Truyện Tiên Hiệp

Truyện:Độc thủ phật tâm - Hồi 83

Độc thủ phật tâm
Trọn bộ 88 hồi
Hồi 83: Chùa Thiếu Lâm Hào Kiệt Đòi Kinh
5.00
(2 lượt)


Hồi (1-88)

Lúc này Từ Văn chỉ sơ tâm một chút thôi là đưa Hoàng Minh vào chỗ tắt hơi liền. Từ Văn cố nhịn nỗi đau lòng chàng nhẫn nại đem chân nguyên bản thân từ từ trút vào người Hoàng Minh.

Chỉ trong khoảnh khắc Hoàng Ming giương cặp mắt thất thần, chuyển động tròng mắt lúc này Từ Văn không nhẫn nại được nữa liền lớn tiếng gọi:

- Đại ca! Đại ca! Tiểu đệ là Từ Văn đây mà đại ca cố gượng lên.

Chàng vừa gọi nước mắt vừa tuôn ra xối xả. Cặp mắt thất thần của Hoàng Minh dừng lại trên mặt Từ Văn. Hồi lâu dường như gã đã nhận ra người ngồi trước mặt là ai, da mặt gã co lại mấy lần gã gắng sức máy môi dường như muốn nói gì mà không phát ra tiếng được. Cặp mắt gã lờ đờ mà còn biểu lộ mối đau khổ vô cùng. Từ Văn tiếp tục tiếp chân nguyên vào trong người Hoàng Minh chàng chỉ hy vọng gã nói được một câu rồi sẽ chết.

Sau một lúc miệng của Hoàng Minh nói lên thanh âm rất yếu ớt như tiếng muỗi vo ve cơ hồ nghe không rõ:

- Lệnh đường... Lệnh đường...

Từ Văn nghe gã đề cập đến mẫu thân thì trong lòng chàng se lại hô hấp cũng đình chỉ. Chàng hấp tấp khẽ hỏi:

- Đại ca! Gia mẫu làm sao? Gia mẫu làm sao?

Tiếng chàng biến thành tiếng khóc rất khó nghe, Hoàng Minh nói được mấy tiếng nhát gừng:

- Độc kinh.. Thiếu Lâm tăng..

Trái tim của Từ Văn cơ hồ muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Độc kinh là vật trí bảo truyền đời của bản môn, ngoài việc vâng lời sư tổ thanh lý môn hộ chàng còn phải tìm cách thu hồi nửa pho Độc kinh. Chàng nóng nảy hấp tấp hỏi:

- Độc kinh làm sao? Có phải đã lọt vào chùa Thiếu Lâm rồi không?..

Hoàng Minh bỗng nghẹo đầu qua một bên gã tắt hơi rồi.

Từ Văn khác nào sảy chân rớt xuống hang sâu muôn trượng toàn thân chàng trơ ra như gỗ đá. Hoàng Minh chết rồi để lại cho chàng một vụ bí mật không sao hiểu được.

Thế là hai tên đồ đệ của Diệu Thủ tiên sinh Tưởng Úy Dân đã vì chính nghĩa võ lâm hy sinh tính mạng hết.

Không biết thời gian đã trải qua bao lâu Từ Văn mới bật lên tiếng khóc thất thanh, đây là lần đầu chàng khóc đến nước mắt đầm đìa, chàng khóc để vơi đi những nỗi bi ai thống thiết trong lòng. Giữa chàng và Hoàng Minh mới kết bạn chưa đầy một năm mà gã đối với chàng như thể tay chân. Chàng tự hỏi:

- Ai đã động thủ giết Hoàng Minh. Nếu quả là người vì mục đích cứu mình hạ thủ mà không xét rõ thân thế y đã hạ thủ thì y chết một cách rất oan uổng. Trời ơi! Ta không giết Hoàng Minh nhưng Hoàng Minh đã vì ta mà chết.

