Vay nóng Homecredit

Truyện:Anh hùng Đông A dựng cờ bình Mông - Hồi 49

Anh hùng Đông A dựng cờ bình Mông
Trọn bộ 50 hồi
Hồi 49: Thăng-Long Di Hận
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-50)

Siêu sale Lazada

Ngột-lương Hợp-thai ra lệnh đánh vào Phù-lỗ.

Lôi-kỵ, dàn hàng, reo hò tiến lên. Trong chiến lũy im lìm, không một tiếng động, không một bóng người. Tới hàng rào, Lôi-kỵ bỏ ngựa, cầm đao chặt rào.

Một tiếng pháo lệnh nổ.

Lập tức dưới các hố cá nhân, trong hàng rào, quân Việt nhô đầu lên, dương cung bắn ra. Đao-quất vung lên, những trái cầu sắt đập xuống binh Mông-cổ. Bị bất ngờ, nhưng nhờ mặc áo giáp, một số ít bị thương. Không hổ là đội quân thiện chiến, thoáng một cái, quân Mông-cổ chia làm hai, cứ một người dùng tên bắn yểm trợ, cho một người chặt rào. Cuộc cận chiến diễn ra hơn giờ thì hai lớp rào đã bị phá. Quân Mông-cổ reo hò như sóng vỗ tràn vào trong chiến lũy. Nhưng trong chiến lũy, hầm hố chằng chịt. Chúng phải bỏ ngựa ngoài hàng rào, đánh nhau như bộ binh.

A Truật than với Hoài Đô:

- Bọn Việt quả thực biết lợi dụng địa lợi. Sợ hãi trước Lôi-kỵ, chúng bầy ra trận địa hầm hố, biến Lôi-kỵ thành bộ binh. Lôi-kỵ chỉ vô địch khi ngồi trên mình ngựa. Còn đánh dưới đất thì lại thua bộ binh xa.

Hoài Đô điều lên hai vạn bộ binh Đại-lý, Trung-quốc. Trong chiến lũy, quân Việt không quá một vạn. Nhưng nhờ có đội nữ võ sĩ với Thiệu Hoa, Ý Ninh trấn thủ, nên cuộc giao chiến dằng dai suốt ngày, chưa phân thắng bại. Trận giáp chiến cho đến lúc chập choạng tối, thì Mông-cổ đã lấn được nửa chiến lũy.

Biết rằng nếu tiếp tục đánh nữa, trong lúc trời tối, quân Việt quen địa thế, thì quân mình bất lợi. A Truật ra lệnh rút quân trở ra ngoài hàng rào, nghỉ qua đêm tại rừng trúc.

Trong khi đó, tại chiến lũy Phù-lỗ, Phú-lương hầu họp các tướng, kiểm điểm lại tình hình. Ông sai chim ưng báo cáo về với Hưng-Đạo vương:

« Qua ba ngày giao chiến liên miên. Sau trận đánh với Lôi-kỵ, tuy thắng, nhưng cũng mất hơn trăm Kỵ-binh tử thương. Hiện còn 400 chiến mã có thể lâm chiến. Đạo Kỵ-binh, ẩn ở trong rừng tre, cách xa hơn mười dặm. Đô-thống Lý Tùng-Bách xin được đánh một trận nữa.

Về Ngưu-binh. Đô-thống Hĩm Còi cùng 3 Tá-lĩnh Cái vô sự. Hơn ba chục tướng trâu tử trận. Trong ba ngày, Ngưu-binh trải qua bốn cuộc giao tranh. Cuộc ra quân hỗn hợp với Kỵ-binh, thiệt hại năm chục trâu. Tá-lĩnh Cái Lan, Cái Hồng bị thương nặng nhưng vẫn xin ở lại chiến đấu. Hai cuộc đột kích đánh vào nơi đồn trú quân thì không thiệt hại làm bao. Duy cuộc tấn công vào kho lương Cụ-bản, thiệt hại trăm trâu. Hiện chỉ còn hai trăm trâu có thể lâm chiến. Đô-thống Hĩm Còi tùng quyền, ra lệnh lấy hai Vệ Ngưu-binh của Thảo-lâm bổ xung.

Còn lại bộ binh trong chiến lũy, sau ba ngày chiến đấu khủng khiếp, chỉ còn lại phân nửa quân số. Hai Đô-thống Trương Đình, Trần Trữ bị thương nặng, phải đưa về Kinh-Bắc điều trị. Phu nhân Bùi Thiệu Hoa, Quận-chúa Trần Ý Ninh bị thương nhẹ. Thần bị thương nặng, nhưng nhất quyết sống chết với Phù-lỗ ».

Hơn giờ sau, chim ưng mang lệnh của Hưng-Đạo vương đến:

« Nhiệm vụ cản giặc tại Phù-lỗ coi như hoàn tất. Đạo Kỵ-binh của Đô-thống Lý Tùng-Bách, đạo Ngưu-binh của Đô-thống Hĩm Còi tiếp tục ẩn trong rừng, sẽ được trao nhiệm vụ rất quan trọng. Còn bộ binh, không thể giữ Phù-lỗ được nữa, phải rút về Đông-bộ đầu, đặt thuộc quyền Khâm-Thiên đại vương, chờ bổ xung ».

Trần Tử-Đức ra lệnh:

- Suốt ba ngày qua chúng ta chiến đấu quá mệt mỏi. Vậy chư tướng cho quân nghỉ ngơi. Sáng mai ta rút sớm.

Hôm sau, giờ Dần, Hầu ra lệnh cho thương binh rút trước. Rồi gọi phu nhân, Hầu nắm tay bà, nói bằng giọng cực kỳ đầm ấm:

- Quân của ta là bộ binh, di chuyển chậm chạp. Ta rút rồi, bọn Mông-cổ khám phá ra, tất chúng dùng Lôi-kỵ đuổi theo. Vậy con đường phía Nam cách Phù-lỗ 4 dặm, có cây cầu nhỏ tên cầu bà Do. Phu nhân mang một Vệ quân chờ ở đấy. Khi quân ta rút qua cầu rồi, thì phá cầu, phục trong lũy tre. Đợi Lôi-kỵ tới, thì dùng cung bắn chết ít tên, sau đó len lỏi theo mấy khu vườn cây, rút ra cánh đồng phía trái mà về Thăng-long.

Hầu hôn phớt lên mái tóc phu nhân, rồi gọi Quận-chúa Ý Ninh. Hầu cũng nắm tay em, tay tát yêu lên hai má:

- Phía sau cầu bà Do, hơn 5 dặm có con sông nhỏ chảy song song với đường cái quan. Bên này sông là khu vườn chuối. Tại đây có một gia đình chuyên nuôi ong. Họ nuôi tất cả năm tổ ong. Mỗi tổ là một cái bồ. Em chặt chuối, lập một ụ lớn chắn ngang đường. Trên đặt 5 cái tổ ong. Còn quân thì phục trong rừng cỏ hoang bên kia sông. Khi Lôi-kỵ đuổi tới, chúng phải ùn lại quan sát, rồi phá ụ. Ong sẽ bay ra đốt chúng. Bấy giờ em cho bắn cung, giết mấy tên. Sau đó chạy vào rừng, theo đường mòn về Thăng-long.

Cũng như đối với phu nhân, hầu hôn phớt lên mái tóc em gái.

Phu nhân hỏi:

- Thế còn anh? Bao giờ anh rút?

- Anh ở lại, làm một khổ nhục kế, rồi rút sau.

Bùi Thiệu Hoa, Trần Ý Ninh thấy trong khi ra lệnh, Hầu tỏ cử chỉ quá thân thiết, quá nhu nhã trước tướng sĩ. Đôi măét của Hầu dường như có ẩn tàng một cái gì, mà trong nhất thời hai người không đoán ra.

Hầu ra lệnh cho tất cả quân sĩ còn lại:

- Chư quân theo thứ tự rút ngay.

Hầu đứng chỉ huy từng Vệ một lui quân. Khi Vệ cuối cùng ra khỏi Phù-lỗ, Hầu bảo viên Vệ-úy Trần Minh chỉ huy đội võ sĩ cận vệ:

- Thôi các em lên đường thôi!

Trần Minh kinh ngạc:

- Sư huynh đi trước bọn em theo sau.

- Không! Ta không rút! Vì ta bị thương quá nặng, nếu lết về tới Thăng-long, thì cũng chết. Vì vậy ta ở đây cản trở giặc được giờ nào hay giờ ấy!

Trần Minh cương quyết:

- Nếu anh không rút, thì em cũng không rút. Anh em mình sống chết có nhau.

Tử-Đức quát lên:

- Minh! Tuy ta với em tình nghĩa là huynh đệ. Nhưng ta là chúa tướng. Ta ra lệnh: Em phải rút ngay.

- Em xin lỗi anh! Em không tuân lệnh anh một lần trong đời thôi.

Biết không lay chuyển được ý chí của người em kết nghĩa, Hầu thở dài:

- Thôi đành!

Hầu gọi 12 vệ sĩ lại gần dặn dò chi tiết, rồi tất cả ngồi chờ. Hơn ba khắc sau, quân Mông-cổ dàn hàng reo hò tiến vào chiến lũy. Chúng ngạc nhiên vô cùng khi không thấy bóng một quân Việt. Vì bị trúng kế nhiều lần, Hoài Đô ra lệnh:

- Phải cẩn thận! Tiến từng bước một.

Hàng quân vừa tiến, vừa nhìn phải, nhìn trái, không bóng người, không một bóng thú. Hoài Đô cùng ba mươi sáu võ sĩ hộ vệ đã tiến đến trung ương chiến lũy. Một cảnh tượng lạ lùng bầy ra trước mắt: Trong căn nhà hình bát giác, Phú-lương hầu Trần Tử-Đức đang ngồi trước một bàn đầy thức ăn, với rượu. Hai bên, mỗi bên có 6 võ sĩ đứng hầu. Một võ sĩ trang phục Vệ-úy, trên mình không vũ khí, tiến tới trước mặt y cung tay nói mấy tiếng Việt. Y không hiểu, vội sai gọi thông dịch. Vết thương bị thiến của tên Trịnh Long đã khỏi. Y hách dịch hỏi:

- Tên Nam-man kia muốn gì?

- Tôi là Vệ-úy Trần Minh, được lệnh Phú-lương hầu ra tiếp đón chúa tướng Thiên-quốc.

Trịnh Long dịch lại. Y chỉ vào Hoài Đô:

- Vị này là Phò-mã, phó nguyên soái.

- Phú-lương hầu mời Phò-mã vào xơi rượu.

Hoài Đô là người sinh trưởng trên đất Trung-quốc, nên y nhiễm được cái tính phong nhã của văn nhân Hoa-hạ. Y nghĩ thầm:

- Dù tên Trần Tử-Đức làm trò ma, trò quỷ gì chăng nữa, y chỉ có 14 người, trong khi ta có hằng vạn quân. Ta há sợ sao?

Y vẫy tay cho Hòa Khâm vẫn tiến quân, còn y với đám võ sĩ tiến đến căn nhà bát giác. Phú-lương hầu đứng dậy chắp tay vái:

- Thỉnh Phò-mã an tọa. Tôi bị thương do đá của Phò-mã bắn phải, đi đứng khó khăn, không ra ngoài tiếp đón được. Mong Phò-mã khoan thứ.

