Truyện Tiên Hiệp

Truyện:Anh hùng Đông A gươm thiêng Hàm Tử - Hồi 35

Anh hùng Đông A gươm thiêng Hàm Tử
Trọn bộ 61 hồi
Hồi 35: Con Cháu Của Vua Trưng
5.00
(2 lượt)


Hồi (1-61)

Tuyên phi nói sẽ vào tai A Lý Bất Ca:

– Bây giờ người là Đại Hãn rồi. Ta muốn Đại Hãn hứa cho một điều.

– Xin lắng tai nghe chỉ dụ của Thái phi.

– Mông Ca đã gả Vương Hoài Linh tức Huyền Hoa cho Đại Hãn. Suốt mấy năm qua Huyền Hoa đem nhan sắc, đem nét thanh lịch, đem tiếng hát làm cho Đại Hãn vui lòng. Ngày mai ta lên hỏa đài. Ta muốn Đại Hãn hứa cho một điều! Ta với Huyền Hoa cùng là người Việt. Nếu mai này Đại Hãn diệt Tống xong hãy coi Đại Việt như nước bạn, ngang hàng với nhau. Không nên coi Đại Việt như chư hầu. Tuyệt đối đừng đem quân đánh Đại Việt.

A Lý bất Ca cúi đầu:

– Ngôi Đại Hãn mà thần có ngày hôm nay là do Tuyên thái phi. Thần nguyện tuân chỉ Tuyên thái phi, không bao giờ gây hấn với Đại Việt.

Thế rồi suốt đêm đó A Lan Đáp Nhi, Lưu Thái Bình, Ngột A Đa cùng triều thần ban chỉ dụ gửi đến tất cả các Hãn ở Thảo nguyên, các chư hầu ở Tây vực và Đông phương, cáo tri Mông Ca băng hà, A Lý Bất Ca lên ngôi.

Hôm sau, Hoài Đô với tư cách Thống lĩnh hội đồng Quý tộc, họp các Quý tộc lại, rồi thuyết phục mọi người tôn A Lý Bất Ca thay Hiến Tông. Hoài Đô phải khó nhọc lắm mới đạt được kết quả 325/350 Quý tộc chấp thuận.

Ba tháng sau, Hội đồng Quý tộc tập họp bên bờ sông Long lý hà, làm lễ tấn phong A Lý Bất Ca theo truyền thống Mông cổ. A Lý Bất Ca quỳ gối trước tượng thần mặt trời tuyên thệ 10 điều. Hai người đứng tiếp nhận lời tuyên thệ: một là Tuyên Thái phi, người đã được Hiến Tông hoàng đế ủy cho trao cung lệnh, ngọc tỷ, lệnh phù cho tân Đại hãn. Hai là Hoài Đô thống lĩnh Hội đồng Quý tộc.

Trong buổi lễ này Tuyên thái phi Thanh Liên tuyên bố sẽ lên hỏa đài theo Hiến Tông hoàng đế.

Sau lễ tuyên thệ, Địa Lô tâu nhỏ với Tuyên Thái phi suốt một giờ về kế của Vũ Uy vương, vương phi chia Mông cổ thành 5 nước. Nghe xong, phi gọi A Lý Bất Ca đến lều mình:

– Đại hãn! Tôi nghe tin Đại vương Hốt Tất Liệt đang muốn đem quân về tranh ngôi với Đại hãn, nhưng vương không có chính nghĩa, vì không được hội đồng Quý tộc tấn phong. Các Hãn không ai theo vương cả. Chỉ Đại hãn mới có chính nghĩa. Đó là nhờ công lao vận động của Hãn Nãi man là Hoài Đô. Từ hôm lên ngôi đến giờ các văn võ quan đều được Đại hãn cho thăng lên một chức. Vậy Đại hãn đã thăng thưởng Hãn Hoài Đô gì chưa?

A Lý Bất Ca giật mình:

– Tâu Thái phi chưa!

– Chính tôi là người nhận di chúc từ Hiến Tông hoàng đế. Chính tôi là người nhận lời tuyên thệ của Đại hãn. Tôi muốn Đại hãn nên tạ ơn cho Hoài Đô!

– Theo ý Thái phi thì thần nên tạ ơn Hoài Đô thế nào?

– Hoài Đô là Hãn Nãi man ở vùng Tây Nam Mông cổ. Xung quanh Hãn địa của người còn 15 Hãn quốc nhỏ, trước thuộc Nãi man. Vậy Đại hãn nên trả 15 Hãn địa nhỏ này cho Hoài Đô, để lao tưởng công trạng theo Hiến Tông hoàng đế bấy lâu.

A Lý Bất Ca tỉnh ngộ nói với A Lan Đáp Nhi:

– Đại vương! Đại vương là Tể tướng, Đại vương hãy soạn chiếu chỉ để tôi phong 15 vùng đất này cho Hoài Đô.

Lại hơn một tháng sau: nhớ ơn Hoài Đô đã vận động Quý tộc tôn mình làm Đại hãn. A Lý Bất Ca truyền A Lan Đáp Nhi sai sứ đến các vùng 15 bộ tộc nhỏ phía Tây Nam Mông cổ sát nhập vào Hãn địa của Hoài Đô, lại ban chỉ phong Hoài Đô thành một Hãn toàn quyền như các vua Tây hạ, Cao ly, An Nam.

Nguyên Hoài Đô là Thái tử Hãn Nãi man ở phía Tây Nam Mông cổ. Khi cha băng, y được kế nghiệp. Hiến Tông hoàng đế ra lệnh trưng binh, Hoài Đô mang 2 vạn Kị binh theo Mông Ca chinh chiến lập không biết bao nhiêu công trạng. Hiến Tông hoàng đế gả con gái cho y. Nhờ uy tín là Phò mã, Hoài Đô được tôn làm Thủ lĩnh hội đồng Quý tộc, quyền hành bao la không thua gì Đại hãn. Mấy năm trước trong một cuộc tập luyện, công chúa vợ Hoài Đô bị tai nạn hoăng. Đúng lúc đó Hiến Tông hoàng đế sai Hoài Đô coi về hành chính, cai trị vùng Tứ xuyên, Đại lý, Tây tạng. Y theo Ngột Lương Hợp Thai đánh Đại Việt. Đại bại. Tuy nhiên y được Vũ Uy vương gả Thúy Trang cho.

Bây giờ thêm 15 hãn nhỏ nhập trở lại lãnh địa cũ, y trở thành ông vua một nước với 30 vạn Kị binh, một lãnh thổ trù phú đông dân hơn cả Đại Việt. Thúy Trang nghiễm nhiên trở thành Hoàng hậu.

Trong lễ tấn phong Hoài Đô, có sự hiện diện của Nguyên phi Huyền Liên (vợ A Lý Bất Ca), vương phi Thúy Nga, vương phi Thanh Nga cùng Địa Lô, Đại Hành.

Thúy Trang hỏi Địa Lô, Đại Hành bằng tiếng Việt:

– Trong 12 đứa thì em nhỏ tuổi nhất, nhưng em lại được chồng sủng ái nhất. Bây giờ em trở thành Hoàng hậu. Vậy nhiệm vụ em phải làm gì cho Đại Việt?

Địa Lô khẩn khoản:

– Khi Hoài Đô được phong Hãn thành một nước. Anh đã sai chim ưng báo với Vũ Uy vương. Vương ban chỉ: Thúy Trang phải thuyết phục chồng rằng:

“ Tài trí của vương không thua Hốt Tất Liệt, Tháp Sát Nhi, A Lý Bất Ca. Vương là Hãn đang Thống lĩnh hội đồng Quý tộc, lại làm chủ Nãi man trù phú, đông dân. Vậy Hãn cần thoát ra khỏi quyền lực của Hốt Tất Liệt, A Lý Bất Ca. Hãn phải vươn lên thành một nước ngang hàng với Trung nguyên, Mông cổ. Hãn không thể để họ bắt tuân theo sáu điều như bắt các chư hầu nhỏ: 
  1. Một là đích thân quốc vương phải vào chầu,
  2. Hai là đem trưởng nam làm con tin,
  3. Ba là kê biên dân số,
  4. Bốn là phải chịu quân dịch,
  5. Năm là phải nộp thuế, lương thảo.
  6. Sáu là nhận Đạt lỗ hoa xích (Đa gu ra tri).

Quả nhiên khi nghe vợ thuyết phục, Hoài Đô làm ngay. Y thiết lập một triều đình đủ văn võ quan như triều đình Tống.

Trước ngày lên hỏa đài, Tuyên thái phi tuyên chỉ gọi A Mít Lỗ Tề, Đi Mi Trinh vào lều của mình dặn dò, ban mật chỉ:

– Hai vị có biết rằng đương thời Hiến Tông hoàng đế với ta rất tin dùng hai vị không?

– Tâu Thái phi, thần biết.

– Vương phi Ý Ninh hỏi vợ cho hai vị. Ta làm lễ cưới cho hai vị, đã nói lên điều ta tin dùng hai vị. Bây giờ hai vị ra bờ sông Long Lý Hà làm cho ta một hỏa đài. Giữa hỏa đài đặt một cái ghế. Xung quanh chất nhựa thông. Hai ngày nữa ta sẽ lên hỏa đài để về bên kia thế giới với Đại Hãn.

Hai người khóc nức nở ra ngoài.

Thái phi lại gọi Ngột A Đa, Thanh Nga:

– Ngột A Đa! Em là Trần Đại Việt! Em là người Việt. Không bao giờ em được quên điều đó. Em có vợ đẹp Thanh Nga. Hồi xưa chị có tội, bị Đại Việt kết án voi dầy. Chị được Thanh Nga xin với Tuyên minh thái hoàng thái hậu giảm án, nên mới được sống tới nay. Chúng ta cùng là người Việt, phiêu bạt sang Mông cổ, được Hiến Tông hoàng đế tin dùng! Bây giờ Hiến Tông hoàng đế không còn nữa. Mai này sẽ có cuộc chiến giữa A Lý Bất Ca với Hốt Tất Liệt. Nếu A Lý Bất Ca thắng, chắc chắn y sẽ đem quân đánh Tống. Tống bị diệt rồi, bọn quần thần sẽ xui A Lý Bất Ca đánh Đại Việt ta. Hai em phải dùng hết tài năng kết thân với văn quan, võ tướng, can không để Mông cổ đánh nước mình.

Ngột A Đa, Thanh Nga quỳ gối:

– Hai em luôn ghi nhớ lời chị dặn.

Phi thở dài:

– Nếu như Hốt Tất Liệt thắng thì hai em cùng nhau về nước mình mà sống. Triều đình Đại Việt sẽ lao tưởng công của các em.

Phi gọi A Lan Đáp Nhi, Thúy Nga:

– Đại vương! Khi còn tại thế, vương là người Hiến Tông hoàng đế tin dùng hơn cả em ruột là Hốt Tất Liệt. Bây giờ Đại Hãn băng rồi. Vương đã được Đại Việt ưu ái, gả Thúy Nga cho. Thúy Nga xinh đẹp, khéo léo cư xử. Thúy Nga cùng Thanh Nga đã cứu mạng Đại Vương trong điện Quang minh ở Yên kinh. Thế thì ngoài tình vợ chồng, Thúy Nga con có ơn cứu tử với Đại vương. Ngày mai tôi lên hỏa đài, tôi có một ước nguyện mong Tể tướng hứa giúp cho!

A Lan Đáp Nhi cùng Thúy Nga quỳ gối:

– Thần xin kính cẩn nghe di chúc của Thái phi.

– Ta với Thúy Nga đều là người Việt. Sau này nếu như A Lý Bất Ca định đem quân đánh Đại Việt, mong Tể tướng hết sức can ngăn.

