Vay nóng Tinvay

Truyện:Anh hùng Đông A gươm thiêng Hàm Tử - Hồi 03

Anh hùng Đông A gươm thiêng Hàm Tử
Trọn bộ 61 hồi
Hồi 03: Anh Hùng Lĩnh Nam
5.00
(một lượt)


Hồi (1-61)

Siêu sale Lazada

Vương dùng Lăng không truyền ngữ hỏi lại:

– Sao em biết cô ấy tuyển phu?

– Anh không thấy sao? Cô ấy tìm người cùng tát biển Đông, chữ này lấy ý trong câu tục ngữ: Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn.

– Anh chưa học chữ Nôm thành ra đọc không hết 12 chữ kia. Anh đọc được chữ thanh, còn chữ Nga thì nào có biết! Em thử hỏi xem cô ca nhi này có đúng tên Thanh Nga không? Biết đâu Thanh Nga là người khác, không có mặt ở đây thì sao?

Vương phi hỏi cô gái:

– Này cô em! Bây giờ em hát một bài nhẹ nhàng đi.

Cô gái đưa mắt cho ban nhạc, một người đánh trống mảnh, một người kéo nhị, một người thổi sáo, một người đánh đàn bầu. Người đàn bà vẫn bật trống cơm. Cô gái gõ phách, rồi cất tiếng hát. Mở đầu là bốn câu thơ lục bát, cô hát theo điệu ru em mượt mà. Hết bốn câu, cô đổi sang điệu hát rất lạ, rất êm dịu.

Bản nhạc hết, vương phi Ý Ninh hỏi:

– Em ơi! Bài hát vừa rồi theo điệu gì vậy? Tôi chưa từng nghe qua.

Cô gái nhoẻn miệng cười, đôi mắt có đuôi càng thêm duyên dáng:

– Thưa đó là điệu hát Xẩm đấy ạ.

Phi khen:

– À, xung quanh tôi người ta nói đến hát Xẩm hoài, bây giờ tôi mới được nghe em hát. Em hát hay thực, bỏ xa các ca nhi mà tôi từng được nghe. Này em, hát Xẩm là điệu hát dành cho người nghèo, xin tiền. Em có nghèo đâu mà cũng hát Xẩm? Em đẹp lồ lộ, tươi thắm như hoa đào, hoa lý (mận) thì phải gọi là hát Đào hoa, hoa Lý hoa mới đúng.

Cô gái cười, ánh mắt lung linh như nước hồ thu, chắp tay vái vương phi:

– Thưa phu nhân, hát Xẩm là điệu hát dân gian, không biết ai là tác giả, có từ bao giờ. Thế nhưng người ta cứ phong cho Trương Chi là tác giả. Trương Chi là nhạc sĩ tài hoa thời vua Hùng. Nếu đúng như thế thì hát Xẩm có từ thời vua Hùng.

Tạ hầu xen vào:

– Tuy đến nay sử sách không ghi rõ ràng, nhưng trong bộ Lĩnh Nam mật sử, phần Bắc bình vương thế gia chép rằng hồi niên thiếu, khi vương qua bến đò đi Cổ loa thì gặp một cặp vợ chồng hát Xẩm tên là Chu Thổ Quan. Như vậy hát Xẩm ít nhất có vào thời vua Trưng (39-43 sau Tây lịch).*

Ghi chú,

* Bắc bình vương Đào Kỳ là đại anh hùng trong cuộc khởi nghĩa của vua Trưng. Ngài lĩnh chức Đại tư mã tương đương với ngày nay là Tổng tư lệnh quân đội. Vương phi là Nguyễn Phương Dung lĩnh chức Tể tướng triều Lĩnh Nam. Hiện (2001) đền thờ hai vị còn tại Lộc hà, Hội phụ, Lê xá, Thị thôn thuộc Cổ loa Hà nội. Xin xem Anh hùng Lĩnh Nam, Động đình hồ ngoại sử, Cẩm khê di sự, cùng tác giả. 

Dã Tượng thấy cô gái quá trẻ, xinh đẹp mà kiến thức rộng, chàng hỏi:

– Cô ơi, tại sao tại các con đò qua sông, trước các đền chùa, nhất là ngày mùa, tôi thấy người hát Xẩm đều nghèo, đi xin ăn. Mà ở đây cô cũng là Xẩm, vậy cô là Xẩm giầu, Xẩm đẹp sao? Cô đẹp thế kia mà đi hát Xẩm thì nên gọi là Xẩm tiên nga mới đúng.

– Anh đặt câu hỏi như vậy thì anh từng nghe hát Xẩm nhiều rồi. Em đâu phải Xẩm. Xẩm chỉ là một điệu hát thôi. Còn em, em biết hát tất cả các điệu hát Đại Việt như Quan họ, Đò đưa, Ả đào, Sa mạc. Lại còn hát Lý, hát chăn trâu.

Xuất thân là mục đồng chăn trâu, rồi thành tướng Ngưu binh, Dã Tượng thuộc hàng trăm bài hát Nghêu, hát đồng, hát ghẹo, hát gọi, hát đố. Chàng rút ống sáo đeo trước ngực ra thổi theo điệu Hát Nghêu. Lập tức cô gái cất tiếng hát theo:

Hôm nay trời nắng, gió êm,

Cỡi trâu, gõ sừng, ấy a, ta quên nhọc nhằn.

Dã Tượng khen:

– Giọng cô tốt quá. Thế tôi hỏi cô câu này nghe: tại sao thì Xẩm hầu lại gồm tất cả các điệu Quan họ, Ả Đào, Hát lý, Hát trống quân?

– Anh ơi, Hát Xẩm là diệu hát dân gian. Vì vậy Hát Xẩm rất phong phú có thể dùng tất cả thể loại thơ văn biến ra. Như bài hát Đông bộ đầu giết Thát đát, từ nguyên tác em có thể biến thành điệu hát Xẩm, nhưng không còn hùng tráng nữa. Bây giờ em xin hát một bài hát Ả Đào, mời anh nghe.

Nàng phất tay, rồi gõ phách, các nhạc công cùng tấu nhạc hòa lẫn vào nhau, nàng cất tiếng hát:

Lĩnh-Nam là đất anh hùng,


Vua Bà ngự trị, một lòng thương dân.
Mê-linh khởi nghĩa,
Ánh trăng soi, lửa chiếu đến ngang trời.
Vua Bà cầm bảo kiếm, quyết một lời:
Thề đem sức, giúp đời dành tự chủ.
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếm hãn thanh.*
Khi đuổi giặc, rồi thì đất tổ thái bình,
Đem tất cả hùng tài dựng lại nước.
Tài không thiếu, đức cũng đủ, dư thừa phương lựơc,
Chỉ hiềm vì, thế nước đã suy vi,
Cẩm-khê sóng cả bốn bề,
Anh hùng gieo xuống, hồn về cõi tiên.

Nghìn năm lịch sử ghi tên.

* Người ta sinh ra, ai mà không phải chết, nhưng phải sao lưu chút lòng son với đời sau (thẻ tre). 

Tạ hầu cười:

– Cô ơi! Cô hát hay quá. Nhất là hai câu mưỡu cô lên cao đến như vậy, tôi chưa từng nghe qua. Điệu hát vừa rồi là điệu hát Ả Đào còn gọi là Ca trù. Còn nội dung bài hát là nói về cuộc khởi binh của vua Trưng. Đâu phải hát Xẩm?

Cô gái lại gõ phách, năm nhạc khí lại tấu lên, cô biến bài Ca trù thành điệu hát Xẩm.

Dã Tượng chắp tay xá cô gái:

– Tuổi cô còn trẻ, mà tài thì lại cao, nhất là cô làm chủ một tấm nhan sắc tươi như hoa, thanh thoát như cỏ non đầu xuân. Xin bái phục.

Vương phi Ý Ninh móc trong bọc ra một nén bạc, nắm lấy tay ca nhi, bỏ vào, mỉm cười:

– Chị biếu em đấy. Em hát hay, lại xinh đẹp thế này. Nếu chị là trai, chị quyết xung vào đội quân Bắc cương đánh giặc lập công. Đức vua ban cho chức tước gì chị cũng không nhận. Chị chỉ xin cưới em làm vợ thôi. Được làm chồng em, thì lệnh vua bảo chị xung vào trăm nghìn đao kiếm, vạn vạn mũi tên chị cũng sẵn sàng.

Nói rồi tay trái phi nâng cằm cô gái, tay phải sẽ tát yêu một cái.

Một nho sinh khá lớn tuổi ngồi trong hàng ghế đầu tiếp lời:

– Nhưng nay giặc bỏ chạy rồi, thì dù có muốn làm anh hùng giết giặc cũng không dễ. Tôi e phải sang Mông cổ tìm giặc.