Hầu rót một chung rượu uống trước, tỏ ra rượu không có thuốc độc ; rồi rót rượu nay nâng ngang mày:

- Xin mời Phò-mã.

Hoài Đô cạn chung, tay cầm đùi gà nướng ăn. Tử-Đức nói:

- Lôi-tiễn, máy bắn đá của Phò-mã nã suốt đêm hôm kia, rồi hôm qua hùng binh tiến đánh. Quân trong chiến lũy chết ba phần, còn lại một phần, đêm qua chúng trốn hết rồi. Tôi bị thương nặng, có trốn, thì đi dọc đường vết thương vỡ ra cũng chết, nên tôi quyết định ở lại đón Phò-mã.

Đến đó Hòa Khâm trở lại báo:

- Trong chiến lũy không còn một người nào khác.

Hoài Đô tin tưởng vào lời Tử-Đức. Y hỏi:

- Thế bọn Kỵ-binh, Ngưu-binh, bọn Đại-đởm thập tam kiệt đâu rồi?

- Phò-mã hỏi làm gì? Sau mấy trận đánh, quân sĩ, ngựa, trâu chết gần hết. Bọn sống sót bỏ trốn hết rồi.

Nói đến đây mệt quá, ông phải dựa lưng vào cột nhà. Ông nói thều thào:

- Giữa Phò-mã với Đức này vốn không thù không oán. Chúng ta phải chém giết nhau là do mệnh vua. Nay tôi biết mình sắp chết, cố lấy tàn hơi, ở lại tiếp Phò-mã. Tôi xin Phò-mã ban cho một đặc ân.

- Quân hầu cứ nói.

Tử-Đức chỉ vào Trần Minh:

- Sau khi tôi chết, Phò-mã để chú em đây chôn tôi cạnh những nấm mồ tướng sĩ của tôi đã tử trận mấy ngày qua. Còn y với 12 võ sĩ, xin Phò-mã cho họ được quy hàng, làm hướng đạo cho Phò-mã.

- Được! Tôi hứa.

Đến đây Ngột-lương Hợp-thai cùng các tướng đã tới. Trịnh Long báo cáo tình hình. Bị trúng kế nhiều lần, Ngột-lương Hợp-thai tỏ ra nghi ngờ:

- Người tuy bị thương nặng nhưng đâu đã chết? Ta muốn người theo quân ta tiến về Thăng-long.

Tử-Đức gượng gạo đứng dậy tay ông chỉ vào mạn sườn:

- Sườn của tôi bị gẫy, làm sao tôi theo Thái-sư được?

Nói rồi, nhanh như chớp, hầu rút thanh dao trủy thủ bên lưng, tự đâm vào ngực mình. Hoài Đô tuyệt không ngờ Hầu lại tự tử. Nên tuy võ công cao, y cũng không cản trở kịp.

Trần Minh cùng 12 võ sĩ lấy cái chăn của Hầu, bọc xác Hầu, rồi đem ra khu mộ tử sĩ, đào lỗ chôn. Lại lấy một thanh gỗ, viết lên:

Phú-lương hầu Trần Tử-Đức, Sinh ư Kiến-trung đệ tứ niên, Nhị thập tứ nhật, thất nguyệt, Ngọ thời.

Vị quốc vong thân Nguyên-Phong thất niên, vọng nhật, thập nhị nguyệt, Thìn thời. (Sinh niên hiệu Kiến-trung thứ tư, ngày 24, tháng 7, giờ Ngọ. Chết vì nước vào niên hiệu Nguyên-Phong thứ 7, ngày rằm, tháng Chạp, giờ Thìn).

Ngột-lương Hợp-thai hỏi Trần Minh:

- Từ đây về Thăng-long còn chiến lũy nào không?

- Thưa Thái-sư không. Tuy vậy quãng đường từ đây tới Bắc-ngạn do Hưng-Ninh vương trấn nhậm, ẩn vào dân chúng. Phải cẩn thận lắm mới được.

- Hưng-Ninh vương là người thế nào?

- Vương là con trưởng của Yên-sinh vương Trần Liễu, là anh Hưng-Đạo vương. Cũng giống Hưng-Đạo vương, vương là người cực kỳ thông minh, học một biết mười, nhớ giai, giỏi biện thuyết. Vương khác Hưng-Đạo vương ở điểm, người rất uyên thâm Phật-pháp. Tính tình khoan nhân đại độ, thương người dưới như con, nên binh tướng dưới quyền người đều một lòng với chúa tướng.

- Dưới quyền y hiện có bao nhiêu quân?

- Dưới quyền vương hiện có ba hiệu binh Tứ-thiên, Tứ-thần, Tứ-thánh. Ba hiệu binh này giỏi xung trận, chứ không giỏi trấn thủ.

- Bây giờ ta ra lệnh cho người với 12 tên thuộc quyền làm hướng đạo, đi theo Phò-mã Hoài Đô.

Trần Minh gãi đầu:

- Đẳng trật của tôi là Vệ-úy, 12 chú em đây đều là Đô-úy. Vậy không biết bây giờ Thái-sư ban cho chúng tôi chức tước gì?

- Ừ nhỉ! Ta quên. Ta cho người hàm Thiên-phu, còn các võ sĩ này hàm Bách-phu. Thôi, các người lên đường.

Vì Thiên-phu của Sung Di, Vương Huy, Hòa Khâm, dự nhiều trận, tổn thất khá nhiều, tuy đã bổ xung, nhưng tinh thần binh sĩ dao động vì Sung Di bị giết, Vương Huy bị bắt. Hoài Đô truyền lấy ba Thiên-phu của bọn Tăng Phúc, Triệu An, Di Hòa thay thế tiến trước.

Trần Minh cùng 12 võ sĩ cỡi trâu đi trước. Phía sau là đội võ sĩ của Hoài Đô. Đi khoảng năm dặm thì Trần Minh chỉ về phía trước:

- Sau lũy tre kia, có con sông nhỏ chảy ngang, rộng khoảng ba trượng. Trên sông có cây cầu đá, tên làcầu Bà Do. Coi chừng có phục binh.

Một Lôi-kỵ vọt ngựa lên quan sát rồi trở lại báo cáo:

- Cầu đã bị phá. Xung quanh không có dấu vết phục binh.

Hoài Đô truyền dừng quân lại. Đội Công-binh Trung-quốc được đưa lên bắc cầu. Binh sĩ đào đất, ném xuống lấp sông. Phải hơn giờ mới lấp xong.

Trần Minh đề nghị:

- Ngựa nhẹ hơn trâu. Để tôi cho trâu sang trước. Hễ trâu không bị lún chân thì ngựa qua được.

Trần Minh cùng 12 võ sĩ, tên Trịnh Long sang sông yên lành. Hoài Đô phất tay ra lệnh. Một Bách-phu Lôi-kỵ sang yên ổn. Bách-phu thứ nhì vừa đi đến giữa cầu, thì một tiếng tù và rúc lên. Tên từ trong bụi tre bắn ra rào rào. Bách-phu thứ nhì ngã lăn xuống sông. Người, ngựa chết, nằm la liệt trên hai bên mố cầu. Bùi Thiệu Hoa cùng đội nữ võ sĩ xuất hiện. Kiếm vung lên lấp lánh như sao sa. Mỗi ánh kiếm là một đầu Lôi-kỵ rơi xuống. Trong khi phía bên kia, Trần Minh cùng đám võ sĩ xua trâu xông vào Bách-phu thứ nhất. Đao-quất vung lên. Thoáng một cái, cả Bách-phu đã bị hạ hết. Tên Trịnh Long đang hoảng hốt, thì Bùi Thiệu Hoa túm cổ y điểm huyệt rồi cặp vào nách. Khi Thiên-phu Triệu An phản ứng, thì Thiệu Hoa, Trần Minh và đội nữ võ sĩ đã xua trâu chạy vào con đường mòn nằm giữa các lũy tre.

Tên trong lũy tre ngừng bắn ra. Triệu An ra lệnh cho Lôi-kỵ tiến lên lục soát, thì không một bóng người, không một bóng thú. Hoài Đô xấu hổ vì bị trúng kế. Y chửi:

- Tổ bà nó! Biết rằng bị thương nặng, trước sau gì cũng chết, tên Trần Tử-Đức muốn tự tử. Nghĩ rằng tự tử tối vô ích, xác bị phơi nắng phơi mưa, y bầy trò ma, trò quỷ. Kết quả, xác y được chôn cất chu đáo. Y để mưu kế sai con vợ xinh đẹp với bọn Trần Minh phục kích ta. Được! Sau khi chiếm Thăng-long, ta sẽ cho quật mồ y, đem xác vứt xuống chuồng hôi cho dòi, bọ ăn thịt.

Xác tử sĩ Mông-cổ được chôn tại chỗ. Hoài Đô ra lệnh tiếp tục tiến quân. Lần này y không tiến trước nữa. Y để bọn Triệu An đi tiên phong. Đi được 5 dặm, thì Thập-phu đi đầu quay lại báo:

- Có một cái ụ bằng chuối chắn ngang đường. Trên ụ có năm cái bồ, hương bốc ra thơm ngát. Phía sau có bao nhiêu quân không rõ.

Hoài Đô ra lệnh:

- Đánh chiếm ụ.

Lôi-kỵ dương cung lao lên. Nhưng sau ụ không một bóng người. Triệu An ra lệnh phá ụ. Chùy vung lên, đao phạt ngang. Năm cái bồ bị chém làm hai, bị đập bẹp. Từ trong bồ hàng vạn, hàng triệu con ong bay ra. Thấy người phá tổ của chúng. Lòng hận thù ngùn ngụt, chúng nhào xuống đốt. Giữa lúc đó tên từ bên kia sông bắn sang ào ào. Lôi-kỵ ôm đầu lui trở lại. Bọn lao binh mách:

- Đốt lửa lên, thì ong phải chạy.

Chúng lấy cỏ, châm lửa đốt. Phải mất hơn một giờ bầy ong mới bay đi hết. Kiểm điểm lại, ong không làm chết người, nhưng hàng nghìn quân bị ong đốt, đau nhức rên la khốn khổ. Hơn trăm quân, ngựa bị trúng tên.

Hoài Đô chửi thề:

- Tụi Nam-man này thực kinh khủng. Cái gì chúng cũng có thể dùng vào chiến tranh được. Có 5 cái tổ ong, mà nó làm cho mấy nghìn người xính vính.

Hơn giờ sau, Triệu An được báo:

- Đã thấy sông Hồng trước mặt. Trên bến Bắc-ngạn, dân chúng xếp hàng hai bên đường, thắp hương đón quân Thiên-triều.

Hoài Đô sai người báo với Ngột-lương Hợp-thai. Y kinh ngạc hỏi gã Trịnh Ngọc:

- Có sự ấy được ư?

- Thưa Thái-sư tôi không tin. Vì bọn An-Nam kinh sợ Lôi-kỵ của Thiên-triều, từ hơn tháng nay, Trần Cảnh đã ra lệnh cho dân chúng phải rời khỏi Thăng-long. Còn triều đình, thì bỏ trốn hết. Dân chúng có gan bằng trời, cũng không dám ở lại. Vùng này thuộc quyền trấn nhậm của Trần Khánh-Dư, tước phong Nhân-Huệ vương hiện lĩnh Phiêu-kỵ thượng tướng quân, Tổng-trấn Thăng-long. Tôi nghi đây là quỷ kế của y.

