan, A Lý Hải Nha, Lý Hằng cùng bộ tham mưu thủng thỉnh tiến sau. Lý Hằng trình bầy:

– Chi lăng là vùng đất hiểm. Tống từng hai lần đem quân đánh An nam. Các tướng Tống bị đánh bại, bị giết tại đây mấy phen. Xin vương gia tiểu tâm.

Thoát Hoan từng nghe nói về địa danh Chi lăng. Y cảm thấy lạnh lưng, ơn ớn da gà nổi lên. Đang đi thì có ngựa lưu tinh phi từ sau tới. Kị mã là viên Thái giám hầu cận vương phi Ngọc Trí. Viên Thái giám trình:

– Khải vương gia, vương phi đang ở Đại trợ. Vương phi thỉnh vương gia trở lại ngay!

– Cái gì?

– Tướng quân A Thâm tiến quân vào ải Đại trợ. Tuy các chức sắc dàn ra đón xin quy phục. Nhưng nhớ cái thù bị đánh hôm qua. Tướng quân hạ lệnh cho binh sĩ đốt hết nhà, giết tất cả dân chúng bất kể già trẻ. Chém hai Quản quân phụng ngự họ Đỗ. Y cho binh sĩ bắt phụ nữ hiếp thỏa thích. Hiếp xong quẳng vào những ngôi nhà đang cháy. Đúng lúc đó xa giá vương phi tới. Vương phi ban chỉ bắt A Thâm lệnh cho binh sĩ ngừng giết người, đốt nhà. Nhưng A Thâm không tuân.

Thoát Hoan, A Lý Hải Nha cùng quay ngựa trở lại. Từ xa xa, Đại trợ khói bốc lên đen kịt bầu trời. Khi hai người vào trong cổng thì một cảnh kinh hoàng bầy ra trước mặt: xác người nằm rải rác khắp nơi. Cái thì bị chặt một chân, cái thì bị chặt một tay, nạn nhân lăn lộn kêu khóc. Lại có hơn chục lính Nguyên đang hiếp những thiếu nữ, miệng cười ha hả tỏ vẻ khoái trí. Trên một bãi đất, ước khoảng 3 nghìn người gồm đủ trai, gái, già, trẻ ngồi thành hàng. Xung quanh là lính Nguyên tay lăm lăm vũ khí. Vương phi Ngọc Trí, phu nhân Ngọc Quốc đứng trước đám người khốn nạn như che chở cho họ. Mấy toán lính Nguyên tiếp tục lùa người đem tới.

Thoát Hoan ban chỉ thổi tù và thu quân. Lính Nguyên khắp bản từ từ tập trung lại. A Lý Hải Nha hỏi A Thâm:

– Chiêu thảo sứ! Tại sao người lại hành sự như thế này?

A Thâm lạnh lùng:

– Thưa quân sư, tiểu nhân chỉ thi hành quân lệnh từ đời đức Thái tổ để lại mà thôi. Đức Thái tổ từng có quân luật:

“ Khi đánh vùng nào, thành nào mà quân, dân đầu hàng thì tuyệt đối không được chém giết, đốt nhà, hãm hiếp, cướp bóc. Còn như chúng chống trả thì phải giết tuyệt, đốt sạch. Đàn bà con gái, cho hiếp tùy thích, hiếp xong thì giết“. 

Hồi Thái sư Ngột Lương Hợp Thai vào Thăng long từng thi hành luật này. Lại nữa khi quân sư đánh Tống, từng giết sạch dân Đàm châu, chôn sống toàn thể một thành ở Tĩnh giang mà!

Y chỉ vào đám dân bị tập trung:

– Huống hồ bọn này hôm qua từng cùng quân Man Việt, giết không biết bao nhiêu binh sĩ của tiểu nhân. Tiểu nhân phải làm cỏ khu này, để các nơi khác coi đó làm gương.

A Lý Hải Nha chỉ Ngọc Trí:

– Tai sao vương phi đã ngăn chặn, mà người không tuân?

– Tiểu nhân là thuộc hạ của vương gia. Tiểu nhân không cần biết đến vương phi!