– Thần xin ghi nhớ di chúc của Thái phi.

Phi chỉ Hoàng Liên ngồi cạnh:

– Ta với chị Hoàng là bạn từ thời thơ ấu. Bây giờ chị ấy ước muốn trở về quê. Vậy Tể tướng cấp người hộ tống chị ấy về Đại Việt.

– Thần sẽ làm như chỉ của Thái phi.

Thái phi gọi Địa Lô, Đại Hành:

– Đại Hành, Địa Lô! Các em có biết chị yêu thương các em vô cùng không? Nguyên do, chúng ta cùng làm việc nước, hơn nữa các em là những người trung thành với chị. Chỉ có một lần Lô đệ dối chị. Đúng ra nếu không phải Lô đệ, chị chặt đầu Lô đệ rồi. Nhưng chị nhắm mắt lờ đi. Chị không giận Lô đệ đâu. Vì Lô đệ làm việc đó chẳng qua cũng vì Đại Việt.

–!?!?!?

– Hôm bọn Cao Bằng Tiêu, Lưu Hắc Mã, Ô Mã Nhi, Lý Hằng bị bắt, đêm Lô đệ cởi dây trói cho chúng rồi khuyên chúng về tâu với Hốt Tất Liệt nên xưng hoàng đế, đem quân về Hoa lâm tranh thắng với A Lý Bất Ca. Lô đệ làm việc này đến Đại Hành cũng không biết. Nên hôm sau Đại Hành chịu tội với chị. Chị tha, không bắt tội. Chị nhắc lại: tuy chị không hơn Lô đệ nhiều tuổi, nhưng chị yêu Lô như con. Chị không có can đảm chặt đầu Lô đệ.

Địa Lô toát mồ hôi, ớn da gà, Tử nắm lấy tay Thái phi:

– Quả lòng chị rộng như biển Đông, xứng đáng để em gọi là mẹ.

Phi tiếp:

– Chị em ta chỉ là những người ở xứ thấp nhiệt xa xôi, lưu lạc sang Mông cổ. Dù lưu lạc, dù đạt địa vị cao, chúng ta không quên nguồn gốc. Chúng ta đã làm được một việc kinh thiên động địa là tách Mông cổ thành hai thế lực chém giết nhau. Đó là thế lực lều trại Thảo nguyên và thế lực định cư Trung nguyên. Tuy nhiên như thế cũng chưa đủ phá cái thế lực ác độc luôn chụp lên đất nước ta. Chị em ta lại lập ra một thế lực khác đó là phục hồi Hãn địa Nãi man đe dọa hai thế lực lều trại và định cư. Đại Hành đã thư cho Bạch Liên, Hồng Nga khích bọn Hốt Tất Liệt, Ngột Lương Hợp Thai đem quân về đây tranh ngôi Đại hãn. Lại thư cho Hồng Liên khuyên Tháp Sát Nhi biên thùy một cõi tách ra thành nước Bắc Liêu. Mông cổ bị chia thành 5 nước. Thì cái hoa That Đát không đáng lo ngại nữa.

Địa Lô kính cẩn:

– Em xin ghi nhớ chỉ dụ của chị.

Phi tiếp:

– Hai em là những anh hùng thời đại. Bây giờ trước lúc vĩnh biệt, chị phải nói thực, chị yêu thương các em như ruột thịt. Chị coi hai em như con hơn là em. Theo phong tục Việt, nữ trang của chị chỉ cho con dâu. Chị không có con. Đây chị cho mỗi em một hộp trong đựng nữ trang của chị để các em tặng cho vợ. Chị coi chúng như dâu của chị.

Hai người quỳ gối bái lậy.

Phi nói nhỏ:

– Lực học của chị không làm bao. Chị nhờ Lô viết cho chị một tờ biểu tâu về triều đình, một bức thư về cho bố mẹ chị. Nào, chúng ta cùng viết.

Địa Lô mài mực, phi đọc:

« Thần Tô Kim Huệ, đứa con gái ở đất Đăng châu, hiện là Tuyên thái phi của nước Mông cổ xa xôi, xin kính cẩn có đôi lời tâu trình bệ hạ. 
Thần sinh ra trong một gia đình nghèo khó, không có mảnh đất cắm dùi. Cha đi cầy, mẹ đi cấy. Hai thân làm việc quần quật cả ngày mà không đủ nuôi thần với đứa em trai. Năm thần 12 tuổi, vì cha mẹ quá túng thiếu phải bán thần cho Quán văn Ngọc thụy. Ở đây thần được gửi đến phường Đông hoa học ca, học hát. Nhờ thiên phú về âm nhạc, nhờ trời ban cho tấm nhan sắc, thần cùng 6 người bạn được danh sĩ tặng cho mỹ danh Tô lịch thất tiên. 
Trong gia đình, thần chưa được cha mẹ dạy cho luân lý, đạo làm người. Tại Ngọc thụy thần chỉ được dậy thuật chăn gối, thuật lừa đảo đàn ông. Thành ra thần không phân biệt được điều gì là tốt, điều gì là xấu. 
Khi đi vào tuổi 20, thần treo bảng tuyển phu. Tham tri Lễ bộ Chu Bác Lãm trúng tuyển. Thần đang từ một ca kĩ trở thành đại phu nhân, mà đâu có biết rằng mình được lên đài danh vọng! Thần tiếp tục lao vào chốn hôi tanh, nhơ nhớp, mà nào có biết đó là điều cực xấu, cực ghê tởm. 
Thế rồi trời đất nổi phong ba, Mông cổ ào vào Thăng long. Chúng bắt cả 7 chị em đem đi. Được Vũ Uy vương cứu thoát, chị em thần không cho đó là điều may, lại tiếp tục lăn mình vào chốn hôi tanh, trốn theo rợ Hồ, bị bắt, bị đem ra tòa, bị kết tội voi dầy, ngựa xé, cha mẹ bị liên quan. 
May mắn thay được Tuyên minh thái hoàng thái hậu ân xá, được Tuệ Trung Bồ Tát xóa bỏ ác trược, truyền huệ cho, mà biết đạo làm người, đạo làm con, đạo làm dân, biết phân biệt thiện-ác. Bọn thần nguyện đới tội lập công. Triều đình đem cống cho Mông cổ. Thần được Hiến Tông hoàng đế sủng ái cùng cực, phong cho tước Tuyên phi. Kể ra với tước Tuyên thái phi hiện thời, nếu không phải con dân Đại Việt, thì thân phận thần cao vòi vọi so với tước An Nam quốc vương của bệ hạ. Nhưng thần vẫn coi mình là người Việt, vẫn nghĩ mình là cô gái Đăng châu, mà xưng thần với bệ hạ. 
Trong trận đánh Điếu ngư thần nhận chỉ dụ khuyên Hiến Tông hoàng đế mặc bộ giáp bạc, để Lôi tiễn, máy bắn đá biết chỗ đứng mà giết. Mông Ca đãi thần không bạc, sủng ái thần cùng cực, nên nghe lời thần. Thần với Hiến Tông hoàng đế như một cặp vợ chồng trẻ, sớm hôm bên nhau như đôi chim liền cánh, thế mà thần phải cắn răng đẩy Hiến Tông hoàng đế vào chỗ chết. Vì sủng ái thần mà Hiến Tông hoàng đế bị trúng đá đến chết. Ôi đau đớn biết bao, ân hận biết bao? Khi Hiến Tông hoàng đế trở về, đầu bị thủng, lưng bị bẹp, thần nhìn người yêu mà đứt ruột ra được. 
Bây giờ Hiến Tông hoàng đế ra người thiên cổ. Triều đình Mông cổ ắt sẽ gả thần cho một thân vương, một đại tướng khác. Thần cương quyết không thể làm như những phi tần khác. Khi lên đường đi Mông cổ, thần được dậy Tam cương, Ngũ thường, nên thần phải giữ cái đạo đó. Thần đã nguyện dâng cả cuộc đời cho Mông Ca. Thần sẽ lên hỏa đài, về bên kia thế giới với người tình, vĩnh viễn bên nhau. Ngày mai thần sẽ lên hỏa đài. 
Ôi Đại Việt! ÔI con Rồng, cháu Tiên! Thần đã hy sinh, dâng hiến cho đất nước đầy đủ. Thần không ân hận gì nữa ». 

Thanh Liên nấc lên, nghẹn lời, rồi nói với Địa Lô, Đại Hành:

– Thư này phải do chính tay Địa Lô đem về cho triều đình Việt. Địa Lô có thể chết, chứ thư không được lộ ra ngoài. Thư này lộ ra ngoài thì toàn Mông cổ sẽ nổi lên làn sóng công phẫn trả thù cho Hiến Tông hoàng đế. Họ sẽ giết chết tất cả những người Việt như Tô lịch thất tiên, Đông hoa ngũ tuyệt, và các nàng Ngọc, rồi đem quân nghiêng nước, san bằng Đại Việt.

Địa Lô cung kính:

– Em ghi nhớ chỉ dụ của chị.

Phi lại đọc cho Địa Lô viết:

« Con là Tô Kim Huệ, từ đất Mông cổ xa diệu vợi kính gửi đến hai thân những lời cuối cùng. 
Con sinh ra làm con bố mẹ. Bố mẹ nghèo khó, nên phải bán con. Con không hề oán hận bố mẹ. 
Khi con được đem sang cống cho Mông cổ, triều đình đã phong cho bố hàm tam tư, mẹ hàm Ngũ phẩm phu nhân, được cấp 15 mẫu ruộng nhất đẳng điền. Tuy xa xôi con cũng biết bố mẹ không bị túng thiếu. Con tới Mông cổ được Hiến Tông hoàng đế sủng ái phong cho tước Tuyên phi, danh vọng tuyệt cao. Người lại ban cho con nhiều vàng ngọc. Bổng lộc tước Tuyên phi rất cao. Tuy sống trong danh vọng, kẻ hầu, người hạ. Nhưng lúc nào con cũng nghĩ tới song thân. Năm trước, Vũ Uy vương phi về nước con có gửi ngọc, vàng về dâng bố mẹ. Con cũng nhận được thư bố mẹ gửi cho con do Văn Bắc thượng tướng quân chuyển giao. 
Bây giờ Hiến Tông hoàng đế băng hà. Nhiều người khuyên con về nước sẽ được triều đình lao tưởng, sống cạnh song thân. Song bố ơi, mẹ ơi Hiến Tông hoàng đế băng lòng con đứt ra được. Con đành bất hiếu với bố mẹ, mà theo Hiến Tông hoàng đế về cõi âm. 
Con nhờ Văn Bắc thượng tướng quân chuyển những vàng ngọc mà Hiến Tông ban cho con, để dâng bố mẹ. 
Hỡi ôi! Con quỳ gối bái lậy bố mẹ, tha tội bất hiếu cho con. 
Tô Kim Huệ khấp lạy ». 

Nàng gọi bốn cô Ngọc Kỳ, Ngọc Quốc, Ngọc Trí, Ngọc Cách vào. Bốn nàng quỳ gối bái lậy:

– Chị sắp theo Hiến Tông hoàng đế rồi, chị chỉ giữ lại một bộ quần áo mà Hiến Tông hoàng đế thích nhất để lên hỏa đài. Còn lại chị cho bốn em cả. Tất cả nữ trang vàng, ngọc chị chia cho bốn em đây. Sau này khó biết bốn em sẽ được gả cho ai. Dù cho các em có được gả cho vương tước, hay tướng sĩ thì các em phải dùng tất cả nghệ thuật bắt nai tạo hạnh phúc cho chồng. Dù chồng sủng ái đến đâu, các em cũng luôn nghĩ đến làm lợi cho nước Việt mình.