Một trung niên nam tử mặc võ phục cấp Tá lĩnh xen vào:

– Biết đâu giặc bị thua chạy về, chúng sẽ kéo cả ổ sang trả thù thì sao?

Thấy Nho Lâm đang ngây người ra nhìn cử chỉ từ ái của phi. Vương hỏi y:

– Anh nói đào Nguyên Phong. Đâu? Đào mừng chiến thắng toàn quốc mang tên Nguyên Phong của anh đâu?

Anh ta chỉ vào hai má cô gái hây hây hồng:

– Thưa quan khách đây là hai chùm đào chiến thắng thời Nguyên Phong đấy ạ.

Anh ta lại chỉ vào vương phi:

– Hai chùm đào chiến thắng của phu nhân mới thực là đẹp. Tôi e xuất hết kho vàng thiên hạ cũng không mua được.

Tuy kiếm thuật thần thông, tuy được phong tước Hồng Đức, Trang Duệ, Vũ Thắng công chúa; rồi trở thành vương phi, địa vị cực cao quý. Nhưng giữa Quán văn, được một nho sĩ ca tụng sắc đẹp của mình, phi cũng không dấu được nét hãnh diện, vẻ e thẹn. Người phi nóng bừng lên, càng tăng thêm vẻ diễm kiều. Phi hỏi cô gái:

– Em! Em tên gì?

– Thưa phu nhân, em tên Thanh Nga.

– À thì ra em đến đây treo bảng tuyển phu đấy.

– Sao phu nhân biết?

Phi chỉ vào tấm bảng có 12 chữ Thanh Nga mười tám mùa Xuân tìm người cùng tát biển Đông:

– Thì chị đọc tấm bảng này chứ đâu!

Một người trang phục như thương gia hỏi phi:

– Trên tấm bảng này tôi chỉ đọc được có mấy chữ thanh, xuân, đông. Còn 9 chữ kia tôi không đọc được. Đó là những chữ gì vậy?

– À đấy là chữ Nôm. Toàn bảng là Thanh Nga 18 mùa Xuân tìm người tát biển Đông. Thanh, xuân, đông là chữ Hán, còn lại 9 chữ là chữ Nôm.

– Chữ Nôm à? Tôi chưa từng học qua.

Nho Lâm giảng giải:

– Thời Lĩnh Nam về trước, người Việt mình có chữ Khoa đẩu, tượng thanh. Sau khi Mã Viện chiếm Lĩnh Nam, triều Hán sai thu tất cả sách viết bằng chữ Khoa đẩu gồm mấy vạn bộ: kinh, sử, tử, tập, lại cấm dân chúng học chữ Khoa đẩu. Thế là bao nhiêu văn minh, văn học, kinh điển Việt không còn nữa. Hiện nay trong nước không ai đọc được chữ này nữa. Gần đây các thức giả chế ra chữ mới gọi là chữ Nam, đọc trại đi thành chữ Nôm. Chữ Nôm dùng chữ Hán ghép lại mà thành. Hiện các khóa sinh đều thi nhau học, nhưng chữ Nôm chưa có cấu trúc đầy đủ. Đã có rất nhiều danh tác bằng chữ Nôm.

Thanh Nga góp ý:

– Thưa quý khách, em nghĩ chữ Nôm phải có ít ra mấy trăm năm. Vì sử từng nói đến Bố Cái đại vương. Đại, vương là chữ Hán. Còn bố là chỉ cha, cái để chỉ mẹ là tiếng Việt. Lại nữa bài hát Ả Đào vừa rồi bằng chữ Nôm, được làm vào thời vua Lý Thái tổ (1010 – 1028). Vậy thì vào thời này chữ Nôm phải thịnh lắm rồi.

Dã Tượng trở lại với lời rao bán hoa đào. Chàng chỉ vào cành đào cắm trong bình, nở đỏ tươi hỏi Nho Lâm:

– Dĩ nhiên nhánh đào trên má Thanh Ngoan thì đẹp hơn cành đào này rồi. Nhưng sao anh lại bảo đào trên má thím tôi với đào trên má Thanh Ngoan là đào chiến thắng Nguyên Phong? Nguyên Phong là tên của đức vua mà.

– Này quan khách ơi! Nếu như các trận vừa rồi ta bại hết, thì các bà, các cô sợ xanh mặt ra, sao má có thể nở hoa? Vì ta toàn thắng các bà các cô mới vui. Vui thì má đỏ au lên, tươi thắm hơn bao giờ cả. Còn tại sao danh sĩ trên toàn quốc gọi giai nhân mùa xuân này là đào Nguyên Phong? Thưa quan khách, giai nhân khắp trời Nam mình, hỏi ai không là con của đức vua?

Anh ta chỉ vào mấy thiếu nữ ngồi trong quán:

– Các cô này đều là con đức hoàng đế Nguyên Phong cả đấy!

Vũ Uy vương mỉm cười, móc túi trao cho anh ta một lượng bạc, rồi chỉ vào cành đào lớn nhất:

– Giỏi! Tôi xin mua cành đào Đông bộ đầu này.

Dã Tượng chỉ vào ca nhi Thanh Nga:

– Tôi muốn mua hai cành đào trên má giai nhân này, anh bán bao nhiêu?

Tất cả cử tọa cùng cười ồ lên.

Một người đàn bà dường như trên sáu mươi tuổi nói với Dã Tượng:

– Cành đào này nghìn vàng chưa dễ mua được. Cậu về đúc nhà vàng đi rồi rước giai nhân cũng chưa muộn.

Thấy một thiếu niên thân thể hùng vỹ, nét mặt xạm đen, nhưng khôi ngô, hỏi câu đó, tim Thanh Nga đập thình thịch, muốn nghẹt thở. Nàng e thẹn cúi đầu xuống, đôi má đỏ rực lên, trông càng đẹp hơn. Nàng ước thầm:

– Giả như mình được làm vợ người này thì không uổng tấm hồng nhan.

– Hai cành đào trên má Thanh Nga này đẹp nhất Thăng long đấy cậu ạ.

Nho Lâm nói với Dã Tượng: kẻ phàm phu tục tử thì nghìn vàng cũng không bán. Còn người nào muốn rước hai cành đào trên má Thanh Nga phải thuộc loại ba có và ba không.

Tạ Quốc Ninh bật lên tiếng a lớn:

– Thì ra cô Thanh Nga ra Quán văn này để tuyển phu đấy. Hèn gì quán mang tên Thiên Thư. Chữ Thiên Thư lấy trong bài thơ đánh Tống của ngài Thái úy Lý Thường Kiệt thời Anh vũ Chiêu thắng (1075-1076). Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư. Tên quán đã có ý nghĩa chiến thắng, mà tên giai nhân còn có ý nghĩa hơn. Trong lịch sử ca nhạc của Đại Việt, kể từ đời Lý đến nay người ta thường lấy nghệ danh khởi đầu bằng chữ Thúy, Thanh, Hồng, Huyền. Quán văn phường Tây hồ có Thanh Hương, Thanh Hoài, Thanh Thúy, Hồng Yến. Quán văn Thụy khê, Thụy Hương có Thúy Hoa, Thúy Uyên, Thanh Thanh. Đó là những danh kỹ đời nay. Tôi biết từ xưa đến giờ ít ra mười người lấy nghệ danh là Thanh Nga. Mà Thanh Nga nào cũng khiến cho các danh sĩ thầm yêu, trộm nhớ. Nếu bây giờ cô tuyển được một đấng anh hùng cùng tát biển Đông thì trăm năm sau, nghìn năm sau không thiếu danh kỹ lấy tên Thanh Nga.

Nói đến đó trong lòng hầu lại quặn đau, tưởng nhớ lại năm trước hầu từng đến Quán văn Tô lịch dự tuyển phu của đệ nhất danh kỹ Hoàng Hoa, rồi nàng trở thành vợ của hầu. Giữa lúc vợ chồng đang hưởng tuần trăng mật, tình yêu mặn nồng, dạt dào thì Mông cổ tràn vào Thăng long. Hoàng Hoa bị chúng bắt đi mất, cho đến nay vẫn không có tin tức gì.

Nho Lâm chỉ vào mấy thiếu niên trẻ, trong đó có viên Tá lĩnh:

– Bẩy vị này cũng đã ứng tuyển, nhưng không đủ điều kiện đấy.