Ngọc Trí mắng:

– Hôm qua, dân ở đây chống lại ta. Nếu hôm qua Chiêu thảo sứ vào được ải thì chém giết là đúng luật của Thái tổ. Còn sáng nay, họ mở cổng đón sứ vào, mà sứ vẫn tàn sát thì không thể tha thứ được. Rồi đây khắp nước An Nam sẽ không làng, xã nào dám đầu hàng nữa.

Thoát Hoan tuyên án:

– Ân xá cho tất cả dân Đại trợ. Còn A Thâm, cách chức Chiêu thảo sứ, giáng xuống làm thập phu trưởng, đi tiên phong trong vạn phu đánh Chi lăng.

Ngọc Trí nói với đám dân khốn nạn bằng tiếng Việt:

– Các người thoát chết rồi. Hãy lo chôn cất người bị nạn, dựng lại nhà bị cháy.

Thoát Hoan, A Lý Hải Nha, Lý Hằng, Ngọc Trí lên đường đi Chi lăng. Từ xa xa, nhìn chiến lũy Chi lăng dài theo chân núi rất kiên cố. A Lý Hải Nha than:

– Tên Dã Tượng không chỉ là tướng có thể lực phi thường, mà còn có tài đại tướng.

Bột lan Cáp đáp nhĩ, Khiếp tiết Tán lược nhi, Lý Băng Hiến đến trình:

– Đã dàn quân bao vây chiến lũy. Chiến lũy có 10 lớp rất kiên cố. Chờ chỉ dụ của vương gia.

Thoát Hoan vào căn lều lớn mới dựng lên. Xung quanh Thị vệ canh phòng nghiêm mật. Y bàn luận hơn giờ với Ngọc Quốc, Ngoc Trí rồi ban chỉ:

– Vương phi làm chánh sứ, phu nhân Lý Tham triù làm phó sứ. Đem theo 2 Thái giám, 10 Thị vệ. Nghi vệ là một xe bốn ngựa. Nhớ thuyết với Dã Tượng rằng:

“ Quân hầu xuất mã lập biết bao nhiêu công trạng cho Tống, mà chỉ được tước hầu nhỏ bằng hạt vừng, hạt đậu. Bây giờ quân hầu hàng Nguyên sẽ được phong tước Quốc công. Còn như quân hầu cố chấp, thì liệu với hai hiệu binh, hơn 2 vạn người, quân hầu có giữ được chiến lũy Chi lăng; khi bị hơn chục vạn quân Nguyên, mạnh như thác đổ, như băng tan không? Liệu có bảo trọng được thân thể không? Chết như thế là chết ngu. Là ngu trung“. 

Đoàn nghi vệ rời trại Nguyên hướng chiến lũy Chi lăng. Khi còn cách cổng chiến lũy hơn trăm trượng, thì có ba tiếng chiêng vang lên, rồi trong chiến lũy bắn vọt lên cao ba Lôi tiễn. Lôi tiễn nổ rung chuyển rừng núi, tỏa ra ba trái cầu lửa trên không trung. Cánh cổng chiến lũy mở ra: bên trong, một đội nữ dân quân, lưng đeo mã tấu, dàn ra hai bên. Tiếp theo, một đội Ngưu binh, do mười thiếu nữ đứng cạnh. Một đội nhã nhạc với 30 nam nữ nhạc công đang tấu nhạc. Ngọc Trí nhận ra đó là bản nhạc ca tụng chiến thắng Chi lăng. Dã Tượng, Thúy Hồng trong quân phục tươi cười ra đón. Một nữ lễ quân hô:

– Thiên tượng đại tướng quân,
Nam phương uy dũng công thần.
Khâu Bắc đình hầu.
và Nam phương, đại từ, thạc hòa huyền quân.
Vũ uy, quang minh công chúa.

Kính cẩn bái kiến Thiên sứ vương phi Trấn Nam vương và phó sứ phu nhân Lý Tham tri.

Ngọc Trí, Ngọc Quốc xuống xe. Đám thị vệ và thái giám được mời vào một căn lều. Lễ quân nói:

– Hôm nay là ngày tiễn ông Táo về trời, Vũ uy công chúa kính mời quý vị dùng mấy món thổ sản nam phương lấy thảo.

