Truyện Tiên Hiệp

Truyện:Đại Đường tiểu lang trung - Hồi 088

Đại Đường tiểu lang trung
Trọn bộ 397 hồi
Hồi 088: Tân dược cứu người
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-397)

– Cái đó thì trước kia ta cũng nghĩ vậy, nếu không đã chẳng nhắc tới chuyện này với hai người, đúng không? Nếu khi đó hai người đồng ý, 100 lượng bạc trắng phau phau đã đưa tới, kiệu hoa lộng lẫy đàng hoàng rước về nhà. Hiện giờ, chuyện này xảy ra, ài, lời hai người lừa người ngoài thôi, chân tướng thế nào lão phu chưa ngu dại tới mức không hiểu. Chu mỗ này không sợ nữ tử cương liệt, chỉ sợ loại phóng đãng lẳng lơ, lão phu già rồi, không thỏa mãn nổi nữa, chẳng biết một lúc sơ xảy bị chụp cho nón xanh lên đầu, lúc đó không riêng gì thể diện lão phu mất hết, chuyện làm ăn của tửu lâu cũng gặp khó khăn. Tửu lâu mà, rượu là gan anh hùng, đám người đó rượu vào, dám làm nhiều chuyện lắm, Tam nha đầu lại đa tình lãng mạn như vậy ...

Chu chưởng quầy giơ tay ngăn cản phu thê Tang gia định giải thích:

– Khỏi nói, thừa lời vô nghĩa, đừng tưởng thiên hạ mù mắt hết, họ không nói ra trước mặt thôi, theo lão phu thấy, thanh danh Tam nha dầu giờ thối hoắc rồi, ra đường cứ mười người sẽ có tám ở sau nói này nói nọ, lão phu nạp nữ nhân như thế vào phòng, không phải người ta cười cho rụng răng à?

Phu thê Tang gia mặt cứng đờ, chuyện không người ta còn có thể nói có nữa là chuyện có, thiên hạ không thiếu kẻ độc mồm, bây giờ phải làm sao?

Chu chưởng quầy liếc mắt nhìn hai người họ, nhạt giọng cười mỉa:

– Giờ đừng nói sính lễ nữa, Tam nha đầu như vậy, cho dù bỏ tiền ra để gả đi, chưa chắc có ai dám rước về.

Tang mẫu kéo áo Tang phụ:

– Thôi thì đổi chỗ khác, gả xa xa một chút cũng không sao, còn không ít người tới làm mai mà.

Kỳ thực Chu chưởng quầy mê mệt Tiểu Muội mấy năm nay rồi, tiểu nha đầu năm nào đòi còi cọc tóc lưa thưa vậy mà chẳng biết từ lúc nào trổ mã phổng phao, càng lớn càng khiến người ta nhìn chảy nước rãi. Nếu không ông ta có cái tửu lâu lớn nhất nhìn huyện, việc gì phải tới quán trà rách này uống trà, ông ta đâu có biến thái như Chúc Dược Quỹ, năm xưa khổ đủ rồi, ông ta phải hưởng thụ bù lại.

Chỉ có điều phu thê Tang gia quá tham lam, định giá Tiểu Muội quá cao, cho nên Chu chưởng quầy tới giờ vẫn chỉ có thể nhìn Tiểu Muội mà nuốt nước bọt. Hiện đã có cơ hội ép giá, ông ta tuy nóng ruột lắm, nhưng không thể hiện ra ngoài, xảy ra chuyện như vậy, Tang gia thế nào cũng vội vàng tìm cách gả nữ nhi đi, quả nhiên là thế.

Mấy lời trước đó ông ta nói chẳng phải hoàn toàn là giả, ông ta chú ý Tiểu Muội từ lâu, tất nhiên biết nàng và tên tiểu lang trung kia có điều bất thường, vì thế Tả Thiếu Dương tới, ông ta mới hay nói lời khó nghe như vậy. Ông ta còn không rõ tính cách Tang Tiểu Muội sao, lãng mạn đa tình song nàng tuyệt đối không phải nữ nhân phóng túng, cưới về yên tâm mười phần, hơn nữa chinh phục nữ nhân có nam nhân khác trong lòng càng là kích thích, tưởng tượng bộ dạng yêu kiều động lòng người của Tang Tiểu Muội khi nằm trên giường, nước mắt ngắn dài tưởng nhớ tình lang vẫn phải để ông ta mặc sức tung hoành tàn phá, nghĩ đã thấy máu huyết sục sôi.

Ông ta tuy gấp, nhưng tin rằng phu thê Tang gia còn gấp hơn, gả đi xa? Được mấy đồng? Phu thê hám của này sao cam tâm gả rẻ nữ nhi như hoa ngọc như thế, mấy năm qua còn giữ trong nhà không phải đợi giá cao sao? Nói tên tiểu lang trung kia càng không lo, cái nhà đó, lo miệng ăn là giỏi rồi, tiền đâu ra trả sính lễ, có đánh chết phu thê này này cũng không chịu.

Chỉ cần đủ kiên nhẫn, Tiểu Muội sẽ là của ông ta, mà nói về kiên nhẫn, ông ta có thừa.

– Được rồi, ai bảo ta và Tang lão hán là huynh đệ nhiều năm, Tam nha đầu không khác gì con cháu lão phu, sao nỡ nhìn nó đi xa chịu khổ, cái Hợp Châu này trừ huyện Thạch Kính còn khá một chút, chỗ khác không phải nơi người sống nữa rồi. Lão phu mạo hiểm một phen, lời người đời mà, coi như rắm là được, gió thổi một cái là tan, sau này Tam nha đầu ra vào để ngồi kiệu là xong. Lão phu sảng khoái một chút, không tính chuyện này nữa, 50 lượng, không được thì thôi.

Chu chưởng quầy phủi áo đứng dậy:

– 50 lượng không phải con số nhỏ đâu, mang ra đường mua được cả đống nha đầu xinh tươi đấy. Ha ha, các người thấy rồi, trên phố cô nhi quả mẫu tha hương cầu thực vô vàn, nha đầu tuổi hoa hơ hớ thấy khắp nơi, đều đói điên cả rồi, đừng nói bạc trắng, cho cái bánh bao là theo ngay, hai cái bánh là được cả mẹ lẫn con!Muốn hưởng thụ thế nào tùy ý ... Nói thế thôi, được thì nói một tiếng, không coi như lão chu chưa hề nói.

Dứt lời bỏ đi luôn.