- Trần Khánh-Dư à? Tại sao ta chưa từng nghe qua tên y?

- Y là cháu nội của Thiên-sứ Trần Thủ-Huy.

- Cháu nội Phò-mã Thiên-sứ Trần Thủ-Huy ư? Như vậy y là con của nhị ca Thủ-Độ sao? Lẽ nào?

- Không hẳn thế.

Trịnh Ngọc giảng giải: Thái-sư không nhớ việc Phò-mã Thiên-sứ Thủ-Huy tục huyền với Vương Thúy-Thúy ư? Vương Thúy-Thúy sinh ra một trai tên Trần Thủ-Minh, một gái tên Trần Như-Lan. Khi tướng quân Thủ-Độ đi sứ An-Nam có dẫn hai người em về. Trần Thủ-Minh sau làm đại tướng, cầm quân đi dẹp giặc, bị tử thương, để lại một con còn thơ tên Trần Khánh-Dư. Thái-tổ nhà Trần là Trần Thừa nhận làm con, đem về nuôi trong cung. Cho nên Dư được phong vương.

- Tài năng y ra sao?

- Y được bà nội là Vương Thúy-Thúy dạy võ công Hoa-sơn, rồi lại được vợ Trần Lý là Tuyên-minh thái hoàng thái hậu trực tiếp truyền thụ, nên y là một trong những võ tướng có võ công cao nhất. Y rất thông minh, lầu thông binh pháp Trung-quốc, Đại-Việt, Mông-cổ. Tài trí y chỉ thua có Hưng-Đạo vương với Hưng-Ninh vương mà thôi. Phải đối đầu với y là một điều đáng ngại.

- Y có uy tín không?

- Không! Y thâm nhiễm phong tục vùng Thảo-nguyên của cha, vì vậy hành vi của y cực kỳ phóng túng, bị người Việt kết tội.

Đến đây Triệu An trở lại báo:

- Dân chúng thắp hương, đem trâu, lợn đón ta là người Hoa-kiều. Người Hoa ở Đại-Việt cho rằng chiến tranh này là chiến tranh giữa người Việt với Mông-cổ, họ vô can. Họ lý luận rằng, trong quân của ta có nhiều võ tướng, có nhiều binh lính gốc Trung-quốc, thì chắc rằng họ không bị giết hại. Họ không theo dân Việt trốn đi, mà ở lại. Vì vậy họ mới đi đón.

Nghe báo, trong lòng Ngột-lương Hợp-thai mở ra một ý mới: Dùng người Hoa làm tai mắt chống người Việt. Y ban lệnh:

- Hãy dùng các Thập-phu, Bách-phu Thiên-phu trưởng gốc Trung-quốc phủ dụ chúng. Hứa bảo vệ tài sản, nhân mạng chúng. Tuyển lấy những đứa có tài làm tai mắt, chân tay, rồi lấy lợi nhử chúng, cho phép chúng tự do cướp của, bắt đàn ông làm tôi mọi, bắt đàn bà con gái làm tỳ thiếp. Cho giết người tùy thích.

Bọn tướng sĩ gốc người Hoa theo Mông-cổ, vốn là loại đầu trộm đuôi cướp, bị quan quân Tống triều truy lùng, chúng bỏ theo Mông-cổ. Trong suốt bao năm chinh chiến, đánh phá chính quê hương chúng, chém giết đồng bào chúng, cướp của người dân của chúng...đi đến đâu chúng cũng bị người Hoa khinh khiến, nhục mạ, gọi là Hán-gian, riết rồi chúng coi người Hoa như những kẻ thù không đội trời chung. Bây giờ tới Đại-Việt, chúng được người Hoa tiếp đón ân cần, quỳ lụy, coi chúng như những anh hùng hiệp sĩ, cứu khốn phò nguy... Tự nhiên chúng thấy mình là anh hùng. Chúng tập họp Hoa kiều lại, hứa hẹn những gì mà Ngột-lương Hợp-thai đã hứa.

Bọn người Hoa được hứa hẹn, thì vui mừng chi siết kể, chúng dẫn bọn Hán-gian đi vào khắp các lạch, ngòi trưng thu thuyền bè. Không đầy nửa buổi, chúng đã kiếm được hàng nghìn thuyền lớn nhỏ, rồi thân chở quân Mông-cổ sang sông.

Chiều hôm đó, phân nửa quân Mông-cổ đã ở ngoài thành Thăng-long. Bọn người Hoa báo:

- Vua, quan An-Nam trốn hết rồi. Thành bỏ không.

Hoài Đô trì nghi:

- Chắc chúng mới trốn sáng nay. Chứ nếu chúng trốn hôm qua, thì trong thành đã có nạn cướp bóc khủng khiếp diễn ra. Trốn như vậy thì ắt có cơ mưu, chứ trốn vì sợ hãi thì chúng trốn từ lâu rồi.

Tuy vậy y vẫn truyền lệnh cho ba Thiên-phu trưởng Tăng Phúc, Triệu An, Di Hòa, chia nhau tiến quân vào Thăng-long. Nhờ có bọn Hoa-kiều dẫn đường, ba Thiên-phu nhanh chóng chia nhau trấn đóng các cung điện, Lục-bộ, Khu-mật viện, rồi sai người báo với Ngột-lương Hợp-thai. Ngột-lương Hợp-thai dẫn Hoài Đô, A Truật nhập thành.

Sau khi lục soát hết các cung điện, Triệu An báo cáo:

- Trong thành không một bóng người, không một bóng thú. Lương thảo, kho lẫm trống rỗng. Duy nhà ngục đông nghẹt tù nhân.

Hoài Đô ra lệnh:

- Thả tất cả tù ra, cấp vũ khí cho chúng, thu dụng chúng làm quân Tế-tác dẫn đường.

Lát sau, Triệu An trở lại báo:

- Tìm thấy ba Thiên-phu trưởng, được cử làm sứ thần, bị trói bằng lạt. Đã cắt lạt cứu ra, nhưng chỉ hai còn sống. Thiên-phu trưởng Bật Triệt (Bourteck) bị chết cứng từ bao giờ.

Ngột-lương Hợp-thai nghiến răng:

- Thế này thì đừng ai trách ta tàn ác nhé.

Y chỉ tay lên trời:

- Đại quân chúng ta tiến đánh Tây-vực, bất cứ tới thành nào, là dù vua, dù tướng, dù dân đều răm rắp mở cửa thành, khom mình quy hàng, cung ứng lương thảo. Bất cứ nơi nào chống lại, thì sẽ giết tuyệt, dù già, dù trẻ, dù con đỏ cũng không tha. Từ hôm nhập biên đến giờ, chúng ta mải tiến quân, chưa có dịp ra oai. Bây giờ ta đã chiếm được kinh đô của An-Nam, ta phải giết hết dân Thăng-long, để các nơi khác lấy đó làm gương. Như vậy, khi ta tiến quân đến đâu, mới mong chúng quy hàng.

Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa ló dạng, từ năm cửa thành Thăng-long, mỗi cửa thành có ba Thiên-phu Lôi-kỵ, năm Thiên-phu vừa lao binh, vừa binh Đại-lý tràn ra. Chúng dùng bọn tù nhân, bọn người Hoa chỉ đường, nhanh chóng lùa tất cả dân chúng vào năm khu. Trước hết chúng lựa những thợ mộc, thợ nề, thợ khắc, thợ rèn, thợ vàng bạc cho đứng riêng ra. Lại lựa những nhạc công, ca nhi cho đứng riêng ra chỗ khác. Cuối cùng, chúng lựa đàn bà con gái đẹp, tuổi từ mười tới ba mươi, cho đứng riêng ra một chỗ khác nữa. Tên Thiên-phu Triệu An đứng lên tuyên án:

- Từ xưa đến giờ, Thiên-binh đi đến đâu, thì dù vua, dù quan, cũng phải mở cửa thành quy phục. Bất cứ nơi nào chống lại sẽ bị giết tuyệt, dù con chó, con mèo cũng không tha. Khi đại quân dàn ra biên giới, Thái-sư đã ba lần sai sứ sang chiêu hàng, vua các người không quy phục, còn đem quân chống trả, bắt giam sứ thần. Vì thế hôm nay, ta giết tất cả các người. Tuy vậy, bọn gái đẹp cần giữ lại làm đồ chơi cho quân sĩ ; bọn ca nhi, nhạc công cần để sống để hầu hạ binh tướng. Bọn thợ giỏi cũng được tha để làm việc.

Tuyên án xong, hằng trăm Lôi-kỵ vung đao lăn vào đám dân chúng khốn cùng. Mỗi đao vung lên, một cái đầu rơi xuống. Tiếng kêu khóc vang lên đến trời, máu ngập kinh thành. Giết xong, chúng ném xác xuống sông. Con đầu thì chúng xếp thành từng đống, theo hình tháp, mỗi đống một nghìn đầu. Tất cả 200 đống.

Kinh nghiệm trong những lần tàn sát tại các nước Tây-vực, sau cuộc lùa bắt, thế nào cũng còn nhiều người lẩn trốn. Ngột-lương Hợp-thai cho rút quân vào thành, rồi hai giờ sau tung quân ra bao vây lục soát. Y lại bắt được hơn vạn người trốn tránh. Lần này y không giết, mà truyền đốt nhà, rồi quẳng vào đống lửa. Bọn Lôi-kỵ, bọn Hán-gian đứng nhìn cảnh kêu khóc tuyệt vọng, cảnh ném người vào biển lửa, lăn lộn, mà khoan khoái, reo hò như nhìn một cảnh diễn trò chơi. Thành Thăng-long cháy trong ba ngày chưa tắt ngọn lửa. Trong thành chỉ mấy phường của Hoa-kiều là còn nguyên.

Đúng lúc đó, các đạo quân từ Phù-lỗ rút về tới Đông-bộ đầu. Nguyên-Phong hoàng đế cùng Thái-tử, Hưng-Đạo vương, Hưng-Ninh vương thân dẫn các quan ra đón, ủy lạo thương binh, đem về Thiên-trường điều trị. Ngài truyền lập đàn tế vọng chư tướng sĩ tuẫn quốc, rồi ban sắc chỉ phong chức tước.

Nghe Trần Minh thuật lại về cái chết oanh liệt của chồng, sắc mặt Bùi Thiệu Hoa không hề thay đổi. Phu nhân bước tới hành lễ với Nguyên Phong hoàng đế, với Hưng Đạo vương. Lại quỳ trước linh vị chồng lạy bốn lạy, rồi rút kiếm đưa lên cổ tự tử.

Nguyên Phong hoàng đế thương tiếc vô cùng. Ngài truyền khâm liệm thi hài phu nhân, đem về Yên-bang an táng.

Phú-lương hầu Trần Tử-Đức được truy phong:

Dao-thụ thái phó, Phụ-quốc thượng tướng quân, Kinh-Bắc tiết độ sứ, Quan sát sứ, Xử trí xứ, Minh tâm tĩnh lự công thần.

Nghĩa-hòa vương. Sang triều Lê được cải phong là:

Bản cảnh thành hoàng, chiêu sinh hiến đức thượng đẳng đại vương.

Đến triều Nguyễn, được cải phong:

Linh-quang hộ quốc, bảo cảnh, hùng uy bệ hạ, anh linh đại vương, thượng đẳng thần.