Qua đối đáp của Tạ Quốc Ninh với Nho Lâm, Vũ Uy vương chợt nhớ lại truyện tình của phụ hoàng với vương mẫu. Trước kia, người Thăng long thường khinh khi những nghệ nhân, gọi họ là bọn xướng ca vô loài. Nhưng từ sau khi vương mẫu gặp phụ hoàng, rồi tiến cung, thì những người hát rong không còn bị coi rẻ nữa. Họ kết nhau lại thành phường, lập ra những Quán văn. Trên toàn quốc, các trấn, các phủ, danh sĩ thi nhau lập Quán văn. Một luồng gió Văn học, Văn nghệ như trăm hoa đua nở. Chủ quán thường là nho sĩ, hoặc các thầy đồ. Họ mượn những thiếu nữ xinh đẹp, hằng ngày đọc sách cho khách nghe. Văn nhân, danh sĩ thường đến các Quán văn nghe thiếu nữ đọc sách. Họ còn cùng nhau xướng họa thi phú, cùng đàm đạo thế sự, nghe hát. Những cô gái có nhan sắc đua nhau đi học hát, đến các Quán văn đọc sách, ca hát cho khách nghe, với ước mong tìm được người có văn học làm chồng. Nhiều cô treo bảng tuyển phu. Rất nhiều cô gái thuộc hàng dân dã, nhờ Quán văn mà một sáng, một chiều trở thành phu nhân, hay vợ những học sinh trường Quốc tử giám. Từ đấy Quán văn mọc lên khắp các phường, nghiễm nhiên trở thành nơi để các giai nhân tuyển phu. Cô bé Thanh Nga này không phải ca nhi bình thường, mà là người có lý lịch hẳn hoi, ra đây tuyển phu.

Tạ hầu hỏi lại Nho Lâm:

– Này anh! Anh ra điều kiện tuyển phu cho Thanh Nga là ba có, ba không. Thế ba có là có gì? Ba không là ba không gì?

– Thưa quý khách! Trước hết hãy nói ba không. Một là không có vợ. Hai là không bệnh tật. Ba là không trốn việc xung quân giữ nước.

Hầu mỉm cười gật đầu:

– Hay! Trong đoàn của tôi, thì tôi đã có vợ, hơn nữa nhiều vợ; lại có nhiều con, nhiều cháu. Thế thì tôi bị loại rồi. Tiếc quá, cô đẹp thế này, để tôi nhận cô là cháu nội, rồi dẫn lên Bắc cương gả cho một anh hùng bình Mông. Cô biết không, trong trận vừa qua, tại Bắc cương có hơn vạn trai tráng được đức vua khen thưởng đã lập công giết giặc đấy. Cô tha hồ mà chọn. Người xưa nói:

Trai khôn tìm vợ chợ đông,

Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân.

Lập tức Thanh Nga biến hai câu ca dao thành điệu hát Trống quân. Tất cả khách trong Quán văn cùng vỗ tay tán thưởng.

Hầu nhìn Vũ Uy vương, rồi chỉ vương phi:

– Vị này vừa cưới vợ xong. Như vậy cũng bị loại mất rồi.

Thanh Nga được vương phi tỏ cử chỉ từ ái, nàng muốn kiếm lời đẹp để tạ lòng phi, mà chưa có dịp. Bây giờ nhân câu nói của Tạ Quốc Ninh, nàng xen vào:

– Kể ra trai năm thê bẩy thiếp là sự thường. Khách quan đây có thể tuyển thêm bốn thê nữa cho đủ năm, rồi tuyển bẩy bà nữa làm thiếp cũng cứ được đi. Nhưng đại phàm khi có chính thê rồi, mà chính thê già, xấu, thì mới tuyển thiếp. Phu nhân đây tuổi còn quá trẻ. Nhan sắc thì e người đẹp như Tể tướng Phương Dung thời vua Trưng cũng không hơn. Em nghĩ khách quan phải sủng ái phu nhân đến chết. Chết rồi còn sủng ái e cũng chưa đủ.

Quan khách vỗ tay hoan hô câu nói khéo léo của Thanh Nga.

Thanh Nga chỉ vào thanh kiếm của phi:

– Vả phu nhân trang phục thế này thì là đệ tử phái Mê linh, luôn đeo kiếm trên lưng, ắt kiếm thuật thần thông. Khi chính thất là kiếm khách thuộc đệ tử danh môn, hỏi cô gái nào có gan bằng trời cũng không dám làm thiếp của khách quan. Ai mà làm thiếp của khách quan này thì phải có một trăm cái đầu.

Vương phi Ý Ninh lại tát yêu Thanh Nga như tán thưởng câu nói ý nhị, rồi hỏi Nho Lâm:

– Anh đã ra điều kiện ba không. Vậy ba có là có gì?

– Một là phải có huân công trong trận bình Mông vừa qua.

Vương phi Ý Ninh tủm tỉm cười chỉ vào vương, Tạ Quốc Ninh với Dã Tượng:

– Ba vị này đều xung tên, đụt pháo; trăm phần chết, chỉ có một phần sống trong trận giặc vừa qua. Như vậy cả ba đều trúng cách

Phi lại hỏi:

– Hai có là có gì?

– Hai là phải có sức khỏe. Mông cổ tuy đã bỏ chạy, nhưng rồi chúng sẽ sang báo thù. Người trượng phu của Nga phải khỏe để cầm Đao quất, Khiên mây đuổi giặc.

Dã Tượng thấy vui, vui chàng thắc mắc:

– Anh nói sức khỏe thì chung chung quá. Khỏe đến bậc nào kia chứ? Ví như vật ngã voi, đấm vỡ mười viên gạch hay múa Đao quất chẳng hạn.

– Cậu hỏi thực phải. Khi treo bảng tuyển phu cho Thanh Nga, tôi đã định rồi.

Anh ta chỉ cây cung Mông cổ treo trên vách:

– Muốn được làm chồng Thanh Nga, phải dương được cây cung kia.

Cung Mông cổ bằng thép, cánh cung to, dây cung bằng gân bò, phải người có nội lực thâm hậu mới dương nổi. Vương phi dùng Cầm long công phẩy tay một cái, cây cung rời vách bay lại phía Dã Tượng. Dã Tượng bắt lấy.

Cả quán cùng vỗ tay hoan hô thủ pháp của phi. Họ không thể ngờ một thiếu phụ 20 tuổi lại có nội lực siêu phàm như vậy. Phi chỉ Thanh Nga:

– Cháu dương cung cho Thanh Nga xem cháu có xứng đáng cùng nàng tát biển Đông không?

Dã Tượng đứng theo dương cung tấn, nạp tên, kéo mạnh. Cây cung uốn cong như ánh trăng mùng ba, rồi chàng buông tên. Mũi tên xé gió rít lên, bay sang bên kia đường trúng vào cây gạo. Bộp một tiếng mũi tên ngập tới hơn gang.

Cử tọa vỗ tay hoan hô hết tràng này đến tràng khác:

– Cậu này khỏe thực, lại to lớn thế kia thì giết Mông cổ dễ như chơi.

– Ôi! Vừa khỏe, vừa đẹp thế kia thì xứng làm chồng Thanh Nga.

Có nhiều tiếng la hoảng:

– Ôi con ngựa điên xổ chuồng.

– Tránh ra! Tránh ra! Chết!!!

Một con ngựa không yên cương lao vào đám đông, tiếng người la hét inh ỏi. Dã Tượng tung mình ra đón trước đầu ngựa. Người ta hét:

– Tránh ra! Chớ dại! Ngựa dẵm chết bây giờ.

Con ngựa chồm hai vó trước bổ vào đầu Dã Tượng. Người người nhắm mắt lại, không dám nhìn chàng bị ngựa đạp chết. Dã Tượng dùng lộ thứ nhì trong Đảo mã cửu lộ, tên Mã hung bất kham. Chàng xuống trung bình tấn, chụp hai chân trước ngựa, rồi giữ cứng. Con ngựa hí inh ỏi, dặm chân sau, quẫy đuôi. Nó hí thêm mấy tiếng, cũng không thoát khỏi tay Dã Tượng. Dã Tượng buông chân nó ra. Nó hí râm ran rồi nhảy tới. Dã Tượng chụp đuôi nó ghì chặt. Nó cố sức cào chân xuống đất, vọt đi, nhưng vô ích. Sau nửa khắc, nó đứng im thở phì phò rồi vẫy đuôi cúi đầu tỏ ý phục tùng.

Có hai kị mã phi từ xa tới, thấy Dã Tượng đã kiềm chế được con ngựa thì mừng lắm:

– Cảm ơn dũng sĩ.

Vương phi ra khỏi quán, dùng lời lẽ vương giả trách cứ hai kị mã:

– Phải chăng con ngựa hung dữ này thuộc quyền hai anh? Nó đạp ba người đàn bà bị thương, làm đổ nồi bún ốc của cô gái. Anh tính sao đây?