Phi sai cung nữ hầu cận đem tất cả y phục, nữ trang còn lại chia cho bốn nàng.

Phi sai tỳ nữ mời Hoài Đô, Thúy Trang vào. Hai người bái lậy:

– Bái kiến Thái phi.

Phi cầm tay Thúy Trang nói bằng tiếng Mông cổ:

– Trong đám con gái được gả sang đây thì em trẻ nhất. Tâm tính đơn thuần nhất. Em đã làm cho Hãn Hoài Đô vui lòng. Bây giờ Hãn Hoài Đô phục hồi được Nãi man, trở thành vua một nước lớn không thua gì Mông cổ, Tây hạ, Tống. Em thành Hoàng hậu, ngồi trùm thần dân. Em cần làm sáng cái đức sẵn có của chồng: không để cho Hoài Đô phải phủ phục trước A Lý Bất Ca hay Hốt Tất Liệt. Không để họ áp đặt 6 điều như các chư hầu nhỏ.

– Em hiểu ý chị.

Phi nói với Hoài Đô bằng tiếng Hán:

– Bệ hạ! Về tài trí thì bệ hạ hơn cả Hốt Tất Liệt lẫn A Lý Bất Ca. Đúng ra ngôi Đại hãn phải do bệ hạ ngồi trùm. Hiện bệ hạ làm vua một nước Nãi man lớn. Bệ hạ cần thao luyện sĩ tốt để có sức mạnh dễ dàng đối thoại với các nước xung quanh. Bệ hạ đã học Hán pháp. Bệ hạ nên cố gắng khuyến khích chăn nuôi cho nước giầu, mở trường dậy học nâng cao dân trí. Biết đâu sau này bệ hạ sẽ thành Đại hãn! Thành Hoàng đế Trung nguyên!

Hoài Đô cảm động:

– Thần xin kính cẩn ghi nhớ chỉ dụ của Thái phi.

Sáng hôm sau khi bình minh, mặt trời tỏa ánh sáng. Bên sông Long Lý Hà, tất cả hoàng tộc, quý tộc, thân vương, đại thần đông đến mấy vạn người đứng xung quanh một cái đài cao. Trên đài chất củi, nhựa thông. Ở giữa một cái ghế phủ gấm. Đó là hỏa đài để Tuyên thái phi về cõi âm với Hiến Tông hoàng đế.

Một đoàn người ngựa hộ tống cái kiệu. Tuyên Thái phi Thanh Liên ngồi trên. Kiệu đi đến đâu, người người quỳ gối bái lậy. Tới đài, phi đứng lại trước cầu thang. Gió thổi y phục bay phất phới. Dù nam, dù nữ, dù già, dù trẻ đều suýt xoa, vì phi đẹp như thiên tiên. Hai bên cầu thang là bốn tướng từng hộ vệ Đại Hãn là A Mít Lỗ Tề, Đi Mi Trinh, Kim Đại Hòa, Nguyễn Đại Hành cùng vợ là Ngọc Hạ, Ngọc Tiên, Ngọc Trị; thêm Địa Lô, Ngọc Hồng; Ngột A Đa, Thanh Nga; Cáp Thiết Sáp Nhi, Ngọc Mộc Hốt Nhi với Tử Liên, Lan Liên. Hoài Đô với Thúy Trang; A Lý Bất Ca với Huyền Liên. Cuối cùng là bốn nàng Ngọc Kỳ, Ngọc Quốc, Ngọc Trí, Ngọc Cách. Hoàng Liên đứng ngay chân cầu thang. Địa Lô điều khiển các nàng cùng tấu bát âm.

Phi cất tiếng hát một bài ca tụng vua Trưng theo điệu Ca trù, biến sang hát Xẩm bằng tiếng Việt. Rồi lại hát bằng tiếng Mông cổ do Địa Lô dịch. Hát xong, phi nắm tay Hoàng Liên, Huyền Liên:

– Chị Hoàng, chị Huyền, chúng mình theo đạo Phật. Đúng như Phật dậy cuộc đời là vô thường. Chúng ta từ những ca nhi của Thăng long, rồi thành đại phu nhân, rồi thành vương phi, tuyên phi. Bây giờ em đi trước! Em nói thực với chị: Hiến Tông hoàng đế là người tình sủng ái em cùng cực. Vì sủng ái em mà người băng hà trong đau đớn. Nhưng đáp lại người đã chiếm trọn tình yêu của em. Thôi em ra đi đây!

Phi khoan thai lên đài ngồi vào chiếc ghế bọc gấm.

Một hòa thượng người Thổ phồn (Tây tạng) đọc kinh vãng sinh rồi châm lửa. Nhựa thông bắt lửa rất nhanh. Phút chốc người ta chỉ thấy phi ngồi chắp tay, trong khi lửa bọc khắp bốn bên.

Hằng vạn người quỳ gối hướng lên đài vái lậy phi.

Tối hôm đó Địa Lô gửi thư về báo cho Vũ Uy vương biết tình hình:

“Có lẽ Bạch Liên, Hồng Nga đã thành công, khích Hốt Tất Liệt tranh quyền nên y sai ba tướng Lý Hằng, Lưu Hắc Mã, Cao Bằng Tiêu đem một vạn phu kị binh đón dường cướp tử quan, lệnh phù, binh phù, nhưng thất bại. Tên Ô Mã Nhi trở mặt theo Hốt Tất Liệt. Cả bọn Lý Hằng, Lưu Hắc Mã, Cao Bằng Tiêu, Ô Mã Nhi bị bắt. Đêm thần coi trói thả cho chúng ra, rồi làm bộ thân Hốt Tất Liệt dặn bốn đứa: các huynh về tâu với Đại vương rằng không cần hội đồng Quý tộc tấn phong, cứ lên ngôi, rồi đem quân về Hoa lâm hạ bệ A Lý Bất Ca xuống. 
Chư sự ở Hoa lâm diễn ra tốt đẹp. A Lý Bất Ca được chị Thanh Liên truyền cung lệnh di vật của Thành Cát Tư Hãn, Ngọc tỳ, binh phù, lệnh phù. Y được tôn lên ngôi Đại Hãn. Hội đồng quý tộc đã tấn phong y. A Lan Đáp Nhi, Lưu Thái Bình, Ngột A Đa sai sứ đi báo tang cho các Hãn, các nước Tây vực cũng như các đạo binh, tuyên cáo A Lý Bất Ca lên ngôi. 
Đã giúp Hoài Đô phục hồi nước Nãi man ở phía Tây Nam Mông cổ. Lãnh địa lớn dân số không thua chính quốc Mông cổ, với 30 vạn Kị binh. Hãn địa này không chịu thần phục A Lý Bất Ca cũng như Hốt Tất Liệt “. 

Tại Thành đô, Vũ Uy vương nhận được tấu trình của Địa Lô, vương viết biểu tâu về triều đình về:

– Tống triều ký thỏa ước với Mông cổ. 
– Tống triều sai sứ sang Đại Việt tạ ơn. 
– Tống triều chuẩn bị phong chức tước cho các tướng sĩ Việt sang trợ chiến. 
– Chi tiết trận đánh Trường thảo, Điếu ngư, Bồ lăng. 
– Mông Ca bị giết, 
– Thanh Liên nắm quyền, cho rút quân Mông cổ khỏi Ích châu. 
– Thanh Liên tấn phong A Lý Bất Ca lên ngôi Đại Hãn. A Lý Bất Ca cùng triều thần tôn Thanh Liên lên ngôi vị Thánh Mẫu như bà Bật Tê, chính cung của Thái Tổ Thành Cát Tư Hãn. 
– Thanh Liên ân hận rằng vì việc nước mà phải giết chồng, nên tự nguyện lên hỏa đài. 
– Kế hoạch cho Mông cổ có nội chiến giữa Hốt Tất Liệt và A Lý Bất Ca, coi như thành công. 
– Hốt Tất Liệt có nhiều tham vọng. Tuy chưa làm chúa Mông cổ mà y cứ sai sứ đi các nước yêu sách đủ điều. Vậy khi sứ của y sang ta, mình cứ làm như không biết tình hình Mông cổ, rồi chúng yêu sách gì, mình cũng bác bỏ hết. 
– Một nước cũ là Nãi man được phục hồi, do Hoài Đô làm vua, mới tách ra từ Mông cổ, không thần phục A Lý Bất Ca lẫn Hốt Tất Liệt. 

Đúng lúc đó.

Tại Tổng hành doanh của Bắc Liêu vương Mông cổ (nay thuộc tỉnh Hắc Long giang Trung quốc) đóng trong thành Thẩm dương, vùng biên giới Mông cổ, Trung nguyên với Cao ly. Hồng Liên nhận được thư do chim ưng mang tới. Thư của Thanh Liên. Sự thực thư đó do Địa Lô tuân chỉ Vũ Uy vương viết. Chứ Thanh Liên đã lên hoả đài mấy ngày rồi:

« Em ơi! Chị báo cho em một tin kinh khủng. Đại Hãn băng rồi. Miếu hiệu là Hiến Tông hoàng đế. Người để di chiếu lại cho A Lý Bất Ca thay người. Nhưng hiện hầu hết các đạo binh, do Hốt Tất Liệt nắm. Y sẽ không tuân di chiếu tôn A Lý Bất Ca lên làm Đại Hãn. Chị biết lực lượng dưới quyền Tháp Sát Nhi tới hơn 10 vạn kị Mông cổ với 15 vạn binh người Hán. Em phải cương quyết khuyên Tháp Sát Nhi án binh bất động. Đây là chỉ dụ của Vũ Uy vương: nếu A lý Bất Ca mạnh thì theo Hốt Tất Liệt. Ngược lại Hốt Tất Liệt mạnh thì theo A Lý Bất Ca”.

Tử cũng giả lời Huyền Liên viết cho Hồng Liên thuật chi tiết những gì đã diễn ra tại Hợp châu, Hoa lâm.

Trong Tô lịch thất liên, và năm nàng Đông Hoa thì bản lĩnh bắt nai của Hồng Liên cao nhất. Dạn dầy, kinh nghiệm với người đẹp như Địa Lô, mà hồi ở trên thuyền đi trong xứ Thục, nàng còn làm cho quay cuồng, suýt nữa bị bắt tươi. Nàng lại thông minh, nói giỏi, lắm mưu nhiều mẹo. Từ ngày được đưa sang Mông cổ, gả cho Tháp Sát Nhi, nàng dùng nghệ thuật bắt nai, bắt tất cả ba hồn bẩy vía của chồng bỏ vào đôi mắt óng ánh như nước hồ thu của nàng. Có thể nói nàng nắm chắc con tim của chồng. Khác với tất cả chị em trong Tô lịch, Đông hoa, ít xen vào việc của chồng, Hồng Liên tham dự mọi cuộc họp, cuộc điều quân của Tháp Sát Nhi. Nàng học thuộc lầu bộ Binh thư yếu lược, Vạn kiếp tông bí truyền thư của Hưng Đạo vương. Vì vậy trong các cuộc hội tướng sỹ, mỗi phát biểu của nàng, chư tướng đều kính phục. Trước đây nàng đã cùng chồng tham dự vào việc tước binh quyền của Hốt Tất Liệt. Nàng biết, bây giờ nếu như Hốt Tất Liệt lên làm Đại Hãn thì vợ chồng nàng khó thoát khỏi cái chết.

Nàng cất thư vào túi rồi tìm Trung Thành vương Trần Tử An. Ông là cha của Ngột A Đa. Ông được Mông Ca sai đi làm quân sư cho A Lý Bất Ca. Vừa thấy nàng, ông đã hỏi:

– Con gái! Có tin gì đây?

