Truyện Tiên Hiệp

Truyện:Võ lâm ngũ bá - Hồi 07

Võ lâm ngũ bá
Trọn bộ 86 hồi
Hồi 07: Kỳ Trận Trên Hoang Đảo
5.00
(2 lượt)


Hồi (1-86)

Vương Trùng Dương đi một vòng ở phía Bắc từ Cự Dung Quan ra Trường Thành xuyên vào nội địa Mông Cổ, đến Liêu Đông, lại dạo chơi ở vùng Sơn Đông nửa năm rồi mới trở về bờ biển Liêu Đông. Từ Đinh Khẩu ngồi ghe qua Bột Hải đến Đăng Châu, vừa đi vừa ngắm phong cảnh, vừa dò xét dân tình, đồng thời cũng để kết giao với anh hùng trong thiên hạ. Nếu cứ theo đường lối ấy thì Vương Trùng Dương phải từ Đăng Châu đi sâu vào Liêu Đông, tới Lỗ Nam rồi trở về Hà Nam, Trung Châu.

Nhưng chàng muốn thêm kiến thức nên không đi đường bộ, mà từ Giang Châu dùng thuyền đến Giang Tô, rồi lại từ Trường Giang trở về nội địa. Đi đường này rất xa, phải ngang qua Hồng Hải. Nếu thuận gió thì đi mất mười ngày, còn nghịch gió thì có khi hàng tháng trời mới đến.

Vương Trùng Dương muốn được yên tĩnh nên đã thuê bao cả một chiếc thuyền lớn nói rõ là đến Giang Tô, rồi lại đi Nam Thông.

Trùng Dương giao cho ông lái đò một số tiền trước để mua sẵn lương thực, tích trữ nước uống, rồi chọn ngày tốt để khởi hành.

Từ Đăng Châu thuyền đi vòng qua Lao Thiết Sơn Đầu ở phía Bắc, Sơn Đông bán đảo là Hồng Hải. Vương Trùng Dương sinh trưởng ở Trung Châu, đã mười năm trời nay, đã đi khắp từ Miêu Cương đến Mông Cổ, nhưng chưa từng đi đường thủy, nay thấy trời cao, bể rộng, sơn thủy hữu tình thì trong lòng rất thỏa thích thì nghĩ rằng:

"Ngày xưa đức Khổng Tử đăng Thái Sơn mà thấy thiên hạ, còn hôm nay ta đi biển cả mới biết vũ trụ bao la, thật là "Đọc vạn thư bất như hành thiên lý lộ".

Mặt trời vừa lặn. Màn đêm rơi xuống, mây nước một màu đen kịt, sóng nước vỗ mạn thuyền rì rào đều đều.

Đằng sau lái một giọng ca ngâm sang sảng tả cảnh giang hồ vang lên, Trùng Dương thấy muôn phần sảng khoái, bèn mang rượu ra mũi thuyền rồi mời thuyền chủ cùng nhấp nhám.

Cá tươi lấy ở dưới bể đem lên luộc làm thức nhấm, còn gì thú hơn? Xa mút phía chân trời, vầng trăng mới ló ra khỏi mặt nước, chiếu hắt lên không trung một màu trắng xanh trong vắt.

Trên mặt biển lăng tăng sóng gợn, phản chiếu ánh trăng như trăm nghìn con rắn bạc lội nhởn nhơ. Rượu đã ngà ngà, thuyền chủ mới đem chuyện nhà kể lại cho Trùng Dương nghe.

Ông ta họ Đinh tên Nhị Mao, chuyên sống trên mặt bể từ thuở nhỏ. Đinh Nhị Mao có hai người con trai, người con thứ nhất đặt tên là Đinh Cương, người thứ hai tên là Đinh Nghĩa.

Cả hai tuổi đã trưởng thành mà chưa lập gia đình, cùng theo ông nối nghề đi biển.

Trong lúc tửu hứng, họ Đinh mang những kinh nghiệm trong nghề ra nói như lúc khí trời thay đổi, nhìn mây biết trước được những cơn giông tố hoặc những trận cuồng phong; nhìn chim bay đoán biết được thời tiết sắp đổi thay và kể những loại cá kỳ dị mà trên đất bằng không ai được biết.

Tửu nhập ngôn xuất, liên tu bất tận cho đến lúc cả hai say khướt mới vào trong khoang nghỉ ngơi. Con thuyền đi trong biển cả mênh mông chỉ có trời với nước, không trông thấy đâu là bờ.