Nữ binh bưng ra: bánh chưng, bánh dầy dò, xôi, gà luộc, cùng một mâm trái cây. Lại có cả rượu chuối, rượu tăm Thiên trường.

Ban nhạc lại tấu một bản cực kỳ hùng tráng. Vốn là đấng tài hoa về âm nhạc, Ngọc Trí hỏi:

– Chị ơi! Bản nhạc này tên gì mà em chưa từng nghe qua?

Thúy Hồng cười:

– Đó là một trong 10 bản nhạc Sát đát thập ca. Bản này là bản thứ 3 mang tên Ngưu binh đại chiến Phù lỗ, ca tụng Ngưu binh đuổi Kị binh Mông cổ trong trận Phù lỗ!

– Ai là tác giả vậy?

– Đó là một đại tướng cầm quân tên Trần Bình Trọng.

– À em có nghe Thoát Hoan nói: tên gian vương cung cấp tin tức có báo cáo về Trần Bình Trọng.

– Y cung cấp thế nào?

– Trần Bình Trọng không phải con cháu họ Trần, mà là giòng dõi vua Lê Đại Hành. Đây là một mỹ nam tử, cầm, kỳ, thi, họa đều nức tiếng. Tài dùng binh không thua Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Võ công không thua Hoài văn hầu Trần Quốc Toản. Hiện giữ chức Quang nghĩa thượng tướng quân, thống lĩnh hiệu binh Thiên thánh tước Hải lộ hầu trấn thủ vùng Đa mạc, yết hầu của Thiên trường.

Vào trong lều, chỉ có Dã Tượng, Thúy Hồng, Ngọc Quốc, Ngọc Trí. Thúy Hồng hỏi:

– Tin tức hai em gửi về chỉ có mình anh Địa Lô nhận, rồi trình cho Hưng Đạo vương. Tin quan trọng nhất là: Quân Nguyên không đánh thành, giữ đất mà thẳng tiến về Thăng long bắt triều đình . Hưng Đạo vương nhân đó lệnh cho các đồn ải chỉ đánh cầm chừng, rồi rút lui để tránh mũi nhọn của Nguyên.

Ngọc Trí nhỏ nhẹ:

– Điều đáng sợ nhất là tên thân vương nội phản. Không biết y là ai, mà lại có sơ đồ tất cả các đồn ải gửi cho anh ấy. Anh chị phải khải với Hưng Đạo vương đổi hết hệ thống bố trí, phòng thủ, bằng không các đồn ải sẽ bị tràn ngập dễ dàng. Kể cả chiến lũy Chi lăng này nữa. Tên thân vương gửi báo cáo nói: Chiến lũy Chi lăng thiết trí quay lưng lại sông Phú lương. Để hở lưng. Nguyên đánh được 10 lũy phòng thủ Chi lăng sẽ hao ít ra 10 vạn quân.

Y cung cấp một con đường thượng đạo qua Đâu đỉnh, chiếm Phú lương thì đánh vào lưng Chi lăng dễ dàng.

Nghe Ngọc Trí nói, mồ hôi Dã Tượng toát ra, mặt tái xanh. Bởi khi thiết trí 10 lũy phòng thủ Chi lăng, hầu thiết trí cho quân trấn phía trước, mà không tạo lũy phía sau. Lưng để hở. Vì phía sau là nơi đồn trú của Hiệu Trung thánh dực của Văn chiêu hầu Trần Văn Lộng, trên sông Như nguyệt. Nếu bây giờ Nguyên đánh phía trước, rồi đem một đạo quân vượt rừng chiếm Đâu đỉnh, Phú lương thì chúng đánh vào lưng quân trú phòng Chi lăng. Chi lăng chỉ có chết!

Thúy Hồng hỏi:

– Thoát Hoan có dự tính gì khi chiếm được Đại Việt không?

– Anh Thoát Hoan hứa ngay khi vào Thăng long sẽ thực hiện ba điều: một là ban chỉ phong cho tên gian vương làm An nam quốc vương. Hai là đặt Tuyên phủ ty. Tuyên phủ sứ là Lý Hằng. Ba là bổ nhiệm các Tuyên vũ sứ, An phủ sứ. Thay thế toàn bộ quân Việt: tổ chức thành thập phu, bách phu, thiên phu, vạn phu. Các tướng soái là người Hán, Mông cổ, đem từ Trung nguyên sang.