Nàng là vợ của Tháp Sát Nhi, tước Bắc Liêu đại vương. Ai gặp nàng cũng hành lễ gọi là vương phi. Duy ông, ông nói tiếng Việt, gọi nàng là con gái. Vì vậy mỗi khi gặp ông, nàng cảm thấy ấm áp trong lòng.

– Có tin khủng khiếp. Con muốn bàn với bố trước khi bàn với chồng.

Ông tát yêu nàng:

– Con gái có hiếu quá! Coi trọng bố nhỉ.

Ông tiếp thư của Thanh Liên, Huyền Liên đọc. Đọc xong ông trầm ngâm:

– Con nghĩ sao?

– Việc này lớn quá, ngoài tầm hiểu biết của con. Vì vậy con mới hỏi bố.

– Bố thấy con là người tài trí nhất trong Thất liên, và năm con bé Đông hoa. Thế mà từ khi các con sang Mông cổ đến giờ con chưa có dịp thi thố tài năng. Bây giờ con được trổ tài của cháu vua Trưng, con bà Triệu.

– Ý bố muốn nói?

– Con bé Thanh Liên, Huyền Liên đã hoàn thành nhiệm vụ quá tốt đẹp: đưa A Lý Bất Ca lên ngôi Đại Hãn đường đường, chính chính. Con bé Thanh Nga, Thúy Nga, Tử Liên, Lan Liên cũng góp công vào việc này không nhỏ. Con bé Bạch Liên, Hồng Nga tỏ ra có bản lĩnh siêu việt, thúc Hốt Tất Liệt lên ngôi hoàng đế lập ra triều đại Đại Nguyên. Thế là Mông cổ chia làm hai nước. Nội chiến sẽ khủng khiếp trong ít nhất 3 đến 5 năm. Cuối cùng dù Hốt Tất Liệt thắng hay A Lý Bất Ca thắng thì tinh lực Mông cể cũng kiệt quệ. Đại Việt nhờ thế mà yên.

– Vậy bố bảo con phải làm gì?

– Thì trong thư Thanh Liên đã nói rồi!

– Con không hiểu hết ý nghĩa lời khuyên: Hốt Tất Liệt thắng thì theo A Lý Bất Ca và ngược lại.

– Có gì đâu! Mục đích của chúng ta là tạo ra nội chiến Mông cổ, càng thảm khốc càng tốt. Vì vậy bên nào bại thì con thúc chồng theo bên đó, để cân bằng lực lượng, chiến cuộc mới kéo dài.

Hồng Liên reo lên:

– Trời ơi, chị Thanh Liên minh mẫn thực. Có thế mà con không hiểu.

– Con không hiểu cũng phải. Theo bố thì con bé Thanh Liên không nghĩ ra được mưu này đâu, mưu này do thằng bé Vũ Uy hay con bé Ý Ninh bầy cho con Thanh Liên đấy. Thôi con tìm chồng, liếc mắt, nở nụ cười sao cho nó nghe lời con. Nếu nó trì nghi thì con bảo nó: anh đi vấn kế quân sư đi. Bấy giờ nó sẽ vấn kế bố. Bố sẽ trổ tài.

Hồng Liên trở về loan phòng, tắm rửa, trang điểm, nàng mặc áo cánh lụa trắng, yếm mầu tím, váy lụa đen rồi ngồi chờ chồng. Thông thường giờ Thân thì Tháp Sát Nhi về. Biết thế nàng lấy cây đàn bầu ra đánh bản Lưu thủy, rồi cất tiếng ca một bài theo điệu hát Xẩm. Bài ca vừa được bốn câu thì có tiếng chân người đi, rồi Tháp Sát Nhi bước vào. Viên tướng hét ra lửa, mửa ra khói của mặt trận Tương dương, Phàn thành năm trước đứng ngây người ra nhìn cô vợ trẻ đang vừa hát, vừa đàn. Hồng Liên liếc mắt nở một nụ cười.

Tháp Sát Nhi nhìn khuôn mặt thanh tú, ánh mắt sáng ngời, ngực nhô lên thụp xuống của vợ, trong khi tiếng đàn réo rắt nhẹ nhàng phát ra. Y ra đứng sau lưng nàng, hai tay choàng lấy cổ nàng, rồi hôn lên mái tóc.

Hồng Liên buông lỏng, ngừng đàn để chồng hưởng tất cả nét thanh lịch, hương thơm son trẻ của tuổi xuân mình. Khoảng hơn khắc, biết mình có đôi mắt đẹp, nàng gỡ tay chồng ra, rồi ngửa mặt nhìn chồng:

– Em đánh cho anh nghe một bản nhạc đặc biệt nghe.

Dù Hồng Liên là vợ vương mấy năm, tình nghĩa vợ chồng cực kỳ nồng nàn, thế nhưng hôm nay Hồng Liên trang phục giản dị, đôi mắt đong đưa làm cho Tháp Sát Nhi như người say rượu. Hồng Liên lấy nhị ra kéo rồi cất tiếng ca bài Thập ân bằng tiếng Mông cổ. Bài này nguyên tác bằng tiếng Việt, Địa Lô đã dịch sang tiếng Hán, tiếng Mông cổ. Nội dung ca tụng, khóc thương tưởng nhớ 10 công đức sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Nên rất buồn. Tháp Sát Nhi hỏi vợ:

– Tại sao em lại hát bản nhạc buồn như vậy?

– Em hát để khóc một người.

– Ai vậy?

– Đại Hãn Mông Ca.

– Em đừng đùa!

– Trong trận đánh ở Hợp châu, Đại Hãn bị đá bắn trúng đầu, lưng, bị thương nặng. Sau ba ngày điều trị, đã băng hà rồi. Hiện tử cung đã đưa về Hoa lâm an táng. Miếu hiệu là Hiến Tông hoàng đế

Tháp Sát Nhi giật bắn người lên:

– Tin tức ở đâu vậy?

– Tin do Tuyên phi Thanh Liên gửi cho em!

– Thế Hiến Tông hoàng đế có để di chiếu cho ai thay người không?

– Có! Người để di chiếu cho A Lý Bất Ca thay thế. A Lý Bất Ca đã lên ngôi Đại Hãn. Hội đồng Quý tộc họp bên sông Long Lý Hà, tấn phong A Lý Bất Ca rồi. Có lẽ nay mai y sẽ sai sứ đến đây báo tang và chiêu an. Hốt Tất Liệt giữ quân nghiêng nước, hồi Hiến Tông hoàng đế còn tại thế y đã muốn khuynh đảo người. Nay người băng, binh quyền trong tay, tất y sẽ đem quân tranh dành ngôi Đại Hãn với A Lý Bất Ca. Y cũng sẽ sai sứ đến báo tin.

– Ái chà!

– Trong quân của anh có rất nhiều tướng là chân tay của Hốt Tất Liệt, của A Lý Bất Ca. Bây giờ sứ giả báo tang chưa tới, anh phải họp chư tướng, dùng võ sĩ phục bên ngoài rồi tuyên bố mình là nước Bắc Liêu, không theo A Lý Bất Ca, cũng chẳng theo Hốt Tất Liệt. Ta giữ vùng này lập lại nước nước Bắc Liêu. Anh là Hãn (vua) nước Bắc Liêu này. Ai chống đối thì bắt giết ngay.

– Không được đâu! Không theo Hốt Tất Liệt, A Lý Bất Ca thì chúng sẽ cách chức anh, rồi đem quân tới. Anh không đủ sức đối chọi với một trong hai người này đâu!

– Em cam đoan không đứa nào dám làm thế!

– Lý của em thế nào?

– Hiện lực lượng hai đứa ngang nhau. Chúng lo chém giết nhau còn chưa xong, đâu dám gây với anh? Binh lực của anh tới 10 vạn kị, 15 vạn quân người Hán. Vùng anh trấn nhậm này là nơi bờ xôi giếng mật, lương thảo dư thừa. Văn võ quan của anh như một triều đình. Bây giờ anh không theo tên nào cả. Anh cứ án binh bất động. Anh cũng không nộp lương thảo cho đứa nào hết. Đợi chúng nó đánh nhau, sức lực cả hai kiệt quệ. Mình thấy bên nào yếu thì mình sai sứ đến đặt điều kiện bắt chúng phải phong cho anh làm vua Bắc Liêu, anh sẽ đem quân giúp. Trước thế nguy tất chúng phải chấp thuận.

Tháp Sát Nhi tuyệt không ngờ cô vợ quá trẻ, quá đẹp lại có thể kiến giải một vấn đề lớn lao sáng suốt như vậy. Ngay ngày hôm sau vị thân vương Mông cổ truyền họp toàn bộ tham mưu, họp văn võ quan trực thuộc báo tin Hiến Tông hoàng đế băng hà, A Lý Bất Ca lên ngôi Đại Hãn; Hốt Tất Liệt xưng đế lập triều Nguyên. Các tướng nổi lên những tiếng ồn ào. Kẻ tuyên bố Hốt Tất Liệt là chính thống, người thì cãi A Lý Bất Ca mới đúng là người kế vị.

Trung Thành vương khoát tay cho tất cả mọi người im lặng. Rồi ông nói lớn:

– Như đại vương Tháp Sát Nhi trình bầy thì cả Hốt Tất Liệt lẫn A Lý Bất Ca, không ai đáng là chính thống cả. Nếu chúng ta theo Hốt Tất Liệt thì Mông cổ trở thành tiểu quốc, chư hầu của triều đình nhà Nguyên Trung hoa. Ngược lại chúng ta theo A Lý Bất Ca thì chúng ta trở thành người phế trưởng lập thứ. Lão phu có một đề nghị. Bây giờ Mông cổ là một nước, Đại Nguyên là một nước. Taị sao chúng ta là Bắc Liêu phải thần phục họ, chém giết lẫn nhau? Chúng ta vẫn là một nước, thì bây giờ ta giữ nguyên là một nước.

Tất cả tướng sĩ im phăng phắc:

– Ta không theo ai cả. Ta theo Hoa lâm hay Đại đô thì cũng vẫn là anh em giết nhau. Vậy ta án binh bất động, rồi chờ xem sao đã! Ta là ta. Ta là Bắc Liêu hùng mạnh, trù phú. Ta hưởng thanh bình.

Các tướng có người muốn chống, nhưng thấy đây là giải pháp tốt, nên im lặng.

Cũng thời gian đó, tại thành Nhã Nam, Tổng hành doanh của đạo quân Mông cổ đánh vào miền Đông của Tống. Vào một buổi trưa, Bạch Liên nhận được thư do chim ưng mang tới. Nàng mở ra xem, thư của Đại Hành. Từ khi Thất liên bị đem cống cho Mông cổ, Đại Hành được cử theo để liên lạc giữa các nàng với nhau, giữa các nàng và Vũ Uy vương. Chính Bạch Liên nhận lệnh từ Vũ Uy vương khuyên Hốt Tất Liệt rời Trung nguyên về Hoa lâm. Trong những ngày ở Hoa lâm, giữa nàng với Đại Hành, chị chị, em em rất thân thiết. Nàng coi Đại Hành như một người em. Chính nàng ảnh hưởng vào Hốt Tất Liệt, nên Liệt tuyển Đại Hành vào chức Vạn phu trưởng, rồi Thanh Liên xin Mông Ca phong cho Đại Hành chức Phi mã đại tướng quân. Từ khi Hốt Tất Liệt được trở lại thống lĩnh mặt trận phía Đông, Đại Hành theo Mông Ca, tuy xa cách, nhưng chị em vẫn liên lạc thư tín với nhau. Bây giờ nhận được thư, nàng tưởng đâu thư bình thường. Không ngờ mở ra thì là thư tối quan trọng:

“ Chị Bạch Liên ơi! 
Em báo cho chị biết một tin buồn mà vui. Tin buồn là trong trận đánh Điếu ngư, Mông Ca bị trúng hai viên đá. Một vào đầu, một vào lưng. Điều trị trong ba ngày thì băng. Miếu hiệu là Hiến Tông hoàng đế. Trong khi nằm điều trị, Hiến Tông hoàng đế để di chiếu lại cho A Lý Bất Ca thay thế làm Đại Hãn. Vui là nếu như Đại vương Hốt Tất Liệt biết nhanh tay thì sẽ lên ngôi Đại Hãn. Chậm một chút thì thành một chư hầu! 
Như chị thấy, Hiến Tông hoàng đế dốc quân nghiêng nước đem vào Trung nguyên. Mà hầu hết lực lượng nằm trong tay Đại vương Hốt Tất Liệt. Nếu như chị khuyên Hốt Tất Liệt nhanh chóng đi đón tử quan của Hiến Tông hoàng đế, đoạt toàn bộ binh phù, ngọc tỷ, rồi nắm lấy quân thì cái ngôi Đại Hãn từ A Lý Bất Ca về Đại vương dễ dàng. Chị hãy bàn với Đại vương ngay. Một mai đại vương lên ngôi Đại Hãn ắt người sẽ phong chị làm hoàng hậu không chừng”. 