Họ Đinh cứ theo hướng mặt trời mà đi, đêm thì nhìn sao Bắc Đẩu làm phương hướng. Nước ngọt chứa theo thuyền đã gần cạn.

Người đi biển sợ nhất là nước uống. Hết lương thực còn có thể nhịn được năm, bảy ngày. Nhưng hết nước uống thì sẽ chết khát ngay.

Họ Đinh nóng lòng lo sợ, cho thuyền ghé vào những hòn đảo nhỏ kiếm nước ngọt. Nhưng đã ghé vào mấy hòn đảo mà không thấy nơi nào có nước ngọt cả.

Lúc bấy giờ nước ngọt mang theo chỉ còn uống độ một ngày nữa là hết.

Mọi người đều hết sức kinh tâm, nhưng không biết làm cách nào, đành phó cho sự may rủi. Con thuyền căng gió cứ vùn vụt lướt đi trên mặt nước.

Sự lo âu đều hiên lên trên nét mặt mọi người, họ Đinh, thỉnh thoảng lại chạy ra đầu mũi thuyền nhìn ngó khắp mọi nơi, nhưng lần nào cũng lắc đầu thất vọng.

Qua một đêm dài buồn bã, sáng hôm sau bỗng thấy Đinh Cương reo to:

- Phụ thân ơi! Đằng trước mặt có một hòn đảo lớn lắm.

Đinh Nhị Mao cả mừng lật đật chạy ra ngoài mũi thuyền nhìn theo tay chỉ của Đinh Cương thì quả nhiên về phía Bắc có một hòn đảo lớn hiện ra.

Trên đảo có liên tiếp ba ngọn núi màu xanh xẩm. Đinh Nhị Mao là tay lão luyện trong nghề hàng hải, thoáng trông biết ngay là hòn đảo có nhiều cây cối mọc, cho nên mới có màu xanh thì cả mừng, vội gọi bạn chèo hạ bớt buồm xuống dùng chèo bơi nhằm hướng Bắc tiến tới.

Độ một canh giờ thì quả nhiên đã đến phía đông hòn đảo ấy. Đinh Nhị Mao sai người con lớn là Đinh Cương lên đảo tìm nước rồi về thuyền báo cho mọi người biết để mang thùng đi lấy.

Đinh Cương tuân lời, nhưng đi tới hơn một canh giờ mà không trở về. Đinh Nhị Mao nóng ruột vô cùng, lẩm bẩm:

- Thật là đồ vô dụng. Kiếm có một chút nước mà đi tới nửa ngày cũng không xong. Đinh Nghĩa! Con thử lên đảo tìm xem, coi anh con đang ở đâu?

Đinh Nghĩa nghe cha bảo liền đem theo một cái đinh ba, để đề phòng sự bất trắc. Chẳng ngờ, Đinh Nghĩa đi có tới hơn canh giờ nữa mà cả hai cũng chẳng ai trở về.

Đinh Nhị Mao thấy tình hình như thế thì không giấu nỗi cơn lo lắng, tức giận nói lớn:

- Kỳ thật! Sao đứa nào cũng mất hút. Chúng bây hãy ở đây giữ thuyền để ta thân hành đi thử xem sao.

Lúc đó trời đã hoàng hôn, Vương Trùng Dương thấy vậy bèn nói với Đinh Nhị Mao:

- Lão trượng đợi tiểu sinh cùng đi với.

Đinh Nhị Mao thấy Trùng Dương dáng người nho nhã như một thư sinh, thì nói:

- Đường trên hoang đảo gập ghềnh khó đi. Công tử là người văn nhược sợ đi không được.

Vương Trùng Dương mỉm cười:

- Không sao! Tiểu sinh đủ sức. Xin Lão trượng cứ yên lòng.

Nói xong họ Vương nhún mình nhảy vọt lên bờ, nhanh như chim bay không hề phát ra tiếng động. Đinh Nhị Mao giật mình ngạc nhiên nhìn Vương Trùng Dương nói:

- Té ra công tử cũng biết võ nghệ nữa sao?

Trùng Dương cười:

- Tiểu sinh cũng có học chút đỉnh.

Đinh Nhị Mao lúc đó mới cất tiếng cười ha hả và nói:

- Trông mặt đoán người đôi lúc cũng sai quá. Trông công tử nho nhã thư sinh, trói gà không chặt, chẳng ngờ tài nghệ lại cao cường như thế. Xem cách công tử phi thân vừa rồi cũng đủ biết rõ.