Phu nhân được phong:

Hiếu-khang, Linh-anh, Trinh nhất công chúa.

Sang triều Nguyễn, phu nhân được cải phong là:

Hoàng-phi, Trí-tuệ, Bồ-quân, Anh linh công chúa.

Triều Trần truyền lập đền thờ vương và công chúa, phối thờ vào Thái-miếu. Sau khi hết giặc lại cho cải táng thi hài của Vương, đem về Yên-sinh, chôn cạnh mộ phu nhân.

Các tướng được phong thưởng như sau:

Quận chúa Trần Ý Ninh được phong Hồng-đức, Trang-duệ, Vũ-thắng công chúa. Truyền gả cho Vũ-Uy vương.

Đô-thống Lý Tùng-Bách được phong Vũ-kỵ thượng tướng quân, tổng lĩnh Kỵ-binh, tước Kiến-phong bá.

Đô-thống Trần Trữ được thăng Phá-lỗ thượng tướng quân, Phù-lỗ bá.

Đô-thống Trương Đình được phong Hoài-hóa thượng tướng quân, tước Siêu-loại bá.

Đô-thống Nguyễn Thiên-Sanh được phong Đại-đởm thượng tướng quân, tước An-xuyên bá.

Tá-lĩnh Trần Minh được thăng Đô-thống, tước Vị-thanh tử.

Ngoài ra tất cả tướng sĩ đều được thăng một đẳng.

Ghi chú của thuật giả Trong suốt năm kỳ hè, từ 1994 đến 1998, tôi lần mò đến hầu hết những vùng là chiến trường cũ thời Trần, nhưng không tìm thấy đền thờ Nghĩa-hòa vương. May thay, trong gia phả của chi 1, dòng dõi Chiêu-quốc vương Trần Ích Tắc tại trấn Nhạc-dương, thị xã Trường-sa Trung-quốc có ghi vắn tắt:

"Phú-lương hầu Trần Tử-Đức cùng vợ tuẫn quốc tại Phù-lỗ được phong Nghĩa-hòa vương. Đức là con Trần Hiến và Lê thị. Đền thờ lập gần Vạn-kiếp".

Tra trong Hải-dương tỉnh thần tích, tôi thấy chép: làng Khê-khâu, huyện Chí-linh, tỉnh Hải-dương có đền thờ ba vị thần thành hoàng là:

- Linh-quang hộ quốc Bảo-cảnh hùng uy bệ hạ, anh linh đại vương húy Trần Hiến-Đức.

- Hoàng-phi, Trí tuệ, Bồ-quân, Anh-linh công chúa.

Không ghi tên họ, tôi biết đây là chức tước phong cho vương phi Bùi Thiệu Hoa.

- Thiên-uy, Thái trưởng, Từ-lang, Anh-linh công chúa.

Không ghi tên họ. Nhưng tôi biết đây là chức tước phong cho Quận-chúa Trần Ý Ninh. Sẽ thuật ở hồi sau.

À, thì ra vẫn còn đền thờ Nghĩa-hòa vương, nhưng có đôi chút khác biệt. Phổ Chiêu-quốc vương chép là Trần Tử-Đức, còn Hải-dương tỉnh thần tích chép là Trần Hiến-Đức.Còn chức tước có hơi khác, vì chức tước này do triều Nguyễn cải phong.

Hè 1988, tôi tới tận nơi sưu khảo, có trao đổi ít câu với người giữ đền, thì nảy ra khá nhiều khác biệt. Phổ chép: Thân phụ ngài là Trần Hiến công, thân mẫu là Lê thị Đạt. Đời Trần Nhân-tông, ngài làm phó nguyên súy đại vương, có công chém Toa Đô, bắt Ô Mã Nhi. Những chi tiết này hoàn toàn sai với lịch sử, nên tôi gạt thẳng những gì cuốn phổ chép, mà ghi theo phổ Chiêu-quốc vương.

Mọi việc vừa hoàn tất, thì tin Tế-tác báo về cuộc thảm sát trong thành Thăng-long. Nguyên-Phong hoàng đế chắp tay hướng lên trời:

- Thảm thay! Ta đã nhiều lần sai lính vác loa đi gọi các người. Khuyên các người hãy tạm lui về quê. Các người không theo lời khuyên của ta, nên mới ra nông nỗi!

Sáng hôm sau, tin Tế-tác báo:

- Bọn Hoa-kiều xui Ngột-lương Hợp-thai tiến quân về Thiên-trường, tàn phá mồ mả, lăng tẩm của các tiên đế.

Tin này làm cả triều đình rúng động.

Phía Nam Thăng-long là vùng trấn nhậm của Khâm-Thiên đại vương. Hưng-Đạo vương vội sai sứ báo tin này cho vương, với lệnh như sau:

« Từ Thăng-long về Thiên-trường chỉ có hai đường đi. Một là đường thủy, dễ đi. Nhưng Mông-cổ không có thủy quân. Ngược lại hạm đội Âu-Cơ đang phong tỏa Đông Thăng-long, chúng không thể dùng thuyền. Hạm đội Động-đình đang phong tỏa các cửa sông. Hạm đội Thần-phù đang phong tỏa sông ngòi vùng Thiên-trường. Hạm đội Bạch-đằng đang trấn vùng lãnh hải phía Bắc. Còn đường bộ, thì phải qua 41 xã. Hãy dùng ba hiệu binh trực thuộc Thiên-thuộc, Thiên-cương, Chương-thánh chia ra thành từng Vệ, ẩn vào các xã, chống giặc. Muốn đánh phá 41 xã, thì giặc phải mất ba đến bốn năm. Bấy giờ ta đã phản công rồi ».

Tuy ra lệnh như vậy, nhưng Hưng-Đạo vương vẫn không yên tâm. Vương gọi Tả Kim-ngô thượng tướng quân Lê Phụ-Trần:

- Tôi sợ Khâm-Thiên đại vương không chịu chia quân ẩn vào các xã, lợi dụng địa thế xã chống giặc, mà dàn quân đại chiến. Dàn quân đánh với Mông-cổ là lấy sở đoản, chống sở trường, thì thất bại đã thấy trước rồi. Vậy phiền Thái-bảo dẫn 10 tướng Ngưu-binh gồm 5 Vệ-úy Cu, 5 Vệ-úy Trâu, cùng 3 hiệu binh Tiên-yên, Yên-bang, Yên-phụ... Xuống hạm đội Động-đình, theo đường thủy về trấn tại Thiên-trường, phòng khi Khâm-Thiên vương thất bại, còn cứu ứng kịp.

Thái-bảo Lê Phụ-Trần vâng lệnh lên đường ngay.

Quả như Hưng-Đạo vương ước tính. Khâm-Thiên đại vương là chú ruột vương. Hơn chục năm nay, vương lĩnh chức Phụ-quốc Thái-úy, một chức coi toàn bộ binh mã Đại-Việt. Thế nhưng trong trận giặc này, biết vương không có tài, Nguyên-Phong hoàng đế phong Hưng-Đạo vương làm Tiết-chế. Chức Tiết-chế cũng như Nguyên-soái, lĩnh nhiệm vụ tư lệnh trong một trận đánh, một chiến dịch. Khâm-Thiên đại vương ấm ức rằng, đáng lẽ chức Thái-úy đã là Tiết-chế rồi, mà sao còn cử Hưng-Đạo vương vào làm gì? Vương cảm thấy bị nhục nhã. Từ mấy tháng nay, vương phải nhận lệnh Hưng-Đạo vương, mà trong lòng phiền muộn.

Bây giờ, một lần nữa Hưng-Đạo vương gửi lệnh cho vương. Vương tập họp tướng sĩ lại, rồi nói:

- Ngột-lương Hợp-thai sai con y là A Truật, mang năm Thiên-phu đánh Thiên-trường. Trong khi ta có ba hiệu binh, tới ba vạn quân. Nghĩa là quân số của ta đông gấp sáu lần. Thế mà Hưng-Đạo vương không cho ta đánh, bắt ta xé nhỏ quân thành từng vệ thủ trong các lũy tre. Ta không thể chịu nhục như vậy. Ta quyết định dàn quân đánh một trận cho bọn Mông-cổ biết tài, cho Hưng-Đạo vương biết rằng ta không phải là một Thái-úy bù nhìn.

Lập tức vương dàn quân tại cánh đồng Văn, cách Thăng-long 60 dặm, nằm trên đường Thăng-long đi Thiên-trường. Hiệu binh Thiên-thuộc bên trái, hiệu binh Thiên-cương bên phải. Hiệu binh Chương-thánh phía sau. Mười hàng đầu là chiến xa, trên đặt Lôi-tiễn, Nỏ-thần. Mười hàng thứ nhì là quân xử dụng giáo dài. Mười hàng thứ ba là quân xử dụng đao. Phía sau là các chúa tướng cỡi ngựa, chỉ huy.

Quân dàn ra từ giờ Dần. Đến cuối giờ Mão, thì Lôi-kỵ Mông-cổ xuất hiện, từ xa rần rộï tới. A Truật tiến lên quan sát trận địa rồi trở lại họp các Thiên-phu, Bách-phu trưởng:

- Không biết tướng nào chỉ huy trận này?

Bọn Hoa-kiều đáp:

- Là Khâm-Thiên đại vương, y hiện lĩnh chức Phụ-quốc Thái-úy. Ba hiệu quân dàn ra kia có tên Thiên-thuộc, Thiên-cương, Chương-thánh. Đây là ba hiệu quân thiện chiến nhất của Đại-Việt.

A Truật bật cười:

- Lối dàn quân của y không khác gì bọn Kim, bọn Tống. Từ ngày sang An-Nam, đây là lần đầu tiên chúng ta được giao chiến, được trổ tài.

Y cầm cờ phất. Thiên-phu thứ nhất do Triệu An chỉ huy, chia làm hai. Năm Bách-phu dàn hàng hú lên rùng rợn, rồi lao tới như bay. Khi còn cách trận Việt trăm trượng, thì cùng dương cung bắn một loạt, rồi quay ngựa trở về. Quân Việt dùng Lôi-tiễn, Nỏ-thần bắn vào hàng ngũ Lôi-kỵ. Năm Bách-phu thứ nhì nối tiếp năm Bách-phu thứ nhất, cũng bắn một loạt tên, rồi quay ngựa chạy. Quân Việt cũng bắn trả.

Khâm-Thiên đại vương cầm cờ phất, chiến xa Đại-Việt, rời hàng ngũ, đuổi theo Lôi-kỵ. Thì vừa lúc ấy Thiên-phu của Di Hòa tới. Hai bên giáp chiến khoảng môt khắc, rồi Lôi-kỵ lại bỏ chạy. Quân Việt xua chiến xa đuổi theo. Nhưng Lôi-kỵ đã biến mất vào khu đồng cỏ. Khâm-Thiên vương phất cờ cho quân Việt ngừng lại. Vương nói với chư tướng:

- Từ trước đến giờ người ta cứ sợ bóng, sợ gió Lôi-kỵ như con ngáo ộp. Đó! Bây giờ mới có mấy đợt chúng đã bỏ chạy rồi.