Trong cái đau khổ còn thêm cái hối hận thành ra nỗi đau khổ tăng lên bội phần, kẻ đầu tội vụ này là Ngũ Phương giáo chủ.

Từ Vă đứng thộn ra hàng giờ rồi chàng lau nước mắt đứng dậy đào một cái huyệt để an táng Hoàng Minh. Chàng lại lấy phiến đá làm bia mộ rồi dùng chỉ lực khắc vào hàng chữ "Minh huynh Thiểm Điện Khách Hoàng Minh chi mộ" phía dưới chàng đề "Minh đệ là Từ Văn dựng bia này". Chàng sợ thi thể của Hoàng Minh bị xâm phạm, chàng liền đưa tàng bốn cái xác chết kia ra chỗ khác không đắp thành mộ và cũng không dựng bia chỉ phủ ít lá khô rồi lấp đất lại.

Mọi việc xong xuôi Từ Văn trở lại trước mộ Hoàng Minh ngồi xuống đất âm thầm suy nghĩ miệng chàng lẩm bẩm mấy câu:

- Lệnh đường... Độc kinh.. Thiếu Lâm tăng..

Rồi chàng tự hỏi:

- Thế là nghĩa gì? Phải chăng mẫu thân đã thoát khỏi tay bọn ma đầu và đem Độc kinh đi?

Nhưng còn ba chữ Thiếu Lâm tăng thì giải thích thế nào cho hợp lý? Nơi đây không phải là phạm vi của chùa Thiếu Lâm và Thiếu Lâm xưa nay không can thiệp vào những vụ thị phi trong võ lâm. Môn đồ của phái này giữ môn quy rất nghiêm cẩn.

Chàng nghĩ lui rồi lại nghĩ tới:

- Thiếu Lâm tăng, Độc kinh? Tất nhiên Độc kinh đã lọt vào tay nhà sư chùa Thiếu Lâm, Hoàng Minh là đại dồ đệ của Diệu Thủ tiên sinh, nghề lấy cắp của y tinh thông rất mực, hay là y đã lấy trộm được Độc kinh rồi sau bị nhà sư chùa Thiếu Lâm cướp mất. Bọn họ năm người gặp sát thủ rồi một nhà sư Thiếu Lâm nào đó chợt qua đây phát hiện Độc kinh liền tiện tay nhấc lấy. Cũng có thể nhà sư chùa Thiếu Lâm kia đã hạ thủ giết người vì mục đích đoạt lấy Độc kinh. Chàng ở trong hốc cây trị thương nhân lúc đêm tối nên không biết gì đến việc bên ngoài. Tóm lại vụ bí mật này phải do miệng một nhà sư nào nói ra mới được.

Từ Văn lại nghĩ:

- Độc kinh thì không thể để lọt vào tay người ngoài. Hoàng Minh có nhắc đến mẫu thân mình nhưng vụ này không có cách nào suy đoán được. Bây giờ hãy phanh phui vụ bí mật Thiếu Lâm tăng rồi sẽ tính đến. Dĩ nhiên mấu chốt là ở nhà sư chùa Thiếu lâm, nhưng gã chỉ nói Thiếu Lâm tăng nên mình không biết được là một người hay nhiều người. Âu là ta phải đến chùa Thiếu Lâm hỏi cho ra.

Quyết định rồi chàng lập tức hành động, mục đích chàng đi chuyến này là còn để đòi nợ máu Ngũ Phương giáo. Ngũ Phương giáo ở sau núi Tung Sơn chùa Thiếu Lâm ở mặt trước vậy cũng là nhất cữ lưỡng tiện không có điều chi trở ngại.

Từ Văn đứng lên quay mặt về phía mả mới Hoàng Minh cất giọng bi ai khấn:

- Đại ca! Đại ca nằm đây mà yên giấc ngàn thu, tiểu đệ đi đây. Nhất định tiểu đệ sẽ điều tra cho ra vụ án này để đại ca chết được nhắm mắt.