Hai kị mã thấy một thiếu phụ nhan sắc khuynh quốc, lưng đeo kiếm, thì biết đây là người có lai lịch. Một người cung tay:

– Xin nữ hiệp dung thứ. Cách đây hơn tháng, chúng tôi mua con ngựa hoang này từ trấn Lạng sơn, đóng cũi mang về. Chủ của nó nói rằng, họ gặp nó khi đi săn. Họ đặt bẫy bắt được. Trong năm tháng liền, những kị mã giỏi nhất cũng không chinh phục được nó. Suốt hai tháng qua, chúng tôi dùng đủ phương pháp trị mã, mà nó vẫn không thuần. Sáng nay, nó vượt hàng rào bỏ chạy. Chúng tôi phi ngựa đuổi mà không kịp.

Một kị mã khác nói:

– Chúng tôi xin bồi thường cho cô hàng bún ốc, lại xin chữa trị thương tích cho người bị hại.

Một kị mã nói với Dã Tượng:

– Thưa tráng sĩ, những con ngựa chứng, rất khó khuất phục nó. Khi một người khuất phục được nó thì chỉ người ấy làm chủ nó được thôi. Chúng tôi xin tặng tráng sĩ con ngựa này.

Dã Tượng định chối, thì Vũ Uy vương phẩy tay:

– Con cảm ơn nhị vị cho ngựa đi.

Dã Tượng chắp tay:

– Đa tạ!

Một kị mã lấy bộ yên cương của ngựa mình đang cỡi nói với Dã Tượng:

– Nó đã khuất phục tráng sĩ. Chỉ tráng sĩ mới đặt yên cương lên nó được mà thôi.

Dã Tượng lĩnh yên cương, đặt lên con hoang mã, rồi vọt mình lên lưng nó. Nó hí lên một tiếng, hướng theo con đường cái quan lao như bay. Hơn khắc sau Dã Tượng trở về, chàng vuốt lưng con ngựa, rồi nói với vương phi:

– Xin thím đặt tên cho nó.

– Cháu được ngựa trên bến Bắc ngạn vậy thím đặt cho nó tên là Bắc mã.

Nho Lâm suýt xoa:

– Thanh Nga treo bảng tuyển phu đã sáu ngày, trước sau có hơn ba mươi người ứng tuyển, mà không ai có nội lực như tráng sĩ đây.

Mọi người trở vào trong quán văn Thiên thư. Vương phi chỉ vào vương, Tạ Quốc Ninh:

– Hai vị này là sư bá, sư phụ của tráng sĩ, dĩ nhiên công lực mạnh hơn y nữa. Coi như cả ba người đều trúng cách. Thế còn có thứ ba?

Nho Lâm chỉ lên bàn thờ. Cạnh lư hương, có bức tranh thêu Hai bà Trưng cỡi voi đang đuổi Tô Định, dưới bức tranh có cuốn sách, gáy mạ vàng óng ánh, bìa viết chữ triện rất đẹp Lĩnh Nam mật sử, và một cái hộp. Nho Lâm cầm cuốn sách:

– Có thứ ba là phải thông hiểu quốc sử. Đây là bộ sử chép về cuộc khởi binh của vua Trưng và 162 anh hùng. Trong hộp này có 162 lá xâm. Ứng sinh rút xâm, mỗi xâm sẽ có câu nói về hành trạng một anh hùng. Sau khi rút xâm ứng sinh phải trả lời câu hỏi trong xâm ấy. Lệ ở đây, mỗi người xin xâm phải nộp năm đồng. Tiền này dùng để tu bổ đền thờ Ngài.

Vương phi Ý Ninh thấy cuộc tuyển phu thực ý nghĩa, thực rõ ràng. Phi mỉm cười:

– Hay! Hồi còn theo học ở Thần quang tự, chị em chúng tôi thường dùng bộ sách này để xin xâm, linh ứng kỳ lạ. Để tôi xin một quẻ.

Phi cầm 5 đồng tiền bỏ vào chiếc hộp gỗ có khóa. Hai tay phi cầm bộ sử đưa lên ngang mày, khấn:

– Tấu lạy vua Bà! Tấu lạy chư vị anh hùng Lĩnh Nam. Con là Trần Ý Ninh. Nay con đang mang trên người trọng trách, không biết thành bại thế nào. Xin các ngài ban cho con một quẻ.

Phi bốc một xâm trong hộp, rồi mở ra, trong có bốn câu thơ:

Sinh vi lương tướng, tử vi thần,
Vạn cổ cương thường hệ thử nhân.
Loa địa song đôi, thu nguyệt ảnh,

Anh hùng liệt nữ tướng quân phần.

Thanh Nga cầm phách gõ, các nhạc công cùng tấu nhạc, nàng ngâm bốn câu thơ xong, chuyển sang hát chầu văn bằng tiếng Việt:

Sống là tướng giỏi, thác làm thần,
Vạn đại cương thường nặng tấm thân.
Hai bóng thành Loa trăng thu sáng.

Anh hùng liệt nữ mộ nghìn năm.

Nho Lâm hỏi:

– Quý khách có biết xuất xứ hai câu thơ trên không?

Ý Ninh mỉm cười:

– Nếu tôi trả lời đúng, thì tôi có được Thanh Nga không? Thanh Nga xinh thế kia, tôi là gái không làm chồng nàng được thì tôi tuyển làm con, rồi tìm anh hùng mà gả.

Một bà già cười:

– Coi tướng mạo, hành trạng của phu nhân thì phu nhân thuộc người có lai lịch. Nhưng tuổi của phu nhân e chưa quá hai mươi, sao phu nhân có thể là mẹ Thanh Nga đã 18 tuổi. Không lẽ 2 tuổi phu nhân đã sinh con?

Cả quán vỗ tay cổ võ cho lời của bà già.

– Vậy thì tôi nhận làm em gái cũng chả sao!

Nhưng Thanh Nga lễ phép chắp tay hướng bà già:

– Thưa bà xưa nay chữ cha-mẹ có nhiều ý nghĩa. Người sinh ra ta là cha mẹ về thể xác. Người không sinh ra ta, nhưng có công dưỡng dục thì là cha mẹ chín chữ cù lao. Người cứu thoát ta trong hoạn nạn chín chết một sống là cha mẹ tái tạo. Người đem tâm não ra, truyền hiểu biết cho ta là cha mẹ trí tuệ, còn gọi là thầy. Theo Tam cương thầy đứng thứ nhì sau đức vua.

Phi mỉm cười, giảng:

– Bốn câu thơ này chép trong truyện của Bắc bình vương Đào Kỳ, ngài lĩnh ấn Đại tư mã và vương phi Nguyễn Phương Dung, lĩnh chức tể tướng triều Lĩnh Nam. Hiện đền thờ hai vị vẫn còn tại Cổ loa.

Mặt Nho Lâm không vui:

– Cứ như quẻ này thì phu nhân và trượng phu đang trên đường mưu đại sự cho nước. Công sẽ thành, danh sẽ toại. Nhưng cuối cùng sự nghiệp không trọn vẹn.

Vương hỏi:

– Không trọn vẹn, có nghĩa là mưu sự không thành?

– Ý tôi không nói vậy. Ý tôi muốn nói rằng quý khách và phu nhân sẽ thành công. Nhưng cuối cùng cả hai sẽ tuẫn quốc như Bắc bình vương và vương phi. Hai vị sống làm tướng giỏi, chết thành thần. Anh linh vạn vạn năm sau dân chúng còn thờ kính, tưởng nhớ huân công.

Vũ Uy vương là một đại anh hùng thời Đông A, nghe Nho Lâm đoán quẻ xâm như vậy hùng khí bốc dậy, vương nhìn vương phi:

– Trước trận giặc vừa qua, Huệ Túc phu nhân từng tính số Tử vi rằng Phạm Cụ Trích, Trần Tử Đức sẽ vị quốc vong thân. Hai người từng hãnh diện mà ra trận. Nay hai người đã thành thần. Làm trai Đại Việt, chỉ sợ không có tài, không có dịp xả thân cứu nước mà thôi. Sau này chúng ta có vị quốc vong thân thì là điều cầu mà không được.

Nho Lâm hướng Tạ Quốc Ninh:

– Xin mời tiên sinh xin một quẻ.

Hầu sửa y phục ngay ngắn, bỏ tiền vào hộp, rồi cầm bộ sách lên khấn:

– Tấu lạy Hoàng đế bệ hạ. Kính chư vị anh hùng Lĩnh Nam. Thần là Tạ Quốc Ninh, thần đang tuân chỉ đấng quân phụ, vạn dặm mưu truyện xẻ núi lấp sông. Sự thành bại thế nào, xin cho thần một quẻ.