Thình lình có hàng muôn ngàn tiếng hú, tiếng ngựa hý. Quân Mông-cổ trở lại, với năm hàng ngang. Chúng lao tới như bay, dương cung bắn. Quân Việt bắn trả. Nhưng lần này Lôi-kỵ không chạy, mà xung thẳng vào trận Việt. Sau một khắc giao tranh, chúng phá vỡ năm hàng đầu của chiến xa, rồi đánh tỏa ra hai bên. Lớp thứ nhì tiếp lớp thứ nhất, đánh thẳng về sau, cắt đứt năm hàng quân giáo dài của Đại-Việt. Quân hai bên lẫn lộn vào nhau kịch chiến.

Giữa lúc đó, hai Thiên-phu Lôi-kỵ thình lình xuất hiện, đánh vào hai bên hông. Tuy bị bất ngờ, nhưng quân Việt gan dạ chống trả. Cuộc hỗn chiến giữa năm nghìn Lôi-kỵ với ba hiệu binh thực khủng khiếp. Một bên là Kỵ-binh bách chiến bách thắng, gặp đồng bằng thả sức tung hoành. Một bên là ba hiệu binh tinh nhuệ, chết sống bảo vệ quê hương. Cuộc chiến kéo dài tới Ngọ vẫn chưa ngã ngũ. Lôi-kỵ chết quá hai nghìn. Trong khi bộ binh Đại-Việt chết hằng vạn.

Sang giờ Mùi, thình lình năm Thiên-phu Lôi-kỵ xuất hiện từ phía sau, đánh vào hậu quân Đại-Việt. Khâm-Thiên vương kinh hãi:

- Rõ ràng chúng chỉ có năm Thiên-phu, mà sao bây giờ lại có năm Thiên-phu khác nữa?

Chư tướng đáp:

- Từ đây về Thăng-long có 20 dặm. Chỉ cần một khắc sức ngựa, thì Ngột-lương Hợp-thai sẽ phái thêm năm Thiên-phu nữa tiếp viện. Không chừng còn mười Thiên-phu khác cũng sắp tới.

Lôi-tiễn, máy bắn đá Mông-cổ đã được xe kéo đến, đồng loạt nã vào trận Việt. Dù can đảm, dù thiện chiến, nhưng quân Việt bị sức mạnh Lôi-kỵ đánh từ ba phía, bị đá bắn lên đầu, dần dần tử thương gần hết.

Trận Việt bị vỡ.

Lôi-kỵ ép ba phía mỗi lúc càng chặt. Các võ sĩ nói với Khâm-Thiên vương:

- Một là xin vương gia tự tử. Hai là xin vương gia bỏ chạy. Đừng để giặc bắt.

Thấy Lôi-kỵ đã tiến sát tới chỗ mình đứng. Khâm-Thiên vương đành phất cờ cho quân lùi lại, còn vương thì theo đoàn võ sĩ bỏ chạy vào cánh đồng lầy lội bên cạnh.

Mông-cổ toàn thắng.

A Truật kiểm điểm lại: Hơn ba nghìn Lôi-kỵ bị giết. Y ra lệnh chỉnh đốn lại binh mã, để tiếp tục lên đường. Ngột-lương Hợp-thai đã đến. Quan sát thế trận, nhìn xác quân Việt nằm trải dài trên cánh đồng, y lắc đầu:

- Quả thực ba hiệu binh này vừa thiện chiến, vừa can đảm. Quân Kim, quân Tống, quân Tây-vực bì thế nào được? Nhưng tướng chỉ huy là tên Nhật-Hiệu, y ngu như con bò, nên bị ta phá. Thôi, người hãy mang năm Thiên-phu Lôi-kỵ tiếp tục lên đường tiến về Thiên-trường.

Thừa thắng, dù mặt trời đã ngả bóng, A Truật thúc quân lên đường. Quân trẩy được mươi dặm, thì gặp một làng chặn ngang đường đi. Địa thế giống hệt Cụ-bản. Y kinh hãi hỏi bọn hướng đạo:

- Từ đây về Thiên-trường còn bao nhiêu chiến lũy như thế này nữa?

- Thưa có tất cả 41 cái.

A Truật tiến lên quan sát: Trong chiến lũy cờ xí bay phất phới. Lũy tre cao vút, dầy đặc, hào sâu, chông chà chơm chởm. Y ra lệnh cho Triệu An:

- Quân của Nhật Hiệu vừa bị phá. Nhân thế thắng như chẻ tre, người chỉ huy Thiên-phu cơ hữu, với năm Thiên-phu quân Đại-lý, một Thiên-phu tân lập, gốc người Hoa ở An-Nam thử tấn công xem sao?

Triệu An chia quân làm hai. Lôi-kỵ theo con đường chính tấn công vào cổng trước. Bộ binh dàn ra, lội ruộng tấn công dọc theo con lạch, lũy tre. Y dùng lại phương pháp đánh Cụ-bản.

Nhưng khi bộ binh vượt qua con lạch, dùng dao chặt lũy tre, thì một hồi tù và nổi lên, rồi các cổng phụ mở rộng. Mỗi cổng một đoàn trâu hàng năm lồng ra, rồi nhanh chóng đánh bọc phía sau. Bọn tướng trâu cũng lại là bọn ở Bình-lệ nguyên, Cụ-bản, đó là năm Cu. Đám bộ binh kinh hãi, bỏ chặt rào, quay lại chống Ngưu-binh. Bấy giờ quân trong lũy tre mới phản công. Bị đánh ép phía sau, chặn đầu phía trước. Không đầy hai khắc đám bộ binh bị giết gần hết. Phần còn lại bỏ chạy tán loạn trên cánh đồng lúa.

Trên con đường chính đến cổng trước. Bọn võ sĩ, nấp sau các lá chắn xông vào. Khi còn cách cổng hơn dặm, thì cổng mở rộng, Ngưu-binh tiến trước với Khiên-mây che thân. Lúc cuộc giao chiến bắt đầu, thì hai đội Ngưu-binh khác lội xuống ruộng đánh bọc hai bên.

Sau ba đợt tấn công, quân chết hơn nửa, mà chiến lũy vẫn vô sự. Triệu Anh truyền quân lưu lại, báo cáo với A Truật.

Kinh nghiệm trận Cụ-bản, Phù-lỗ, A Truật biết rằng muôn ngàn lần mình không thể nhổ được 41 chiến lũy, để tiến về Thiên-trường. Y báo với Ngột-lương Hợp-thai.

Chính lúc đó, tên Trịnh Ngọc, Trịnh Đức, cùng với bọn bang trưởng các bang Hoa-kiều đang họp với Ngột-lương Hợp-thai trong thành Thăng-long. Bọn chúng dò được nhiều tin tức, cung cấp cho Mông-cổ.

Bọn du thủ, du thực của anh em họ Trịnh báo động:

« Trên đường từ Thăng-long về Thiên-trường, có 41 xã. Dân trong các xã này gốc do Nguyên-tổ Trần Lý của triều đình, khi còn là Thần-nông sứ đã quy dân lập lên, gần bẩy mươi năm. Xã được tổ chức rất quy củ, có hệ thống phòng vệ cực chu đáo. Gần đây dân chúng được tổ chức phương pháp phản tấn công của Mông-cổ. Họ có khả năng chiến đấu như những đạo quân thiện chiến. Hai hôm trước, Thái-bảo Lê Phụ-Trần dẫn ba hiệu binh Tiên-yên, Yên-bang, Yên-phụ, cùng bọn tướng Ngưu-binh ưu tú, năm Cu, năm Trâu, năm Hĩm về đây. Bộ binh, Ngưu-binh chia thành từng vệ, tản vào, cùng dân chúng trấn thủ. Không thể, không nên đánh về Thiên-trường ».

Bọn các bang hội người Hoa báo:

« Khi Hưng-Đạo vương thiết kế, đã chia cho mỗi đại tướng một vài hiệu binh trấn thủ vùng trách nhiệm. Các hiệu binh sẽ chia thành Vệ, tản vào xã cùng dân chống quân Thiên-triều. Thế nhưng Khâm-Thiên đại vương làm trái lệnh, dàn quân nghênh chiến. Ba hiệu binh tinh nhuệ bị phá tan. Vậy bây giờ, xin Thái-sư lập tức xua quân tiến về vùng quản nhiệm của Khâm-Thiên đại vương là Trường-yên, Sơn-Tây, Sơn-Nam, Hồng-châu, Đăng-châu. Những vùng này chỉ có dân binh, thì ta chiếm các làng xã dễ dàng ».

Ngột-lương Hợp-thai phong cho những bang trưởng, hội trưởng người Hoa, hoặc bọn du thủ du thực Việt làm An-phủ sứ, Tuyên-vũ sứ, các phủ, huyện, trấn. Lệnh cho chúng tự tổ chức lấy đội quân, đi trấn nhậm vùng được phong. Nhưng khi chúng tới nhiệm sở, bị dân chúng đánh giết, chúng bỏ chạy tán loạn. Biết không thể dùng bọn người Hoa được, Ngột-lương Hợp-thai tổ chức mười đạo binh. Mỗi đạo bao gồm một Thiên-phu Lôi-kỵ, một Thiên-phu quân Trung-quốc hoặc quân Đại-lý, một đội binh người Hoa, đi trấn các vùng này. Thành công. Bọn chúng cử người vào các xã thuyết phục:

« Nếu mở cửa hàng, sẽ được bảo đảm tính mệnh, tài sản. Bằng không, hãy coi gương Bình-lệ nguyên, Cụ-bản Phù-lỗ, Thăng-long ».

Biện pháp độc địa có kết quả. Dân chúng hoang mang. Vùng nào có quân triều ẩn vào làng xã, thì còn giữ được. Nhiều xã vùng Sơn-tây, Sơn-nam, Hồng-châu, Đăng-châu, Trường-yên biết không giữ nổi, mở cổng làng, theo bọn ngụy quan.

Hệ thống phòng thủ chung bị rối loạn. Màng lưới liên lạc, di chuyển, thông tin của triều đình bị cắt đứt. Các cơ quan của triều đình ẩn trong những vùng trên, phải di chuyển, bỏ chạy sang các vùng khác!

Sau khi thất trận, Khâm-Thiên đại vương được võ sĩ hộ tống chạy thoát về Thiên-trường, ngồi run rẩy. Giữa lúc đó Nguyên-Phong hoàng đế cũng bị mất liên lạc với Hưng-Đạo vương. Toàn quốc rối loạn, đại thần, binh tướng kinh hoàng. Các thôn, xã đang rục rịch hàng giặc. Nhà vua hỏi Khâm-Thiên vương:

- Tình hình nguy như trứng chồng trên đá. Vương là Thái-úy, vương định chống giặc bằng kế sách gì?

Khâm-Thiên vương ngồi chết lặng trên thuyền một lúc rồi tâu:

- Thăng-long trong tay giặc. Phủ, huyện hầu hết bị giặc chiếm rồi. Làng xã cũng hàng giặc. Thế nước đã tan. Bệ hạ hãy mau mau cùng cung quyến dùng thuyền sang Tống ẩn thân, may ra mới tìm được cái sống.

Miệng nói, tay vương cầm cái sào viết xuống nước chữ Nhập Tống. Có nghĩa: Trốn sang Tống.