Chàng nói tới đây nước mắt lại chảy ra đầm đìa làm mờ cả thị tuyến, chàng bi thương quá đỗi nức nở lên mấy tiếng. Từ Văn ai điếu lần cuối cùng người minh huynh rồi lên đường lớn mà đi.

Nhiều nỗi bi thương khiến chàng quên cả nhọc mệt, quên cả đói khát tiếp tục hành trình không ngớt. Chàng không dám ngừng lại lức nào vì chỉ sợ ruột gan phát điên.

Hôm ấy vào khoảng giờ Ngọ chàng đến trước cửa sơn môn chùa Thiếu Lâm.

Hai nhà sư đứng tuổi chạy ra, một vị chắp tay hỏi:

- Thí chủ giá lâm tệ tự có việc gì?

Từ Văn lạnh lùng đáp:

- Tại hạ muốn ra mắt Chưởng môn quý tự.

Nhà sư hỏi:

- Thí chủ muốn gặp tệ Chưởng môn ư?

- Đúng thế!

Nhà sư nhắc lại câu hỏi:

- Xin thí chủ cho hay vì việc gì?

Từ Văn gạt đi:

- Về điểm này hòa thượng bất tất phải hỏi làm chi.

Nhà sư có vẻ khó chịu nhưng vẫn hỏi:

- Tiểu tăng tưởng cần phải biết rõ việc gì để bẩm báo.

- Hòa thượng cứ nói là tại hạ vào ra mắt.

- Cách xưng hô thí chủ thế nào đây?

- Tại hạ là Địa Ngục thư sinh Từ Văn.

Hai nhà sư biến đổi sắc mặt bất giác lùi lại mấy bước vẻ khủng khiếp lộ ra ngoài mặt.

Từ Văn bị bao nhiêu nỗi bi phẫn, oán hờn hành hạ nhưng chàng lại nghĩ mình cũng là một bậc tôn trưởng trong môn phái cho nên phải nghĩ đến chữ lễ. Thực ra trog lòng chàng cực kỳ nóng nảy không hề nhẫn nại.

Chàng liền nói tiếp:

- Tại hạ không thể chờ lâu được.

Hai nhà sư liền không nói gì nữa quay gót lại chạy như bay vào trong chùa. Từ Văn thủng thẳng cất bước đi theo những bậc đá đi vào. Chàng mới vào đến trước cửa chùa thì một vị lão tăng ra đón, chàng mới nhìn đã nhận ra là Nhất Tâm đại sư mà chàng đã gặp vào dịp hội Vệ Đạo lập đàn. Hiện giờ Nhất Tâm đại sư là trụ trì tại La Hán đường chùa Thiếu Lâm.

Chàng liền chắp tay thi lễ nói:

- Kính chào đại sư.

Nhất Tâm địa sư trong lòng kinh nghi đảo mắt nhìn Từ Văn chắp tay đáp lễ trịnh trọng hỏi:

- Thí chủ quang giáng có điều chi dạy bảo?

Từ Văn đáp:

- Tại hạ muốn yết kiến quý Chưởng môn để điều tra một vụ công án.

Nhất Tâm đại sư kinh ngạc hỏi:

- Công án ư?

- Đúng thế!

- Xin mới thí chủ hãy vào nhà khách dùng trà đã.

Lão nói xong nghiêng mình nhường lối, Từ Văn cũng chắp tay đáp:

- Xin mời đại sư.

Rồi chàng không khiêm nhượng nữa hiên ngang tiến vào, chàng xuyên qua điện Hộ Pháp Di Đà vào tới trước điện. Tri Khách tăng (nhà sư chuyên việc tiếp khách) vội chạy ra nghinh tiếp, nhà sư này ngó Nhất Tâm đại sư một cái rồi dẫn Từ Văn vào căn nhà mé tả nói:

- Xin mời thí chủ vào nhà khách dùng trà.

Từ Văn nghĩ bụng:

- Mình vào đây nào phải làm khách khứa gì đâu.