Nhìn Chu chưởng quầy vào hậu viện rồi, Tang mẫu mặt tím tái như gan lợn:

– Đắc ý gì chứ, chỉ là tên chèo thuyền dựa vào lừa gạt dụ dỗ người ta mà phất lên thôi, hạ thấp Tiểu Muội nhà này, định ép gia à? Hừ, đừng tưởng lão nương không biết ngươi sáng sáng mò tới đây làm cái gì, chẳng phải nhìn trộm Tam nha đầu nhà ta sao, còn lấy thân phận chưởng bối thi thoảng mua quà cho Tiểu Muội, muốn đi đường vòng chinh phục nha đầu nhà này trước hòng bớt tiền sính lễ, phì, không nhìn lại cái mặt lợn bản thân đi, ít ra tiểu lang trung kia còn tuấn tú lỗi lạc. Tiểu Muội nhà này không thèm nhìn lão già ngươi một cái nào nên ngứa ngáy lắm phải không? 50 lượng? Mua nha đầu, mua đi, đi mua đi, khuê nữ cắm cỏ bán thân khắp đường đấy, sao không mang bánh bao ra dụ về nhà làm tiểu thiếp hết đi. Phì ...

Tang phụ ưu tư, ông ta khôn khéo nhưng không phải người quyết đoán, lo trước lo sau:

– Có điều gần đây làm ăn khó khăn, Kim Ngọc tửu lâu cũng không được như xưa, chỉ sợ ...

Tang mẫu lại khác, trí khôn không đủ, dứt khoát có thừa:

– Sợ gì, Kim Ngọc tửu to như thế, 100 lượng như cái lông trâu thôi, ông ta trả được, không thể nhường nhịn. Lão nương nói trước ở đây, 100 lượng, tối đa bớt năm lượng, nhiều hơn lão nương không chịu.

Tang phụ gật gù, ông ta cũng không phải không hiểu Chu chưởng quầy, nghĩ tới một chuyện, thở dài:

– Lần trước gặp Khúc chưởng quầy, nghe ngóng chuyện ông ta vay tiền, ông ta hỏi ta có bao nhiêu, ta không dám nói nhiều, chỉ nói có 50 lượng, ông ta cười không nhắc tới nữa. Đúng là người ta chỉ nhận vay 100 lượng, chuyện này cũng cần gấp, nếu không trơ mắt nhìn tiền biến thành bọt nước thôi.

– Đúng vậy, nhưng mà nóng ruột chỉ thiệt thòi thôi, kệ lão họ Chu đó, mặc cho ông ta đến uống trà hóng gió thêm vài ngày đi. Thuận tiện thời gian này nhờ người làm mai xem kiếm ai thích hợp hơn không, có người tới dạm hỏi giá mới đẩy lên được.

Tang mẫu dương dương đắc ý nói:

– Lão Chu chỉ mạnh miệng thôi, cái tai mềm lắm, lão nương mài thành bún luôn.

Tiền sảnh quán trà.

Lão phụ trước đó muốn nhờ Tả Quý khám bệnh họ Đổng, Đổng thị nhìn cha con Tả Quý không vui vẻ rời đi, cũng ngại đuổi theo bảo người ta khám bệnh miễn phí. Bà ta là khách quen của quán trà Thanh Hương, gần như ngày nào cũng tới, nhi tử bà ta làm việc ở phủ quan, bận tối mặt, nhi tức phụ cực kỳ hiếu thuận, mỗi ngày cho bà ta 3 đồng đi uống trà, sáng đi trưa về. Uống trà 2 đồng, còn lại một đồng đủ tiêu vặt vãnh, nhưng không đủ tiền khám bệnh, cho nên không đi nữa.

Đổng thị thong thả uống trà, cùng mấy lão phụ bàn tán chuyện nhà này nhà kia, hôm nay xung quanh đều bàn tán chuyện hôm qua Tang nha đầu đem tiền cấp cứu cho Tả gia, nhiều người ngi ngờ lắm, Tang phụ còn tạm đi, ít nhiều còn nói tiếng người, trước mặt người khác luôn khéo léo, còn Tang mẫu thực sự là xuẩn phụ lại luôn cho mình là tinh minh tài giỏi, sáng giờ thấp thoáng nghe bà ta chửi Tang gia nha đầu đủ biết chuyện kia chỉ đáng tin ba phần.

Có điều Tang Tiểu Muội là cô nương ngoan ngoãn, đáng yêu, rất được lòng người, bọn họ cũng không muốn lan truyền chuyện xấu đi làm hỏng danh tiết của nàng, tiểu lang trung tuấn tú thật thà, cũng xứng đôi lắm, hình như còn có ý với nhau, đây là chuyện nhiều người biết, đương nhiên là bà mai họ Vương kia nói.

*****

Mấy loại chuyện nam nữ cưới gả đáng lẽ Đổng thị thích nghe nhất, hôm nay bà lại chú ý tới mấy người khách bàn tán về y thuật của Tả lang trung hơn, hình như gần đây liên tiếp trị được mấy ca nguy cấp mà người ta không cứu được, hoặc không muốn cứu, tất cả là nhờ phương thuốc bí truyền gì đó nên tiếng tăm lên cao. Vì bà ta có bệnh, bệnh lâu rồi, uống không ít thuốc mà không khỏi, nghe ngóng ở đâu có lang trung giỏi là đi xem. Lần này vốn có thể xem bệnh miễn phí, không ngờ bà nương kia nói lời khó nghe làm Tả lang trung không cao hứng đi mất rồi.

Đến trưa Đổng thị tạm biệt đám lão phụ thiếu phụ về nhà.

Qua Tết thời tiết có khá hơn phần nào, tuyết đóng trên đường đang tan, những cột băng ở mái hiên đang tí tách nhỏ từng giọt nước xuống đất, đống người tuyết lớn nhỏ mà bọn trẻ con đắp lên cũng chảy ra, không còn ra hình dạng gì, bùn tuyết trộn lẫn, trắng đen loang lổ, trông mà khiến người ta buồn nôn.

Về tới nhà, Đổng thị cảm thấy khớp gối đau hơn trước kia nhiều lắm, cử động cũng khó khăn. Bệnh này lâu năm rồi, gió lạnh nổi lên là bắt đầu chịu tội, rảnh rỗi ngồi nhà sống không bằng chết, có ra ngoài trò chuyện mới nguôi ngoai ít nhiều.

Khó khăn lắm mới bước qua được ngưỡng cửa, tiểu tôn tử chạy ra, tay còn cầm nửa cái bánh lúa mạch:

– Nãi nãi đã về.

Đổng thị vịn khung cửa, cười yên thương:

– Mặt đất có băng, cháu đừng chạy loạn coi chừng ngã đấy.

– Không ngã đâu ạ, nãi nãi, cháu đi chơi đây, Tiểu Cẩu đang đợi cháu.

Tiểu tôn tử cắn một miếng bánh nữa, còn miếng nhỏ đại khái trời lạnh làm đông cứng khó ăn, nên nó thuận tay ném luôn vào góc tường, nhảy tưng tưng ra ngoài.

– Ài, cái thằng bé này, sao ném bánh đi, đó là đồ ăn, lãng phí lương thực sẽ bị sét đánh đấy ....

Nhưng đứa bé chạy xa rồi, Đổng thị lầm bẩm thêm vài câu, gian nan đi tới bên tường, dùng tay chống đầu gối, từ từ khom lưng nhặt miếng bánh lên.