Nói dứt lời họ Đinh bước xuống nước và lội vào bờ. Đi qua một bãi cát, nghe tiếng nước chảy ào ào, Đinh Nhị Mao bèn nói:

- Ở bên đây có thác nước tại sao chúng không tới mà còn tìm ở tận đâu thật là hai thằng vô dụng.

Vương Trùng Dương cùng Đinh Nhị Mao đi tới tận cùng bãi cát, bỗng thấy phía trước có con đường hẹp ở giữa hai cửa núi. Ở ngay đường đi có mấy đống đá như có tay người sắp đặt. Mới thoạt trông thật là vô trật tự.

Vương Trùng Dương để ý nhìn một lát, bỗng giật mình kêu lên:

- Lạ thật! Không biết ai đã xếp những hòn đá này theo "Kỳ Môn Bát trận đồ" của "Gia Cát Võ Hầu" đã bày ở Tứ Xuyên?

Họ Vương thấy loạn thạch trận đồ này thì đoán ra ngay sự mất tích của hai anh em họ Đinh.

Đinh Nhị Mao chạy lại trước đống đá thì thấy có một vật sáng loáng nằm dưới đất, vội chạy tới nhặt lên xem thì nhận ngay ra đầu mũi đinh ba của Đinh Nghĩa thì hoảng hốt kêu to:

- Sao lại có mũi đinh ba này ở đây?

Nói đoạn ông lấy tay làm loa gọi lớn:

- Bớ Đinh Cương, Đinh Nghĩa!

Tiếng gọi của Đinh Nhị Mao vang vào vách núi đi rất xa rồi dội lại. Họ Đinh gọi luôn một hồi có tới mười câu mà chẳng thấy có tiếng trả lời, thì càng hoảng hốt. Vương Trùng Dương nói:

- Thôi Lão trượng đừng kêu nữa cho uổng công. Tiểu sinh chắc chắn là hai vị anh hùng đã bị vây khốn ở đống đá này rồi.

Đinh Nhị Mao lấy làm lạ hỏi Vương Trùng Dương:

- Công tử nói sao? Đống đá này mà bao vây được người à? Nếu thế thì chắc đảo này có yêu quái rồi.

Vương Trùng Dương cả cười:

- Thiên hạ đâu có nhiều yêu quái. Lão trượng cứ đứng yên đây đừng đi đâu, để tôi vào trong kiếm lệnh lang cho.

Nói xong, Trùng Dương tung người dùng thuật khinh công nhảy vào trận đồ.

Đinh Nhị Mao chỉ thấy tà áo vàng thấp thoáng lẫn vào trong đống đá, nháy mắt đã không còn thấy tăm dạng chi nữa.

Vương Trùng Dương lúc ở hang Bách Cầm theo Thanh Hư chân nhân học đạo đã được sư phụ dạy bảo cho biết những Kỳ Môn Thuật Pháp, Ngũ Hành biến hóa nên khi nhìn Bát trận đồ, họ Vương xem qua đã biết ngay thế phá. Thấy phía Nam là Sinh môn, chàng liền theo cửa đó bước vào.

Đinh Nhị Mao theo lời dặn của Trùng Dương đứng yên tại đó chờ gần hơn nữa canh giờ mà chẳng thấy họ Vương trở ra thì bắt đầu nóng ruột.

Mặt trời sắp lặn, chỉ còn lấp ló trên mặt nước. Xa xa tiếng vượn hú trong hoang đảo từng hồi nghe não ruột. Đàn chim ríu rít gọi nhau về tổ, cảnh vật thật là vắng vẻ, đượm biết bao nhiêu sự huyền bí hãi hùng. Họ Đinh càng thêm lo sợ chưa biết tính sao, thật là tiến thoái lưỡng nan.

Đang cơn lo lắng ấy, thốt nhiên họ Đinh thấy Trùng Dương từ phía bắc đống đá chạy ra, hai bên nách cắp hai anh em Đinh Cương, Đinh Nghĩa.

Đinh Nhị Mao cả mừng reo lên một tiếng cực lớn. Thoáng một cái Vương Trùng Dương đã chạy tới trước mặt Đinh Nhị Mao, đặt hai anh em Đinh Cương, Đinh Nghĩa xuống đất.