Chàng lạnh lùng đáp:

- Xin miễn cho, vì tại hạ có việc gấp bên mình không thể chờ lâu được.

Nhất Tâm đại sư rảo bước đến trước mặt Từ Văn ngập ngừng hỏi:

- Theo ý thí chủ..

Từ Văn ngắt lời:

- Tại hạ muốn bái kiến quý Chưởng môn nhân ngay.

- Thí chủ có thể đem việc đó nói cho lão tăng hay được không? Nếu lão tăng có thể giải quyết thì bất tất phải kinh động đến tự Chưởng môn.

Từ Văn đáp:

- Tại hạ e rằng đại sư không thể chủ trương được.

Nhất Tâm đại sư biến sắc nói:

- Thí chủ thử nói nghe không hề chi mà.

Từ Văn nói ngay:

- Trong quý tự có người cướp kinh sát nhân.

Nhất Tâm đại sư chấn động tâm thần lùi lại hai bước dài hỏi:

- Cướp kinh, sát nhân ư?

Từ Văn động nỗi bi thương thanh âm chàng lộ đầy sát khí đáp:

- Đúng thế!

Nhất Tâm đại sư hỏi:

- Xin hỏi cướp kinh gì và đã giết ai?

- Họ cướp nửa pho Độc kinh và giết năm tên sứ giả trong Ngũ Phương giáo.

Nhất Tâm đại sư la lên:

- Ủa! Có việc đó ư?.. Thí chủ có tận mắt trông thấy không?

- Gần như trông thấy vì có người trong lúc hấp hối đã thổ lộ ra..

- Lão tăng chẳng biết gì hết.

- Vì thế mà tại hạ mới cầu kiến quý Chưởng môn.

Nhất Tâm đại sư hỏi:

- Thí chủ tới đây với tư cách gì?

- Tư cách cá nhân.

Nhất Tâm đại sư ngẩn người ra một chút rồi vẫy tay Tri Khách tăng nói:

- Vào bẩm với Chưởng môn.

Tri khách tăng trở gót đi ngay, Nhất Tâm đại sư quay lại nhìn Từ Văn nói:

- Xin thí chủ chờ cho một chút.

Chẳng mấy chốc Tri khách tăng lật đật chạy ra nói:

- Bẩm trụ trì, Chưởng môn ra đại điện tiếp khách.

Nhất Tâm gật đầu rồi nói với Từ Văn:

- Xin thí chủ đi theo lão tăng.

Từ Văn đi tới trước Đại Hùng bảo điện thì thấy một vị lão tăng bảo tướng trang nghiêm mình mặc áo cà sa màu vàng tươi. Phía sau nhà sư già này có mười hai tăng nhân trẻ tuổi khí vũ uy mãnh chàng chắc đây là bọn đệ tử Hộ pháp. Nhất Tâm đại sư tiến lên kính cẩn thi lễ xong rồi đứng sang một bên. Từ Văn tiến lại gần chắp tay thi lễ nói:

- Tại hạ là võ lâm hậu học Từ Văn xin tham kiến pháp giá.

Chưởng môn Thiếu Lâm thanh âm như tiếng chuông đồng cất lên:

- Thí chủ miễn lễ. Xin cho lão tăng hay bản ý tới đây có chuyện gì?

Từ Văn đáp:

- Mấy bữa trước đây trên đường Toại Bình có kẻ cướp kinh giết người. Theo lời một trong những nhân vật bị nạn lúc lâm tử thổ lộ thì đó là hành vi của môn hạ quý tự. Vì vậy mà tại hạ tới đây bái yết xin Chưởng môn tra xét vụ này.

Thiếu Lâm chưởng môn chau mày nói:

- Hay là thí chủ nghe lầm chăng?

Từ Văn cất giọng cực kỳ lạnh lẽo đáp:

- Quyết không có điều đó, tại hạ xin chắc lời nói của kẻ sắp chết không phải là giả dối.