Đột nhiên Đổng thị thấy eo đau buốt, kêu lên một tiếng, gối nhũn ra, ngã oạch xuống đất.

Nhi tức phụ đang phơi y phục ở sân sau, nghe thấy ngoài có tiếng kêu, hốt hoảng vứt cả chậu quần áo đi, chạy ra thấy Đổng thị ngã trên mặt đất, người cuộn lại, không ngừng rên la, hốt hoảng ngồi xuống ôm lấy:

– Mẹ, mẹ làm sao?

– Ta ... Ta bị trẹo lưng rồi, ôi đau .... Đau chết mất thôi.

Đổng thị trán túa mồ hôi lạnh, cắn răng kêu:

Nhi tức phụ càng hoảng, không biết phải làm gì, đặt tay dưới sườn Đổng thị, run rẩy nói:

– Để nhi tức đỡ dậy.

Đổng thị kêu thảm, cố gắng đưa tay lên ngăn cản:

– Đừng, đừng! A, đau, đau lắm, đừng đụng vào.

Nhi tức phụ buông tay ra, mếu máo nói:

– Vậy, vậy phải làm sao? Để, để con đi gọi đại thẩm bên cạnh giúp.

Nói xong chạy sang nhà bên gõ cửa, gọi mãi mới có được một lão phụ và một thiếu niên choai choai sang giúp, tốn rất nhiều công sức khiêng được Đổng thị la hét đau đớn không ngừng lên giường.

Đổng thị không nằm thẳng ra được nữa rồi, co quắp trên giường rên siết, vừa kêu đau vừa kêu lạnh. Nhi tức phụ chạy vào gian trong đem cả chăn của trượng phụ ra đặt lên người Đổng thị, bà ta vẫn kêu lạnh, nàng liền lấy cả quần áo trong tủ đắp lên.

– Mẹ, con đi gọi phu quân về nhé.

Đổng thị lắc đầu:

– Đừng, nó đang làm việc, bận lắm, đừng quấy nhiễu nó, con đi gọi lang trung tới xem bệnh là được.

– Vâng, mẹ nằm yên nhé, con đi ngay.

Nhi tức phụ vội vàng chạy đi gọi nhi tử đang chơi đánh nhau về, nói với nó tổ mẫu bị bệnh, bảo nó ở nhà trông, sau đó chạy thẳng tới Nhân Thọ đường ở gần nhà, vén rèm cửa, gọi lớn:

– Lang trung, lang trung ...

– Nương tử xem bệnh à?

Hỏa kế đi tới đón:

– Bệnh nhân hơi nhiều, phiền nương tử ngồi ở ghế đợi, tới phiên sẽ xem bệnh cho nương tử.

– Không phải ta, là bà bà ta, bà bà bị ngã trẹo lưng, nằm trên giường không đi được, có thể làm phiền lang trung tới xem cho không?

Hỏa kế vội quay sang hỏi vị lang trung đang khám bệnh:

– Diêm lang trung, ngài xem.

Lang trung đang chẩn bệnh là Diêm Lập, đồ đệ thứ hai của Tiết lang trung. Tiết lang trung có hai đồ đệ, đại đồ đệ là Thạch lang trung Thạch Tín, chính là nam tử trung niên phong lưu tuấn dật từng tới Quý Chi Đường mua phương thuốc, người thứ hai là Diêm Lập, mặt có cái nốt ruồi to như đầu ngón út ở mép, làm người ta không muốn nhìn thẳng vào mặt ông ta.

Diêm lang trung đang kê đơn, chẳng buồn ngẩng đầu lên:

– Sư phụ và sư huynh không có nhà, ta không thể ra ngoài chẩn bệnh, đưa bệnh nhân tới đây.

Nhi tức phụ cuống lên:

– Nhưng bà bà bà thiếp thân đau lắm, không ngồi lên được nữa.

– Vậy thì bảo người khiêng, trẹo lưng hả, kiếm hai người đặt lên cáng đưa tới là được rồi.

– Nhưng nam nhân ta không có nhà ... Hàng xóm chỉ có lão phụ và đứa nhỏ, không có nam nhân, ba người không khiêng được. Lang trung, xin ngài làm ơn làm phúc, nhà ta ở ngay phía sau thôi, gần lắm ...

– Vậy thì mua ít dược cao về dán tạm đi.

Nhi tức phụ giờ cố trấn tĩnh lại, đi tới bên bàn cười lấy lòng:

– Lang trung đại ca, xin huynh đó, bà bà ta đau lắm, ta lo chỉ dán thuốc không xong.

– Cái bà nương này, không thấy ta đang bận à?

Diêm lang trung bực mình ngẩng đầu lên, tuy thiếu phụ khá xinh đẹp động lòng người, song ông ta chẳng nể nang:

– Nhìn xem, người bệnh đầy nhà thế này, ta đi thì ai khám bệnh, ngươi à?

Nhi tức phụ run run, nhìn gần chục người bệnh quanh đó, đa phần nhìn nàng với ánh mắt thiếu thiện cảm, có người thương hại, xong không nói gì cả, bản thân đang bệnh tật, giúp được ai.

Thấy lang trung nổi giận rồi, nhi tức phụ không dám nói thêm, vừa gạt nước mắt vừa lủi thủi bước sang một bên, không biết làm thế nào.

Lúc này này một chiếc xe ngựa dừng lại ở cửa, tiểu dược đồng ngồi càng xe nhảy xuống, lấy cái ghế gỗ nhỏ đặt dưới xe, vén rèm dày bằng vải đỏ lên:

– Lão gia, tới rồi.

Tiếp đó một lão giả râu trắng tay vén áo bào, tay vịn tiểu dược đồng cẩn thận bước chân lên ghế, rồi thở nhẹ dẫm xuống đất.

Diêm lang trung bỏ bút xuống đi ra nghênh đón:

– Sư phụ đã về, sư huynh không về ạ?

– Ừ, sư huynh ngươi ở lại theo dõi bệnh tình.

Người xuống xe chính là Tiết lang trung, đại phu tọa đường của Nhân Thọ Đường.

Nhi tức phụ thấy có thêm vị lang trung nữa, mừng rỡ chạy ngay tới, quỳ xuống:

– Lão lang trung, xin ngài cứu bà bà của thiếp thân.

Tình huống này Tiết lang trung gặp nhiều rồi, ôn hòa nói:

– Đứng dậy đi, bà bà ngươi làm sao?

Nhi tức phụ vẫn quỳ, sợ không thành khẩn thì người ta không tới khám cho bà bà của mình, lau nước mắt nói:

– Bà bà thiếp thân bị trẹo lưng, lúc này không cựa quậy được, đang kêu khóc không ngừng. Vừa rồi thiếp thân có nói với vị lang trung đại ca này, xin huynh ấy đi xem, nhưng huynh ấy không đi được, bảo thiếp thân khiêng bà bà tới, nhưng hàng xóm chỉ có lão thẩm tuổi cao và đứa bé, nam nhân không còn ai cả, không khiêng nổi. Phiền lão lang trung tới xem cho, ở phố sau thôi, chẳng tốn mấy bước.