Dã Tượng hỏi:

– Thoát Hoan là Trấn Nam vương. Y không ở lại làm An Nam vương ư?

– Không! Chí của anh ấy là ngôi vua. Phụ hoàng đã già rồi. Anh ấy hiện nắm binh quyền nghiêng nước. Anh ấy phải về Đại đô, để khi phụ hoàng băng thì anh ấy dùng Thiết đột, Thị vệ phong tỏa Hoàng thành, lên ngôi vua. Nghĩa là làm như Tần vương Lý Thế Dân đời Đường. Hiện Tổng lĩnh Thị vệ, Tổng trấn Đại đô là người của anh ấy.

Thúy Hồng hỏi:

– Đại Hành là Tuyên uy đại tướng quân, Trung hòa hầu. Thống lĩnh Cấm quân, Thị vệ. Vậy Đại Hành theo Thoát Hoan ư?

– Chính em vận động anh Đại Hành theo phe của chồng. Chồng em không thiết tha việc đánh Đại Việt. Anh ấy giả hăm hở đánh Đại Việt để lấy lòng phụ hoàng. Anh ấy nói: khi lên ngôi vua sẽ buông mặc Đại Việt làm đế, làm vương gì thì làm. Coi như trên thế gian không có nước Đại Việt. Bấy giờ anh ấy sẽ yêu cầu Đại Việt, mỗi năm thi tuyển lấy 10 người đẹp, đem cống cho Nguyên. Nguyên sẽ gả cho các văn quan, võ tướng để thu phục nhân tâm họ.

Dã Tượng mỉm cười:

– Sau này anh tâu lên đức vua, mỗi năm sẽ tuyển ít nhất 100 người đẹp đem cống Nguyên. Những người đẹp đó thành phi tần của vương tôn, là phu nhân các văn thần võ tướng, thì lợi cho Đại Việt biết mấy. Tỷ như Thoát Hoan lên làm vua, Ngọc Trí là hoàng hậu. Con của Ngọc Trí sau này sẽ lên ngôi vua. Thế là ông vua Nguyên nửa Mông cổ, nửa Đại Việt.

Ngọc Trí xua tay:

– Cái đó còn tùy các mỹ nhân có giáo dục được con mình hay không? Cái gương tên Nguyễn Linh Nhan ở Tuyên phủ ty còn đó! Mẹ y là người Việt, cha y là Mông cổ, thế nhưng y cứ tự hào mình là người Mông, không lý đến nước của mẹ. Y làm hại Đại Việt còn hơn bọn Mông cổ chính gốc nữa.

Ngọc Quốc hỏi Dã Tượng:

– Anh Lý Hằng quan sát địa thế từ biên giới tới Chi lăng rồi nói với em: với địa thế như vậy, nếu khi quân Nguyên thua chạy, thì người dùng binh như thần là Hưng Đạo vương sẽ phục binh dài dài, e không một người sống sót. Em lo, khi Nguyên thua chạy, phục binh khắp nơi, mạng sống của em với Ngọc Trí khó bảo toàn.

Thúy Hồng tát yêu hai nàng:

– Em đừng lo, lúc Đại đởm đại tướng quân đột nhập vào doanh Nguyên, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản đã căn dặn không được đột nhập vào lều của em vơí Ngọc Trí. Vậy thế này: soái kỳ của Thoát Hoan thì mầu đỏ, trên có con chim ưng bay ngang mặt trời. Cờ của hai em mầu xanh. Chị sẽ khải với Hưng Đạo vương ban lệnh cho truy binh, phục binh không được đánh vào nơi nào có cờ xanh. Như vậy hai em an tâm chưa?

Ngọc Trí, Ngọc Quốc lên xe rời Chi lăng. Đội nữ dân binh, đội Ngưu binh, đội nhạc lại dàn ra tiễn đưa hai nữ Thiên sứ. Nhạc tấu bản Sát đát cực kỳ hùng tráng.