- Bản tòa có thể nói trước với thí chủ là những đệ tử của bản môn không khi nào làm việc đó.

- Chưởng môn nói vậy không quá tự tin ư..

Chưởng môn Thiếu Lâm ngắt lời:

- Vì gần đây trong bản môn không có một tên đệ tử nào xuất ngoại..

- Chẳng lẽ không có một vị sư nào ở ngoài ư?

- Có thì có đấy, đại khái như thủ tòa Hộ pháp là Trưởng lão Ngộ Nguyên mà có thể làm được việc đó ư?

Từ Văn hững hờ đáp:

- Cái đó khó nói lắm.

Chưởn Môn Thiếu Lâm thay đổi sắc mặt lớn tiếng:

- Thiếu thí chủ không tin bản tòa chăng?

Từ Văn hỏi lại:

- Tại hạ xin hỏi Ngộ Nguyên đại sư đã về chùa chưa?

- Về sáng sớm hôm nay.

Từ Văn khẽ đằng hắng một tiếng rồi hỏi:

- Có thể mời đại sư ra đây nói chuyện được chăng?

Thiếu Lâm chưởng môn khẽ vẫy tay một cái một tên đệ tử hộ pháp đứng ở sau lưng đi ngay. Chớp mắt một vị lão tăng lông mày trắng bạc thái độ uy mãnh từ trong điện bàn đi ra, còn ở xa xa lão đã đảo mắt ngó Từ Văn rồi tiến vào nhìn Chưởng môn thi lễ hỏi:

- Chưởng môn tuyên triệu đệ tử có pháp dụ gì?

Thiếu Lâm chưởng môn đem lời Từ Văn lượt thuật một lượt, Ngộ Nguyên đại sư niệm phật hiệu rồi nói:

- Đệ tử hoàn toàn không biết gì về vụ này.

Từ Văn lại cảm thấy ngọn lửa vô hình bốc lên ngùn ngụt, chàng chắc chắn lời nói của Hoàng Minh không thể sai sự thật mà Ngộ Nguyên đại sư lại về chùa vào sáng sớm hôm nay là thời gian rất thích hợp. Vậy mà lão vẫn chối phăng. Từ Văn trong lòng nghĩ vậy liền lạnh lùng hỏi:

- Chưởng môn nhân đối với vụ công án này chỉ trả lời có vậy thôi ư?

Thiếu Lâm chưởng môn lộ vẻ không bằng lòng nặng lời hỏi lại:

- Theo ý thí chủ thì bản tòa phải trả lời như thế nào?

- Xin Chưởng môn nhân hãy giao trả Độc kinh trước.

- Độc kinh ư? Bản tòa lấy đâu ra mà trả?

Từ Văn cũng xẵng giọng:

- Cái đó Chưởng môn tự hỏi mình là biết.

Chưởng môn Thiếu Lâm tuy đã dày công hàm dưỡng mà cũng không nhẫn nại được nổi giận đùng đùng lớn tiếng hỏi:

- Có phải thí chủ định tới đây kiếm chuyện chăng?

Từ Văn trừng mắt lên đáp:

- Chưởng môn muốn nói thế nào cũng được.

Trụ trì tăng ở La hán đường là Nhất Tâm đại sư cũng tức giận lên tiếng:

- Thí chủ có mục đích gì xin nói ra hà tất phải dùng kiếm ra chuyện vu vơ để làm nguyên cớ.

- Đại sư nói vậy thì ra tại hạ tới đây quấy rối một cách vô lý chăng?

- Cái đó thí chủ tự biét rồi.

Từ Văn lớn tiếng hỏi vặn:

- Chẳng lẽ một người sắp chết còn đặt lời để vu oan cho quý tự chăng?

Nhất Tâm đại sư nói:

- Có phải thí chủ nói những người bị chết là năm tên sứ giả vào hạng cao thủ của Ngũ Phương giáo không?

- Đúng thế!