Tiết lang trung gật đầu trầm giọng bảo đồ đệ:

– Lão nhân gia bị thương, không thể xem thường. Mau đi đi.

– Vâng.

Diêm lang trung uể oải đáp lời, bảo dược đồng lấy rương thuốc, bước ra khỏi nhà, chẳng nói với nhi tức phụ kia câu nào.

Nhi tức phụ luôn mồm cảm tạ, chạy trước dẫn đường.

Diêm lang trung đi sau bực tức lẩm bẩm luôn mồm:

– Trời lạnh thế này còn phải đi khám bệnh, đau phải bệnh gấp gì, chỉ trẹo lưng thôi, có chết được đâu. Xa thế này còn bảo gần, gần cái gì, sắp đi hết thành rồi.

Nhi tức phụ nghe thấy hắn không ngừng cằn nhằn, chỉ cười bồi vâng dạ xin lỗi, đi qua con phố, vào cãi ngõ sâu, đi nửa ngõ mới tới.

*****

Diêm lang trung mặt khó đăm đăm bước vào nhà, thấy một lão phụ nằm co quắp trên giường, đắp cả đống chăn với quần áo mà trán vẫn nhỏ mồ hôi to như hạt đậu. Bên cạnh có đứa bé tám chín tuổi dùng khăn lau mồ hôi.

– Mẹ, lang trung tới rồi.

Nhi tức phụ lấy cái ghế đặt bên giường, mới Diêm lang trung ngồi.

Diêm lang trung ngồi xuống, hỏi cộc lốc:

– Đau ra làm sao?

– Đau hông ... Đau lắm, người lại lạnh, cứ lạnh từng cơn, chân tay tê bại.

– Nằm xuống, cong như con tôm thế này xem lưng thế nào, nằm xuống, úp cái mặt xuống giường ấy.

Nhi tức phụ giúp Đổng thị trở người, nhưng chạm vào một cái là Đổng thị đau muốn ngất đi, chân quắp vào, tốn công hồi lâu chẳng nằm úp xuống được.

Diêm lang trung mất kiên nhẫn xua tay:

– Thôi, bỏ đi, cứ thế cũng được ... phiền

Nói rồi hất chăn đi, đặt tay lên lưng Đổng thị, ấn mạnh:

– Đau không, chỗ này thì sao? Chỗ này nữa.

– Đau ... Á.. Đau lắm, chỗ nào cũng đau, lang trung, ngài nhẹ chút ... Á.

Đổng thị không ngừng kêu la:

Thạch lang trung lại kéo tay xem mạch một lúc, sau đó phủi tay nói:

– Không sao, trẹo hông, dán ít thuốc vào là được.

Nói rồi bảo dược đồng lấy thuốc cao cho dán.

Nhi tức phụ nhìn bà bà mặt tím tái, mồ hôi vã ra như tắm, sờ lên người nóng rang, lo âu vô kể:

– Lang trung, bà bà ta chỉ bi trẹo hông thôi sao?

– Không thế thì còn bệnh gì?

– Lang trung nhìn xem, bà bà ta đau thành thế này, chỉ e..

– A, ra là ngươi biết khám bệnh à, thế tìm ta làm cái gì?

Diêm lang trung mỉa mai, xua xua tay:

– Rồi rồi, ta không thèm chấp một phụ nhân, trả tiền đi, 60 đồng.

Nhi tức phụ thất kinh:

– Sao nhiều thế?

– Không biết quy củ à, tới nhà khám bệnh thu gấp đôi, ta đã tốt bụng bảo ngươi mang bệnh nhân tới, ngươi không nghe, lại còn cáo trạng với sư phụ ta, hừ.

Đây là điều Diêm lang trung căm tức nhất, hắn và Phong lang trung tranh nhau quyền kế thừa sư phụ, luận về y thuật, hắn tự tin mình còn nhỉnh hơn. Song sư huynh hắn tuấn tú phong độ, khéo ăn khéo nói, vốn bị thua sút rồi, hôm nay còn bị cáo trạng làm ác nhân, chỉ sợ ấn tượng trong mắt sư phụ càng kém, sao không giận:

– Tới khám rồi đấy, thấy thế nào, cho ngươi biết, dược cao này có hơn 10 đồng thôi, bảo ngươi mua về dán không mua, nhất định muốn ta tới, giờ tốn 60 đồng, hài lòng rồi chứ? Nhiều tiền quá không có chỗ vứt phải không?

Nhi tức phụ bị hắn châm chọc, giận lắm, nhưng còn cần người ta khám bệnh, nên không dám cãi lại, lấy túi tiền ra đếm tiền trả. Thạch lang trung phẩy tay bảo dược đồng nhận tiền, mình đi trước.

Đóng cửa lại xong, nhi tức phụ nhanh chóng hơ lửa cho dược cao mềm ra, cẩn thận dán cho bà bà.

Đến tối nam nhân của nàng đi làm việc về, nghe tức phụ kể mẫu thân bị trật hông, tới giường hỏi han, nghe nói đã mời lang trung của Nhân Thọ đường tới tận nhà khám bệnh, đã dán thuốc, cho nên dù mẹ hắn vẫn kêu đau, nhưng không để ý lắm. Hắn đi làm mệt một ngày, tắm rửa xong đặt lưng xuống là ngủ thiếp đi.

Nhi tức phụ thì không ngủ được, bên tai nghe bà bà rên rỉ lúc thấp lúc cao, cảm giác không yên lòng, tới quá nửa đêm thì bà bà kêu càng lớn, nàng khoác áo thức dậy, đốt đèn sang phòng bà bà. Đặt đèn xuống đầu giường, nhưng không thấy bà bà đâu, hồn vía bay hết lên mây, tai vẫn nghe thấy tiếng rên, thì ra bà bà đau quá vật lộn thế nào rơi xuống giường rồi, may mà còn kéo chăn theo, đang co quắp trong chăn.

Bế bà bà lên giường, nhi tức phụ chỉ thấy bà bà hai mắt hõm sâu, lòng trắng nhiều hơn lòng đen, mặt tím vào như ngâm nước lạnh, môi thâm lại, sờ đầu thấy nóng vô cùng, kêu toáng lên:

– Phu quân, phu quân, mẹ bệnh nặng lắm, mau mau tới xem.

Đổng Tập đang ngủ say, bực mình cằn nhằn:

– Có chuyện gì được chứ, trật hông thôi mà, để mai hẵng nói.

Rồi chùm gối lên đầu ngủ tiếp.

Nhi tức phụ không yên tâm, hỏi:

– Mẹ thấy sao, dán dược cao không đỡ à?