Ông rút ra một xâm. Ông không muốn đọc, ông trao cho Thanh Nga. Thanh Nga cầm phách đánh nhịp, nàng cất tiếng hát, lập tức năm nhạc công cùng hòa theo:

Nhất thi khảng khái anh hùng lệ,

Bách chiến sơn hà, cố quốc tâm.

Hết hai câu thơ Hán, nàng ca sang tiếng Việt:

Anh hùng khẳng khái đôi giòng lệ,

Bách chiến một lòng với nước non.

Tạ Quốc Ninh khen:

– Cô hát đã hay, lại học giỏi. Cô dịch sát ý, giọng hát còn tiết ra được tình ý sâu sa của tác giả.

Nho Lâm hỏi:

– Quý khách có biết xuất xứ hai câu thơ trên không?

Tạ Quốc Ninh gật đầu:

– Hai câu thơ này xuất xứ trong truyện Hổ Nha đại tướng quân. Tên thực của ngài là Đào Hiển Hiệu. Khi ngài vừa cưới vợ được ba ngày thì phải lên đường tòng chinh Trung nguyên. Phu nhân của ngài là Lê Hồng Thanh đã làm hai câu thơ trên trong lúc ngậm ngùi chia tay. Ngài Đào Hiển Hiệu có ba anh em đều là đại công thần thời Lĩnh Nam. Ngài là anh cả lĩnh chức Hổ nha đại tướng quân tước phong Khúc dương công. Em kế là Đào Quý Minh, lĩnh chức Vân uy đại tướng quân, tước phong Ký hợp công. Thứ ba là Đào Phương Dung, tước phong Đăng châu công chúa lĩnh ấn Trấn Nam đại tướng quân. Đển thờ ba ngài tại Thăng long, thôn Thổ quan, ngõ Oáng lệnh (Nay 2001 vẫn còn). Nữ tướng Đào Phương Dung nổi tiếng hét ra lửa, mửa ra khói thời Lĩnh Nam. Sau khi tuẫn quốc bà hiển linh kỳ lạ. Trong giới đồng bóng, người ta gọi ngài là cô Sáu. Khi cô Sáu bắt một cô gái làm lính, thì không cách gì khất được.

Thanh Nga, cầm dùi gõ phách. Các nhạc công tấu nhạc, nàng hát chầu văn bài Cô Sáu.

Nho Lâm giải:

– Cứ như quẻ này thì quý khách cùng phu nhân vừa làm lễ vừa thành hôn xong, thì do quốc sự phải phân ly. Hiện nay quý khách đang giữ trọng trách đức vua trao cho. Chiến thắng đang chờ đón quý khách. Quý khách chỉ gặp lại phu nhân trong lúc tử biệt sinh ly như ngài Đào Hiển Hiệu và phu nhân Đinh Hồng Thanh. Ngày về trong vinh quang không xa.

Nghe Nho Lâm giải, Tạ Quốc Ninh đau nhói trong tim. Hình ảnh Hoàng Hoa tươi như hoa, trong nụ cười lại hiện ra. Ông nghĩ thầm:

– Nếu mình được ôm nàng một lần trong tay như ngài Đào Hiển Hiệu ôm phu nhân Đinh Hồng Thanh, rồi cách biệt âm dương cũng thỏa lòng.

Vũ Uy vương bảo Dã Tượng:

– Con cũng xin một quẻ, dù không được Thanh Nga, ít ra cũng biết tương lai ra sao?

Dã Tượng móc trong túi ra một xâu tiền, chàng bỏ cả vào thùng, rồi cầm bộ sử đưa ngang mày khấn:

– Tấu lậy vua Bà, tấu lậïy chư vị anh hùng Lĩnh Nam, con là Trần Quốc Kinh, con theo chú con lĩnh trọng trách trong người. Đất nước đang bị Mông cổ đe dọa, con chưa muốn vướng vít thê nhi. Con không muốn làm chồng Thanh Nga, bởi chinh chiến ít ai trở về. Nếu cưới nàng làm vợ, e nàng phải ở góa thì uổng phí tấm hồng nhan. Xin các ngài ban cho con một quẻ, dạy cho biết sự nghiệp sau này ra sao, chuyến đi này thế nào?

Chàng thò tay vào hộp bốc một thăm, mở ra, trong thăm có hai câu thơ, Dã Tượng đọc được, nhưng không hiểu hết ý nghĩa, chàng đưa cho Thanh Nga. Thanh Nga đọc:

Đức bác thánh văn truyền Việt địa,

Uy dương thần vũ trấn Nam thiên.

Thanh Nga gõ phách, các nhạc công cùng tấu lên. Thanh Nga ca hai câu thơ Hán rồi bắt sang ca hai câu bằng tiếng Việt:

Trời Nam đức trải khắp nơi,

Oai danh vạn đại cùng người Việt linh.

Dã Tượng là đấng anh hùng thời Đông A, chàng không hề xấu hổ việc mình ít học. Chàng chắp tay vái Thanh Nga:

– Quốc Kinh này mồ côi cha mẹ từ thủa nhỏ, không được học. Lớn lên đi chăn trâu, cắt cỏ. Gần đây được một vị danh vọng cực lớn nhận làm con nuôi. Vì phải theo cha nuôi đuổi giặc, nên không thuộc quốc sử. Tôi không biết hai câu thơ này ai làm, làm trong trường hợp nào. Tôi xin chịu thua.

Vương phi Ý Ninh chỉ vào Tạ Quốc Ninh an ủi Dã Tượng:

– Con không nên nói lời bi phẫn như thế! Anh hùng đâu quản xuất thân. Trước con chưa được học quốc sử thì nay con đang học mà. Con đã có thầy rồi. Thầy sẽ dạy con. Chú thím sẽ dạy con. Huống hồ con đã lập đại công với Xã tắc. Con cưới công chúa cũng xứng, chứ đừng nói là Thanh Nga.

Dã Tượng chắp tay hướng vương phi:

– Đa tạ thím đã cho con lời vàng ngọc.

Vương phi giảng:

– Hai câu thơ này nói về công nghiệp của đức thánh Văn thành, Võ đức Long biên công. Tục danh của ngài là Nguyễn Tam Trinh. Ngài là một trong Tam công triều Lĩnh Nam. Ngài cũng là sáng tổ môn vật. Khi ngài được lệnh trấn thủ khu chiến Trường sa, hồ Động đình; Mã Viện đem đại quân tràn ngập, ngài tử chiến. Hai câu thơ trên là hai câu đối tại đền thờ ngài ở thôn Mai động, phủ Thọ xương, ngoài thành Thăng long.(Nay 2001 vẫn còn)

– Đa tạ thím dã giảng cho con. Hồi còn chăn trâu, cắt cỏ bọn con thường đến lễ ở ngôi đền nay. Nhưng con không biết đền thờ vị thánh nào.

Nho Lâm cầm bộ sử, nhìn Dã Tượng:

– Cứ như quẻ xâm này, thì sự nghiệp của tráng sĩ sẽ thực vĩ đại: dùng thần võ trấn Nam thiên, trăm họ đất Việt được nhờ huân công của tráng sĩ. Người người cúi đầu bái phục, mà trăm năm sau, nghìn năm sau được thờ kính. Tôi nghĩ, tráng sĩ nên tòng quân giữ nước ngay từ bây giờ thì vừa.

Sứ đoàn nhìn nhau như cùng nhủ thầm: Nho Lâm giải quẻ xâm này thực hay.

Đến đó một Kị mã bước vào khoanh tay hành lễ với Dã Tượng:

– Trình Đô thống, tất cả xe, ngựa đều đã sang sông. Xin Đô thống cho lệnh.

– Được rồi, chúng ta sẽ độ giang ngay.

Từ Nho Lâm, Thanh Ngoan đến mọi người trong quán đều kinh ngạc: thì ra tráng sĩ này đã ở trong quân ngũ, hàm tới Đô thống. Chợt nhớ ra điều gì, Nho Lâm hỏi vương phi Ý Ninh:

– Thưa phu nhân, tiểu nhân nghe nói trong trận giặc vừa qua có hai mươi Ngưu tướng, mười tám Ngạc tướng. Tất cả đều là thiếu niên, làm cho Lôi kị Mông cổ kinh hồn táng đởm. Sau khi giặc tan, Nguyên Phong hoàng đế phong cho tất cả các Ngưu tướng, Ngạc tướng lĩnh chức Vệ úy, hàm Tá lĩnh. Riêng tướng có công nhất trong Ngưu tướng được đức vua ban cho mỹ danh Dã Tượng. Tướng có công nhất trong Ngạc tướng dược ban mỹ danh Yết Kiêu. Cả hai được phong hàm Đô thống, lại được Hưng Đạo vương nhận làm con nuôi. Ngài cho Dã Tuợng tên Trần Quốc Kinh, Yết Kiêu tên Trần Quốc Vĩ. Vị Đô thống có thể lực vĩ đại này hẳn là Dã Tượng đây?