Bấy giờ, Hốt Tất Liệt đang hội nghị với Tể tướng Giả Tự Đạo tại Ngạc châu về việc ngừng chiến. Hành doanh ở Nam Trường giang. Từ Nhã Nam đi Ngạc châu mất hai ngày sức ngựa. Nàng không thể cáo ngay với Hốt Tất Liệt. Không biết bàn với ai, nàng gọi Hồng Nga tới dinh của mình. Nàng nói:

– Chị em mình được đưa sang đây với nhiệm vụ Tây Thi. Thành ra chúng mình không xen vào việc của chồng. Thế mà bây giờ hoàn cảnh đưa đến, chúng mình phải tham dự vào việc lớn đây.Tuy chồng chúng mình là người Mông Cổ, nhưng họ sủng ái chúng mình rất mực. Vì vậy mọi an nguy của chồng, mình phải quan tâm. Công danh địa vị của chồng mình phải vun xới.

– Chị nói rõ hơn. Công danh, địa vị của chồng dĩ nhiên chúng mình phải quan tâm, nhưng đó là cái vẻ phù ảo bên ngoài. Chúng mình phải lợi dụng địa vị của chồng, làm lợi cho Đại Việt.

– Chị biết. Chị đâu có quên nhiệm vụ này. Huống hồ cha mẹ chị đang được hưỡng hồng ân nơi quê nhà. Này em đọc thư của cậu em Đại Hành đi.

Bạch Liên trao thư của Đại Hành cho Hồng Nga. Là người thông minh nhất trong năm nàng Đông hoa. Chưa đọc thư vội, Hồng Nga xoa tay vào nhau:

– Cái cậu em Đại Hành tim bằng sắt, dạ bằng gang này nghe đâu hồi về thăm nước đã cưới cô bé bán bánh tôm xinh đẹp bên hồ Tây. Suốt từ ngày theo giúp chị em mình sang Mông cổ, lúc nào y cũng quan tâm đến chúng mình. Đúng là một cậu em hiếu thảo. Vụ này y báo cho chị, tức là y hết lòng với chúng mình. Nào, thư đâu, em đọc xem cu cậu nói gì?

Nàng cầm thư đọc xong nói:

– Mừng cho Đại vương đã thoát khỏi cái ách Mông Ca. Đại vương không có ở đây. Chúng ta đi tìm quân sư Diêu Khu ngay, xem phải hành sự như thế nào? Theo ý kiến của Đại Hành, cu cậu muốn Đại vương thành Đại hãn.

Bạch Hoa, Hồng Nga tìm gặp đệ nhất mưu sĩ của Hốt Tất Liệt là Diêu Khu. Nàng bảo Diêu Khu đuổi hết tùy tùng ra ngoài, rồi nói:

– Diêu quân sư. Có đại sự bàn với quân sư đây.

– Xin vương phi cứ dạy!

– Tôi được tin Mông Ca băng hà. Miếu hiệu là Hiến Tông hoàng đế. Hiến Tông hoàng đế để di chúc lại cho A Lý Bất Ca thay thế. Tôi tuy là đàn bà, nhưng tôi nghĩ không thể như thế được. Hiến Tông hoàng đế băng thì người lên ngôi Đại Hãn phải là Đại vương. Vậy quân sư hãy bàn với Đại vương, mau cử người đi đón tử quan của Đại Hãn, đoạt binh phù, ngọc tỷ, hầu nắm lấy toàn quân, rồi lên ngôi ngay. Chậm e không kịp.

– Hà! Khó đây! Phía trước Đại vương đang chong mặt với hùng binh Tống. Mà bây giờ người phải tranh phong với A Lý Bất Ca thì nguy lắm.

– Vì vậy tôi mới bàn với quân sư.

– Bây giờ thế này, trước hết Hồng Nga phu nhân cấp báo sự kiện cho phu quân là Phiêu kị đại tướng quân A Truật, vì chiều mai Truật phải đi gặp Đại vương. A Truật cáo với Đại vương, để người tùy nghi hành động.

Diêu Khu ngừng lại, rồi nói với vẻ cương quyết:

– Việc đón tử quan, nếu đợi Đại vương về thì đã trễ. Ta phải tùng quyền mà làm. Cứu binh như cứu hỏa. Binh phù, lệnh phù, cũng như tất cả văn kiện tuyệt mật của Đại vương để ở tẩm cung của đại vương. Nơi này là cấm địa, chỉ mình vương phi có thể vào. Xin vương phi lấy một đạo binh phù, rồi sai ngựa trạm phi bất kể ngày đêm trao cho Yên kinh hành trung thư tỉnh A Lý Hải Nha, thác rằng có lệnh chỉ của Đại vương, phải đem quân chặn ở Sơn tây, rước tử quan của Đại Hãn, đoạt lấy binh phù, ngọc tỷ. Mặt khác A Lý Hải Nha phát lệnh chỉ, binh phù đến các tướng cầm quân: giữ vững quân lữ, chỉ tuân chỉ của Đại vương mà thôi.

Bạch Liên vui vẻ:

– Thư phòng của Đại vương có đến 5 ổ khóa. Tất cả chìa khóa vương trao cho tôi giữ. Tôi có thể mở lấy binh phù, lệnh phù được.

Bạch Liên làm ngay. Nàng cùng Hồng Nga về dinh, lấy chìa khóa mở thư phòng của Hốt Tất Liệt. Trong thư phòng có tới 20 hộp đựng văn kiện, chứa 20 hồ sơ khác nhau. Không khó, nàng mở hộp đựng binh phù, lấy ra một thẻ, rồi gọi 2 tướng thân tín của Hốt Tất Liệt là Lưu Hắc Mã, Cao Bằng Tiêu:

– Đại vương có lệnh chỉ: hai tướng lấy ngựa phi bất kể ngày đêm đem binh phù này trao cho Tuyên phủ ty hành Trung thư tỉnh A Lý Hải Nha rằng phải làm như thế… như thế…

Hai tướng lên đường ngay.

Hồng Nga nghĩ ra một truyện. Nàng nói với Bạch Liên:

– Trước đây Thăng long có lệnh chỉ cho chúng mình bằng mọi giá phải dò cho ra sách lược của Mông Ca, của Hốt Tất Liệt về Đại Việt. Về sách lược Mông Ca thì chị Thanh đã tóm lược, rồi trao cho Đại Hành. Đại hành gửi về Thăng long. Còn sách lược của Hốt Tất Liệt thì chúng mình mù tịt, vì chị em mình không được tham dự việc bàn quân cơ. Nguyên do Thăng long đã ban chỉ rằng: xung quanh A Lý Bất Ca, Mông Ca, Ngột A Đa, Tháp Sát Nhi toàn mưu sĩ Mông cổ, Tây vực, là những vùng đàn bà được tham dự triều chính. Còn xung qunh Hốt Tất Liệt toàn những người Hán, hay những người dùng Hán pháp. Họ luôn kỳ thị đàn bà. Họ luôn nghi ngờ đàn bà, vì vậy chúng mình phải đề phòng.

– Đúng thế. Cho nên chị không biết gì về những sứ đoàn của Hốt Tất Liệt gửi sang Đại Việt.

– Bây giờ là dịp bằng vàng, để chúng ta biết những gì Thăng long muốn biết. Chị em mình lục trong hộp có chữ Giao chỉ vụ thì ra ngay.

– Ừ nhỉ.

Hai người mở hộp Giao chỉ vụ. Những chỉ dụ, thư tín bên trong dầy tới hơn hai gang tay. Một cuốn sổ nhỏ tóm lược sự kiện, đánh số các tài liệu theo thứ tự năm, tháng.

Hai người mở ra đọc:

  • Tập thứ nhất, tóm lược lịch sử An Nam từ khi lập quốc tới khi Ngột Lương Hợp Thai đem quân vào cướp. Trong ghi rõ dân số, tài nguyên, tổ chức cai trị, binh bị. Lại chép cả hành trạng các vương hầu.
  • Tập thứ nhì chép lệnh chỉ của Hốt Tất Liệt cho Ngột Lương Hợp Thai đem 5 vạn Kị binh Mông cổ cùng 5 vạn hàng binh Đại lý đánh Đại Việt. Lệnh chỉ nói rõ: vì Mông cổ đang đánh Tống bằng ba mặt Tứ xuyên, Tương dương, Ngạc châu. Cần mở mặt trận đánh vào sau lưng Tống, và đánh vào bờ biển. Nhưng Mông cổ chỉ có Kị binh, không có Thủy quân. Xét binh bị Đại Việt, Thủy quân rất mạnh. Bằng mọi giá Ngột Lương Hợp Thai phải chinh phục Đại Việt, rồi dùng hàng binh, thủy quân, lương thảo Đại Việt đánh Tống.

* Tập thứ ba chép bang giao Mông cổ Đại Việt. Có tới 20 sứ đoàn do Hốt Tất Liệt gửi qua Đại Việt.

Hồng Nga, Bạch Liên đọc tiếp:

Sứ đoàn thứ nhất: Đại vương (chỉ Hốt Tất Liệt ) sai Ngột Lương Hợp Thai chinh An Nam. Bị đại bại chạy về Đại lý (Vân Nam), Đại vương nhân danh Đại hãn (Mông Ca) sai sứ sang dụ An nam quốc vương sang chầu, gửi con sang làm con tin. An Nam đuổi sứ về. Nhưng vẫn gửi sứ đoàn do Lê Phụ Trần làm trưởng, Chu Bác Lãm làm phó. Sứ đoàn tới Yên kinh. Đại vương không có mặt ở Yên kinh. Tuyên phủ ty (một triều đình do Hốt Tất Liệt lạm quyền lập ra ở Trung nguyên) sai ngựa trạm cáo với Đại vương. Đại vương ban chỉ định lệ ba năm cống một lần. (ĐVSKTT, bản kỷ, q5, NS, An nam truyện, Hiến tông bản kỷ)

Sứ đoàn thứ nhì, Đại vương nhân danh Đại hãn sai Nột Lạt Đinh (Nur Ud Dĩn) là người Tây vực, mang chiếu thư sang An Nam. Chỉ dụ cho sứ đe dọa: “Trước đây trẫm sai sứ sang thông hiếu, các người giam giữ trói trong ngục đến chết. Vì vậy mới có cuộc xuất quân, khiến chúa nước người phải chạy ra vùng thôn quê. Ta lại sai hai sứ sang, các người trói đuổi về. Nay ta sai đặc sứ sang, nếu các ngươi một lòng nội phụ thì quốc chủ phải thân đến chầu. Nếu như các người không sửa lỗi thì nói rõ cho ta biết” (NS q.209 An Nam truyện, ĐVSKTT, q5)

Hồng Nga cười nhạt:

– Cái vụ này do Hốt Tất Liệt Lạm quyền, nên y không biết vụ Đại Việt cử Vũ Uy vương với chúng mình sang sứ với Mông Ca. Đại Việt biết rõ y lạm quyền, cười thầm, không trả lời.