Bị ảnh hưởng lời tâu của Khâm-Thiên vương, khuyên nên bỏ nước, trốn sang Tống; Nguyên-Phong hoàng đế chưa biết phải ứng phó ra sao, thì Thái-bảo Lê Phụ-Trần tâu:

- Hiện Thái-sư Trần Thủ-Độ với Hưng-Đạo vương đang ở Đông-bộ đầu. Thần xin đem chiến thuyền bảo giá bệ hạ về hội kiến với các vị ấy, để biết rõ quân tình.

Di giá hoàng đế tới Đông-bộ đầu giưã lúc Thái-sư Trần Thủ-Độ, Hưng-Ninh vương, Hưng-Đạo vương, Nhân-Huệ vương đang hội nhau, nghị kế chống giặc. Thấy thần sắc nhà vua tái mét, đôi mắt lờ đờ, Hưng-Đạo vương hiểu những gì đã diễn ra ở Thiên-trường.

Hoàng-đế hỏi:

- Kinh thành thì giặc đã chiếm. Lỵ sở hầu hết các trấn, phủ, huyện, giặc đã đặt quan cai trị. Làng xã nhiều nơi đã theo giặc. Ba hiệu binh thiện chiến nhất của ta bị đánh tan. Dù quan, dù quân, dù đại thần, cũng đều kinh hoàng. Vậy chư khanh định sao?

Thái-sư Trần Thủ-Độ tỏ vẻ cương quyết:

- Gốc của sự việc là do Khâm-Thiên vương hành sự ngược lại quốc kế. Đúng ra, vương phân chia ba hiệu Thiên-thuộc, Thiên-cương, Chương-thánh thành từng Vệ, ẩn vào trang ấp thuộc Sơn-tây, Sơn-nam, Hồng-châu, Đăng-châu, Trường-yên, cùng dân chúng, dựa vào địa thế các xã chống giặc thì sao chúng chiếm nổi? Khắp các nước phương Tây cho chí Hạ, Kim, Liêu, Tống, chưa từng nước nào dàn bộ binh mà thắng nổi Lôi-kỵ. Vương dàn quân đánh với Lôi-kỵ, khiến ta mất ba hiệu binh, dĩ nhiên mất luôn 5 huyện trấn nhậm của ba hiệu binh đó là lẽ thường.

Nhà vua vẫn run run:

- Bọn Mông-cổ tàn sát dân Thăng-long, thành ra các xã lo sợ, không dám chống chúng nữa nên mới quy hàng! Nếu các xã hàng giặc hết, thì nước còn gì?

- Bệ hạ bình tĩnh lại. Những xã quy hàng giặc vì họ không có quân triều đình trợ chiến. Biết Mông-cổ không ai bằng thần. Đánh Ngột-lương Hợp-thai cũng ai hơn thần. Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo.

Ghi chú của thuật giả Xét chung cuộc đời Trần Thủ-Độ: Chỉ vì ông sinh ra, lớn lên trong vùng Thảo-nguyên, chịu ảnh hưởng phong tục tập quán của Mông-cổ. Nên khi về Đại-Việt, ông không khép mình trong vòng lễ giáo khắt khe của Nho-gia. Làm ma, làm quỷ, ăn cắp, ăn cướp, thông dâm với vợ người... Vì vậy đương thời, cũng như sau này, ông bị công kích về những hành vi phóng túng. Thế nhưng, xét về phương diện quốc gia, dân tộc, ông là một đại anh hùng. Phải trở lại với thời gian cuối triều Lý, phong hóa suy đồi, dân chúng đói khổ, giặc cướp nổi lên...kỷ cương không còn. Vua Trần Thái-tông khi lên ngôi mới có 8 tuổi. Một mình ông lèo lái đất nước, trong xây dựng triều đình mới, ngoài dẹp giặc. Chỉ sau một thời gian ngắn, mà Đại-Việt trở thành hùng cường, thắng đội quân hùng mạnh nhất thế giới. Công ông thực không nhỏ. Tiếc thay, người đời nay, hành vi còn phóng đãng hơn ông nhiều, thế nhưng vẫn kết tội ông. Bằng chứng, trong những thành phố lớn tại miền Nam trước 1975, không thấy có tên phố Trần Thủ-Độ, cũng không có trại binh, trường học mang tên ông.

Hầu hết các tướng đời Trần, có huân công với xã tắc đều được lập đền thờ, mà Trần Thủ-Độ thì không. Ngay tại đền Bảo-lộc ở Mỹ-lộc Nam-định, tại đền thờ Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng ở thị xã Cẩm-phả, tỉnh Hạ-long, trong tạc tượng thờ tất cả các vua Trần, công thần đời Trần, mà cũng không thờ Trần Thủ-Độ. Xấu hổ thay, ngay bên sông Bạch-đằng người ta thờ tên giặc Nguyễn Linh Nhan! Và ở ngoại ô Hà-nội người ta thờ tên giặc cướp nước Sầm Nghi Đống, đến nỗi nữ sĩ Hồ Xuân Hương phải than:

Ghé mắt trông theo thấy bảng treo, Kìa đền thái thú đứng cheo leo.

Ví đây đổi phận làm trai được, Thì sự anh hùng há bấy nhiêu!

Trong cuộc sưu tầm, tôi chỉ thấy duy nhất tại xã Hương-tảo, huyện Yên-dũng, tỉnh Hà Bắc thờ ông ở đình làng làm thần Thành-hoàng.

Tài liệu: Bắc-giang tỉnh thần tích. Nghe Thái-sư Thủ-Độ nói lời cương quyết, Nguyên-Phong hoàng đế lấy lại được bình tĩnh.

Hưng-Đạo vương tâu:

- Giặc đã bỏ ý định tiến quân về Thiên-trường. Ngột-lương Hợp-thai sai quân chiếm mười lỵ sở, phong cho bọn Hoa-kiều, bọn đầu trâu mặt ngựa làm quan cai trị, bức các xã đầu hàng. Còn quân Mông-cổ thì chúng rút về Thăng-long. Y tưởng như vậy là yên. Y đâu biết các xã hàng giặc vì bất đắc dĩ mà thôi. Bây giờ y rút quân đi, các xã đâu có sợ bọn quan lại đầu trộm đuôi cướp nữa? Thần đã lệnh cho Thái-bảo Lê Phụ-Trần chia quân thành từng Đô, từng Vệ, len lỏi vào các xã vùng Trường-yên, Sơn-nam giúp dân chống giặc. Dân chúng dù muốn, dù không cũng phải trở về với triều đình. Còn 5 huyện thuộc vùng Hồng-châu, Đăng-châu, Sơn-Tây thần cũng ra lệnh cho Nhân-Huệ vương Trần Khánh-Dư làm tương tự.

- Nếu như Ngột-lương Hợp-thai lại sai quân tái chiếm các huyện thì sao?

- Tâu! Bây giờ các xã không bị chiến đấu đơn độc nữa. Mỗi xã đều có quân trợ chiến. Xã nào cũng thành Cụ-bản, Phù-lỗ cả.

Hai hôm sau, Khu-mật viện nhận được tấu chương của Thái-bảo Lê Phụ-Trần:

« Xử dụng ba hiệu binh Yên-bang, Tiên-yên, Yên-phụ đã tái chiếm tất cả các xã năm huyện thuộc vùng Trường-yên, Sơn-Nam. Lại ra lệnh chém đầu bọn quan lại của Mông-cổ mới cử về. Các xã cũng đã củng cố lại hệ thống phòng thủ. Mỗi xã có một Đô quân triều lưu động cùng dân binh ».

Ngay chiều hôm ấy, sứ giả của Nhân-Huệ vương Trần Khánh-Dư gửi tấu chương về:

« Tái chiếm 5 huyện thuộc vùng Sơn-Tây, Hồng-châu, Đăng-châu. Xử tử bọn quan của Mông-cổ sai về. Giết toàn gia những Đại-tư của những xã hàng giặc. Đã phân chia quân, ẩn vào các xã phòng giặc. A Truật phản ứng rất nhanh. Y sai một Thiên-phu Lôi-kỵ, một Thiên-phu quân Trung-quốc cùng một Thiên-phu gốc là Hoa-kiều tái chiếm lỵ sở Đăng-châu. Khi tấn công vào một xã, gặp phản ứng mạnh, bọn quân Trung-quốc, Hoa-kiều bị Ngưu-binh giết gần hết. Chúng đã rút lui về Thăng-long ».

Hưng-Đạo vương tâu:

- Bây giờ là lúc ta phản công.

Nguyên-Phong hoàng đế vốn là một ông vua trí tuệ tuyệt vời. Chỉ vì sau khi rút khỏi Thăng-long, ngài có cảm tưởng như không còn cái uy quyền của một ông vua. Thứ đến, dân chúng Thăng-long bị tàn sát, gây cho ngài cái xúc động mãnh liệt. Tiếp theo, ba hiệu binh ưu tú nhất bị diệt, mất luôn mười huyện, rồi nhiều xã hàng giặc. Cuối cùng Thái-úy Khâm-Thiên vương lại khuyên ngài nên bỏ nước, trốn sang bên Tống...Nên ngài có đôi chút hoảng hốt. Cũng may, sau đó, có lời cương quyết của Thái-sư Trần Thủ-Độ, rồi thái độ bình tĩnh, tự tin của Hưng-Đạo vương. Ngài đã lấy lại được phong độ bình thường.

Ngày 20 tháng Chạp, năm Đinh Tỵ nhằm niên hiệu Nguyên-Phong thứ bẩy đời vua Thái-tông nhà Trần (25 tháng 1 năm 1258).

Nguyên-Phong hoàng đế ban chỉ triệu tập chư tướng về nhận lệnh. Các tướng tề tựu đầy đủ trên một soái thuyền của hạm đội Âu-Cơ.

Trấn-vũ thượng tướng quân, Khai-sơn hầu Chu Mạnh-Nhu, quản Khu-mật viện trình bầy tình hình:

« Trước hết là tình hình dân chúng. Sau vụ quân Mông-cổ tàn sát dân Thăng-long, dân chúng ngút lửa căm hờn, chỉ mong đến ngày triều đình ban chỉ phản công giết giặc trả thù nhà.

Dân chúng các xã vẫn làm ăn bình thường. Riêng hệ thống thương mại thì hoàn toàn bị tê liệt. Bọn Hoa-kiều sống lẻ tẻ ở các phủ, huyện, trấn, hoặc làng xã, rục rịch làm tai mắt cho Mông-cổ, bị dân chúng giết sạch ».

Về tình hình quân Đại-Việt:

« Sau trận đánh ở cánh đồng Văn, ba hiệu binh Thiên-thuộc, Thiên-cương, Chương-thánh bị tổn thất đến bẩy phần mười. Trong lúc này không thể bổ xung được. Hưng-Đạo vương đã ra lệnh rút về Thiên-trường từ từ bổ xung. Sau trận đánh Bình-lệ nguyên, hiệu binh Yên-bang tuy có thiệt hại nhưng không đáng kể, tinh thần lên rất cao. Hiệu-binh Tiên-yên trấn Cụ-bản coi như không thiệt hại gì. Binh, tướng cùng hăm hở chờ ngày đánh giặc. Riêng hiệu binh Yên-phu, sau khi thất thủ Phù-lỗ, bị thiệt hại một nửa, đã bổ xung. Vừa rồi trấn ở xã Quai-mễ, giao chiến với Mông-cổ, thắng một trận lớn. Hùng khí lại hưng thịnh như trước.

Ngoài ra, các hiệu binh khác đang chờ lệnh đánh giặc ».