Hai người dường như còn say ngũ chẳng biết gì cả. Đinh Nhị Mao lấy làm tức giận quát to:

- Hai tên súc sanh thật là vô dụng. Biết bao người chờ đợi lo lắng cho các ngươi mà lại chui vô đống đá ngủ say như chết thế kia thì lạ thật.

Nói xong, họ Đinh lộ vẻ tức giận xốc tới lấy chân toan đá hai anh em Đinh Cương, Đinh Nghĩa.

Vương Trùng Dương thấy thế cản lại và nói:

- Không phải lệnh lang ngủ đâu. Đây là vì lạc vào Bát trận đồ nên bị hôn mê, để tiểu sinh cứu tỉnh cho.

Nói xong, Trùng Dương ngồi xuống lấy tay chà sát người anh em họ Đinh.

Một hồi lâu anh em Đinh Cương, Đinh Nghĩa mới ú ớ vài câu rồi mở choàng hai mắt ngồi phắt dậy nhìn quanh và nói:

- Trời! Sao tôi lại ở đây?

Đinh Nhị Mao dậm chân gắt lớn:

- Súc sanh! Thật là đồ ăn hại. Ta sai ngươi đi tìm mạch nước từ đầu giờ Mùi đến nay đã bắt đầu giờ Dậu mà cũng chưa chịu về, chúng bây lại chung vào đống đá ngủ say như chết. Nếu không có công tử đây vào bắt chúng bây ra thì có lẽ hai chúng bây ngủ luôn trong đó.

Đinh Cương ngơ ngác hồi lâu, nhìn đống đá và nhìn Đinh Nghĩa không biết trả lời thế nào.

Vương Trùng Dương thấy tình hình như thế thì cất tiếng cười ha hả nói:

- Đinh nhị huynh vào trong đống đá rồi không biết đường ra có phải không?

Đinh Cương gật đầu và kể lại:

Chàng tuân lời thân phụ lên bờ, đi sâu vào trong hoảng đảo. Vừa qua bãi cát nghe rõ ràng tiếng nước suối chảy róc rách ở trong đống đá, trong lòng hết sức vui mừng, xăm xăm đi tới theo hướng tiếng nước chảy.

Ở ngoài trong đống đá chồng chất dài ước độ vài chục trượng. Chẳng dè khi Đinh Cương bước vào trong, bỗng nhiên thấy quang cảnh biến đổi một cách kỳ dị.

Chàng cảm thấy hình như mình đang đi vào một cái hang sâu thăm thẳm, chung quanh như có cả trăm ngàn ngọn núi đá vây bọc bầu trời tự nhiên tối sầm lại, âm u mờ mịt.

Đinh Cương hoảng sợ vội quay mình trở lại, theo phương hướng cũ đi ra.

Chẳng ngờ đâu đâu cũng thấy núi đá, trùng trùng, điệp điệp. Quanh quẫn một lúc lại trở về chỗ cũ.

Đinh Cương lại nghe tiếng gió vi vu, dội vào vách đá phát ra những tiếng hú quái dị, ghê gợn thì chẳng còn hồn vía, cắm đầu chạy cho đến lúc quá mệt mỏi ngã lăn xuống đất, mê man bất tỉnh.

Còn Đinh Nghĩa thì nói rằng:

- Sau khi nghe lời cha bảo, Đinh Nghĩa cầm chiếc đinh ba rời khỏi thuyền, lội lên bờ. Cũng đi qua đống cát theo vết chân của Đinh Cương tới đống đá, nghe tiếng nước chảy ào ào thì độ Đinh Cương đang ở trong đó.

Đinh Nghĩa gọi to lên nhưng chỉ nghe tiếng chàng vọng lại mà không thấy Đinh Cương trả lời. Đinh Nghĩa trong lòng hết sức lo ngại, sợ rằng có sự gì không tốt xảy ra cho Đinh Cương.

Chàng vội vàng đi vào trong đống đá theo hướng tiếng nước chảy mà thẳng tới. Chẳng dè khi vào trong, Đinh Nghĩa thấy một màu trắng xóa như mây mù nổi lên che kín những đống đá, chập chờn nữa tỏ, nữa mờ ẩn ẩn, hiện hiện như trong đám sương mù.