– Sứ đoàn thứ ba, Đại vương không dấu diếm việc muốn tách Trung nguyên ra khỏi Mông cổ. Vương đã lập Trung thư tỉnh Tuyên phủ ty 12 bộ. Trong khi Đại vương ở Quan trung thì Tuyên phủ ty, sai Lễ bộ lang trung Mạnh Giáp sung chức An nam tuyên dụ sứ; Lễ bộ viên ngoại lang Lý Văn Tuấn sung chức phó sứ sang lôi kéo An Nam vào phe vương, chống Mông ca. Chiếu thư dụ như sau: phàm mũ áo, điển lệ, phong tục cứ theo chế độ cũ của các người, không phải thay đổi… ta đã cấm các biên tướng Vân Nam không được tự tiện đem quân xâm lược nước người. Vua tôi, sĩ thứ các người cứ yên tâm làm ăn nhu cũ. Ta cử Nột Lạt Đinh (Nur Ud Dĩn) sang làm Đạt Lỗ Hoa Xích.

Dụ cho hai sứ đòi Đại Việt tăng đồ cống, tuân theo 6 điều là: 
  1. Một là đích thân quốc vương phải vào chầu,
  2. Hai là đem trưởng nam làm con tin,
  3. Ba là kê biên dân số,
  4. Bốn là phải chịu quân dịch,
  5. Năm là phải nộp thuế, lương thảo.
  6. Sáu là nhận Đạt lỗ hoa xích (Đa gu ra tri).

Đồ cống phú phải nộp

  • Cống người:
– Nho sĩ 3 người,

– Thầy thuốc 3 người
– Người giỏi âm dương, chiêm bốc, 3 người.
– Các loại thợ mộc, thợ nề, thợ kim hoàn, thợ may, thợ, thợ rèn, mỹ nữ. Mỗi loại 3 người.

  • Cống phẩm vật:
– Dầu tô hợp, quang hương, trầm hương, đàn hương,

– Vàng, bạc, chu sa, ngà voi, đồ sứ, lụa, gấm,
– Sừng tê, đồi mồi, trân châu.

An Nam biết rõ mưu của Tuyên phủ ty, chúng xảo trá tiếp sứ ân cần, nhưng phớt lờ các điều kiện. Hai sứ bị Câu khảo cục đóng gông đem về giam ở Yên kinh. Bọn A Nan Đáp Nhi, Lưu Thái Bình vin vào cớ này giải tán Tuyên phủ ty gồm 12 bộ.  (NS q4, Thế tổ bản kỷ)

Hồng Nga tức quá chịu không được, nàng chửi đổng:

– Xảo quyệt! Lúc này là lúc Hốt Tất Liệt đang bị giải binh quyền. Thế mà bọn mưu sĩ Tuyên phủ ty vẫn trơ mặt đá, sai sứ sang ta. Hai tên sứ này bị Lưu Thái Bình gông cổ, giam ở nhà ngục Yên kinh.

– Sứ đoàn thứ tư, Tháp Sát Nhi bị Tống đánh bại tại Ngạc châu. Đại Hãn truyền Đại vương trở lại Trung nguyên thay y. Vừa từ Hoa lâm tới Yên kinh, người truyền Tuyên phủ ty sai một sứ đoàn sang An Nam. Sứ đoàn gồm 13 người. Trưởng đoàn là người Tây vực Mã Hợp Bộ (Mahmũd).

– Chỉ dụ: phải thực hoạnh họe bất cứ cớ gì tìm ra. 
– Hạch sách: tại sao An Nam quốc vương nhường ngôi cho con mà không có chiếu chỉ xin trước?  
– Chỉ dụ: cần hạch sách, đòi cho được cống phẩm,   
– Chỉ dụ: bắt thi hành 6 điều, nhất là phải nhận Đạt lỗ hoa xích.  
Vua tôi bọn An Nam không coi sứ ra gì, chúng đồng ý nộp đồ cống phẩm, nhưng không nộp người. Không chịu nhận Đạt lỗ hoa xích. Nhưng sau đó Quang Bính  (chỉ vua Trần Thái Tông)  sai Dương An Dưỡng đi sứ, đến Yên kinh dâng lên Đại hãn ba đạo biểu. Bấy giờ Đại hãn đang đánh Tứ xuyên, Đại vương đang vây Ngạc châu. Tuyên phủ ty sai mang ba đạo biểu tới Ngạc châu. 
Đạo thứ nhất: nói về tiến dâng phương vật, 
Đạo thứ nhì: xin miễn cống người. 
Đạo thứ ba: xin cho Nột Lạt Đinh (Nur ud Dĩn) làm Đạt Lỗ Hoa Xích. 
Nột Lạt Đinh cùng tùy tùng 42 người được gửi sang An Nam. Chúng cấp nhà cho ở, sai người hầu hạ, nhưng đó là những tên Tế tác. Sứ đoàn liên lạc với bọn thương gia Hồi. Nhưng bọn An Nam xảo trá ngầm cấm dân Việt không được giao dịch mua, bán, thậm chí nói truyện với bọn Hồi với sứ đoàn.   (NS q209, An Nam truyện)

Hai nàng tiếp tục đọc:

– Sứ đoàn thứ năm, Khu mật viện nhận được thư của hai thân vương An Nam. Cả hai cùng xin làm nội ứng nếu Thiên quốc kéo quân sang.

Hồng Nga ớn gia gà, nổi gai ốc, chỉ vào tập tư liệu than:

– Oái cha mẹ ôi! Tên của hai thân vương này đánh dấu bằng hình tròn và vuông! Không biết là ai? Nếu như vậy thì quốc kế Tây thi bị lộ hết. E 11 chị em mình sẽ bị giết chết.

Hai người đọc tiếp:

– Thân vương Vuông cung cấp tin rằng Nột Lạt Đinh cũng như sứ đoàn bị gài bẫy, bị mua chuộc. Người của sứ đoàn đeo hổ phù đi lại trong Thăng long, chúng sai võ sĩ giả làm kẻ vô lại móc túi ăn cắp hết vàng bạc, kể cả Hổ phù. Sứ đoàn lâm cảnh túng thiếu. Chúng giả nhân, giả nghĩa sai bọn thương gia giầu có cho vay không lãi, rồi hứa cho không để mua chuộc. Người sứ đoàn đi tìm kỹ nữ chúng âm thầm sai các chủ kỹ viện cung cấp cho những kỹ nữ bị bệnh Dương Mai, để truyền bệnh* Chúng lại cho con gái đẹp làm tình nhân của Nột Lạt Đinh, rồi lại sai kẻ vô lại xưng là chồng đánh ghen. Sự việc đưa đến Phủ thừa Thăng long xử. Nhận được tin này Đại vương nổi giận sai cách chức Nột Lạt Đinh, cử Hốt Long Hải Nha (Qurung Qaya) sang thay thế. 

Ghi chú

  • Dương mai, một loại bệnh hoa liễu, rất thông dụng, thường truyền qua đường giao hoan nam nữ. Tiếng Việt bình dân gọi là Giang mai. Tiếng Pháp là syphilis.
Dương là họ của Dương quý phi. Quý phi tên thực là Dương Thái Trân, người đất Lạc thủy, tiểu tự Ngọc Trân, nhan sắc tuyệt thế. Giỏi ca, múa. Được tuyển làm phi của Lộ vương Hoàn, con trai thứ 18 của Đường Huyền tông. Được Huyền Tông gọi vào cung làm nữ quan, rồi được sủng ái, phong làm quý phi. Do đó cha, anh được trọng dụng, quyền nghiêng nước. An Lộc Sơn làm loạn, Huyền Tông chạy vào đất Thục. Khi tới Mã ngôi, Lục quân không chịu tiến, nại cớ vì Quý phi, cha, anh mà có loạn, đòi xứ tử tất cả. Huyền Tông đành xử tử tất cả tông tộc họ Dương. Phi bị thắt cổ chết. Xác vứt bên thác. Tương truyền quân sĩ thấy xác chết đẹp, thay nhau hãm hiếp rồi bị bệnh, lây cho nhau chết đến hơn nghìn người. Đời sau gọi bệnh đó là Dương phi mai quế, hoặc gọi tắt là Dương mai. Người Việt đọc trại đi thành Giang mai. 
Thời trước chưa có kháng sinh, khi bị bệnh này thì coi như án tử hình. Tiếng bình dân Việt Nam có nhiều tên gọi: 
Con chim có sữa, để chỉ bệnh gây cho đường tiểu tiện chảy mủ. 
– Một tiếng gọi cha, ba tiếng gọi chó, khi người bị bệnh, lúc tiểu tiện bị xót, rên: cha ơi! rồi tặc lưỡi ba lần như gọi chó. 
Ngày nay trị bệnh này rất giản dị. Thuốc trị bệnh này hiệu nghiệm nhất là họ Pénicilline. 

– Sứ đoàn thứ sáu, Hốt Long Hải Nha mang chiếu thư sang. Chiếu thư thống mạ bọn An Nam:

“ Trẫm đọc tất cả các tờ biểu của người. Người thường dùng chữ Thượng Hạ Nhất Gia. Nay Nột Lạt Đinh trở về tâu rằng người ra lệnh cấm không cho dân chúng giao đàm với sứ đoàn, với người Hồi hột. Thế thì cái nghĩa của Thượng Hạ Nhất Gia ra thế nào? Nghĩa vua tôi như cha con. Lẽ nào con lại trái với vua cha như thế ư? Nếu trẫm không nói ra thì không thành thực. Người nên nghĩ cho phải để không trái đạo với trẫm.”. 
Tuy nhiên bọn An Nam vẫn cứng đầu. Đại vương lại được tin do thân vương Tròn báo rằng An Nam gửi hai hiệu binh thiện chiến tới 5 vạn người cùng mấy chục vạn hộc gạo ngon, cá khô, thịt khô, tôm khô sang trợ Tống tại mặt trận Tứ xuyên. Người chỉ huy hai hiệu binh này là con trưởng của Quang Bính, tên Trần Nhật Duy tước phong Vũ Uy vương. Y thuộc loại tài trí ngang với Hưng Đạo vương. Đại vương ban chỉ cho Tuyên phủ ty: trong khi mình chưa thể đem quân sang đánh chúng, thì cứ sai sứ sang đe dọa, không cho chúng yên. 

Tư liệu Giao chỉ vụ đến đây thì hết.

Bạch Liên bảo Hồng Nga:

– Em tóm lược các sự kiện, rồi giữ trong mình. Ta tìm dịp gửi về nước. Triều đình phải theo dõi để biết hai thân vương mà viên Mật thư tỉnh sự đánh dấu bằng hình Vuông và Tròn lài ai?

– Này em!

– Dạ!

– Hồi ở Văn sơn, cô Kim Bình đã dậy chúng mình 10 nụ cười để bắt nai. Từ hồi sang đây chúng mình từng áp dụng mà thành công. Bây giờ chúng mình cần xử dụng nhiều hơn, sao tìm cho ra hai tên thân vương khả ố Vuông, Tròn.

– Em nghe lời chị.

– Trong các mưu sĩ của Hốt Tất Liệt, có một người chúng ta nên nhờ ông theo dõi xem hai tên khả ố Vuông, Tròn là ai?