Đến đây, hầu ngừng lại, rồi cung cung, kính kính hướng các tôn sư võ học Đại-Việt. Chưởng-môn phái Tản-viên là Đặng Kiếm-Anh đứng dậy:

- Khi nghị kế, Hưng-Đạo vương có nhã ý trao cho các gia, các phái giữ nhiệm vụ ẩn vào dân chúng, đột nhập trại giặc để biết tin tức. Hầu hết chúng tôi bắt giết binh giặc, lấy y phục mặc vào, rồi khi thì nấp ngoài lều bọn chúa tướng. Khi thì đột nhập lều trại, đọc trộm các văn kiện. Vì tôi lớn tuổi nhất, nên các tôn sư đã chỉ định tôi làm thủ lĩnh. Chúng tôi chia vùng hoạt động. Trước hết là Lĩnh-Nam tam đại thần kiếm Vô-Sắc, Vô-Ảnh, Vô-Huyền phụ trách mặt trận từ biên giới tới Bình-lệ nguyên. Ba vị đã xuất trận cứu giá, đánh lùi bọn A Truật, Hoài Đô, An Tan, Triệt Triệt Đô. Sau đó các ngài với chư đệ tử phái Mê-linh vẫn theo dõi tình hình địch tại vùng này. Xin để Vô-Sắc sư thái trình bầy.

Vô-Sắc sư thái đứng dậy chào cử tọa:

- Tình hình giặc tại vùng biên giới không có gì đặc biệt. Vũ-Uy vương ém ba hiệu binh Tiền, Tả, Hữu thánh dực tản vào các xã. Hiệu Tiền Thánh-dực do Trấn-biên tướng quân Trần Quới, cùng An-phủ sứ Quy-hóa Hà Khuất chia quân sống với dân. Hiệu Tả Thánh-dực do Phì-đức tướng quân Bùi Hoán ém quân dọc đường từ Quy-hóa đến Thảo-lâm. Còn Văn-mẫn tướng quân Hoàng Vui thì trấn ở ngã ba sông Bạch-hạc. Ba tướng này rất kỷ luật, trị quân cực nghiêm. Dù giặc thế nào cũng không đánh chúng. Thành ra giặc cho rằng ta không có quân tại vùng này. Mông-cổ để lại một Thiên-phu Lôi-kỵ, hằng ngày rong ruổi tuần tiễu từ biên giới tới Bình-lệ nguyên, bảo vệ con đường tiếp tế lương thảo. Đôi khi chúng thử tấn công vào một xã, thì gặp sức chống trả mãnh liệt, nên chúng bỏ cuộc. Vì Vũ-Uy vương nghiêm lệnh không cho đánh chúng, nên chúng cũng không tấn công các xã. Khi có lệnh, bất cứ lúc nào vương cũng có thể khiêu khích cho chúng đánh vào một xã, để dùng địa thế, Ngưu-binh tiêu diệt chúng, chặn đường tiếp tế lương thảo, cũng như tuyệt đường rút quân. Trong trận này chúng tôi sẽ xuất hiện giết tên Thiên-phu trưởng, cùng tất cả Bách-phu trưởng, gây hỗn loạn hàng ngũ giặc.

Chu Mạnh-Nhu cung cung, kính kính hướng Tuyên-minh thái hoàng thái hậu:

- Thần lớn mật dám xin bệ hạ...

Tuyên-minh Thái-hoàng thái hậu cũng đứng dậy:

- Già này cùng Hưng-Nhân vương phi, Kiến-quốc vương phi phụ trách từ Bình-lệ nguyên tới Phù-lỗ. Trong trận Cụ-bản chúng tôi giết chết hai tướng Mông-cổ là Triệt Triệt Đô và A Tan. Hiện giặc có hai Thiên-phu Lôi-kỵ, ba Thiên-phu Trung-quốc trấn thủ Cụ-bản, Phù-lỗ, ngày ngày tuần phòng bảo vệ đường tiếp tế lương thảo. Tất cả lương thảo của giặc đã chuyển từ biên giới về Cụ-bản. Vùng này, hiện nay ta không có bộ binh, mà chỉ có Kỵ-binh, Ngưu-binh. Tất cả do Vũ-kỵ thượng tướng quân Lý Tùng-Bách, Đại-đởm thượng tướng quân Nguyễn Thiên-Sanh trấn nhậm. Nếu như tăng viện cho hai viên tướng này một hay hai hiệu binh, họ có thể đánh chiếm kho lương Cụ-bản thì toàn quân Mông-cổ sẽ bị chết đói.

Hưng-Đạo vương hỏi Nhân-Huệ vương Trần Khánh-Dư:

- Vương hiện có ba hiệu binh Trung Thánh-dực, Thần-sách, Củng-thần. Vương có thể tăng viện một hiệu binh trấn nhậm, yểm trợ cho 41 xã từ Nam Thăng-long đến Thiên-trường không?

- Được! Nhưng!

- Nhưng gì?!?!?!

- Nay Thăng-long đã vào tay giặc rồi, dân chúng hoang mang. Tất cả 41 xã này, trước đây do Nguyên-tổ (Trần Lý) quy dân tạo ra; vì vậy có hệ thống tổ chức cực kỳ tinh vi. Tuy nhiên nếu tôi chỉ viện cho họ có một hiệu binh, thì phải trải rất rộng. Lỡ ra, giặc dồn toàn lực, cố đánh về Thiên-trường, tàn phá lăng tẩm, thì tôi không thể giữ nổi.

- Trường hợp này, vương có thể cầm cự được bao nhiêu lâu?

- Khoảng ba tháng.

- Tôi chỉ cần một tháng cũng đủ rồi. Vậy Thái-bảo Lê Phụ-Trần, dùng thủy quân chở ba hiệu binh Tiên-yên, Yên-bang, Yên-phụ về Tây-kết, chờ lệnh.

Lê Phụ-Trần nhận lệnh.

Chu Mạnh-Nhu hướng đại hiệp Lê Ngân-Sơn, chưởng môn phái Sài-sơn. Lê Ngân-Sơn đứng dậy:

- Trong quốc kế, Hưng-Đạo vương trao cho bốn chúng tôi, gồm bào đệ Lê Kim-Sơn, đại sư Tiêu-Dao, Đại-sư Lung-Á phái Yên-tử, đại sư Y-Sơn phái Tiêu-sơn suất lĩnh đệ tử phụ trách vùng Thăng-long. Vì bọn Thát-đát giết hết dân chúng, nên chư đệ tử không có nơi ẩn thân thu nhặt tin tức. Cho nên đích thân chúng tôi phải hành sự. Sau đây là những tin quan trọng nhất.

Cử tọa im lặng nghe Lê Ngân-Sơn trình bầy:

- Về tướng sĩ, chúng mất hai đại tướng là A Tan, Triệt Triệt Đô. Trong 5 Vạn-phu trưởng thì một bị Vô-Huyền bồ tát giết ở Bình-lệ nguyên. Một bị chết trong lúc đánh Cụ-bản. Trong 50 Thiên-phu trưởng, bị chết, bị bắt mất 20. Trong 500 Bách-phu trưởng, bị giết, bị bắt 72. Lực-lượng Lôi-kỵ có 5 vạn, quân Đại-lý, quân Trung-quốc 5 vạn. Lao binh 10 vạn. Sau các trận đánh lẻ tẻ, Lôi-kỵ còn 4 vạn rưỡi, quân Đại-lý, Trung-quốc còn 4 vạn, Lao binh còn 8 vạn. Còn bọn du thủ, du thực Hoa-kiều, người Việt khoảng một vạn, nhưng ô hợp, không đáng kể. Tổng cộng chúng có 17 vạn. Hiện đại quân đóng dài trong vùng Thăng-long, Gia-lâm, Sơn-Tây.

Đến đây ông đưa mắt nhìn chưởng môn phái Tản-viên là Đặng Kiếm-Anh:

- Trong anh em chúng tôi, thì tôi với bào đệ giết được mấy Lao-binh, rồi lột y phục mặc vào, đột nhập khu vực của tên quan coi về lương thực, tiếp vận. Chúng tôi biết rất rõ tình hình lương thực. Bọn Mông-cổ không ăn cơm, cũng chẳng ăn rau. Chúng chỉ ăn thịt. Bọn binh Đại-lý, Trung-quốc, chúng ăn thịt, ăn cá, rau, đậu, cơm, bánh bao như chúng ta. Hốt Tất Liệt cũng như Ngột-lương Hợp-thai lấy kinh nghiệm những lần chinh tiễu Tây-vực, Kim, Liêu, Hạ, Tống, khi họ chiếm được một huyện lỵ, lập tức thiết lập hệ thống cai trị bù nhìn. Bọn bù nhìn có bổn phận bắt dân nộp lương thực. Vì vậy họ chỉ lo lương thực trong những ngày đi đường, ngày đầu tiên. Sau đó sẽ được cung đốn. Để chuẩn bị cuộc Nam chinh, họ chuẩn bị số lương thực cho 20 ngày. Vì họ nghĩ, sau 15 ngày, họ đã làm chủ đất nước ta rồi, thì lương thực dư thừa.

Thái-sư Trần Thủ-Độ tính nhẩm, rồi nói:

- Ngày đầu tiên chúng nhập biên là 5 tháng chạp. Hôm nay là ngày 20, như vậy lương thực của chúng hết rồi sao?

- Không! Vẫn còn khoảng ba ngày nữa.

Đặng Kiếm-Anh khẳng định: Trong các cuộc giao tranh lẻ tẻ từ hôm ấy đến giờ, số chiến mã chết đến mấy nghìn. Chúng không chôn ngựa, mà dùng xác chiến mã làm lương thực. Khi vào Thăng-long, nhờ bọn Hoa-kiều, bọn du thủ du thực, chúng cướp được khá nhiều gia súc, lúa, gạo. Nhưng bây giờ Thăng-long không còn dân, mà có còn dân cũng không còn lương thực cho chúng cướp. Ngay nguồn lương thực trong các cửa hàng Hoa-kiều đã cạn. Chúng muốn cướp, thì không biết biết cướp ở đâu? Vì các xã đều đóng cửa chống giặc! Chúng muốn cướp thì phải đánh các xã. Mà các xã thì đều biến thành Cụ-bản, Phù-lỗ cả. Ngột-lương Hợp-thai đã xin tiếp viện từ Quảng-Tây, Đại-lý. Có lẽ đoàn tiếp tế sắp nhập biên.

Đến đây Đặng Kiếm-Anh ngừng lại, ông đưa mắt cho Tiêu-Dao đại sư. Đại-sư mỉm cười:

- Bần tăng cùng mấy đệ tử dò xét tình hình ở lều bọn quan quân y. Binh sĩ, chiến mã của họ hầu hết bị bệnh. Sau khi nhập biên ba ngày thì binh sĩ gốc Mông-cổ, cũng như chiến mã bắt đầu đau ốm. Đa số bị tiêu chảy, đau bụng, sốt rét, cảm mạo. Cơ chừng này chỉ mươi ngày nữa thì họ sẽ chết hết.

Thái-sư Trần Thủ-Độ chỉ Trần Tử-An và đám võ sĩ của ông:

- Quân Mông-cổ, cũng như chiến mã sống trong vùng Thảo-nguyên, quanh năm khí hậu lạnh cắt da, xé thịt. Những vùng này không có muỗi, ruồi, không có rầy, thiêu thân. Bây giờ vào Đại-Việt, người, ngựa bị muỗi đốt, thì sau ba ngày bị sốt rét ngã nước. Lại nữa, khí hậu của ta là khí hậu thấp nhiệt, độc khí bàng bạc khắp trời.