Đinh Nghĩa lấy làm lạ tưởng mình hoa mắt, lấy tay dụi mắt định thần nhìn kỹ thì dường như đang đứng giữa bãi sa mạc, sương mù bao la như mặt biển mênh mông bát ngát thì thốt nhiên không còn hồn vía, kêu gọi Đinh Cương luôn miệng để mong có người đến cứu mình chăng. Chàng bỗng thấy trước mặt có một bóng người mặc áo màu xanh, thấp thoáng đi lại. Đinh Cương gọi đến ba, bốn câu mà bóng ấy vẫn không trả lời mà chập chờn như một bóng ma.

Họ Đinh cầm đinh ba nhắm thẳng bóng xanh đâm tới. Bỗng cảm thấy như có người giật mạnh chiếc đinh ba, chàng gượng không nổi té nhào xuống đất, mê man chẳng biết gì nữa.

Nghe hai anh em họ Đinh kể xong, Đinh Nhị Mao rùng mình sởn gáy, vì những người đi biển phần đông đều mê tín dị đoan nên vội vàng xua tay nói:

- Thôi! Chúng ta mau mau rời khỏi nơi này. Đúng là chúng bây gặp "ma hớp hồn" rồi đấy.

Đinh Cương, Đinh Nghĩa nghe cha nói thì nhận rằng quả nhiên mình thấy rõ những hiện tượng lạ như thế nên chẳng còn hồn vía. Vâng theo lời cha mà nói họ Vương mau mau trở về thuyền.

Trùng Dương biết họ là những người dân còn chất phác rất mê tín dị đoan.

Dầu có giải thích họ cũng chẳng chịu nghe, nên nói với ba cha con họ Đinh:

- Lão trượng và nhị vị cứ yên trí về trước đi, tiểu sinh vào đó một chút sẽ về.

Đinh Nhị Mao nói:

- Công tử hãy coi chừng, coi chừng bị ma hớp hồn.

- Lão trượng đừng ngại, "chính phải thắng tà". Tiểu sinh đi tìm nước uống rồi sẽ trở về lập tức.

Cực chẳng đã ba cha con họ Đinh phải quay trở về thuyền. Trước khi giã từ, Đinh Nhị Mao còn dặn Trùng Dương một lần nữa:

- Tiên sinh có vào trong đó thì phải mau mau trở về thuyền, kẻo lão phu lo lắm.

Vương Trùng Dương gật đầu rồi nhắm cửa sinh của Bát trận đồ mà vào.

Khi vào tới giữa đống đá, Vương Trùng Dương cất tiếng gọi lớn:

- Vị nào lập Thạch trận xin xuất đầu lộ diện, để kẻ hèn này được diện kiến thì thật lấy làm vinh hạnh.

Vương Trùng Dương nói liên tiếp ba lần, bỗng nghe thấy từ trong trận đồ văng vẳng tiếng ngâm thơ đưa ra. Lời thơ bi thảm, giọng ngâm buồn rầu như khóc như thảm.

Vương Trùng Dương lắng tai nghe thì thấy đây là bài thơ của Lý Hậu Chủ trước tác.

Nguyên trước kia vua Đường họ Lý tên Nhứt đóng đô tại Giang Nam bị đại tướng của Tống Thái Tổ là Tào Bân bắt được biến làm nô lệ.

Nhà vua là một thi nhân nên lúc bị giam cầm đã làm bài thơ vong quốc này để diễn tả nỗi lòng đau khổ của mình và sự điêu linh đồ thán của chúng dân.

Lời thơ thật là ai oán khiến cho người nghe phải bùi ngùi tất dạ. Sau vua Lý Nhất bị nhà Tống bắt uống thuốc độc mà chết.

Tiếng ngâm vừa dứt, Trùng Dương cất tiếng nói to:

- Tại hạ là kẻ phiêu lưu muốn kết giao cùng các vị anh hùng trong bốn bể.

Ngẫu nhiên tới đây, được thấy Bát trận đồ của bật cao nhân sắp đặt. Tại hạ ngưỡng mộ vô cùng, kính mong được gặp mặt, trình bày một đôi câu.

Tiếng nói của họ Vương vang lên như tiếng chuông đồng, và chàng lại dùng mấy câu thơ của Bạch Cư Dị để đáp lại bài hờn vong quốc của đối phương. Những tưởng thế nào người đó cũng ra mặt, chẳng dè không thấy ai trả lời mà cũng chẳng ai xuất hiện.