–?!?!?!

– Vương Văn Thống.

– Có phải nhạc phụ của Lý Đảm, với Yết Kiêu không?

– Đúng vậy. Trong dịp đem cháu ngoại về Yên kinh làm con tin. Ông ta được Hốt Tất Liệt tiếp kiến. Hốt Tất Liệt hỏi ông về kế sách định thiên hạ. Ông ta ứng đối như mây trôi, như nước chảy. Ý kiến của ông hợp với Hốt Tất Liệt. Ông được Hốt Tất Liệt phong làm Tham tri chính sự Tuyên phủ ty. Tức phó tể tướng.

– Hiện ông ta ở đâu?

– Tại bản doanh của Hốt Tất Liệt, đang dóng ở Ngạc châu.

Hồng Nga trở về gặp A Truật, giữa lúc viên tướng này đang chuẩn bị lên đường tới Ngạc châu. Nàng kể cho chồng nghe về diễn biến Mông Ca chết. A Truật vội vã lấy ngựa đi trong đêm. Y đến Ngạc châu vào buổi chiều hôm ấy; tìm đến doanh Hốt Tất Liệt giữa lúc Hốt Tất Liệt hội tham mưu vừa xong. Trong buổi nghị hội này, Hốt Tất Liệt đã cùng các mưu sĩ quyết định:

“ Ngày mai nghị với Tể tướng Tống là Giả Tự Đạo, Mông cổ cương quyết giữ vững lập trường là không trả 10 châu, 144 thành ở Nam Trường giang cho Tống. Tống không chịu thì Mông cổ quyết hạ Ngạc châu”. 

Bây giờ nghe A Truật tường trình nội vụ Mông Ca. Lập tức Hốt Tất Liệt với các mưu sĩ tất cả đổi hẳn thái độ. Vương Văn Thống nói lớn:

– Đại vương! Đúng luật lệ thì Đại vương là con thứ của tiên đế, khi Mông Ca băng thì Đại vương phải được kế vị. A Lý Bất Ca không thể nhận ngôi Đại hãn. Đây Mông Ca để di chúc trái luật lệ, Đại vương không cần tuân theo. Tuy biết là di chiếu thực, nhưng mình cứ cãi rằng khẩu thiệt vô bằng. Di chiếu thực là di chiếu viết. Trong di chiếu thì Đại Hãn truyền ngôi cho Đại vương. Hoàng hậu, tuyên phi, thái tử bị A Lý Bất Ca khống chế, nên dấu di chiếu thực, rồi nói rằng chỉ có di chiếu miệng.

Ông nhấn mạnh:

– Đại vương mau phái binh qua ngả Sơn Tây đón tử quan của Mông Ca, đoạt binh phù, ngọc tỷ, rồi hội tướng sĩ lên ngôi Cửu ngũ. Nếu A Lý Bất Ca chịu thần phục thì thôi. Còn như y chống lại, thì Đại vương đem quân về Hoa lâm, bắt y thoái vị.

Liêm Hy Hiến thêm vào:

– A Lý Bất Ca đang ngồi cầm quyền ở chính quốc. Bây giờ có di chiếu của Mông Ca, thì ắt y lên ngôi Đại Hãn. Sẽ có rất nhiều thân vương, đại thần, tướng lãnh theo y. Dù muốn dù không, Đại vương cũng phải đem quân về Hoa lâm tranh phuông với A Lý Bất Ca.Trong khi trọng binh của chúng ta phải vây Ngạc châu. Chúng ta không thể chịu được hai mặt trận một lúc. Trong hai mặt trận thì mặt trận A Lý Bất Ca là lẽ sống của Đại vương. Vậy Đại vương nên buông mặt trận Tống. Ngày mai, khi nghị với Tống, Đại vương giả kò kè đòi thêm vàng, bạc, gạo, lụa đổi lấy mình đồng ý trả hết đất cho Tống, lấy sông Trường giang làm biên giới. Như vậy Tống ắt vui lòng. Ta yên tâm rút quân, quay lên Bắc tranh thắng với A Lý Bất Ca.

Hốt Tất Liệt chấp nhận mưu của Vương Văn Thống, Liêm Hy Hiến; lập tức phát binh phù sai tướng cầm về Yên kinh trao cho Hành trung thư tỉnh A Lý Hải Nha.

A Truật khải:

– Trong lúc Đại vương không có nhà. Vương phi Bạch Liên nhận được tin, sợ rằng khi Đại vương biết thì A Lý Bất Ca đã truyền lệnh chỉ đến các đạo quân, các hành tỉnh. Vì vậy phi đã tùng quyền lấy binh phù, sai hai tướng Lưu Hắc Mã, Cao Bằng Tiêu, đi Yên kinh rồi.

Từ khi Bạch Liên được Hốt Tất Liệt tuyển làm thứ phi, các mưu sĩ, thân vương, tướng lĩnh chỉ thấy nàng là một thiếu phụ ôn nhu văn nhã, xinh đẹp, suốt ngày ngồi học tiếng Mông cổ, học chữ Hán; không bao giờ xen vào việc của chồng như các bà phi khác; thảng hoặc họ có lỗi, bị Hốt Tất Liệt trừng phạt thì nàng tìm đủ lý lẽ xin chồng ân xá cho họ. Vì vậy những người xung quanh Hốt Tất Liệt đều kính nể nàng như một thiên tiên. Nay họ thấy nàng tùng quyền làm một truyện mà không ai dám tưởng tượng nổi. Họ càng thêm kính phục.

Nghe A Truật trình, Hốt Tất Liệt chắp tay hướng lên trời:

– Đa tạ trời đã sai nàng xuống trợ giúp tôi.

Sáng hôm sau, cuộc nghị hòa giữa Hốt Tất Liệt với Giả Tự Đạo diễn ra trong không khí cởi mở. Mới hôm trước Mông cổ đòi giữ 10 châu, 144 thành, mà nay lại không đòi nữa. Điều ước rất lợi cho Tống:

  1. Mông cổ đồng ý trả lại Tống 10 châu 144 thành ở Nam Trường giang.
  2. Mông cổ rút quân về Bắc, lấy sông Trường giang làm biên giới hai bên.
  3. Việc đi lại trên sông thì Tống kiểm soát giũa sông về Nam. Mông cổ kiểm soát giữa sông về Bắc.
  4. Mỗi năm, Tống phải nộp cho Mông cổ: năm vạn lượng bạc, hai vạn lượng vàng. Mười nghìn tấm lụa. Bốn trăm nghìn hộc gạo trắng.
  5. Tống không được trả thù gia đình những người Hán từng theo Mông cổ, làm quan với Mông cổ tại 10 châu, 144 thành.
  6. Mông cổ phải rút quân khỏi 10 châu, 144 thành trong vòng 20 ngày kể từ ngày ký. Tất cả các cuộc giao tranh chấm dứt sau 30 ngày ký.

Thế là thỏa ước Ngạc châu trong lich sử được ký ngay. Một bữa tiệc linh đình do Tống thiết đãi hai phái đoàn.

Rời bàn hội nghị, Hốt Tất Liệt cùng chư tướng sai ngựa trạm đi báo cho tất cả các đạo quân Mông cổ ở 11 châu, 144 thành ở Nam Trường giang rút về Bắc ngạn. Vương gọi Vương Văn Thống, Diêu Khu, Hách Kinh, A Truật, Liêm Hy Hiến cùng Bạch Liên lên dường về Yên kinh. Vương chỉ đem theo một bách phu Thị vệ người Hán hộ tống. Khi còn cách Yên kinh 100 dặm, thì đã thấy một vạn phu dàn ra nghênh tiếp. A Lý Hải Nha cùng 16 Thượng thư của Tuyên phủ ty đón chào. Không cần Hốt Tất Liệt hỏi. A Lý Hải Nha tâu:

– Khi được lệnh chỉ của Đại vương do Lưu Hắc Mã, Cao Bằng Tiêu mang tới. Thần điều ngay một vạn phu, gốc người Mông cổ với Lý Hằng lên đường đón tử quan của Đại Hãn, đoạt Ngọc tỷ, binh phù. Hiện chưa có tin tức gì. Ngoài ra thần đã phát lệnh tới 266 hành tỉnh, đô đốc, dĩ chí các vạn phu trưởng giữ vững quân lữ, không nghe bất cứ lệnh nào khác. Nếu có sứ thần của A Lý Bất Ca tới thì bắt giải về Yên kinh ngay.

Hốt Tất Liệt đưa mắt nhìn Bạch Liên như muốn nói:

– Khanh thực là người minh mẫn.

A Lý Hải Nha cho thiết triều tại điện Quang minh.

Vương Văn Thống tâu trình:

– Đại Hãn Mông Ca là con cả của tiên đế băng thì đương nhiên Đại vương là con thứ sẽ lên thay. Chắc chắn Mông Ca hãn đã để di chiếu cho Đại vương kế vị. Nhưng chân tay của A Lý Bất Ca dấu đi, rồi bịa ra rằng Đại Hãn không để di chiếu viết mà chỉ có di chiếu miệng cho ba người hiện diện là hoàng hậu, tuyên phi và thái tử. Mông Ca hãn là người cẩn thận, vì vậy không lý nào người bị thương ba ngày mới băng, mà ba ngày đó người không sai soạn di chiếu. Vậy ngay bây giờ Đại vương với chúng tôi về Khai bình, rồi tôn Đại vương lên ngôi. Không cần đại hội Quý tộc tôn phong. Cũng không cần Ngọc tỷ, cung lệnh của Thành Cát Tư Hãn nữa.

Nghe Vương Văn Thống thiết kế, Bạch Liên nghĩ thầm:

– Hỏng bét, nếu Đại vương nghe theo kế này thì Mông cổ bị chia làm hai nước, sẽ không có nội chiến, thì Hốt Tất Liệt sẽ an tâm diệt Tống, đánh Đại Việt. Mình phải cản.

Nghĩ vậy nàng nở nụ cười Cúc hoa nhật mộ, (Hoa cúc về chiều), nói:

– Quân sư ơi! Ý kiến của quân sư dù Khổng Minh sống lại cũng phải khen. Thưa quân sư, nếu chúng ta làm như lời của quân sư thì xong việc ngay. Nhưng chúng ta làm thế thì Đại vương chỉ có vùng Trung nguyên thôi. Trong khi Đại vương là người tài trí, là con thứ của tiên đế. Đại vương phải có Ngọc tỷ, cung lệnh thì Đại vương mới khiến cho các Hãn vùng Tây vực, các Hãn vùng Thảo nguyên quy phục. Đại vương mới có cả lãnh thổ Mông cổ khắp cả gầm trời mênh mông! Tuy nhiên kế của quân sư vẫn phải dùng. Trước hết Đại vương về Khai bình lên ngôi Cửu ngũ như Cao tổ nhà Hán, nhà Đường, rồi Đại vương chỉ cờ về Hoa lâm bắt A Lý Bất Ca cúc cung xưng thần. Đại vương phải là một Đại Hãn vĩ đại.

Nghe Bạch Liên nói trúng ý mình. Hốt Tất Liệt gật đầu:

– Ta phải là người kế vị của Mông Ca, thừa hưởng công nghiệp của đại đế Thành Cát Tư Hãn.

Hách Kinh đề nghị:

– Trong khi chờ Lý Hằng, Lưu Hắc Mã, Cao Bằng Tiêu đem tử quan, Ngọc tỷ, lệnh phù, binh phù của Đại hãn về, Đại vương phải gửi sứ đi khắp các chư hầu báo tang, báo việc Đại vương lên ngôi.