Ông chỉ vào Tử-An. Tử-An tiếp lời:

- Nước uống của mình quá độc. Cỏ càng độc hơn. Hơn trăm võ sĩ, chiến mã của tôi về đây đươc nửa tháng thì bị bệnh hết. Tôi nghĩ, tình thế này, ta phản công được rồi.

Ghi chú của thuật giả.

Hồi niên thiếu, đọc sử Trung-quốc, sử Việt, mỗi khi nói đến quân Trung-quốc, Mông-cổ, Mãn-thanh đánh Đại-Việt, bị nhiễm bệnh, tôi không mấy quan tâm. Nhưng đến nay, sau gần 30 năm hành nghề thầy thuốc ở châu Âu, tôi mới thấy vấn đề này quan trọng. Các thân chủ của tôi, dù da trắng hay gốc là da vàng, khi du lịch Việt-Nam tôi đều bắt chích thuốc ngừa: Dịch-tả, Siêu vi gan A+B, Cúm, uống thuốc phòng sốt rét. Ấy vậy, mà đến một phần ba vẫn bị đau bụng, tiêu chảy. Còn những vị tự cho rằng ta có mình đồng, da sắt ; bướng bỉnh, không chịu chủng, không chịu uống thuốc phòng ngừa, thì khỏi nói. Nào Tào Tháo đuổi chạy có cờ, sốt rét ngã nước, mang bệnh về Pháp, đi nằm nhà thương.

Hỏi với đội quân Mông-cổ, cũng từ vùng khí hậu lạnh như châu Âu, rồi tới Việt-Nam, mà uống nước múc dưới sông, từ ao, hồ, giếng. Ăn rau đậu tưới bằng phân người, phân thú...Vi trùng nhung nhúc thì chịu sao thấu? Nhất là chứng sốt rét ngã nước!

Nguyên-Phong hoàng đế cùng chư tướng đưa mắt nhìn Hưng-Đạo vương. Vương cầm kiếm lệnh để lên trước án thư:

- Bây giờ là lúc chúng ta đuổi giặc. Giặc có ba mối nguy. Một là quân, ngựa bị bệnh. Hai là tiến đánh các xã khó khăn. Ba là lương thực đã cạn. Vậy chúng ta phải làm gì?

Cử tọa có hơn trăm người, mà không một tiếng động.

- Trước hết, tất cả các chúa tướng xung quanh vùng đóng quân của giặc phải giữ vững các xã, không cho giặc vào cướp lương thảo. Ngăn chặn bắt giết bọn Hoa-kiều vào các xã thu mua lương thực.

Chư tướng cùng đưa mắt nhìn Khâm-Thiên đại vương, vì vùng trấn nhậm của vương có nhiều xã tiếp cận với giặc nhất. Vương thẹn thùng cúi xuống không nói gì.

Hưng-Đạo vương nói bằng giọng cương quyết, ngắn và gọn:

- Ngay đêm nay, phải dồn toàn lực, cắt các nguồn lương thực của giặc. Dù nguy nan mấy cũng phải hoàn thành. Dù tổn thất mấy cũng phải đạt được chiến thắng. Xin mời Vũ-Uy vương cùng chư tướng nhận lệnh!

Vũ-Uy vương, Trấn-biên thượng tướng quân Trần Quới, Phì-đức thượng tướng quân Bùi Hoán, Văn-mẫn thượng tướng quân Hoàng Vui cùng đứng dậy.

- Các vị phải đánh tiêu diệt bọn quân Mông-cổ đang trấn nhậm từ biên giới tới Thảo-lâm. Dùng chướng ngại vật ngăn chặn không cho tiếp tế lương thảo từ Đại-lý sang. Nếu như đại quân Mông-cổ từ Vân-Nam nhập biên cứu viện, thì phải chặn cho bằng được.

Vũ-Uy vương tỏ ý lo ngại:

- Thưa Tiết-chế! Hồi giặc nhập biên, đệ được Lĩnh-Nam tam đại thần kiếm đứng sau lưng, nên không sợ bọn cao thủ của Mông-cổ. Từ hồi đó đến giờ, các cao thủ của giặc ở đâu? Hành trạng thế nào, ta không rõ. Nếu như bây giờ trong trận đánh sinh tử này, cao thủ giặc xuất hiện, sát hại các tướng của ta, thì nguy tai. Vậy xin vương huynh viện cho mấy cao thủ.

- Vương yên tâm! Tôi đã dư trù việc này rồi.

Vũ-Uy vương vui vẻ:

- Xin tuân lệnh.

Hưng-Đạo vương lại hướng vào cử tọa:

- Mời Thái-bảo Lê Phụ-Trần cùng chư tướng nhận lệnh.

Thái-bảo Lê Phụ-Trần, Chinh-viễn thượng tướng quân Trần Biên, Trung-lược thượng tướng quân Nguyễn Thời, Dũng-lược thượng tướng quân Nguyễn Tha đứng dậy.

- Thái-bảo tái chiếm Bình-lệ-nguyên, ngã ba sông Bạch-hạc. Đề phòng trường hợp giặc từ Đại-lý tràn sang mạnh quá, Vũ-Uy vương không ngăn nổi. Thái-bảo phải ngăn không cho chúng tiến về Thăng-long. Về việc phòng cao thủ giặc, tôi đã có kế vạn toàn rồi.

- Xin tuân lệnh.

- Xin mời Đại-đởm thượng tướng quân cùng chư tướng nhận lệnh.

Nguyễn Thiên-Sanh cùng Vân-ma thượng tướng quân Lê Phẩm, Chinh-thảo thượng tướng quân Nguyễn Bích, Trấn Tây thượng tướng quân Phạm Long đứng dậy chờ đợi.

- Bằng mọi giá, bốn vị tướng quân phải chiếm kho lương Cụ-bản. Không cướp được thì cũng phảo đốt sạch. Tướng quân có cần viện thêm quân không?

- Thưa vương gia không. Tại Cụ-bản hiện giặc có ba Thiên-phu Lôi-kị, một Vạn-phu quân Trung-quốc, Đại-lý. Chúng thủ ở trong. Nếu như tiểu tướng muốn đánh vào, thì phải có 13 vạn quân. Quân số đó lấy đâu ra? Vì vậy chỉ có cách đánh cảm tử. Đánh cảm tử thì không cần quân số đông. Chỉ với Đại-đởm thập tam kiệt, đội võ sĩ của Đô-thống Trần Minh, 5 Vệ Ngưu-binh của bọn Cái Lan, Cái Huệ, Cái Hồng Cái Sen, Cái Tiên, thêm hiệu binh Tiên-yên cũng đủ.

Câu trả lời của Nguyễn Thiên-Sanh tuy ngắn ngủi nhưng cử tọa đều cảm thấy ớn lạnh, vì biết trận chiến sẽ diễn ra khủng khiếp vô cùng.

- Mời Vũ-kỵ thượng tướng quân nhận lệnh.

Lý Tùng-Bách cùng Phá-lỗ thượng tướng quân Trần Trữ, Hoài-hóa thượng tướng quân Trương Đình đứng dậy.

- Ba vị giữ nhiệm vụ sinh tử là: Tái chiếm Phù-lỗ chớp nhoáng, trấn tại đây. Giặc thiếu lương, bị đánh tại Thăng-long sẽ rút lui theo đường cũ về qua Phù-lỗ. Phù-lỗ bị chặn, bằng mọi giá chúng phải mở đường máu thoát thân. Tướng quân đợi cho chúng chạy qua, rồi đổ ra diệt cánh hậu quân của chúng. Dùng Kỵ-binh đuổi theo, không cho chúng nghỉ ngơi.

- Xin tuân lệnh.

Hưng-Đạo vương vẫy tay:

- Đêm nay, giờ Tý, tất cả cùng khởi công.

Đợi chư tướng lên đường rồi, Hưng-Đạo vương mới nói với các đại tôn sư võ học:

- Hiện trong quân Mông-cổ có khoảng trên nghìn võ sĩ. Các võ sĩ này hầu hết là người Hán. Vì lý do này, lý do nọ, họ phải theo Mông-cổ. Từ lúc nhập Việt, Ngột-lương Hợp-thai mới chỉ dùng có 3 trăm người dự trận Bình-lệ nguyên. Còn lại y ém rất kỹ. Ý đồ của y đã rõ: Y đợi trong trận đánh lớn mới tung ra, giống như Quách Quỳ đánh trận Như-nguyệt. Vậy không biết các vị nghĩ sao?

Vô-Sắc sư thái chỉ Tiêu-Dao đại sư:

- Vô-Huyền sư muội đã có kế giải quyết vụ này rồi. Bần ni xin để đại sư tâu lên hoàng thượng cùng vương gia.

Tiêu-Dao đại sư nói:

- Thưa vương gia! Bần tăng tuy vào chốn không môn, tứ đại giai không, nhưng bần tăng vẫn không quên được gốc là người Hán. Ngày một, ngày ha, trong trận lớn, Mông-cổ tung hết võ sĩ Hán, đánh với võ sĩ Đại-Việt, thì thiệt hại cả hai bên đều lớn vô cùng. Bần tăng trộm nghĩ, nếu như vương gia cho phép, thì bần tăng sẽ tìm cách nào đó để đưa đám võ sĩ Hán trở về với Tống, hoặc ít ra, họ bỏ Mông-cổ, không biết ý vương gia thế nào?

- Bạch đại sư.

Hưng-Đạo vương khẩn khoản: Mông-cổ xâm lấn Đại-Việt, chỉ với mục đích là đánh sau lưng Tống. Đại-Việt chống Mông-cổ vì mình cũng có, vì Tống cũng có. Các võ sĩ Hán đều là thần tử Tống triều, nếu không giúp Đại-Việt, thì cũng đứng ngoài cuộc chiến. Có đâu họ lại theo Mông-cổ? Nay nếu đại sư làm được công việc trên, thì thực là đại từ, đại bi. Nhưng thưa đại sư, làm thế nào để được như vậy?

- Khải vương gia, Vô-Huyền bồ tát đã ban chỉ dụ cho bần tăng cùng Lĩnh-Nam tam đại thần kiếm, âm thầm đột nhập doanh trại Mông-cổ, gặp hai đại tôn sư võ lâm Trung-quốc là Phùng Tập và Tiêu-Hư tử để nghị về việc này. Cuối cùng hai bên đã tìm ra được cách giải quyết.

Nói đến đây, đại sư tâu trình bằng âm thanh nhỏ như tơ, chỉ vừa lọt vào tai Nguyên-Phong hoàng đế và Hưng-Đạo vương. Cả ba vị cùng gật đầu, tỏ vẻ hân hoan vô cùng.

Đợi các tôn sư võ học đi rồi, Hưng-Đạo vương nói nhỏ với Thái-sư Trần Thủ-Độ. Không biết hai đại anh hùng của dân Việt nói với nhau những gì, mà khi thì hai vị tủm tỉm cười, khi thì hai vị gật đầu, tỏ ra thú vị.


Stickman AFK: Liên Minh Bóng Đêm

Hồi (1-50)


<