Bốn bề lặng ngắt. Vầng kim ô đã lặn, ngọc thố mới nhố lên, ánh sáng trăng tỏa ra lung linh huyền ảo. Những tảng đá đen sì nổi bật lên giữa những đám cát trắng phau.

Cảnh vật càng thêm huyền bí. Bỗng đâu từ xa đưa lại tiếng tiêu bổng trầm thanh thót. Mới đầu âm thanh dịu dàng véo von, réo rắt như ru hồn người vào cõi mộng rồi đột nhiên tiếng tiêu đổi điệu dồn dập như thiên quân vạn mã, hùng tráng như vó ngựa chiến chinh, ào ào như phong ba bão táp.

Vương Trùng Dương nghe tới đây nghe như có một luồng khí nóng từ Đan điền dâng lên hừng hực như muốn nổ tung buồng ngực.

Chàng cả kinh biết ngay đối phương muốn thử công lực của mình. Nếu công lực kém sẽ bị "Tẩu Hỏa Nhập Ma", có thể chết ngay lập tức.

Trùng Dương vội vàng tĩnh tọa ngay dưới đất. Vận hành nội khí theo cách thức luyện công của Toàn Chân phái. Phút chốc chàng thấy khí huyết điều hòa không còn cảm thấy hồi hộp như trước nữa.

Tiêu thanh không làm cho tâm trí chàng đê mê được, tức thì nhạc điệu khác lại vang lên.

Tiếng tiêu lúc này nỉ non giống như giọng nói của giai nhân êm ái dịu dàng, mơn trớn như nàng mỹ nữ bên đức lang quân trong chốn phòng the.

Tiếng tiêu điêu luyện, vô cùng quyến rũ như khêu gợi lửa lòng của người trần tục để đưa vào vòng sắc dục.

Vương Trùng Dương là người tu hành từ thuở nhỏ đã giới sắc cho nên dầu tiếng tiêu như khêu, như gợi vẫn định thần tĩnh trí, tâm hồn thanh tĩnh át được tiếng tiêu đi. Vương Trùng Dương bèn nói to:

- Hỡi vị nào dùng tiếng tiêu để làm bấn loạn lòng người. Tại hạ là người đã lánh xa trần thế, vinh hoa phú quí, sắc đẹp rượu nồng chẳng hề vương mang, vậy không nên dùng tiếng tiêu làm chi nữa.

Tiếng tiêu tức thì chấm dứt. Một tiếng cười ha hả vang lên:

- Tại hạ đã xa lánh cỏi đời ô trọc, một mình tới nơi hoang đảo hẻo lánh để tĩnh tâm tu luyện, lập "Võ Hầu Bát Trận" để ngăn cản kẻ phàm phu tục tử tới quấy rầy. Tiên sinh với ngu hạ bất đồng đạo, bất đồng mưu hà tất phải cùng nhau gặp gỡ làm chi. Xin mời tiên sinh hãy ra khỏi nơi này.

Vương Trùng Dương ngẫm nghĩ:

- Người này đã bày được "Võ Hầu Bát Trận" ắt cũng không phải kẻ tầm thường, hơn nữa tiếng tiêu của hắn ta vừa thổi biến ảo khôn lường và tỏ ra một bản lĩnh cao siêu, kình lực hơn người. Mình không được cùng hắn kết giao cũng thật là đáng tiếc, nhưng cũng thử hỏi tên họ là gì may ra có thể biết ra manh mối tung tích chăng.

Nghĩ đoạn Trùng Dương cất tiếng nói to:

- Vị cao nhân nào nói không cho tiểu sinh được diện kiến thì kính xin cho biết quí tánh cao danh.

Ở trong Bát trận đồ có tiếng cười ha hả, đồng thời một tiếng nói vang lên như tiếng chuông đồng:

- Dĩ la chôn thần kiếm, tiếng tiêu vạn cổ sầu.

Tiếng nói vừa dứt Trùng Dương thấy một bóng xanh thấp thoáng trong đống đá, chỉ chớp mắt không thấy đâu nữa.

Vương Trùng Dương thấy đối phương không chịu xuất đầu lộ diện lại chẳng chịu nói rõ danh tánh, chỉ để lại hai câu thơ thì chẳng hiểu có ẩn ý gì nên chàng thất vọng vô cùng bèn quay trở về thuyền.

Từ xa thấy từ trong thuyền một luồng khói đen bốc lên nghi ngút, rồi ngọn lửa chập chờn bốc lên cao.