Thoát Hoan, Lý Hằng đón hai bà vợ vào trướng. Ngọc Trí tường thuật:

– Dã Tượng cứng rắn vô cùng. Anh ấy nói: trước đã ném đá giết Mông Ca. Nếu nay anh ấy hàng Nguyên, thì không thiếu người giết anh ấy trả thù cho Mông Ca. Vả lưng anh ấy cứng lắm, không khom để hàng ngoại xâm được

Ngọc Quốc tiếp:

– Bọn em khuyên thế nào anh ấy cũng không nghe. Em hẹn cho anh ấy suy nghĩ hai ngày. Nếu trong hai ngày anh ấy không hàng, thì Đại Nguyên sẽ đánh Chi lăng. Còn chị Thúy Hồng, chị ấy nói: đa tạ Thái tử đã có nhã ý thuyết phục quy hàng. Nhưng chị ấy là con bà Triệu, cháu vua Trưng thì thà thịt nát xương tan, chứ không chịu hàng.

Thoát Hoan trầm tư một lúc rồi thăng trướng. Y nói:

– Theo đúng pháp lệnh của đức Thái tổ Thành cát Tư hãn: trước khi đánh một nước, một thành, một đồn đều phải sai sứ chiêu hàng. Vì vậy cô gia đã để vương phi, phu nhân của Lý Tả thừa chiêu hàng tướng trấn thủ Chi lăng. Nhưng y cứng đầu, không biết từ chỗ tối, tìm chỗ sáng. Vì vậy chúng ta chuẩn bị phá chiến lũy Chi lăng.

A Lý Hải Nha điều quân:

– Chiến lũy Chi lăng có 10 lớp, rất chắc, hào sâu. Dù đánh cách nào cũng hao ít ra là mười vạn người. Nhưng một tên thân vương An nam đã vẽ cho ta đồ hình chiến lũy. Chiến lũy dàn quân hướng về bắc, quay lưng về nam. Có một đường thượng đạo vòng qua Đâu đỉnh, tới sau lưng Chi lăng. Vậy một mặt ta giả đánh chính diện phía bắc. Một mặt ta âm thầm đánh Đâu đỉnh, chiếm Phú lương, rồi dọc theo sông đánh vào sau lưng bọn Dã Tượng.

Y chỉ Lý Hằng:

– Dùng kỳ binh đánh sau lưng Chi lăng, phải vượt rừng, cần dùng tới các tướng, quân khí lực sung thịnh. Vậy đệ nhất dũng sĩ Quốc Uy đại tướng quân Ô Mã Nhi, Chiêu thảo Nạp Hải, Trấn phủ quân Tôn Lâm Đức được đặt dưới quyền Tả thừa Lý Hằng; đem 3 vạn bộ binh, 5 nghìn kị binh lĩnh nhiệm vụ nguy hiểm này.

Y ra lệnh tiếp:

– Tấn công mặt trước thì ngày 25 tháng chạp, do Bột la Cách đáp nhĩ, chỉ huy đánh buổi sáng với 3 vạn phu bộ binh, năm vạn lao binh. Buổi chiều do Khiết tiết Tán lược nhi đem 3 vạn phu khác thay thế. Nếu phá được Chi lăng thì thôi. Bằng như vẫn chưa phá được thì Lý Bang Hiến đem 3 vạn phu công phá trong đêm. Cứ như thế, cho đến khi Tả thừa Lý Hằng đem quân đánh vào sau lưng Chi lăng thì Chi lăng phải vỡ.

Trong ải Chi Lăng, sau khi Ngọc Quốc, Ngọc Trí về rồi, Dã Tượng bàn với phu nhân Thúy Hồng:

– Tin tức hai nàng Ngoc cho ta vô cùng quan trọng. Vậy em lấy con ngựa Bắc mã của anh về Vạn kiếp cáo với Hưng Đạo vương, để người ứng phó với việc tên thân vương khốn nạn đã cung cấp kiến trúc phòng thủ các đồn ải cho Nguyên.

Thúy Hồng lên ngựa đi liền. Con Bắc mã là giống ngựa rừng, sức mạnh vô song, thêm công lực Thúy Hồng thâm hậu. Ngựa phi như bay. Không đầy một giờ đã tới Nội bàng, Tổng hành doanh tiền quân.

Hưng Hiếu vương Quốc Uy thấy Thúy Hồng phi ngựa như bay tới, thì biết có tin gì cực kỳ quan trọng. Vương hỏi:

– Bà chị dâu xinh đẹp. Có tin gì trọng đại vậy?