Đổng thị răng đánh nhau cành cạch:

– Càng, càng đau hơn ... Chỗ dán, đau như dao cắt.

Nhi tức phụ hoảng rồi, đi vòng vòng như kiến bò chảo nóng, cắn răng chạy về phòng, lắc vai trượng phu:

– Phu quân, không ổn, bà bà chiều dán dược cao, tới giờ hơn nửa ngày không đỡ chút nào, ngược lại còn đau hơn. Thiếp thấy không được rồi, phải đưa tới hiệu thuốc thôi! Này, chàng dậy đi chứ, mau lên.

Thấy trượng phu lờ mình đi, nhi tức phụ kéo chăn ra, Đổng Tập nổi giận:

– Làm cái gì thế, không cho người ta ngủ à, mai còn phải đi sớm, mệt chết người mà ngủ một giấc cũng không được.

– Bà bà sắp chết rồi còn ngủ à, hu hu hu, cái đồ vô lương tâm.

Nghe tức phụ khóc, Đổng Tập mới ý thức được chuyện nghiêm trọng, kéo quần áo mặc vội mặc vàng chạy sang phòng mẫu thân, nhìn tình trạng không lành, cũng lo:

– Bệnh nặng quá, nhưng giờ đang giới nghiêm, phải đợi trời sang thôi.

– Mới canh bốn, phải một canh nữa mới bỏ giới nghiêm, mẹ bệnh nặng như thế, chẳng may có gì bất trắc thì sao? Đưa tới hiệu thuốc đi, giới nghiêm cũng không cấm đưa bệnh nhân bệnh gấp mà.

– Cũng phải, được rồi, để ta cõng mẹ ra hiệu thuốc.

Dặn dò con ở nhà không được đi câu cả, sau đó hai phu thê người cõng, người đỡ ở phía sau ra ngoài.

Nhi tức phụ nói:

– Đừng tới Nhân Thọ đường nữa, hôm nay bọn họ khám bệnh cho thuốc không hiệu quả gì cả, đòi của thiếp 60 đồng.

– Khốn kiếp, không tới đó nữa, tới Huệ Dân Đường.

Đổng Tập cõng mẫu thân chuyển hướng Huệ Dân Đường, nhưng chưa đi được bao xa thì bị đội giáp binh tuần tra phát hiện, lập tức bao vây lấy bọn họ:

– Kẻ nào, làm gì giữa đêm hôm khuya khoắt như thế?

– Tiểu dân Đổng Tập ở ngõ gần đây, mẹ bị bệnh nặng phải đưa tới Huệ Dân Đường chữa bệnh.

– Thế à?

Viên đội trưởng phất tay ra lệnh:

– Không cần biết lý do, soát người.

Lập tức có mấy tên giáp binh xông tới, chia ra lục soát, có tên thô bỉ thừa cơ bóp mông bóp ngực thiếu phụ mấy lượt, đám đồng bọn cũng gian, yểm hộ nhau cho tên này hành động, thiếu phụ vừa thẹn vừa sợ, nhưng cần đưa bà bà đi khám bệnh gấp nên cắn răng chịu, không dám để lộ ra.

Viên đội trưởng nhíu mày, có điều không nói gì, tuần đêm mà, thời tiết lại quái quỷ thế này, nếu quá nghiêm khắc phía dưới bất mãn, có trách chỉ trách thiếu phụ kia quá ưa nhìn thôi, hơn nữa bộ dạng tóc tai rối bời áo sống xộc xệch như vậy rất dễ kích thích nam nhân, đến hắn nếu không phải vì thể diện đội trưởng này có khi cũng tới thỏa mãn một chút. Qua một hồi khám xét không tìm thấy gì khả nghi, viên đội trưởng phẩy tay cho qua:

– Bệnh gấp thì đi đi, có điều theo quy củ, dù khám bệnh không thể đi xa, cách đây một con phố có Nhân Thọ đường, tới đó mà khám, không cho phép đi xuyên thành.

Đợi ba người đó đi rồi, tên giáp binh khi giở trò thô bỉ khi nãy tặc lưỡi liên hồi:

– Con bà nó, đã, thực sự là quá đã, bà nương đó đi gấp không quấn ngực, sờ tận nơi tận chốn luôn, to như cái bánh bao, da cứ mịn mịn là, vừa căng vừa mềm, sờ một cái thôi là không nỡ buông tay ra. Theo kinh nghiệm của lão tử chắc chắn mới có một con, nên to mà không nhão ...

Mấy tên khác cười hô hố, viên đội trưởng bực mình đá đít hắn:

– Thèm nữ nhân thì ra hoa thuyền kiếm, trả tiền đàng hoàng, giờ cô nương nhiều, rẻ hơn mua rau, đừng có làm bậy tức phụ nhà lành, cẩn thận gây họa ... Sương rồi thì im mồm đi, còn kể làm lão tử thèm, mẹ nó làm lão tử muốn về nhà tìm bà nương quá. Con bà nó, không biết năm nay thế nào mà thời tiết quái quỷ, đến giờ vẫn cứ lạnh như thế ... khao rượu, hôm nay ngươi sướng rồi, phải khao rượu mọi người.

*****

Lại nói phu thê Đổng Tập phải chuyển hướng tới Nhân Thọ đường, gõ cửa, không phải đợi lâu liền có dược đồng vốn thức đêm trực đưa bọn họ vào, giúp đặt Đổng thị lên giường sau bình phong, sau đó đi gọi lang trung.

Diêm lang trung ngáp ngắn ngáp dài đi ra, thấy bọn họ thì bất ngờ, ý thức được sự thể chẳng lành, hốt hoảng hỏi:

– Sao thế?

Nhi tức phụ vội nói:

– Bà bà ta dán thuốc xong không đỡ hơn lại càng đau, ngài xem cho.

Đổng Tập không lành tính như thê tử, hừ lạnh phất tay:

– Còn để cho hắn xem, xem chết người mới hài lòng sao? Mời sư phụ ngươi ra đây, Tiết lang trung, Tiết lang trung.

– Này này, ngươi gọi cái gì?

Diêm lang trung hơi sợ:

– Sư phụ ta đi đường xa mệt mỏi ngủ rồi, bé mồm chứ. Đã bảo là bệnh bà ta không sao mà, trật hông thôi, đau chút không nghiêm trọng, dược cao không hiệu quả thì dán cái khác.

Quay sang bảo dược đồng đi lấy dược cao.

– Dán cái gì mà dán, mau gọi sư phụ ngươi ra đây, mẹ ta thành ra thế này rồi, ta không tin ngươi nữa, mau gọi sư phụ ngươi ... Tiết lang trung, cứu mạng.

Đổng Tập mặc kệ cho Diêm lang trung ngăn cản, cứ xông vào hậu viện hét lớn. Cuối cùng giọng nói già nua truyền ra:

– Không cần gọi nữa, lão phu ra rồi.