Hốt Tất Liệt ban chỉ cho A Lý Hải Nha:

– Người điều động Tuyên phủ ty làm ngay đi.

A Lý Hải Nha tâu:

– Khi Lưu Hắc Mã, Cao Bằng Tiêu đem lệnh phù về, thần và Tuyên phủ ty đã làm rồi.

Hốt Tất Liệt, Diêu Khu, Hách Kinh, Liêm Hy Hiến đưa mắt nhìn Bạch Liên, họ cùng nghĩ như nhau:

– Từ trước đến giờ ai cũng nghĩ rằng bà phi này chỉ có sắc đẹp như hoa, ca múa, nói năng ngọt ngào. Ai ngờ khi hữu sự lại hành sự như một Tể tướng.

Hai hôm sau, bọn Lý Hằng, Ô Mã Nhi, Lưu Hắc Mã, Cao Bằng Tiêu trở về Yên kinh. Bốn người tâu rằng viên vạn phu trưởng trở cờ theo Tuyên phi Thanh Liên, nên chúng thất bại, không cướp được tử quan, ngọc tỷ. Chúng bị bắt, may được một tướng Việt theo hầu Tuyên phi, đêm cắt dây trói thả ra, với lời nhắn: Đại vương không cần Ngọc tỷ, chẳng cần Hội đồng quý tộc tấn phong, phải lên ngôi Đại hãn ngay, rồi kéo quân về Hoa lâm hạ A Lý Bất Ca xuống.

Hốt Tất Liệt hỏi Bạch Liên:

– Viên tướng này ở Hoa lâm mà lòng dạ ở Đại đô. Phi có biết tên viên tướng Việt này là gì không?

– Y tên Nguyễn Địa Lô. Đây là một người tài trí phi thường, xạ, ngự, thư số đều thông.

Hốt Tất Liệt nghĩ thầm:

– Tại An Nam, ta đã có hai tên thân vương theo ta, cung cấp tin tức cho ta. Sau này có dịp ta sẽ ban chỉ truất phế tên Quang Bính, rồi phong cho một trong hai tên làm An Nam quốc vương. Ta sẽ có những đạo binh thiện chiến, những hạm đội hùng hậu đánh Tống. Bây giờ ta có người nằm trong tim, trong gan A Lý Bất Ca âm thầm theo ta.

Nhà vua ban chỉ cho viên Mật thư tỉnh sự:

– Hãy ghi công người này, để sau ta sẽ phong thưởng cho y.

Hốt Tất Liệt, ban chỉ: tất cả văn quan, võ tướng, 16 thượng thư thuộc Tuyên phủ ty phải lên đường đi Khai bình, làm lễ lên ngôi Đại Hãn.

Nhưng vương chưa khởi hành thì có sứ giả của A Lý Bất Ca từ Hoa lâm tới báo tang Đại Hãn Mông Ca băng hà. Được tôn thụy hiệu là Tuyên Túc hoàng đế, miếu hiệu là Hiến Tông. Sứ giả cũng cáo tri việc hoàng đệ A Lý Bất Ca lên ngôi Đại Hãn. Hội đồng Qúy tộc họp tại sông Long Lý Hà tấn phong A Lý Bất Ca.

Hốt Tất Liệt nổi giận hò hét định chém đầu sứ giả. Vương Văn Thống khuyên:

– Đai vương nên tự chế, để hỏi sứ giả một số tin tức.

Hốt Tất Liệt nghe theo. Vương trầm tĩnh lại hỏi:

– A Lý Bất Ca có chỉ dụ gì khác không?

Sứ giả trao chỉ dụ của tân Đại Hãn A Lý Bất Ca, tấn phong Đại vương cho Hốt Tất Liệt. Chỉ cũng phong tất cả văn võ bách quan thăng lên một bậc. Chỉ lệnh cho Hốt Tất Liệt thống lĩnh mặt trận phía Đông; Tháp Sát Nhi thống lĩnh mặt trận phía Bắc; Mật Lý Hỏa Giả, thống lĩnh mặt trận Tứ xuyên. Tất cả ngừng tiến quân trong ba tháng. Đại Hãn sẽ có chỉ dụ mới.

Sau khi tra hỏi sứ giả về việc những Hãn nào theo A Lý Bất Ca, Hãn nào chống y? Hốt Tất Liệt hỏi chi tiết về việc Thanh Liên tấn phong, trao Ngọc tỷ, cung lệnh cho A Lý Bất Ca.

Cho sứ giả ra ngoài.

Bạch Liên tâu:

– Dù sao thì A Lý Bất Ca cũng chiếm được tiên cơ, chiếm được chính thống. Sự thể như thế thì Đại vương không cần tới cái hội đồng Quý tộc, cũng không cần tới cái ngôi Đại Hãn nữa. Đại vương về Khai bình làm lễ đăng quang, lên ngôi hoàng đế, tuyên cáo thành lập nước Đại nguyên, lấy Yên kinh làm Đại đô. Biến Tuyên phủ ty thành một triều đình, đổi Tuyên phủ ty thành Nội các với 16 bộ. Tại các châu, thành lập Bình chương chính sự hành tỉnh. Lại mang binh phù tới các đạo quân trên khắp Trung nguyên, Cao ly, Hồi cương, Tây tạng, Đại lý, An Nam, Chiêm thành chỉ tuân lệnh Đại nguyên Hoàng đế mà thôi.

– Nàng thực đúng là quân sư của ta!

Hốt Tất Liệt ban chỉ cho sứ giả của A Lý Bất Ca:

– Người về tâu với em ta rằng, mai này ta lên ngôi Hoàng đế, sẽ sắc phong cho y làm Quốc vương Mông cổ. Y phải tuân phục ta.

Ngay ngày hôm đó, Hốt Tất Liệt kéo văn võ quan Trung thư tỉnh đi Khai bình làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng đế. Lễ đăng quang bắt chước theo lễ đăng quang của Đường Cao tổ, Tống Thái tổ, định y phục cho các quan, lấy quốc hiệu là Đại Nguyên . Chữ Nguyên dùng ý trong kinh dịch: Càn tai! Đại Nguyên . Lấy năm đó là Trung Thống thứ nhất, với ý nghĩa: Chính thống của Trung quốc . Trung là Trung thổ. Thống là Chính thống.

Ghi chú

 Kể từ đây tôi dùng từ Trung Thống hoàng đế thay cho từ Hốt Tất Liệt. 

Thế là nước Đại nguyên trong lịch sử Trung hoa được khai sáng, không còn là Mông cổ, không còn bị gọi là bọn rợ Thát đát nữa. Suốt chiều dài lịch sử Trung quốc cho đến nay (2005), các triều đại, các sử gia, các văn nhân coi Đại nguyên là triều đình của Hoa hạ, không phải bị Mông cổ chiếm đóng, cai trị. Tộc Hán trên toàn Hoa hạ hớn hở coi Đại Nguyên như triều Hán, Đường, Tống. Các danh sĩ, võ lâm theo Đại Nguyên không còn bị coi là Hán gian nữa. Do vậy Hốt Tất Liệt dễ dàng đem quân diệt Nam Tống.

Về nội cung, Trung Thống hoàng đế phong chánh phi tước hoàng hậu. Nhớ công lao của Bạch Liên nhà vua phong cho nàng tước Nguyên phi. Nghĩa là phi chỉ thua có hoàng hậu thôi.

Việc đầu tiên của Trung Thống hoàng đế là sai sứ tới tất cả các tướng, các Hành tỉnh, các nước chư hầu báo tin lên ngôi. Phong chức tước cho các quan văn võ. Triều Nguyên sai sứ tới Hoa lâm phong cho Đại Hãn A Lý Bất Ca tước Mông cổ quốc vương. Mông cổ đang là đại quốc, Trung hoa là thuộc quốc, bây giờ Trung hoa trở thành Thiên quốc, Mông cổ trở lại phiên quốc như thời Liêu, Kim.

Trung Thống hoàng đế vẫn hận vụ y sai Ngột Lương Hợp Thai đánh Đại Việt, bị bại. Y sai sứ sang Đại Việt đòi triều đình tuân theo sáu điều. Nhờ tin tức của Bạch Liên báo cho Đại Hành. Đại Hành tâu về triều. Nên sứ giả của Hốt Tất Liệt đi đi, về về, nườm nượp khi thì trách móc, khi thì đòi cống vật, khi thì hăm dọa; mà triều đình Đại Việt áp dụng ngoại giao cù nhầy là sai sứ sang từ chối tuốt tuột tuồn tuốt đòi hỏi của y. Mà y đành ngậm tăm.

Mối quan tâm nhất của Đại Hãn A Lý Bất Ca cũng như hoàng đế Trung Thống là Sát Tháp Nhi. Bởi vùng trấn nhậm của vị vương này là lãnh thổ của nước Liêu xưa kia, thêm lãnh thổ của Thát Đát, và một phần lãnh thổ Trung nguyên. Vùng này nằm sát nách Hoa lâm và Thượng đô tức Yên kinh. Vương được Mông Ca phong cho vừa trấn nhậm về quân sự, lại cai trị về chính sự độc lập như vua một nước, có triều đình riêng. Vương đóng đô trong thành Thẩm dương. Vùng cai quản của vương là vùng tài nguyên súc tích, bờ xôi, giếng mật. Cả hai sai sứ lên đường đi Thẩm dương ngay. Sứ giả của Đại hãn A Lý Bất Ca, của hoàng đế Trung Thống cùng tới Thẩm dương một lúc. Tháp Sát Nhi mật nghị với Trung Thành vương Trần Tử An, với vương phi Hồng Liên. Trần Tử An khuyên:

– Ta không cho hai sứ gặp nhau. Ta tiếp từng sứ một, rồi sẽ quyết định.

Tháp Sát Nhi truyền thiết triều rồi mời sứ của A Lý Bất Ca vào.

Lễ nghi tất.

Tháp Sát Nhi hỏi:

– Sứ tới đây có việc gì?

– Khải vương gia, triều đình sai thần tới báo tang Đại Hãn Mông Ca băng hà, tôn thụy hiệu là Tuyên Túc hoàng đế, miếu hiệu là Hiến Tông. Đại Hãn A Lý Bất Ca được di chúc của hoàng đế Hiến Tông, đã lên ngôi.

Thấy chồng có vẻ muốn ngả theo A Lý Bất Ca, Hồng Liên hỏi sứ giả:

– Khi sứ chưa tới, chúng tôi đã biết hết những gì diễn ra ở Hoa lâm, ở Yên kinh. Này, trước đây tiên đế băng thì hội đồng Quý tộc tôn con trưởng của người là Mông Ca lên kế vị. Nay Mông Ca hãn băng thì con thứ của tiên đế là Đại vương Hốt Tất Liệt sẽ đương nhiên kế vị. Tại sao hội đồng Quý tộc lại tôn A Lý Bất Ca là con thứ ba lên thay?

Sứ giả trình:

– Khải vương phi! Do di chiếu của Hiến Tông hoàng đế, chỉ định hoàng đệ A Lý Bất Ca kế vị.

– À thì ra thế. Di chiếu đó do ai soạn? Bằng chữ Hán hay chữ Thổ phồn? Chữ Tây hạ?

Ghi chú

Mông cổ hồi đầu là một bộ tộc có vũ dũng, mà không có văn hóa, không có chữ. Khi đánh chiếm Nãi man, Thành Cát Tư Hãn dùng văn tự của nước này. Khi chiếm Tây hạ, ông dùng chữ Tây hạ. Khi chiếm các nước Trung Đông, Nga sô, Đức, ông dùng văn tự các nước này. Cuối đời ông chỉ dùng văn tự Thổ phồn ( Tây tạng), Tây hạ và Hán.


Crypto.com Exchange

Hồi (1-61)


<