– Đúng như anh nói.

Vương phi đáp.

Tất cả mọi người trong quán đều đứng dậy chắp tay hướng Dã Tượng:

– Chúng tôi quả có phúc, hôm nay được bái kiến anh hùng Đại Việt. Thảo nào từ lúc các vị vào đây, chúng tôi thấy dung quang khác thường, cử chỉ hùng tráng mà thanh nhã.

Dã Tượng đáp lễ:

– Không dám. Khi nước có giặc thì già, trẻ, trai, gái đều phải lăn mình vào chốn gươm đao, tên đạn; hy sinh mạng sống bảo vệ dất tổ.

Nho Lâm nói với Dã Tượng:

– Thưa tráng sĩ, kính Đô thống, bái người là anh hùng thời Đông A! Huân công của Đô thống trong bẩy trận vừa qua, quả thực vỹ đại, khắp đất nước này ai cũng khâm phục. Hôm nay anh hùng qua đây, dự cuộc tuyển phu của Thanh Nga. Chúng tôi vô cùng hãnh diện thưa rằng chỉ cần chiến công một trận Bình lệ nguyên, anh hùng cũng xứng đáng làm chồng Thanh Nga rồi.

Tuy là ca nhi lừng danh, từng tiếp xúc với hằng mấy chục người trẻ xin ứng tuyển, nhưng những lời nói của Nho Lâm, cũng làm cho Thanh Nga cúi đầu e thẹn, liếc mắt nhìn Dã Tượng, lòng xao xuyến.

Dã Tượng hiên ngang chỉ vương, vương phi nói với Thanh Nga:

– Nếu Dã Tượng tôi tìm vợ, thì e trên thế gian này không ai hơn Thanh Nga. Đúng lý, tôi phải nhất bộ, nhất bái tới nhà Thanh Nga cầu xin. Nhưng Thanh Nga ơi, đất nước mình vừa sạch bóng quân thù. Thế nhưng giặc vẫn dang ngấp nghé tại biên cương. Dã Tượng này đang theo chú thím vì dân làm truyện vá trời, ngắn thì ít ra vài năm, dài có khi hàng chục năm. Biết đâu cả đời. Nên nào dám nghĩ truyện thê nhi. Vì vậy xin đa tạ chùm hoa đào Thanh Nga tặng cho tôi.

Nho Lâm chắp tay:

– Thưa Đô thống, chỉ mong Đô thống đính ước một lời với Thanh Nga cũng đủ. Thanh Nga mới 18 tuổi mà. Thanh Nga sẽ đợi Đô thống, cho đến khi Đô thống đeo gươm chiến thắng trở về.

– Một lời hứa như đinh đóng cột. Vì vậy tôi không dám hứa. Thanh Nga xinh đẹp thế này, lỡ ra tôi đi rồi vị quốc vong thân thì tội cho nàng quá.

Thanh Nga ngửa mặt nhìn lên bầu trời xuân, từng cụm mây trắng đang trôi lang thang. Nàng cất tiếng hát:

Con cò bay lả bay la,
Bay ra ruộng lúa, bay vào Đồng đăng.
Đồng đăng có phố Kỳ lừa,
Có nàng Tô thị, có chùa Tam thanh.
Ai lên phố Lạng cùng anh,
Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em.
Tay cầm bầu rượu nắm nem,
Mải vui quên hết lời em dăn dò,
Gánh vàng đi đổ sông Ngô,

Đêm đêm tơ tưởng đi mò sông Thương.

Bài hát hết mà Thanh Nga như người lên đồng, nàng nhập vào lời ca, nét hoa hiện rõ vẻ buồn man mác. Dã Tượng cũng cảm thấy cái buồn theo nắng xuân nhập vào người. Chàng hỏi Vũ Uy vương phi:

– Thưa thím bài hát này con được nghe Xẩm hát trong những đêm đập lúa vụ mùa vừa qua. Nhưng con không hiểu hết ý nghĩa.

Vương phi đưa mắt nhìn Tạ Quốc Ninh, hầu giảng:

– Đây là bài hát bình dân, xuất hiện vào thời Anh vũ chiêu thắng (1075-1077) đời vua Lý Nhân Tông, thuật lại mối diễm tình của một chinh phụ họ Tô tại trấn Lạng sơn. Bấy giờ vua còn nhỏ, mới chín tuổi, Linh Nhân hoàng thái hậu ( Ỷ Lan) cầm quyền. Bên Trung nguyên vua Tống Thần Tông dùng Tân pháp của Tể tướng Vương An Thạch, làm cho nước giầu, dân mạnh. Nhà vua cùng Thạch chuẩn bị đánh ta, nào luyện quân, nào tích trữ lương thảo. Linh Nhân hoàng thái hậu thấy vậy, ngài quyết định: ngồi chờ giặc sao bằng tìm giặc mà đánh. Ngài sai Thái úy Lý Thường Kiệt cùng Long thành ẩn sĩ Tôn Đản mang quân vượt biên đánh vào các châu Ung, Liêm, Dung, Nghi, Bạch, phá thành trì, cầu cống, đốt hết các kho tàng Nam biên của Tống. Trong 12 đạo binh đánh Tống, đạo Ngự long do Long nhương thượng tướng quân Phạm Dật cùng phu nhân Lê Kim Liên chỉ huy. Đạo này có một tướng trẻ hai mươi tuổi, vợ họ Tô. Hai người mới có một con trai đầu lòng chín tháng. Khi tướng trẻ lên đường thì vợ hỏi bao giờ sẽ về? Chồng an ủi vợ rằng sớm thì nửa năm, muộn thì ba năm. Thế rồi đôi lứa thiếu niên bịn rịn rời nhau. Nào ngờ trong trận Hỏa giáp, đánh chặn viện binh Tống, tướng trẻ tuẫn quốc. Trong khi người chinh phụ Tô thị ngày ngày bế con lên núi nhìn về phương Bắc chờ chồng. Thế rồi chiến tranh hết, chờ đợi đã ba năm, nhưng vẫn không thấy chồng đâu. Nàng đau khổ, cùng đứa con hóa đá. Dân gian làm bài ca trên để thương tiếc nàng.

Hình chụp tượng Tô thị, tại Lạng sơn Tháng 8 năm 2001 

Ghi chú,

Xin đọc Nam quốc sơn hà, cùng tác giả. 

Dã Tượng reo lên:

– Hồi năm trước con chỉ huy Ngưu binh đuổi giặc ở trấn Lạng sơn, con đã thấy tượng này.

Chàng nói với Thanh Nga:

– Chuyện xưa còn đó, tượng đá chưa mòn. Bài hát bình dân mà Thanh Nga biến thành hát Xẩm thực là thảm thiết. Tôi có thể sẽ là viên tướng trẻ một đi không về. Tôi quyết không để Thanh Nga hóa thành nàng Tô thị thứ nhì.

Nghe Dã Tượng nói lòng Thanh Nga như giá băng. Nàng chưa biết nói sao thì Nho Lâm kéo mọi người ra khỏi mối vạn cổ sầu Tô thị, y chỉ Vũ Uy vương hỏi Dã Tượng:

– Thế còn hai vị đây là?

Dã Tượng đáp:

– Đây là Vũ Uy vương, trấn nhậm Bắc cương và vương phi. Vương phi nhũ danh Ý Ninh, từng đánh trận Phù lỗ vang danh thiên hạ.

Mọi người hướng vương, vương phi bái lậy.

Dã Tượng chỉ Tạ Quốc Ninh:

– Vị này là Vũ sơn hầu Tạ Quốc Ninh, minh sư của tôi.

Nho Lâm bái Quốc Ninh:

– Tôi từng nghe danh Quy đứùc thượng tướng quân Tạ Quốc Ninh, được phong Vũ sơn hầu, lĩnh hàm Thái tử thiếu bảo, Hiệp biện đại học sĩ, Đồng tri Khu mật viện là một danh sĩ Thăng long. Năm trước đây đệ nhất hoa khôi, đệ nhất danh kỹ Thăng long tên Hoàng Hoa treo bảng tuyển phu, người trúng cách. Hôm nay thực vinh hạnh cho chúng ta được gặp người tài hoa.