Diêm lang trung vội đi lên, ân cần kéo kín áo cho sư phụ:

– Sư phụ, không có gì đâu, là lão phụ trẹo hông kia thôi, cứ bảo dược cao không hiệu quả làm ầm ĩ, sư phụ về nghỉ, con xử lý là được.

Tiết lang trung nghe lão phụ rên rỉ đau đớn, lạnh lùng nhìn Diêm lang trung, nghiêm giọng nói:

– Ngươi xử lý sao? Buổi trưa ngươi xử lý tốt, lão nhân gia đã không đau thế này, bọn họ cũng không phải mạo hiểm đi khám bệnh giữa đêm.

– Dạ, dạ đồ nhi vô dụng.

Diêm lang trung không dám lắm lời nữa, lùi sang bên:

Tiết lang trung hỏi thăm tình hình, sờ trán, nói:

– Đừng lo, tới chỗ ta rồi thì bệnh mẹ các ngươi sẽ khỏi thôi.

Câu nói này hiền từ mà vững vàng, làm người nghe yên lòng, phu thê Đổng Tập luôn miệng tạ ơn.

Tiết lang trung vừa chẩn mạch vừa quay sang nhìn đồ đệ:

– Ngươi xem bệnh thế nào?

– Đồ nhi kiểm tra lưng bà ta, phán đoán là trẹo hông.

– Thế vì sao dán thuốc không hiệu quả?

– Chuyện này ... Đồ nhi ngu độn.

– Mạch với lưỡi ra sao?

– Bị trẹo lưng cần gì xem mạch với lưỡi ạ?

– Ngươi nhìn đi.

Tiết lang trung nổi giận:

– Người bệnh hàn nhiệt, chân tay tê dại, da dẻ tím tái, đây là do trẹo hông mà ra à?

– Dạ, dạ ...

– Dạ cái gì, xem lại kỹ càng cho lão nhân gia.

Diêm lang trung ngồi xuống kiểm tra lại, nuốt nước bọt sợ sệt nhìn sư phụ:

– Lão nhân gia tựa hồ bị thái dương phong thấp tương bác.

– Đúng thế.

Tiết lang trung hừ một cái:

– Ngươi chỉ nhìn qua bề ngoài mà không khám kỹ càng, đây vốn không phải bệnh khó trị, với y thuật của ngươi kê cái đơn là xong, giờ phiền người ta nửa đêm canh ba cõng mẫu thân đi cầu y, nguyên nhân ở đâu?

Diêm lang trung hổ thẹn nói:

– Đồ nhi vô năng, khám bệnh không kỹ, ức đoán chủ quan.

– Không chỉ như thế.

Tiết lang trung càng nói càng nghiêm khắc:

– Y thuật ngươi không kém gì sư huynh ngươi, cái ngươi thiếu là trái tim nhân ái, không dụng tâm xem bệnh. Hành y mà thiếu đi cái tâm thì còn tệ hơn cả đám lang băm, đoán sai chữa sai. Làm hỏng thanh danh Nhân Thọ Đường là nhỏ, hại tới tính mạng bệnh nhân là chuyện lớn không thể vãn hồi.

Giữa đêm đông mà trán Thạch lang trung đẫm mồ hôi, cúi đầu vâng dạ.

– Đủ rồi, theo đơn Quế chi phụ tử thang bốc thuốc cho lão nhân gia. Lượng quế chi nhiều một chút, tăng thêm hai lạng, tán phong hàn, thông dương hóa khí.

– Đồ nhi hiểu.

Diêm lang trung xoay người muốn đi, lại bị gọi về:

– Còn lượng phụ tử .... Ừm, dùng ba miếng.

– Ba miếng?

Thạch lang trung ngần ngừ:

– Sư phụ, bình thường chỉ dùng hai miếng thôi, ba miếng có lớn quá không?

Tiết lang trung vuốt râu trầm ngâm:

– Vi sư còn định dùng bốn miếng cơ, bệnh này của lão nhân gia đã lâu ngày, chỉ e ba miếng còn chưa đủ khắc hàn tà, vệ dương.

– Thế nhưng..

– Không nhưng gì cả, bệnh nhân đau đớn lắm rồi, mau sắc thuốc đi. Lát nữa cho lão nhân gia dùng, chú ý quan sát có dấu hiệu trúng độc không.

Phụ tử là dược liệu đại độc, bào chế khó khăn, vừa phải giữ được hiệu quả thuốc, lại loại bỏ được độc tố. Trong Thương hàn luận của Trương Trọng Cảnh, lượng dùng tối đa là ba miếng, mỗi miếng quy chuẩn nặng chừng 15 phân.

Thương hàn luận nói, ba miếng phụ tử là đạt tới tiêu chuẩn tối đa cân bằng độc và thuốc, lớn hơn là có sự cố, cho nên người hành y dùng phụ tử hết sức cẩn thận, đa phần chỉ dám dùng hai miếng, một số lang trung nhát gan còn dùng một miếng, thậm chí nửa miếng.

Giống như Tiết lang trung dám dùng luôn ba miếng, thậm chí dùng bốn miếng là cực kỳ hiếm, có thể nói là tài cao gan lớn rồi.

Diêm lang trung vội vâng lời đi bốc thuốc, tự mình sắc lên cho Đổng thị uống.

Một lát sau Đổng thị khóe miệng chảy bọt, sau đó là nôn ọe, tay chân khua khoắng loạn trên không, thở ra nhiều hơn hít vào.

Thấy triệu chứng trúng độc, Tiết lang trung có chuẩn bị trước, dùng canh cam thảo lục đậu cho Đổng thị uống. Nhưng hiệu quả không tốt, người bệnh hôn mê, Diêm lang trung hoảng rồi, Tiết lang trung vẫn bình tĩnh điều chỉnh thuốc, cho tới khi trời sáng, Đổng thị chuyển nguy thành an, từ từ tỉnh lại.

Trước đó nghe Tiết lang trung nói vững vàng tự tin, ai ngờ dùng thuốc xong bệnh chuyển biến xấu, vất vả lắm mới cứu được mạng lại, hắn làm việc cho phủ nha, tuy chỉ là chân lo chuyện vặt chẳng có chức tước gì, vẫn nhiễm chút quan cách, hùng hổ nói:

– Làm cái gì thế, các ngươi không chữa được thì để ta đưa mẹ ta đi nơi khác.

Phụ tử rất khó dùng, ít thì không hiệu quả, nhiều thì trúng độc, mỗi người lại có thể trạng khác nhau, làm sao điều chỉnh cho đúng lượng rất khó, điều cả đêm Tiết lang trung làm chính là điều chỉnh sao cho phù hợp với lượng này, đó cũng là nhờ ông ta y thuật cao, phải lang trung khác nếu thuốc không hiệu quả thì cũng quá liều mà chết rồi.