Nhất Tâm đại sư hỏi:

- Hẳn thí chủ cũng biết rõ là bản lãnh những người đó cao hay thấp rồi?

- Cái đó đã hẳn.

Nhất Tâm đại sư hỏi vặn lại:

- Nếu vậy lực lượng của năm tên sứ giả mà hợp lại thì phỏng trên chốn giang hồ có bao nhiêu tay cao thủ giết được hết bọn họ?

Từ Văn không khỏi ngẩn người ra, chàng nghĩ bụng:

- Lão nói đúng, năm tên Ngũ Phương sứ giả mà hợp lực thực hiếm có người mà sát hại được.

Nhất Tâm đại sư nói vậy là có ý cho chàng hay là công lực của thủ tòa Hộ pháp Ngộ Nguyên đại sư không thể giết được năm tay cao thủ ở cấp bậc sứ giả của Ngũ Phương giáo.

Nhưng chàng lại nghĩ:

- Việc trong thiên hạ không thể lấy thường tình mà xét đoán, trong vụ này hẳn có điều chi ngoắt nghéo. Điều mà chàng tin cậy nhất là Hoàng Minh không khi nào nói dối.

Nhất Tâm đại sư lại nói tiếp:

- Xin hỏi thí chủ! Năm tên sứ giả đó đã chết trong tình trạng nào?

Từ Văn lại một phen chưng hững, bốn người thì bị chết về chất độc còn Hoàng Minh thì bị kiếm đâm về chất độc và kiếm pháp đều không phải là những môn sở trường của phái Thiếu Lâm. Chàng nghĩ vậy rồi cho là nếu mình nói ra sẽ bị đối phương bài bác, nhưng chẳng lẽ lại không nói nên chàng cứ sự thực đáp:

- Bốn người chết về chất độc còn một người thì bị kiếm đâm.

Thiếu Lâm chưởng môn lạnh lùng nói:

- Tiểu thí chủ! Cứ theo trường hợp bị nạn của mấy người dó thì kiếm pháp không phải là môn sở trường của đệ tử bản phái, nhất là chất độc lại phạm vào cấm lệ.

Từ Văn không biết nói sao nhưng chàng vẫn chưa cam lòng, vụ bí mật này chàng quyết định phài khám phá cho được mới nghe, vì Hoàng Minh đã chết rồi thì chẳng thể xuống cửu tiyền để hỏi y cho biết rõ, chỉ có một bằng cớ duy nhất là y đã thổ lộ ba chữ "Thiếu Lâm tăng".

Từ Văn ngẫm nghĩ một chút rồi quay qua Ngộ Nguyên đại sư hỏi:

- Đại sư không biết gì thật chăng?

Ngộ Nguyên đại sư không ngăn được tức giận liền hỏi lại:

- Thí chủ! Thí chủ nói vậy là quá mức, lời nói của bậc Chưởng môn chí tôn ở tệ tự mà không đủ tin ư?

Từ Văn hững hờ đáp:

- Nhưng tại hạ cũng cương quyết là lời nói của kẻ hấp hối không thể sai được.

Ngộ Nguyên đại sư hỏi:

- Thế ra thí chủ cứ đổ việc này cho tệ tự hay sao?

- Qúy tự cần đưa ra lời phúc đáp hợp lý mới xong.

Ngộ Nguyên đại sư nói:

- Nếu không thì sao?

Từ Văn hững hờ đáp:

- Tại hạ cần biết rõ chân tướng vụ này mời thôi.

Ngộ Nguyên đại sư tức giận hỏi:

- Thí chủ định làm gì?

Từ Văn mắt lộ sát khí:

- Đại sư nên nghĩ tới hậu quả.

Thiếu Lâm chưởng môn vẫy tay để ngăn Ngộ Nguyên đại sư lại rồi trang nghiêm nói:

- Để bản tòa triệu tập hết thảy đệ tử bản môn để điều tra kỹ lưỡng rồi trong vòng tuần nhật trả lời được chăng?