Tất cả mọi người hiện diện đều hướng hầu hành lễ. Thanh Nga vốn cực kỳ thông minh, nàng nghĩ:

– Một đời được mấy anh hùng? Hôm nay mình may mắn gặp đấng anh hùng này, mà để chàng đi mất thì chẳng hóa ra một tuồng hư ảo ư? Mình phải làm cách nào theo sứ đoàn để được gần chàng! Ở đây vương phi là ngươi ôn nhu, văn nhã, mình có thể xin vương phi để được đi theo.

Nàng chắp tay vái vương phi Ý Ninh:

– Hồi nãy phi hứa nhận em làm em nuôi. Vậy phi nói đùa hay thực?

Phi nắm lấy tay Thanh Nga:

– Chị sinh ra là tiểu thư Ý Ninh, chị là đệ tử của Vô Huyền Bồ Tát; là Hồng Đức, Trang Duệ, Vũ Thắng công chúa, là vương phi Vũ Uy. Chị không nói đùa. Hôm nay chị nhận em làm em. Chị sẽ nuôi, dạy em trở thành anh hùng Đại Việt. Nhà em ở đâu, để chị đến có vài lời với cha mẹ em, rồi chị đem em theo.

Thanh Nga hướng vương, vương phi lạy bốn lạy:

– Nghĩa huynhï! Nghĩa tỷ.

Vương phi sửa:

– Để chị dạy cho. Phàm cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi đều là cha mẹ. Con đẻ, con nuôi đều là con, không thể và không nên phân biệt con đẻ hay con nuôi. Em nhắc lại: anh, chị!

Má Thanh Nga ửng hồng, nở nụ cười:

– Dạ! Anh, chị.

Vương phi tháo chuỗi ngọc trai trên cổ, đeo vào cho Thanh Nga:

– Chị cho em chuỗi ngọc này, gọi là quà diện kiến.

Dã Tượng móc trong bọc ra một con chim ưng bằng vàng dát năm viên ngọc đỏ chói, đeo lên tóc nàng:

– Thanh Nga là em của chú thím thì là cô của tôi. Ấy à! Cô vượt lên trên tôi một bậc rồi.

Vương can thiệp:

– Dã Tượng là cháu của chú thực. Còn Thanh Nga là em của thím. Hai bên đều không có tý huyết tộc nào, vậy cả hai cứ theo tuổi mà xưng hô. Năm nay cả hai cùng 18 tuổi. Dã Tượng sinh tháng giêng, Thanh Nga sinh tháng chạp. Vậy Thanh Nga gọi Dã Tượng là anh.

Dã Tượng vui vẻ:

– À! Có cô em xinh đẹp đàn ngọt, hát hay thì là điều ai cũng ước mơ. Anh cũng tặng em món quà này. Đây là chiến lợi phẩm anh thu được trong trận Đông bộ đầu đấy.

Hai người đứng cách nhau không xa, hơi thở ấm áp của Dã Tượng, mùi khét khét mồ hôi của đàn ông làm Thanh Nga như người say rượu.

Tạ Quốc Ninh nhắc:

– Dã Tượng! Con phải nói rõ, con có báu vật này trong trường hợp nào cho Thanh Nga nghe.

– Dạ, con quên. Theo quân luật, phàm tất cả những gì thu được trên chiến trường như lừa, ngựa, vũ khí, vàng bạc, phải xung vào công khố. Trong trận Đông bộ đầu, một bách phu trưởng Mông cổ bị bắt làm tù binh. Đói qúa, y đưa con chim ưng này ra xin đổi lấy con vịt nướng của anh với cặp bánh chưng. Sau trận đánh anh nộp cho Hưng Ninh vương. Vương phán: đây không phải chiến lợi phẩm, mà là việc buôn bán giữa anh với viên bách phu trưởng. Vương ban cho anh được giữ làm của riêng.

Nhà Thanh Nga nằm trong khu Bắc ngạn, vương phi nhờ Nho Lâm mời bố mẹ nàng tới. Vũ Uy vương cùng vương phi gặp riêng bố mẹ nàng, nói rõ thiện ý của mình. Ông bà nghe tin con gái được một vị tước vương nhận làm em nuôi thì mừng chi siết kể. Ông bà vái dài tạ vương.

Qua câu truyện mẫu thân từ con hát, trở thành Tuyên phi, qua vụ Thanh Nga tuyển phu, Vũ Uy vương chợt nảy ra sáng kiến:

– Tại sao mình không mang theo những ca nhi xinh đẹp, có thể cần dùng tới.

Vương hỏi Thanh Nga:

– Em biết xử dụng những nhạc khí nào?

– Dạ, em được bố mẹ gửi tới phường Đông hoa học hát, học nhạc. Em được học bẩy nhạc khí căn bản: kéo nhị, thổi sáo, bật trống cơm, đánh trống mảnh, gõ phách, đánh đàn tranh, đàn bầu.

Vương phi Ý Ninh vốn cực kỳ thông minh, nghe chồng hỏi Thanh Nga, phi biết ý chồng:

– Em à! Trong chuyến đi này chúng ta cần một toán ca hát theo để dùng vào quốc sự. Trong đám bạn học của em, có người nào tài ngang với em mà còn là khuê nữ không?

– Dạ có. Bọn em gồm năm đứa tài sắc, tuổi ngang nhau. Cả năm đều còn con gái. Nhà chúng nó đều ở gần đây. Thúy Hồng gốc Kinh Bắc, Thúy Nga gốc Thiên trường, Thúy Trang ở Thụy khuê, Hồng Nga gốc Nghi tàm.

Vương lại nhờ Nho Lâm mời cha mẹ cùng bốn ca nhi tới. Cả cha mẹ, lẫn bốn cô nghe Vũ Uy vương ngỏ ý mang theo sứ đoàn vì nước lập công thì mừng chi siết kể. Tuy vậy vương cũng ban cho mỗi cô mười lượng vàng, coi như bổng của triều đình, để các cô dâng bố mẹ tạ ơn sinh thành. Vương hỏi tuổi năm cô gái rồi nói với vương phi:

– Em ơi, trong năm đóa hoa này, chúng học cùng trường, cùng thầy, là chị em đồng môn. Nay đi theo mình thì tình chẳng khác như ruột thịt. Vậy ta hãy theo tuổi, định thứ bậc cho chúng. Lớn nhất là Hồng Nga, thứ đến Thúy Hồng, thứ ba là Thúy Nga, Thanh Nga thứ tư, nhỏ nhất là Thúy Trang.

Vương bảo năm nàng:

– Từ nay các em phải coi nhau như chị em, cùng chúng ta làm việc nước. Theo thứ tự thành chị em cùng nhà. Trong khi các em theo ta, thì cha mẹ ở nhà được lĩnh bổng như một Vệ úy, được cấp phát công điền. Hy vọng các em lập đại công, ta sẽ tâu xin phụ hoàng phong cho các em mỹ hiệu. Nay ta tạm gọi các em là Long thành ngũ phụng.

Vương phi vui vẻ:

– Ta đặt cho năm em một cái tên văn vẻ: Ban nhạc đào hoa Đông bộ đầu.

Dã Tượng lắc đầu:

– Thưa thím cái tên này dài quá, con xin thu ngắn lại cho dễ gọi.

Thúy Nga tính ưa vui, ưa đùa, nàng hỏi:

– Anh định đè vai bọn em cho lùn lại đấy à? Anh thu ngắn như thế nào?

– Cái cô này đẹp thì thực đẹp. Hát thì thực hay, nhưng miệng thì dẻo như kẹo kéo. Các cô xinh đẹp thế kia, thì dù bọn ác quỷ Mông cổ cũng không nỡ làm các cô đau, huống hồ anh là đồ tử đồ tôn của vua Đinh Tiên Hoàng. Anh muốn thu ngắn 7 chữ của thím còn ba chữ: Ban Đông hoa!

Quốc Ninh tán thưởng:

– Hay! Thu ngắn như vậy mới dễ gọi.

Sứ đoàn vừa sang sông, thì một kỵ mã trang phục như một võ quan Mông cổ từ phía trước phi đến như bay. Khi tới trước ngựa Vũ Uy vương thì y ngừng lại. Viên kỵ mã nhảy xuống ngựa dơ tay vẫy vương. Vương nhìn kỹ thì ra Tây viễn vương lĩnh Phiêu kỵ Đại tướng quân Trần Tử An. Vương vội xuống ngựa hành lễ:

– Cháu xin ra mắt ông trẻ.