Có điều chuyện này khó giải thích cho người bệnh hiểu được, hơn nữa để người bệnh thành ra thế này cũng có trách nhiệm của Nhân Thọ đường, Tiết lang trung chắp tay nói:

– Toàn bộ chi phí chữa bệnh ở đây sẽ do Nhân Thọ đường chịu để bày tỏ tạ tội do chưa làm hết trách nhiệm.

Diêm lang trung tức lắm, sư phụ mất ngủ cả đêm túc trực chữa bệnh, không được câu cám ơn còn bị chửi bới vô lễ, có điều là hắn sai trước, sư phụ ở bên cạnh nên chỉ đành nhịn.

– Thế còn được.

Đổng Tập bĩu môi:

– Vậy mau chữa trị đi, mẹ ta sắp chết rồi.

Nhi tức phụ kéo tay:

– Phu quân, nói nhỏ thôi cho Tiết lang trung chữa trị.

Nàng thấy Tiết lang trung tận tâm dốc sức rồi, khác hẳn với thái độ qua loa tắc trách của đồ đệ ông ta, nên tuy cho cho bà bà, song không nỡ trách người ta.

Tiết lang trung đi lại trong phòng, bệnh rất rõ ràng, thuốc cũng đúng, chỉ có điều liều lượng làm ông đau đầu, hôm qua ngặt ngoèo lắm mới cứu được Đổng thị, càng không dám dùng quá liều.

Đang lúc vô kế khả thi thì Diêm lang trung nói:

– Sư phụ, hôm qua người đi khám bệnh không có nhà, người Hằng Xương dược hành tới giới thiệu thuốc mới bào chế, trong đó có ô đầu, phụ tử, nói loại thuốc này không dễ trúng độc, không gây phản ứng phụ như buồn nôn, chóng mặt, hay là thử xem.

– Cách bào chế mới à, ở đâu đột nhiên có cách bào chế mới chứ, đám dược hành toàn nói cho hay lừa người ta mua thuốc thôi không đáng tin. Vi sư hành y bao năm, nghe những lời này nhàm rồi.

– Sư phụ, Hằng Xương là biển hiệu lâu năm, thuốc bọn họ bào chế xưa nay luôn tốt. Hơn nữa lần này còn tặng thuốc cho chúng ta dùng thử, hẳn không phải chỉ là nói bừa đâu.

Diêm lang trung lấy gói thuốc được tặng ra, bên trong gói còn có tờ giấy cảnh bào viết "Chú ý: Phụ tử bản hành muốn dùng phải đun nửa canh giờ, khi thử vào lưỡi thấy hơi tê tê là vừa vặn, nếu không khả năng trúng độc."

*****

Tiết lang trung nhìn tờ giấy, phải đun trước nửa canh giờ, chưa bao giờ nghe thấy, cầm một miếng lên xem, thấy màu vàng sậm, hơi phồng, ngửi thơm, khác hẳn với bình thường.

Cho dù Hằng Xương dược hành có tiếng tăm, có chữ tín, song thứ thuốc này quá mới mẻ, suýt nữa thì Tiết lang trung còn nhầm với thuốc khác, nên không dám dùng ngay, có điều bệnh tình Đổng thị xấu đi, nhi tức khóc lóc sụt xùi, nhi tử hùng hổ thúc giục, ông ta chỉ đành cắn răng nói đúng một chữ:

– Dùng.

Diêm lang trung vâng lời, cho vào phương thuốc Quế chi phụ tử thang, định sắc chung, Tiết lang trung ngăn lại:

– Trên giấy viết thứ này cần đun trước nửa canh giờ tới một canh giờ.

– Sư phụ, lâu quá, bệnh nhân đau đớn thế kia, mà đun trước hay đun cùng cũng thế.

– Nói bừa, làm nghề y là phải tỉ mỉ chính xác, sao có thể nói cũng thế được, ở đây ghi rõ phải đun trước, thì cứ thế mà làm, cái tính tùy tiện qua loa của ngươi phải sửa, nếu không chẳng nên được trò trống gì đâu. Mau đi đi, vi sư châm cứu giúp lão nhân gia giảm đau tạm thời.

Diêm lang trung vội đi sắc thuốc, Tiết lang trung thi châm, hiệu quả rất tốt, Đổng thị đỡ đau nhiều, nhưng cách châm cứu này chỉ là tạm thời giúp bệnh nhân giảm đau đớn, không trị được bệnh, vẫn phải dựa vào thuốc.

Trời đã sáng, bên ngoài có bệnh nhân tới gọi cửa xem bệnh, dược đồng đành phải mở cửa cho người bệnh vào. Tiết lang trung nửa đêm không ngủ, nhưng với người hành y chuyện này cũng thường gặp, nên cho người chuẩn bị canh giúp tỉnh táo, vừa khám bệnh vừa nóng ruột đợi đun thuốc.

Thuốc sắc xong, Tiết lang trung bảo Diêm lang trung thay mình khám bệnh, tự mình cho Đổng thị uống thuốc, ông chỉ cho uống một nửa, đợi một lúc, không hề có triệu chúng chóng mặt nôn mửa, mới cho uống hết.

Nhưng không lâu sau Đổng thị đột nhiên la hét ầm ĩ, tựa hồ đau đớn vô cùng.

Nhi tức phụ hoảng hốt:

– Tiết lang trung, làm sao bây giờ, bà bà ta đau quá rồi.

Đổng Tập rống lên:

– Không được, thế này mẹ ta chết trong tay các ngươi mất, đi. Tới Huệ Dâng Đường.

– Không được.

Diêm lang trung đang khám bệnh nghe thấy trong này ầm ĩ bỏ đó chạy vào:

– Lão nhân gia đã trúng độc rồi, lại yếu như thế, chết giữa đường thì sao? Hơn nữa sư phụ ta mà không trị nổi, chẳng lẽ Nghê lang trung trị được à?

Suy tính của hắn không phải thế, đối với y quán hiệu thuốc mà nói, trị không được bệnh, ép người bệnh đi nơi khác cầu y là chuyện đả kích lớn, hơn nữa lần này do chính sư phụ y chữa trị, ngoài kia lại có rất nhiều bệnh nhân đang nhìn vào, để truyền ra thanh danh sư phụ y còn gì nữa.

Đổng Tập ngây người, nhìn mẫu thân nằm trên giường, tuy kêu la đau đớn, nhưng khí lực rõ ràng suy yếu nhiều, đặc biệt là câu "đã trúng độc" làm hắn càng không dám làm gì.

Thấy hắn do dự, Diêm lang trung thở phào, nói vội:

– Để sư phụ ta chữa trị, yên tâm lão nhân gia chuẩn bị cách giải độc rồi.

Nói xong chuẩn bị đi lấy thuốc.

– Không cần.

Tiết lang trung nãy giờ trấn tĩnh theo dõi mạch Đổng thị, nói:

– Không phải hoảng lên như thế, đây là phản ứng bình thường khi thuốc phát huy hiệu lực, do phụ tử hành tẩu trong da, xua phong hàn, chính tà giao phong, hàn tà chưa trừ mới khiến người bệnh đau đớn. Thêm bốn lạng quê chi, ôn kinh thông dương ...