– Phụ vương đâu?

Có tiếng nói đầm ấm:

– Yết Kiêu!Con mời chị vào.

Rõ ràng tiếng Hưng Đạo vương. Yết Kiêu mở cửa trướng.

Lễ nghi tất.

Thúy Hồng trình bầy những gì hai nàng Ngọc báo cho biết. Hưng Đạo vương hỏi Địa Lô:

– Hầu nghĩ sao?

– Khi dàn quân lập vòng đai vương không chú tâm đến giữ đồn, trấn ải. Nên bỏ qua con đường thượng đạo. Sự thể đã như thế này, thần đề nghị hai phương án. Một là lệnh cho Dã Tượng âm thầm rút quân ém vào rừng đề cho chúng đi qua, rồi chiếm lại sau.

– Như thế giặc sẽ nghi ngờ. Chúng đóng quân lại trong ải, thì mình bị chặn mất đường thông thương giữa bắc cương với bình nguyên.

– Phương án thứ nhì, lệnh cho Dã Tượng lờ đi như không biết đến cái vụ chúng đi thượng đạo. Mình dùng một hiệu binh trấn dọc thượng đạo, đợi chúng đánh Chi lăng mấy ngày, rồi mình rút cả quân cả Chi lăng, lẫn thượng đạo.

Hưng Hiếu vương đề nghị:

– Con thấy phương án 2 là hơn.

– Đóng ở phía nam bến đò Phú lương là hiệu binh Trung Thánh dực của Trần Văn Lộng. Nếu ra lệnh cho Lộng đem quân vượt sông trấn thương đạo, thì cần 2 ngày hiệu binh này mới có thể tới nơi. Trong khi đó bọn kị binh Nguyên chỉ cần một ngày là tới Đâu đỉnh rồi. Làm sao đây?

Hưng Hiếu vương nhắc:

– Hiện mình có hai hiệu binh cơ động đang đóng ở đây. Chỉ cần một giờ là lên đường được.

– Ý con muốn nói hiệu Hàm tử của Quốc Toản, hiệu Tứ thần của Hoài Nhân vương phải không? Hai hiệu đó vừa từ biên giới rút về. Cần cho nghỉ ngơi ít ngày. Vả hai hiệu đó đang làm trừ bị, bảo vệ Tổng hành doanh, cùng Thăng long. Nay đem hai hiệu đó ra đi, giặc tràn đến đây thì Hành doanh nguy tai. Thăng long bị tràn ngập ngay.

Thúy Hồng bàn:

– Hai hiệu đó chưa từng chạm địch, tinh lực còn nguyên. Con nghĩ không cần nghỉ ngơi.

Địa Lô đề nghị:

– Trong đạo binh của Nguyên có tên Ô Mã Nhi, đệ nhất dũng sĩ Mông cổ. Trước đây Vũ Uy vương phải nhờ vương phi Ý Ninh dùng Mê linh kiếm pháp mới trị được y. Không biết y sẽ dự trận ở Chi lăng hay đánh úp Đâu đỉnh. Nếu y dự trận Chi lăng đã có chị Thúy Hồng đương. Còn trận Đâu đỉnh, cần phải đem Quốc Toản trị y. Quốc Toản cũng luyện Mê linh kiếm pháp đến chỗ tuyệt cao, nên dùng Quốc Toản vào nhiệm vụ chặn đạo kỳ binh thì hơn.

Hưng Đạo vương ban lệnh mời Hoài Nhân vương, Hoài Văn hầu. Hai tướng trẻ dẫn theo công chúa Nang Tiên, quận chúa Như Vân đến phục mệnh. Hưng Đạo vương tóm tắt tình hình, giảng giải cho hai tướng, rồi hỏi:

– Nếu lên đường thì phải mất bao nhiêu lâu, hai hiệu binh mới khởi hành được?

Hoài Văn hầu dùng ngôn từ gia đình:

– Thưa bác hiệu Hàm tử chỉ cần 2 khắc (14 phút). Còn hiệu Tứ thần thì cần một giờ.