Tử An gọi vương phi, Tạ Quốc Ninh, Dã Tượng lại gần rồi nói nhỏ:

– Ta có một điều cơ mật muốn nói với các cháu. Đúng ta thì ta phải nói từ khi các cháu chuẩn bị lên đường. Nhưng ta sợ nói sớm có thể bị lộ. Hồi theo quân của Hốt Tất Liệt đánh Tống ta có để lại người vợ và đứa con trai tại Hoa lâm. Ta đặt cho nó cái tên Mông cổ là Ngột A Đa hay còn tên khác là Thoát Nhân. Vợ chồng ta dạy A Đa nói tiếng Việt cũng như văn hóa Việt rất giỏi. Nó được Đại hãn Mông cổ là Mông Ca tin dùng. Gần đây ta nghe tin rằng nó mới được trao cho chức vụ Tham tri chính sự. Vậy khi sang Mông cổ, các cháu bí mật liên lạc với nó, nó sẽ âm thầm giúp Đại Việt mình.

– Không biết chú Ngột A Đa có biết võ không?

Vũ Uy vương hỏi: chú ấy có biết văn tự Trung quốc không?

– Võ công của nó do ta truyền thụ. Bản lĩnh của nó không thua gì ta. Công lực của nó có phần hơn ta vì nó còn trẻ. Về văn học Trung quốc, nó rất uyên thâm. Trước khi ra đi, ta đã cùng nó ước hẹn khi sai người liên lạc, sẽ làm như thế…như thế để nhận nhau. Vậy các cháu nên cẩn thận để tránh gà nhà đá gà nhà.

Tây viễn vương rút trong bọc ra con dao nhỏ dài hơn gang tay, ông trao cho Vũ Uy vương:

– Hồi đánh Tây vực, Thành Cát Tư Hãn được dâng hai con dao bằng thép, do người Tây phương đúc, sắc bén vô cùng. Tư Hãn ban cho ta. Ta trao cho Ngột A Đa một con, còn một con ta cho cháu. Khi gặp Ngột A Đa, nếu nó còn nghi ngờ thì cháu cứ đưa con dao này ra là nó tin ngay. Thôi các cháu lên đường. Chúc các cháu thành công.

Ông đưa mắt nhìn Long thành ngũ phụng, rồi ngửa mặt lên trời cười, nheo mắt với Ý Ninh. Vương phi Ý Ninh nghĩ thầm:

– Không xong rồi, vị thái thúc (ông trẻ) này kinh lịch khắp Mông cổ, Tây vực, Trung nguyên, kiến thức ông không tầm thường. Không chừng ông đoán được ý vợ chồng mình cũng nên.

Vương phi cũng tủm tỉm cười:

– Ông trẻ biết chủ ý của chúng cháu rồi ư?

– Dĩ nhiên.

Ông nói trầm giọng:

– Một người con gái ngồi, đứng, thì dù có nhan sắc cũng khó mà cột chân anh hùng. Nếu như cô gái đó đi lại, thướt tha, hoặc múa hát, thì anh hùng sẽ ngã ngựa ngay. 

– Ông trẻ hiểu rõ cháu đến cùng kỳ cực rồi vậy.

–Trên đời này, cái gì lạ cũng quý. Con người cũng vậy. Con gái Mông cổ thân thể cục mịch, đi đứng cứng ngắt, nói năng ồn ào, mắt ty hí; không thể so với con gái Việt, dáng đi nhẹ nhàng, mềm mại, nói năng khoan thai, thanh thoát, mắt không lá liễu thì cũng giống mắt bồ câu. Năm con bé này, thuộc loại sắc nước hương trời, thì bọn Mông cổ sao thoát khỏi bị chúng nó giam vào trong những đôi mắt đẹp. Con gái Mông cổ thích mặc áo da, hay vải thô, trông cứng như gỗ. Nay cho năm con bé này mặc quần áo Việt bằng lụa, bằng nhiễu, gió bay phất phới thì anh hùng đến mấy cũng phải gác kiếm, cung tay.

– Đa tạ ông trẻ. Rồi sao nữa?

– Tuy nhiên Ý Ninh phải giảng giải hằng ngày về nhiệm vụ cao cả của chúng. Bằng không, chúng chỉ là những đứa con gái thiếu kinh nghiệm trong tình trường, thì nguy tai!

Ông gọi năm nàng ban Đông hoa lại:

– Ông cho các cháu mấy bảo bối trước khi lên đường.

Năm nàng khoanh tay:

– Chúng cháu xin ghi vào lòng.

– Bảo bối thứ nhất:

“ Trên đời này có nhiều loại hạnh phúc. Hạnh phúc nhất cho những ai được hy sinh thân mình cho Xã tắc. Đất nước này là đất nước của vua Hùng, vua An Dương, vua Trưng để lại, nếu cần bảo vệ thì dù hy sinh thân mình, gia đình mình là điều hãnh diện nhất”. 

– Dạ, bọn con nhớ rồi.

– Bảo bối thứ nhì:

“Anh hùng nan quá mỹ nhân quan” nghĩa là anh hùng hô một tiếng trăm nghìn người chết, thành đổ, núi nghiêng, nhưng trước người đẹp chỉ là con nai ngơ ngác. 

– Dạ, bọn con hiểu.

– Bảo bối thứ ba:

‘Sự nghiệp vạn dặm không chứa đầy đôi mắt giai nhân”. 

– Dạ! Chúng con hiểu.

– Là gái Việt, tức là con cháu vua Trưng. Không bao giờ khuất phục bọn đàn ông, để họ sai như mèo, như chó.

– Dạ chúng con hiểu.

Thình lình vương quát lớn rồi vọt mình lên lưng ngựa, phút chốc đã khuất vào cánh đồng xanh.


Hồi này thuật đại cương về tình hình Văn nghệ thời Đông a, và sự phát triển của hát Xẩm.

Thời Đông a là thời kỳ xuất phát một số công trình Văn hóa lớn.

1. Một là chữ Nôm. Chữ Nôm chắc có từ trước. Nhưng người có công xếp đặt thành hệ thống, có căn bản là ông Nguyễn Thuyên. Ngay lập tức các danh sĩ, văn nhân thi nhau học, sáng tác thơ, văn. Nay còn lưu truyền.

2. Hai là điệu múa Bài bông, tác giả là ba vị vương từng là đại tướng chiến thắng Mông cổ: Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc. Trọn vẹn điệu múa có 9 màn, lưu truyền đến cuối thế kỷ thứ 20. (1945). Hiện (2008) trong nước đang cố gắng phục hồi. Lời ca bao gồm: Hát nói (Ca trù, hay hát Ả Đào), hát Xẩm, Hát Ví, hát Nghêu, hát Trống quân, hát Quan họ, hát Chầu Văn.

3. Ba là hát Xẩm, khi tôi viết những dòng này, thì trong nước phong trào Hát Xẩm như hoa xuân rực nở. Tại chợ Đồng Xuân Hà nội, mỗi tối thứ bẩy, những nghệ nhân danh tiếng cùng hát Xẩm cho du khách nghe.

Hát Xẩm chắc có từ lâu, đến đời Trần mới thực sự có căn bản, mà người có công đầu lại là một cặp đại anh hùng: Vũ Uy vương và vương phi Ý Ninh. Trước đời Trần thì Hát Xẩm chưa đành cho người mù. Trong những hồi sau, độc giả sẽ biết chi tiết tại sao các nghệ nhân hát Xẩm hầu hết đều mù.

Hát Xẩm là điệu hát bình dân nhất trong những diệu hát bình dân. Vì vậy khi vừa khôi phục là được quần chúng đón nhận, và sống dậy rất mau.

Những người có công đầu làm sống dậy là nhạc sĩ Thao Giang, nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoach, nghệ sĩ ưu tú Thanh Ngoan, Văn Ty, Đoàn Thanh Bình, Thúy Ngần, Mai Tuyết Hoa v.v.

Họ là nghệ sĩ nhân dân, là nghệ sĩ ưu tú, nghĩa là họ thuộc loại thành danh, nhưng đã bỏ ra ngoài cái hào quang, để đi về từng thôn, từng xóm xa xôi, sưu tầm, biên tập lại những di sản hát Xẩm. Rồi họ còn can đảm, trải chiếu ra chợ Đồng Xuân hát như những nghệ nhân hát Xẩm hồi trước 1945. Công lao của họ được đền đáp: quần chúng hoan hô nhiệt liệt.

Trong đại hội y khoa châu Âu, tháng 10, năm 2006, tổ chức tại hotel Novotel, thuộc quận 14 Paris, tôi được mời diễn giải về Văn hóa hát Xẩm. Cử tọa hoan hô nhiệt liệt.



Stickman AFK: Liên Minh Bóng Đêm

Hồi (1-61)


<