Giật mình, Trùng Dương tưởng có chuyện gì chẳng lành xảy ra, vội vàng tung mình dùng thuật khinh công chạy bay xuống.

Đến nơi nhìn kỹ, họ Vương bất giác phì cười. Té ra cha con Đinh Nhị Mao đang đốt vàng mã cúng bái vì cho rằng hồi nãy hai anh em Đinh Cương, Đinh Nghĩa bị ma hớp hồn. Đinh Nhị Mao nhìn thấy Trùng Dương về tới nơi thì cả mừng reo to:

- May quá Vương công tử đã về đây rồi.

Vương Trùng Dương nhún mình nhảy vọt lên mạn thuyền. Đinh Nhị Mao vừa muốn ra lệnh cho bạn chèo nhổ neo chèo đi nơi khác, Vương Trùng Dương vội nói:

- Lão trượng không cho lấy nước uống hay sao? Không biết bao nhiêu ngày nữa mới tới lục địa, không tích trữ nước uống thì làm thế nào được.

- Trên hòn đảo này có ma, không nên lấy nước uống nữa. Nước uống trên thuyền nếu hà tiện cũng còn được hai ngày nữa, ta nên đi tìm đảo khác là hơn.

Vương Trùng Dương cố ý muốn gặp người bày Bát Môn Đồ trận nên gạt đi và nói:

- Không được! Dù cho nước còn được hai ngày nhưng chắc đâu tìm ra hòn đảo khác. Chi cho bằng hãy ở lại đây lấy đầy nước rồi hãy đi. Lão trượng hãy yên tâm để việc tìm nước tiểu sinh sẽ lo liệu.

Đinh Nhị Mao thấy trời cũng gần tối, dầu muốn khởi hành cũng không được nữa đành phải cắm thuyền nghĩ lại.

Đêm hôm đó, cha con họ Đinh và tất cả bạn chèo đều chui xuống dưới khoang vì sợ con ma trên hoang đảo, chỉ có một mình Trùng Dương ngồi tĩnh tọa trên khoang thuyền.

Chàng thấy mọi người đều có vẻ sợ sệt thì cười thầm. Chàng bèn vận khí luyện tập nội công của Toàn Chân phái.

Trăng đã lên cao, tỏa ra khắp bầu trời một ánh sáng dịu dàng. Biển yên sóng lặng, thỉnh thoảng mới có một luồng gió nhẹ nhàng thổi qua làm cho mặt nước lăn tăn gợn sóng.

Trên mặt bãi cát, ánh trăng chiếu xuống trông trắng toát một màu như một vùng tuyết trắng. Đối cảnh sinh tình, Vương Trùng Dương tức cảnh muốn làm vài bài thơ ca ngợi cảnh đẹp đêm trăng thì bỗng nghe có tiếng động rất nhẹ trên thuyền.

Là một người rất linh mẫn, Trùng Dương biết ngay là có người dùng thuật khinh công nhảy lên thuyền. Người này thuộc vào hàng bản lãnh cao siêu, thân thể nhẹ nhàng, không phát ra tiếng động mạnh.

Chàng lập tức nhún mình phi thân nhảy vọt ra ngoài mạn thuyền nhanh như tên bắn, cất tiếng cười ha hả:

- Quý khách! Xin mời xuống đây đàm đạo.

Tiếng nói của chàng vang lên như tiếng sấm khiến cho cha con họ Đinh và tất cả bạn chèo đều thức giấc. Họ run sợ vì cho rằng Trùng Dương đang trò chuyện với ma, không ai dám chạy lên thuyền, nằm im không dám cựa quậy.

Trùng Dương vừa dứt lời, ngước nhìn lên ngọn cột buồm quả nhiên thấy có một người mặc áo màu xanh đang ngồi vắt vẻo trên cái cột ngang trên tít ngọn cột buồm. Người đó cũng cất tiếng cười khanh khách và nói:

- Khá khen cho túc hạ tai rất thính, cũng đáng mặt hào kiệt trong võ lâm. Xin mời lên đây đàm thoại.

Vương Trùng Dương nói to:

- Xin tuân lời.

Nói vừa dứt lời, Trùng Dương tung vút người lên như con chim bay lên ngọn cột buồm. Vừa đưa tay định nắm lấy cây cột ngang trên đó, bỗng Thanh Y nhân quát lên một tiếng:

- Xuống mau!