Tới trưa Đổng thị không kêu la nữa, thần trí tỉnh táo hoàn toàn, Tiết lang trung càng vững tin, tăng thêm liều lượng phụ tử. Buổi tối mặt và môi Đổng thị chuyển dần từ tím sang hồng, chân tay hết tê, hông cũng đỡ đau, có thể xoay người nằm ngửa nói chuyện rồi.

Cả nhà lúc này có nói có cười, liên tục khen Tiết lang trung y thuật như thần, quên hết lời không hay trước kia, đó là điều bắt đắc dĩ của người hành y.

Quan sát Đổng thị không còn gì đáng ngại nữa, có điều phương thuốc này dùng tân dược, Tiết lang trung còn chưa hoàn toàn yên tâm, dù sao lần đầu tiên dùng, tuy hiệu quả rõ ràng, nhưng Tiết lang trung vẫn không yên tâm, phải giữ ở bên cạnh xem xét.

Ngày đầu không có vấn đề, ngày thứ hai Đổng thị đã có thể rời giường đi lại, Tiết lang trung mới để phu thê Đổng tập đưa bà ta về nhà dùng thuốc, nhưng dặn dò cẩn thận cách đun thuốc, còn kê sẵn cả thuốc giải độc.

Qua năm ngày, Đổng thị dẫn nhi tử nhi tức tới tận nơi tạ ơn, nói sức khỏe tốt hơn trước, muốn trả tiền thuốc, Tiết lang trung dứt khoát không nhận. Tiếp đó có người bệnh cần dùng tới phụ tử, Tiết lang trung đều dùng tân dược do Hằng Xương cung cấp, còn cẩn thận lưu lại địa chỉ từng người bệnh, đích thân tới nhà xem hiệu quả, tất cả bệnh nhân đều khỏi bệnh nhanh, không ai có triệu chứng trúng động.

Tâm tình Tiết lang trung cực tốt, thuốc miễn phí đã dùng hết, liền tới Hằng Xương đặt mua, lần này mua liền mười cân.

***

Có nhà vui thì có nhà buồn, Quý Chi Đường không sao vui lên được.

Cho dù tiền nhà đã trả hết, nhưng Quý Chi Đường trải qua một ngày Tết nguyên tiêu ảm đạm nhất từ trước tới giờ, vốn tình hình khám bệnh có chút khởi sắc, nhưng sau lần chủ nợ đại náo Quý Chi Đường, bệnh nhân né tránh không tới chỗ họ khám bệnh nữa, suốt ba ngày sau đó mới có người bệnh đầu tiên, làm Tả Quý rất buồn bực.

Lương thị và Hồi Hương đem vải Giả tài chủ tặng làm hai bộ áo, cho cha con Tả Quý.

Tả Thiếu Dương mặc áo tơ lại thêm vào áo chẽn bên trong của Tiểu Muội, buổi tối đi ngủ không còn bị lạnh tới nửa đêm thức giấc bào chế thuốc như ma làm nữa.

Không điện đóm, không TV, không điện thoại, không có nhiều mối quan hệ xã hội lằng nhằng, cuộc sống thời xưa rất đơn giản, thậm chí có phần đơn điệu tẻ nhạt, song Tả Thiếu Dương sau khi dần thích nghi với sự thiếu thốn phương tiện cuộc sống lại thích nó. Không phải y lười, Tả Thiếu Dương chịu khó chăm chỉ, chỉ là không muốn tốn thời gian giao tiếp xã hội thôi, y là người sống có phần cô độc khép kín, hiện mỗi ngày báo chế thuốc bốn canh giờ, không thể cùng cha đi làm linh y, cho nên giống trước kia, Tả Quý lại ngồi như tượng giữa đại sảnh vắng tanh.

Tuy một ngày bào chế thuốc tới 4 canh giờ, tức là tương đương 8 tiếng, thực chất Tả Thiếu Dương tương đối nhàn nhã, mấy công đoạn làm sạch, ngâm, thay nước, phơi khô đều do mẹ y làm, Hồi Hương cũng thường bỏ việc nhà chạy sang giúp đệ đệ, theo như lời nàng nói, chừng nào đệ đệ chưa thành gia lập thất thì nàng chưa yên lòng, Tả Quý đành kệ. Thế nên Tả Thiếu Dương ngoài mấy công đoạn chính thì chủ yếu phụ trách giám sát.

Người của Hằng Xương dược hành mỗi ngày đều tới lấy thuốc, hỏi bọn họ tiêu thụ ra sao, hỏa kế chỉ lắc đầu không đáp. Tả Thiếu Dương bắt đầu bất an, nếu thuốc không bán được, hiệu thuốc lại vắng vẻ thế này thì về sau sống bằng cái gì đây?

Mỗi ngày Tả Thiếu Dương vẫn đi lấy nước, Tiểu Muội và Hoàng Cầm cũng thế, có điều người khác thấy hai bọn họ ở cùng một chỗ ánh mắt cứ quai quái, lại còn cười trộm. Sau sự kiện kia, dù không mấy người biết rằng Tiểu Muội cầm đồ của hồi môn giúp Tả gia, nhưng vẫn có nhiều lời xì xào nói nàng "trâu đi tìm cọc". Tả Thiếu Dương chẳng hiểu gì, thấy Tiểu Muội cứ né tránh mình, đợi mình lấy nước xong mới tới còn rầu rĩ một thời gian, cho rằng nàng thực sự được hứa gả rồi nên tránh mình. Về sau Hoàng Cầm giải thích mới hiểu, thế là mỗi ngày cố ý thời gian Tiểu Muội lấy nước, để người ta không cười nàng, tuy vậy hai người vẫn từ xa xa trao đổi ánh mắt với nhau.

Hôm đó Tả Quý dậy, Lương thị định pha trà cho ông, Tả Quý xua tay bảo Tả Thiếu Dương:

– Đi, tới quán trà uống.

Uống trà giống uống rượu, chú trọng cái không khí, giống như câu "tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu vậy". Với trà khách và tửu khách mà nói, tuy ở nhà có rượu có trà, nhưng uống không sao có đủ tư vị, phải tới quán trà quán rượu uống mới được.

Chuyện không vui lần trước Tả Quý hoàn toàn không để trong lòng, chủ yếu vì ông hoàn toàn không biết chuyện thê tử nhờ người tới Tang gia làm mai. Nên khi đó lời Tang mẫu chỉ coi là người ta thuận miệng nói thế thôi, bà nương đó xấu tính không lạ gì nữa, còn trách bản thân quá mẫn cảm. Thời gian qua hiệu thuốc đang tốt đẹp đột nhiên đi xuống, lòng không vui, nên muốn đi uống trà giả khuây.

Crypto.com Exchange

Hồi (1-397)


<