Từ Văn hỏi lại:

- Qúy tự đã không có người ở ngoài thì cuộc triệu tập có thể thực hành ngay hà tất phải lâu đến hàng tuần?

Thiếu Lâm chưởng môn nói:

- Sở dĩ bản tòa nói không có người ở ngoài là chỉ vào những hạng đệ tử có bản lãnh, còn những đệ tử bậc dưới thì dĩ nhiên họ phải ra ngoài chứ?

Từ Văn ngần ngừ không quyết được mà đối phương đối đáp rất hợp tình hợp lý, có điều để kéo dài vụ này ra làm mười ngày thì e rằng lại thêm lắm chuyện. Độc kinh đã không thể nào lọt vào tay kẻ khác lâu ngày huống chi theo lời di ngôn của Hoàng Minh thì không chừng nó còn liên quan đến mẫu thân nữa.

Giữa lúc ấy Tri Khách tăng lật đật chạy vào đến trước mặt Chưởng môn kính cẩn thi lễ nói:

- Bẩm Chưởng môn! Có một vị thí chủ tự xưng là Thiên Nhãn Thánh Thủ xin vào ra mắt.

Từ Văn chấn động tâm thần tự hỏi:

- Sao Tưởng thế thúc cũng đến chùa Thiếu Lâm.

Thiếu Lâm chưởng môn trầm ngâm một lúc rồi hỏi lại:

- Vị đó nói rõ là muốn gặp bản tòa hay sao?

Tri khách tăng đáp:

- Đúng thế!

Thiếu Lâm chưởng môn hỏi:

- Ngươi đã hỏi đối phương đến đây có việc gì chưa?

- Vị đó nói là có việc gấp cần gặp chưởng môn.

- Được rồi! Ta sẽ tiếp iến gay.

Từ Văn không nhịn được nữa liền xen vào:

- Vị Thiên Nhãn Thánh Thủ đó có quen biết với tại hạ chắc y đến đây cũng vì vụ này.

Thiếu Lâm chưởng môn chú ý nhìn Từ Văn một lát rồi nói:

- Mời y vào đây.

Tri Khách tăng thi lễ rồi lui ra. Lát sau một thầy lang đạo tay phải cầm xâu nhạc, trên vai vác một bị thuốc nách bên trái cắp một cái bọc to tướng thủng thẳng đi vào.

Từ Văn nhìn ra thì đúng là Diệu Thủ tiên sinh Tưởng Úy Dân đã hóa trang. Tưởng Úy Dân vừa nhìn thấy Từ Văn cũng không khỏi kinh ngạc la lên một tiếng:

- Ô kìa!

Rồi nghi hoặc hỏi:

- Ngươi làm sao cũng đến đây?

Dĩ nhiên Từ Văn không muốn tiết lộ lai lịch của Tưởng Úy Dân chàng chắp tay thi lễ rồi lạnh lùng đáp:

- Tại hạ cũng có việc mới tới đây may gặp được các hạ.

Tưởng Úy Dân không nói gì nữa tiến lên mấy bước đặt cái bọc lớn xuống rồi nhìn Thiếu Lâm chưởng môn chắp tay nói:

- Tại hạ là Thiên Nhãn Thánh Thủ xin tham kiến Chưởng môn.

Thiếu Lâm chưởng môn hỏi:

- Xin thí chủ miễn lễ, thí chủ đến đây có điều chi dạy bảo?

Tưởng Úy Dân nói:

- Có một việc cực kỳ quan trọng xin thỉnh giáo Chưởng môn.

Thiếu Lâm chưởng môn nói:

- Xin thí chủ cho nghe.

Tưởng Úy Dân nói:

- Xin Chưởng môn hãy coi cái này đã.

Lão nói xong cúi xuống cởi bao ra, mọi người có mặt tại trường đều bật tiếng la hoảng:

- Úi chao!

Crypto.com Exchange

Hồi (1-88)


<