Thanh Y nhân vừa nói, tả chưởng ở trước ngực hướng xuống dưới đánh ra một thế, đó là "Ép Vân chưởng". Vương Trùng Dương ở phía dưới nhảy vụt lên chẳng ngờ bị sức chưởng ở trên đánh xuống có hơn vạn cân lực, không còn thể chống chọi vào đâu được, vội vận dụng hết tuyệt kỹ công phu gồng người lên chịu.

Tuy không bị thương tích nhưng cũng bị chưởng phong xô bật ra ngoài biển.

Nhưng không hổ danh là đệ nhất danh gia của Toàn Chân phái, và là Trung Thần Thông của Võ Lâm Ngũ Bá sau này, họ Vương thấy Thanh Y nhân dùng "Ép Vân chưởng" định hạ mình thì đã nhanh tay chụp lấy mảnh cây dằn trên cột buồm dày chừng năm phân, lớn bằng bàn tay.

Lúc thân chàng rơi xuống, Vương Trùng Dương dùng miếng cây đó đánh mạnh xuống nước, đoạn lấy đà nhảy vút vào mạn thuyền nhanh như làn chớp nhoáng, toàn thân không hề bị một giọt nước nào làm ướt.

Trùng Dương cả giận vì bản thân chỉ muốn kết giao với Thanh Y nhân nên bản thân không chút đề phòng, nếu không nhờ vào bản lĩnh cao siêu thì còn gì là tánh mạng nữa. Chàng quát to:

- Đây là tại vì quí hữu ra tay trước thì đừng trách tại hạ ra tay thất lễ.

Nói xong Vương Trùng Dương đánh ra một chưởng, một luồng gió lớn phát ra uy lực ghê hồn. Chàng đã từng tập luyện "Nhất Dương chỉ" nên tuy cách xa cột buồm có tới một trượng mà chưởng phong vẫn mãnh liệt vô cùng.

Thanh Y nhân ngồi trên cột buồm vẫn tỏ ý kiêu ngạo không đề phòng, ngờ đâu cột buồm bị chưởng phong của Vương Trùng Dương đánh tới, gẫy ngang làm hai khúc văng xuống biển. Thanh Y nhân ngồi trên cột buồm bị ngã xuống như chiếc lá rụng.

Khi thân hình vừa chấm mặt nước, Thanh Y nhân dùng chân dẫm lên mặt nước nhảy phắt lên bãi cát rồi cắm đầu chạy thẳng.

Vương Trùng Dương cũng vội tung mình nhảy vọt lên bờ, dùng khinh công đuổi theo miệng la lớn:

- Xin hãy dừng chân! Xin hãy dừng chân.

Nhưng Thanh Y nhân vẫn vùn vụt chạy nhanh như bay, biến qua bãi cát và lẩn ngay vào Bát trận đồ.

Vương Trùng Dương chạy theo tới nơi đứng ngoài cửa nói to:

- Quí hữu đã có nhã ý đến thăm ngu hạ, xin đừng tránh nữa.

Vương Trùng Dương vừa nói đến đây bỗng thấy bên trong thạch trận vụt bay ra ba hòn đá nhằm thượng, trung, hạ toàn thân của Vương Trùng Dương bay tới.

Nhanh như cắt, Vương Trùng Dương đưa tay lên đã bắt được ba hòn đá đó trong tay. Vương Trùng Dương cười lên một tiếng to rồi nói:

- Người tưởng Bát trận đồ của Gia Cát Võ Hầu không ai phá nổi hay sao?

Nói xong, họ Vương dùng tay bóp vụn ba viên đá trong tay ra làm nhiều hòn đá nhỏ, đoạn vung tay dùng Miêu chưởng ném vút những viên đá nhỏ đó vào trong thạch trận đồ, nếu là thường nhân ném ra thì chẳng khác chi trẻ con nghịch cát.

Nhưng Vương Trùng Dương đã luyện Nhất Dương chỉ nên uy lực thật là ghê gớm. Những viên đá nhỏ mạnh như tên bắn bay vụt vào trong. Không ngờ ở trong thạch trận cũng có nhiều viên đá nhỏ bay ra, nhằm vào những viên đá nhỏ của họ Vương mà ném, hai bên chạm nhau tạo nên những âm thanh chát chúa rồi cùng nhau rơi lả tả xuống đất như trận mưa sa, kỳ ảo. Những bột đá bay tung ra thành những đám bụi mù mịt.

Crypto.com Exchange

Hồi (1-86)


<