Hưng Đạo vương ban lệnh:

– A Lý Hải Nha áp dụng xa luân chiến. Mỗi ngày y dùng tới ba đợt, mỗi đợt 3 vạn người thay phiên đánh Chi lăng. Trong khi quân trấn trong ải chỉ có một hiệu hơn vạn người. Sau hai ngày, quân mình mệt mỏi, Nguyên sẽ tràn ngập. Vậy Thúy Hồng trở về cùng Dã Tượng chia quân làm hai. Một nửa nghỉ, một nửa đánh. Cố gắng giữ 2 ngày, rồi âm thầm rút trong đêm, ém vào rừng.

Vương ban lệnh cho Hoài Văn hầu:

– Cho hiệu Hàm tử lên đường khẩn cấp. Đem theo 5 đô Ngưu binh. Chia nhau phục trên đường thượng đạo chặn đánh kị binh của chúng. Chỉ cần đánh một trận phá kị binh rồi rút vào rừng. Khi bộ binh của chúng tới thì cũng là lúc hiệu binh Tứ thần tới. Anh em cần cầm chân chúng 2 ngày, để Dã Tượng rút khỏi Chi lăng mà thôi.

Vương ban lệnh cho Yết Kiêu:

– Thiên kình đại tướng quân đem mấy đô Ngạc ngư ẩn trên bến đò Phú lương tới Vạn kiếp, phá các thuyền chở quân của Nguyên.

Vương trịnh trọng gọi Nguyễn Thiên Sanh:

– Vừa rồi Thần vũ quốc công đã làm cho Thoát Hoan kinh tâm động phách. Bây giờ quốc công mang bốn đô Đại đởm ẩn trên con đường thượng đạo. Chờ cho kị binh, bộï binh Nguyên đi qua, thì đốt lương, phá hậu quân của chúng.

Địa Lô hỏi:

– Cánh quân này gồm hiệu Tứ thần, hiệu Hàm tử, các đô Ngạc ngư, Ngưu binh, Đại đởm, thành phần hơi phức tạp, cần có một người tổng chỉ huy. Xin đại vương chỉ định một tướng lĩnh trách vụ này!

Vương chỉ vào Hưng Nhượng vương:

– Quốc Tảng tổng chỉ huy.

Tại chiến lũy Chi lăng, trời hừng sáng, Thoát Hoan cùng bộ tham mưu ngồi trong căn lều lớùn tại một mỏm núi, quan sát chiến trận.

Bột la Cách đáp nhĩ, cho suất 3 vạn phu lao binh, tay ôm những bó cỏ tiến trước để lấp hào. Phía sau 3 vạn bộ binh, tay cầm vũ khí dàn ra làm ba hàng. Một tiếng tù và rúc lên, lao binh reo hò xung tới hàng rào chiến lũy.

Một tiếng pháo lệnh nổ, ba tiếng vi vu trên không, tiếp theo ba tiếng nổ lớn rung chuyển rừng núi, rồi ba trái cầu lửa tỏa ra khắp không gian. Quân Việt trong chiến lũy xuất hiện, dùng tên bắn ra. Chỉ một loạt, lớp lao binh tiến đầu ngã xuống. Loạt thứ nhì, lớp lao binh sau ngã lổng chổng. Đám bộ binh lao tới nhặt những bó cỏ, giẫm lên xác lao binh, ném cỏ vào hào, rồi lội qua hào, tới chân chiến lũy, dùng vũ khí chặt các hàng rào. Quân Việt thủ bên trong dùng đao phản công. Cuộc giao chiến giữa hai đạo quân tinh nhuệ bên bờ chiến lũy thực khủng khiếp.

Đứng đốc chiến phía ngoài, Bột la Cách đáp nhĩ, chỉ huy công đồn. Hễ thấy chỗ nào quân chết nhiều, lập tức y cho lệnh toán khác trám vào thay thế. Cuộc giao tranh tới giờ ngọ, thì quân hai bên đều thấm mệt. Quân tấn công, ba vạn chỉ còn hơn vạn. Bột la Cách đáp nhĩ ra lệnh đánh chiêng thu quân. Lao binh được điều đến thu nhặt xác chết bộ binh, xác chết lao binh, xếp thành những đống lớn.

Crypto.com Exchange

Hồi (1-61)


<